Mùa hè năm đó tôi từ Đông Hà vào Huế để dự kỳ thi tú tài. Từ ba bốn ngày trước mẹ tôi đã chạy đôn chạy đáo vay tiền cho kịp ngày tôi lên đường vào kinh đô ứng thí. Bao nhiêu thứ tiền cần phải chi phí: tiền xe, tiền tàu và ăn ở trong suốt một tuần lễ. Đối với gia đình tôi thì đó là cả một gánh nặng. Trước hôm khởi hành ba tôi đã gọi tôi lên, căn dặn những lời khuyên cần thiết, thứ hành trang tinh thần ba tôi nghĩ không thể thiếu đối với chuyến đi định đoạt cả tương lai tôi. Hớp từng ngụm trà nhỏ, giọng ba tôi trầm trầm, khàn đục và thỉnh thoảng len lén nhìn lên, tôi bắt gặp đôi mắt đã mất hết vẻ tinh anh vì tuổi già của ông rưng rưng ánh nến từ bàn thờ đổ xuống.
Vậy là tôi hăm hở lên đường, lòng náo nức như chú bé lần đầu tiên được theo thuyền ra biển. Tôi chui vào lòng chiếc xe đò chật ních những hành khách. Chiếc túi rết nhà binh màu cứt ngựa cũ kỹ lễ mễ bên vai, trong đó đựng mấy cuốn sách giáo khoa, khăn mặt, thỏi kem đánh răng và chiếc bàn chải đã mòn tận đế.
Đến Huế trời đã khá trưa. Ánh nắng chói lòa ngợp đường phố, phượng vỹ trồng khắp các ngả đường nhở rộ những chùm hoa đỏ sẫm và trong các tàng cây, tiếng ve inh ỏi hơn bao giờ hết. Hoa phượng nổi bật trên bầu trời xanh thẳm, những đàn nữ sinh áo trắng tấp nập đi về, tiếng nói cười ríu rít như chim. Tà áo trắng lồng lộng, vấn vít khi qua cầu Trường Tiền. Áo phất phơ trên bến đò Thừa Phủ, áo dung dăng dung dẻ tha thướt dọc theo hai bờ sông Hương. Đó là tất cả khung cảnh linh hoạt nhất của Huế mùa thi, phân biệt Huế với bất cứ thành phố nào khác của quê hương.
Sau khi xuống xe ở bến Nguyễn Hoàng, quên cả bụng đói, tôi nhập ngay vào dòng sông áo trắng đang cuồn cuộn di động. Trên chiếc xe đạp cà tàng được gia đình thưởng cho hồi thi đậu trung học, tôi mải miết dạo chơi qua các đường phố quên đói, quên nắng vì lòng tôi đang say sưa mở hội.
Tôi tưởng mình đang thơ thẩn bước đi trên cánh đồng cỏ bát ngát, đầy hoa, lồng lộng gió và chung quanh tôi rợp những cánh bướm. Tôi không dám ngắt một đóa hoa, đuổi theo một cánh bướm vì đóa hoa nào cũng diễm kiều, cánh bướm nào cũng mở ra trước mắt tôi một khung trời thơ lóng lánh những vì sao đêm hè.
Nhưng hoa và bướm không nuôi nổi chiếc dạ dày lép kẹp của tôi. Cho đến khi mồ hôi tuôn ra ướt dầm áo và chân đạp trên bi-đan trở nên khó nhọc tôi mới sực tỉnh giấc mơ. Quá một giờ trưa rồi tôi vẫn chưa có hột cơm nào cho vào bụng. Tôi vội rẽ xe vào chợ Đông Ba, kêu một dĩa cơm sườn ngồi ăn ngấu nghiến, uống một tô nước chè xanh rồi đứng dậy, từ từ đạp xe qua cầu Trường Tiền, ngược lên trường Quốc Học để dò tên trong danh sách thí sinh đã niêm yết.
Không khó khăn cho lắm trong sự tìm kiếm, vì tên tôi thuộc vần thứ hai nên thường nằm trong tờ đầu tiên của danh sách. Sau khi ghi số ký danh, tôi đọc lại tên mình được đánh máy và in trên giấy "Ronéo" một cách trang trọng như khi viết được những vần thơ vụng dại đầu tiên trong đời, nắn nót chép tay, gửi đến các tạp chí mình ngưỡng mộ và sau đó đọc thấy tên mình xuất hiện sau mục hộp thư với dòng chử "thành thật cảm tạ, xin gửi cho sáng tác khác" hoặc "Đã đọc sáng tác của bạn, rất tiếc..." Ôi các ông phụ trách văn chương ác ôn nào đó đâu có biết rằng đối với tôi, một mầm non văn nghệ lúc bấy giờ, nặn óc viết được một bài thơ là cả công trình ghê gớm, có lẽ còn vĩ đại hơn Kha Luân Bố khám phá ra châu Mỹ.
Thời gian trôi qua còn chậm hơn lúc một người yêu chờ đợi một người yêu, những tờ lịch nặng nề rơi xuống, làm như chúng được dán bởi thứ keo hảo hạng và những ông chủ biên, thư ký tòa soạn đâu biết rằng dạo đó tôi đã phải nhịn quà sáng mất mấy hôm (mỗi gói xôi giá hai đồng) để gom đủ tiền mua báo với hy vọng bài mình xuất hiện. Tôi giận đời ghê gớm, đâm ra khinh mạn, cho rằng cuộc đời chưa đạt tới sự nhận thức để nhận rõ vóc dáng một thiên tài gà chết là tôi.
*
Buổi chiều sau khi đánh một giấc ngon lành tôi trở dậy trong cơn nắng mùa hạ oi bức chiếu hắt qua cửa sổ, xoi mói đến tận tấm phản tôi nắm. Phải tắm một cái cho mát. Sau đó lượn phố một vòng và trở về xem lại bài vở. Sáng mai vào phòng thi. Nghĩ là làm liền, tôi cởi phăng chiếc áo, chỉ mặc quần đùi và đi ra cái giếng đằng sau nhà. Sông và giếng là những phòng tắm lộ thiên, miễn phí tại Huế. Tôi dội nước ào ào, xát xà phòng, say sưa kỳ cọ, miệng ư ử ngâm câu "Học trò trong Quảng ra thi, thấy cô gái Huế chân đi không đành". Tôi đổi "trong Quảng ra thi" thành "ngoài Quảng vô thi" cho hợp địa lý, vì tôi vốn sinh trưởng ngoài Quảng Trị chứ không phải trong Quảng Nam.
Bỗng có tiếng hát từ đâu vẳng đến, lời ca buồn buồn nhưng tiếng hát trong trẻo như thoát ra từ cổ họng một con chim vành khuyên nào đó. Người ơi buồn ra đi, trên con tàu chia ly. Tôi ngẩn ngơ theo tiếng hát, chiếc gàu vừa quẳng xuống lòng giếng, chưa chạm mặt nước vội đứng khựng lại. Tôi rảo mắt chung quanh và nhìn sang ngôi vườn bên cạnh nhưng hoàn toàn thất vọng. Không một bóng người. Tiếng hát vẫn tiếp tục đều đặn, buồn bã. Ngày mai còn vui chi, kẻ ở người đi. Quái! Hay là ma. Người tôi rờn rợn vì tôi biết trong nhà trọ không hề có một bóng dáng thiếu nữ nào. Vả lại giữa chốn cố đô cổ kính này, những ngôi vườn thâm u, cây cao bóng rợp, những nẻo đường trăng lạnh lẽo thoang thoảng hương ngọc lan, thiếu gì những chuyện ma quái, liêu trai do người lớn kể lại bằng giọng thì thầm, kỳ quặc vào những đêm mưa gió.
Tôi vội kéo chiếc gàu lên quẳng xuống đất định chạy vào nhà, tiếng hát bỗng ngừng bặt, một tràng cười khúc khích và lời nói cũng trong trẻo tiếng chim:
- Ê, cái anh nhà đồ ngoài Quảng vô thi.
Tiếng Quảng nàng cố ý đọc không có chữ "g" đàng sau để trêu chọc tôi theo cách phát âm của người Quảng Trị. Tôi thẹn chín người và càng thẹn hơn nữa vì đang tắm nên chỉ mặc mỗi chiếc quần đùi. Trước khi rút lui vào nhà tôi đã nhìn thấy nàng ngồi vắt vẻo trên một cành khế đầy trái xanh, lấm tấm những chùm hoa tím nhạt. Nàng mặc áo quần trắng, nước da trắng mịn, tóc thề chấm ngang vai. Nàng đong đưa đôi chân, miệng mỉm cười nhìn tôi tinh nghịch. Tôi làm sao quên được đôi mắt ngời sáng, đen tròn như hai hạt nhãn lồng. Chỉ một thoáng nhìn nhưng đôi mắt như mười ngón tay búp măng kiều diễm, nhấn lên tâm hồn tôi những phiến âm thanh kỳ diệu, bát ngát trước đôi mắt cậu con trai mới lớn con đường nồng nàn hương sắc, ngọt ngào thứ tình cảm đầu đời.
Sau khi mặc quần áo đàng hoàng, chải lại mái tóc cho có vẻ lòa xòa, bềnh bồng theo đúng kiểu thời đại tôi trở ra vườn sau. Tôi bỏ luôn ý định lượn phố và ôn lại bài thi. Một nhà văn nào đó đã nhận xét thật chí lý: Phải có hai người để bảo rằng thế giới đẹp. Tôi đã có nàng và đôi mắt đen to của nàng.
Nàng vẫn còn ngồi đó, vắt vẻo trên cành khế, thỉnh thoảng lại đưa trái khế xanh ăn dở lên môi nhấm nháp. Nước bọt ứa ra đầy lưỡi nhưng tôi vẫn cố huýt sáo báo cho cái thế giới cố làm ra vẻ vô tình kia biết rằng có tôi hiện diện bên này góc vườn.
Gớm cô bé làm cao quá, đúng là dân Đồng Khánh rồi. Thứ dữ đây chứ không phải chơi đâu. Tôi chụm hai tay vào nhau đưa lên miệng, bắt chước dân da đỏ gọi nhau trong rừng. Tôi hét lớn "Ê..." Tiếng ê kéo dài vang dội khắp khu vườn, vượt lên đỉnh cây tưởng chừng có thể làm những cụm mây trắng lơ lửng trên trời sợ hãi bay đi.
Nàng tiên rời trang sách, cau mày nhìn tôi. Lại đôi mày cong lá liễu.
- Này cái anh nhà đồ. Làm chi mà la dữ rứa. Bà già nghe được thì mệt đó nghe.
Ít ra tiếng la của tôi đã không vang lên trong sa mạc. Nhưng lại có áp lực mới rồi đây. Ai mệt, anh nhà đồ hay nàng tiên áo trắng?
Tôi tựa lưng vào thành giếng, hai tay khoanh trước ngực, vẻ mơ màng của thi nhân chiêm ngưỡng nàng thơ.
- Tên cô là gì?
Lẽ ra tôi định hỏi "tên em là gì" nhưng, thấy chữ em đường đột quá, sợ nàng tiên giận dỗi, bỏ trần thế bay trở lại thiên đường thì thật khổ cho thi sĩ có tên xuất hiện đều đều trong mục hộp thư của các báo chí.
Khiêm nhượng đến thế mà nàng vẫn không trả lời. Tôi lập lại câu hỏi và nàng đưa ngón tay trỏ lên môi:
- Suỵt! Yên cho ta học bài. Mai thi.
- Mai tôi cũng thi nhưng tôi cóc cần, tôi muốn biết tên cô.
- Nhà ngươi không cần nhưng ta cần. vậy ai không cần hãy đi chỗ khác chơi, ai cần ngồi lại đây học bài.
Chừng như thấy những lời vừa thốt ra cao ngạo quá, có thể làm tôi giận (nhưng làm sao tôi giận được nàng tiên diễm kiều đến thế. Bởi vì với những chàng trai mới lớn, chủ thể hoàn toàn biến dạng đến độ triệt tiêu và chỉ có đối tượng mới đáng kể). Nàng làm lành với tôi.
- Ăn khế không, ngọt lắm.
Chưa đợi tôi kịp trả lời một quả khế đã được ném xuống, rơi cạnh chân tôi. Tôi nhặt quả khế cắn một miếng. Tôi nhăn mặt nhìn nàng. Khế chua quá vậy mà nàng bảo ngọt. Tôi thầm nghĩ chắc môi nàng ngọt hơn. Dầu sao tôi cũng cắn ngập răng vào trái cây đau khổ. Giá quả khế của một thằng bạn trai hay chị tôi cho, tôi đã quẳng nó xuống giếng rồi. Đối với nàng tiên làm thế tôi sợ phạm thượng.
Nàng nhìn tôi ăn, mỉm cười ra chiều thích thú lắm, vì nàng dư biết quả khế chua lè. Tiếng hát trầm buồn nhẹ như hơi gió của nàng lại cất lên, thì thầm trên đỉnh cây, bóng chiều đã nhạt.
Những ngày sau đó chúng tôi không còn dịp gặp nhau nữa vì người nào cũng bận thi cử. Nàng hoàn toàn biệt dạng dần, nhiều lần tôi cố ý ra đứng bên thành giếng, đăm chiêu chờ đợi. Không còn tiếng hát lơ lửng trên cành cây và đôi mắt mỹ miều thấp thoáng sau những chùm hoa khế. Tiếng ve râm ran khắp khu vườn như trêu chọc sự cô đơn của tôi. Chỗ tôi trọ và nhà nàng chỉ cách nhau một hàng rào bằng cây. Đêm đến đứng bên này góc vườn nhìn sang tôi có thể trông thấy ánh sáng mờ ảo nơi bàn học của nàng thoát ra khung cửa sổ và một bóng trắng lảng vảng, mơ hồ. Chỉ cần đi vài bước, tôi đã lạc vào thế giới huyền diệu của nàng nhưng tôi không dám, không bao giờ, vì tôi biết nơi đó được xem là vùng cấm địa và mẹ nàng sẽ canh giữ với đôi mắt nghiêm khắc, những thành kiến phủ rêu trong tâm hồn. Nơi đó, sự xuất hiện của bất cứ chàng trai lạ nào cũng được đồng hóa với tai họa trời giáng và chuyện trai gái, yêu thương là điều không sao người lớn chấp nhận được.
Sau ba ngày thi viết chúng tôi được nghỉ xả hơi, chờ kết quả để vào vấn đáp. Một đêm, trời đầy sao tháng hạ và trăng giải khắp vườn, tôi ngồi trên thành giếng phì phèo thuốc lá, mơ màng nhìn trăng sao. Trăng cũng lạnh lùng cô độc và sao lung linh xa vắng, như nàng, không bao giờ bắt gặp, không khi nào với tới. Một tràng cười khanh khách vang lên và một bóng trắng hiện ra bên kia hàng rào dâm bụt, mái tóc dài nhẹ bay theo gió, dáng đi yểu điệu, đài các của một con mèo. Trăng bàng bạc và khuôn mặt nàng còn trắng hơn trăng. Toàn thân nàng tỏa ra màu trắng rờn rợn. Cơn gió nhẹ lướt qua chuyên chở hương hoa sứ và trong không khí đầy huyễn tượng đó, tôi đã hỏi nàng một câu ngớ ngẩn.
- Nàng là ai, người hay ma?
Một chuỗi cười khanh khách thứ hai.
- Người hay ma, cả hai, ngươi sợ không?
Tôi lấy lại bình tĩnh và trở nên bạo dạn hơn.
- Nàng là ma, càng tốt. Tôi đã đọc hết bộ Liêu trai chí dị. Vậy nếu nàng là kết tinh của hồn hoa sứ, hoa khế, hoa lý, hoa mộc tôi cũng chả sợ. Mời nàng ghé qua thư phòng của tôi cạnh đây, chúng ta cùng uống trà thưởng trăng.
- Này cái anh đồ gàn, học hành thi cử không lo, lại cứ mơ với mộng.
- Ơ hay, sao nàng biết.
Nàng gật gù, chùm hoa trắng cài bên mái tóc rung rinh, chập chờn ánh trăng.
- Việc gì ta không biết, dù một lời gió, tiếng chim hay những gợn sóng nhỏ rung động trong trái tim si mê của người. Ta còn biết cả chu kỳ vận hành của vũ trụ, sự nối tiếp hòa hợp của âm dương. Ta biết trong tử có sinh, trong sinh có tử, ngày đi đêm đến, sao tỏ sao mờ, trăng khuyết trăng tan.
Tôi tiến sát đến hàng rào, nhìn vào đôi mắt thăm thẳm của nàng.
- Nàng quán triệt nhiều điều, tốt lắm nhưng những thứ đó không cần thiết với tôi, tôi chỉ cần biết một điều: tên nàng.
Im lặng!
- Kìa trả lời tôi đi chứ. Tên nàng là gì?
Một cánh hoa phượng đỏ thẫm rơi xuống vai áo, tôi không biết cánh hoa vô tình rơi theo cơn gió, hay đó là câu trả lời gián tiếp của nàng.
- Nàng tên Phượng?
Nàng gật đầu như xác nhận điều tôi vừa nói. Đôi mắt nàng sóng sánh ánh trăng, rưng rưng sắp khóc.
- Mùa hè chấm dứt. Ta sẽ úa tàn và rũ chết khi mùa thu trở lại. Ta sẽ chết tan tác trong mưa thu. Người đời sẽ vô tình dẫm lên xác ta nằm cạnh những chiếc lá úa.
- Nhưng năm tới tôi sẽ trở lại ngôi vườn này và hoa phượng sẽ rực thắm bầu trời.
Nàng lắc đầu buồn bã:
- Năm tới hoa phượng sẽ nở, nhưng đó là những cô em của ta. Riêng ta, ngươi chẳng khi nào gặp lại lần thứ hai. Không bao giờ. Vĩnh biệt anh nhà đồ si tình. Ta phải lên đường, trăng đã xế.
Thoáng chốc, chiếc bóng trắng của nàng bỗng nhạt nhòa, lẫn vào ánh trăng ướp hương hoa sứ tràn ngập khu vườn.
Sau kỳ thi tôi đáp chuyến tàu suốt trở về Đông Hà. Mùa thi năm sau tôi trở lại Huế, tìm đến ngôi vườn xưa. Phượng vỹ rợp đầy lối đi và ánh trăng vẫn huyền ảo nhưng bóng nàng đã biệt tăm. "Người biết không ta sẽ chết, tan tác trong mùa thu". Câu nói không biết đùa hay thật của nàng âm vang trong hồn tôi cùng với đôi mắt thấp thoáng sau chùm hoa khế tím nhạt, đẹp đến não nùng. Dầu sao nàng đã nói đúng, chúng ta chỉ là những kẻ gặp nhau một lần nhưng tiếng hát của nàng vẫn theo đuổi tôi, đóng đô trong tiềm thức và dìu dặt vang lên mỗi lần con tàu từ từ rời ga Huế, lăn bánh trên đường sắt. Người ơi buồn ra đi, trên con tàu chia ly. Ngày mai còn vui chi, kẻ ở người đi.
PHẠM VĂN BÌNH
(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 55, tuần lễ từ 15-6- đến 22-6-1972)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét