Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2024
THÁNG NGÀY CÒN LẠI - Vu Vơ
Thứ Ba, 25 tháng 6, 2024
VỀ TỪ MỘT ĐẢO XA - Hoài Diễm Từ
Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2024
BÓNG MA TRƯỜNG ÁO TÍM - Bình Nguyên Lộc
Thái ngóc đầu lên để vói rút khăn lông trên đầu giường đặng che mặt mà ngủ, vì đèn chong nóng quá.
Rút khăn xong, anh thả rơi đầu xuống thì nghe một cái cộp, rồi lại nghe anh ta la : "Ui cha!"
Ở mấy chiếc giường hai bên, người ta rúc rích cười. Anh đã bị
bạn kế giường rắn mắt ăn cắp gối lúc anh ngóc đầu lên. Tên ăn cắp là
Ngư. Ngư hô :
- Nè chụp nè ! Rồi liệng gối Thái theo đường vòng cầu. Gối bay
ngang mình Thái rồi rơi qua giường bên kia. Nguyên đưa tay sẵn để hứng
lấy rồi dồi gối qua cho Thoại bên cạnh, y như người ta chơi bóng rổ.
Gối chuyền tay mà bay từ giường này đến giường khác, Thái rượt
theo mãi mà không kịp. Rốt cuộc anh đành trở về giường, cuốn mền lại kê
đầu mà nằm.
Những người chơi cái trò trẻ con trên đây toàn là người lớn cả, trên dưới bốn mươi tuổi đầu.
Đó là những thầy giáo ở tỉnh, nhân dịp bãi trường về Sàigòn theo học các lớp tu nghiệp tại trường Gia Long.
Tất cả, ngày xưa đều là lưu trú học sinh ở một trường trung học nào đó ở miền Nam.
Cuộc sống chung trong mùa tu nghiệp năm nay bỗng dưng gây lại
cái không khí mười mấy năm về trước với những dãy giường sắt ngay hàng
thẳng lối, với trống điểm giờ ăn, giờ tắm, giờ nằm, với bóng đèn chong
màu xanh xanh tỏa ánh sáng trăng nhơn tạo xuống những chiếc mùng rung
rinh mà trong đó các cậu thiếu niên mơ những mộng đẹp ngoài đời.
Ôi, cái đời lưu trú năm xưa, xa lắm rồi mà nghe sao như là mới hôm qua này thôi !
Ôi, những cái đầu, tóc còn đường rẽ, ôi những chiếc tủ đầu
giường thơm mùi thuốc rệp mà trong đó bao thiếu niên mơ mộng đã xếp kỹ
những bức thư xanh, những bức thư tím, những bức thư hồng, cũng như họ
đã ủ kín trong lòng non dại của họ niềm yêu bâng quơ tác giả các bức thư
kia.
Ôi,những gói bánh tổ bột gạo, đường hạ Biên hòa mà các cậu thiếu
niên gặm mòn trong đêm tối như chuột gặm khoai, ôi những kỷ niệm xa
xưa, nay đã đâu rồi !
Ngày đầu vào trường Gia Long, ai nấy lòng cũng quặn thắt đau,
nghẹn ngào xúc động mà nhìn những dãy nhà giống hệt những dãy nhà của
trường Petrus Ký, trường Sở Cọp, trường Cần Thơ, trường Mỹ Tho mà trong
đó đã nghỉ yên quá khứ của họ.
Làm sao không ngậm ngùi được vì đó là nơi mà một khi kia trong
đời họ, họ đã hoài thai nhiều mộng vĩ đại, đã mơ những giấc mơ tiên.
Nhưng rồi sự học tập và cuộc sống tập thể lôi cuốn họ vào một nhịp khắc khổ hơn nên họ tạm dẹp tình cảm lại.
Nhưng họ vẫn cảm nghe họ trẻ lại đi mười mấy năm, ham nô đùa với nhau như lũ lưu trú học sinh ngày trước
Các thầy giáo hôm nay cũng rắn mắt y hệt như cái bản sao của họ hồi tiền chiến.
Khi chiếc gối bay đến giường cuối dãy thì anh Trung chụp rồi
dộng vào cửa buồng một cái rầm nghe như vợ chồng ai đang đánh lộn với
nhau.
- Mấy thằng dịch già này, không cho tao ngủ hở bây ?
Đó là lời mắng rất hiền của một ông cụ bốn lăm. Mới bốn lăm mà ông ta ra vẻ cụ lắm.
- Thôi ngủ bây ơi, kẻo cụ giận không gả con cho thì chết đến sáu
bảy cửa lận : cửa trước không ai đóng, cửa sau không ai gài, cửa túi
rách không ai vá, cửa tủ tiền chạy ra không ai ngăn, cửa miệng không ai
tiếp tế lương thực nè...
