Sáng Chúa-nhựt đầu tháng.
Trung-tâm thành phố Sài-gòn giống như một cái ao sâu, sau một
đêm mưa, nước dâng lên đầy ứ. Người của ngoại-ô đổ vào rún đô-thành như
nước chảy vào chỗ trũng, đông gấp năm gấp bảy ngày thường.
Trên đại lộ Lê Lợi, cứ một trăm thước là một bóng trắng nổi lên,
bóng của bộ sắc phục của cảnh-sát-viên công lộ, họ chận xe cho bộ hành
băng qua con phố quá rộng ấy.
Bên cạnh mỗi bộ sắc phục trắng, một bộ đồng phục vàng với chiếc
khăn xanh quấn cổ: hướng-đạo-sinh của ta phụ-lực với cảnh-sát để giữ gìn
trật-tự.
Hôm nay là ngày đầu mà một chánh-phủ mới bước lên lãnh đạo quốc
gia, nên cảnh-sát công lộ được tăng cường và tăng viện, chớ các ngày
Chúa-nhựt thường không hề có những chặng chận xe quá ngắn như thế, và
không hề có hướng-đạo-sinh phụ lực với công-quyền.
Trong không khí vui nhộn ấy, một thiếu nữ từ nhà thuốc gác Nguyễn-Thị-Hai thất-thểu bước ra.
Nàng rất cao lớn, nhưng không cứng người và thân thể với dáng đi
của nàng vẫn đầy đủ nữ-tính, nghĩa là vẫn uyển chuyển và yểu điệu.
Người ta đoán được rằng nàng đẹp toàn diện, tuy chỉ thấy được phong-thái
nhã-lịch của nàng mà thôi, còn gương mặt nàng thì bị mái tóc bồng-bềnh
có ý "lấn sân" ra phía trước, như để che giấu cái gì.
Người con gái nầy vừa mua một ống thuốc ngủ, thứ thật mạnh,
nàng mua được nhờ cái toa mà nàng đã gạt gẫm một vị bác sĩ quen thân với
thân phụ nàng để mà xin. Nàng kêu mất ngủ đã nửa tháng rồi vì đã trót
uống cà-phê đen nhiều quá để thức học, giờ thôi uống cà-phê bộ thần kinh
của nàng đã bị sự kích-thích trước vuốt cho có lằn xếp, không sao ngủ
bình thường được nữa.
Ông bác sĩ quen nầy đã tin cô gái bằng lời, vì quả đây là mùa
thi và cô gái vừa đỗ bằng tú-tài toàn phần hôm kia, cha cô có báo tin
mừng ấy cho ông thầy thuốc đó hay.
Đây là ngày cuối cùng của đời nàng, nên thiếu-nữ còn ham sống
nầy nhìn cảnh vật với tất cả ngậm ngùi luyến tiếc. Lòng nàng se thắt
lại, nàng muốn khóc lên một tiếng cho bao nhiêu người trẩy hội vui tươi
và thờ-ơ với nỗi sầu riêng của nàng, biết rằng có một người con gái đang
đau như ruột gan bị xé và họ không nên vô ý thức mà cười cợt trong
"vũng nước mắt" nầy.
Vâng, Loan còn ham sống lắm và ghen với niềm vui của thiên-hạ.
Ham sống, nhưng nàng không thiết sống nữa, từ hôm kia, mà nàng hay tin
Khương, người yêu của nàng, đã yêu một cô bạn đồng lớp với hắn ở
Luật-khoa Đại-học.
Con đường trong của đại lộ không có xe qua lại. Loan phải ra bồn
cỏ giữa phố để đón tắc-xi. Về nhà trưa nay, trong buồng ngủ, nàng sẽ
uống hết ống thuốc nầy, sau khi kêu nhức đầu và hâm hâm sốt. Mẹ nàng
chắc không ngạc nhiên mà thấy nàng không thức dậy hồi ba giờ xế.
Có lo lắm, bà sẽ vào buồng nàng, sờ trán con thấy con hết sốt, bà sẽ an lòng để cho nó ngủ. Tới bữa cơm tối thì đã trễ quá rồi.
- Chị Loan !
Loan giật nẩy mình mà nghe ai gọi đúng tên mình. Có tật hay giật
mình, Loan cứ sợ người ta biết dự định của nàng rồi ngăn trở, cứ tưởng
tượng ông bác sĩ quen cho người theo dõi nàng, rình xem vẻ mặt của nàng
để hành động kịp lúc, bởi sau khi biên toa xong, ông ta đâm nghi cái gì
chăng ?
- Chị Loan !
Giọng kêu là giọng con trai, một đứa con trai đang bể tiếng, vừa
ồ ề, lại vừa ẻo lả. Nàng day lại: một toán bộ hành vừa "sang sông" và
ông cảnh sát viên vừa hạ tay xuống, bên cạnh ông ấy là một
hướng-đạo-sinh. Không, không có ai trên bồn cỏ hết.
- Chị không nhận ra em sao chị Loan ?
Loan nhìn sững người hướng đạo sinh đang nhổ giò, cao lỏng khỏng và ốm nhom. Chính hắn đã hỏi nàng câu trên đây.
- Nghiệp đây chị.
- Nghiệp ?
- Dạ, Nghiệp, sói ở bầy Bắc Giang đây mà chị.
- Trời !
Loan kêu lên như vậy rồi thừ người ra, trong khi cậu thiếu sinh Nghiệp nhìn nàng mỉm cười, hãnh-diện.
Thằng Nghiệp ! Nó mới mười hai tuổi ngày nào đây, mà giờ đã cao bằng ngọn tre miễu rồi.
Khi đi trúc chửa mọc măng
Khi về trúc đã cao bằng ngọn tre.
- Giờ em lên "Thiếu" và thay chị để làm bầy trưởng bầy sói Bắc Giang. Nghiệp nói tiếp.
- Vậy à ? Té ra em là Nghiệp ! Mau quá !
Nghiệp đứng thẳng người lên như con nhà binh. Cậu ta bất giác có
dáng điệu ấy trước bầy trưởng cũ của cậu là Loan vì cậu cứ còn nghe chị
ấy là bầy trưởng mãi và cậu cứ còn là sói mãi.
Thật ra thì ba năm đã qua rồi, Loan làm bầy trưởng bầy Bắc Giang
năm nàng còn học đệ tam Gia Long. Thuở ấy Nghiệp đã mười bốn, nhưng nó
vào hướng đạo trễ, làm sói thì già quá, còn làm thiếu sinh thì không có
khả năng, bởi chưa được huấn luyện, nên nó ăn gian tuổi khai sụt đến ba
năm.
Tuy nhiên, mặc dầu mười bốn, thuở ấy nó vẫn còn bé lắm, nên sự
thay đổi nơi nó bây giờ làm cho người chị năm xưa không nhận ra nó được,
không có gì lạ cả.
- Em thì thấy thời gian qua chậm quá.
Nghiệp đứng lại bình thường và cười nói như vậy. Loan cũng bật
cười. Đúng là quan niệm thời gian của nàng năm đó. Trẻ con luôn luôn
nóng nẩy muốn làm người lớn. Làm người lớn xong, chạm trán với bao nhiêu
là phiền toái, là khó khăn, là đau khổ, người ta thấy khác đi, muốn trẻ
con trở lại, hoặc muốn thời gian ngừng trôi vì họ biết rằng, dòng thời
gian sẽ mang lại cho họ những điều không hay, tệ hơn giây phút hiện tại
nhiều lắm.
- Còn các em Hoặc, Nhiệm, Công...
- Dạ, các anh ấy cũng đã lên "Thiếu" như em.
- Còn sói bây giờ có ngoan như hồi đó không em ?
- Dạ, cũng y hệt như hồi đó.
Y hệt như hồi đó ! Đúng là như vậy. Con người cứ lên như những
lớp sóng, đợt nầy kế tiếp đợt kia, và đại khái thì đợt sóng nào cũng như
đợt sóng nào, cũng như tre cứ tàn, măng năm nay cũng như măng của mười
năm trước.
Chỉ có tre là khác măng thôi. Nhưng có những lúc như lúc nầy, tre bỗng sống lại thời măng.
Tất cả, từ lời nói của đứa em cũ, từ sắc phục của nó đến những điều nó nói đều xô nàng trôi ngược trên dòng thời gian.
Niên học đệ tam ! Đó là niên học cuối cùng của đời người niên
thiếu, niên học cuối cùng mà họ còn vui được với những niền vui thơ dại
của tuổi trẻ, niên học mà họ còn mơ những giấc mơ huyền ảo, thần tiên.
Lên đệ nhị là phải học bù đầu suốt hai năm trường để thành người lớn và... đau khổ.
Người học trò năm đệ tam cũng mang máng ý thức rằng cuộc đời học
sinh của họ phải chấm dứt cuối năm đó nên họ cố vui vớt vát lần cuối
cùng, thành thử lớp đệ tam của trường nào cũng là lớp ba-gai nhứt, lớp
làm cho giám thị khổ sở nhứt.
Họ sống vội đời học trò của họ, còn mấy ngày thì đập phá mấy
ngày, và đồng thời họ cũng biết rằng vội bao nhiêu cũng không kịp, vì
sắp vãn hát rồi. Thế nên vui dữ họ cũng buồn nhiều.
Đó là mùa hoa nở của những tập "lưu bút ngày xanh" xinh xinh,
khéo léo, mang rất nhiều trong mỗi tập bản sắc của chủ tập và bản sắc
của bạn bè người chủ tập đó.
Người ta hấp tấp tích trữ hình ảnh, tuồng chữ và cảm nghĩ của
bạn bè người ta, mà ngày kia "đời ngăn chia ngàn lối" người ta khó lòng
gặp lại.
Tất cả đều than khóc ve sầu, xác phượng, tất cả đều bùi ngùi
thương tiếc cái chết của tuổi hoa niên, tất cả đều khóc trước những cuộc
chia ly không tránh được.
Riêng Loan, nàng có đến hai tập "Lưu bút ngày xanh", tập dành cho bạn hữu ở Gia Long và tập riêng cho giới hướng đạo,
Nàng còn nhớ rõ cái trang của chú sói Nghiệp. Chú ấy vẽ rồng vẽ rắn lu bù và lưu bút của chú là những dòng chữ sau đây:
"Chị Loan, chị đã dạy em nên tập cho quen chịu đựng để ngày sau
chống chỏi với sóng gió cuộc đời. Em ráng làm theo đúng lời dạy bảo ấy,
để nữa lớn em khỏi phải xấu hổ mà gặp lại người chị cứ đứng vững như một
thủ lãnh can trường, trong khi đứa em thương mến chị lại chiến bại"
Ký tên: Sói Nghiệp.
Một thủ lãnh can trường ! Có mỉa mai chưa ? Người thủ lãnh can
trường, hiên ngang năm nào trong giới hướng đạo, chưa chi đã sắp ngã
quay ra trước một ngọn gió không đâu, một lượt sóng tình nho nhỏ.
Người thủ lãnh can trường năm xưa đã dạy sói và chim non những
tư tưởng cao cả, dạy chúng nó có tình thương quê hương xứ sở, tình yêu
loài người, đã dạy chúng nó nhiệm vụ công dân, nhiệm vụ của một phần tử
của cái xã hội lớn của giống vật hai chơn.
Thủ lãnh ấy không hề đá động đến tình yêu, không phải vì lũ sói
là trẻ con không nên nói tới điều ấy, mà vì tình yêu không phải là điều
quan trọng nhứt trong đời người.
Tình yêu đẹp lắm, và nếu không có tình yêu, không biết con người
sẽ khô khan đến đâu. Nhưng thiên nhiên cũng đẹp không kém, hội họa, âm
nhạc có thể còn đẹp hơn, và nghĩa vụ thì chắc chắn là đẹp, không có gì
vượt qua nổi.
Tình yêu ! Ừ, nó đẹp lắm ! Và nàng đã đau lắm khi mất nó. Sau
nhiều trận khóc gió thảm mưa sầu, Loan đã ngậm ngùi rưng rưng lệ mà nhớ
lại những buổi đi xem chiếu bóng với chàng, những ngày chúa nhựt đi
"bic-nic" với người bạn mà nàng quyết trăm năm gắn bó đời nàng với hắn.
Giờ bao nhiêu lời ngon tiếng ngọt, hắn để mà rót vào tai một
thiếu nữ khác, bao nhiêu lịch sự hắn để mà săn sóc người bạn mới của
hắn, bao nhiêu mơn trớn dịu dàng hắn để mà vuốt ve kẻ có diễm phúc hơn
nàng. Đau lắm thay !
Nhưng mà...
Người thủ lãnh năm nào không thể không thấy cậu thiếu sinh đang
tràn ứ tin tưởng, đang căng đầy ý chí phục vụ, đứng trước mặt nàng để
gợi nhớ cái "ta" năm cũ của nàng.
Cái "ta" ấy, năm đó, lại thoáng thấy cuộc đời rực rỡ huy hoàng,
và sự thật thì có phải cuộc đời đang rực rỡ, huy hoàng đây không ?
Cái "ta" ấy, năm đó, lại thoáng thấy cuộc đời đen tối, đầy tủi
nhục, của nhiều lớp người tự nguyện sẽ giúp một tay cho họ được sống một
đời sống có thể thống phần nào.
Quên mối sầu không đáng sầu muôn năm ấy và nhớ rằng hột cơm, tấm áo của đoàn thể mình chưa đền.
- Chị còn giữ tập "Lưu bút ngày xanh" hay không chị ? "Thiếu" Nghiệp hỏi.
Loan giựt mình, chợt tỉnh:
- A... ơ... còn chớ ! Nhưng chị bận không có đọc lại bao giờ hết. Nhưng chiều nay chị phải đọc lại cái trang của em mới được.
- Bây giờ chị làm gì chị ?
- Chị đã đậu tú tài toàn phần. Nay mai chị sẽ ghi tên vào lớp dự bị của Khoa học Đại học.
Thật như vậy, đây là dự định mới nhứt của Loan, dự định chỉ mới được dựng lên có hai phút đồng hồ thôi.
Không, nàng không đi làm nữa như đã sắp đặt. Nàng cũng không chết nữa như đã lén mọi người mà chuẩn bị.
Tiếp tục học ở Đại học, nàng sẽ được nằm lưng chừng giữa đời
sống học trò và đời sống người lớn, đời sống mà nàng rất ham muốn và bồn
chồn trông đợi từ mấy năm nay, nhưng bây giờ thấy là không toàn thiện
toàn mỹ như nàng tưởng tượng.
Không chết nữa để mà đọc lại mấy tập "Lưu bút ngày xanh" chứa
đựng những lời nguyền của bạn hữu nàng và của chính nàng, lời nguyền
xứng đáng với đoàn thể đã tạo ra nàng, nuôi dưỡng nàng.
Người cảnh sát viên nãy giờ làm việc một mình. Y nhìn cậu "Thiếu" Nghiệp mà mỉm cười. Cậu ta hiểu ý, đưa ra một cánh tay.
Tức thì bao nhiêu xe cộ đều dừng lại như bị chiếc gậy thần định thân họ lại, trong khi đó thì bộ hành băng qua phố.
Thật là huyền diệu, sự trật tự trong xã hội ! Loan thấy rằng đời
sống tình cảm của con người cũng cần được hướng dẫn phần nào cho nó đỡ
bừa bãi.
Vâng, giết chết tình cảm là sát nhân đấy. Một xã-hội không tình cảm là một xã-hội người máy, một xã-hội thú vật.
Nhưng một xã hội buông lung cho tình cảm là một xã-hội bắt đầu xuống dốc.
Xe cộ phải được tự do chạy trên đường phố, nhưng thỉnh thoảng
cũng phải có một cánh tay ngăn dòng thác lũ ấy lại, tạm thời trong giây
phút, không thì đổ vỡ cả.
Tình yêu đẹp lắm, và đau vì tình cũng đẹp lắm. Nhưng nỗ lực mà
quên mối sầu tình và thành công được trong nỗ lực ấy, còn đẹp hơn biết
bao !
Tình thương mẹ, lớn lao như thế kia, vậy mà còn có thể thay thế
được bằng tình yêu, thì tại sao một mối tình bị giết oan lại không được
thay thế bằng một mối tình khác.
Nàng bước lên một chiếc tắc-xi vừa đậu lại, nói lớn:
- Chị đi nhé, Nghiệp !
- Dạ, chúc chị vui vẻ !
Loan vui vẻ thật. Nàng mở xắc ra, lấy ống thuốc ngủ, lượm từng viên rồi bỏ rơi xuống đường, cứ vài phút một vơi đi một viên.
Những chiếc lông ngỗng mà nàng Mỵ-Châu tân thời nầy gieo rắc dọc
đường không đưa tới chỗ mà con gái thời xưa phải chết. Trái lại, nó
đánh dấu con đường ham sống của một thiếu nữ vừa tỉnh ngộ sau cơn ác
mộng.
Nếu có một anh Trọng-Thủy thời nguyên tử nào theo dấu những
chiếc lông ngỗng ấy, chàng sẽ tìm thấy một thiếu nữ sống nhăn, mặc dầu
thiếu nữ ấy đã bị một chàng Trọng-Thủy phản bội.
Tập lưu bút ngày xanh của nàng có phép mầu xóa được một niềm đau
cứ ngỡ là không bao giờ nguôi, vì ngoài những câu văn than khóc xác
phượng, khóc ve sầu, tập ấy có mang một đoạn văn lành của một chú Sói
con.
Tiền - Phong, 1966
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét