Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2016

BỘ QUẦN ÁO MỚI CỦA HOÀNG ĐẾ


Ngày xưa có một vị hoàng đế giàu sang và quyền lực thích quần áo mới đến nỗi ngài luôn muốn mình phải là người đầu tiên sở hữu những bộ quần áo mới đẹp nhất, độc đáo nhất trong thiên hạ. Suốt ngày ngài chỉ làm một việc duy nhất là thay quần áo mới. Ngài chẳng ngó ngàng gì tới binh sĩ, triều chính. Người ta thường nói: “Hoàng đế đang lâm triều.” Nhưng đối với vị vua này, người ta phải nói: “Hoàng đế đang bận thay quần áo.”, có vậy ngài mới vừa ý.

Cho đến một hôm, những người thợ may không thể nghĩ ra được kiểu cách nào khác nữa. Hoàng đế tức giận kêu lên:

- Các người thật là lũ bất tài! Ta không cần các ngươi nữa!

Thế là hoàng đế cho dán cáo thị ở khắp nơi: “Ai may được cho Hoàng Đế một bộ quần áo đẹp nhất sẽ được trọng thưởng”

Thợ may ở khắp nơi kéo đến rất đông, nhưng những bộ quần áo họ may đều không làm hoàng đế vừa ý.

Một hôm, có hai người lạ mặt đến hoàng cung tự xưng là thợ dệt và khoe rằng họ có thể dệt ra một thứ vải tuyệt đẹp xưa nay chưa từng có trong thiên hạ. Quần áo may bằng thứ vải ấy có một đặc tính kỳ lạ: ai là kẻ nịnh nọt hoặc ngu xuẩn thì không cách nào nhìn thấy được bộ quần áo, dù đứng rất gần.

Hoàng đế tự nhủ: “ Đấy mới là bộ quần áo duy nhất, ta chỉ cần mặc vào là biết ngay trong đám quan lại của ta đứa nào nịnh nọt, đứa nào ngu xuẩn, đứa nào không làm tròn bổn phận… Ta phải may một bộ như vậy mới được.”

Hai người thợ may bày ra hai khung cửi rồi ngồi vào làm như đang dệt thật, nhưng tuyệt nhiên khung chẳng có gì. Họ đòi bằng được thứ sợi tơ đẹp nhất, thứ vàng quý nhất, đem bỏ túi rồi giả vờ làm việc trên khung cửi rỗng tuếch. Hoàng đế nóng lòng muốn xem họ làm việc, nhưng nhớ đến đặc tính kỳ lạ của thứ vải ấy, tự nhiên Ngài đâm ngại. Ngài bèn sai quan thừa tướng đến xem.

Quan thừa tướng vừa giương to đôi mắt vừa tự nhủ:

“Lạy chúa, ta chẳng nhìn thấy gì cả.”

Nhưng may mà ông nén lại được, không nói ra điều ấy. Hai người thợ may đến gần bắt chuyện và hỏi ngài xem vải có đẹp không.

- Thật là tuyệt! Hoa văn, màu sắc thật không thứ vải nào sánh nổi. Chiếc áo sẽ rất hợp với vị chủ nhân tương lai của nó!

Quan tể tướng trả lời nhưng trong lòng lo ngay ngáy. Ông lo họ bắt đầu ngờ rằng mình là kẻ nịnh nọt, ngu xuẩn, ngốc nghếch và trễ nải với công việc.

Hai người lợi dụng dịp may, lại kỳ kèo xin thêm vàng để thêu vào vải. Họ lại thủ vàng vào túi và say sưa làm việc trên khung cửi rỗng không.

Chẳng bao lâu, hoàng đế lại cử một viên đại thần khác đến xem vải. Hai người chỉ vào tấm vải tưởng tượng và chứng minh cho quân đại thần đây là tấm vải xưa nay trên đời có một không hai.

Quan đại thần tự nhủ: “Mình đâu phải là thằng ngu hay là mình không làm tròn phân sự. Dẫu sao cứ dấu biến đi là hơn cả.”

Nghĩ vậy, ngài vờ ngắm nghía, vuốt ve tấm áo tưởng tượng rồi đưa tay lên xoa cằm, gật gù chép miệng. Sau đó ngài quả quyết với hai người kia là ngài chưa thấy thứ vải nào đẹp bằng và cũng như quan thừa tướng lần trước, ngài lại trở về và kính cẩn tâu với hoàng đế:

- Muôn tâu bệ hạ, không có gì đẹp bằng, chiếc áo ấy hợp với bệ hạ vô cùng.

Khắp kinh thành nô nức bàn tán về thứ vải kỳ lạ ấy. Không thể dằn lòng được, hoàng đế đành phải đích thân đến xem vải. Ngài không quên dắt theo một bọn nịnh thần.

Đến nơi ngài thấy hai người vẫn đang mải mê làm việc. Hoàng đế nghĩ thầm:

“Quái, ta chẳng nhìn thấy gì cả. Chẳng lẽ một vị hoàng đế mà lại ngu ư?” Ngài bèn gật đầu lia lịa:

- Đẹp lắm, đẹp lắm. Ngài làm ra vẻ hài lòng ngắm nghía hai chiếc khung cửi, không dám thú nhận là chẳng thấy gì.

Bọn nịnh thần xuýt xoa phụ họa:

- Thật tuyệt vời. Và họ khuyên hoàng đế nên mặc bộ quần áo vô song đó trong ngày lễ rước thần sắp tới.

Hoàng đế liền ban cho hai thợ dệt mỗi người một tấm bội tinh và danh hiệu “Thợ dệt của đức vua”. Trước ngày lễ rước thần, hai thợ dệt làm việc cật lực dưới ánh sáng của 16 ngọn đèn. Họ giả vờ cắt, may, khâu, đính suốt đêm.

Cuối cùng bộ quần áo cũng coi như may xong, kịp cho lễ rước thần. Hoàng đế và các vị đại thần tới. Hai ông thợ dệt của nhà vua vờ giơ tay lên trời như nâng vật gì và tâu:

- Thưa bệ hạ tôn kính, đây là bộ quần áo chúng thần đã làm. Đây là quần, còn đây là áo. Quần áo này nhẹ như màng nhện, mặc vào tưởng như không và đấy cũng là một trong những đặc tính quý báu của thứ vải vô giá này.

- Đúng đấy ạ! – Bọn nịnh thần phụ họa theo, dù chẳng ai trong số họ thấy gì.

Hai người thợ may lại nói:

- Muôn tâu thánh thượng, cúi xin người cởi quần áo ra và đứng trước gương lớn, để chúng thần mặc quần áo mới cho người.

Hoàng đế cởi sạch trơn quần áo để hai người thợ dệt mặc đồ cho mình. Cả hai làm bộ như mặc từng cái quần mới vào người hoàng đế, rồi quàng tay quanh thân ngài như khoác đai lưng. Hoàng đế quay qua quay lại ngắm nghía trước gương. Bọn nịnh thần đồng thanh hô:

- Trời, bộ quần áo này sao mà đẹp quá chừng, từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ chúng thần chưa bao giờ được chiêm ngưỡng một kiệt tác thần tiên giữa cõi trần như vậy.

Quan trưởng lễ báo tin:

- Long tán đã đến, chờ Hoàng Thượng đi rước thần.

Nhà vua đáp:

- Ta đã sẵn sàng:

Rồi ngài lại nhìn vào gương mà ngắm nghía. Các quan thị vệ có nhiệm vụ đỡ đuôi áo, thò tay sát đất giả đò như cầm lên một vật gì, rồi vừa đi vừa đỡ cái vật vô hình đó trên không, chẳng dám nói là mình không nhìn thấy gì!

Ngoài phố mọi người cũng liên tục trầm trồ khen bộ quần áo mới của hoàng đế, vì không ai muốn mang tiếng là ngu xuẩn hay không làm tròn trách nhiệm. Nhưng rồi, từ một góc nào đó, một đứa bé thốt lên:

- Kìa! Hoàng đế cởi truồng kìa.

Rồi người nọ nhắc lại với người kia:

- Kìa! Hoàng Đế cởi truồng, có một đứa bé bảo Hoàng Đế cởi truồng kìa!!

Cuối cùng toàn thể dân chúng đều kêu lên:

- Hoàng Đế cởi truồng thật!!

Hoàng Đế đã nghe thấy. Ngài cảm giác hình như dân chúng nói đúng. Nhưng ngài nghĩ bụng: “Dẫu sao mình vẫn phải dự lễ rước thần xong cái đã!”

Vậy là… ngài vẫn đàng hoàng đi theo đám rước cho đến lúc tan cuộc, và các quan thị vệ của ngài vẫn đi đằng sau, khúm núm để đỡ lấy cái đuôi áo tưởng tượng!


HANS CHRISTIAN ANDERSEN

 

Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

AI XUÔI VẠN LÝ



“Tôi sáng tác Ai xuôi vạn lý đang thời kháng Pháp. Tôi len lỏi trong vùng Chẹt Sậy nằm ven cửa biển An Hóa, Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Đó là thời tuổi trẻ luân lạc nhất của đời tôi. Nhiều trận giặc Pháp ruồng bố, tôi chạy theo gia đình ông Đầu tộc đạo Cao đài trong vùng Chẹt Sậy.
“Vì ăn uống quá kham khổ, tôi đau một trận thập tử nhất sinh, nhờ có gia đình ông này chăm sóc thuốc men cứu giúp, tôi mới còn sống đến ngày nay. Phải gặp hoàn cảnh khốn khổ cùng cực của cuộc sống ta mới thấy được lòng nhân đạo của đồng bào Việt Nam cư xử với nhau.
“Tôi sáng tác Ai xuôi vạn lý lúc đang ăn gửi nằm nhờ trong gia đình đạo Cao đài, sau khi tôi đau sắp chết cho nên trong nhạc phẩm này có những câu trối trăng rất đỗi bi quan: Thôi, đứng đợi làm chi. Thời gian có hứa mấy khi, sẽ đem đến trả đúng kỳ. Những người mang mệnh biệt ly.
“(...) tôi cũng xin nói về thêm âm giai trong bài Ai xuôi vạn lý này có âm hưởng kinh Cao đài, mà trong thời gian tôi tá túc gia đình ông Đầu tộc Cao đài, sớm tối nghe giọng tụng kinh, và lời thuyết giáo (...) đã thấm vào tôi lúc nào không hay. Đến khi tìm giai điệu thể hiện Ai xuôi vạn lý thì âm hưởng trầm bổng của hơi nhạc lễ trong kinh Cao đài đã lồng vào đoạn nhạc mở đầu (introduction) một giai điệu trầm bổng buồn buồn: Phá rê, rê, phà phá. phá rê, rê đồ rê phá là (...) Rề, pha xôn lá pha, xôn rề. Rồi lời ca và tiết điệu như âm hưởng những lời rao giảng: Đá mòn nhưng hồn chưa mòn giấc mơ. Có đám cây trên đồi, sống trong, trong mơ hồ. Ngày nào tròn trăng, lại nhớ đến tích xưa. Khi tướng quân qua đồi, kéo quân, quân theo cờ. Đoàn cỏ cây hãy còn trẻ thơ. Cho đến bây giờ. đã thành đoàn cổ thụ già. Mà chờ người đi mất từ ngàn xưa. Nàng đứng ôm con xem chàng về hay chưa?” 
Nhạc sĩ Lê Thương với tâm hồn dân tộc, thể hiện trong sáng tình dân tộc bằng giai điệu Việt Nam qua trường ca Hòn vọng phu. Do hoàn cảnh lịch sử, ông có dịp gần gũi, tiếp cận nhạc lễ Cao đài, tâm hồn dân tộc trong Lê Thương và tính dân tộc trong Cao đài đã cùng nhau hòa điệu. Ảnh hưởng sâu sắc này lắng đọng trong tiềm thức, để đến khi sáng tác Ai xuôi vạn lý, ở khoảnh khắc nào đó rất tự nhiên, cái hồn dân tộc trong giai điệu Cao đài đã phả sinh lực vào hồn nhạc Ai xuôi vạn lý, và Lê Thương đã lưu lại cho đời một kiệt tác bất hủ còn rung động mãi lòng ai nặng tình quê hương đất nước.

LÊ ANH DŨNG
(1996)              


Nghe bài hát Ai xuôi vạn lý, xin mời bấm dưới đây: 

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

NHỮNG TRẺ EM MÙ_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


35. NHỮNG TRẺ EM MÙ
                                                              Thứ năm, ngày 23

Thầy giáo chúng tôi mệt, nên cụ giáo lớp bốn xuống dạy thay. Cụ đã dạy qua trường trẻ em mù. Cụ là bậc kỳ cựu nhất trong giáo giới ở đây, tóc trắng như bông. Cụ nói giỏi và biết nhiều. Thoạt vào lớp, cụ trông thấy một em học trò một mắt phải đắp bông. Cụ liền lại gần hỏi thăm và khuyên rằng :

- Con phải cẩn thận về đôi mắt lắm mới được !

Nhân dịp, anh Đỗ hỏi cụ :

- Thưa cụ, có phải trước cụ đã dạy ở trường trẻ em mù không?

Cụ đáp :

- Phải, ta dạy đấy đến 5, 6 năm.

Anh Đỗ nói sẽ :

- Thưa cụ, cụ cho chúng con nghe qua chuyện trường ấy.

Cụ vào bàn giấy ngồi. Anh Tư mau miệng nói :

- Thưa cụ, "trẻ mù", con biết rồi! Trường "trẻ mù" ở phố Nit-Xơ (1) ạ!

Cụ nói :

- Các con nói tiếng "mù" bằng giọng rẻ rúng cũng như các con nói đến những tiếng "ốm đau" hay "nghèo khó". Các con có hiểu rõ "mù" là thế nào không ? "Mù" nghĩa là suốt đời không nhìn thấy gì ! Suốt đời không phân biệt ngày đêm, không nhìn thấy vũ trụ, thấy mặt trời, thấy cha mẹ, thấy cảnh vật ở chung quanh mình và những đồ vật mình cầm đến ! Suốt đời phải chìm đắm trong cõi tối tăm vô tận, khác nào như bị vùi sâu trong ruột quả đất !

Các con thử nhắm mắt lại và tưởng tượng nếu các con bị như thế trọn đời thì nỗi đau khổ của các con sẽ đến mực nào ? Ta quả quyết rằng các con sẽ cảm thấy một sự áp bức đau đớn, một sự khủng bố không chịu đựng được. Các con sẽ phải phát ra những tiếng kêu tuyệt vọng...

Thế nhưng...khi người ta bước chân vào trường "kẻ mù" lần thứ nhất trong lúc giờ chơi, khi người ta nghe tiếng cười câu nói ồn ào, trông thấy kẻ lên gác, người xuống thang, kẻ qua hành lang, người vào phòng ngủ một cách tự nhiên và vững vàng thì không ai bảo đó là những kẻ không nhìn thấy ánh sáng mặt trời ! Muốn hiểu họ một cách tường tận hơn, ta phải để tâm xét họ về mọi phương diện.

Đây là những kẻ thanh niên chừng 16, 18 tuổi, khỏe mạnh và mau mắn, họ đã cam chịu mệnh trời và tỏ vẻ dửng dưng, nhưng coi nét buồn trên mặt họ ta có thể đoán được trước khi ngậm đau, họ đã phải vật lộn với sự khổ thống thiết là dường nào?

Đây là những người hiền lành, sắc mặt xanh xao lộ vẻ nhẫn nhục âu sầu khiến ta có thể tưởng tượng rằng đôi phen họ đã âm thầm rỏ lệ. Các con ơi ! Các con nên biết rằng một phần đông trong những người xấu số ấy đã hỏng mắt trong một thời gian rất vắn, cũng có người phải đeo bệnh lâu năm và chịu những giờ mổ cắt rất đau đớn rồi mới mù.

Đây là những người lọt lòng ra đã phải sa vào một cái đêm không bao giờ có buổi bình minh. Họ ra đời như là bước vào một cõi âm ti thăm thẳm mà ở đó họ không phân biệt được một hình, một sắc gì.

Các con thử tưởng tượng nếu họ so sánh đời tối đen của họ với đời của những người sáng thì họ khổ tâm thế nào !

Chắc họ phải nghĩ rằng :

- Tại sao lại có sự chênh lệch ấy? Chúng ta có làm gì nên tội ?

Cụ giáo nói tiếp :

- Ta, ta đã ở lâu bên trẻ mù. Ta nghĩ đến một lớp toàn những con mắt nhắm và con ngươi chết, rồi ta lại nhìn các con, ai nấy đều có đôi mắt long lanh như ngọc, lòng ta không thể im lặng, không bảo các con rằng : "Các con toàn là những người sung sướng!" "Các con hãy nghĩ đến : riêng một nước ta có tới hai vạn sau nghìn người mù. Hai vạn sáu nghìn! Các con đã nghe rõ chưa ?"

Cụ giáo nói dứt lời. Anh Đỗ đứng lên hỏi :

- Thưa cụ, có phải người mù có cái xúc giác linh lợi hơn người sáng không?

Cụ đáp :

- Phải đấy, tất cả những giác quan khác của người mù đều linh mẫn cả vì những giác quan ấy đã được rèn luyện hơn người thường để thay cho thị giác. Sáng dậy, một học sinh trong buồng ngủ hỏi bạn :

- Hôm nay trời có nắng không ?

Một người hoạt bát nhất trong bọn vận áo, ra giữa sân giơ tay khua khí trời xem có ấm không, xong chạy vào báo tin :

- Trời nắng.

Nghe tiếng nói của một người, họ có thể đoán được tầm vóc của người ấy. Ta xét đoán những người chung quanh bằng luồng mắt của họ, những người mù lại xét đoán theo tiếng nói. Họ nhớ giọng nói của người quen hàng bao nhiêu năm không quên. Trong phòng nếu có đông người, họ biết ngay, dù chỉ có một người nói còn những người khác ngồi im. Họ chỉ lấy tay sờ mà biết một chiếc thìa sạch hay không ?

Những trẻ gái lại có tài phân biệt thứ len nhuộm với thứ len không. Khi xếp hàng đôi đi trong phố, những trẻ mù chỉ ngửi mà biết gần khắp các cửa hàng. Chúng cũng chơi đánh quay, nhờ tiếng vù vù, chúng biết của ai hơn kém và nhặt con quay của mình rất trúng.

Chúng cũng nhảy dây và nhảy cũng khéo như những trẻ sáng. Chúng hái hoa đồng thảo như người trông thấy.

Chúng may áo, dệt chiếu, đan thúng rất nhanh. Xúc giác là thị giác thứ hai của chúng, vì thế khi chúng được sờ, được nắn và đoán hình thể của các đồ vật thì chúng lấy làm thích lắm.

Anh Phi giơ tay lên xin phép hỏi :

- Thưa cụ, có phải người mù học tính nhanh hơn người sáng không ?

Cụ đáp :

- Phải đấy. Không những học tính, những trẻ mù còn học đọc nữa. Sách của chúng có những chữ nổi, chỉ đưa qua mấy ngón tay lên mặt chữ là chúng nhận được và đọc rất nhanh. Chúng cũng tập viết nữa. Chúng dùng những cái dùi thép nhấn trên những tờ giấy dày thành những chấm trũng. Những điểm ấy học theo bản tự mẫu riêng. Nhưng chấm trũng ấy nổi sang mặt giấy bên kia thành chữ. Học trò viết xong chỉ phải lật trang giấy lấy tay sờ lên là đọc được nhưng chữ đã viết.

Chúng có thể sờ chữ mà nhận được tự dạng của nhau. Chúng cũng làm bài thi và viết thư cho nhau. Chúng viết chữ số và làm tính theo lối nói trên, nhưng về khoa tính nhẩm thì chúng mẫn tiệp một cách lạ thường, ta không thể tưởng tượng được, đó cũng là vì chúng không đãng trí bởi những sự vật quanh mình như ta.

Không những thế, chúng lại còn thính tai nữa. Bốn năm người ngồi một ghế, không cần phải quay sang nhau, người thứ nhất có thể nói chuyện với người thứ ba, người thứ nhì có thể nói chuyện với người thứ tư, bốn người đều nói cùng lúc và nói to cả, thế mà chúng nghe được không sót một câu nào.

Chúng chăm lo về các bài thi hơn các con và chúng yêu quí thầy giáo hơn các con nhiều. Chỉ nghe tiếng giày hay ngửi hơi là chúng nhận được các thầy giáo. Chỉ nghe giọng nói là chúng đoán được thầy vui hay buồn, khỏe hay ốm. Được thầy vuốt ve hoặc vỗ về thì chúng sung sướng lắm : nhiều khi chúng nắm chặt lấy tay và cánh tay thầy để tỏ dấu biết ơn.

Những học trò mù thương yêu nhau lắm và ở với nhau rất trung thành vì tình ái hữu đã đem lại cho chúng bao nhiều mối an ủi và xẻ bớt cho chúng bao nhiêu nỗi sầu trường.

Anh Tiên hỏi :

- Thưa cụ, những học trò mù chơi âm nhạc có khá không ?

Cụ đáp :

- Chúng mê âm nhạc lắm. Âm nhạc có thế ví như bản mệnh và hạnh phúc của chúng. Những trẻ mù mới vào trường không bao giờ chán nghe người khác đánh đàn hay thổi sáo. Chúng học chóng lắm và đem hết tâm hồn vào nhạc nghệ. A ! Giá mà các con được nghe thấy tiếng đàn của trẻ em mù, giá mà các con được trông thấy chúng mặt ngẩng, miệng cười đầy vẻ cảm động và khát khao, lắng nghe bạn đang rọi một tia sáng trong cõi tối tăm vô tận mà chúng phải đầy đọa vào, lúc ấy con sẽ hiểu âm nhạc đối với chúng là một mối an ủi rất nhiệm mầu.

Cấm chúng đọc sách hay cấm chúng chơi âm nhạc là một sự phạt rất nặng. Chúng sẽ đau đớn vô cùng, vì thế không ai có cái can đảm phạt chúng như thế. Tóm lại, âm nhạc đối với con tim chúng cũng như ánh sáng đối với con mắt ta.

Anh Đỗ nói tiếp :

- Thưa cụ, người ngoài có thể vào xem trường trẻ em mù được không ?

Cụ đáp :

- Sao lại không ? Hiện giờ các con còn bé, ta không muốn cho các con đi. Nhưng một mai, các con đến tuổi hiểu được hết nỗi thống khổ của kẻ mù, đến tuổi biết động lòng trắc ẩn vì mối thương tâm chính đáng, lúc đó các con sẽ nên đi.

Các con ơi ! Thực là một cảnh tượng bi ai ! Các con hãy trông kia là những trẻ ngồi trong cửa sổ nửa khép, nét mặt an tĩnh, thở hít khí lành, hình như chúng đang nhìn ra khoảng đồng ruộng non xanh mà ta ai nấy đều nom rõ... Nhưng khi ta nghĩ đến chúng không trông thấy và không bao giờ được trông thấy những phong cảnh ngoạn mục kia thì lòng ta se lại, khi ấy tựa hồ như ta là một kẻ đui mù !

Em nào sinh ra mù sẵn thì nỗi khổ cũng giảm được đôi chút vì em không biết những thứ em thiếu thốn. Nhưng về phần những em mới mù vài tháng nay, chúng còn ghi gói và hiểu nhớ những thứ mà chúng đã mất. Những em này còn đau đớn gấp trăm lần hơn những em nói trên, là vì mỗi ngày chúng thấy hình ảnh của những người thân yêu mờ dần trong trí óc. Một em bé, có lần đã thốt ra một câu ai nghe thấy cũng phải cảm động .

- Lạy trời cho tôi được mở mắt một phút thôi, để tôi nhận lại mặt mẹ tôi mà tôi quên mất rồi !

Đã bao nhiêu người vào thăm trường này, lúc ra phải lau nước mắt. Khi từ biệt chúng, ta tưởng tạo hóa đã biệt đãi ta vì ta được hưởng cái đặc ân là được nhìn thấy mọi người, nhìn thấy nhà cửa, nhìn thấy trời đất ! Hãy thương những trẻ mù.

Các con ơi ! Hãy thương chúng là kẻ có mặt trời mà không được nhìn ánh sáng, có mẹ mà không rõ từ nhan !

---------------
(1) Nice.


Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

NGÀY CUỐI CÙNG CỦA HỘI GIẢ TRANG_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


34. NGÀY CUỐI CÙNG CỦA HỘI GIẢ TRANG
                                                                 Thứ ba, ngày 21

Hôm nay lúc xe "trá hình" đi qua chúng tôi đã mục kích một tấn kịch buồn, nhưng kết cục được vô sự. Nếu không, đã xảy ra một tai họa.

Nơi công trường "Thánh Thượng Tư" hôm nay trang hoàng rất rực rỡ, hai bên chật ních những người đợi xem đám rước đi qua.

Nửa giờ sau, bỗng tiếng hò reo vang động một góc trời, người ta thấy một đoàn mặt nạ kéo đến, vừa đi vừa làm trò, coi rất ngộ nghĩnh và không thể nhịn cười được. Kế đến những xe trá hình, xe nào cũng cắm cờ kết hoa và mỗi cái kết một hình : nào cối xay, tàu thủy, nào rạp hát, nhà lầu v.v.. Trên xe chứa nào hề, nào tướng, nào đầu bếp, nào lính thủy, nào kẻ chăn cừu. Thực là một cái tình trạng hỗn tạp làm rối mắt mọi người ! Rồi thì kèn thổi, tù va rúc, thanh la khua, như xé màng tai. Các ông tài tử trên xe uống rượu, hát nghêu ngao. Lắm lúc hết trò, các ông quay ra thét mắng những người xem và những kẻ tò mò ở trong cửa sổ ló đầu ra. Bị chọc tức họ nhao nhao cãi lại. Đồng thời một trận mưa hoa và kẹo do người ta ném lẫn nhau, bay phơi phới. Đám rước còn dài, xa trông chỉ thấy cờ bay phất phới, lông mũ lung lay và những đầu người lắc lư dưới những cái mũ nhọn khổng lồ.

Người ta có thể nói rằng : Đó là một đội người điên !

Đoàn xe đang diễu, tôi nhận thấy chiếc xe tứ mã rất tráng lễ, lưng ngựa phủ vải thêu kim tuyến và chưng những tràng hoa rất rực rỡ. Trên xe có 14, 15 người trá hình thành những vị quí phái của triều đình Pháp ngày xưa : đầu đội mũ tam giác, tóc giả chấm vai, mình mặc áo thêu chỉ vàng lóng lánh, vai đính băng thủy ba, sườn đeo gươm sáng loáng. Họ đồng thanh hát một bài tiếng Pháp và ném kẹo cho công chúng ; ai nấy đều vỗ tay hoan nghênh.

Chợt thấy bên tay trái chúng tôi có một người đàn ông giơ một đứa con gái 4, 5 tuổi lên trời và chạy theo xe của các vị công hầu của vua Lui thứ 15. Em bé gào khóc giẫy giụa. Một vị quý phái quay lại nhìn. Người đàn ông nói :

- Xin ngài làm phúc giữ lấy em bé này, nó lạc, không tìm thấy mẹ. Ngài ẵm nó trong tay, mẹ nó ở xa sẽ nhìn thấy. Không còn kế gì hơn nữa.

Vị quý phái liền bế lấy đứa bé ,các ông bạn đồng hành thôi không gào hát nữa. Đứa bé khiếp quá, giẫy đành đạch. Vị quý phái liền rứt bỏ mặt nạ ra và cho xe đi thong thả.

Trong lúc ấy có một người đàn bà ở đầu phố chạy điên cuồng rối rít, miệng kêu :

- Tý ơi ! Tý ơi ! Con tôi lạc rồi ! Người ta bắt con tôi rồi ! Người ta xéo chết con tôi rồi !

Bà kêu gào như thế đã hơn một khắc đồng hồ mà vẫn không tìm thấy con.

Bỗng trên xe có tiếng nói to :

- Các ông, các bà tìm hộ xem mẹ em bé này ở đâu ?

Nghe tiếng, bà ta chạy sầm lại, kêu lên một tiếng vừa mừng, vừa bực và giơ hai tay run lẩy bẩy chực vồ lấy con.

Xe dừng. Vị quí phái nói :

- Con bà đây.

Nói xong, vị quý phái hôn em bé và trao cho mẹ em. Bà ta ôm chặt con vào lòng, mừng mừng tủi tủi... Vị quí phái kéo tay em bé lại, rút chiếc nhẫn kim cương của mình đeo vào ngón tay tí hon em bé và nói :

- Của hồi môn em bé đây !

Bà mẹ sững người trong khi công chúng vỗ tay khen.

Vị quí phái lại đeo mặt nạ vào, các bạn trên xe lại hát một bài bằng tiếng Pháp, chiếc xe tứ mã lại chuyển bánh trong đám công chúng hoan hô nhiệt liệt.


Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

CHÚ HỀ CON_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


33. CHÚ HỀ CON
                                                         Thứ hai, ngày 20

Hội giả trang gần mãn, thành phố rất tưng bừng rộn rịp. Trên những khu đất công, chỗ nào cũng thấy dựng những rạp xiếc rong và những vòng đua ngựa gỗ. Ngay cửa sổ nhà tôi trông ra, có một rạp xiếc của người Vơ-ni. Họ có 6 con ngựa. Rạp dựng giữa bãi, một góc để ba xe ngựa lớn là nơi các tài tử ngủ hay đóng bộ để ra trò và ba cái nhà lăn, hai bên có cửa sổ, trên nóc có ống hơi lúc nào cũng nhả khói xanh. Nhìn qua cửa sổ thấy phơi la liệt những quần áo của trẻ con vắt đầy trên dây. Một người đàn bà vừa nuôi con thơ, vừa làm bếp, vừa nhảy dây. Thực là một khổ cảnh đáng thương ! "Trò rong" ! Người ta thường nói hai tiếng ấy bằng giọng khinh bỉ. Nhưng thực ra họ đã kiếm ăn một cách thật thà, họ đã chịu mọi sự lao khổ để làm vui cho kẻ khác. Trời rét thế, suốt ngày họ chạy từ rạp về xe và chỉ vận phong phanh một chiếc áo đan màu hồng . Họ ăn đứng trong những giờ nghỉ, ít khi được ngồi ăn uống ung dung. Đôi khi rạp đã đầy người, bão nổi, lều bay, đèn tắt, thế là buổi diễn đi đời!

Phường xiếc này có hai em bé giúp việc. Em bé nhất là con chủ rạp, độ 8 tuổi, coi rất xinh trai , mặt tròn, da xạm, mớ tóc đen tỏa xuống dưới vành mũ nhọn.

Lúc ra trò, em vận một thứ bao màu xanh, hai tay viền đen, chân đi giày vải coi rất ngộ. Em có biệt tài đi ngựa !

Hôm nào cũng thế, sáng sớm chúng tôi đã thấy em đầu trùm khăn vuông đi mua sữa về và dắt ngựa ở chuồng ra. Xong, em bế em nhỏ đi chơi, hoặc xếp dọn vòng, dây, ghế, bức chắn, hoặc rửa xe, dóm bếp ; trừ một vài phút nghỉ ngơi, còn bao giờ em cũng ngồi bên cạnh mẹ.

Một tối kia, chúng tôi sang xem xiếc. Trời rét quá ! Rạp vắng tanh. Chú hề bé con vẫn hết sức trổ tài để cho dúm khán giả kia khỏi chán nản. Chú nhảy lộn trên lưng ngựa, bám đuôi ngựa chạy, đứng bằng hai tay, chân ngược lên trời. Rồi chú hát, chú cười. Bộ mặt xạm nâu của chú đã đoạt được lòng yêu của công chúng.

Cha chú thì mặc áo đỏ, quần cụt trắng, đi giày ống, tay cầm roi ra lệnh, nét mặt buồn thiu.

Thấy tình cảnh ấy, cha tôi động mối thương tâm. Hôm sau, có hoạ sĩ Đệ-Liên lại chơi, cha tôi nói chuyện :

- Những người ấy làm việc lấy chết mà kiếm chẳng được mấy đồng tiền ! Thương hại thay cho em bé kháu và ngoan quá ! Ta có thể giúp đỡ họ được việc gì không ?

Họa sĩ ngỏ một ý kiến rất hay :

- Bác là nhà báo, viết cho họ một cột trong tờ "Tân văn". Bác kể lại những thành tích và tài nghệ của em bé. Còn tôi sẽ vẽ hình em bé. Ở đây, ai ai cũng đọc báo "Tân văn", chắc sẽ được đông người đến xem.

Nói xong, thi hành ngay. Cha tôi đăng một bài rất hứng thú, nhắc lại những điều chúng tôi đã thấy qua cửa sổ, khiến ai nghe cũng muốn vuốt ve cậu tài tử bé xon. Ông Đệ-Liên phác họa hình em bé rất giống và có duyên. Báo lên khuôn ngay chiều thử bảy. Thế rồi buổi diễn tối chủ nhật, công chúng kéo nhau đi xem đông như nước chảy. Người ta nêu trong báo là "Cuộc diễn làm phúc cho chú hề tí hon!".

Cha tôi đưa tôi vào ngồi hạng nhất. Tờ "Tân văn" in hình em bé dán ngay ở cửa vào. Rạp đầy người, nhiều khán giả tay cầm tờ báo, chỉ cho nhau đâu là cậu tài tử! Còn cậu thì hết chạy đến chỗ người này, lại chạy sang ghế người khác, hớn hở vô cùng ! Ông chủ rạp hôm nay trông cũng "tươi" lắm, vì ông không ngờ được có cái vinh hạnh ấy và từ ngày đi diễn trò đến giờ, chưa từng có báo nào nhắc đến phường của ông cả!

Cha tôi ngồi cạnh tôi. Trong hàng khán giả, tôi nhận thấy nhiều người quen.

Cuộc diễn bắt đầu. Chú hề đi ngựa, lộn đu và leo dây, tuyệt hay ! Hết mỗi trò lại một tràng pháo tay nổ khắp rạp .

Còn nhiều trò khác như leo dây, múa rối, đi cầu, đánh vòng, nhưng trò nào không có em bé là công chúng buồn.

Lúc gần tan tôi thấy ở cửa vào có người nói thầm với chủ rạp. Chủ rạp trông vào cử tọa như muốn tìm ai. Bỗng ông ta để ý đến chúng tôi. Cha tôi hiểu ngay là họ đã tìm ra ký giả bài báo hôm trước. Muốn miễn mọi sự cảm ơn, cha tôi khẽ bảo tôi :

- An ơi ! Con ngồi xem cho hết. Ta đợi con ở cổng.

Rồi cha tôi lén ra trước.

Chú hề sau khi nói chuyện với cha, lại chạy vào làm trò.

Đứng trên mình ngựa đang phi, chú thay đổi quần áo bốn bận và lần lượt hiện ra : người du lịch, lính thủy, lính tập, người múa võ ! Mỗi vòng đi qua chú lại liếc nhìn tôi.

Khi diễn xong, chú xuống ngựa, ngửa mũ đi quanh vòng liễn. Ai nấy đều ném tiền, ném kẹo cho chú. Tôi cầm sẵn hai đồng đợi, song khi đến chỗ tôi, chú bỏ qua và giơ mũ cho người khác. Tôi bực quá ! Sao hắn lại có cái cử chỉ vô lễ thế !

Mãn trò, chủ rạp thiết tha cám ơn khán giả. Công chúng kéo ra. Tôi bị ép trong bọn, đang tìm lối ra, bỗng thấy có người kéo tay tôi. Tôi quay lại thì ra chú hề, nét mặt tươi cười, tay cầm nắm kẹo. Tôi hiểu ý ngay .

Chú bé nói :

- Cậu cầm lấy nắm kẹo của thằng hề ăn cho vui.

Tôi không từ chối và cầm ba, bốn chiếc.

Chú bé nói tiếp :

- Cậu nhận cả cái hôn này nữa !

Tôi giơ má đáp :

- Cho tôi hai cái !

Chú liền quẹt trái tay áo lên mặt đầy phấn, xong ôm cổ tôi hôn hai cái thật kêu và nói :

- Em gửi cậu một cái về cho ông !


Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016

LÀM KHÁN HỘ CHO CHA_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


32. LÀM KHÁN HỘ CHO CHA
(Câu chuyện hàng tháng)

Một buổi sáng về tháng Ba, giữa cơn mưa gió, một cậu bé nhà quê, quần áo ướt át và đầy bùn, tay xách gói đồ, đến bệnh viện thành Náp-pờ (1) và đưa cho người gác cổng một phong thư.

Cha cậu làm thợ ở Pháp về, khi tàu tới bến bỗng thụ bệnh phải vào nhà thương, chỉ kịp viết mấy chữ về nhà. Được tin, mẹ cậu buồn rầu khôn xiết ! Trong nhà, mẹ già thì tàn tật, con trẻ thì thơ ngây, bà không sao đi được, đành sai cậu là con cả đi thăm và cho vài đồng để uống nước. Cậu phải đi bộ 10 cây số.

Nhìn qua lá thư, người gác cổng nhờ một viên y tá đưa cậu đến phòng cha cậu.

Viên y tá hỏi :

- Cha em là ai ?

Cậu nói tên cha.

Viên y tá không nhớ tên ấy và hỏi :

- Có phải ông thợ già ở ngoại quốc mới về không ?

Cậu đáp :

- "Thợ" thì phải, nhưng không "già". Cha tôi mới ở Pháp về.

- Cha em vào đây được bao lâu ?

Cậu bé xem lại thư đáp :

- Độ năm hôm nay.

Viên y tá nghĩ một lát rồi sực nhớ ra :

- À phải rồi ! Tôi nhớ ra rồi. Ở buồng thứ tư, giường trong cùng...

Cậu theo lên tầng gác thứ nhì, qua hành lang vào phòng ngủ thấy hai dãy giường dài. Đến cuối phòng, viên y tá đứng lại vén màn, trỏ vào giường bảo :

- Cha em đây.

Cậu vứt gói quần áo, tru lên khóc. Cậu gục đầu vào vai bệnh nhân và nắm chặt cánh tay, song bệnh nhân không nhúc nhích.

Cậu đứng dậy nhìn cha rồi lại khóc. Bệnh nhân hé mắt nhìn cậu hình như hơi nhân ra nhưng không nói được. Cha cậu chóng già quá. Cậu khó thể nhận ra. Tóc bạc, râu xồm xoàm, mặt sưng húp, da căng bóng, mắt bé, môi to, thân hình coi rất thiểu não ! Cậu chỉ nhận được cái trán cao và đôi lông mày đen đen của cha thôi. Bệnh nhân thở ì ạch. Cậu gọi :

- Cha ơi ! Con đây ! Con là Lan đây ! Cha không nhận ra con sao ? Con ở quê ra, mẹ sai lên thăm, cha không nói gì à ?

Bệnh nhân nhìn kỹ cậu, rồi mắt lại nhắm nghiền.

Đến giờ bác sĩ đi khám, cậu hỏi :

- Thưa bác sĩ, cha con mắc bệnh gì ?

Bác sĩ vỗ vai cậu, đáp :

- Con cứ yên tâm, cha con bị chứng đan độc. Bệnh tuy nặng song ta không thất vọng. Con cố trông nom cho cha con. Nhìn thấy con có mặt ở đây, cha con sẽ đỡ được đôi phần.

Cậu thất vọng nói :

- Nhưng cha con không biết gì .

- Rồi cha con sẽ biết. Con hãy vững lòng.

Thế rồi, cậu bắt đầu làm người khán hộ cho cha. Cậu luôn tay làm những việc lặt vặt : lúc kéo chăn, khi đuổi ruồi, lúc sờ trán, khi cầm tay cha. Mỗi khi bà phước đưa thuốc đến thì cậu đỡ lấy và cho bệnh nhân uống.


Đêm đến, cậu ngủ trên hai cái ghế ghép liền nhau ; ban ngày cậu lại làm việc bổn phận.

Bốn ngày qua. Bệnh cha cậu khi thăng khi giảm, không nhất định.

Sang ngày thứ năm, bệnh tình bỗng sinh nguy kịch. Lúc ấy, độ 4 giờ chiều, cậu đang lo lắng âu sầu, chợt nghe bên ngoài có tiếng giày đi và tiếng đàn ông nói :

- Kính chào bà, chúng tôi xin về.

Nghe tiếng người ấy, cậu rùng mình từ đầu đến chân và đứng thẳng dậy như người bị máy giật.

Người ấy đi trước bà phước, qua buồng cậu, tay xách gói đồ. Khi trông thấy người ấy, bỗng cậu bé rú lên một tiếng và đứng ngay như tượng.

Người ấy quay lại nhìn cậu rồi cũng kêu to :

- Kìa ! Thằng Lan !

Cậu bé chạy lại ôm choàng lấy cha. Mọi người thấy thế đều lấy làm lạ.

Cậu xúc động quá không nói nên lời. Sau khi nhìn bệnh nhân, cha cậu hôn cậu và hỏi :

- Không hiểu sao người ta lại dẫn con đến giường người khác ! Mà cha thì đỏ mắt mong con vì mẹ con viết thư nói đã sai con ra đây. Thương hại cho con quá ! Con ở đây được mấy hôm rồi ? Sao lại nhầm được đến như thế nhỉ ? Thôi, nhờ trời cha đã lành mạnh, nay cha xin ra. Vậy con sắp sửa để cùng về...

Cậu bé đáp :

- Cha khỏi rồi ! Con sung sướng quá ! Nhưng con không thể bỏ ông già mà con đã săn sóc từ mấy hôm nay. Kìa ! Cha coi ông ấy đang nhìn con hình như muốn gọi con. Con không đành lòng bỏ ông ấy. Hôm nay, ông ấy trở bệnh. Con xin phép cha cho con về sau...

Viên y sinh đứng đó khen :

- Cậu em thật giàu lòng từ thiện !

Cha tôi hỏi viên y sinh :

- Thưa ngài, bệnh nhân là ai thế ?

Viên y sinh đáp :

- Ông ta cũng làm thợ như ông và ở ngoại quốc về, ông ta vào đây cùng ngày với ông. Người ta chở vào đây thì ông ta đã mệt và cấm khẩu rồi. Ông ta chắc cũng có gia đình ở xa và có con... Ông ta tưởng cậu em là người nhà ông ta chăng ?

Lúc ấy, bệnh nhân cứ nhìn theo cậu Lan. Người cha bảo :

- Vậy, con cứ ở đây.

Viên y sinh nói :

- Cậu sẽ chẳng phải ở đây lâu đâu !

Người cha nhắc lại :

- Con cứ ở đây. Cha rất vui lòng thấy con là một đứa trẻ có lòng nhân ái. Cha về báo tin cho nhà biết, kẻo lại nóng lòng mong đợi.

Cha cậu hôn cậu rồi ra.

Chiều hôm sau, bác sĩ vào thăm và tuyên bố bệnh nhân khó lòng qua được đến mai. Cậu thức suốt đêm ấy để nâng giấc bệnh nhân. 5 giờ sáng, bà phước vào coi qua bệnh nhân rồi chạy ra. Lát sau, bác sĩ đến, xem mạch rồi nói :

- Ông già gần chết !

Cậu Lan dân dấn nước mắt, cầm tay ông già. Ông già bừng mắt nhìn cậu rồi lại nhắm nghiền. Cậu cảm thấy trong phút lâm chung, ông già đã cố đem hết sức tàn nắm tay cậu, bắt tay cậu...

Lát sau, bác sĩ lại vào, cúi nghe bệnh nhân lần nữa rồi ngẩng lên. Cậu hỏi :

- Thưa bác sĩ, ông ấy đã "đi" chưa ?

Bác sĩ đáp :

- Thôi, con về ! Việc phúc của con đến đây là trọn. Con hãy sung sướng đi vì con đáng được sung sướng !

Bà phước rút nắm hoa tươi trong bình bên cửa sổ, đưa cho cậu và bảo :

- Ta chả có gì cho em cả. Em cầm lấy bó hoa này gọi là chút kỷ niệm của nhà thương.

Cậu, một tay đỡ lấy bó hoa, một tay lau nước mắt, nói :

- Cảm ơn bà, nhà con xa quá, đem về đến nơi thì héo cả. Con xin mượn bó hoa này để viếng ông già khốn nạn !...

Nói xong, cậu ngắt những bông hoa rắc lên thi hài người bất hạnh.

Đoạn, cậu chào bà phước và bác sĩ, xách gói quần áo trở ra.

Lúc ấy, vầng đông đã rạng.

-----------------
(1) Naples


Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

CỎ HỒNG_PHẠM DUY


Một bài hát tuyệt vời cho ngày tình nhân








Nghe bài hát "Cỏ Hồng", xin mời bấm dưới đây:

Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2016

MỘT KẺ TÙ PHẠM_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


31. MỘT KẺ TÙ PHẠM
                                                                     Thứ hai, ngày 13

Sáng qua, tôi theo cha tôi ra ngoài châu thành, thăm một khu biệt trang cha tôi định thuê để nghỉ mát trong vụ hè tới. Người giữ chìa khóa nhà này trước làm giáo dục. Ông đưa chúng tôi đi xem khắp nơi rồi mời chúng tôi vào phòng giải khát.

Trên bàn, gần cốc chúng tôi có một cái lọ mực bằng gỗ hình chóp nón, chạm trổ rất kỳ quái. Thấy cha tôi ngắm mãi lọ mực, ông giáo bảo cha tôi :

- Đấy là một kỷ niệm rất quí báu của tôi. Nếu ông biết rõ gốc tích, ông cũng phải cho là hiếm có.

Cha tôi bảo :

- Ông làm ơn kể lại cho tôi nghe.

Ông liền thuật lại như sau :

Cách đây mấy năm, khi ông còn làm việc ở Tuy-Ranh, ông phải cử vào đề lao dạy tù suốt một mùa đông. Ở đấy có một phòng cao hình tròn, chung quanh tường trổ nhiều cửa sổ vuông rào sắt. Sau mỗi cửa sổ là một buồng giam. Giáo sư đi đi lại lại trong phòng để giảng bài ; các tù phạm ngồi sau cửa sổ tì vở vào chấn song biên chép, để lộ trong bóng tối những khuôn mặt gầy gò thiểu não, những chòm râu phờ rối và lốm đốm hoa râm, những con mắt tráo trưng của những quân ăn cắp và giết người.

Trong bọn, có một người đeo số 78 là chăm chú hơn cả. Hắn thích học và nhìn thày bằng đôi mắt đầy vẻ kính trọng và biết ơn. Hắn còn trẻ, tóc rậm, râu đen, trước kia làm thợ mộc, trong lúc cãi nhau đã vớ chiếc bào ném vào đầu chủ chết tươi. Vì thế hắn bị 6 năm tội đồ.

Trong vòng ba tháng, hắn đã biết đọc, biết viết. Hắn chăm đọc sách lắm, hắn càng học được bao nhiêu thì hình như hắn càng sửa mình và tỏ ý hối hận về việc đã làm.

Một hôm, lúc gần hết giờ, hắn ra hiệu mời giáo sư lại gần cửa sổ và buồn rầu báo cho giáo sư biết hôm sau hắn sẽ phải đổi đi đề lao thành Vơ-ni (1). Sau mấy lời từ biệt cảm động, hắn xin giáo sư cho phép hắn sờ tay... Giáo sư chìa tay, hắn nâng lấy vừa hôn vừa nói "Cảm ơn thầy" rồi chạy mất.

Khi giáo sư rút tay ra thì thấy bàn tay đẫm nước mắt.

Từ đó, giáo sư không nhìn thấy người học trò ấy nữa.

Giáo sư nói tiếp :

- Sáu năm qua. Tôi mải làm ăn và cũng không rỗi công nghĩ đến người tù khốn nạn ấy. Bỗng sáng nay, có một người lạ mặt, quần áo rách rưới, chòm râu lốm đốm, đến hỏi tôi :

- Thưa ông, chính ông là thày giáo Mỗ...

Tôi hỏi lại :

- Bác là ai ?

Người lạ mặt đáp :

- Tôi là tên tù số 78, người mà thày đã dạy cách đây 6 năm và sau bài cuối cùng, thày đã vui lòng giơ tay cho tôi... Nay hết hạn tù, tôi đến kính biếu thày vật mọn này chính tay tôi làm trong khi ở nhà lao... Thưa thày, gọi là một chút để tỏ lòng nhớ ơn, xin thày nhận cho!

Tôi đứng im, người khách khốn nạn kia tưởng tôi từ chối, hắn liền nhìn tôi một cách tha thiết, như ngụ ý hỏi :

- Sáu năm đau khổ chưa đủ chuộc được danh dự sao ?

Thương tình người "học trò lao tù" cũ, tôi nhận vật này.

Giáo sư cho chúng tôi xem lọ mực. Người tù đã dùng đầu cái đinh để trổ và đã dụng tâm lắm mới được thế ! Tôi nhìn thấy hình "cái bút nằm tréo trên quyển vở" và những chữ này : "Kính tặng Giáo sư tôi  Kỷ niệm của tên 78  Sáu năm"

Dưới cùng có hàng chữ nhỏ : "Học hành và hy vọng."

Kể xong, giáo sư cũng không giữ chúng tôi nữa và để chúng tôi về.

Đi đường, óc tôi chỉ vẩn vơ nghĩ đến người tù nấp sau phên sắt, đến lời hắn từ biệt thày giáo và đến cái lọ mực chạm tỉ mỉ trong đề lao, cái công trình này đã gợi ra cho tôi biết bao nhiêu là chuyện... Đêm nằm tôi cứ mơ đến và sáng hôm sau tôi vẫn còn tưởng đến. Nào tôi có ngờ đâu đến một câu chuyện ngẫu nhiên nó đợi sẵn tôi ở ngoài trường ! Khi làm xong bài Toán, tôi kể chuyện người tù và tả lại cái lọ mực gỗ cùng những câu ghi khắc vào đó cho anh Đỗ nghe. Anh giật nẩy mình rồi lần lượt nhìn anh Xuyên và tôi.

Anh Xuyên, con bà bán hoa quả rong, ngồi ghế trên lúc ấy đang mải làm tính.

Anh Đỗ nắm chặt cánh tay tôi và bảo nhỏ :

- Suỵt ! Suỵt! Sáng nay anh Xuyên khoe với tôi rằng cha anh mới ở Mỹ Châu về, có cái lọ mực gỗ, hình chóp nón, ngoài khắc vở và bút... Đúng cái lọ mực anh vừa nói rồi !... Sáu năm lại hợp cả với cái thời gian mà cha anh đi vắng, đi sang Mỹ – anh thường nói thế  Thì ra ông ta đã ngồi tù! Hồi Toà kết án, anh Xuyên còn bé không biết, nên mẹ anh giấu chuyện ấy. Vậy ta không nên đả động việc ấy nữa và phải trọng sự không biết của anh.

-----------
(1) Venise


Thứ Tư, 10 tháng 2, 2016

CHUYỆN KHỈ KHÔN


Một buổi tối ba mươi Tết, pháo giao thừa nổ ầm ầm bên cạnh, chú khỉ sợ quá thót nhảy chạy trốn, nhảy mạnh không ngờ tuột xích. Thừa lúc mọi người bận rộn không ai để ý, chú khỉ mò trốn về rừng. Ba tháng sau, lập gia đình.

Quen với đời sống giam hãm, lại quen với cốt cách người, chú khỉ đi, chạy, nhảy đều chậm. Cả tiếng khẹc, tiếng chí chóe cũng có pha chút chất người trong đó. Mang về rừng núi và giữ lâu hơn cả là cái điệu ngồi. Khác với đồng bào chuyên môn ngồi chồm hổm lưng cong, chú khỉ ưa ngồi dựa ngửa, chân tréo bỏ thõng. Mụ vợ chúa ghét.

Khỉ có vài đứa con, chú khỉ không ưa cái tính lấc cấc của tụi nhỏ. Cứ tập hoài, tập đi đứng khoan thai, tập nói năng chậm rãi, tập cử chỉ từ tốn… Nhưng tập đâu quên đó. Cái mặt thì húc hất, con mắt thì láo liên, hai tay hết mò gãi dưới nách đến mò gãi sau mông. Rồi thoắt một cái nhảy thót lên cành cây, lượn như bay giữa chùm lá. Chú khỉ âm thầm nhớ những đứa con của bà chủ. Yêu nhất là cái dáng đứng thưa gửi của chúng trước mặt cha mẹ, trước mặt những vị khách, chắp tay cúi chào. Chao ôi, nếu lũ khỉ con mà làm dùm được cho mình một lần thì còn sung sướng hơn cả Ngài khỉ đột! Nhưng lạ, cánh tay của chúng hình như không có khớp, thiếu lắt léo. Cứ thẳng đơ, ngay đuỗn, quơ đâu đụng đó, ngã đó, rớt đó, gẫy đó. Thật nản.

Không chỉ chỉ trích những thói khỉ trong gia đình, chú khỉ còn đưa những ý kiến cải cách nói với các khỉ khác ở quanh vùng:

- Mình thấy lũ người chúng nó nhai đâu nuốt đó. Đồ ăn dư thì để dành chiều mai ăn. Chớ không như lũ mình ngốn cho hết, nhai lật đật rồi để dành trong miệng, phồng cả má. Phồng cái má chắc là có hại, chưa biết hại cái gì, hại ra sao. Nếu không thì lũ người nó đã phồng má.

Vài bác khỉ nghe theo. Kết quả : nửa trái chuối để dành trong xó kẹt, nửa trái thì cất kỹ trong hốc, khi đói mò tới kiếm thì chẳng biết đứa nào đã nuốt gọn mất tiêu rồi. Cái hại bị phồng má đâu chẳng thấy, chỉ thấy trước mắt cái hại xẹp ruột. Vậy là hết ai tin chú, trở lại cất đồ ăn trong miệng như từ thuở hồng hoang.

- Rủ đi xuống Đồng Tròn để ăn sim hả? Xa lắc. Mấy bữa nay tôi thấy bầy chim bồ chao từ khu rừng kia bay ngang qua đây ỉa xuống toàn hột sim. Lấy trí mà suy thì rừng đó hiện có sim chín. Ngày mai bà con mình đi lên phía rừng đó.

Cả xóm nghe lời. Nhưng đi suốt buổi vẫn chưa tới mép rừng. Té ra ngó thấy thì gần mà đi xa lắc. Trưa trật mới tới rừng, sục sạo chẳng thấy một cây sim làm thuốc. Đói meo. Chiều về, lết đi hết nổi. Tới nhà, khuya lơ khuya lắc. Chú khỉ bị rủa, nghe không kịp vuốt mặt. Sau nhiều lần, chẳng khỉ nào còn tin ở chú nữa. Chú cứ tưởng mình là cuốn từ điển, nhưng không ma nào còn muốn tra cuốn từ điển đó. Tặng cho cái biệt hiệu Khỉ Khôn rồi rút êm.

Khỉ Khôn chợt nhớ tới ông chủ cũ của mình. Ông mới đúng là cuốn từ điển. Im lặng ngồi một chỗ, ai tra thì nói, chớ đâu có nóng nảy nhăn nhó như mình. Ờ, khi ông đeo hai cái vòng đen lên mắt (ý muốn chỉ bộ gương hay cặp kính), trông ông hiền lành từ tốn lạ. Nhất là hễ đeo hai vòng đen là tay ông cầm cuốn sách, ngồi hàng giờ trước bàn.

Một bữa đi phiêu lưu hái trái, Khỉ Khôn gặp con đường cái quan. Một cái xe hàng hì hục bò lên dốc. Tiếng máy rống ré ầm ĩ làm Khỉ Khôn hoảng, nhảy lên chạng cây núp. Xe lên đầu dốc ngừng lại nghỉ. Những hành khách bước xuống xe, đi túa ra khắp ngả. Khỉ Khôn điểm mặt từng người. Đây, người đàn bà mập mạp. Kia, người đàn ông gầy gầy. Kìa, thằng nhỏ. Kia… Khỉ Khôn giật mình. Một ông đứng tuổi mang hai cái vòng đen nơi mắt. Tim đập thình thịch. Tưởng ông chủ, nhìn kỹ lại không phải. Nhưng trên đường phóc nhảy về nhà, Khỉ Khôn cứ thấy đôi vòng đen trước mặt.

Mùa hè năm đó động rừng, bầy khỉ tản cư xuống núi Nhạn. Phố xá cất sát chân núi, khỉ cứ đi lại thong dong trên mái nhà. Nhiều con bạo dạn lẻn xuống sân, chụp vội một món gì ăn được rồi nhảy thót chạy trốn. Có con bế luôn cả nồi cơm.

Gặp nhà vắng chủ mà quên cài cửa hay cài cửa không chặt thì tha hồ khỉ tràn vào cả bầy lục lạo. Trường hợp tương tự, Khỉ Khôn đã một lần gặp. Mọi khỉ khác lục tung nơi nhà bếp, kiếm cơm kiếm cá. Khỉ Khôn đi lên nhà trên. Nhìn những bàn ghế, những tranh ảnh treo trên vách, những cuốn sách đứng sắp hàng. Nhớ ông chủ cũ quá. Cái quạt trần, cái lọ cắm hoa lạ, sao cũng một loại hoa hồng màu gạch, những cây viết, lại những cuốn sách bỏ bề bộn… Ô kìa! Cái gương!

Khỉ Khôn vội nhảy lại chụp cái gương như sợ có khỉ nào chụp tranh với nó. Rồi một tay cầm khư khư, Khỉ Khôn nhảy thót về núi bằng ba chân còn lại.

Cuộc động rừng đã yên, cả đoàn trở về rừng cũ. Cuộc sống trở lại bình thường và khỉ khôn tạo ra những dịp rảnh để được ngồi mang gương . Nhìn ra lạ hoắc. Sao thân cây nào cũng bị uốn gãy ngang lưng. Đất thì sụp sâu xuống. Những hòn đá cứ rung rinh. Nhưng mà thích. Chắc trông mình khả kính như ông chủ. Và cũng thông thái như ông. Để trắc nghiệm, Khỉ Khôn dõng dạc ra lệnh giữa bữa ăn (với cái gương chễm chệ trên mắt):

- Chạy lấy nải chuối. Chín ngọt rồi.

Mụ vợ:

- Chín cái gì mà chín?

- Ba ngày nay nắng to, chuối gặp không khí nóng ba mươi bảy độ bách phân cũng như được ủ lá.

- Xanh lét! – Nhiều cái miệng cùng nói.

Cái miệng có gương giảng:

- Chuối hương… nó vậy. Xanh mà chín.

Thằng khỉ út láu táu bẻ một trái, cắn phập. Lật đật ném ra xa. Khạc nhổ vung lên:

- Trời ơi chát ngầm!

Cái gương bị mất uy tín lần thứ nhất.

Một ngày nào sau đó, Khỉ Khôn mang gương nói với lão khỉ già láng giềng:

- … Ông có nói là ông ngồi đâu gãi đó mà. Vậy là do gan ông nóng. Ông thuộc tạng nhiệt. Ông không thể nhai gừng để trị chứng đau bụng của ông đâu. Phải dùng vị thuốc hàn, lương. Ăn lá mùng tơi!

Báo hại, lão láng giềng nghe lời, bị một trận thổ tả gần chết.

Cái gương mất uy tín lần thứ hai. Vân vân.

Mùa thu năm đó, một chị khỉ ở rừng bên đi ngang ghé hỏi tin một gia đình khỉ quen. Thấy Khỉ Khôn đeo gương, chị nói:

- Trông ông mang gương đẹp quá. Dáng trí thức.

Khỉ Khôn cúi gập mình, tỏ dấu cảm ơn. Lần đầu tiên cái gương được tuyên dương.

Chị khỉ này ngày trước có ở làm xiếc cho một đoàn bán thuốc quảng cáo dưới chợ Chí Thạnh nên thấy hoài người ta đeo gương. Do đó mà chị không ngạc nhiên. Chớ mọi khỉ khác, hễ thấy hai cái vòng đen đó là sợ, tìm cách tránh xa. Chúng nghi ngại đó là một thứ bẫy, một thứ ná, một thứ gì gì đó mà động đến là có tai họa. Mụ khỉ càng ghét thậm tệ. Có lần “nó” nằm dưới kẹt đá, trên phủ một miếng xơ mít bự. Khỉ Khôn kiếm sáng con mắt. Mụ thấy, nhưng không thèm chỉ. Vậy mà cuối cùng, ma đưa quỉ dắt, Khỉ Khôn kiếm ra.

Sau khi khẹc khẹc thông báo với nhau về tin tức gia đình vị khỉ quen, chị khỉ giã từ. Khỉ Khôn đưa tiễn. Cũng lịch sự bước kề kề một bên hơi lùi ra sau một chút (chắc là bắt chước ông chủ cũ). Cũng đưa tay khoát nhè nhẹ chỉ lối. Cũng khẽ nghiêng mình, cũng năng đưa lưỡi kiếm môi. Chị khỉ cảm động:

- Ông anh lịch sự quá!

Khỉ Khôn mỉm cười:

- Biết nói thế nào đây? Có những lời khen mà người nhận muốn được trân trọng tặng lại người trao. Nhưng trường hợp này, cô khen tôi lịch sự có nghĩa là cô tinh tế biết phân biệt thế nào là lịch sự, thế nào là thô lỗ. Còn có nghĩa là cô xứng đáng để nhận sự đối xử lịch sự.

Chị khỉ phác một nụ cười nhẹ. Lúng túng. Có vẻ như chưa hiểu hết ý vị thâm trầm của câu nói khôn của Khỉ Khôn. Nên Khỉ Khôn độc thoại tiếp:

- Ở đời không dễ gặp được nhiều những kẻ mà với họ ta có thể biểu tỏ những ưu điểm của ta. Hãy tưởng tượng nỗi cô đơn của ai bị lưu đày kiểu đó (thì “ông” chớ còn ai nữa). Tin hay không là quyền của cô, nhưng tôi phải thú thật rằng đây là lần đầu tiên tôi được khen và… và… và…

Vừa nói vừa bước tới. Nhưng kìa, cái hòn đá mà bàn chân ông định đặt lên, sao khi đặt bàn chân tới thì… kìa, sao nó không nằm đúng vào vị trí mà ông thấy… Sao, ưở lạ chưa! Ông hoảng hốt la lớn : “A”, vì chân bước xuống khoảng không. Bước hụt. Ông bước hụt. Hai tay vội quơ chụp. Nhưng những nhánh cây ông thấy đều không nằm đúng vị trí bàn tay ông nhắm chụp tới. Ông ngã xuống. Ông lộn nhào. Ông lần theo triền dốc. Những viên đá lăn theo ông. Cả những lá mục và lá tươi. Bụi bay mù. Cái gương văng đâu mất, ông không nghĩ đến, không biết đến, không cần đến vì ông đang nhắm tít hai mắt. Lăn mãi lăn mãi, ông hết biết mình ở đâu, hết cảm giác đau đớn. Ông chết ngất.

Phải mãi đến chiều tối vợ con ông mới tìm thấy ông nằm bất động ở một bụi duối gần chân núi. Ông chưa chết. Về mượn thêm mấy khỉ thanh niên khỏe mạnh xuống tìm thế dìu ông về săn sóc.

Sau khi đặt ông nằm yên, bà vợ xỉa xói:

- Thiệt tao muốn bỏ cho chết luôn. Hễ nghĩ tới là tao tức lộn ruột. Nói với con mẹ đó thế này chớ : “A, a… Đây là lần đầu tiên tôi được khen và… và… và…”

Thằng con cố giấu một nụ cười, chêm vô:

- Và… và… và… là lần chót.

Không biết có còn tỉnh táo để nghe lời mỉa mai không, chỉ thấy Khỉ Khôn cựa mình. Rồi rên hừ hừ. Lại có dịp để bà vợ xỉa xói:

- Giỏi, sao còn nằm đó rên? Bộ muốn nằm vạ? Khéo bày đặt : Khỉ đỏ đít thì cam phận đít đỏ, còn vẽ vời đưa tiễn! Khỉ mà có chuyện đưa tiễn? Cứ nhảy, thót, vọt, chuyền, níu… cho ra khỉ, đã là tốt rồi.

Vừa lúc đó, thằng khỉ cháu ngoại thoăn thoắt bước vô. Tay cầm một cái vòng đen đen. Ưở, cái gương! Mà sao chỉ còn có một nửa? Chen giữa những hơi thở hổn hển, giọng thằng cháu ngoại hào hứng:

- Con lượm được… cái gương của ông ngoại… Nó văng tuốt… thiệt xa… Con mừng quá… đem về cho… ông ngoại.


VÕ HỒNG kể              
(Trích từ tập Chúng tôi có mặt)