Thứ Ba, 1 tháng 4, 2025

MƯỜI TÁM TUỔI - Võ Lan Hân


Buổi tối đang ngồi đọc báo Diễn đến với hai bàn tay lạnh ngắt, anh dùng lưng bàn tay xếp lại in vào má tôi, lạnh không thể tưởng nổi, khác nào cục nước đá áp vào mặt. Diễn mở khuy áo lấy ra một đóa tường vy trao tôi, tôi cầm đưa lên mũi ngửi mùi hương thoang thoảng dịu nhẹ dễ chịu hết sức. Tôi nói anh vừa hái trộm hàng rào nhà ai phải không? Diễn không trả lời, lấy thuốc ra hút, tôi bỏ tờ báo xuống nhìn anh nhồi thuốc vào pipe, công việc anh làm thật tỉ mỉ công phu, cạo, ngoáy, vỗ xuống mặt bàn đôi ba lần. Khi chiếc Pipe sạch sẽ vừa ý, anh cho thuốc mới vào đó. Trời tối đen như mực nhìn ra vườn với bóng cây rợp âm u, tôi đứng dậy lấy cái ly đổ vào đó ít nước cắm hoa vào. Diễn thở ra cụm khói đầu tiên, mùi thuốc quen thuộc dễ chịu, hình như cái lạnh giúp khói thuốc trở nên quyến rũ đê mê lạ. Tôi cũng bắt đầu ghiền cái lối nhâm nhi cọng thuốc li ti trong miệng cảm được vị ngọt lẫn hăng nồng chát ngắt. Diễn đưa tôi cái ví đựng thuốc tôi lắc đầu cười, gió làm cánh cửa đóng lại cái ầm, tôi điếng người đứng dậy. Tiếng ba tôi trong phòng vọng ra:
 
- Có đứa nào ngoài đó mà không chịu gài cửa lại.
 
Tôi đem bình nước sôi, hộp sữa và một ly nước cà rốt nấu chín vào phòng cho ba, ông nằm bẹp dí dưới tấm nệm, tấm chăn bọc vải hoa với các màu tối làm ông trông có vẻ tiều tụy còm cõi đơn độc, tôi ngồi xuống bên giường hỏi ba có lạnh lắm không? Ông không nói gì, nhắm nghiền mắt, tôi không biết được ông đau bệnh gì? Về già hầu như cơ thể bất luận giờ giấc để chờ đón cái cớ trước khi vĩnh viễn cuộc đời, gần đây ông hầu như không rời khỏi căn phòng. Những sáng không lạnh lắm ông chống gậy đứng bên cửa sổ nhìn ra vườn, thường lúc đó ông không nói một điều gì, ông có tuổi trẻ khá sôi nổi sung túc, ngày chưa lập gia đình ông đã từng xuất ngoại du lịch, ông quá nghiêm khắc và khó tính, chúng tôi ít khi gần gũi hỏi han cũng như đùa nghịch trước mặt ông, có lẽ vì thế mẹ tôi không chịu được đã bỏ đi từ lâu lắm, lớn lên tôi chỉ biết nghe ngóng và ngửi hơi hướm của mẹ qua đồ vật, những kỷ niệm mà tôi đoán mẹ đã để lại. Những cái đó tối tăm chìm khuất mông lung rời rạc không có gì cho tôi đích xác nhưng tôi thích và yêu vô cùng, tuyệt nhiên không bao giờ tôi đem ra hỏi ông, sự im lặng của ông làm tôi sợ một phần, và một phần muốn sống trong mộng tưởng yêu kiều đó, tôi vốn sợ sự thật phũ phàng. Có lần tôi nghe một người trong họ nói mẹ tôi là vợ kế, vợ lớn ông kẹt lại ngoài Bắc, tôi nghĩ, với tôi điều đó không quan hệ, dầu gì chăng nữa tôi vẫn là tôi, tuy nghĩ thế nhưng đôi lúc không khỏi phân vân chắc một lúc nào đó thấy cần ông sẽ gọi chúng tôi lại vén màn bí mật. Tôi đỡ ông dậy uống ly nước cà rốt, ông đòi cho thêm đường, tôi nói con có thể khuấy sữa bằng nước này luôn được không? Không có tiếng ông trả lời, tôi làm theo ý mình. Ông không chịu uống, tôi xuống bếp thay ly nước cà rốt khác bỏ đường vào. Hình như ông thích làm khổ các con, nhiều lúc đã khuya ông bắt chúng tôi đi mua những thức ăn mà các tiệm đều đóng cửa, những hôm như thế chúng tôi khó lòng mà chợp mắt.
 
Diễn đi đâu mất, trên bàn còn lại cái ví da đựng thuốc, tôi cầm lên giấu dưới bàn, nhìn ra vườn tìm Diễn, gió làm các cành cây sà sát đất. Bão ở đâu đó thì phải, thành phố luôn chịu ảnh hưởng, thời tiết bất thường đôi khi không dám định đoạt công việc gì! Có hôm chúng tôi cùng đông bạn bè tổ chức đi chơi xa, sửa soạn đâu vào đó, nửa khuya trời bỗng mưa gió to làm bay các mái tôn được lợp quá lâu ngày, cơn mưa kéo dài cả tuần biến thành phố chìm ngập trong biển nước, các con đường đầy xác lá, rong rêu được dịp mọc lên như nấm, đi tới bất cứ chỗ nào cũng sợ té. Rặng thông bên kia trường học rít dài với tiếng ù ù cuốn theo đám bụi đỏ phủ đầy lá cây còn lại trên cành, cơn mưa lúc tạnh lúc rỉ rả cũng không làm chúng sạch đi được. Diễn đi vào với gói cà na muối trên tay, tôi cầm lên một trái nhưng không ăn vội, nhìn Diễn nhai ngon lành. Diễn nói hồi chiều nhìn thấy tôi ngoài phố sao lúc đó buồn quá vậy làm Diễn không dám gọi. Diễn hơn tôi mười tuổi. Tụi bạn vẫn cho là chàng quá già, tôi chỉ cười cười, bạn bè chơi vậy thôi tụi mày tư tưởng quá nông cạn.
 
- Lúc biết mình không còn là trẻ con nữa anh có buồn nhiều không?
 
- Anh chưa trải qua thời đó bao giờ dù anh đang gần ba mươi.
 
Để bào chữa câu nói khôi hài có lẽ không đúng lúc anh chống khuỷu tay xuống bàn tựa cằm nhìn tôi chằm chằm.
 
- Anh khuyên Khuê một điều, đừng có nghỉ vẩn vơ.
 
- Nhưng em đã người lớn rồi!
 
- Mười tám theo anh chưa phải là lớn.
 
- Em lấy tiêu chuẩn cuộc đời để đánh dấu giai đoạn  đời mình.
 
- Hãy cứ bình thản không nghĩ thì nó vẫn đến, từ chối nó vẫn hiện hữu.
 
- Vậy em nên làm gì?
 
- Bình thản chờ đợi, yên mà chấp nhận.
 
- Làm sao không nghĩ đến được khi biết mình đang bước qua giai đoạn, em sắp đi làm rồi, bước chân vào đời là giã từ tất cả, giã từ những gì thân yêu thánh thiện, những gì đáng nhớ và đáng quên nhất.
 
- Khuê đã biết phải dạy ở đâu chưa?
 
- Trại Hầm... hơi xa anh nhỉ!
 
- Ở đấy cho em tha hồ ăn mận, đến mùa có lẽ mỗi ngày học trò hối lộ cô giáo vài ký, lúc đó ăn không hết em nhớ bán lại cho anh nhé! Anh sẽ làm mứt, đợi hết mùa đem tặng lại em.
 
- Em đang lo mà lúc nào anh cũng đùa được.
 
- Em sẽ không bao giờ giã từ tuổi thơ được, đám học trò hằng ngày là mạch huyết dấy lên nung nấu tâm hồn để em thấy mình luôn là cõi vô tư tinh khiết.
 
- Nhưng mình phải tạo ra một hào quang.
 
- Chẳng có hào quang nào cả ngoài cõi lòng thiết thực trung hậu,
 
Chúng tôi cùng ngồi xuống chiếc ghế dài ngoài vườn. Sao bắt đầu mọc đầy trời với những chấm nhỏ sáng li ti, nếu ai yêu và thích ngắm sao hãy lên thành phố cao nguyên này luôn được toại nguyện. Ngày còn bé, những đêm đầy sao như đêm nay, tôi rất sợ phải đi ra ngoài, đã sợ lại hay ngước nhìn trời. Một lần mẹ tôi sanh em bé nằm trong bệnh viện, ba đèo tôi sau chiếc xe đạp vào thăm, lúc về trời tối om chi chít các vì sao, tôi ngồi sau gió lạnh run, để giúp mình không nghĩ ngợi và ngắm mông lung tôi cố gắng chú mục vào chiếc lưng của ba. Cái dáng to lớn kềnh càng bao phủ tôi trong cái áo lạnh đen, đôi chân ba đạp khoan thai đều đặn, hai bên đường đầy tiếng côn trùng rên xiết, tôi sợ hãi với chung quanh, cả cái lưng ba choàng trước mặt không làm cho tôi thấy yên tâm, mỗi lúc cái lưng hình như lớn dần lớn dần, tôi nhìn khắp cùng để rồi bầu trời đầy sao ám ảnh mãi, những vì sao sáng lung linh dày đặc, chúng như rượt đuổi theo mỗi lúc càng nhanh để đôi tay không còn nắm giữ được yên xe. Lần ngã đó tôi phải nằm bệnh viện, từ đó ba không còn cho tôi cái thích thú ngồi sau bọt-ba-ga. Đôi lần cùng ông vui vẻ chuyện trò, hay hôm nắng ráo mặc đầm tôi muốn chỉ cho ông vết thẹo trên chân để ông biết được lý do và nỗi sợ hãi của tôi lúc đó, nhưng rồi một cái gì quá xa cách âm thầm len lỏi gậm nhấm sợi dây thiêng liêng. Chính ông vô tình gieo vào óc tôi sự yếu đuối tinh thần để từ đó tôi thấy chiếc xe quá lớn lao xa lạ không bao giờ mình có thể trèo lên đó nổi.
 
- Em vẫn nghĩ nếu mẹ em không bỏ đi, ba em chịu khó gần gũi con cái, chắc em không phải có bộ óc như ngày nay.
 
- Khuê không thích có khối óc biết suy nghĩ?
 
- Em không muốn nói thế nhưng ít ra sự hiểu biết và suy nghĩ ngày nay không làm em tủi thân.
 
- Đừng nên trách ai cả. Khuê không nên nghĩ cả ba hay mẹ, một hay cả hai đều ích kỷ, biết đâu mẹ không đi, ngày nay Khuê phải sống và chứng kiến một gia đình luôn cãi vã, lúc nào không khí cũng cực kỳ căng thẳng, chỉ mong cho một sơ hở người nọ trút phẫn uất lên đầu người kia.
 
- Đó chỉ là một an ủi. Mẹ em hẳn bà phải biết ngày nay em thật đơn độc và quá khó khăn trong cuộc sống bởi bà đã hiểu ba em hơn ai hết. Chắc mẹ em đã có một gia đình khác, bây giờ nếu được gặp lại mẹ không chắc gì em nhận ra, ngày đó em còn quá bé, trong trí giờ còn lại lờ mờ loáng thoáng và em vẫn luôn nghĩ một ngày nào đó đứng trước đứa em nhỏ nhất lúc ra đi mẹ đem theo liệu em có biết được, hay phải cần một ai đó nói lên sự thật.
 
- Nếu mở được óc em ra anh chỉ xin lấy một ngăn nhỏ xíu cho em hết nghĩ vẩn vơ.
 
- Không nghĩ đến cũng không được, anh thấy ba em càng ngày càng yếu. 

Trong lúc nói tôi tưởng tượng ngày ba tôi chết, rồi nó sẽ đến, có thể kề bên chân rồi, ý nghĩ đó đã đưa tôi đến quyết định thôi học dù mới nhập học được vài tháng lớp 12, quyết định này làm tôi phân vân lo âu, tôi muốn mình qua được năm cuối cho bậc Trung học, năm đánh dấu bước qua giai đoạn. Tôi nghĩ, học hết năm này sẽ giúp cho tôi có thêm được nghị lực cũng như kiến thức cho bước chân ngoài đời. Sức khỏe của ba mỗi lúc càng suy yếu thấy rõ không cho tôi còn cái nấn nuối chọn lựa, tôi ghi tên học khóa sư phạm cấp tốc, điều này tôi muốn vẫn giấu ba tôi, muốn có được sự yên tâm an ổn của mình khi ba nằm xuống dù rằng với số lương chưa quá mười ngàn chắc gì nuôi nổi bản thân tôi. Rồi đây không còn quá một tháng. Ông biết được tôi trở thành cô giáo dạy tiểu học ông sẽ nghĩ gì? Hay lông mày ông thêm vài sợi bạc cùng thân thể cõi còm hơn, tôi chỉ còn biết ứa nước mắt mỗi khi nghĩ đến và phải nói với ông bằng cách nào đây để ông không thấy mình ngày nay hoàn toàn bất lực. Mười tám tuổi rồi! Chưa bao giờ tôi nghĩ năm mình mười tám tuổi lại chính là năm tự định đoạt của cuộc đời. Con số 18 đẹp vô ngần. Cách đây vài năm có vài đứa bạn lớn hơn tôi vài tuổi lấy chồng, tức là cũng mười tám tuổi, tôi vẫn thường chê tự rước cái khổ vào thân cho sớm, mười tám hãy còn ngây thơ và tâm hồn thánh thiện quá! Để rồi không ngờ đó lại là con số đến với mình trong cô độc bao la và con đường khúc chiết độc hành.
 
Diễn đi vào nhà, chàng lấy đem ra cho tôi chiếc áo lạnh, bấy giờ tôi mới biết được hai cánh tay trần nhám xì bởi cái lạnh làm nổi da gà, Diễn hỏi có thấy cái ví đựng thuốc của chàng không? Tôi nói không biết, để chàng tin hơn tôi thêm coi chừng anh bỏ quên ở hàng quà. Diễn đi ra cổng nhìn xuống con dốc, bóng tối làm tôi không nhận ra chàng. Diễn đứng đó không đi, tôi nghĩ đến cái khổ sở của người ghiền thuốc nặng đi ngoài trời sương gió không có đốm lửa, liệu tôi có được một tinh thần để nói lên quyền hạn ngăn cấm Diễn bớt hút thuốc mỗi ngày. Tình cảm tôi cứ để mặc, trôi theo thời gian có lẽ mối nghĩ ngợi, buồn phiền âu lo làm tôi không còn thì giờ chăm sóc tưng tiu đến những ai vẩn vơ nhưng đầy chất liệu nuôi sống hồn người và Diễn vẫn nói anh thích tôi vì tôi thật tự nhiên, trung thực những điều thượng đế ban cho. Còn tôi, tôi sợ chuyện lăng nhăng. chẳng ra gì chỉ tổ làm mình mệt óc. Diễn đi vào không ngồi xuống ghế, anh đứng nhìn tôi chăm chú quá lâu, ánh mắt sáng dịu hiền, làm tôi hoảng sợ đứng dậy, hai tay Diễn ôm trọn mặt tôi, hơi thở đầy thuốc lá.
 
- Khuê... anh yêu...
 
Tôi gỡ tay Diễn ra, không biết được đôi tay tôi quá mềm hay đôi tay Diễn quá cứng.
 
- Không biết anh nói với Khuê câu đó sớm quá chăng nhưng không nói anh sợ rồi đây anh sẽ mất Khuê!
 
- Anh nghĩ rồi đây đi dạy tư tưởng em thay đổi chăng?
 
- Không, anh không dám nghĩ thế! Nhưng em quá chín chắn, nghiêm trang làm anh sợ.
 
Diễn ở lại chơi với tôi đến gần giờ giới nghiêm. Chúng tôi hầu như không nói được điều gì ra hồn, tôi nhớ đến đóa tường vy, nhớ buổi học tập hồi chiều ở trường V.T., ngôi trường ngày xưa tôi theo học 5 năm tiểu học, chỉ còn tên đường và khu đất mang âm hưởng xa xưa. Trường đã xây cất lại từ lâu theo lối kiến trúc mới, các bóng cây, cổng trường và các thầy cô hoàn toàn xa lạ. Lớp sỏi xanh trải đều sân trường kêu lạo xạo dưới chân làm tôi không thể tưởng tượng hình dung lại dấu chân đã chạy nhảy nô đùa, những vết trợt té cùng lũ bạn ngày ấu thơ sân trường với rong rêu xanh rì của mùa mưa hay lớp bụi đỏ quánh cho ngày nắng ráo. Tôi nghĩ đến câu tỏ tình của Diễn không làm tôi ngạc nhiên nhưng trong tôi đang có sự khác thường xâm chiếm để thấy Diễn không còn là Diễn của hôm qua, của những ngày mới quen.
 
Lúc tiễn Diễn ra cổng tôi không quên trả lại cái ví da nhỏ đựng thuốc, tôi đùa với chàng:
 
- Khi nào không dùng đến cái ví này nữa, anh nhớ cho em, em sẽ đựng tiền cắc để dành mỗi buổi đi dạy trả tiền xe.
 
- Nếu vậy anh cho Khuê ngay bây giờ, vì từ nay anh sẽ cai thuốc lá dành tiền đó mua xe làm tài xế đưa Khuê đi làm.
 
- Chỉ sợ tiền anh dành được cứ nối đuôi theo sau giá xe tăng vọt mỗi ngày.
 
Diễn xin được hôn tôi, tôi lắc đầu cười né tránh, tôi tưởng tượng lớp học đầy nghẹt những mái tóc đen nhánh, những ánh mắt ngây ngô, những chiếc miệng cười vô tư xinh xắn, chúng đang hướng về tôi, cô giáo mới, trong đầu óc với vài thắc mắc dò la tìm hiểu, âm thầm đưa mắt hỏi nhau: Không biết cô giáo này hiền hay dữ ; khó lắm không? Có hay đánh đập học trò? Mấy cuốn sổ rộng bản trong đời chưa bao giờ cầm đến, viên phấn trắng đợi chờ, tấm bảng đen sau lưng, chỉ mới nghĩ thôi đã làm tôi muốn ngộp. Tôi nhìn xuống các em, phải nói câu mở đầu ra sao đây, có khó khăn quá không? Trách nhiệm thật nặng nề. Tôi nhìn Diễn. Phải. Không có một hào quang nào cả! Tôi sẽ vào đời bằng hành trang câu nói đó. Anh hãy giúp em đi lần từng bước từ tốn khoan thai nghe Diễn.
 
 
VÕ LAN HÂN       
 
(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 93, tuần lễ từ 15-3 đến 22-3-1973) 
 

 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét