Thứ Tư, 9 tháng 12, 2015

TÍNH XẤU CỦA HAI NGƯỜI ĐÀN BÀ (II)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


Vị tu sĩ nói:

- Chao ôi! Nàng đừng nghĩ đến chuyện đó nữa. Nàng có biết rằng đã bao nhiêu kẻ liều mạng mà rốt cuộc thân đều hóa đá hay sao? Ta khuyên nàng hãy trở về là hơn.

Rồi vị tu sĩ kể lại tất cả những chuyện kinh hãi trên ngọn núi cho công chúa nghe.

Công chúa cương quyết nói:

- Tôi sẽ không để ý đến những lời nguyền rủa đó thì nguy hiểm sao được.

Vị tu sĩ nói:

- Không thể được! Vì tiếng nguyền rủa đó kỳ bí, ma quái, ám ảnh vào đầu óc, không ai có thể bỏ qua được.

- Tôi sẽ dùng bông bịt chặt hai lỗ tai.

Vị tu sĩ mỉm cười nhìn công chúa rồi trao cho nàng viên đá tròn và nói:

- Ta cầu xin thượng đế che chở cho nàng khỏi hóa thành đá.

Công chúa lãnh viên đá rồi lên ngựa, đến chân núi.

Trước khi lên núi, công chúa thận trọng dùng bông bịt kín hai lỗ tai lại. Dù vậy, khi công chúa mới bước được mấy bước đã nghe thấy tiếng nguyền rủa vang lên bên tai.

Công chúa thầm nghĩ:

- “Được! Ta để cho mày tha hồ nguyền rủa. Ta sẽ cố gắng giữ gìn”.

Và công chúa cứ tiến bước.

Nhưng tiếng nguyền rủa mỗi lúc một lớn. Mặc kệ, tiếng nguyền rủa càng lớn, công chúa càng bước vội vã hơn.

Một lúc sau, công chúa đến đỉnh núi. Nàng nhìn thấy có một cái lồng bên trong nhốt một con chim bé nhỏ.

Vừa tiến lại thì công chúa bỗng giật mình vì có tiếng la:

- Quay lại ngay, không được tới gần ta.

Công chúa không hề sợ hãi, tiến tới chộp chiếc lồng chim và nói:

- Chim hỡi! Ta đã bắt được ngươi rồi, nhưng ngươi vẫn không được tự do đâu.

Công chúa mở bông bịt hai lỗ tai ra để nghe chim nói.

Và chim nói rằng:

- Hỡi nàng! Từ lâu tôi vẫn mong ước gặp được người can đảm như nàng. Giờ đây tôi xin tình nguyện làm kẻ nô lệ trung thành của nàng. Xin nàng tùy ý sai khiến.

Công chúa hân hoan nói:

- Chim hãy cho ta biết nơi để nước vàng ở đâu?

Chim chỉ cho công chúa biết cái suối gần đó. Nàng vội vàng mang bình ra múc. Đó là một thứ nước có màu vàng óng ánh rất kỳ lạ, với muôn màu sắc biến ảo.

Múc nước xong, công chúa lại hỏi:

- Chim có biết cây biết hát ở đâu không?

Chim trả lời:

- Xin nàng quẹo tay mặt, đi đủ hai mươi bước rồi lại quẹo về phía trái, rồi đi tới một khu rừng. Ở đó có rất nhiều cây biết hát.

Công chúa làm theo lời chim dặn. Tới khu rừng, nàng thấy những thân cây, mỗi chiếc lá có một cái miệng, cùng cất tiếng hát hòa với nhau. Công chúa sung sướng lắng tai nghe. Nhưng công chúa thắc mắc không biết làm cách nào để mang cây về.

Nàng lại trở về hỏi chim.

Chim nói:

- Nàng chỉ cần bẻ một nhánh cây mang về cắm xuống đất, Chỉ trong phút chốc, cây sẽ ca hát vang trời.

Công chúa làm đúng như lời chim dặn.

Sau đó, công chúa hỏi chim:

- Hai anh ta đã bị hóa đá, vậy chim có biết đó là viên đá nào chăng?

Chim im tiếng không trả lời. Có lẽ đó là chuyện vô cùng khó khăn.

Công chúa giận dỗi, nói:

- Chim đã hứa làm nô lệ của ta và sẵn sàng phục tùng ta, vậy sao lại không giúp ta chuyện đó?

Chim nói:

- Tôi không dám trái lời nàng. Nhưng tiếc thay, tôi không thể phân biệt được viên đá nào của anh nàng. Nay chỉ có cách biến tất cả những viên đá đó ra người để nàng nhận mặt.

Công chúa lại hỏi:

- Chim có cách nào biến những viên đá đen kia thành người không?

- Đó toàn là những hoàng tử sang trọng cả. Nàng hãy dùng bình nước rưới lên các viên đá đó, tức khắc chúng sẽ biến thành người.

Công chúa thắc mắc:

- Nếu ta rưới bình nước vàng này để cứu tất cả mọi người thì hết mất nước.

Chim nói:

- Không đâu, bình nước ấy không bao giờ cạn cả. Cứ hết rồi lại đầy.

Công chúa nghe chim nói vậy, liền tay xách lồng chim, tay mang cành cây biết hát với bình nước vàng trở xuống.

Lần lên, những viên đá cất lời nguyền rủa tàn tệ bao nhiêu thì lần xuống công chúa tuyệt nhiên không nghe thấy một tiếng động nào cả.

Nàng cầm bình nước vàng, rưới lên một viên đá gần đó. Bỗng nhiên viên đá chuyển động và biến ra một vị hoàng tử đẹp trai. Chàng ta kinh ngạc nhìn công chúa.

Công chúa hỏi:

- Chẳng hay ngài làm gì nơi đây?

Hoàng tử đáp:

- Tôi đang ngủ.

Công chúa lại nói:

- Ngài sẽ ngủ muôn đời nếu không có tôi tới đây cứu thoát.

Và công chúa lại tiếp tục rưới bình nước lên một viên đá khác. Một vị hoàng tử nữa hiện ra.

Công chúa cũng hỏi:

- Ngài đã làm gì nơi đây?

Vị hoàng tử đó cũng đáp:

- Tôi đang ngủ.

Công chúa vui vẻ nói:

- Tôi tới mời các ngài trở dậy.

Rồi cứ lần lượt, công chúa dùng bình nước rưới lên hết thảy những viên đá. Cuối cùng nàng đã cứu được hai anh thoát nạn. Toàn thể các vị hoàng tử được cứu đều xúm lại tạ ơn công chúa, ân nhân của họ.

Hai hoàng tử Mê Linh và Nhật Vị cùng nói:

- Đó là những hoàng tử ở các nước xa xôi, nay đã bị mất hết ngựa rồi, liệu có cách nào giúp họ về được?

Công chúa Hoàng Nga quay lại hỏi chim:

- Chim có biết những con ngựa của các vị hoàng tử ở đâu không?

Chim trả lời:

- Những con ngựa đó đã biến thành những viên đá trắng ở dưới chân núi kia.

Tức thì, công chúa cùng các vị hoàng tử xuống núi. Công chúa tưới nước lên những viên đá đó để chúng trở lại nguyên hình những con ngựa như cũ. Trên lưng những con ngựa đó còn đủ cả hành lý như hồi trước.

Thế là mọi người hoan hỉ lên ngựa ra về. Qua gian nhà lá của vị tu sĩ, công chúa Hoàng Nga rẽ vào cảm ơn, nhưng tiếc thay, vị tu sĩ ấy đã đi đâu mất rồi.

Đoàn người chia tay mỗi người đi mỗi ngả.

Công chúa Hoàng Nga cùng hai anh trở về dinh thự cũ. Công chúa treo lồng chim ngay trước cửa sổ, hàng ngày nghe tiếng chim hót thật vui tai. Còn cành cây biết hát thì công chúa trồng ngoài vườn hoa. Chẳng bao lâu cây lớn lên, từ thân cây phát ra những âm thanh kỳ thú. Công chúa đem đổ bình nước vàng vào một chiếc bể cạn. Hơi nước phun lên như những hạt mưa phùn nhỏ, ánh sáng óng ánh thật đẹp mắt.

Ít lâu sau, hoàng tử Mê Linh và Nhật Vị lại tổ chức buổi săn bắn trong rừng.

Đồng thời, nhà vua cũng tình cờ săn bắn ở khu rừng đó. Nhà vua nhìn thấy hai vị hoàng tử sắc diện đẹp trai thì cho quân hầu đến hỏi:

- Chẳng hay hai người ở đâu lại hay là người bản xứ?

Hai vị hoàng tử cùng quỳ tâu:

- Muôn tâu, chúng tôi nguyên là con của viên quan giữ vườn thượng uyển hồi trước. Hiện nhà chúng tôi ở gần đây.

Nhà vua chợt nhớ ra, vui vẻ nói:

- Viên quan giữ vườn đã hầu hạ ta hồi trước rất chăm chỉ. Chẳng may ông ta chết đi, ta vẫn hằng nhắc nhở đến. Nay thật là trời dun rủi cho ta lại được thấy mặt các con.

Hai vị hoàng tử cùng sụp lạy cảm tạ rồi xin cáo lui.

Nhà vua bảo:

- Các con hãy ở lại săn bắn với ta cho có bạn.

Hai vị hoàng tử liền phụng mệnh.

Đoàn săn bắn mới đi được một đoạn đường thì bỗng một con hổ từ đâu nhảy ra. Nhà vua hỏi đoàn tùy tùng:

- Ai muốn giết con hổ kia?

Hoàng tử Mê Linh rút kiếm xin ra giết. Chỉ một lát sau, con hổ đã bị hạ dưới tài săn bắn của chàng trai võ dũng.

Nhà vua chưa kịp khen ngợi thì một con gấu bất ngờ nhảy tới. Nhà vua hoảng kinh định nhảy tránh nhưng hoàng tử Nhật Vị đã giương cung lên bắn trúng cổ con gấu làm nó chết không kịp kêu.

Vua khen thưởng hai anh em hoàng tử Mê Linh và Nhật Vị không ngớt lời. Rồi vua tỏ ý định muốn phong quan cho hai chàng.

Hai vị hoàng tử cùng tâu:

- Muôn tâu, cha mẹ chúng tôi mất sớm. Nay chỉ còn ba anh em. Hiện em gái chúng tôi đang ở nhà, xin bệ hạ ban ơn cho được về hỏi ý em gái chúng tôi đã.

Nhà vua nói:

- Nếu các người còn em gái nữa thì ngày mai cùng đến đây yết kiến ta.

Thế là hai vị hoàng tử liền trở về thuật lại tất cả mọi chuyện cho công chúa nghe.

Công chúa Hoàng Nga suy nghĩ một lúc rồi nói:

- Em là phận gái, lẽ nào lại ra mắt vua ở ngoài đường như vậy!

Hoàng tử Mê Linh bảo công chúa:

- Đó là ý vua, chúng ta không tuân cũng không được.

Công chúa liền nghĩ ra một điều, nói:

- Để em vào hỏi chim xem đã.

Rồi nàng chạy vào bên lồng chim, hỏi:

- Vua vừa triệu hai anh ta và ta tới bệ kiến, vậy ý chim như thế nào?

Chim trả lời:

- Hãy thỉnh nhà vua tới đây hơn là công chúa ra mắt vua.

Công chúa nghe chim nói vậy thì chạy ra nói với hai anh.

Hai hoàng tử mới đầu cho là không được, nhưng sau vì muốn làm vừa lòng em nên đành phải y lời.

Sau khi nghe hai hoàng tử tâu trình, nhà vua nói:

- Được, ngày mai ta sẽ cùng hai ngươi tới gặp em gái các người.

Rồi vua truyền cho đoàn ngự lâm theo tháp tùng hãy trở về kinh đô. Vua chỉ cùng viên quan hầu cận đến dinh thự của công chúa.

Hai vị hoàng tử được vua chuẩn y lời tâu thì vội vã về trước để sửa soạn.

Hoàng tử Mê Linh bảo em:

- Vua đã chuẩn tấu và sẽ đến đây. Vậy em hãy lo dọn tiệc để nghênh tiếp ngài.

Công chúa hỏi anh:

- Chúng ta phải làm những món gì để dâng vua?

Ba anh em bàn bạc một hồi lâu về những món ngon vật lạ để mong vua được hài lòng.

Sau cùng, công chúa vào hỏi chim:

- Chim hãy cho ta biết phải đãi vua những món gì?

Chim đáp:

- Công chúa chỉ nên làm một món thật đặc biệt, còn bao nhiêu thì làm những món ăn thường cũng đủ rồi…

- Những món ăn nào có thể cho là đặc biệt?

- Đặc biệt là ở trên đời này chưa có. Vậy công chúa hãy làm món dưa leo đính ngọc.

Công chúa lạ lùng hỏi:

- Ngọc đính vào dưa leo thì làm sao mà ăn được?

- Xin công chúa đừng nghi ngờ. Cứ thi hành đúng như vậy rồi khắc biết.

- Nhưng tìm đâu ra ngọc thạch?

- Có khó gì. Công chúa hãy đào ở dưới gốc cây biết hát sâu năm gang tay sẽ thấy ngọc thạch.

Công chúa y lời chim biết nói căn dặn, đào sâu năm tấc dưới gốc cây biết hát thì thấy một hộp ngọc tuyệt đẹp.

Công chúa sung sướng quá liền mang khoe hai hoàng tử. Hai hoàng tử cũng lấy làm lạ vì được nhìn những viên ngọc đẹp chưa từng thấy bao giờ.

Ngày hôm sau, nhà vua đến rất sớm. Hai anh em hoàng tử nghe tin vội mặc quần áo chỉnh tề ra đón.

Sau khi vua được trông thấy công chúa, ngài nhận thấy sắc đẹp nàng tuyệt trần nên khen ngợi không hết lời.

Rồi vua truyền công chúa dẫn mình đi ngắm cảnh trong dinh thự.

Qua vườn hoa, nhà vua thấy bể nước có phun lên những giọt nước óng ánh thì ngạc nhiên và sửng sốt vô cùng. Rồi lại nghe đâu đây vẳng có tiếng hát thánh thót và êm tai. Nhà vua hỏi:

- Nước kia ở đâu mà đẹp như vậy? Và còn tiếng nhạc gì mà êm ái quá thế?

- Muôn tâu, đó là những bảo vật đem từ Ấn Độ về. Tất cả có ba thứ quý giá là: cây biết hát, chim biết nói và nước suối vàng.

Rồi công chúa kể lại cuộc hành trình nguy hiểm của hai anh mình hồi trước.

Nhà vua nhìn ngắm bể nước rất say mê, lại nghe giọng hát phát ra từ cành cây rồi hỏi:

- Thế chim biết nói nàng để ở đâu?

Công chúa liền dẫn vua vào trong phòng. Nhà vua trông thấy chim trong chiếc lồng cất giọng hót thánh thót.

Công chúa bảo:

- Chim ơi, đức vua đã viếng thăm. Chim hãy ngừng ngay tiếng hót, cúi đầu tung hô vạn tuế.

Chim liền làm theo. Đức vua ngạc nhiên không thốt nên lời.

Một lát sau, công chúa đã cho dọn tiệc xong, liền treo lồng chim ở cửa sổ rồi mời vua ra dự tiệc.

Nhà vua nhìn bàn tiệc, thấy có món dưa leo đính ngọc thạch thì cười và hỏi:

- Chao ôi! Những viên ngọc thạch đẹp quá. Nhưng nó chỉ để ngắm chớ đâu có ăn được?

Công chúa chưa biết nói sao thì chim đã đỡ lời:

- Muôn tâu, bệ hạ cũng lấy làm lạ lùng lắm vì món ăn đó hay sao? Bệ hạ đã tin những điều còn lạ lùng hơn thế nữa cơ mà?

Đưc vua ngạc nhiên hỏi lại:

- Ngươi nói gì ta không hiểu?

- Muôn tâu, bệ hạ đã từng tin hoàng hậu sinh ra chó, khúc cây, mà cớ sao bệ hạ lại không tin món “dưa leo đính ngọc thạch” là ăn được?

Đức vua càng ngạc nhiên hơn nữa, vì không hiểu sao chim lại có thể hiểu rõ cặn kẽ được những việc đó. Ngài hỏi:

- Ngoài ra ngươi còn biết thêm gì nữa không?

Chim nghe hỏi liền thuật lại cho nhà vua nghe cặn kẽ câu chuyện về hai người chị của hoàng hậu, đã ghen ghét, âm mưu ra làm sao. Rồi chim nói tiếp:

- Hai vị hoàng tử và công chúa này chính là con của hoàng hậu, tức là con của bệ hạ đó.

Nhà vua nghe chim nói xong, như vừa tỉnh qua một cơn mê. Ngài liền ôm công chúa vào lòng và quay sang bảo hai vị hoàng tử:

- Chao ôi! Nếu không nhờ chim đã thanh minh thì cha đã để hoàng hậu sống mãi trong cảnh oan ức và các con lưu lạc khổ sở như thế này.

Hai vị hoàng tử và công chúa cũng òa lên khóc sướt mướt.

Sau đó, hai hoàng tử và công chúa cùng nhà vua lập tức trở về triều để gặp hoàng hậu.

Về đến kinh đô, đức vua liền cho mời ngay hoàng hậu đến rồi cầm tay người vừa khóc vừa nói:

- Trẫm đã trót mù quáng mà hành hạ hoàng hậu trong bấy lâu nay. Nay trẫm đã biết tội lỗi của trẫm và hối hận rồi, xin ái khanh tha thứ cho.

Rồi đức vua thuật lại chuyện đi săn và gặp ba đứa con cho hoàng hậu nghe.

Hai vị hoàng tử và công chúa cũng chạy đến ôm lấy hoàng hậu mừng mừng tủi tủi

Đức vua vội truyền cho đao phủ bắt trói hai người chị của hoàng hậu để đem ra xử trảm.

Thần dân trong nước được biết rõ câu chuyện này đều cảm thương cho hoàn cảnh oan khuất của hoàng hậu và nguyền rủa hai người chị của hoàng hậu không ngớt lời. Đồng thời, họ cũng mừng cho cuộc đoàn viên của tình ruột thịt và kết thúc bằng câu: “Trời cao có mắt!”

Câu chuyện “Tính xấu của hai người đàn bà” đã chấm dứt. Câu chuyện này là câu chuyện mà nàng Mỹ Thanh Loan đã kể cho vua Sa-Hy-A nghe đúng vào đêm thứ “một ngàn lẻ một”.

Sau khi nghe xong câu chuyện đó, vua Sa-Hy-A lộ vẻ hài lòng ra mặt. Ngài âu yếm nhìn nàng Mỹ Thanh Loan và nói:

- Ái khanh ơi! Ái khanh có biết ái khanh là vị cứu tinh của một linh hồn hay chăng?

Quả đúng như vậy, vì trong những câu chuyện đã qua suốt  “ngàn lẻ một đêm”, qua làn môi thơm mọng của nàng Mỹ Thanh Loan hằng đêm thỏ thẻ tiếng oanh bên tai ông vua đa sát đã làm đổi thay một tâm hồn đã lắng sâu và đắm chìm trong tuyệt vọng.

Do quá tuyệt vọng vì tình ái và vì đàn bà nên ngài đã dùng quyền uy sấm sét của mình để trả thù đàn bà khiến cho biết bao nàng thiếu nữ tuyệt đẹp phải chết oan. Những tưởng rằng không ai còn có thể làm cho con người đa sát ấy nguôi lòng và biết bao nàng thiếu nữ khác sắp sửa phải kế tiếp nhau rụng đầu. Nhưng không ngờ, những câu chuyện trong thời gian “nghìn lẻ một đêm” đã làm cho ông vua Sa-Hy-A hồi tỉnh. Ông ta cảm thấy sung sướng, vui vẻ yêu đời trở lại. Tâm hồn của ông ta cũng nhờ đó mà tìm lại được vị tha, bác ái và công bằng.

Kể từ đó, nước Ba Tư lại được sống vui vẻ trong cảnh hoan lạc thái bình, và các thiếu nữ đẹp trong nước ngày đêm không còn phải lo sợ vì bị “tiến cung một đêm” để sáng sớm hôm sau lại bị đem ra hành hình.

Và cũng từ đó, nàng Mỹ Thanh Loan được vua Sa-Hy-A phong cho làm hoàng hậu chính thức. Nàng vĩnh viễn sống bên cạnh đức vua và được ngài hết sức kính trọng cùng thương yêu mãi mãi…


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét