Thứ Tư, 12 tháng 6, 2024

ĐỀU ĐÃ TRÔI XA - Phạm Vũ Kơ Linh

 

Năm tôi 17 hay 18 tuổi gì đó, đang học lớp đệ nhị một trường Trung học tư ở K.H. thì bố tôi mất. Bố tôi, xuất thân con nhà nông, nghèo nàn, bỏ ruộng vườn đi lính từ năm 16 tuổi. Ông leo từ binh hai lên đến được thượng sĩ trong quân đội mất trọn hai mươi mốt năm. Giang hồ đây đó theo đoàn quân, một ngày, gặp mẹ tôi và rồi có tôi. Ông đặt nhiều hy vọng vào nơi thằng con đĩnh ngộ, học hành khá chăm chỉ. Mẹ tôi tần tảo nuôi con bằng số tiền bố tôi đem về, chắt chiu lo lắng cho đời sống. Gia đình tôi nhờ thế đủ ăn đủ mặc. Tôi còn nhớ ngày còn sống, thấy tôi lơ đễnh học hành ông hay nói: "Con ạ, mày có thấy những kẻ thấp hèn như tao, ngóc đầu không nổi, suốt đời chỉ là thằng lính quèn. Mày có thương gia đình, thương tao thì cố học hành, không bằng được người ta thì ít ra cũng kiếm được cái bằng Tú Tài, đi lính làm quan cũng đỡ khổ". Bố ơi, con thương bố lắm, thương cho cái hoài vọng đứa con của bố lắm. Bố muốn làm một dấu mốc thắng lợi trên đường đi của cả một giòng họ. Cả một liên hệ gia tộc không ai vượt nổi mảnh bằng Tú tài, không có lấy một người làm đến chức quan. Suốt đời, chỉ là những con lạc đà trong sa mạc mênh mông. Mẹ tôi hay đùa bảo: "Họ Vũ nhà mày, mả ông Tổ để di hàm rồng mà!". Những lúc ấy bố tôi đăm chiêu suy nghĩ. Những ngày tháng năm cục nhọc, năm ấy bố tôi mắc bệnh nặng, qua đời. Không được sống để nhìn đứa con thắp sáng gia tộc. Bố tôi, bây giờ, giá còn sống, nhìn thấy đứa con trai hẳn là đau lòng lắm. Cũng lại là tên lính quèn, thuộc sư đoàn 23, sư đoàn cũ của ông. Chiều chiều đứng gác, nhìn ra trước mặt mịt mù quê hương, ngậm ngùi và nhớ lại ơ hờ.

Thật ra, khi còn đi học, tôi vẫn nghĩ rằng mình sẽ thi Tú tài và sẽ đậu. Khỏi tủi nhục trước bàn thờ cha mình. Tôi học khá, song cốn số lận đận. Mẹ tôi bảo lại: mày sinh hồi 7 giờ sáng. Thiên hạ rộn rịp đi làm cũng khổ con à! Mai mốt lại xuôi ngược kiếm cơm kiếm gạo mất thôi, bà thở dài, tuổi Thân nữa chớ. Vốn người chất phác bà tin rằng "Người ta tuổi Hợi tuổi Mùi, riêng tôi tuổi Thân lại ngậm ngùi tuổi Thân", ông bà đã nói vậy. Và lấy làm ái ngại cho tôi lắm. Tôi an ủi bà, tôi vẫn học đều nhưng giòng đời quái ác. Tôi không thoát khỏi "định mệnh đã an bài". Học củng lớp với tôi có Nga, Huyền Nga. Cô gái con nhà giàu, tên đẹp, người cũng đẹp. Nga làm lu mờ tất cả các cô gái khác trong lớp và có lẽ, cả trường nữa. Dĩ nhiên nàng đẹp vậy, phải có khối anh mê, trong lớp, trong trường mọc ra những cây si sần sùi, cổ thụ, rễ dài cả mấy thước. Trong số đó có tôi, tôi vốn hơi đẹp trai (giống mẹ tôi mà), ăn nói có duyên, lại có biệt tài hát hay (!), đờn khá nữa. Nga cũng có phần chú ý đến tôi, nhưng không đậm đà mấy. Nhiều đứa làm thơ, viết văn, gửi thiệp tặng Nga vào dịp tất niên nhưng không kết quả.

Không những học trò mê Nga mà cả các giáo sư cũng thầm ươm mơ hình bóng nàng nữa. Lũ học trò biết rất nhanh tin thầy Nam, thầy Anh si nàng. Chúng nó đem đề tài này ra nhạo báng, xuyên tạc, thổi phồng. Thầy Anh dạy Việt văn lớp tôi, người hơi lùn, xấu trai chưa vợ. Đem thầy ra đứng với Huyền Nga quả là hai thái cực. Nga cao, thân hình thon thon, mềm mại, đẹp. Nga biết thầy Anh si nàng song không chịu mấy (!). Nga khôn lắm, nàng lợi dụng những lần lên đọc bài, dáng nũng nịu, giọng dịu ngọt hơn chanh đường làm thầy Anh nhà ta đờ đẫn, quên tuốt hết nhiệm vụ. Và sau đó, trong sổ điểm, dĩ nhiên là một điểm cao nhất cho Nga. Thầy Anh và lũ bạn trồng cây si Nga cay tôi lắm từ hôm tất niên. Liên lớp đệ Nhị tổ chức văn nghệ. Tôi mượn bộ quần áo phong phanh nhất của một thằng bạn thân, trông đẹp trai tài tử, cầm đàn đứng hát một bản tình ca tặng Nga. Hát xong được vỗ tay rầm rầm và Nga đứng lên yêu cầu bản nữa. Tôi thân ái nhìn nàng cám ơn và hát. Thành công hoàn toàn. Sau bữa đó, Nga thân với tôi hơn. Các cô gái nhà giàu vốn có tính kiêu dưỡng, thích cặp với những kẻ có tác phong văn nghệ cơ. Nga rủ tôi đi chơi, xi nê, dạo phố, uống nước, đủ thứ. Tôi cúp cua liên miên, bài vở thiếu sót nhiều, mẹ tôi đâu biết gì. Tôi gay gụ bà xin tiền mua sách vở, song là nói dối để lấy tiền dẫn Nga đi chơi. Tôi xài lậm vào mấy tháng tiền học, nhà trường thúc đòi. Tôi cố xoay sở, nhưng vô hiệu. Tôi vẫn chưa dám thố lộ tâm tình cho Nga hay, mặc dù nhiều lần cơ hội thật thuận tiện. Tôi vốn nhát. Gần đến ngày thi đệ II bán niên, Nga có vẻ lơ là với tôi. Trường, ban giáo sư nghĩ rằng tôi là một học sinh khá, mới chưa đuổi học, song hăm he sẽ gửi thư về nhà cho mẹ biết. Phen này thì tôi kẹt gỡ không ra rồi. Tôi ở nhà ít nhất mấy ngày cố nghĩ cách kiếm tiền, không gặp mặt Nga.

Chẳng lẽ lại ăn cắp tiền mẹ tôi, tôi biết và có cất tiền ở một ngăn trạn góc bếp, rất kỹ. Tôi nghĩ lung tung, nhìn bàn thờ bố tôi, hình như mắt ông thoáng vẻ phẫn nộ, tôi ớn ớn. Nghĩ đến lời bố tôi nhắn nhủ, tương lai tôi. Tôi lén lấy tiền mẹ tôi dưới bếp, rồi mặc quần áo ra đường. Lúc ấy tôi nghĩ rằng mọi sự hậu xét. Phải nộp tiền học để thi. Vong hồn bố tôi khỏi  tủi. Tôi thoáng ân hận nhưng nghĩ lát nữa gặp Nga, tôi lại vui vẻ, yêu đời.

Tới trường nhằm giờ tan học, học sinh lũ lượt rời trường. Tôi thoáng thấy bóng Nga, Nga kia rồi, rực rỡ huy hoàng. Tôi tiến tới, song chợt dừng lại, đau lòng nhìn Nga, nga không thấy tôi, leo lên chiếc xe gắn máy của một tên cùng lớp, tên này nhà giàu, người Tàu phù. Bất mãn, tôi chạy theo gọi Nga, Nga hơi cau mày, rồi nói lời gì với tên Tàu, nhảy xuống đứng chờ tôi. Có thế chứ. Quên việc đóng tiền học, tôi rủ Nga đi phố. Tên Tàu lừ mắt, tức tối. À, anh Tàu con này muốn gây sự đây mà, tôi đâu ngán. Tôi lừ mắt nhìn lại rồi nắm tay Nga, rời chỗ. Tên Tàu con căm hận nhìn theo. Tên Tàu này nhà có thế lực, phe đảng. Tôi biết lỡ trêu vào tay khó chơi nên có hơi e dè. Mải vui, tôi quên hết tôi nhớ rằng mình có tỏ tình với Nga vào dịp ấy, khi hai đứa đứng ngoài bãi biển, nhưng Nga chỉ cười. Tôi nuôi hy vọng. Vài hôm sau lên trường, tên Tàu con chặn tôi ngoài cổng, có Nga đứng đó, ý hẳn hắn muốn rửa nhục hôm trước. Hai đứa quần thảo nhau. Tên Tàu bị tôi đấm bể cả mồm, máu mũi, máu miệng tuôn xối xả. Hắn bất tỉnh. Tôi chỉ bị u đầu sứt trán.

Sau vụ này, trường họp giáo sư lại, luận tội tôi. Thầy Anh vốn ghét tôi từ trước, đề nghị đuổi hẳn. Hội đồng giáo sư chấp thuận. Tôi, trốn học, không đóng học phí, đánh lộn với bạn trong trường, vô lễ với giáo sư... Bao nhiêu là tội. Bị đuổi, tôi không dám nói với mẹ tôi, vẫn giấu bà là còn đi học, tiền bà cho, tôi ngồi quán nước, thuốc lá, cà phê hết cả. Kỳ thi đến, lũ bạn chúi mũi, cắm cổ học. Nga lên Đà lạt học cho yên tĩnh, tôi không được gặp nàng, thất thểu, buồn, chán. Thuê truyện về đọc giết thời giờ. Mẹ ơi, tha lỗi cho con. Bố ơi! Con làm hư hoài vọng đới bố rồi. Ngày thi đến. Sáng hôm đó, tôi xin tiền mẹ tôi, ngồi ở một quán nước gần trường thi. Uống cà phê, hút thuốc, ngậm ngùi nhìn đốm lửa đỏ tự đốt cháy đời mình, buồn muốn khóc khi thấy người ta lều chõng, bút giấy đến trường thi. Hí hửng khi chưa đến, họ trở về. Tôi thất thểu, lê bước theo họ về nhà mình.

Những ngày thi qua mau. Kết quả đến. Nga đậu. Tôi về báo tin tớt cho mẹ tôi. Bà không nói gì, im lặng buồn thảm. Gặp Nga trên phố. Nàng nói mai đi Đà Lạt nữa. Tôi xin số nhà. Nàng ngập ngừng rồi viết cho. Nga đi mấy hôm trước, mấy hôm sau tôi trốn mẹ tôi đi theo. Lên tìm mãi ra được nhà nàng. Nhà to lớn, có nuôi chó dữ. Tôi thấy đèn hoa giăng tứ tung bèn hỏi người gác cổng: "Nhà có gì vui thế?"

- Cậu không biết ư, đám cưới cô Nga đó, đám hỏi từ mấy tháng trước. Nhà trai đợi cô Nga thi xong, chớ không thì lấy nhau lâu rồi...

À ra thế! Tôi chóng mặt. Từ chối không vô nhà Nga... Hết tiền, tôi năn nỉ đi nhờ xe một người buôn rau từ Đà lạt về. Nhìn bộ vó hiền lành của tôi, người này chấp thuận. Còn mấy chục, tôi mua vài điếu thuốc đen, dọc đường nuốt khói vào tận phổi, nhả ra hiu hắt những làn khói loãng để ráng quên một mùa thi, và cả một mối tình đầu đã trôi xa mãi mãi.


PHẠM VŨ KƠ LINH     

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 59, tuần lễ từ 13-7 đến 20-7-1972)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét