Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

THƯ TỪ CALIFORNIA


Cali, ngày 10 tháng 8 năm 1990

Anh Ch. thân,

Về lại Cali có được hơn tháng rồi mới viết thư cho anh đây. Mấy ngày đầu về là vùi đầu ngủ. Ngủ để cơ thể lấy lại sức sau một chuyến bay dài. Ngủ để tâm trí quên cái nơi chốn mình vừa trở về. Có lẽ, tôi không nên cứ tự hành tội mình như thế, không nên mỗi năm lại đi về như vậy. Hãy cứ đi du lịch ở một nơi chốn nào khác đi. Sự vui buồn trong chuyến du lịch sẽ là sự vui buồn trong thoáng chốc. Qua rồi là hết. Chứ đi Việt Nam thì mỗi lần về, trở qua bao giờ cũng phải mất hơn cả tháng mới lấy lại quân bình. Mỗi lần về, trở qua thì lại thấy như mình vừa tỉnh một giấc mơ lạ. Trong giấc mơ đó, hình như có lúc mình đã khóc, đã bực mình, cau có… nhưng khi tỉnh giấc thì cái cảm giác còn nấn ná trong tâm hồn lại là một cảm giác đằm thắm, dễ chịu. Cái cảm giác của vết thương vừa được xức thuốc đó mà. Mỗi lần về, trở qua Mỹ thì lại thấy đời sống bên kia, với đầy dẫy những khó khăn, những rối rắm đến não lòng, lại là một phần đời sống thật của mình. Còn cuộc sống quá đỗi thừa thãi về vật chất ở đây lại là một đời sống tạm. Tôi thấy như mình sống hai cuộc đời. Mỗi ngày đi làm, là lúc ra hòa nhập với xã hội ở đây, lúc nào cũng thấy mình như lạc lõng. Ở bao lâu, cũng là người ngoại quốc. Cái nếp sống Việt Nam, cái lối nghĩ Việt Nam như đã thấm vào máu mình, nên làm cái gì, nghĩ cái gì, hình như mình cũng khác thiên hạ. Mình khó lòng thoải mái trước mặt người ta mà người ta cũng không dễ chịu gì với sự có mặt của mình. Có chăm chăm tám tiếng, mười tiếng đồng hồ ở sở cũng là để trả nợ áo cơm. Không cảm thấy mình đóng góp được gì cho xã hội, làm gì ích lợi cho ai ngoài việc kiếm đồng tiền. Buổi chiều trở về nhà lại là một đời sống khác. Lại trở về với thế giới riêng của mình. Thế giới có những tiếng hát quen thuộc từ quê hương. Những tờ báo Tuổi Trẻ, Sông Hương… lại là những tờ báo gối đầu nằm. Và tôi thường đi vào giấc ngủ với những tâm sự buồn vui của đất nước mình.

Có lẽ, chúng ta ai cũng mắc bệnh đứng núi này trông núi nọ. Chẳng thế mà ở bên đó thì người ta hỏi về bên này, còn người bên này thì thắc mắc về bên đó? Theo những câu hỏi tôi được nghe thì hình như hai bên, bên nào cũng có cái nhìn lệch lạc về phía bên kia. Người ở nhà thì mơ mộng về thế giới bên ngoài như những thiên đàng ở trần thế. Chẳng thế mà bao giờ họ cũng bắt đầu bằng câu : Ở ngoài đó, chắc sướng lắm chứ gì? Họ hình dung ở bên này ai cũng có công ăn việc làm, ai cũng có xe hơi, nhà lầu.

Thực tế thì hằng ngày ra đường, tôi vẫn thấy những người Mễ (*) đứng tụ năm, tụ ba dọc theo đường phố. Họ đứng từ sáng sớm mai. Họ đứng cả lúc chiều xuống. Cả nắng, cả lúc mưa. Họ trông chờ một chiếc xe nào đỗ tấp lại bên đường là xô đẩy nhau chạy lại để mong người ta chọn mình đi làm. Và ngày mai, lại cũng những cảnh của ngày nay tái diễn. Và ngày mốt…

Thực tế là ngay cả người Mỹ, cũng không thiếu kẻ ngủ công viên, bãi biển, lề đường. Thực tế thì muốn có cái xe, căn nhà ở đây không phải là khó. Nhưng cũng không dễ như người ta tưởng. Cái giá phải trả đôi khi lại chính là hạnh phúc của mình. Nhiều cặp vợ chồng ở đây để có xe hơi đẹp, nhà sang, đã cắm đầu cắm cổ hoặc làm hai, ba việc một lúc, hoặc cứ làm thêm ca, làm thêm cuối tuần… Kết quả là không còn thấy mặt vợ, mặt chồng, mặt con. Kết quả là cái nhà có, nhưng để ai ở hay chỉ là mình đối với bóng mình trên vách tường ; cái xe có nhưng để ai đi, hay chỉ là lại mình côi cút ngồi trong cái xe rộng thênh thang đó. Đó là kinh nghiệm riêng của tôi, và ngó chung quanh cũng không thiếu những trường hợp tương tự. Hai vợ chồng đứa em gái tôi chỉ có một đứa con mà không có thì giờ để chăm sóc nó. Bé Hùng, cháu tôi, tối ngày thui thủi chơi xe tăng, súng lửa… trong phòng một mình. Nó thèm có một đứa em để có bạn. Nó năn nỉ từ lúc lên năm : Mẹ, sinh cho con một đứa em đi. Em tôi cứ gật đầu hứa. Năm nay bé Hùng đã mười một tuổi, nó vẫn chưa thôi năn nỉ mẹ. Em tôi không dám có con, vì sợ đẻ thì ít mà sợ không có thì giờ để coi con thì nhiều hơn. Nói tóm lại, kiếm đồng tiền ở đây không khó, nhưng tiền bạc không thể đem lại hạnh phúc. Cái điều cơ bản đó, người ta rất dễ quên khi phải sống trong những điều kiện quá đỗi ngặt nghèo. Khi đó, người ta đã nghĩ đến tiền như một chiếc đũa thần có thể thay đổi tất cả. Nếu tôi ở trong những hoàn cảnh cùng cực như một số người ở bên đó chắc tôi không khác gì hơn. Nếu tôi là người giáo viên với lương tháng ba chục ngàn, sau giờ dạy, lại gò lưng đạp xe đạp đi bán bong bóng để kiếm thêm dăm ba ngàn thì tôi cũng khát khao một đời sống dễ dãi hơn. Nếu tôi là một cô gái đêm đêm giấu mặt sau những gốc cây, dưới ánh đèn nhớp nhúa, chắc tôi đã quỳ xuống cầu nguyện một phép lạ nào đó. Nhưng cũng có những người không đến nỗi thiếu thốn gì, vẫn muốn ra đi vì tưởng thiên đàng ở bên kia bờ đại dương. Bây giờ có nói gì với họ, cũng chỉ làm họ thêm bực bội, có khi còn chửi cho một mẻ. Vì kinh nghiệm là một thứ ít ai muốn học lại từ người khác.

Lưu Nguyễn còn bỏ thiên thai trở về nữa là. Nên tôi tin là, nhiều người họ có ra đi ngày nay, một ngày nào đó rồi họ cũng trở về lại. Như tôi, họ trở về lại để tìm thấy điều diệu kỳ trong những thông thường nhất của cuộc đời thường. Họ chắc cũng trở nên gàn dở như tôi để đi thèm nghe tiếng động của thành phố trở mình dậy sau một đêm ngủ dài. Thèm nghe tiếng rao hàng, gọi hàng những buổi sớm mai. Thèm được đứng trên cao, nhìn hoài không biết chán những dòng người, xe đạp, xe gắn máy xuôi ngược như trẩy hội. Ở đây, bạn thấy xe nhiều, chứ mặt người thì ít thấy. Ai cũng giấu mặt đằng sau những cửa kính xe màu sẫm đậm. Ai cũng  giấu mình sau những cánh cửa nhà đóng im ỉm. Chuyện ai nấy lo, đời ai nấy sống. Đã có không ít chuyện những người già, sống một mình chết hay bị tai nạn, mà phải đến hai, ba ngày sau mới có người hay, vì hàng xóm không ai biết ai.

Như tôi, họ sẽ thèm được đi lại trên những con đò nhỏ, chú lái đò thì bé tẻo teo, có bắt chuyện cũng như nói chuyện với con cháu trong nhà, không phải sợ một thái độ khinh thị lạnh lùng. Như tôi, họ sẽ thèm những buổi đi ăn hàng tối sau một suất hát. Một buổi chiều ghé qua nhà bạn tâm sự về một vấn đề thời sự nóng bỏng. Như tôi, họ sẽ… Nhưng thôi, cũng có thể không có chuyện họ sẽ trở về nữa đâu. Có thể đó chỉ là nỗi khổ riêng của những người như tôi. Có thể cũng có những người thật sự tìm được hạnh phúc, sung sướng ở đây. Cũng chẳng lạ gì, vì mỗi người đo lường hạnh phúc bằng những đơn vị riêng của mình, phải không anh Ch.?

Thân chào. 
MỸ LINH   
-----------------
(*) Mexico
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét