Tâu thánh thượng,
Thuở xưa, vua nước Ba Tư,
một nước giàu mạnh, tên là Bá Chính. Nhà vua có cái tật là hay hóa trang vào
nhà dân chúng lúc đêm tối để tìm hiểu những điều lạ lùng trong thế gian.
Một ngày kia, giữa hai giờ đêm
khuya khoắt, vua cùng viên quan cận thần vào một khu phố dân cư sầm uất, nhưng
nhà cửa thì nghèo nàn và bẩn thỉu.
Đang băng qua một con đường,
chợt nhà vua lắng tai nghe có tiếng nói chuyện thì thào trong một căn nhà lá.
Vua liền lần tới dòm qua cửa vào. Bên trong, ánh sáng lờ mờ, ba người con gái
ngồi nói chuyện thân mật.
Nhà vua lắng tai nghe, thấy
cô chị nói với hai em:
- Chị chỉ mong có một người
chồng biết làm các món đồ nấu thật thạo, và chị sẽ đem dâng cho vua ăn, chắc
vua sẽ hài lòng.
Người thứ hai nói:
- Còn em, em chỉ thích lấy
được người chồng chuyên may quần áo cho vua. Em sẽ là người đầu tiến nhìn thấy
chồng em cắt quần áo cho nhà vua.
Mọi người cừng cười ồ lên.
Tiếng cười trong suốt như pha lê. Người thứ ba đẹp hơn, láu lỉnh và có duyên
hơn hai chị.
- Còn em, em lại có ước muốn
lạ đời hơn các chị. Em chỉ muốn lấy chồng làm vua và đặc biệt hơn, tóc của
chồng em sẽ nạm toàn bằng kim cương, nước mắt của chồng em là những hạt châu và
mỗi khi cười hoa rơi vương vãi…
Đức vua Bá Chính đứng bên
ngoài nghe nàng thứ ba ước nguyện lấy làm lý thú lắm. Nhà vua bèn cho đòi ba
người con gái vào triều.
Khi ba người thiếu nữ đã đầy
đủ trước mặt, vua phán:
- Hôm qua các nàng đã ước gì
hãy kể lại cho ta nghe.
Ba người con gái sợ hãi,
không biết tại sao nhà vua lại biết rõ như vậy. Vua nhìn ba nàng, nói:
- Hãy thành thật kể lại, ta
sẽ làm cho các nàng thỏa nguyện.
Nhà vua nhìn người con gái
thứ nhất rồi nói:
- Có phải nàng ước lấy được
người chồng đầu bếp giỏi phải không? Mà đầu bếp đó lại là đầu bếp của nhà vua?
Ta sẽ cho phép ngươi lấy người đầu bếp của ta.
Quay sang nàng thứ hai, nhà
vua phán:
- Nàng này lại muốn lấy
người thợ may của vua, vậy nàng cũng được ta xe duyên với người thợ may của ta.
Nhà vua vừa nói xong thì
nàng thứ ba vội quỳ xuống nói:
- Muôn tâu bệ hạ, trong lúc
vui miệng, ước vọng của thần thật điên rồ. Vậy xin bệ hạ tha thứ.
Hai người chị cũng quỳ xuống
xin tội cho em. Nhưng vua điềm nhiên nói:
- Ta đã quyết định rồi, các
nàng đừng trái ý ta. Và nàng, kể từ nay sẽ được làm vợ ta mãi mãi.
Hai người chị thấy ước
nguyện cao sang của em đã thành sự thật thì đem lòng ganh tỵ, nhưng bề ngoài
vẫn làm bộ hiền lành tử tế.
Một tuần, sau khi hôn lễ cử
hành, hai người chị gặp nhau cùng bàn:
- Em có ý kiến gì khi đứa em
của chúng ta bỗng chốc trở thành hoàng hậu, còn chúng mình chỉ là thân tôi đòi
của nó?
- Em cũng như chị, không thể
chịu đựng được. Vậy ta phải tìm cách hại nó mới xong.
Cũng từ đó, mỗi bữa ăn, hai
người chị lo bàn tính cách hãm hại em cho bõ ghét. Tuy nhiên, họ vẫn chưa thực
hiện được ngay. Sau khi hôn lễ của ba người con gái được cử hành đúng như
nguyện ước, người em thứ ba vẫn quý mến hai chị như xưa.
Bốn tháng sau, hoàng hậu có
tin mừng. Nhà vua là người sung sướng nhất. Ngài truyền đem tin đó cho dân
chúng hay.
Hai người chị thấy vậy, bàn
nhau một hồi, đồng lòng xin vào săn sóc và giặt giũ cho hoàng hậu. Không ai
biết được tâm địa của hai người chị nên họ được vui vẻ cho vào hầu hoàng hậu.
Hoàng hậu cảm động nói:
- Hai chị ơi, ơn hai chị
không bao giờ em quên. Nhưng hai chị giúp em thế này em sợ mang tiếng chết.
Hai người chị nham hiểm một
mực xin ở lại hầu hoàng hậu lúc sanh đẻ.
Từ đó, họ được tự do vào
trong cung và bàn mưu tính kế. Đến ngày hoàng hậu lâm bồn, sanh được một hoàng
nam khôi ngô đẹp đẽ, hai người chị bàn:
- Nếu không thủ tiêu nó đi,
mẹ con nó sẽ được sống sung sướng suốt đời bên hoàng thượng.
Nói rồi, hai người bèn gói
đứa trẻ vào trong một cái hòm đem thả trôi sông, rồi thế vào đấy một con rắn
chết khô và tâu với hoàng thượng:
- Tâu hoàng thượng, hoàng
hậu đẻ ra rắn.
Nhà vua giận vô cùng, muốn
đem hoàng hậu ra giết ngay, may có quan thái giám ngăn cản, nên ngài mới nguôi
giận.
Nói về đứa hài nhi, sau khi bị
đem thả ra sông, trôi ròng rã hai ngày trên dòng nước, ra khỏi hoàng cung, tấp
vào khu vườn của một vị quan. Lại nhằm đúng ngày vị quan này đi dạo nên ngài
trông thấy. Cho là lạ, ngài bèn sai quân mang lên cạn.
Khi mở ra, thấy một đứa trẻ
mặt mũi phương phi đĩnh đạc ,ngài mừng rỡ, nói với vợ:
- Nhà ta hiếm hoi, có lẽ
trời thấu hiểu nên ban cho một mụn con. Vậy hãy nuôi nó như con đẻ.
Thế là từ đấy đứa trẻ lớn
lên trong sự nuôi dưỡng của hai vợ chồng viên quan.
Và cuối năm sau lại cũng
vậy, hoàng hậu lại sinh ra một hoàng tử đẹp đẽ như trước. Lần này hai người chị
lại thế vào một con cóc hủi xấu xí.
Vì quá tức giận, nhà vua lại
truyền đem chém hoàng hậu. Cũng như lần trước, viên quan đại thần lại khuyên
nhủ đức vua. Nên ngài lại nén lòng tha cho hoàng hậu.
Cũng như lần trước, đứa trẻ
lại trôi vào bờ, và vợ chồng viên quan già kia lại nuôi nấng.
Đến kỳ thứ ba, hoàng hậu lại
lâm bồn sinh hạ được một nàng công chúa tuyệt đẹp. Hai người chị ác độc kia lại
thế vào đấy một con cú đen đủi xấu xí rồi gọi nhà vua vào xem.
Nhà vua tức giận tím cả
người. Ngài quát to:
- Thật là hạng đàn bà yêu
quái không xứng đáng làm hoàng hậu.
Nói rồi truyền đem chém.
Quan hầu cận tâu:
- Xin bệ hạ hãy tha tội cho
hoàng hậu, sinh ra quái thai, lòng hoàng hậu cũng đau đớn vô ngần, chứ riêng gì
bệ hạ. Vậy án tử hình xin bệ hạ hủy cho.
Nhà vua nghĩ một lúc rồi
nói:
- Nếu tha tội chết thì hoàng
hậu cũng phải trả giá sự nhục nhã này bằng cách ngồi tù suốt đời.
Đoạn, nhà vua truyền giam
hoàng hậu vào một ngôi chùa cổ, lại bắt dân chúng đi qua ném gạch liệng sỏi vào
tỏ dấu khinh bỉ.
Quyết định của nhà vua không
ai dám cãi. Từ đấy, hoàng hậu cam chịu cảnh tra tấn của dân chúng rất tàn tệ.
Trong khi đó, công chúa cũng
như hai anh bị đem thả trôi sông rồi cũng được vợ chồng viên quan già nuôi nấng
như hai anh.
Thấm thoát đã mười năm qua,
ba đứa trẻ sống sót đã khôn lớn, xinh đẹp và thông minh. Viên quan đặt cho mỗi
đứa một tên. Hoàng tử thứ nhất tên là Mê-Linh, hoàng tử thứ hai tên là Nhật-Vị,
và công chúa thứ ba tên gọi Hoàng-Nga. Viên quan còn trông coi cả sự học của ba
đứa trẻ. Ngài cho mướn thầy về nhà nuôi dạy. Cả ba người rất sáng dạ, chẳng mấy
chốc mà kinh sử thông thuộc. Công chúa thêu thùa nấu nướng rất giỏi. Hai vị
hoàng tử thì văn võ kiêm toàn.
Viên quan già rất thương yêu
ba đứa trẻ. Bao nhiêu tiền bạc, ngài dốc ra nuôi nấng chúng hết và tậu một ngôi
nhà ở một chốn vắng vẻ cho ba đứa con chung sống.
Ngôi nhà nầy rất đẹp, có
vườn tược, có ao thả cá, có muông thú và một khu rừng nhỏ cho các con săn bắn
vui chơi.
Khi ngôi nhà đã hoàn tất, vị
quan dâng sớ lên vua xin từ chức về an hưởng tuổi già. Nhà vua nghĩ đến công ơn
của vị quan già này bèn ban thưởng rất nhiều châu báu vàng bạc.
Khi cha con, vợ chồng dọn về
nhà mới ở được đúng một năm thì viên quan già chết. Năm sau đến lượt bà vợ cũng
ốm chết theo chồng không kịp lời dặn dò.
Hai hoàng tử và công chúa
được thừa hưởng gia sản của vợ chồng viên quan già để lại, và thờ cúng hai
người như cha mẹ.
Một ngày kia, hai người anh
tổ chức đi săn trong rừng. để công chúa Hoàng Nga ở nhà. Công chúa đang ngồi
buồn thì bỗng có tiếng gõ cửa, công chúa sai con tỳ nữ ra mở. Đó là một bà lão
ăn mày xin vào ở đỡ một đêm. Thấy dáng điệu hiền lành của bà, công chúa bằng
lòng rồi dắt bà lão đi xem từng phòng ốc.
Đi xem hết rồi, bà lão quay
sang nói với công chúa:
- Ngôi nhà của cô kiến trúc
rất công phu. Nhưng tôi chỉ tiếc có một điều là thiếu mấy vật quý giá nữa. Giá
có mà bày thì hay biết mấy.
Công chúa nói:
- Báu vật ấy là gì, bà cứ
nói. Nếu được tôi sẽ mua ngay để trưng bày không nề hà.
Bà lão nói:
- Cô hãy kiếm cho bằng được một
con chim biết nói rõ như người, một cái cây biết hát không bao giờ dứt, và cuối
cùng là một bình nước suối vàng, đổ vào một cái hồ, nó sẽ óng ánh và trong suốt
như pha lê tha hồ tắm.
Công chúa nghe xong mừng rỡ
nói:
- Ồ! Nếu thế tôi nhất định
phải thực hiện cho bằng được. Nhưng tôi không biết tìm chúng ở đâu bây giờ?
Bà lão nhìn công chúa:
- Cô yên chí. Cô đã tiếp đãi
tôi một cách ân cần lẽ nào tôi không chỉ bảo những nơi có vật lạ ấy. Những món
báu vật tôi vừa mới kể cho cô nghe chúng ở tận kinh thành nước Ấn Độ. Cô muốn
đến đó phải đi dọc theo con đường hai bên có nhiều thú dữ. Nếu gặp một người
tiều phu nào ở dọc đường, cô hãy bảo họ chỉ cho con chim biết nói, cây hát không
dứt nhạc và một bình nước suối, họ sẽ chỉ cho.
Qua ngày hôm sau, bà lão cáo
lui.
Công chúa Hoàng Nga bần thần
suy nghĩ đến những báu vật mà bà lão vừa kể cho. Giữa lúc đó, hai vị hoàng tử
đi săn về. Trông thấy vẻ mặt em buồn rầu, người anh cả gặng hỏi:
- Việc gì mà em lại lo lắng
như vậy, em hãy thành thật kể cho anh nghe, dù khó khăn đến đâu anh cũng giúp
em.
Công chúa thở dài:
- Em đâu có gì buồn, em chỉ
có một nguyện ước là ngôi nhà chúng ta làm sao có những báu vật như con vẹt
biết nói, cây hát không dứt nhạc và một bình nước suối vàng.
Rồi nàng kể lại tất cả những
lời của bà lão cho hai hoàng tử nghe. Nàng kể một cách say mê khiến cho hai vị
hoàng tử cũng lấy làm thích thú.
Hoàng tử Mê Linh nói:
- Chao ôi, sao mà em giống
anh như vậy, anh cũng thích những báu vật ấy. Ngày mai anh sẽ đi tìm bằng được
cho em.
Hoàng tử Nhật Vị xen vào:
- Anh là lớn, em Hoàng Nga
cần có anh, vậy việc này anh nên giao cho em. Em có đủ sức mạnh để đương đầu
với mọi trở ngại. Em có thể thay anh mà làm việc ấy được.
Hoàng tử Mê Linh nói:
- Đàng rằng như vậy, nhưng
bổn phận của anh là lo lắng cho các em, vậy khó khăn đến đâu anh cũng không
nản.
Ngày hôm sau, Mê Linh chuẩn
bị hành trang lên đường. Hoàng tử Nhật Vị và công chúa Hoàng Nga tiễn anh một
đoạn. Công chúa linh cảm thấy như có một việc gì trở ngại trong sự ra đi của
anh nên buồn rầu nói:
- Anh ơi, em có cảm tưởng
rằng anh ra đi như vậy chúng em sẽ mất một người yêu quí.
Hoàng tử Mê Linh xoa đầu em
mỉm cười:
- Em đừng buồn, chí anh đã
quyết thì gian lao đến đâu anh cũng đi, dẫu biết hành trình lắm gian nguy nhưng
đem hạnh phúc cho em thì anh không từ bỏ.
Đoạn, hoàng tử Mê Linh rút
con dao bên mình trao cho em, nói:
- Em hãy giữ lấy, bao giờ em
thấy lưỡi dao xám, mờ thì hãy đi kiếm anh và cầu xin thượng đế ban phước lành
cho anh.
Công chúa bùi ngùi đưa tiễn
anh lên đường. Hoàng tử Nhật Vị an ủi em rồi cả hai trở về.
Nói về hoàng tử Mê Linh, từ
khi lên đường, chàng cứ nhắm thẳng một mạch ra khỏi xứ Ba Tư, hướng về kinh đô
Ấn Độ. Ròng rã một tháng trời chàng đến nơi được bình yên. Đang ngồi nghỉ bên
vệ đường, chàng bắt gặp một bà lão đang ở trong một ngôi nhà lá tồi tàn.
Hoàng tử Mê Linh rảo bước đến
nhìn vì bà lão có nhiều đặc điểm lạ đời: tóc bà trắng như tuyết, dài đến chấm
gót chân, bà khoác áo nhà tu và sống một nơi hoang vu.
Hoàng tử Mê Linh nhớ lời
công chúa dặn, chàng hỏi thăm vì bà là người đầu tiên chàng gặp gỡ:
- Chào bà lão. Thưa bà, trời
phật đã giúp tôi gặp gỡ bà hôm nay.
Nữ tu sĩ cúi đầu không nói.
Hoàng tử nghĩ rằng có lẽ bà ta điếc nên không nghe được, bèn chạy lại nắm tay
bà ta.
- Bà hãy giúp tôi một việc,
tôi sẽ mang ơn bà suốt đời.
Nữ tu sĩ già nhìn chàng
khoan dung:
- Tôi chỉ giúp những gì mà
tôi có thể giúp được.
Hoàng tử Mê Linh nói ngay:
- Bà hãy chỉ cho tôi ba vật
báu: Con vẹt biết nói, cây hát không dứt
nhạc, và một bình nước suối vàng. Tôi sẽ mang ơn bà suốt đời.
Đợi cho hoàng tử năn nỉ một
hồi, bà mới từ tốn trả lời:
- Ta không thể làm vừa lòng
ngươi được vì nếu ta chỉ cho ngươi biết, thì tự ta đã đưa ngươi vào chỗ chết.
Đã biết bao nhiêu người vượt biển trèo non tìm đến đây cũng vì những báu vật
đó, đều thiệt mạng không trở về được.
Hoàng tử Mê Linh nói:
- Đội ơn bà, nhưng dẫu nguy
hiểm đến đâu tôi cũng không từ nan.
Thấy hoàng tử Mê Linh năn nỉ
quá mức, bà lão không đành lòng bèn lấy ở trong túi ra một viên đá trao cho
hoàng tử rồi bảo:
- Ý người quyết ta không
cản. Đây, ta cho ngươi viên đá này và hãy theo những lời ta chỉ bảo : Ngươi hãy
buộc viên đá vào hai con ngựa , khi đến chân núi cao, lập tức con ngựa sẽ đứng
lại. Lúc đó, ngươi hãy xuống ngựa ngay, băng theo đường mòn mà lần lên đỉnh.
Hai bên sườn núi có một con đường mòn, ngươi hãy đi trên con đường đó và ngươi
sẽ được nghe những tiếng nói đau thương và thảm thiết của những viên đá. Điều
quan trọng là ngươi đừng quay đầu lại. Vì nếu ngươi quay đầu lại, ngươi sẽ biến
thành đá cũng như trăm ngàn người khác Những người đó là những bậc vương giả đã
có công lặn lội như ngươi, nhưng đến phút chót họ không chịu nghe lời ta. Khi
thoát được nơi đó ngươi hãy tìm lên đỉnh núi và sẽ trông thấy một con chim được
nhốt trong lồng vàng và ngươi muốn tìm những thức gì hãy hỏi nó là đủ.
Hoàng tử Mê Linh hỏi lại:
- Ngài còn điều chi dạy bảo
nữa không?
Nữ tu sĩ đáp:
- Ta chỉ cầu mong ngươi hãy
làm theo lời ta.
Hoàng tử cảm tạ rồi buộc
viên đá vào hai con ngựa. Con ngựa chạy rất nhanh, làm chàng mệt nhoài cả
người. Đến một dãy núi cao, con ngựa đứng yên không cử động. Hoàng tử đưa mắt
quan sát rồi chàng lần theo con đường mòn. Đi được mấy bước, chàng thấy hai bên
đường ngổn ngang những viên đá đen sì và tai chàng nghe những tiếng nói:
- Hãy đuổi nó ra khỏi nơi
đây!
- Giết nó đi…
Muôn ngàn tiếng reo hò âm
vang làm cho hoàng tử Mê Linh phải chùn bước. Vì những tiếng đó mỗi lúc mỗi gần
và vì quá sợ hãi, chàng quên hết những lời vị tu sĩ răn bảo. Chàng quay lại rút
kiếm ra toan tự vệ nhưng chàng không thấy ai cả. Và một lúc sau chàng cũng hóa
ra một viên đá đen nhánh nằm lăn ra mặt đất như những viên kia.
Trong khi đó, hoàng tử Nhật Vị
và công chúa Hoàng Nga đang trông đợi tin anh. Từ ngày anh ra đi, công chúa
thường lấy lưỡi dao ra xem thì thấy vẫn sáng.
Nhưng hôm nay, công chúa vừa
lấy dao ra thì lưỡi dao xám ngoét. Quá đau buồn, nàng ôm mặt khóc nức nở.
- Anh ba ơi, anh hai chúng
ta đã bị hại rồi.
Hoàng tử Nhật Vị thấy vậy
nóng lòng nói:
- Thôi em đừng khóc nữa. Để
anh đi kiếm anh hai vậy.
Công chúa vẫn khóc, nói:
- Lỗi tại em quá ham thích
báu vật nên anh chúng ta mới bị hại.
Hoàng tử Nhật Vị an ủi:
- Em cứ an tâm, thế nào anh
cũng tìm được anh cả trở về.
Nói rồi, chàng lên ngựa.
Công chúa chạy theo dặn dò:
- Anh có thể làm thế nào cho
em được biết tin nếu anh gặp hoạn nạn ở dọc đườngkhông?
Hoàng tử bèn rứt cái khuy áo
và nói:
- Em hãy giữ lấy cái khuy
này, chừng nào thấy nó đổi sang màu đỏ là màu máu tức là anh lâm nạn, em hãy đi
tìm anh.
Công chúa cầm lấy chiếc khuy
áo, nhìn hút theo bóng anh.
Hoàng tử đi đúng ba mươi
ngày, chàng cũng lại gặp vị nữ tu sĩ già bên túp lều nghèo nàn. Chàng cũng vái
chào và hỏi thăm đường lên trên núi như anh.
Vị tu sĩ già nhìn chàng
thương hại:
- Những lời nói của ông cũng
hệt như lời của hoàng tử Mê Linh.
Rồi vị nữ tu sĩ kể rõ những
việc nguy hiểm mà do hoàng tử Mê Linh đã không tuân theo lời nên đến nỗi phải
gặp nạn. Hoàng tử Nhật Vị nói ngay:
- Thưa bà, như vậy là anh
tôi đã bị nạn rồi. Còn tôi, tôi sẽ không quên lời bà dạy để không đến nỗi như
anh tôi.
Nữ tu sĩ nói:
- Đã bao người ra đi và
không bao giờ quay về như vậy rồi. Bây giờ tôi khuyên ông nên từ bỏ ý định là
hơn.
Hoàng tử Nhật Vị khẩn khoản:
- Ngài hãy làm ơn chỉ chỗ
giùm tôi. Tôi xin cam đoan là không oán ngài nếu có gặp phải tai nạn.
Vị tu sĩ móc túi lấy ra một
viên đá trao cho hoàng tử rồi nói:
- Đây, tôi trao cho ngài và
cầu xin thượng đế ban cho ngài được kết quả tốt đẹp.
Rồi bà ta căn dặn hoàng tử
cách dùng viên đá tròn. Hoàng tử cứ y lời mà làm, sau cùng chàng tới chân núi.
Hoàng tử dắt ngựa, theo con đường nhỏ tiến lên.
Nhưng hoàng tử mới đi được
vài bước đã nghe thấy tiếng nguyền rủa nổi lên rất dữ tợn. Vốn nóng tính, hoàng
tử không chịu nổi, liền vung kiếm, quay lại định chém kẻ ngạo mạn nào đó thì
than ôi…
Từ ngày hoàng tử Nhật Vị xa
nhà, công chúa Hoàng Nga hàng ngày mang khuy ngọc ra coi, tới ngày thứ hai mươi
mốt thì thấy ánh kim cương không còn óng ánh nữa.
Công chúa Hoàng Nga biết
ngay là anh mình đã gặp nạn. Nàng buồn rầu than thở:
- Chao ôi! Hai anh ta ra đi,
giờ đây chỉ còn lại mình ta sống làm gì nữa, chi bằng liều thân chuyến này cho
trọn tình huynh đệ.
Than rồi, công chúa cải dạng
thành một chàng trai, nhẩy lên ngựa ra roi. Theo con đường cũ, tới ngày hai
mươi mốt thì công chúa lại gặp vị tu sĩ.
Công chúa dịu dàng nói:
- Xin ngài hãy thương mà ban
cho tôi vài đặc ân.
Vị tu sĩ điềm đạm nói:
- Tôi mới trông qua và nghe
giọng nói thì biết ngay nàng không phải là bậc nam nhi. Chẳng hay nàng muốn tôi
giúp điều gì?
Công chúa nói:
- Ngài hãy làm ơn chỉ giùm
tôi chỗ có loài chim biết nói cây biết hát và nước suối vàng.
______________________________________________________________________
Còn tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét