Thứ Năm, 23 tháng 6, 2016

CÂY NGỌC LAN TRONG VƯỜN


Xuống tới bậc hiên, cô Ngân đứng lại như vừa sực nhớ một điều gì quan trọng, cô ngoắt tôi đến, vỗ vai dịu dàng, ngần ngừ một lát, đoạn cúi xuống nói khẽ:

– Có ai tới thăm cô, con thưa với họ rằng cô có việc gấp phải đi. Nhớ nghe!

– Dạ.

Ra tới cổng cô Ngân còn quay lui cười mỉm như thầm nhắc lại lời dặn. Tôi nhẹ gật đầu, chia sẻ nụ cười cởi mở kia. Hôm nay trông cô dễ thương và thân mật, không còn đeo bộ mặt nghiêm khắc lạnh lùng thường ngày nữa. Hú vía!

Buổi mai mát dịu. Trời đất đang có vẻ vào thu, thoáng buồn mang mang. Nắng gầy đi, phai sắc nhạt màu. Những phiến nắng mềm mại vàng hoe nằm chen với bóng lá trên mặt đất còn ẩm hơi sương, vỡ ra chút cảm giác lành lạnh tê tái nơi đầu ngón chân vô tình dẫm lên. Tôi đi thơ thẩn quanh vườn, thăm dò lục lọi những trái lựu, mãng cầu cuối mùa còn sót lại trên cành. Cây ổi sẻ mỡ gà, cây khế ngọt đã có nhiều chiếc lá vàng úa héo. Mai mốt đây, vườn sẽ thôi xanh, lá nhuốm bệnh về chiều, lá âm thầm rụng thâu đêm, sáng mai lá chết phơi xác đầy sân, khổ sở tôi phải cầm lên cây chổi ra vườn như người phu đào huyệt cầm cuốc xẻng vào nghĩa trang.

Trên ngọn ngọc lan, con chim nào đó bỗng ngứa cổ hót lên dăm tiếng trong trẻo. Tiếng chim quen thuộc kích thích trí óc tôi, như mời mọc tôi hãy bắt chước giọng nó, hót theo. Im đi một lúc, chờ đợi (?), con chim lại trỗi giọng cũ, lần này nghe giục giã bồn chồn hơn. Tôi bước nhẹ đến gốc cây dõi mắt tìm kiếm nhưng mãi vẫn không thấy tăm dạng bóng chim. Tiếng hót ngưng bặt đột ngột.

Tôi thở mùi hương ngọc lan tỏa dịu trong không khí ủ hơi nước, lòng khoan khoái, muốn ngà ngà say. Đã qua rồi những ngày hè khô nóng, hương ngọc lan bị nắng đốt lên ngào ngạt gay gắt đến nỗi cô Ngân phải kêu nhức đầu. Những lúc đó, mũi cô chun lại khụt khịt một cách khổ sở, chân mày nhíu lấy nhau tạo ra hai nếp gấp giữa sơn căn; trông cô nhăn nhó như một bà già cay cú, vậy mà có người khen đẹp, ví với cái nhăn mặt của Tây Thi!

Ông nội bảo tôi cùng tuổi với cây ngọc lan này. Mười bốn năm, nó bỏ tôi đứng thấp lè tè dưới đất để vươn cao lên trời, trổ hoa tỏa hương đùa sương giỡn gió thỏa thuê. Nó đâu biết ba bốn năm nay ngày ngày tôi phải mang nước cho nó uống, quét dọn từng chiếc lá cuống hoa nó ném xuống bừa bãi.

Lúc nào ông nội cũng tỏ ra quý mến chăm sóc cây ngọc lan còn hơn lo lắng cho con cháu. Bởi, khắp vùng này chưa nhà nào trồng được. Mỗi lần có bạn đến, ông ân cần mời một chén trà đặc biệt có ướp hương ngọc lan, lòng thầm hãnh diện trước những lời trầm trồ khen thưởng của khách. Khách muốn được xem cây, như chỉ chờ đợi bao nhiêu đấy, ông tôi vồn vã đứng dậy mời khách ra vườn ngay. Dù mang danh là lan nhưng ngọc lan không mềm mại ẻo lả như các loại lan giò treo lủng lẳng trước cửa. Nó thuộc lớp thân mộc, cao lớn suông đuột như cây cột, chẳng có vẻ thẩm mỹ như cái tên nó mang. Thoạt nhìn, khách bỡ ngỡ, bao nhiêu điều tưởng tượng về hình dáng cây hoa nầy đều sai lạc, trái ngược cả. Chừng đoán hiểu được ý khách, ông tôi cười ý nhị, bênh vực:

– Thật không ngờ, với cái thân hình thô thiển thế nầy, nó lại cho mình những nụ hoa thơm danh tiếng.

Pha trà cho ông tôi xong, tôi mang chổi ra quét dăm chiếc lá khô trên lối đi lát gạch trong vườn. Tiếng chim hồi nãy lại trỗi lên líu lo, có vẻ mừng vui hớn hở hơn. Dường như, có đến hai giọng chim đang đối đáp nhau. Chắc chúng vừa gặp nhau sau bao tìm kiếm chờ đợi? Tiếng hót càng rộn rã như muốn tôi dừng tay lắng nghe. Ừ, tôi đang nghe đây. Cứ hót đi khúc nhạc lứa đôi hồn nhiên thần thánh. Cứ truyền nhau hơi ấm thơm tho, mùa thu sắp về rồi kìa, những đám mây bàng bạc đang che lấp mất bầu trời thênh thang của bạn. Như nghe thấu những ý nghĩ khích lệ trong đầu tôi, như ngây ngất với mùi hương ngọc lan nồng đượm, đôi chim đắc ý hót lên lanh lảnh hân hoan. Tiếng hót hòa âm với nhau vang động cả màu lá xôn xao, trong hơi gió mai thổi lất phất. Tôi buông chổi rón rén bước đến gốc cây đưa mắt tìm kiếm nhưng vẫn không thấy bóng chim. Tiếng hót ngưng bặt.

Cổng mở, cô Ngân lách mình vào, nụ cười nở sẵn trên môi:

– Biết quét sân nữa hả? Ngoan ghê!

– Cô đi mau vậy?

– Ừ, chút xíu việc, xong rồi. Không ai đến chứ?

– Dạ không thấy.

Cô gật gù đầu, như hài lòng với mình điều gì, đoạn quay gót bước thoăn thoắt vào nhà, tay đong đưa cái xách, mặt hớn hở tựa kẻ vừa đi xa về. Lát sau, tiếng nhạc vang lên từ phòng cô nhè nhẹ, trầm trầm. Mơ hồ, tôi nghe có giọng cô hát theo lạ la là la lá là la…

Cổng lại mở, một người thanh niên lạ bước vào, dáng ngập ngừng như thể định thối lui. Do dự một lát, anh ta cố làm ra vẻ bạo dạn, bình tĩnh bước tới, nét mặt trang bị một niềm tự tin gượng gạo. Đến thẳng trước hàng hiên, nhìn thấy cánh cửa đóng, anh ta tần ngần ngó quanh, bàn tay đưa lên ngang người như định gõ cửa, nhưng bỗng nhiên buông thõng xuống nặng nề. Tiếng nhạc từ phòng cô Ngân vẫn êm ả uốn mình lượn lờ bay ra, quấn quít lấy anh. Người thanh niên nghiêng tai chăm chú nghe, khuôn mặt tươi lên một nét vui kín đáo. Anh ta lấy thuốc ra mồi lửa, nhả khói, dựa lưng vào cột trụ, bộ tịch tự nhiên như một người quen, yên tâm chờ cánh cửa mở ra mà không cần đưa tay lên gõ? Dăm phút trôi qua, anh vẫn đứng yên vậy ngó xuống cái gói cầm trên tay bằng ánh mắt trìu mến. Rồi anh ta đến bên gốc ngọc lan nhìn lên cành lá, vói tay ngắt một nụ hoa đưa lên mũi ngửi giây lâu trước khi bỏ vào túi áo.

Ngồi sau chiếc bể cạn và hòn non bộ, tôi lén theo dõi từng cử chỉ bộ tịch của người khách lạ. Chắc anh ta đã đến đây nhiều lần? Chắc cô Ngân hẹn anh đến chơi sáng nay? Tôi đứng dậy, bước tới trước mặt anh ta, hỏi giọng lạnh nhạt:

– Chú kiếm ai?

Người khách gật đầu vô cớ, không hẳn chào tôi. Anh ngậm miệng lưỡng lự đắn đo một phút rồi hỏi dửng dưng:

– Cô Ngân ở nhà chứ?

– Thưa, vâng.

– Nhờ em trao cái này cho cô. Cám ơn.

Anh ta đưa cái gói trên tay cho tôi, cười ruồi lãng nhách, xong, nhanh nhẩu quay gót bước ra cổng không thèm ngó lui. Cổng mở rồi khép lại, im lìm, thoáng chốc. Tôi mở đôi mắt ngạc nhiên ngó theo. Tôi muốn gọi anh ta thì phải, miệng há ra ngơ ngác. Tôi quên bẵng cái gói đang nằm trong bàn tay ngượng ngập. Người đâu lạ lùng đến thế?

Cô Ngân cũng cau mày thốt ra:

– Lạ thật!

Nếu không có cái gói nầy làm chứng, chắc cô không thể nào tin chuyện một người thanh niên vừa lẩn thẩn vào đây đứng ngu ngơ một chặp rồi lẳng lặng bỏ đi. Tôi nói:

– Ông ta làm như nhà thám tử không bằng. Ai vậy cô?

Cô Ngân vội mở cái gói, lột liên tiếp ba bốn lớp giấy bọc ngoài mới rút ra được quyển sách nhỏ. Nhìn qua dòng chữ in trên bìa, cô “à” lên một tiếng, thở ra nhẹ nhõm:

– Tưởng ai. Sao con không mời người ta vào nhà?

– Chưa kịp mời, ông ấy đã quày quả bỏ đi như chạy trốn.

Cô Ngân lật trang đầu quyển sách, đọc nhẩm gì đó, cười mỉm. Cô lật tiếp vào trong, bối rối dừng tay quay qua nhìn tôi e ngại. Tôi cũng vừa thoáng thấy một góc bì thư xanh nhạt ló ra.

– Con xuống nấu cơm nghe cô.

– Ừ, ngoan lắm.

Buổi cơm trưa, cô Ngân ăn nhanh hơn thường lệ, xong trở lại phòng khóa chặt cửa, bật đèn. Phải tinh mắt mới khám phá thấy một sự thay đổi nào đó ẩn hiện đằng sau vẻ mặt bình thản vô sự cô khéo ngụy trang. Tôi nhớ lại vóc dáng người thanh niên lạ lùng và cố mường tượng ra một cái gì khác anh vừa mang đến cho cô Ngân, ngoài quyển sách và lá thư.

Đêm đó, cô Ngân thức thật khuya.

Sáng hôm sau, đợi cô Ngân đi chợ rồi tôi đem chổi vào phòng cô quét bụi như mọi bữa. Và cũng khác với mọi bữa, hôm nay căn phòng bẩn hơn, đây đó, những mảnh tro, những tờ giấy xé vụn cháy dở như thể còn âm ỉ sự buồn bực trái ý của cô Ngân.

Xế chiều, cô gọi tôi ra vườn, ngần ngừ một lát (thói quen của cô), cúi xuống nói nhỏ:

– Cô định nhờ con chút việc, nhưng con hứa đừng nói cho ai hay cả.

– Con xin hứa.

Cô nhìn thẳng vào mắt tôi như muốn đo lường sự thành thật:

– Con mang cành hoa ngọc lan nầy đến số nhà… đường… cho người khách đó. Trao cho ông ấy xong, con về ngay. Họ hỏi thêm gì con cứ thưa không biết. Nhớ nghe.

– Con nhớ.

– Canh chừng ông nội trước khi ra khỏi nhà.

– Dạ.

Tôi đã làm tròn “sứ mạng” một cách vừa ý cô Ngân: trao hoa vào tay người thanh niên, nhích mép cười ruồi rồi quay gót rút lui như chạy trốn. Mặc anh ta hoảng hốt gọi vói theo rối rít.

Hai ngày sau, tôi lại vâng lời cô Ngân thi hành “sứ mạng” một cách chu tất. Bộ tịch giữa “sứ giả” và chủ nhân diễn ra hệt như lần trước.

Lần thứ ba, anh ta đi vắng nhưng cửa sổ vẫn để ngỏ. Tôi ném cành hoa vào chiếc bàn bề bộn sách báo bên trong. Thấy không cần phải vội “bôn tẩu thoát thân”, tôi nán lại đọc bài thơ dán trên cửa, nét chữ thảo bay múa trên nền giấy hoa.

Lòng ngát hương sao tình phong nhụy?
Cửa mở rồi hoa phấn chưa sang
Học đòi Trang Tử mơ thành bướm
Bay đến vườn ai trộm ngọc lan
Chao ơi hương phấn màu yêu mị
Mới tương tư đã rụng cánh vàng
Tay chưa vịn cửa chờ, đã vuột
Chưa trải lòng ra hứng, đã tan

………………………………….

Tác giả ký tháu tên mình dưới bài thơ, không đoán được.

Trên đường về, tình cờ tôi gặp người thanh niên. Anh cười tinh ranh như thầm bảo: phen nầy đừng hòng chạy trốn nữa nhé! Tôi bối rối nhưng biết chắc mình không thể thoát đi được, khuôn mặt anh lộ ra vẻ dịu dàng thân mật như níu giữ tôi lại.

– Cháu vừa mang hoa đến cho chú.

– Cảm ơn em, tôi chờ đã hai ngày nay. Sốt ruột ghê.

– Chú dùng những bông hoa ấy làm gì vậy?

Anh cười ỡm ờ:

– À, chỉ để thưởng ngoạn thôi. Cái đẹp đâu có dùng làm gì lợi ích được. Tôi mê ngọc lan, ghiền nặng mùi hương của nó rồi. Làm phiền em quá nhỉ?

– Không đâu. Hân hạnh cho cháu chứ.

– Bây giờ tôi hân hạnh được mời cháu đi ăn kem.

Tôi cười lớn:

– Chú định trả công cho cháu đấy hả?

– Nói vậy tội nghiệp tôi chết. Nào, mình đi.

– Xin chú dịp khác. Sao chú không lại nhà cháu chơi?

– Có nhiều lý do khiến tôi không thể đến.

– ?

– Chẳng hạn cô Ngân không muốn tôi ghé nhà.

– Sao lạ vậy?

– Không sao cả.

– Cháu hiểu rồi.

– ?

– Cháu mới đọc bài thơ chú treo nơi cửa sổ.

– !!??

– Nhưng cháu chưa biết tên tác giả.

– Thì coi như Vô-danh-thị.

– Tên chú?

– Hà.

– Hà?

– …

– ???

– Lạ nhỉ?

– Hà là tên con gái.

– Là một dòng sông. Dòng sông trên trời cháu biết tên gì không?

– Không biết.

– Tôi cũng không biết vậy.

– Thôi, cháu về.

Một hôm, cô Ngân gọi tôi ra vườn, ngần ngừ, trù trừ trước khi nói.

– Cám ơn con đã giúp cô lâu nay. Nhưng ngày mai cô phải đi Sàigòn có công chuyện, chưa biết bao giờ về. Dù vậy, con vẫn cứ tiếp tục hái hoa mang đến cho người ta. Điều quan trọng là đừng nói cho ông ấy biết cô đã đi Sàigòn.

– Sao vậy cô?

– Không sao cả.

Tôi tự trả lời cho sự tò mò của mình. Mày chưa đến cái tuổi đáng được người lớn tin cậy mà thổ lộ tâm sự. Vâng, tôi chỉ là đứa bé ngây thơ chỉ xứng với việc mang những cành hoa vô tri giác mà thôi. Đừng thắc mắc tìm hiểu gì hơn.

Một tuần sau ngày cô Ngân xách hành lý lên máy bay, tôi mới nghĩ đến việc hái ngọc lan đem đến cho người thanh niên. Sau những trận mưa đầu mùa dữ dội, cây ngọc lan trông xơ xác thêm, lá rụng gần hết. Khó khăn lắm tôi mới tìm được một ít hoa hàm tiếu ẩn mình trên ngọn cao. Khi sắp bước ra cổng, tôi bỗng nghe giọng con chim nào đó hót buồn bã trên cây. Tiếng chim quen thuộc gõ vào ký ức tôi, như nhờ tôi tưởng đến buổi mai nào đó hân hoan ríu rít bên người bạn tình ấm cúng. Tôi bước đến gốc cây nhìn lên: con chim mang chiếc-áo-lông màu vàng nhạt điểm cườm nâu đậu trên một cành thấp, mặt buồn xụ. Nó vẫn hót tiếp từng tiếng bồi hồi ảo não. Thôi bay đi chim ơi, tôi không muốn nghe nữa, hiểu tâm trạng mày rồi. Bay đi chứ, sao cứ đứng trân trối vậy? Tôi rung mạnh thân cây mà nó vẫn ngơ ngác đậu yên chỗ. Hình như nó đuối sức, sắp rớt xuống, đôi cánh không giương ra được nữa?

Trái những lần trước, hôm nay người thanh niên nhận bó hoa ngọc lan với vẻ mặt thờ ơ lạnh nhạt. Anh ta trầm ngâm hút thuốc, mắt trông vời về phía khác, không thèm biết có tôi bên cạnh. Tôi vùng vằng ra về, hận anh ghê lắm, quyết từ nay chẳng hoài công mang ngọc lan tới nữa.

Ba hôm sau, trong bữa cơm chiều, ông tôi cho biết cô Ngân ở luôn Sàigòn với ông chú, không về lại đây. Ông không phản đối ý cô.

Buổi tối, trời lại đổ mưa ào ào. Mưa réo mưa gầm mưa điên cuồng gào thét. Gió thổi vùn vụt qua vườn cây mỗi lúc một hung tợn. Mưa gió toan đè bẹp ngôi nhà côi cút hai ông cháu nầy. Ông tôi báo động từng chặp: trời nổi bão rồi. Nét mặt ông nhuốm vẻ nghiêm trọng nặng nề.

Khoảng chín giờ đêm, bão tung hoành tận lực. Gió đập mái tôn nhà bếp rùng rùng. Cây cối trong vườn kêu rít lên oằn oại. Ngọn đèn dầu leo lét giữa nhà cứ chực tắt, căn nhà thì run lên từng cơn răng rắc. Tôi bối rối chạy tới chạy lui chỉ sợ ngôi nhà sập xuống. Ông tôi không dằn được lo sợ, cuống lên. Gió đã bứt được những tấm tôn ném đi loảng xoảng. Gió hú quanh vườn ghê rợn như tiếng kêu báo tử. Gió chặt cây sàn sạt bên ngoài. Đồng thời, mưa xỉa xói bằm nát trời đất ra, mưa cuồng nộ điên dại, mưa tác oai tác quái, mưa như thác đổ. Ông tôi hết níu cửa sổ lại vịn cột nhà, hoảng hốt, tuyệt vọng. Cuối cùng, sực tỉnh, ông chạy vào bàn thờ run tay đốt lửa thắp nhang và gióng lên một hồi chuông, cầu nguyện.

Sáng hôm sau trời vẫn mưa liên tu bất tận dù gió đã dịu bớt. Ông tôi hé cánh cửa nhìn ra ngoài và kêu lên một tiếng ai oán. Tôi giật mình chạy lại: cảnh tượng thê lương ngoài sức tưởng! Vườn cây bị tàn sát thê thảm. Mãng cầu, xoài, lựu, vú sữa… hầu hết đều gãy đổ ngổn ngang. Cây mít ngã xuống đập nát hòn non bộ. Nhưng đau đớn hơn hết, cây ngọc lan bay gốc nằm lăn kềnh trên sân, cành lá bị tuốt sạch như có ai dùng rựa phát trụi vậy. Nước mắt tôi ứa ra, nghẹn ngào.

Đợi trận bão rút đi hẳn trời bớt mưa, tôi chạy lại nhà người thanh niên báo tin buồn cho anh. Buồn thật, cây ngọc lan vừa chết oan khiên tức tưởi. Cây hoa anh say mê lâu nay không còn nữa sau cái đêm gió bão oan nghiệt. Còn đâu mùi hương ngan ngát dìu dịu? Còn đâu những nụ hoa gởi gắm bao tình ý thơm tho? Còn đâu chỗ hẹn cho một đôi chim đưa nhau về ca hát ngày nắng ấm? Sao ông Trời nỡ đành nhẫn tâm tàn hại loài hoa yếu đuối dễ thương thế kia?

Cuối cùng, không ai trả lời cho những câu hỏi thảm thiết trong đầu tôi.

Kìa, ngôi nhà cửa đóng chặt, khóa ngoài. Người hàng xóm cho tôi biết:

– Ông ấy đi Sàigòn trước hôm trời bão.


Phạm Ngọc Lư  


(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 60, tuần lễ từ 28-9 đến 5-10-1972)


Nguồn : huyvespa.blogspot.com

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét