Thứ Tư, 10 tháng 2, 2016

CHUYỆN KHỈ KHÔN


Một buổi tối ba mươi Tết, pháo giao thừa nổ ầm ầm bên cạnh, chú khỉ sợ quá thót nhảy chạy trốn, nhảy mạnh không ngờ tuột xích. Thừa lúc mọi người bận rộn không ai để ý, chú khỉ mò trốn về rừng. Ba tháng sau, lập gia đình.

Quen với đời sống giam hãm, lại quen với cốt cách người, chú khỉ đi, chạy, nhảy đều chậm. Cả tiếng khẹc, tiếng chí chóe cũng có pha chút chất người trong đó. Mang về rừng núi và giữ lâu hơn cả là cái điệu ngồi. Khác với đồng bào chuyên môn ngồi chồm hổm lưng cong, chú khỉ ưa ngồi dựa ngửa, chân tréo bỏ thõng. Mụ vợ chúa ghét.

Khỉ có vài đứa con, chú khỉ không ưa cái tính lấc cấc của tụi nhỏ. Cứ tập hoài, tập đi đứng khoan thai, tập nói năng chậm rãi, tập cử chỉ từ tốn… Nhưng tập đâu quên đó. Cái mặt thì húc hất, con mắt thì láo liên, hai tay hết mò gãi dưới nách đến mò gãi sau mông. Rồi thoắt một cái nhảy thót lên cành cây, lượn như bay giữa chùm lá. Chú khỉ âm thầm nhớ những đứa con của bà chủ. Yêu nhất là cái dáng đứng thưa gửi của chúng trước mặt cha mẹ, trước mặt những vị khách, chắp tay cúi chào. Chao ôi, nếu lũ khỉ con mà làm dùm được cho mình một lần thì còn sung sướng hơn cả Ngài khỉ đột! Nhưng lạ, cánh tay của chúng hình như không có khớp, thiếu lắt léo. Cứ thẳng đơ, ngay đuỗn, quơ đâu đụng đó, ngã đó, rớt đó, gẫy đó. Thật nản.

Không chỉ chỉ trích những thói khỉ trong gia đình, chú khỉ còn đưa những ý kiến cải cách nói với các khỉ khác ở quanh vùng:

- Mình thấy lũ người chúng nó nhai đâu nuốt đó. Đồ ăn dư thì để dành chiều mai ăn. Chớ không như lũ mình ngốn cho hết, nhai lật đật rồi để dành trong miệng, phồng cả má. Phồng cái má chắc là có hại, chưa biết hại cái gì, hại ra sao. Nếu không thì lũ người nó đã phồng má.

Vài bác khỉ nghe theo. Kết quả : nửa trái chuối để dành trong xó kẹt, nửa trái thì cất kỹ trong hốc, khi đói mò tới kiếm thì chẳng biết đứa nào đã nuốt gọn mất tiêu rồi. Cái hại bị phồng má đâu chẳng thấy, chỉ thấy trước mắt cái hại xẹp ruột. Vậy là hết ai tin chú, trở lại cất đồ ăn trong miệng như từ thuở hồng hoang.

- Rủ đi xuống Đồng Tròn để ăn sim hả? Xa lắc. Mấy bữa nay tôi thấy bầy chim bồ chao từ khu rừng kia bay ngang qua đây ỉa xuống toàn hột sim. Lấy trí mà suy thì rừng đó hiện có sim chín. Ngày mai bà con mình đi lên phía rừng đó.

Cả xóm nghe lời. Nhưng đi suốt buổi vẫn chưa tới mép rừng. Té ra ngó thấy thì gần mà đi xa lắc. Trưa trật mới tới rừng, sục sạo chẳng thấy một cây sim làm thuốc. Đói meo. Chiều về, lết đi hết nổi. Tới nhà, khuya lơ khuya lắc. Chú khỉ bị rủa, nghe không kịp vuốt mặt. Sau nhiều lần, chẳng khỉ nào còn tin ở chú nữa. Chú cứ tưởng mình là cuốn từ điển, nhưng không ma nào còn muốn tra cuốn từ điển đó. Tặng cho cái biệt hiệu Khỉ Khôn rồi rút êm.

Khỉ Khôn chợt nhớ tới ông chủ cũ của mình. Ông mới đúng là cuốn từ điển. Im lặng ngồi một chỗ, ai tra thì nói, chớ đâu có nóng nảy nhăn nhó như mình. Ờ, khi ông đeo hai cái vòng đen lên mắt (ý muốn chỉ bộ gương hay cặp kính), trông ông hiền lành từ tốn lạ. Nhất là hễ đeo hai vòng đen là tay ông cầm cuốn sách, ngồi hàng giờ trước bàn.

Một bữa đi phiêu lưu hái trái, Khỉ Khôn gặp con đường cái quan. Một cái xe hàng hì hục bò lên dốc. Tiếng máy rống ré ầm ĩ làm Khỉ Khôn hoảng, nhảy lên chạng cây núp. Xe lên đầu dốc ngừng lại nghỉ. Những hành khách bước xuống xe, đi túa ra khắp ngả. Khỉ Khôn điểm mặt từng người. Đây, người đàn bà mập mạp. Kia, người đàn ông gầy gầy. Kìa, thằng nhỏ. Kia… Khỉ Khôn giật mình. Một ông đứng tuổi mang hai cái vòng đen nơi mắt. Tim đập thình thịch. Tưởng ông chủ, nhìn kỹ lại không phải. Nhưng trên đường phóc nhảy về nhà, Khỉ Khôn cứ thấy đôi vòng đen trước mặt.

Mùa hè năm đó động rừng, bầy khỉ tản cư xuống núi Nhạn. Phố xá cất sát chân núi, khỉ cứ đi lại thong dong trên mái nhà. Nhiều con bạo dạn lẻn xuống sân, chụp vội một món gì ăn được rồi nhảy thót chạy trốn. Có con bế luôn cả nồi cơm.

Gặp nhà vắng chủ mà quên cài cửa hay cài cửa không chặt thì tha hồ khỉ tràn vào cả bầy lục lạo. Trường hợp tương tự, Khỉ Khôn đã một lần gặp. Mọi khỉ khác lục tung nơi nhà bếp, kiếm cơm kiếm cá. Khỉ Khôn đi lên nhà trên. Nhìn những bàn ghế, những tranh ảnh treo trên vách, những cuốn sách đứng sắp hàng. Nhớ ông chủ cũ quá. Cái quạt trần, cái lọ cắm hoa lạ, sao cũng một loại hoa hồng màu gạch, những cây viết, lại những cuốn sách bỏ bề bộn… Ô kìa! Cái gương!

Khỉ Khôn vội nhảy lại chụp cái gương như sợ có khỉ nào chụp tranh với nó. Rồi một tay cầm khư khư, Khỉ Khôn nhảy thót về núi bằng ba chân còn lại.

Cuộc động rừng đã yên, cả đoàn trở về rừng cũ. Cuộc sống trở lại bình thường và khỉ khôn tạo ra những dịp rảnh để được ngồi mang gương . Nhìn ra lạ hoắc. Sao thân cây nào cũng bị uốn gãy ngang lưng. Đất thì sụp sâu xuống. Những hòn đá cứ rung rinh. Nhưng mà thích. Chắc trông mình khả kính như ông chủ. Và cũng thông thái như ông. Để trắc nghiệm, Khỉ Khôn dõng dạc ra lệnh giữa bữa ăn (với cái gương chễm chệ trên mắt):

- Chạy lấy nải chuối. Chín ngọt rồi.

Mụ vợ:

- Chín cái gì mà chín?

- Ba ngày nay nắng to, chuối gặp không khí nóng ba mươi bảy độ bách phân cũng như được ủ lá.

- Xanh lét! – Nhiều cái miệng cùng nói.

Cái miệng có gương giảng:

- Chuối hương… nó vậy. Xanh mà chín.

Thằng khỉ út láu táu bẻ một trái, cắn phập. Lật đật ném ra xa. Khạc nhổ vung lên:

- Trời ơi chát ngầm!

Cái gương bị mất uy tín lần thứ nhất.

Một ngày nào sau đó, Khỉ Khôn mang gương nói với lão khỉ già láng giềng:

- … Ông có nói là ông ngồi đâu gãi đó mà. Vậy là do gan ông nóng. Ông thuộc tạng nhiệt. Ông không thể nhai gừng để trị chứng đau bụng của ông đâu. Phải dùng vị thuốc hàn, lương. Ăn lá mùng tơi!

Báo hại, lão láng giềng nghe lời, bị một trận thổ tả gần chết.

Cái gương mất uy tín lần thứ hai. Vân vân.

Mùa thu năm đó, một chị khỉ ở rừng bên đi ngang ghé hỏi tin một gia đình khỉ quen. Thấy Khỉ Khôn đeo gương, chị nói:

- Trông ông mang gương đẹp quá. Dáng trí thức.

Khỉ Khôn cúi gập mình, tỏ dấu cảm ơn. Lần đầu tiên cái gương được tuyên dương.

Chị khỉ này ngày trước có ở làm xiếc cho một đoàn bán thuốc quảng cáo dưới chợ Chí Thạnh nên thấy hoài người ta đeo gương. Do đó mà chị không ngạc nhiên. Chớ mọi khỉ khác, hễ thấy hai cái vòng đen đó là sợ, tìm cách tránh xa. Chúng nghi ngại đó là một thứ bẫy, một thứ ná, một thứ gì gì đó mà động đến là có tai họa. Mụ khỉ càng ghét thậm tệ. Có lần “nó” nằm dưới kẹt đá, trên phủ một miếng xơ mít bự. Khỉ Khôn kiếm sáng con mắt. Mụ thấy, nhưng không thèm chỉ. Vậy mà cuối cùng, ma đưa quỉ dắt, Khỉ Khôn kiếm ra.

Sau khi khẹc khẹc thông báo với nhau về tin tức gia đình vị khỉ quen, chị khỉ giã từ. Khỉ Khôn đưa tiễn. Cũng lịch sự bước kề kề một bên hơi lùi ra sau một chút (chắc là bắt chước ông chủ cũ). Cũng đưa tay khoát nhè nhẹ chỉ lối. Cũng khẽ nghiêng mình, cũng năng đưa lưỡi kiếm môi. Chị khỉ cảm động:

- Ông anh lịch sự quá!

Khỉ Khôn mỉm cười:

- Biết nói thế nào đây? Có những lời khen mà người nhận muốn được trân trọng tặng lại người trao. Nhưng trường hợp này, cô khen tôi lịch sự có nghĩa là cô tinh tế biết phân biệt thế nào là lịch sự, thế nào là thô lỗ. Còn có nghĩa là cô xứng đáng để nhận sự đối xử lịch sự.

Chị khỉ phác một nụ cười nhẹ. Lúng túng. Có vẻ như chưa hiểu hết ý vị thâm trầm của câu nói khôn của Khỉ Khôn. Nên Khỉ Khôn độc thoại tiếp:

- Ở đời không dễ gặp được nhiều những kẻ mà với họ ta có thể biểu tỏ những ưu điểm của ta. Hãy tưởng tượng nỗi cô đơn của ai bị lưu đày kiểu đó (thì “ông” chớ còn ai nữa). Tin hay không là quyền của cô, nhưng tôi phải thú thật rằng đây là lần đầu tiên tôi được khen và… và… và…

Vừa nói vừa bước tới. Nhưng kìa, cái hòn đá mà bàn chân ông định đặt lên, sao khi đặt bàn chân tới thì… kìa, sao nó không nằm đúng vào vị trí mà ông thấy… Sao, ưở lạ chưa! Ông hoảng hốt la lớn : “A”, vì chân bước xuống khoảng không. Bước hụt. Ông bước hụt. Hai tay vội quơ chụp. Nhưng những nhánh cây ông thấy đều không nằm đúng vị trí bàn tay ông nhắm chụp tới. Ông ngã xuống. Ông lộn nhào. Ông lần theo triền dốc. Những viên đá lăn theo ông. Cả những lá mục và lá tươi. Bụi bay mù. Cái gương văng đâu mất, ông không nghĩ đến, không biết đến, không cần đến vì ông đang nhắm tít hai mắt. Lăn mãi lăn mãi, ông hết biết mình ở đâu, hết cảm giác đau đớn. Ông chết ngất.

Phải mãi đến chiều tối vợ con ông mới tìm thấy ông nằm bất động ở một bụi duối gần chân núi. Ông chưa chết. Về mượn thêm mấy khỉ thanh niên khỏe mạnh xuống tìm thế dìu ông về săn sóc.

Sau khi đặt ông nằm yên, bà vợ xỉa xói:

- Thiệt tao muốn bỏ cho chết luôn. Hễ nghĩ tới là tao tức lộn ruột. Nói với con mẹ đó thế này chớ : “A, a… Đây là lần đầu tiên tôi được khen và… và… và…”

Thằng con cố giấu một nụ cười, chêm vô:

- Và… và… và… là lần chót.

Không biết có còn tỉnh táo để nghe lời mỉa mai không, chỉ thấy Khỉ Khôn cựa mình. Rồi rên hừ hừ. Lại có dịp để bà vợ xỉa xói:

- Giỏi, sao còn nằm đó rên? Bộ muốn nằm vạ? Khéo bày đặt : Khỉ đỏ đít thì cam phận đít đỏ, còn vẽ vời đưa tiễn! Khỉ mà có chuyện đưa tiễn? Cứ nhảy, thót, vọt, chuyền, níu… cho ra khỉ, đã là tốt rồi.

Vừa lúc đó, thằng khỉ cháu ngoại thoăn thoắt bước vô. Tay cầm một cái vòng đen đen. Ưở, cái gương! Mà sao chỉ còn có một nửa? Chen giữa những hơi thở hổn hển, giọng thằng cháu ngoại hào hứng:

- Con lượm được… cái gương của ông ngoại… Nó văng tuốt… thiệt xa… Con mừng quá… đem về cho… ông ngoại.


VÕ HỒNG kể              
(Trích từ tập Chúng tôi có mặt)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét