Năm nay là năm thi, tiếng con Đức như còn vang dội trong tôi suốt quãng đường về. Năm nay là năm thi, nghe Khánh, chẳng còn lý do chi để ăn rồi chơi như những mùa hè năm trước. Tôi bắt đầu khoa thi đầu tiên trong đời năm 17 tuổi, có được xem là lớn không? Có lẽ chỉ vừa lớn như "anh chàng" vẫn nói. Lo lo và sợ sợ, chẳng biết rồi chuyện chi đây sẽ xảy ra, vui hay buồn lắm?
Con đường về nhà hôm nay răng ngắn ghê vừa đi vừa nghĩ lan man mà đã đến nhà rồi, mọi hôm đi hoài chẳng thấy tới. Rồi đây, khoảng sân sau sẽ là nơi để tôi có mặt mỗi ngày. Những cành lá nhãn to xim xuê che mát một phần sân, buổi chiều đem ghế ra đó ngồi học thì tuyệt cú mèo. Nhất định là như vậy. Thôi, cho mình được chơi hết ngày hôm nay. Ngày mai bắt đầu cho việc dùi mài kinh sử mà ứng thí, để một ngày nào đó không xa, hiu hiu tự đắc, rung chân ngâm lớn hai câu thơ của ngài Nguyễn Khuyến:
Nghĩ mình cũng gớm cho mình nhỉ
Thế cũng bia xanh cũng bảng vàng.
Vâng, oai đấy chứ, người ta làm cô Tú lận mà, cho anh Sơn khỏi cười, ghẹo mãi con bé chỉ biết có ăn. Nhất định, sẽ làm anh Sơn lé mắt.
*
Buổi chiều xuống chầm chậm, những giọt nắng bắt đầu đi về phía tây, để lại khoảng trời xanh bát ngát trên đầu. Từng cơn gió bay qua, mơn man mái tóc. Những cánh hoa phượng đỏ bay tung theo gió, trong tiếng ve sầu. Đẹp. Một buổi chiều đáng để đi chơi, để thả bộ dọc giòng sông Hương, qua cầu Trường Tiền gió bay lồng lộng. Trời đẹp như ri học chi cho uổng hè? Tôi gấp vở nằm yên trên ghế xếp, nghĩ ngợi lung tung. Những đám mây trắng bay lang thang như hồn tôi bây giờ. Chúng có thật tình cô đơn như nhà văn nào đó nói không? Hình như có tiếng đàn của ai vừa cất lên, khúc "Tình xa" của TCS. Tuyệt vời. "Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại, cuộc tình nào đã ra khơi..." Tôi nhìn quanh, bắt gặp khuôn mặt trắng của thằng bé bên kia nhà ngồi bên cửa sổ, ôm đàn gảy tưng tưng. Thằng bé mặt trắng đến đó tự bao giờ, cu cậu lại biết đàn à? Con trai mà học ban A, điều tra của em tôi, con trai mà không lo học, lại lo đàn với địch. Hỏng dị lắm nghe cu cậu. Tôi vừa lén nhìn hắn thì hắn cũng vừa nhìn lại, cu cậu mỉm cười, nụ cười "ngây thơ tội lỗi". Vô duyên, cười chi vô duyên rứa cậu bé, học bài đi. Tôi nói thầm với hắn và cũng tự nhắc mình, học bài đi, Khánh ơi!
*
Anh Sơn vừa chạy vừa kêu, con trai lớn mà chi lạ ghê, mẹ tôi vẫn la hoài:
- Khánh ơi, Khánh ơi! Mau mau thay quần áo anh dẫn đi chơi.
Rồi, hối lộ Khánh để ngày mai đưa thư cho chị Hạnh chứ chi. Muốn hối lộ ta làm eo cho bỏ ghét.
- Thôi, em bận, anh đi một mình đi, hay là rủ chị Hanh đi đi.
- Suỵt, con nhỏ - anh cốc đầu tôi - nói nhỏ chứ, mẹ la thì làm răng?
Tôi vừa xoa đầu, định mở miệng la thì anh đã đưa tay bịt kín.
- Im, đừng ồn, giỏi, anh thương, anh dẫn Khánh đi ăn kem Đào Nguyên, về anh sẽ mua cho Khánh 100 gram ô mai, chịu hỉ?
- Cha chả, anh tốt quá hè, nhưng để làm chi rứa, không lẽ anh cho Khánh ăn không rứa à?
- Có chớ - anh Sơn nhăn mặt - Chị Hạnh giận anh, mai Khánh qua xin lỗi giùm anh, đưa cái thư anh cho chị ấy nữa.
Tôi dẫy nẩy:
- Thôi đi, em sợ con chó bên nớ lắm. Với lại - tôi cười - để em hỏi thử ý kiến mẹ đã hỉ?
- Chết, giỡn hoài, giúp anh đi.
Mặt anh Sơn nhăn lại như vừa cắn một miếng ớt. Tôi cười:
- Thôi được, nhưng phải cho Khánh đủ mọi thứ anh hứa đó nghe.
- Biết rồi cô ơi!
Tôi lồm cồm ngồi dậy, nghĩ đến ông anh mà bắt buồn cười. Dạy người ta học, chê người ta ngu, gõ người ta nhiều cái đau điếng óc, biểu phải lo mà học, chừ người ta đang học lại dụ dỗ đi chơi để nhờ công việc, anh chi mà dị tặc. Thôi kệ, đi cho ông vui lòng, không ông lại chẳng kèm cho học. Chán ơi là chán. Ra đến ngõ, bắt gặp đôi mắt anh chàng ánh lên tia nhìn buồn rầu. Anh chàng chẳng muốn tôi đi chơi. "Phải lo học, ham chơi quá!" anh chàng vẫn thường nói tôi như thế. Tôi quay nhìn anh chàng mỉm cười xin lỗi, anh Sơn đã rú xe vọt đi. Trời ơi, xe với cộ, kêu to như khi thiên lôi nổi giận, làm thiên hạ nhìn kỹ quá, dị quá trời!
*
Buổi sáng, khoảng sân sau đầy nắng. Tôi ngồi học trong phòng, căn phòng hướng ra vườn hoa, nơi mà lũ bạn tôi cho là lý tưởng nhất trong căn nhà. Sáng nay không học được nhiều, cứ thấy buồn, lo, rồi nghĩ vẩn vơ. Thằng bé mặt trắng lại gảy đàn, tiếng đàn buồn, chùng thấp. Thằng bé dễ ghét ghê, răng chẳng chịu học, đàn hoài, lỡ người ta mê nghe đàn người ta quên học làm răng. Đang mơ mộng lan man, tôi nghe tiếng con Xí:
- Chị Khánh ơi, chị Trang tới tề.
Rồi, thêm một kẻ phá đám nữa đây. Hết anh Sơn đến thằng bé gảy đàn, bây giờ đến phiên con bé này. Cha chả, học hành đã lơ mơ, làm cái kiểu ni nữa thì mong chi tên có ở bảng vàng, hở trời?
- Ê, Khánh, học chi nhiều rứa?
- Học chi mô, đang ngồi nghĩ ba láp đây.
- Đi chơi với tau!
- Buổi sáng bày đặt đi mô, nhác lắm.
- Thôi mà, buồn thúi ruột đây mi, đi với tau chút đi.
Rồi, lại chuyện buồn. Mấy con bé ni mới lắm chuyện, cứ bắt con người ta gỡ rối tơ lòng. Bữa mô lớn, có lẽ tôi phải xin giữ một cột báo cho mục này quá. Có chuyện chi cũng réo Khánh ơi, Khánh ơi : Không biết khi tơ lòng tôi rối rắm, tên mô sẽ gỡ rối cho tôi đây?
Mặc quần áo theo con bé ra ngõ, lại gặp đôi mắt của anh chàng. Đôi mắt buồn rầu và trách móc. Thôi cho tui xin lỗi lần nữa vậy, đừng buồn tui nghe anh.
Và rồi cứ thế, những lần bị phá đám, những tiếng đàn buồn, những ánh mắt buồn rầu, những lần gỡ rối cho lũ bạn theo những bài học từng ngày qua đi. Sáng mai, ngày tôi lên đoạn đầu đài. Run quá là run dù đôi mắt anh chàng vẫn gửi tôi nhiều an ủi.
Chiều hôm nay trời mưa to, lụt. Vùng tôi ở thấp quá, tôi đành phải khăn gói lội nước về phố ở lại nhà người bà con đợi sáng sẽ lên đường. Gặp đôi mắt tiễn đưa của anh chàng ngoài ngõ, buồn vô cùng. Anh chàng chúc tôi may mắn. Good luck!
Ở lại một đêm trong căn nhà lạ, tôi không ngủ được, lo lắng vu vơ. Năm giờ sáng thức dậy với bà cô, cũng đi thi như tôi. Hai cô cháu ngồi ngó nhau đến buồn cười, trời lạnh như cắt da, hai đứa ngồi co ro trong căn phòng nhỏ với cây đèn dầu tù mù buồn chi là buồn. Chị tôi dẫn tôi đi thi bây giờ vẫn còn nằm ngủ. Vừa sợ vừa buồn, tôi rưng rưng nước mắt.
7 giờ sáng, ăn uống xong xả, tôi vào phòng thay áo. Trời ơi, khổ thân tôi, hồi đêm mưa gió, cánh cửa sổ phòng bị đánh bật ra ngoài, không biết ngọn gió vô tình mô đã cho chiếc áo dài trắng tinh của tôi đo ván, vạt áo dính đầy bùn đất. Làm răng đây, tôi cầm tấm áo mà khóc òa. Chị tôi dỗ thôi mặc đỡ đi, kệ, có áo mưa che rồi, lo chi. Cũng đành mặc áo vô đi mà lòng lo chi lạ, răng thấy mình cứ mãi gặp chuyện không may (?)
Vào đến trường thi, gặp lũ bạn tíu tít vui mừng, tôi bớt buồn. Nhưng bây giờ thì run, hồi hộp, "run như run thần tử thấy long nhan" dù đã cố trấn an bằng đôi mắt an ủi của anh chàng chiều hôm trước. Kiểng đánh ba hồi. Tiếng sột soạt của ông thầy khi xé bì thư làm mắt tôi hoa lên, tôi tưởng như mình chẳng còn ngồi yên được trên ghế. Tôi bị phát bài cuối cùng vì tôi ngồi chót lớp. Cũng may đề thi chẳng lấy chi làm khó lắm, ngó ngoáy một hồi, rồi cũng xong. Buổi trưa, tôi nhất định về nhà, không ở lại nữa dù một phút một giây. Gặp đôi mắt anh chàng dò hỏi, tôi gật đầu.
Và những buổi thi kế tiếp trôi qua, những ngày tiếp nối là những ngày hồi hộp. Tôi xin phép ở nhà đi Đà Nẵng để quên đi, dù biết rằng bài vở mình không tệ, nhưng cái hồi hộp vẫn đuổi theo tôi mỗi ngày. Trở về lại Huế, vẫn chưa có bảng. Tôi đứng ngồi không yên. Một buổi trưa, ba tôi trở về, cười nhẹ:
- Khánh, làm bài răng mà...
Tôi cúi gầm mặt buồn buồn. Thôi rồi, giấc mộng vàng son của tôi bay theo mây khói.
- Chị Khánh hỏng hở ba, đáng kiếp, ai biểu đi chơi mãi chi.
Mấy đứa em trời đánh thiệt, tôi nhìn ba tôi, chợt thấy nụ cười của ông:
- Lấy xe xuống trường coi bảng lại đi, đậu rồi đó, con chó nhỏ!
Tôi hét lên sung sướng, chạy vào nhà rồi ra đi trong phút chốc. Ra đến ngõ, gặp đôi mắt vui vẻ của anh chàng, có lẽ anh chàng đã biết tin tôi đậu. Xin cám ơn trời, cám ơn đất, cám ơn ba mẹ, cám ơn ánh mắt an ủi của anh, cám ơn tôi, cám ơn tất cả mọi người. Tôi vui quá.
*
Bây giờ tôi bắt đầu cho khoa thi thứ hai, cũng gần đến rồi. Năm nay vì chiến cuộc, gia đình tôi phải di tản vào Đà Nẵng. Phòng học của tôi bây giờ là cái lò bát quái luyện kim đơn của Thái Thượng Lão Quân nóng không bút mực nào tả xiết. Hết rồi khung trời ấm êm của tôi năm ngoái, với tàn lá cây xanh, với hoa phượng đỏ với ve sầu. Thành phố này thiếu vắng tất cả những thứ đó, vắng luôn tiếng đàn của đứa con trai mặt trắng, đôi mắt an ủi của anh chàng. Hết những ngày cùng anh Sơn dạo phố, cùng lũ bạn đi ăn chè cồn, đi gỡ rối tơ lòng cho chúng.
Tôi đang ở đây, gần 2 tháng trời, trong thành phố đầy người, bụi, nóng và nắng cháy. Con Đức, bạn tôi, đã trở về lại Huế và viết thư cho tôi: "tau thương mi quá Khánh nợ, trở về đây, tau là nữ hoàng cai trị miền quê yêu mến. Về đây đi, tau sẽ chia cho mi nửa giang sơn mà cai trị..." Vâng, tôi rất muốn trở về, nhưng nhà tôi vắng quá, gia đình tôi còn sợ, tôi đành ở lại, nghe con Đức tả để chỉ thở dài. Bây giờ anh Sơn đi Saigon học khóa không quân. Tổ quốc lâm nguy, thằng bé mặt trắng chẳng biết trôi dạt phương mô, anh chàng đi ngoại quốc xa xứ. Những cánh thư gởi về, kể đến những miền xa lạ quá, tôi chưa hề nghe. Không biết đôi mắt của anh có còn những tia nhìn dịu, an ủi như mùa hè năm ngoái?
Chị Diệu vừa đi ngang, la:
- Thôi! Học đi chớ Khánh, viết hoài viết hoài chẳng ai dỗ mô nghe.
Vâng, em đang gắng học đây, cho chị vui lòng. Hỏng rồi chẳng ai dỗ cả, mọi người đã đi xa. Đôi mắt ngày xưa ơi, bây giờ chẳng còn anh để trấn an tôi nữa. Mùa thi này, tôi thiếu anh.
TRẦN HUỲNH BẢO KHÁNH
(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 59, tuần lễ từ 13-7 đến 20-7-1972)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét