Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

LÒNG BIẾT ƠN_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


23. LÒNG BIẾT ƠN
                             Thứ bảy, ngày 31

An-Di của cha,

Con ơi ! Con có ý oán thày giáo con vì người đã nóng quá. Con nghĩ lại xem đã bao nhiêu lần con gắt gỏng, mà gắt gỏng với ai ? Với cha con, với mẹ con là những người đáng lẽ con phải kính nể.

Thày giáo con đôi khi nóng nảy, không phải là không có cớ. Đã bao nhiêu năm, người khó nhọc dạy trẻ. Trừ một vài đứa có nghĩa và ở thủy chung với thày, còn phần đông là những kẻ vong ân, chúng đã phụ lòng tốt của người và không nghĩ đến công lao của người. Hết thảy bọn chúng con đều gieo cho thày những mối ưu phiền hơn là những sự như ý. Một người hiền lành nhất trên trái đất này, ở vào địa vị thày, cũng phải đâm ra tức giận. Lắm phen, trong mình khó ở, thày cũng phải gắng đi làm vì không đến nỗi phải nghỉ, con có biết đâu ! Thày gắt vì thày đau, nhất là những khi thày thấy các con biết rõ là thày yếu lại thừa cơ nghịch ngợm thì thày đau khổ biết dường nào !

Con ơi ! Phải kính yêu thày giáo con. Hãy yêu thày vì cha yêu thầy và trọng thày. Hãy yêu thày, vì thày đã hy sinh đời thày để gây hạnh phúc cho biết bao nhiêu đứa trẻ sẽ quên thày. Hãy yêu thày vì thày mở mang trí tuệ và giáo hóa tâm hồn cho con. Rồi đây, con sẽ trưởng thành, thày cùng cha sẽ không còn ở trên cõi đời này nữa. Lúc ấy con sẽ thấy hình ảnh thày thường hiển hiện ở cạnh cha, lúc ấy con sẽ thấy nét đau đớn và lao khổ trên mặt thày làm cho con phải cực lòng mặc dầu đã cách hàng 30 năm. Rồi con tự thẹn và con ân hận đã không yêu người và trái đạo với người.

Hãy yêu thày vì thày là người của cái gia đình giáo huấn lớn lao kia ở rải rác trên địa cầu, cái gia đình ấy dạy dỗ hàng triệu đứa trẻ cùng lứa với con. Nếu con chỉ biết yêu cha mà không nghĩ đến những vị đã làm ơn cho con mà ông thày đứng vào bậc nhất thì cha chẳng được hài lòng.

Hãy yêu thày như cha ; yêu thày những khi thầy vuốt ve con, yêu thày cả những khi thày mắng mỏ con, yêu thày khi thày công bằng và cả những khi con tưởng thày có ý tây vị ! Yêu thày khi thày tươi vui, nhưng càng yêu thày khi thày buồn bã. Và bao giờ con cũng phải đọc tiếng "thày" một cách trân trọng vì sau tiếng "cha" thì tiếng "thày" là tiếng cao quí hơn cả, là tiếng đẹp đẽ hơn cả mà một người có thể đem tặng người khác."

Cha con.  

   

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

THƯ TỪ CALIFORNIA


Cali, ngày 10 tháng 8 năm 1990

Anh Ch. thân,

Về lại Cali có được hơn tháng rồi mới viết thư cho anh đây. Mấy ngày đầu về là vùi đầu ngủ. Ngủ để cơ thể lấy lại sức sau một chuyến bay dài. Ngủ để tâm trí quên cái nơi chốn mình vừa trở về. Có lẽ, tôi không nên cứ tự hành tội mình như thế, không nên mỗi năm lại đi về như vậy. Hãy cứ đi du lịch ở một nơi chốn nào khác đi. Sự vui buồn trong chuyến du lịch sẽ là sự vui buồn trong thoáng chốc. Qua rồi là hết. Chứ đi Việt Nam thì mỗi lần về, trở qua bao giờ cũng phải mất hơn cả tháng mới lấy lại quân bình. Mỗi lần về, trở qua thì lại thấy như mình vừa tỉnh một giấc mơ lạ. Trong giấc mơ đó, hình như có lúc mình đã khóc, đã bực mình, cau có… nhưng khi tỉnh giấc thì cái cảm giác còn nấn ná trong tâm hồn lại là một cảm giác đằm thắm, dễ chịu. Cái cảm giác của vết thương vừa được xức thuốc đó mà. Mỗi lần về, trở qua Mỹ thì lại thấy đời sống bên kia, với đầy dẫy những khó khăn, những rối rắm đến não lòng, lại là một phần đời sống thật của mình. Còn cuộc sống quá đỗi thừa thãi về vật chất ở đây lại là một đời sống tạm. Tôi thấy như mình sống hai cuộc đời. Mỗi ngày đi làm, là lúc ra hòa nhập với xã hội ở đây, lúc nào cũng thấy mình như lạc lõng. Ở bao lâu, cũng là người ngoại quốc. Cái nếp sống Việt Nam, cái lối nghĩ Việt Nam như đã thấm vào máu mình, nên làm cái gì, nghĩ cái gì, hình như mình cũng khác thiên hạ. Mình khó lòng thoải mái trước mặt người ta mà người ta cũng không dễ chịu gì với sự có mặt của mình. Có chăm chăm tám tiếng, mười tiếng đồng hồ ở sở cũng là để trả nợ áo cơm. Không cảm thấy mình đóng góp được gì cho xã hội, làm gì ích lợi cho ai ngoài việc kiếm đồng tiền. Buổi chiều trở về nhà lại là một đời sống khác. Lại trở về với thế giới riêng của mình. Thế giới có những tiếng hát quen thuộc từ quê hương. Những tờ báo Tuổi Trẻ, Sông Hương… lại là những tờ báo gối đầu nằm. Và tôi thường đi vào giấc ngủ với những tâm sự buồn vui của đất nước mình.

Có lẽ, chúng ta ai cũng mắc bệnh đứng núi này trông núi nọ. Chẳng thế mà ở bên đó thì người ta hỏi về bên này, còn người bên này thì thắc mắc về bên đó? Theo những câu hỏi tôi được nghe thì hình như hai bên, bên nào cũng có cái nhìn lệch lạc về phía bên kia. Người ở nhà thì mơ mộng về thế giới bên ngoài như những thiên đàng ở trần thế. Chẳng thế mà bao giờ họ cũng bắt đầu bằng câu : Ở ngoài đó, chắc sướng lắm chứ gì? Họ hình dung ở bên này ai cũng có công ăn việc làm, ai cũng có xe hơi, nhà lầu.

Thực tế thì hằng ngày ra đường, tôi vẫn thấy những người Mễ (*) đứng tụ năm, tụ ba dọc theo đường phố. Họ đứng từ sáng sớm mai. Họ đứng cả lúc chiều xuống. Cả nắng, cả lúc mưa. Họ trông chờ một chiếc xe nào đỗ tấp lại bên đường là xô đẩy nhau chạy lại để mong người ta chọn mình đi làm. Và ngày mai, lại cũng những cảnh của ngày nay tái diễn. Và ngày mốt…

Thực tế là ngay cả người Mỹ, cũng không thiếu kẻ ngủ công viên, bãi biển, lề đường. Thực tế thì muốn có cái xe, căn nhà ở đây không phải là khó. Nhưng cũng không dễ như người ta tưởng. Cái giá phải trả đôi khi lại chính là hạnh phúc của mình. Nhiều cặp vợ chồng ở đây để có xe hơi đẹp, nhà sang, đã cắm đầu cắm cổ hoặc làm hai, ba việc một lúc, hoặc cứ làm thêm ca, làm thêm cuối tuần… Kết quả là không còn thấy mặt vợ, mặt chồng, mặt con. Kết quả là cái nhà có, nhưng để ai ở hay chỉ là mình đối với bóng mình trên vách tường ; cái xe có nhưng để ai đi, hay chỉ là lại mình côi cút ngồi trong cái xe rộng thênh thang đó. Đó là kinh nghiệm riêng của tôi, và ngó chung quanh cũng không thiếu những trường hợp tương tự. Hai vợ chồng đứa em gái tôi chỉ có một đứa con mà không có thì giờ để chăm sóc nó. Bé Hùng, cháu tôi, tối ngày thui thủi chơi xe tăng, súng lửa… trong phòng một mình. Nó thèm có một đứa em để có bạn. Nó năn nỉ từ lúc lên năm : Mẹ, sinh cho con một đứa em đi. Em tôi cứ gật đầu hứa. Năm nay bé Hùng đã mười một tuổi, nó vẫn chưa thôi năn nỉ mẹ. Em tôi không dám có con, vì sợ đẻ thì ít mà sợ không có thì giờ để coi con thì nhiều hơn. Nói tóm lại, kiếm đồng tiền ở đây không khó, nhưng tiền bạc không thể đem lại hạnh phúc. Cái điều cơ bản đó, người ta rất dễ quên khi phải sống trong những điều kiện quá đỗi ngặt nghèo. Khi đó, người ta đã nghĩ đến tiền như một chiếc đũa thần có thể thay đổi tất cả. Nếu tôi ở trong những hoàn cảnh cùng cực như một số người ở bên đó chắc tôi không khác gì hơn. Nếu tôi là người giáo viên với lương tháng ba chục ngàn, sau giờ dạy, lại gò lưng đạp xe đạp đi bán bong bóng để kiếm thêm dăm ba ngàn thì tôi cũng khát khao một đời sống dễ dãi hơn. Nếu tôi là một cô gái đêm đêm giấu mặt sau những gốc cây, dưới ánh đèn nhớp nhúa, chắc tôi đã quỳ xuống cầu nguyện một phép lạ nào đó. Nhưng cũng có những người không đến nỗi thiếu thốn gì, vẫn muốn ra đi vì tưởng thiên đàng ở bên kia bờ đại dương. Bây giờ có nói gì với họ, cũng chỉ làm họ thêm bực bội, có khi còn chửi cho một mẻ. Vì kinh nghiệm là một thứ ít ai muốn học lại từ người khác.

Lưu Nguyễn còn bỏ thiên thai trở về nữa là. Nên tôi tin là, nhiều người họ có ra đi ngày nay, một ngày nào đó rồi họ cũng trở về lại. Như tôi, họ trở về lại để tìm thấy điều diệu kỳ trong những thông thường nhất của cuộc đời thường. Họ chắc cũng trở nên gàn dở như tôi để đi thèm nghe tiếng động của thành phố trở mình dậy sau một đêm ngủ dài. Thèm nghe tiếng rao hàng, gọi hàng những buổi sớm mai. Thèm được đứng trên cao, nhìn hoài không biết chán những dòng người, xe đạp, xe gắn máy xuôi ngược như trẩy hội. Ở đây, bạn thấy xe nhiều, chứ mặt người thì ít thấy. Ai cũng giấu mặt đằng sau những cửa kính xe màu sẫm đậm. Ai cũng  giấu mình sau những cánh cửa nhà đóng im ỉm. Chuyện ai nấy lo, đời ai nấy sống. Đã có không ít chuyện những người già, sống một mình chết hay bị tai nạn, mà phải đến hai, ba ngày sau mới có người hay, vì hàng xóm không ai biết ai.

Như tôi, họ sẽ thèm được đi lại trên những con đò nhỏ, chú lái đò thì bé tẻo teo, có bắt chuyện cũng như nói chuyện với con cháu trong nhà, không phải sợ một thái độ khinh thị lạnh lùng. Như tôi, họ sẽ thèm những buổi đi ăn hàng tối sau một suất hát. Một buổi chiều ghé qua nhà bạn tâm sự về một vấn đề thời sự nóng bỏng. Như tôi, họ sẽ… Nhưng thôi, cũng có thể không có chuyện họ sẽ trở về nữa đâu. Có thể đó chỉ là nỗi khổ riêng của những người như tôi. Có thể cũng có những người thật sự tìm được hạnh phúc, sung sướng ở đây. Cũng chẳng lạ gì, vì mỗi người đo lường hạnh phúc bằng những đơn vị riêng của mình, phải không anh Ch.?

Thân chào. 
MỸ LINH   
-----------------
(*) Mexico
  

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

LÀM BỂ LY









Không biết
bằng cách nào
em đụng đổ cái ly
ly lăn
ly lăn em thấy
mà chậm bước quá rồi

*

Có lẽ
cũng bằng cách đó
em đánh vỡ
tình ta.

              (Cali, 7-90)
               MỸ LINH

 

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

CÔ BÉ BÁN DIÊM


Rét dữ dội. Tuyết rơi. Trời đã tối hẳn. Đêm nay là đêm giao thừa.

Giữa trời đông giá rét, một em gái nhỏ đầu trần, chân đi đất, đang dò dẫm trong đêm tối.

Lúc ra khỏi nhà em có đi giày vải, nhưng giày vải phỏng có tác dụng gì kia chứ !

Giày ấy của mẹ em để lại, rộng quá, em đã liên tiếp làm văng mất cả hai chiếc khi em chạy qua đường, vào lúc hai chiếc xe ngựa đang phóng nước đại.

Chiếc thứ nhất bị xe song mã nghiến, rồi dính theo tuyết vào bánh xe; thế là mất hút. Còn chiếc thứ hai, một thằng bé lượm được, cười sằng sặc, đem tung lên trời. Nó còn nói với em bé rằng nó sẽ giữ chiếc giày để làm nôi cho con chó sau này.

Thế là em phải đi đất, chân em đỏ ửng lên, rồi tím bầm lại vì rét.

Chiếc tạp dề cũ kỹ của em đựng đầy diêm và tay em còn cầm thêm một bao.

Em cố kiếm một nơi có nhiều người qua lại. Nhưng trời rét quá, khách qua đường đều rảo bước rất nhanh, chẳng ai đoái hoài đến lời chào hàng của em.

Suốt ngày em chẳng bán được gì cả và chẳng ai bố thí cho em chút đỉnh. Em bé đáng thương, bụng đói cật rét, vẫn lang thang trên đường. Bông tuyết bám đầy trên mái tóc dài xõa thành từng búp trên lưng em, em cũng không để ý.

Cửa sổ mọi nhà đều sáng rực ánh đèn và trong phố sực nức mùi ngỗng quay. Chả là đêm giao thừa mà ! Em tưởng nhớ lại năm xưa, khi bà nội hiền hậu của em còn sống, em cũng được đón giao thừa ở nhà. Nhưng thần chết đã đến cướp bà em đi mất, gia sản tiêu tán và gia đình em đã phải lìa ngôi nhà xinh xắn có dây trường xuân leo quanh, nơi em đã sống những ngày đầm ấm, để đến chui rúc trong một xó tối tăm, luôn luôn nghe những lời mắc nhiếc, chửi rủa.

Em ngồi nép trong một góc tường, giữa hai ngôi nhà, một cái xây lùi lại một chút.

Em thu đôi chân vào người, nhưng mỗi lúc em càng thấy rét buốt hơn.

Tuy nhiên em không thể nào về nhà nếu không bán được ít bao diêm, hay không ai bố thí cho một đồng xu nào đem về; nhất định là cha em sẽ đánh em.

Vả lại ở nhà cũng rét thế thôi. Cha con em ở trên gác, sát mái nhà và, mặc dầu đã nhét giẻ rách vào các kẽ hở trên vách, gió vẫn thổi rít vào trong nhà. Lúc này đôi bàn tay em đã cứng đờ ra.

Chà ! Giá quẹt một que diêm lên mà sưởi cho đỡ rét một chút nhỉ ? Giá em có thể rút một que diêm ra quẹt vào tường mà hơ ngón tay nhỉ ? Cuối cùng em đánh liều quẹt một que diêm. Diêm bén lửa thật là nhạy. Ngọn lửa lúc đầu xanh lam, dần dần biếc đi, trắng ra, rực hồng lên quanh que gỗ, sáng chói trông đến vui mắt.

Em hơ đôi tay trên que diêm sáng rực như than hồng. Chà ! Ánh sáng kỳ diệu làm sao ! Em tưởng chừng như đang ngồi trước một lò sưởi bằng sắt có những hình nổi bằng đồng bóng nhoáng. Trong lò, lửa cháy nom đến vui mắt và tỏa ra hơi nóng dịu dàng.

Thật là dễ chịu ! Đôi bàn tay em hơ trên ngọn lửa; bên tay cầm diêm, cái ngón cái nóng bỏng lên. Chà ! Khi tuyết phủ kín mặt đất, gió bấc thổi vun vút mà được ngồi hàng giờ như thế, trong đêm đông rét buốt, trước một lò sưởi, thì khoái biết bao!

Em vừa duỗi chân ra sưởi thì lửa vụt tắt, lò sưởi biến mất. Em ngồi đó, tay cầm que diêm đã tàn hẳn. Em bần thần cả người và chợt nghĩ ra rằng cha em đã giao cho em đi bán diêm; đêm nay, về nhà thế nào cũng bị cha mắng.

Em quẹt que diêm thứ hai, diêm cháy và sáng rực lên. Bức tường như biến thành một tấm rèm bằng vải màn. Em nhìn thấu tận trong nhà. Bàn ăn đã dọn, khăn trải trắng tinh, trên bàn bày toàn bát đĩa bằng sứ quý giá, và có cả một con ngỗng quay. Nhưng điều kỳ diệu nhất là ngỗng ta nhảy ra khỏi dĩa và mang cả dao ăn, phóng sết, cắm trên lưng, tiến về phía em bé.

Rồi... que diêm vụt tắt; trước mặt em chỉ còn là những bức tường dầy đặc và lạnh lẽo.

Thực tế đã thay thế cho mộng mị: chẳng có bàn ăn thịnh soạn nào cả, mà chỉ có phố xá vắng teo, lạnh buốt, tuyết phủ trắng xóa, gió bấc vi vu và mất người khách qua đường quần áo ấm áp vội vã đi đến những nơi hẹn hò, hoàn toàn lãnh đạm với cảnh nghèo khổ của em bé bán diêm.

Em quẹt que diêm thứ ba. Bỗng em thấy hiện ra một cây thông Noel. Cây này lớn và trang trí lộng lẫy hơn cây mà em đã được thấy năm ngoái qua cửa kính một nhà buôn giàu có. Hàng ngàn ngọn nến sáng rực, lấp lánh trên cành lá xanh tươi và rất nhiều bức tranh màu sắc rực rỡ như những bức bày trong các tủ hàng, hiện ra trước mắt em bé. Em với đôi tay về phía cây... nhưng diêm tắt. Tất cả những ngọn nến bay lên, bay lên mãi rồi biến thành những ngôi sao trên trời.

- Chắc hẳn có ai vừa chết, em bé tự nhủ, vì bà em, người hiền hậu độc nhất đối với em, đã chết từ lâu, trước đây thường nói rằng: "Khi có một vì sao đổi ngôi là có một linh hồn bay lên trời với thượng đế".

Em quẹt một que diêm nữa vào tường, một ánh sáng xanh tỏa ra xung quanh và em bé nhìn thấy rõ ràng là bà em đang mỉm cười với em.

- Bà ơi ! Em bé reo lên, cho cháu đi với ! Cháu biết rằng diêm tắt thì bà cũng biến đi mất như lò sưởi, ngỗng quay và cây Noel ban nãy, nhưng xin bà đừng bỏ cháu ở nơi này; trước kia, khi bà chưa về với thượng đế chí nhân, bà cháu ta đã từng sung sướng biết bao ! Dạo ấy bà đã từng nhủ cháu rằng nếu cháu ngoan ngoãn cháu sẽ được gặp lại bà; bà ơi! cháu van bà, bà xin với Thượng Đế chí nhân cho cháu về với bà. Chắc Người không từ chối đâu.

Que diêm tắt phụt và ảo ảnh rực sáng trên khuôn mặt em bé cũng biết mất.

Thế là em quẹt tất cả những que diêm còn lại trong bao. Em muốn níu bà em lại ! Diêm nối nhau chiếu sáng như giữa ban ngày. Chưa bao giờ em thấy bà em to lớn và đẹp lão như thế này. Bà cụ cầm lấy tay em, rồi hai bà cháu bay vụt lên cao, cao mãi, chẳng còn đói rét, đau buồn nào đe dọa họ nữa. Họ đã về với Thượng đế.

Sáng hôm sau, tuyết vẫn phủ kín mặt đất, nhưng mặt trời lên, trong sáng, chói chang trên bầu trời xanh nhợt. Mọi người vui vẻ ra khỏi nhà.

Trong buổi sáng lạnh lẽo ấy, ở một xó tường người ta thấy một em gái có đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười. Em đã chết vì giá rét trong đêm giao thừa.

Ngày mồng một đầu năm hiện lên trên tử thi em bé ngồi giữa những bao diêm, trong đó có một bao đã đốt hết nhẵn. Mọi người bảo nhau: "Chắc nó muốn sưởi cho ấm!." Nhưng chẳng ai biết những cái kỳ diệu em đã trông thấy, nhất là cảnh huy hoàng lúc hai bà cháu bay lên để đón lấy những niềm vui đầu năm.


Hans Christian Andersen 

  

Thứ Hai, 21 tháng 12, 2015

CHÀNG VIẾT MƯỚN THÀNH PHƠ-LÔ-RĂNG


22. CHÀNG VIẾT MƯỚN THÀNH PHƠ-LÔ-RĂNG
(Câu chuyện hàng tháng)

Cậu bé là học trò lớp Ba, quê ở thành Phơ-lô-răng, mới 12 tuổi, người coi khôi tráng, thông minh, tóc đen, da trắng. Cậu là con đầu lòng một viên ký ga, lương ít, nhà lắm miệng ăn, vì thế sinh kế rất eo hẹp. Cha cậu quí cậu lắm, nhưng đến việc học thì rất nghiêm khắc vì cậu đã lớn, cần phải học gấp cho chóng đủ sức đi làm, kiếm đỡ gia đình.

Cha cậu đã có tuổi, lại lo nghĩ nhiều nên trông già xọm. Thế mà ngoài việc sở ra, cha cậu còn nhặt việc ngoài để kiếm thêm và đêm nào cũng thức khuya làm việc.

Ông vừa nhận được việc viết "băng" báo, cứ 500 tờ thì được 3 lira. Nhưng việc này có phần khó nhọc, nên tối đến, lúc cơm ông thường phàn nàn :

- Mắt ta độ này kém quá. Làm việc đêm hại người thực !

Một hôm cậu con nói :

- Thưa cha, để con làm đỡ vì con viết được.

Cha đáp :

- Không, con còn phải học. Công việc nhà trường còn quan hệ hơn việc viết "băng" nhiều. Cảm ơn con. Cha không muốn thế.

Biết không thể nào làm lay chuyển được lòng cha. Cậu thôi không nài nữa và nghĩ cách khác.

Một đêm, đợi cho cha viết mỏi tay đi ngủ, cậu sẽ dậy, lần ra phòng giấy, thắp đèn rồi ngồi vào bàn bắt chước lối chữ của cha viết rất nhanh nhẹn. Tập "băng" viết đã thành đống cao, cậu đếm được 160 tờ. Thế là làm thêm được 1 lira. Cậu nghỉ tay rồi rón rén về buồng ngủ.

Hôm sau cha cậu vui vẻ bảo cậu :

- Lệ ơi ! Cha còn có sức làm việc hơn là con tưởng. Đêm qua, trong hai tiếng đồng hồ, cha đã viết hơn mọi hôm đến quá một phần ba. Tay ta còn lẹ mắt ta còn tinh.

Lệ sung sướng , tự nhủ lòng :

- Không những kiếm được thêm tiền, ta còn làm cho cha vui sướng tưởng mình trẻ ra. Ta hãy gắng lên !

Cậu làm như thế luôn một tháng. Thức nhiều sinh mệt. Một tối kia, cậu ngủ gật trong khi học bài.

Hôm sau cha cậu mắng :

- Độ này con đổi tính nhiều quá, trước con có thế đâu ! Con nên nhớ rằng tất cả hy vọng của nhà ta đều đặt vào tương lai của con. Cha rất không bằng lòng con.

Bị cha mắng, cậu định từ nay thôi không viết nữa.

Nhưng đến chiều, cha cậu về, vui vẻ báo cho nhà biết rằng tháng này cha cậu đã lĩnh được 32 lira hơn tháng trước. Cha cậu lại mua một gói kẹo lớn về phân phát cho các con. Các em cậu vỗ tay reo mừng. Thấy thế, cậu lại quả quyết làm như trước và tự nghĩ :

- Ta phải gắng hơn chút nữa ! Ban ngày ta học, ban đêm ta viết để cho cha và các em ta được sung sướng.

Cậu viết như thế luôn bốn tháng. Bốn tháng đêm thức ngày mệt ! Bốn tháng bị cha giầy vò hắt hủi.

Sang tháng thứ năm, cậu quyết lòng nghỉ viết để khôi phục lại tình yêu dấu của cha, nhưng đêm đến, cậu lại nhớ giấc dậy. Cậu muốn nhìn lại một lần cuối cùng trong bầu không khí bình tĩnh ban đêm, cái phòng con kia, nơi mà cậu đã làm việc giấu trong bấy nhiêu lâu. Đèn thắp, cậu đứng trước bàn nhìn tập "băng" trắng mà cậu sẽ không bao giờ được viết nữa, những tính danh và địa chỉ cậu đã thuộc làu, lòng cậu bỗng thấy bồi hồi. Rồi bất giác, cậu lại ngồi xuống làm việc. Tay cậu đụng rơi quyển sách xuống đất. Cậu rùng mình sợ hãi. Chết ! Cha cậu dậy thì sao ?

Cậu nín thở lắng tai, nhưng không nghe thấy gì. Im cả ! Cả nhà đang ngon giấc. Cậu yên tâm cầm bút viết lia lịa.

Lúc ấy, cha cậu vẫn đứng sau cậu mà cậu không biết, vì nghe tiếng sách rơi, cha cậu nghe ngóng một lúc lâu rồi rón rén ra. Phải ! Cha cậu đứng đấy mái tóc bạc cúi trên mái tóc xanh ! Phải ! Cha cậu đứng đấy, mắt nhìn ngọn bút, lòng cảm thương con !...

Bỗng Lệ thét lên một tiếng vì có hai bàn tay run run ôm lấy đầu cậu.

Nghe tiếng nức nở, cậu biết ngay là cha, liền nói :

- Cha ơi ! Xin cha tha lỗi cho con !

Cha cậu, cúi hôn cậu, nước mắt rỏ cả lên trán :

- Lệ yêu quí của cha ! Con đừng giận cha nhá ! Cha đã hiểu cả. Chính cha phải xin lỗi con mới phải.

Nói xong, cha cậu ôm cậu vào giường mẹ cậu và bảo :

- Hôn con đi! Đã bốn tháng nay nó không ngủ để làm việc thay ta. Ta đã phụ bạc nó trong khi nó kiếm gạo nuôi cả gia đình ! 


Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2015

THĂM ÔNG GIÀ BỊ NẠN_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


21. THĂM ÔNG GIÀ BỊ NẠN
                                             Chủ nhật, ngày 18

Cháu ông già bị thương hôm nọ học lớp cô giáo nhu hòa, vui vẻ mà tôi vừa kể chuyện. Hôm nay tôi cũng trông thấy anh vì anh ở với ông nuôi nấng như con đẻ. Tôi vừa chép xong câu chuyện hàng tháng nhan đề là "Chàng viết mướn thành Phơ-lô-răng" (1) để đọc tuần sau thì cha tôi bảo :

- Ta lên từng thứ tư xem tin tức ông già hôm nay ra sao?

Chúng tôi lên gác, tìm vào một căn phòng tối mò. Ông già đang ngồi trong giường, chống tay lên gối. Bà vợ đứng đầu giường, người cháu đang chơi. Mắt ông còn buộc băng. Thấy cha tôi đến, ông mừng rỡ mời ngồi và nói hôm nay ông đã khá nhiều. Mắt ông không việc gì, mai kia sẽ khỏi hẳn. Ông nói tiếp :

- Thực là một cái hạn ! Tôi chỉ thương cho thằng bé hôm ấy bị khiếp sợ quá !

Chợt có tiếng gõ cửa, ông tưởng bác sĩ đến thăm, nhưng cửa vừa hé tôi nhìn thấy anh Phi trùm áo măng tô lù lù đứng ngoài, mắt nhìn xuống đất, không dám bước vào.

Ông già hỏi :

- Ai đấy ?

Cha tôi đáp :

- Đứa trẻ ném tuyết hôm nọ đấy.

Ông già gọi :

- Con vào đây. Con đến hỏi thăm ông già bị thương phải không ? Con hãy yên tâm. Hôm nay ta đã bớt nhiều.

Ngạc-Phi thẹn thùng lại cạnh giường và cố nuốt nước mắt. Ông già xoa đầu anh. Anh cảm động quá không nói được lời nào.

Ông già nói tiếp :

- Cảm ơn con đã đến thăm ta. Con về nói với cha mẹ con rằng ta sắp khỏi hẳn và không việc gì để người khỏi băn khoăn.

Anh Phi không nhúc nhích, coi bộ nghĩ ngợi, hình như anh có điều gì trong lòng chưa dám nói ra .

Ông già hỏi :

- Con muốn gì ?

- Thưa cụ, không.

- Thôi ! Chào con ! Con cứ về đi, đừng lo lắng gì nữa.

Phi trở ra, song không hiểu sao anh lại đứng lại nhìn người cháu ông già chòng chọc rồi bỗng dưng rút ở trong túi ra một gói giấy nhét vào tay cậu bé và bảo :

- Anh cho em.

Nói xong, anh chạy biến.

Cậu bé đem giấy lại cho ông già mở xem. Tôi ngạc nhiên quá vì đó chính là quyển sổ quý báu của anh : "Quyển tem các nước" mà anh đã sưu tập từ lâu, quyển sổ mà anh đã đặt bao nhiêu hy vọng và tốn biết bao nhiêu công trình ! Tóm lại, nó là cái bảo tàng của anh, nó là huyết mạch của anh xẻ ra, nay anh chân thành đem lại để chuộc tội.

------------------
(1) Florence


Thứ Năm, 17 tháng 12, 2015

CÁC CÔ GIÁO TRƯỜNG TÔI_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


20. CÁC CÔ GIÁO TRƯỜNG TÔI
                                    Thứ bảy, ngày 17
Hôm nay, Ngạc-Phi ra trường có vẻ lo lắng vì chắc thế nào cũng bị thầy giáo quở phạt. Nhưng ông Bích-Niên nghỉ mà thầy giáo phụ cũng không đến, chỉ có bà Cơ-Mỹ là bà giáo có tuổi nhất trường đến dạy thay. Hôm nay bà có vẻ buồn vì con bà ốm. Bà vừa bước chân vào lớp, học trò đã làm rầm lên. Bà chậm rãi nói :

- Các con nên trọng mái tóc bạc của ta một chút ! Ta không những là một bà giáo, ta còn là một người mẹ.

Ai nấy đều nín thít. Ngỗ nghịch như Phan-Tín cũng đành chịu nói thầm.

Cô Đan-cát-Tiên, dạy em tôi lên thay bà Cơ-Mỹ, còn lớp cô thì để cho cô "Mụ nhà dòng " coi giúp ; người ta hay gọi thế vì cô hay mặc đồ thâm. Cô da trắng, tóc trơn, mắt sáng, giọng lại thanh tao hình như trời sinh ra chỉ để đọc kinh cầu nguyện. Tuy nhiên cái giọng êm ái ấy cũng có oai quyền, khiến cho đám trẻ phải kinh sợ ; những trẻ nghịch ngợm nhất ở trước mặt cô cũng phải thúc thủ.

Trong trường còn một cô giáo nữa tôi rất quí mến là cô giáo lớp Ba. Cô sắc mặt hồng hào, má lúm đồng tiền, đầu đội mũ gài lông đỏ. Cô tính tình hòa nhã, trên môi lúc nào cũng nở một nụ cười, dạy học rất vui. Cô luôn luôn gõ thước xuống bàn hoặc vỗ tay cho học trò ngồi yên. Lúc học trò ra, cô thường theo sau để giữ cho chúng đi thẳng hàng, xốc cổ áo cho em này, gài khuy áo cho em khác, theo ra tận đầu phố cho chúng khỏi đánh nhau, ngọt ngào nói với cha mẹ chúng về nhà đừng đánh phạt chúng. Em nào ho thì phát kẹo thuốc, em nào rét thì cho mượn bao tay. Lúc nào, cô cũng bị học trò vây đón tíu tít, kẻ kéo khăn quàng, người lôi cổ áo khoác...

Cô chịu khó lắm, vừa dạy chữ vừa dạy vẽ. Cô đi làm để nuôi mẹ và em.


Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

QUẢ CẦU TUYẾT_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


19. QUẢ CẦU TUYẾT
                                                Thứ sáu, ngày 16

Tuyết xuống mãi !

Vì tuyết mà sau buổi học sáng xảy ra một chuyện đáng tiếc. Một lũ học trò ra khỏi cổng trường được một quãng, liền viên tuyết ném nhau, những hòn nặng và rắn như đá. Lúc ấy trên hè đông người đi lại. Một người khách qua đường kêu :

- Đừng ném nữa ! Những thằng ranh kia !

Thì lúc ấy, bên kia đường có tiếng rú lên, một ông già, hai tay bưng mắt, đang bước lảo đảo, cạnh có đứa bé con kêu cứu ầm ĩ.

Mọi người đổ đến. Ông già khốn nạn đã bị một quả cầu tuyết trúng mắt. Lũ học trò chạy trốn. Tôi đang đứng trước cửa một hiệu sách đợi cha tôi vào mua, thấy mấy anh bạn chạy lại đứng ngoài tủ kính giả vờ xem : nào anh Long, nào anh Tư, nào "chú phó nề", nào anh Phi.

Lúc ấy, mọi người đều xúm xít chung quanh ông già bị nạn ; một viên cảnh binh và mấy người khách qua đường đi đi, lại lại, dậm dọa hỏi :

- Đứa nào ? Đứa nào ném ? Bắt nó ra đây !

Người ta tìm những đứa trẻ con khám xem tay ai ướt. Anh Phi đứng cạnh tôi mặt xám như gà cắt tiết.

Công chúng vẫn gào :

- Đứa nào ? Đứa nào ném ?

Tôi thấy anh Long bảo anh Phi :

- Ra đi ! Anh cứ ra nhận đi ! Đừng để người khác bị bắt oan.

Phi run như cầy sấy, đáp :

- Nhưng tôi có ném ông ta đâu !

- Dù sao anh cũng phải làm bổn phận của anh.

- Tôi sợ lắm.

- Không việc gì, anh cứ theo tôi.

Viên cảnh binh và công chúng càng gào to :

- Đứa nào ? Bắt cho được ! Nó ném vỡ kính đâm mù mắt ông già rồi !

Nghe thấy thế Phi rủn người như sắp ngã xuống đất.

Long quả quyết giục :

- Cứ ra, tôi sẽ bênh vực cho anh.

Nói xong, Long đưa Phi ra và ôm đỡ anh như một bệnh nhân.

Trông thấy, công chúng hiểu ngay đó là tội nhân, họ hung hăng kéo đến.

Long đứng che cho bạn và nói :

- Có phải mười người lớn định đánh một đứa trẻ con không ?

Họ đều thôi. Viên cảnh sát đến lôi Phi qua đám đông người, điệu vào một cửa hàng là chỗ người ta đã đưa ông già vào ngồi tạm.

Trông ông già, tôi nhận ngay ra là một người làm công trọ ở tầng gác thứ tư, nhà tôi ở. Ông ngồi tựa lưng vào ghế, tay cầm mùi soa ấp mắt, người cháu đứng cạnh ông.

Phi mặt tái mét vừa khóc vừa nói :

- Tôi có định ném cụ ấy đâu. Tôi lỡ tay...

Hai ba người đẩy mạnh anh vào hàng và thét :

- Phải quì xuống xin lỗi !

Nhưng ngay lúc ấy, có hai cánh tay mạnh mẽ nâng anh dậy và một giọng quả quyết buông ra :

- Thưa các ông, không được !

Đó là ông hiệu trưởng trường tôi ; ông đã mục kích rõ tấn kịch ấy.

Phi nức nở khóc, hôn tay ông già. Ông lão rờ đầu và xoa tóc anh, tỏ ý tha thứ cho một đứa trẻ đã biết hối.

Lát sau, người ta cho Phi về.

Cha tôi cũng kéo tôi về. Đi đường cha tôi hỏi :

- An ơi ! Gặp những trường hợp như thế, con có can đảm ra thú lỗi không ?

Tôi đáp :

- Thưa cha, có.

- Con giữ lời chứ ?

- Vâng, con xin thề với cha như thế !


Thứ Hai, 14 tháng 12, 2015

MÙA ĐÔNG BINH SĨ


TƯỞNG NHỚ NHẠC SĨ PHAN HUỲNH ĐIỂU


Nghe bài hát Mùa đông binh sĩ xin mời bấm dưới đây:

Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2015

CHÚ PHÓ NỀ_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


8. CHÚ PHÓ NỀ
                                                    Chủ nhật, ngày 11

Hôm nay "chú phó nề" lại nhà tôi chơi. Chú mặc áo cũ của cha chữa lại, hãy còn nguyên cả vết vôi và thạch cao.

Anh An-Tố-Niên (biệt hiệu là chú phó nề) vui tính lắm, mới gặp anh lần đầu mà cha tôi đã ưa.

Vừa tới cửa, anh lột mũ cát két đẫm tuyết bỏ túi rồi thủng thình bước vào như bộ người thợ mệt, nhìn bên nọ, nhìn bên kia, mặt tròn như quả táo, mũi thì tẹt. Vào phòng ăn, thấy bức ảnh "Chú hề gù", anh liền "nhăn mõm thỏ" ai trông thấy cũng phải tức cười.

Chúng tôi chơi xếp nhà cửa. Anh khéo tay quá, bày những cầu và tháp rất tài tình. Anh cặm cụi và kiên tâm như một nhà nghề. Trong khi xếp đồ chơi, anh kể chuyện cho chúng tôi nghe.

Nhà anh ở một "rầm thượng". Tối tối, cha anh đi học lớp Bình dân để tập đọc. Năm nay anh mới lên tám tuổi rưỡi.

Cha anh cao lớn như người khổng lồ, vào cửa hay chạm đầu, mà người anh thì bé nhỏ trái hẳn với cha.

Coi y phục của anh thì biết cha mẹ anh thương anh lắm. Áo anh đã kép thêm cho đỡ rét ; ca vát đã do tay mẹ anh thắt rất diêm dúa và sạch sẽ.

Bốn giờ chiều, chúng tôi ăn quà ngay ở ghế trường kỷ. Lúc anh đứng lên, tôi thấy một vết trắng dây vào lưng ghế, chực lau đi thì không hiểu sao cha tôi vội giữ tay tôi lại, rồi sau nhằm lúc không ai chú ý, cha tôi tự chùi lấy.

Trong lúc nô đùa, anh đánh đứt một cái khuy áo, mẹ tôi đơm lại cho anh. Anh đỏ mặt, sững người nhìn mẹ tôi khâu và nín thở, có lẽ anh áy náy vì đã làm phiền mẹ tôi.

Tôi cho anh xem những bức vẽ hoạt kê, anh bắt chước những bộ nhăn nhó trong tranh rất hệt khiến cha tôi phải bật cười.

Hôm nay, "chú phó nề" được một ngày vui quá, lúc về quên cả đội mũ. Ra khỏi hè, như để tỏ lòng biết ơn, chú còn quay lại "nhăn mõm thỏ" với tôi một lần nữa.

Anh Niên về rồi, cha tôi bảo :

- Con ơi ! Con có biết tại sao cha không cho con chùi ghế trong lúc bạn con còn ở đó ? Vì làm thế tựa như mắng bạn đã làm bẩn ? Những vết trắng ấy, con có rõ ở đâu ra không ? Đó là ở quần áo của cha anh đã quệt phải trong khi làm việc. Những dấu "cần lao" ấy, ta phải kính trọng. Đó là cát bụi, đó là vôi, sơn ; chứ không phải là dơ bẩn. Sự cần lao không bôi bẩn bao giờ. Thấy một người thợ đi làm về, con không nên nói :

- Người này bẩn !

Con phải nói :

- Trên áo người này có nhiều vết cần lao.

Những điều ấy, con nên ghi lòng. Con phải quí mến "chú phó nề" kia, trước hết vì y là bạn con, sau nữa y là con một người lao động.


Thứ Tư, 9 tháng 12, 2015

TÍNH XẤU CỦA HAI NGƯỜI ĐÀN BÀ (II)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


Vị tu sĩ nói:

- Chao ôi! Nàng đừng nghĩ đến chuyện đó nữa. Nàng có biết rằng đã bao nhiêu kẻ liều mạng mà rốt cuộc thân đều hóa đá hay sao? Ta khuyên nàng hãy trở về là hơn.

Rồi vị tu sĩ kể lại tất cả những chuyện kinh hãi trên ngọn núi cho công chúa nghe.

Công chúa cương quyết nói:

- Tôi sẽ không để ý đến những lời nguyền rủa đó thì nguy hiểm sao được.

Vị tu sĩ nói:

- Không thể được! Vì tiếng nguyền rủa đó kỳ bí, ma quái, ám ảnh vào đầu óc, không ai có thể bỏ qua được.

- Tôi sẽ dùng bông bịt chặt hai lỗ tai.

Vị tu sĩ mỉm cười nhìn công chúa rồi trao cho nàng viên đá tròn và nói:

- Ta cầu xin thượng đế che chở cho nàng khỏi hóa thành đá.

Công chúa lãnh viên đá rồi lên ngựa, đến chân núi.

Trước khi lên núi, công chúa thận trọng dùng bông bịt kín hai lỗ tai lại. Dù vậy, khi công chúa mới bước được mấy bước đã nghe thấy tiếng nguyền rủa vang lên bên tai.

Công chúa thầm nghĩ:

- “Được! Ta để cho mày tha hồ nguyền rủa. Ta sẽ cố gắng giữ gìn”.

Và công chúa cứ tiến bước.

Nhưng tiếng nguyền rủa mỗi lúc một lớn. Mặc kệ, tiếng nguyền rủa càng lớn, công chúa càng bước vội vã hơn.

Một lúc sau, công chúa đến đỉnh núi. Nàng nhìn thấy có một cái lồng bên trong nhốt một con chim bé nhỏ.

Vừa tiến lại thì công chúa bỗng giật mình vì có tiếng la:

- Quay lại ngay, không được tới gần ta.

Công chúa không hề sợ hãi, tiến tới chộp chiếc lồng chim và nói:

- Chim hỡi! Ta đã bắt được ngươi rồi, nhưng ngươi vẫn không được tự do đâu.

Công chúa mở bông bịt hai lỗ tai ra để nghe chim nói.

Và chim nói rằng:

- Hỡi nàng! Từ lâu tôi vẫn mong ước gặp được người can đảm như nàng. Giờ đây tôi xin tình nguyện làm kẻ nô lệ trung thành của nàng. Xin nàng tùy ý sai khiến.

Công chúa hân hoan nói:

- Chim hãy cho ta biết nơi để nước vàng ở đâu?

Chim chỉ cho công chúa biết cái suối gần đó. Nàng vội vàng mang bình ra múc. Đó là một thứ nước có màu vàng óng ánh rất kỳ lạ, với muôn màu sắc biến ảo.

Múc nước xong, công chúa lại hỏi:

- Chim có biết cây biết hát ở đâu không?

Chim trả lời:

- Xin nàng quẹo tay mặt, đi đủ hai mươi bước rồi lại quẹo về phía trái, rồi đi tới một khu rừng. Ở đó có rất nhiều cây biết hát.

Công chúa làm theo lời chim dặn. Tới khu rừng, nàng thấy những thân cây, mỗi chiếc lá có một cái miệng, cùng cất tiếng hát hòa với nhau. Công chúa sung sướng lắng tai nghe. Nhưng công chúa thắc mắc không biết làm cách nào để mang cây về.

Nàng lại trở về hỏi chim.

Chim nói:

- Nàng chỉ cần bẻ một nhánh cây mang về cắm xuống đất, Chỉ trong phút chốc, cây sẽ ca hát vang trời.

Công chúa làm đúng như lời chim dặn.

Sau đó, công chúa hỏi chim:

- Hai anh ta đã bị hóa đá, vậy chim có biết đó là viên đá nào chăng?

Chim im tiếng không trả lời. Có lẽ đó là chuyện vô cùng khó khăn.

Công chúa giận dỗi, nói:

- Chim đã hứa làm nô lệ của ta và sẵn sàng phục tùng ta, vậy sao lại không giúp ta chuyện đó?

Chim nói:

- Tôi không dám trái lời nàng. Nhưng tiếc thay, tôi không thể phân biệt được viên đá nào của anh nàng. Nay chỉ có cách biến tất cả những viên đá đó ra người để nàng nhận mặt.

Công chúa lại hỏi:

- Chim có cách nào biến những viên đá đen kia thành người không?

- Đó toàn là những hoàng tử sang trọng cả. Nàng hãy dùng bình nước rưới lên các viên đá đó, tức khắc chúng sẽ biến thành người.

Công chúa thắc mắc:

- Nếu ta rưới bình nước vàng này để cứu tất cả mọi người thì hết mất nước.

Chim nói:

- Không đâu, bình nước ấy không bao giờ cạn cả. Cứ hết rồi lại đầy.

Công chúa nghe chim nói vậy, liền tay xách lồng chim, tay mang cành cây biết hát với bình nước vàng trở xuống.

Lần lên, những viên đá cất lời nguyền rủa tàn tệ bao nhiêu thì lần xuống công chúa tuyệt nhiên không nghe thấy một tiếng động nào cả.

Nàng cầm bình nước vàng, rưới lên một viên đá gần đó. Bỗng nhiên viên đá chuyển động và biến ra một vị hoàng tử đẹp trai. Chàng ta kinh ngạc nhìn công chúa.

Công chúa hỏi:

- Chẳng hay ngài làm gì nơi đây?

Hoàng tử đáp:

- Tôi đang ngủ.

Công chúa lại nói:

- Ngài sẽ ngủ muôn đời nếu không có tôi tới đây cứu thoát.

Và công chúa lại tiếp tục rưới bình nước lên một viên đá khác. Một vị hoàng tử nữa hiện ra.

Công chúa cũng hỏi:

- Ngài đã làm gì nơi đây?

Vị hoàng tử đó cũng đáp:

- Tôi đang ngủ.

Công chúa vui vẻ nói:

- Tôi tới mời các ngài trở dậy.

Rồi cứ lần lượt, công chúa dùng bình nước rưới lên hết thảy những viên đá. Cuối cùng nàng đã cứu được hai anh thoát nạn. Toàn thể các vị hoàng tử được cứu đều xúm lại tạ ơn công chúa, ân nhân của họ.

Hai hoàng tử Mê Linh và Nhật Vị cùng nói:

- Đó là những hoàng tử ở các nước xa xôi, nay đã bị mất hết ngựa rồi, liệu có cách nào giúp họ về được?

Công chúa Hoàng Nga quay lại hỏi chim:

- Chim có biết những con ngựa của các vị hoàng tử ở đâu không?

Chim trả lời:

- Những con ngựa đó đã biến thành những viên đá trắng ở dưới chân núi kia.

Tức thì, công chúa cùng các vị hoàng tử xuống núi. Công chúa tưới nước lên những viên đá đó để chúng trở lại nguyên hình những con ngựa như cũ. Trên lưng những con ngựa đó còn đủ cả hành lý như hồi trước.

Thế là mọi người hoan hỉ lên ngựa ra về. Qua gian nhà lá của vị tu sĩ, công chúa Hoàng Nga rẽ vào cảm ơn, nhưng tiếc thay, vị tu sĩ ấy đã đi đâu mất rồi.

Đoàn người chia tay mỗi người đi mỗi ngả.

Công chúa Hoàng Nga cùng hai anh trở về dinh thự cũ. Công chúa treo lồng chim ngay trước cửa sổ, hàng ngày nghe tiếng chim hót thật vui tai. Còn cành cây biết hát thì công chúa trồng ngoài vườn hoa. Chẳng bao lâu cây lớn lên, từ thân cây phát ra những âm thanh kỳ thú. Công chúa đem đổ bình nước vàng vào một chiếc bể cạn. Hơi nước phun lên như những hạt mưa phùn nhỏ, ánh sáng óng ánh thật đẹp mắt.

Ít lâu sau, hoàng tử Mê Linh và Nhật Vị lại tổ chức buổi săn bắn trong rừng.

Đồng thời, nhà vua cũng tình cờ săn bắn ở khu rừng đó. Nhà vua nhìn thấy hai vị hoàng tử sắc diện đẹp trai thì cho quân hầu đến hỏi:

- Chẳng hay hai người ở đâu lại hay là người bản xứ?

Hai vị hoàng tử cùng quỳ tâu:

- Muôn tâu, chúng tôi nguyên là con của viên quan giữ vườn thượng uyển hồi trước. Hiện nhà chúng tôi ở gần đây.

Nhà vua chợt nhớ ra, vui vẻ nói:

- Viên quan giữ vườn đã hầu hạ ta hồi trước rất chăm chỉ. Chẳng may ông ta chết đi, ta vẫn hằng nhắc nhở đến. Nay thật là trời dun rủi cho ta lại được thấy mặt các con.

Hai vị hoàng tử cùng sụp lạy cảm tạ rồi xin cáo lui.

Nhà vua bảo:

- Các con hãy ở lại săn bắn với ta cho có bạn.

Hai vị hoàng tử liền phụng mệnh.

Đoàn săn bắn mới đi được một đoạn đường thì bỗng một con hổ từ đâu nhảy ra. Nhà vua hỏi đoàn tùy tùng:

- Ai muốn giết con hổ kia?

Hoàng tử Mê Linh rút kiếm xin ra giết. Chỉ một lát sau, con hổ đã bị hạ dưới tài săn bắn của chàng trai võ dũng.

Nhà vua chưa kịp khen ngợi thì một con gấu bất ngờ nhảy tới. Nhà vua hoảng kinh định nhảy tránh nhưng hoàng tử Nhật Vị đã giương cung lên bắn trúng cổ con gấu làm nó chết không kịp kêu.

Vua khen thưởng hai anh em hoàng tử Mê Linh và Nhật Vị không ngớt lời. Rồi vua tỏ ý định muốn phong quan cho hai chàng.

Hai vị hoàng tử cùng tâu:

- Muôn tâu, cha mẹ chúng tôi mất sớm. Nay chỉ còn ba anh em. Hiện em gái chúng tôi đang ở nhà, xin bệ hạ ban ơn cho được về hỏi ý em gái chúng tôi đã.

Nhà vua nói:

- Nếu các người còn em gái nữa thì ngày mai cùng đến đây yết kiến ta.

Thế là hai vị hoàng tử liền trở về thuật lại tất cả mọi chuyện cho công chúa nghe.

Công chúa Hoàng Nga suy nghĩ một lúc rồi nói:

- Em là phận gái, lẽ nào lại ra mắt vua ở ngoài đường như vậy!

Hoàng tử Mê Linh bảo công chúa:

- Đó là ý vua, chúng ta không tuân cũng không được.

Công chúa liền nghĩ ra một điều, nói:

- Để em vào hỏi chim xem đã.

Rồi nàng chạy vào bên lồng chim, hỏi:

- Vua vừa triệu hai anh ta và ta tới bệ kiến, vậy ý chim như thế nào?

Chim trả lời:

- Hãy thỉnh nhà vua tới đây hơn là công chúa ra mắt vua.

Công chúa nghe chim nói vậy thì chạy ra nói với hai anh.

Hai hoàng tử mới đầu cho là không được, nhưng sau vì muốn làm vừa lòng em nên đành phải y lời.

Sau khi nghe hai hoàng tử tâu trình, nhà vua nói:

- Được, ngày mai ta sẽ cùng hai ngươi tới gặp em gái các người.

Rồi vua truyền cho đoàn ngự lâm theo tháp tùng hãy trở về kinh đô. Vua chỉ cùng viên quan hầu cận đến dinh thự của công chúa.

Hai vị hoàng tử được vua chuẩn y lời tâu thì vội vã về trước để sửa soạn.

Hoàng tử Mê Linh bảo em:

- Vua đã chuẩn tấu và sẽ đến đây. Vậy em hãy lo dọn tiệc để nghênh tiếp ngài.

Công chúa hỏi anh:

- Chúng ta phải làm những món gì để dâng vua?

Ba anh em bàn bạc một hồi lâu về những món ngon vật lạ để mong vua được hài lòng.

Sau cùng, công chúa vào hỏi chim:

- Chim hãy cho ta biết phải đãi vua những món gì?

Chim đáp:

- Công chúa chỉ nên làm một món thật đặc biệt, còn bao nhiêu thì làm những món ăn thường cũng đủ rồi…

- Những món ăn nào có thể cho là đặc biệt?

- Đặc biệt là ở trên đời này chưa có. Vậy công chúa hãy làm món dưa leo đính ngọc.

Công chúa lạ lùng hỏi:

- Ngọc đính vào dưa leo thì làm sao mà ăn được?

- Xin công chúa đừng nghi ngờ. Cứ thi hành đúng như vậy rồi khắc biết.

- Nhưng tìm đâu ra ngọc thạch?

- Có khó gì. Công chúa hãy đào ở dưới gốc cây biết hát sâu năm gang tay sẽ thấy ngọc thạch.

Công chúa y lời chim biết nói căn dặn, đào sâu năm tấc dưới gốc cây biết hát thì thấy một hộp ngọc tuyệt đẹp.

Công chúa sung sướng quá liền mang khoe hai hoàng tử. Hai hoàng tử cũng lấy làm lạ vì được nhìn những viên ngọc đẹp chưa từng thấy bao giờ.

Ngày hôm sau, nhà vua đến rất sớm. Hai anh em hoàng tử nghe tin vội mặc quần áo chỉnh tề ra đón.

Sau khi vua được trông thấy công chúa, ngài nhận thấy sắc đẹp nàng tuyệt trần nên khen ngợi không hết lời.

Rồi vua truyền công chúa dẫn mình đi ngắm cảnh trong dinh thự.

Qua vườn hoa, nhà vua thấy bể nước có phun lên những giọt nước óng ánh thì ngạc nhiên và sửng sốt vô cùng. Rồi lại nghe đâu đây vẳng có tiếng hát thánh thót và êm tai. Nhà vua hỏi:

- Nước kia ở đâu mà đẹp như vậy? Và còn tiếng nhạc gì mà êm ái quá thế?

- Muôn tâu, đó là những bảo vật đem từ Ấn Độ về. Tất cả có ba thứ quý giá là: cây biết hát, chim biết nói và nước suối vàng.

Rồi công chúa kể lại cuộc hành trình nguy hiểm của hai anh mình hồi trước.

Nhà vua nhìn ngắm bể nước rất say mê, lại nghe giọng hát phát ra từ cành cây rồi hỏi:

- Thế chim biết nói nàng để ở đâu?

Công chúa liền dẫn vua vào trong phòng. Nhà vua trông thấy chim trong chiếc lồng cất giọng hót thánh thót.

Công chúa bảo:

- Chim ơi, đức vua đã viếng thăm. Chim hãy ngừng ngay tiếng hót, cúi đầu tung hô vạn tuế.

Chim liền làm theo. Đức vua ngạc nhiên không thốt nên lời.

Một lát sau, công chúa đã cho dọn tiệc xong, liền treo lồng chim ở cửa sổ rồi mời vua ra dự tiệc.

Nhà vua nhìn bàn tiệc, thấy có món dưa leo đính ngọc thạch thì cười và hỏi:

- Chao ôi! Những viên ngọc thạch đẹp quá. Nhưng nó chỉ để ngắm chớ đâu có ăn được?

Công chúa chưa biết nói sao thì chim đã đỡ lời:

- Muôn tâu, bệ hạ cũng lấy làm lạ lùng lắm vì món ăn đó hay sao? Bệ hạ đã tin những điều còn lạ lùng hơn thế nữa cơ mà?

Đưc vua ngạc nhiên hỏi lại:

- Ngươi nói gì ta không hiểu?

- Muôn tâu, bệ hạ đã từng tin hoàng hậu sinh ra chó, khúc cây, mà cớ sao bệ hạ lại không tin món “dưa leo đính ngọc thạch” là ăn được?

Đức vua càng ngạc nhiên hơn nữa, vì không hiểu sao chim lại có thể hiểu rõ cặn kẽ được những việc đó. Ngài hỏi:

- Ngoài ra ngươi còn biết thêm gì nữa không?

Chim nghe hỏi liền thuật lại cho nhà vua nghe cặn kẽ câu chuyện về hai người chị của hoàng hậu, đã ghen ghét, âm mưu ra làm sao. Rồi chim nói tiếp:

- Hai vị hoàng tử và công chúa này chính là con của hoàng hậu, tức là con của bệ hạ đó.

Nhà vua nghe chim nói xong, như vừa tỉnh qua một cơn mê. Ngài liền ôm công chúa vào lòng và quay sang bảo hai vị hoàng tử:

- Chao ôi! Nếu không nhờ chim đã thanh minh thì cha đã để hoàng hậu sống mãi trong cảnh oan ức và các con lưu lạc khổ sở như thế này.

Hai vị hoàng tử và công chúa cũng òa lên khóc sướt mướt.

Sau đó, hai hoàng tử và công chúa cùng nhà vua lập tức trở về triều để gặp hoàng hậu.

Về đến kinh đô, đức vua liền cho mời ngay hoàng hậu đến rồi cầm tay người vừa khóc vừa nói:

- Trẫm đã trót mù quáng mà hành hạ hoàng hậu trong bấy lâu nay. Nay trẫm đã biết tội lỗi của trẫm và hối hận rồi, xin ái khanh tha thứ cho.

Rồi đức vua thuật lại chuyện đi săn và gặp ba đứa con cho hoàng hậu nghe.

Hai vị hoàng tử và công chúa cũng chạy đến ôm lấy hoàng hậu mừng mừng tủi tủi

Đức vua vội truyền cho đao phủ bắt trói hai người chị của hoàng hậu để đem ra xử trảm.

Thần dân trong nước được biết rõ câu chuyện này đều cảm thương cho hoàn cảnh oan khuất của hoàng hậu và nguyền rủa hai người chị của hoàng hậu không ngớt lời. Đồng thời, họ cũng mừng cho cuộc đoàn viên của tình ruột thịt và kết thúc bằng câu: “Trời cao có mắt!”

Câu chuyện “Tính xấu của hai người đàn bà” đã chấm dứt. Câu chuyện này là câu chuyện mà nàng Mỹ Thanh Loan đã kể cho vua Sa-Hy-A nghe đúng vào đêm thứ “một ngàn lẻ một”.

Sau khi nghe xong câu chuyện đó, vua Sa-Hy-A lộ vẻ hài lòng ra mặt. Ngài âu yếm nhìn nàng Mỹ Thanh Loan và nói:

- Ái khanh ơi! Ái khanh có biết ái khanh là vị cứu tinh của một linh hồn hay chăng?

Quả đúng như vậy, vì trong những câu chuyện đã qua suốt  “ngàn lẻ một đêm”, qua làn môi thơm mọng của nàng Mỹ Thanh Loan hằng đêm thỏ thẻ tiếng oanh bên tai ông vua đa sát đã làm đổi thay một tâm hồn đã lắng sâu và đắm chìm trong tuyệt vọng.

Do quá tuyệt vọng vì tình ái và vì đàn bà nên ngài đã dùng quyền uy sấm sét của mình để trả thù đàn bà khiến cho biết bao nàng thiếu nữ tuyệt đẹp phải chết oan. Những tưởng rằng không ai còn có thể làm cho con người đa sát ấy nguôi lòng và biết bao nàng thiếu nữ khác sắp sửa phải kế tiếp nhau rụng đầu. Nhưng không ngờ, những câu chuyện trong thời gian “nghìn lẻ một đêm” đã làm cho ông vua Sa-Hy-A hồi tỉnh. Ông ta cảm thấy sung sướng, vui vẻ yêu đời trở lại. Tâm hồn của ông ta cũng nhờ đó mà tìm lại được vị tha, bác ái và công bằng.

Kể từ đó, nước Ba Tư lại được sống vui vẻ trong cảnh hoan lạc thái bình, và các thiếu nữ đẹp trong nước ngày đêm không còn phải lo sợ vì bị “tiến cung một đêm” để sáng sớm hôm sau lại bị đem ra hành hình.

Và cũng từ đó, nàng Mỹ Thanh Loan được vua Sa-Hy-A phong cho làm hoàng hậu chính thức. Nàng vĩnh viễn sống bên cạnh đức vua và được ngài hết sức kính trọng cùng thương yêu mãi mãi…


Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015

TÍNH XẤU CỦA HAI NGƯỜI ĐÀN BÀ (I)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


Tâu thánh thượng,

Thuở xưa, vua nước Ba Tư, một nước giàu mạnh, tên là Bá Chính. Nhà vua có cái tật là hay hóa trang vào nhà dân chúng lúc đêm tối để tìm hiểu những điều lạ lùng trong thế gian.

Một ngày kia, giữa hai giờ đêm khuya khoắt, vua cùng viên quan cận thần vào một khu phố dân cư sầm uất, nhưng nhà cửa thì nghèo nàn và bẩn thỉu.

Đang băng qua một con đường, chợt nhà vua lắng tai nghe có tiếng nói chuyện thì thào trong một căn nhà lá. Vua liền lần tới dòm qua cửa vào. Bên trong, ánh sáng lờ mờ, ba người con gái ngồi nói chuyện thân mật.

Nhà vua lắng tai nghe, thấy cô chị nói với hai em:

- Chị chỉ mong có một người chồng biết làm các món đồ nấu thật thạo, và chị sẽ đem dâng cho vua ăn, chắc vua sẽ hài lòng.

Người thứ hai nói:

- Còn em, em chỉ thích lấy được người chồng chuyên may quần áo cho vua. Em sẽ là người đầu tiến nhìn thấy chồng em cắt quần áo cho nhà vua.

Mọi người cừng cười ồ lên. Tiếng cười trong suốt như pha lê. Người thứ ba đẹp hơn, láu lỉnh và có duyên hơn hai chị.

- Còn em, em lại có ước muốn lạ đời hơn các chị. Em chỉ muốn lấy chồng làm vua và đặc biệt hơn, tóc của chồng em sẽ nạm toàn bằng kim cương, nước mắt của chồng em là những hạt châu và mỗi khi cười hoa rơi vương vãi…

Đức vua Bá Chính đứng bên ngoài nghe nàng thứ ba ước nguyện lấy làm lý thú lắm. Nhà vua bèn cho đòi ba người con gái vào triều.

Khi ba người thiếu nữ đã đầy đủ trước mặt, vua phán:

- Hôm qua các nàng đã ước gì hãy kể lại cho ta nghe.

Ba người con gái sợ hãi, không biết tại sao nhà vua lại biết rõ như vậy. Vua nhìn ba nàng, nói:

- Hãy thành thật kể lại, ta sẽ làm cho các nàng thỏa nguyện.

Nhà vua nhìn người con gái thứ nhất rồi nói:

- Có phải nàng ước lấy được người chồng đầu bếp giỏi phải không? Mà đầu bếp đó lại là đầu bếp của nhà vua? Ta sẽ cho phép ngươi lấy người đầu bếp của ta.

Quay sang nàng thứ hai, nhà vua phán:

- Nàng này lại muốn lấy người thợ may của vua, vậy nàng cũng được ta xe duyên với người thợ may của ta.

Nhà vua vừa nói xong thì nàng thứ ba vội quỳ xuống nói:

- Muôn tâu bệ hạ, trong lúc vui miệng, ước vọng của thần thật điên rồ. Vậy xin bệ hạ tha thứ.

Hai người chị cũng quỳ xuống xin tội cho em. Nhưng vua điềm nhiên nói:

- Ta đã quyết định rồi, các nàng đừng trái ý ta. Và nàng, kể từ nay sẽ được làm vợ ta mãi mãi.

Hai người chị thấy ước nguyện cao sang của em đã thành sự thật thì đem lòng ganh tỵ, nhưng bề ngoài vẫn làm bộ hiền lành tử tế.

Một tuần, sau khi hôn lễ cử hành, hai người chị gặp nhau cùng bàn:

- Em có ý kiến gì khi đứa em của chúng ta bỗng chốc trở thành hoàng hậu, còn chúng mình chỉ là thân tôi đòi của nó?

- Em cũng như chị, không thể chịu đựng được. Vậy ta phải tìm cách hại nó mới xong.

Cũng từ đó, mỗi bữa ăn, hai người chị lo bàn tính cách hãm hại em cho bõ ghét. Tuy nhiên, họ vẫn chưa thực hiện được ngay. Sau khi hôn lễ của ba người con gái được cử hành đúng như nguyện ước, người em thứ ba vẫn quý mến hai chị như xưa.

Bốn tháng sau, hoàng hậu có tin mừng. Nhà vua là người sung sướng nhất. Ngài truyền đem tin đó cho dân chúng hay.

Hai người chị thấy vậy, bàn nhau một hồi, đồng lòng xin vào săn sóc và giặt giũ cho hoàng hậu. Không ai biết được tâm địa của hai người chị nên họ được vui vẻ cho vào hầu hoàng hậu.

Hoàng hậu cảm động nói:

- Hai chị ơi, ơn hai chị không bao giờ em quên. Nhưng hai chị giúp em thế này em sợ mang tiếng chết.

Hai người chị nham hiểm một mực xin ở lại hầu hoàng hậu lúc sanh đẻ.

Từ đó, họ được tự do vào trong cung và bàn mưu tính kế. Đến ngày hoàng hậu lâm bồn, sanh được một hoàng nam khôi ngô đẹp đẽ, hai người chị bàn:

- Nếu không thủ tiêu nó đi, mẹ con nó sẽ được sống sung sướng suốt đời bên hoàng thượng.

Nói rồi, hai người bèn gói đứa trẻ vào trong một cái hòm đem thả trôi sông, rồi thế vào đấy một con rắn chết khô và tâu với hoàng thượng:

- Tâu hoàng thượng, hoàng hậu đẻ ra rắn.

Nhà vua giận vô cùng, muốn đem hoàng hậu ra giết ngay, may có quan thái giám ngăn cản, nên ngài mới nguôi giận.

Nói về đứa hài nhi, sau khi bị đem thả ra sông, trôi ròng rã hai ngày trên dòng nước, ra khỏi hoàng cung, tấp vào khu vườn của một vị quan. Lại nhằm đúng ngày vị quan này đi dạo nên ngài trông thấy. Cho là lạ, ngài bèn sai quân mang lên cạn.

Khi mở ra, thấy một đứa trẻ mặt mũi phương phi đĩnh đạc ,ngài mừng rỡ, nói với vợ:

- Nhà ta hiếm hoi, có lẽ trời thấu hiểu nên ban cho một mụn con. Vậy hãy nuôi nó như con đẻ.

Thế là từ đấy đứa trẻ lớn lên trong sự nuôi dưỡng của hai vợ chồng viên quan.

Và cuối năm sau lại cũng vậy, hoàng hậu lại sinh ra một hoàng tử đẹp đẽ như trước. Lần này hai người chị lại thế vào một con cóc hủi xấu xí.

Vì quá tức giận, nhà vua lại truyền đem chém hoàng hậu. Cũng như lần trước, viên quan đại thần lại khuyên nhủ đức vua. Nên ngài lại nén lòng tha cho hoàng hậu.

Cũng như lần trước, đứa trẻ lại trôi vào bờ, và vợ chồng viên quan già kia lại nuôi nấng.

Đến kỳ thứ ba, hoàng hậu lại lâm bồn sinh hạ được một nàng công chúa tuyệt đẹp. Hai người chị ác độc kia lại thế vào đấy một con cú đen đủi xấu xí rồi gọi nhà vua vào xem.

Nhà vua tức giận tím cả người. Ngài quát to:

- Thật là hạng đàn bà yêu quái không xứng đáng làm hoàng hậu.

Nói rồi truyền đem chém.

Quan hầu cận tâu:

- Xin bệ hạ hãy tha tội cho hoàng hậu, sinh ra quái thai, lòng hoàng hậu cũng đau đớn vô ngần, chứ riêng gì bệ hạ. Vậy án tử hình xin bệ hạ hủy cho.

Nhà vua nghĩ một lúc rồi nói:

- Nếu tha tội chết thì hoàng hậu cũng phải trả giá sự nhục nhã này bằng cách ngồi tù suốt đời.

Đoạn, nhà vua truyền giam hoàng hậu vào một ngôi chùa cổ, lại bắt dân chúng đi qua ném gạch liệng sỏi vào tỏ dấu khinh bỉ.

Quyết định của nhà vua không ai dám cãi. Từ đấy, hoàng hậu cam chịu cảnh tra tấn của dân chúng rất tàn tệ.

Trong khi đó, công chúa cũng như hai anh bị đem thả trôi sông rồi cũng được vợ chồng viên quan già nuôi nấng như hai anh.

Thấm thoát đã mười năm qua, ba đứa trẻ sống sót đã khôn lớn, xinh đẹp và thông minh. Viên quan đặt cho mỗi đứa một tên. Hoàng tử thứ nhất tên là Mê-Linh, hoàng tử thứ hai tên là Nhật-Vị, và công chúa thứ ba tên gọi Hoàng-Nga. Viên quan còn trông coi cả sự học của ba đứa trẻ. Ngài cho mướn thầy về nhà nuôi dạy. Cả ba người rất sáng dạ, chẳng mấy chốc mà kinh sử thông thuộc. Công chúa thêu thùa nấu nướng rất giỏi. Hai vị hoàng tử thì văn võ kiêm toàn.

Viên quan già rất thương yêu ba đứa trẻ. Bao nhiêu tiền bạc, ngài dốc ra nuôi nấng chúng hết và tậu một ngôi nhà ở một chốn vắng vẻ cho ba đứa con chung sống.

Ngôi nhà nầy rất đẹp, có vườn tược, có ao thả cá, có muông thú và một khu rừng nhỏ cho các con săn bắn vui chơi.

Khi ngôi nhà đã hoàn tất, vị quan dâng sớ lên vua xin từ chức về an hưởng tuổi già. Nhà vua nghĩ đến công ơn của vị quan già này bèn ban thưởng rất nhiều châu báu vàng bạc.

Khi cha con, vợ chồng dọn về nhà mới ở được đúng một năm thì viên quan già chết. Năm sau đến lượt bà vợ cũng ốm chết theo chồng không kịp lời dặn dò.

Hai hoàng tử và công chúa được thừa hưởng gia sản của vợ chồng viên quan già để lại, và thờ cúng hai người như cha mẹ.

Một ngày kia, hai người anh tổ chức đi săn trong rừng. để công chúa Hoàng Nga ở nhà. Công chúa đang ngồi buồn thì bỗng có tiếng gõ cửa, công chúa sai con tỳ nữ ra mở. Đó là một bà lão ăn mày xin vào ở đỡ một đêm. Thấy dáng điệu hiền lành của bà, công chúa bằng lòng rồi dắt bà lão đi xem từng phòng ốc.

Đi xem hết rồi, bà lão quay sang nói với công chúa:

- Ngôi nhà của cô kiến trúc rất công phu. Nhưng tôi chỉ tiếc có một điều là thiếu mấy vật quý giá nữa. Giá có mà bày thì hay biết mấy.

Công chúa nói:

- Báu vật ấy là gì, bà cứ nói. Nếu được tôi sẽ mua ngay để trưng bày không nề hà.

Bà lão nói:

- Cô hãy kiếm cho bằng được một con chim biết nói rõ như người, một cái cây biết hát không bao giờ dứt, và cuối cùng là một bình nước suối vàng, đổ vào một cái hồ, nó sẽ óng ánh và trong suốt như pha lê tha hồ tắm.

Công chúa nghe xong mừng rỡ nói:

- Ồ! Nếu thế tôi nhất định phải thực hiện cho bằng được. Nhưng tôi không biết tìm chúng ở đâu bây giờ?

Bà lão nhìn công chúa:

- Cô yên chí. Cô đã tiếp đãi tôi một cách ân cần lẽ nào tôi không chỉ bảo những nơi có vật lạ ấy. Những món báu vật tôi vừa mới kể cho cô nghe chúng ở tận kinh thành nước Ấn Độ. Cô muốn đến đó phải đi dọc theo con đường hai bên có nhiều thú dữ. Nếu gặp một người tiều phu nào ở dọc đường, cô hãy bảo họ chỉ cho con chim biết nói, cây hát không dứt nhạc và một bình nước suối, họ sẽ chỉ cho.

Qua ngày hôm sau, bà lão cáo lui.

Công chúa Hoàng Nga bần thần suy nghĩ đến những báu vật mà bà lão vừa kể cho. Giữa lúc đó, hai vị hoàng tử đi săn về. Trông thấy vẻ mặt em buồn rầu, người anh cả gặng hỏi:

- Việc gì mà em lại lo lắng như vậy, em hãy thành thật kể cho anh nghe, dù khó khăn đến đâu anh cũng giúp em.

Công chúa thở dài:

- Em đâu có gì buồn, em chỉ có một nguyện ước là ngôi nhà chúng ta làm sao có những báu vật như con vẹt biết nói, cây hát không dứt nhạc và một bình nước suối vàng.

Rồi nàng kể lại tất cả những lời của bà lão cho hai hoàng tử nghe. Nàng kể một cách say mê khiến cho hai vị hoàng tử cũng lấy làm thích thú.

Hoàng tử Mê Linh nói:

- Chao ôi, sao mà em giống anh như vậy, anh cũng thích những báu vật ấy. Ngày mai anh sẽ đi tìm bằng được cho em.

Hoàng tử Nhật Vị xen vào:

- Anh là lớn, em Hoàng Nga cần có anh, vậy việc này anh nên giao cho em. Em có đủ sức mạnh để đương đầu với mọi trở ngại. Em có thể thay anh mà làm việc ấy được.

Hoàng tử Mê Linh nói:

- Đàng rằng như vậy, nhưng bổn phận của anh là lo lắng cho các em, vậy khó khăn đến đâu anh cũng không nản.

Ngày hôm sau, Mê Linh chuẩn bị hành trang lên đường. Hoàng tử Nhật Vị và công chúa Hoàng Nga tiễn anh một đoạn. Công chúa linh cảm thấy như có một việc gì trở ngại trong sự ra đi của anh nên buồn rầu nói:

- Anh ơi, em có cảm tưởng rằng anh ra đi như vậy chúng em sẽ mất một người yêu quí.

Hoàng tử Mê Linh xoa đầu em mỉm cười:

- Em đừng buồn, chí anh đã quyết thì gian lao đến đâu anh cũng đi, dẫu biết hành trình lắm gian nguy nhưng đem hạnh phúc cho em thì anh không từ bỏ.

Đoạn, hoàng tử Mê Linh rút con dao bên mình trao cho em, nói:

- Em hãy giữ lấy, bao giờ em thấy lưỡi dao xám, mờ thì hãy đi kiếm anh và cầu xin thượng đế ban phước lành cho anh.

Công chúa bùi ngùi đưa tiễn anh lên đường. Hoàng tử Nhật Vị an ủi em rồi cả hai trở về.

Nói về hoàng tử Mê Linh, từ khi lên đường, chàng cứ nhắm thẳng một mạch ra khỏi xứ Ba Tư, hướng về kinh đô Ấn Độ. Ròng rã một tháng trời chàng đến nơi được bình yên. Đang ngồi nghỉ bên vệ đường, chàng bắt gặp một bà lão đang ở trong một ngôi nhà lá tồi tàn.

Hoàng tử Mê Linh rảo bước đến nhìn vì bà lão có nhiều đặc điểm lạ đời: tóc bà trắng như tuyết, dài đến chấm gót chân, bà khoác áo nhà tu và sống một nơi hoang vu.

Hoàng tử Mê Linh nhớ lời công chúa dặn, chàng hỏi thăm vì bà là người đầu tiên chàng gặp gỡ:

- Chào bà lão. Thưa bà, trời phật đã giúp tôi gặp gỡ bà hôm nay.

Nữ tu sĩ cúi đầu không nói. Hoàng tử nghĩ rằng có lẽ bà ta điếc nên không nghe được, bèn chạy lại nắm tay bà ta.

- Bà hãy giúp tôi một việc, tôi sẽ mang ơn bà suốt đời.

Nữ tu sĩ già nhìn chàng khoan dung:

- Tôi chỉ giúp những gì mà tôi có thể giúp được.

Hoàng tử Mê Linh nói ngay:

- Bà hãy chỉ cho tôi ba vật báu:  Con vẹt biết nói, cây hát không dứt nhạc, và một bình nước suối vàng. Tôi sẽ mang ơn bà suốt đời.

Đợi cho hoàng tử năn nỉ một hồi, bà mới từ tốn trả lời:

- Ta không thể làm vừa lòng ngươi được vì nếu ta chỉ cho ngươi biết, thì tự ta đã đưa ngươi vào chỗ chết. Đã biết bao nhiêu người vượt biển trèo non tìm đến đây cũng vì những báu vật đó, đều thiệt mạng không trở về được.

Hoàng tử Mê Linh nói:

- Đội ơn bà, nhưng dẫu nguy hiểm đến đâu tôi cũng không từ nan.

Thấy hoàng tử Mê Linh năn nỉ quá mức, bà lão không đành lòng bèn lấy ở trong túi ra một viên đá trao cho hoàng tử rồi bảo:

- Ý người quyết ta không cản. Đây, ta cho ngươi viên đá này và hãy theo những lời ta chỉ bảo : Ngươi hãy buộc viên đá vào hai con ngựa , khi đến chân núi cao, lập tức con ngựa sẽ đứng lại. Lúc đó, ngươi hãy xuống ngựa ngay, băng theo đường mòn mà lần lên đỉnh. Hai bên sườn núi có một con đường mòn, ngươi hãy đi trên con đường đó và ngươi sẽ được nghe những tiếng nói đau thương và thảm thiết của những viên đá. Điều quan trọng là ngươi đừng quay đầu lại. Vì nếu ngươi quay đầu lại, ngươi sẽ biến thành đá cũng như trăm ngàn người khác Những người đó là những bậc vương giả đã có công lặn lội như ngươi, nhưng đến phút chót họ không chịu nghe lời ta. Khi thoát được nơi đó ngươi hãy tìm lên đỉnh núi và sẽ trông thấy một con chim được nhốt trong lồng vàng và ngươi muốn tìm những thức gì hãy hỏi nó là đủ.

Hoàng tử Mê Linh hỏi lại:

- Ngài còn điều chi dạy bảo nữa không?

Nữ tu sĩ đáp:

- Ta chỉ cầu mong ngươi hãy làm theo lời ta.

Hoàng tử cảm tạ rồi buộc viên đá vào hai con ngựa. Con ngựa chạy rất nhanh, làm chàng mệt nhoài cả người. Đến một dãy núi cao, con ngựa đứng yên không cử động. Hoàng tử đưa mắt quan sát rồi chàng lần theo con đường mòn. Đi được mấy bước, chàng thấy hai bên đường ngổn ngang những viên đá đen sì và tai chàng nghe những tiếng nói:

- Hãy đuổi nó ra khỏi nơi đây!

- Giết nó đi…

Muôn ngàn tiếng reo hò âm vang làm cho hoàng tử Mê Linh phải chùn bước. Vì những tiếng đó mỗi lúc mỗi gần và vì quá sợ hãi, chàng quên hết những lời vị tu sĩ răn bảo. Chàng quay lại rút kiếm ra toan tự vệ nhưng chàng không thấy ai cả. Và một lúc sau chàng cũng hóa ra một viên đá đen nhánh nằm lăn ra mặt đất như những viên kia.

Trong khi đó, hoàng tử Nhật Vị và công chúa Hoàng Nga đang trông đợi tin anh. Từ ngày anh ra đi, công chúa thường lấy lưỡi dao ra xem thì thấy vẫn sáng.

Nhưng hôm nay, công chúa vừa lấy dao ra thì lưỡi dao xám ngoét. Quá đau buồn, nàng ôm mặt khóc nức nở.

- Anh ba ơi, anh hai chúng ta đã bị hại rồi.

Hoàng tử Nhật Vị thấy vậy nóng lòng nói:

- Thôi em đừng khóc nữa. Để anh đi kiếm anh hai vậy.

Công chúa vẫn khóc, nói:

- Lỗi tại em quá ham thích báu vật nên anh chúng ta mới bị hại.

Hoàng tử Nhật Vị an ủi:

- Em cứ an tâm, thế nào anh cũng tìm được anh cả trở về.

Nói rồi, chàng lên ngựa. Công chúa chạy theo dặn dò:

- Anh có thể làm thế nào cho em được biết tin nếu anh gặp hoạn nạn ở dọc đườngkhông?

Hoàng tử bèn rứt cái khuy áo và nói:

- Em hãy giữ lấy cái khuy này, chừng nào thấy nó đổi sang màu đỏ là màu máu tức là anh lâm nạn, em hãy đi tìm anh.

Công chúa cầm lấy chiếc khuy áo, nhìn hút theo bóng anh.

Hoàng tử đi đúng ba mươi ngày, chàng cũng lại gặp vị nữ tu sĩ già bên túp lều nghèo nàn. Chàng cũng vái chào và hỏi thăm đường lên trên núi như anh.

Vị tu sĩ già nhìn chàng thương hại:

- Những lời nói của ông cũng hệt như lời của hoàng tử Mê Linh.

Rồi vị nữ tu sĩ kể rõ những việc nguy hiểm mà do hoàng tử Mê Linh đã không tuân theo lời nên đến nỗi phải gặp nạn. Hoàng tử Nhật Vị nói ngay:

- Thưa bà, như vậy là anh tôi đã bị nạn rồi. Còn tôi, tôi sẽ không quên lời bà dạy để không đến nỗi như anh tôi.

Nữ tu sĩ nói:

- Đã bao người ra đi và không bao giờ quay về như vậy rồi. Bây giờ tôi khuyên ông nên từ bỏ ý định là hơn.

Hoàng tử Nhật Vị khẩn khoản:

- Ngài hãy làm ơn chỉ chỗ giùm tôi. Tôi xin cam đoan là không oán ngài nếu có gặp phải tai nạn.

Vị tu sĩ móc túi lấy ra một viên đá trao cho hoàng tử rồi nói:

- Đây, tôi trao cho ngài và cầu xin thượng đế ban cho ngài được kết quả tốt đẹp.

Rồi bà ta căn dặn hoàng tử cách dùng viên đá tròn. Hoàng tử cứ y lời mà làm, sau cùng chàng tới chân núi. Hoàng tử dắt ngựa, theo con đường nhỏ tiến lên.

Nhưng hoàng tử mới đi được vài bước đã nghe thấy tiếng nguyền rủa nổi lên rất dữ tợn. Vốn nóng tính, hoàng tử không chịu nổi, liền vung kiếm, quay lại định chém kẻ ngạo mạn nào đó thì than ôi…

Từ ngày hoàng tử Nhật Vị xa nhà, công chúa Hoàng Nga hàng ngày mang khuy ngọc ra coi, tới ngày thứ hai mươi mốt thì thấy ánh kim cương không còn óng ánh nữa.

Công chúa Hoàng Nga biết ngay là anh mình đã gặp nạn. Nàng buồn rầu than thở:

- Chao ôi! Hai anh ta ra đi, giờ đây chỉ còn lại mình ta sống làm gì nữa, chi bằng liều thân chuyến này cho trọn tình huynh đệ.

Than rồi, công chúa cải dạng thành một chàng trai, nhẩy lên ngựa ra roi. Theo con đường cũ, tới ngày hai mươi mốt thì công chúa lại gặp vị tu sĩ.

Công chúa dịu dàng nói:

- Xin ngài hãy thương mà ban cho tôi vài đặc ân.

Vị tu sĩ điềm đạm nói:

- Tôi mới trông qua và nghe giọng nói thì biết ngay nàng không phải là bậc nam nhi. Chẳng hay nàng muốn tôi giúp điều gì?

Công chúa nói:

- Ngài hãy làm ơn chỉ giùm tôi chỗ có loài chim biết nói cây biết hát và nước suối vàng.

______________________________________________________________________ 
Còn tiếp