Cả bọn cười xòa, và anh Hạc hát giọng tuồng :
- Nhạc gia ơi ! Xin đó mựa đừng vội giận, đây nguyền nuốt hận làm im cho nhạc gia ngủ đó a nhạc gia !
- Thùng ! - anh Trinh đánh trống miệng một cái nghe ngọt xớt
- Thôi phát nầy ngủ thật đa ! - Dung nói.
- Khoan, để mổ ra câu đối, đứa nào đối được, sáng mổ bao ăn kem. Ráng nghe các cha :
- Ngủ giả mà nói ngủ thật, là giả ngủ
- Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh đối vậy.
- Im !
- Đèn chong sáng quá làm sao ngủ.
- Trong Petrus Ký đó nghen tụi bây, hồi đó nó không chong đèn
bóng xanh như ở đây, vì bóng xanh sáng lắm, học trò lén thức học, bỏ ngủ
rồi bịnh cả đám. Biết nó làm sao hôn ? Nó chong bằng bóng trắng mà
ngoài sơn dầu sơn xanh. Như vậy ánh sáng tối hù, đứa nào ham học thì bơ.
Có một bận đó nghen, tụi nó đòng đòng lên ba đứa như làm trò
xiệc ấy, để lấy dao cạo dầu sơn. Quên nói là trường Petrus Ký khôn lắm,
nó rút bóng đèn lên sát tận trên trần để mình phá không được.
Đang cạo sột sột bỗng đâu thầy Su-quây-dăng mở cửa kiếng kêu cái
bực mà bước ra, vì tụi ngoài này làm ồn như giặc, thầy ta chịu không
thấu đời quyết ra chụp vài cậu phạt cho hả giận.
Đám hát xiệc nghe nguy hoảng hốt, anh kép ở dưới quăng anh kép
đứng giữa, anh kép giữa quăng anh kép trên. Anh nầy, tao nhớ tên là anh
Gừng. Anh ta té cái rầm, năm bất tỉnh nhơn sự, con dao đâm lủng tai trái
anh ta, máu ra linh láng.
Thầy Su vừa bước ra, thấy vậy ngỡ anh ta chết, sợ chịu nhơn
mạng, vội thối trở vô. Vừa lúc ấy thì mùng cháy rần rần vì anh Ký thắp
đèn cầy mà học, học mê không hay gì cả, đến chừng nghe cái rầm anh ta
giật mình hươi tay đụng đèn ngã vào mùng mà gây hỏa hoạn.
- Rồi sao nữa ?
- Rồi áp nhau mà la mã tà chớ sao. Có thằng hô to " Hỏa thiêu Hồng Liên Tự rồi bây ơi ! "
Đêm ấy, nhà ngủ tụi tao rầm rầm như đám giựt giàn cúng làm chay.
- Rồi anh Gừng có sao không ?
- Sau đó, anh ta hóa thành thi sĩ.
- Lạ không ?
- Anh ta làm thơ như vầy :
Cạo đèn bây học, lại quăng tao,
Nghĩ giận tụi bây, máu muốn trào
Hát xiệc không lương, xương lại gãy,
Thầy Su hoảng sợ, thích biết bao !
Chưa chết mà bây châm lửa đốt,
Tao chẳng dân Miên, hỏa táng tao !
Từ rày nhắn với quân ham học,
Vùi đầu vào sách sẽ ho lao.
- Toàn vần ao không mà thôi.
- Phải, đó là anh ta cố ý, vì anh ta nói anh ta đã bị nóc ao mà !
- Thôi bỏ mùng xuống ngủ các cha !
- Tụi bây ơi, mùng của mình vén coi có vẻ thất trận lắm ! Tụi áo
tím hồi đó tao đi ngoài đường thấy chúng nó vén mùng khéo mà bắt thèm.
Chúng nó may mùng trùm phủ ngoài trụ, rồi muốn vén, vo tròn lại từ lai
trôn vo lên, như con gái thợ cấy xăn ống quần. Thật là tay con gái có
khác.
- Các cô con gái áo tím dễ yêu hồi đó bây giờ đã hóa ra bà già
rồi bây ơi, trời hỡi nè, đời người sao mà thấm thoát, cô áo tím của tôi
đã năm con bảy cháu rồi nè trời !
- Hu... hu...!
- Thùng !
- Các anh ơi, sao mà nằm trên giường nầy, tôi nghe như hương thừa của ai còn phảng phất đâu đây...
- Giường cũ biết còn hay không ?
- Sao lại không. Trường Gia Long là cái trường độc nhứt không bị
quân đội Nhật và Pháp sung công thì cái gì cũng còn nguyên vẹn cả, trừ
người xưa. Kìa cái cây dé ngựa ngoài sân, ngày xưa, cô áo tím của tôi
chiều chiều đã dựa vào đó mà làm thơ.
Cây cối bây giờ đã thành đoàn cổ thụ già, đang chờ người đi mất tự ngàn xưa... Ngày nào tròn trăng lại nhớ...
- Có ai xuôi vạn lý, nhắn đôi câu...
- Thùng !
- Tân cổ nhạc hằm bà lằng, mại dô !
- Quỉ dịch, có để người ta ngủ hay không nè ?
Bấy giờ chắc cũng đã khuya rồi, nên phần đông mòn mỏi và lời mắng cuối cùng đã bịt miệng họ được.
Tuy nhiên, những người chưa ngủ vẫn lăn qua trở lại hoài. Nhớ
vợ, nhớ con ở tỉnh nhà, hay nhớ một mối chinh phục mới ? Ừ, một dịp đi
Sàigòn y như là ngày kép núi hạ san và rất có thể gặp đào giữa truông
mây.
Thầy giáo Lâu ngồi dậy định bước ra cửa sổ dòm sao. Thầy giáo Niệm cận giường còn thao thức, thầy kéo bạn dậy và nói nho nhỏ :
- Chưa ngủ à ? Ra đây hứng mát. Trời, tháng bảy mà sao nóng nực quá ?
Giáo Niệm là tay làm ồn nhứt trường từ hổm nay, không ai chịu
nổi thầy ta cả. Mỗi đêm thầy ta đều rủ các bạn tái diễn cái trò kêu rệp
ngày xưa nghe muốn bể con rái.
Thầy gác, tiếng Pháp kêu là Su-quây-dăng, nhưng hồi xưa học sinh lại kêu lầm họ là rê-pê-ti-tơ và kêu tắc là Rệp.
Đêm đêm hễ thầy gác đi rình là họ kêu than có rệp :
- Rệp mắc dịch ! Bò hoài sáng đêm !
Rồi họ đập giường rầm rầm.
Giáo Niệm nô đùa dữ quá, cười muốn bể cửa kiếng nhưng ai tinh ý
thì thấy trong cái quá lố ấy có ẩn hiện một hơi hướng đau thương, như là
sầu quá hóa điên, cười ra nước mắt.
Nhứt là từ lúc các bạn nhắc đến các cô áo tím cho vui thì thấy thầy ta ngậm câm, không tham gia buổi tối vui nữa.
Tiểu tiết ấy không thoát khỏi mắt quan sát của người bạn thân giữa đường của giáo Niệm là giáo Lâu.
Còn một điều lạ lùng nầy nữa là từ Phong Dinh ( Cần Thơ) lên để
theo học lớp tu nghiệp Anh văn mà giáo Niệm không thèm học hành gì cả.
Theo chỗ dọ biết thì ngày xưa thầy rất khá Ăng lê, mà đã quên hết rồi.
- Thì nay học lại, chớ khó khăn gì đâu.
- Nhưng thầy ta như cóc cần học. Mỗi lần bà giáo người Mỹ gọi đến thầy là thầy cứ trả lời độc một câu mà thầy còn nhớ :
- I can't speak English (1)
" Tâm sự gì ? " Lâu tự hỏi thầm và ái ngại cho người bạn mới mà thầy rất mến.
Một người từ Bình Dương xuống, một người từ Phong Dinh lên, chơn
trời góc biển gặp nhau, lại mến nhau như bạn thâm giao đâu từ thuở ấu
thời.
Đôi bạn thót lên ngồi trên đầu tủ com-mốt, rồi Lâu chỉ vòm trời đen lóng lánh sao mà hỏi bạn :
- Giống cái gì ?
- Giống sao vàng rải trên hòm sơn đen.
- Ghê quá ! Sao anh lại nghĩ đến cách so sánh tang tóc như vậy ?
- Có lẽ vì liên tưởng.
- Đến cái gì ?
Giáo Lâu đặt tay lên vai bạn không nói gì, nhưng cử chỉ ấy hùng
biện biết bao ! Đôi bạn thông cảm nhau một niềm thương mến sẵn sàng trao
đổi nhau nghe tất cả cái gì ray rứt trong lòng họ.
Giáo Niệm cúi xuống nhìn sân trường tối om, xa xa một vừng ánh đèn vườn làm nổi bật lên cây lá trong một khoảng nhỏ...
- Trong cái im lặng bao phủ cảnh trường nầy, tôi bồi hồi tưởng nhớ năm xưa....
- Ngỡ gì, ai lại không như thế. À, hồi đó anh học trường nào ?
- Petrus Ký.
- Còn tôi thì học Sở Cọp. Trường của mình nên thơ hơn trường này
phải không anh. Thuở ấy, đêm tôi dòm ra sở thú, lắng nghe tiếng thủ thỉ
của dân rừng bị nhốt...
- Còn tôi thì đêm đêm dòm ra thành Ngã Bảy lúc đó còn là một
cánh đồng ma, để xem đèn ma và nghe mấy chị bột khoai kêu mả tà.
Ấy,quanh trường hoang vắng nên tối nào cũng có cướp cạn.
- Còn ở đây lâu đài, dinh thự nhiều quá, không đẹp gì hết.
- Tôi, tôi lại nghĩ khác. Tôi thấy ở đây rất nên thơ vì có lẽ trường này dính líu đến tôi nhiều.
Giáo Lâu đã thành công nhờ khôn khéo. Thầy ta biết nếu tra hỏi
thì chắc bạn không chịu khai. Còn gợi chuyện thì tự nhiên việc nầy đưa
đến việc khác, và đầu dây mối nhợ sẽ được tháo tung ra.
Giáo Niệm đột ngột hỏi :
- Anh có biết là tôi chưa vợ hay không ?
- Không, trời ơi, đã bốn mươi hai rồi mà...
- ... Mà còn cô độc, ừ. Tôi đi lên đây, mục đích chánh là đi
hành hương. Hễ có dịp vào trường Gia Long là tôi vào, không biết để chi,
nhưng không thể đừng được.
Trường nầy không phải cảnh cũ, nhưng có lẽ nó gợi nhớ nên tôi
thích. Hễ nhớ là đau, nhưng lại cứ muốn nhớ, nhớ hoài để nghe như nó còn
mới hoài, mới như vừa xảy ra hôm qua đây.
Năm ấy tôi học năm thứ hai. Một hôm Chúa nhựt ra chơi nhà người
chịu trách nhiệm về tôi đối với nhà trường, tôi gặp Oanh, trường áo tím,
cháu của nhà nầy mà tôi không dè.
Tôi còn nhát gái lắm, nên bẽn lẽn một lúc rồi bỏ đi luôn.
Tối lại về trường tôi mới thấy là tôi ngu quá. Bạn hữu trong
trường đứa nào cũng có bạn gái ở ngoài cả chỉ trừ tôi thôi. Nhà quê
không biết làm quen với ai, nay gặp dịp tốt lại trốn mất thì có ngốc quá
hay không ?
Nhưng bây giờ mà có bạo gan tuần sau ra đó để gặp cô ấy chắc cũng sẽ ú ớ, không biết nói gì
Cô bé đẹp quá ! Áo tím làm nổi bật nước da trắng nõn của cô và cái e lệ của cô sao làm tôi điếng người đi.
Bí quá, tôi lén bạn hữu kéo anh Lưu ra góc sân và hỏi :
- Anh Chín nè, làm sao anh quen với bạn gái ?
Lưu là một học sinh rất đẹp trai. Anh ấy lại biết làm thơ nữa.
Anh có một tập thơ nhan đề là " Anh Chín thi tập ", trong đó anh sưu tầm
thơ của anh và của nhiều bạn gái của anh. Anh Chín là biệt hiệu cà rỡn
mà bạn hữu gán cho anh và anh vui vẻ nhận lấy.
- Cái đó tùy anh, Lưu đáp. Với mỗi người, phải mỗi cách. Cô ấy thế nào ?
Tôi kể chuyện gặp gỡ cho anh nghe. Anh trề môi mà rằng :
- Anh thật là thằng chúa ngục, anh trốn như vậy nó khinh anh rồi thì còn mong gì.
Tôi khổ sở quá, và luôn hai ba Chúa nhựt không dám ra đó nữa.
Tuần ấy tôi xáng bịnh: sốt rét rừng. Nhà thương cứu cấp ở trường gởi tôi vào nằm điều trị trong Chợ Rẫy.
Thuở ấy công chức và học sinh đi Chợ Rẫy đều nằm chung một trại, gọi là " Nhà giàu !".
Tôi được tiêm thuốc hai hôm là hết sốt. Nhưng lệ nhà thương, sốt rét rừng cho nằm mười lăm hôm.
Hôm thứ ba tôi ra ngoài sân, lại gốc me ngồi chơi thì lạ quá, trên băng đá dưới gốc me ấy, cô áo tím đang ngồi đan nón.
Tôi hoảng vía toan thối lui để chạy vào trại thì cô ta thấy tôi,
mỉm cười chào tôi một cái. Tôi quýnh lên, đỏ cả hai tai rồi ú ớ như
thằng câm.
Để cứu tôi, cô hỏi :
- Anh vào nằm đây bao lâu rồi ?
- Dạ ơ... hơ... mười lăm.
Sợ quá, đến số ngày cũng nói bậy.
- Em thì mới có ba ngày. Anh bịnh làm sao và nằm phòng số mấy ?
Bấy giờ tôi đã hoàn hồn, bước lại gần băng mà đáp :
- Tôi nằm số bảy, trên lầu. Cô bịnh làm sao và nằm ở đâu ?
Thì ra cả hai đều sốt rét. Cô ấy nằm số 25 dưới đất. Hỏi phăng
tới thì biết cô cũng học năm thứ hai, ban sư phạm, và tên là Oanh.
Oanh nói :
- Mấy tuần nay, em có ra luôn. Cậu em ngạc nhiên lắm mà thấy anh
không tới. Cậu em nói anh học giỏi lắm, không lẽ lại bị phạt ở lại ngày
Chúa nhựt.
Không, không bao giờ cậu Oanh và Oanh biết lý do vì sao tôi không ra cả.
Nhà thương Chợ Rẫy lúc ấy là nơi gặp gỡ của lưu trú học sinh các
trường trung học ở Sàigòn. Vài mươi hôm hết hạn, rồi lắm khi thân đến
suốt đời. Kỷ niệm chung cũng nhiều lắm.
Oanh và tôi, cố nhiên, cũng trở thành đôi bạn. Đêm nào chúng tôi
cũng ra hàng rào sắt đón chú giò chó quảy mua vài chiếc để ăn với sữa
đặc nhà thương phát cho.
Cái thú ăn giò chó quảy to bằng cườm chân ở cửa Chợ Rẫy, không anh học sinh tiền chiến nào quên được cả.
Với lại cái thú kéo nhau xuống nhà xác, rồi hù một tiếng, mạnh đứa nào đứa nấy chạy, chạy đến vắt giò lên cổ.
Một bận Oanh chạy như vậy rồi vấp té, nhờ tôi đỡ kịp. Không hiểu
sao kể từ phút đó chúng tôi không còn thẳng thắn với nhau được nữa.
Ra nhà thương, tuần nào chúng tôi cũng gặp nhau ở nhà người chịu trách nhiệm.
Ở đó, câu chuyện giữa chúng tôi là câu chuyện học hành, là
chương trình đại số, là phản động hóa học, là định lý hình học, chớ
không còn là câu chuyện trăng, sao thú vị ở nhà thương.
Vì vậy, tôi cố tìm cách gặp Oanh nơi khác, đổi không khí để tìm lại những ngày thần tiên khác.
Và chúng tôi đã tìm được.
Không nói chắc anh hiểu ngay là chúng tôi yêu nhau. Phải, nhưng
con người của chúng tôi đứng đắn lắm, nên chỉ yêu nhau suông vậy thôi,
chớ không có gì tội lỗi hết.
Nhà cũng biết thế, nhưng tin chúng tôi lắm, nên cũng chẳng rầy
la gì, mặc dầu nhiều chúa nhựt, chúng tôi rủ nhau đi tuốt, bỏ cơm trưa.
Tối lại vào trường mới ăn.
Tôi hẹn với Oanh ra trường sẽ xin làm thầy giáo để cùng nghề với vợ tôi cho tiện lúc đổi đi nơi nầy nơi khác.
Và tôi đã giữ lời hứa. Nhưng vì chưa cưới nhau nên Oanh được bổ đi Sóc Trăng, còn tôi thì Bà Rịa.
Tuy cách trở, mà thơ từ qua lại luôn. Oanh bị tang bà nội, nên chúng tôi chưa thành hôn với nhau được.
Cứ mỗi ba tháng là tôi xin phép nghỉ, đi xuống thăm Oanh một
ngày ! Oanh vẫn yêu tôi như thường, có lẽ yêu hơn trước vì hễ tình yêu
chưa toại thì nó cứ càng ngày càng tăng.
Cả hai chúng tôi đều nóng lòng đợi mãn khó tang bà và cùng dự liệu nhiều việc về tương lai.
Như vậy được một năm. Còn có bốn tháng nữa là hết tang. Tôi nao
nức lắm và vừa định xuống thăm bạn lần chót để thỏa thuận nhau về chi
tiết đám cưới, thì bỗng được thư Oanh.
Oanh bảo tôi đừng xuống nữa, giọng nhứt quyết lắm và hăm sẽ giận
tôi luôn nếu tôi cãi lời Oanh. Oanh lại cho biết rằng đám cưới phải
đình lại không biết đến bao giờ.
Đọc xong thư, tôi đâm nghi. Tại sao nàng lại cấm tôi xuống, và
đòi đình hôn lễ ? Có phải nàng đã yêu kẻ khác hay không ? Tôi ghen tức
lên, rồi tôi đau xót không thể tả được.
Vài hôm sau, tôi định cứ đi đại xuống đó, xem cho biết sự thật.
Thà là phải bật ngửa ra mà thấy mình bị phụ tình, còn hơn là ngồi nhà mà
xốn xang, mà nghi hoặc.
Nhưng tôi lại không đi, vì tôi hờn Oanh. Thôi, người ta không
thương mình nữa thì thôi, đeo đuổi theo làm gì, Con người bạc nghĩa ấy
còn xứng đáng sao được mối tình chung thủy của mình !
Thế rồi tôi nín đi hai tháng. Tôi ốm xanh xao, và bỏ công việc đến nỗi bị ông Thanh tra hàng tỉnh phê bình cảnh cáo mấy lần.
Không chịu được nữa, tôi gởi thư, gửi liên tiếp mỗi ngày một bức, hăm tự tử, dọa xuống thăm nàng,đủ thứ việc.
Nàng trả lời cũng liên tiếp và nói nếu tôi xuống là nàng sẽ chết mất.
Rồi đùng một cái, đến tháng tư là tháng xả tang, Oanh gởi cho tôi một bức thư vĩnh biệt. Tôi còn thuộc lòng bức thư ấy.
Anh Niệm ơi !
Em đã chết rồi. Kể từ giờ phút anh được bức thư nầy thì em không
còn ở trên đời nầy nữa. Hay là em còn, mà không bao giờ anh thấy mặt em
được cả.
Anh ơi, em ích kỷ lắm, rất muốn làm vợ anh cho dẫu một ngày thôi, để thỏa tình em yêu anh từ bao lâu nay.
Nhưng mà suy cho cùng, nghĩ cho tận, hưởng thụ ấy không ích lợi gì cho em cả, mà hại cho anh không biết bao nhiêu.
Vậy anh cứ xem là em đã chết rồi. Dầu anh có lục lạo thế nào
cũng chẳng tìm được em đâu. Mà tìm làm chi, nếu anh muốn mối tình đôi ta
cứ còn chớm nở mãi mà không tàn rụng bao giờ.
Nghĩ ra thì thái độ của em cũng do ích kỷ xui giục mà có. Tránh
ích kỷ kia lại phạm ích kỷ nầy. Đừng tìm hiểu, không bao giờ anh hiểu
được đâu.
Em đã khóc ra không biết bao nhiêu là nước mắt khi quyết định điều trên. Anh có lường được niềm đau xót của em không ?
Nhưng em là gái mà em đã can đảm được, thì anh cũng nên theo
gương em. Đừng sầu muộn gì hết, cố mà quên đi rồi lập gia thất. Trong
đời chắc không thiếu chi người đáng yêu hơn em, anh đừng có lãng mạn lắm
mà thiệt thân.
Anh ơi, em chết đây !
Trời ơi ! Tôi đau nhói như ai cắt ruột tôi !
Dưới thư không có lời chào nào, cũng không ký tên, dường như Oanh không còn can đảm viết thêm chữ nào nữa hết.
Tôi chết sững nửa tiếng đồng hồ, rồi đánh điện ngay cho ông Hiệu
trưởng trường Sóc Trăng, vì đã bỏ bê công việc lại xin phép mãi, e bị
quở nếu xin nghỉ nữa.
Điện tín, tôi viết như vầy :
Trân trọng yêu cầu cho biết sức khỏe của Oanh.
Ông ấy đáp :
Oanh thôi việc. Đi không để lại địa chỉ.
Hừ, thế nầy là làm sao ? Thoạt tiên, tôi đoán là Oanh đã lỡ dại
với ai, có nghén nên sợ xấu và sợ tội (trong giáo giới người ta nghiêm
khắc về hạnh kiểm của giáo viên lắm) nên trốn đi. Lại ân hận nên viết
thư cho tôi thế.
Nhưng xem kỹ lại lời thư thì không phải vậy.
Hay là ? Tôi nhớ có đọc một tiểu thuyết trong đó tác giả kể chuyện một cô kia ho lao, rồi trốn tình nhơn để chết.
Nhưng cũng không phải. Oanh có học, dư biết bịnh lao không hoàn toàn tuyệt vọng (2), thì dại gì nàng phải làm như vậy.
Mà nàng tự tử hay trốn đi đâu ? Đó là điều tôi cần biết, nên đánh liều làm mặt lì, tôi xin nghỉ phép nữa.
Oanh người Thủ Thừa. Cha mẹ nàng vẫn ở đó. Tôi vừa vào tới sân thì bà cụ đã khóc rền nhà.
- Con ơi, vợ con nó đã chết rồi ! Ơ... Ơ... trời ơi là trời, con tôi chết.
Chúng tôi không có làm đám hỏi, nên chưa kêu cha mẹ Oanh là ba
má. Thế mà nay bà cụ lại ăn nói như vậy thì tôi hiểu ngay là Oanh không
có tội lỗi gì đối với tôi cả.
Tôi chỉ ngậm câm, khóc không được mà nói cũng chẳng ra lời.
Ông cụ chạy ra xách valy cho tôi và kéo tôi vô nhà. Bà cụ khóc
kể một hơi rồi hối trẻ bắt vịt làm thịt đãi tôi. Đàn bà Việt Nam bao giờ
cũng vậy. Đau đớn làm sao, họ cũng dẹp lại để lo ăn cho chồng con, cho
khách khứa.
Đàn ông chúng tôi không khóc, nhưng im lặng còn đau thương hơn những kể lể của đàn bà không biết bao nhiêu.
Ông cụ cứ làm thinh mà săn sóc tôi, coi như con rể cũ mới về và nó đang sầu, cần thương yêu nó để an ủi nó.
Khi bà ra sau chỉ huy bữa nấu ăn, ông cụ mới mở miệng :
- Nó về đây, cất một cái chòi nhỏ trong ruộng, thật xa. Nó căn
dặn tôi với mẹ nó hễ.... con đến - ông cụ ngập ngừng trước tiếng "con ",
ngại thốt nó ra, nhưng rốt cuộc vẫn dùng tiếng ấy - hễ con đến thì nên
giấu biệt chỗ trú ẩn của nó. Ngỡ như vậy là xong, nào dè mấy hôm sau thì
nó uống thuốc ngủ để quyên sinh.
Bấy giờ tôi mới khóc được. Đàn ông khóc chắc là trông xấu lắm ! Nhưng tôi bất kể, cứ khóc mùi mẩn như không có ông cụ ở đó.
Khóc cạn lệ tôi mới hỏi xin ông cụ cho biết vì sao em Oanh tôi lại như vậy.
- Con yêu nó quá rồi hoa mắt, hay nhờ nó che giấu khéo thì không rõ. Thật ra nó đã mang bịnh từ một năm rồi, Nó nổi đơn...
- Trời ! - Tôi kêu thầm.
- Trong gia đình, bên nội và bên ngoại nó, ba đời liền, không
thấy ai có bịnh đó. Xem sách thì thấy nói bịnh cùi có thể lặn trốn hai
ba thế hệ liền rồi mới xuất hiện trở lại.
Tội nghiệp nó quá, căn bịnh bất nhơn lại trồi lên vào thế hệ của
nó Hay nó bị truyền nhiễm do người ngoài không biết chừng, vì không
nghe nói ông bà hồi trước có ai bị phong đơn.
Nó hoảng sợ hết sức lúc buổi đầu, uống lu bù thứ thuốc mà đơn cứ
nổi lên : da sần sần, trái tay dầy ra. Chắc là nó đánh phấn khéo nên
con không thấy.
Về sau, nó tuyệt vọng lắm, và có ý muốn quyên sinh. Cái ngày mà
nó viết thư dặn con đừng xuống là ngày đơn nổi dữ sau một bữa ăn cua
đinh.
Bạn hữu khuyên nó theo thuốc Tây, trị bằng thuốc xanh trộn vời
dầu chùm bao. Lối điều trị ấy có hiệu nghiệm thật. Các dề đơn lỳ mặt
xuống, nhưng khốn thay, da mặt nó lại xanh lè như đã nhúng chàm,đánh
phấn thế nào cũng chẳng lấp được cả.
Sở giáo huấn cũng chưa nói gì, ông Thanh tra chỉ khuyên sơ sơ nó
nên nghĩ dài hạn mà điều trị. Nó còn đang trù tính thì đơn lại nổi trở
lên, lần này tao loạn lạ kỳ, bất chấp thuốc men, và nổi cao như phỏng
lửa.
Thế là nó xin thôi, viết thư vĩnh biệt con, rồi lùi về đây.
Mấy ngày ở trong chòi cô quạnh, chắc nó khổ sở lắm về viễn ảnh tương lai của nó, nên trong một lúc tuyệt vọng kia, nó hủy mình.
Trời ơi, bấy giờ tôi mới hiểu thấu mấy tiếng kêu than của Oanh ở cuối thư, và mới hiểu được tại sao nàng bảo là nàng ích kỷ.
Oanh muốn cho tôi giữ mãi trong trí hình ảnh tươi đẹp của nàng, y
như người quí phi bên Tàu ngày xưa cấm đoán ông vua ấy vào thăm nàng
lúc nàng đã tiều tụy sau một trận ốm nặng.
Nhưng không, Oanh có ích kỷ đâu. Nàng chỉ thương tôi thôi, muốn tránh cho tôi nỗi thất vọng vì thể chất của nàng.
Lâu kính nể sự yên lặng của Niệm sau câu chuyện ấy. Trên trời
đen sao giống như các điểm vàng trên cỗ săng, cỗ hòm chôn vùi nàng Oanh
kiều mị ngày xưa.
- Anh thấy không - Niệm tiếp - làm sao mà tôi quên được mối tình
chớm nở ấy. Nó có tàn rụng sau một thời ăn ở với nhau đâu. Mãi đến giờ
phút nầy, tôi nghe vẫn còn yêu Oanh, còn nghe như Oanh còn sống đâu đó.
Tuổi tôi cứ chồng chất lên, nhưng tôi có ấn tượng rõ rệt là tôi còn là
học sanh mới ra trường với một mớ mộng xuân.
Chúng tôi day lưng dòm vào phòng ngủ thì, qua lưới mùng "tuyn", các cậu học sanh già đang yên giấc, ngáy pho pho.
Ánh đèn chong xanh xanh gợi lên hình ảnh huyền hoặc của một thế
giới ma quái mà trong đó hồn người xưa như đang rung rinh bay qua bay
lại, hồn những cô áo tím ngày trước, những cô mà thất tình, bịnh tật,
chiến tranh đã cướp đi khỏi thế giới của chúng ta.
Dưới sân đen ngòm, nhiều bóng đen dường như thơ thẩn.
Những bóng ma của dĩ vãng !.
Điện Tín, 1950
Thứ Tư, 19 tháng 6, 2024
LƯU BÚT NGÀY XANH - Bình Nguyên Lộc
Sáng Chúa-nhựt đầu tháng.
Trung-tâm thành phố Sài-gòn giống như một cái ao sâu, sau một
đêm mưa, nước dâng lên đầy ứ. Người của ngoại-ô đổ vào rún đô-thành như
nước chảy vào chỗ trũng, đông gấp năm gấp bảy ngày thường.
Trên đại lộ Lê Lợi, cứ một trăm thước là một bóng trắng nổi lên,
bóng của bộ sắc phục của cảnh-sát-viên công lộ, họ chận xe cho bộ hành
băng qua con phố quá rộng ấy.
Bên cạnh mỗi bộ sắc phục trắng, một bộ đồng phục vàng với chiếc
khăn xanh quấn cổ: hướng-đạo-sinh của ta phụ-lực với cảnh-sát để giữ gìn
trật-tự.
Hôm nay là ngày đầu mà một chánh-phủ mới bước lên lãnh đạo quốc
gia, nên cảnh-sát công lộ được tăng cường và tăng viện, chớ các ngày
Chúa-nhựt thường không hề có những chặng chận xe quá ngắn như thế, và
không hề có hướng-đạo-sinh phụ lực với công-quyền.
Trong không khí vui nhộn ấy, một thiếu nữ từ nhà thuốc gác Nguyễn-Thị-Hai thất-thểu bước ra.
Nàng rất cao lớn, nhưng không cứng người và thân thể với dáng đi
của nàng vẫn đầy đủ nữ-tính, nghĩa là vẫn uyển chuyển và yểu điệu.
Người ta đoán được rằng nàng đẹp toàn diện, tuy chỉ thấy được phong-thái
nhã-lịch của nàng mà thôi, còn gương mặt nàng thì bị mái tóc bồng-bềnh
có ý "lấn sân" ra phía trước, như để che giấu cái gì.
Người con gái nầy vừa mua một ống thuốc ngủ, thứ thật mạnh,
nàng mua được nhờ cái toa mà nàng đã gạt gẫm một vị bác sĩ quen thân với
thân phụ nàng để mà xin. Nàng kêu mất ngủ đã nửa tháng rồi vì đã trót
uống cà-phê đen nhiều quá để thức học, giờ thôi uống cà-phê bộ thần kinh
của nàng đã bị sự kích-thích trước vuốt cho có lằn xếp, không sao ngủ
bình thường được nữa.
Ông bác sĩ quen nầy đã tin cô gái bằng lời, vì quả đây là mùa
thi và cô gái vừa đỗ bằng tú-tài toàn phần hôm kia, cha cô có báo tin
mừng ấy cho ông thầy thuốc đó hay.
Đây là ngày cuối cùng của đời nàng, nên thiếu-nữ còn ham sống
nầy nhìn cảnh vật với tất cả ngậm ngùi luyến tiếc. Lòng nàng se thắt
lại, nàng muốn khóc lên một tiếng cho bao nhiêu người trẩy hội vui tươi
và thờ-ơ với nỗi sầu riêng của nàng, biết rằng có một người con gái đang
đau như ruột gan bị xé và họ không nên vô ý thức mà cười cợt trong
"vũng nước mắt" nầy.
Vâng, Loan còn ham sống lắm và ghen với niềm vui của thiên-hạ.
Ham sống, nhưng nàng không thiết sống nữa, từ hôm kia, mà nàng hay tin
Khương, người yêu của nàng, đã yêu một cô bạn đồng lớp với hắn ở
Luật-khoa Đại-học.
Con đường trong của đại lộ không có xe qua lại. Loan phải ra bồn
cỏ giữa phố để đón tắc-xi. Về nhà trưa nay, trong buồng ngủ, nàng sẽ
uống hết ống thuốc nầy, sau khi kêu nhức đầu và hâm hâm sốt. Mẹ nàng
chắc không ngạc nhiên mà thấy nàng không thức dậy hồi ba giờ xế.
Có lo lắm, bà sẽ vào buồng nàng, sờ trán con thấy con hết sốt, bà sẽ an lòng để cho nó ngủ. Tới bữa cơm tối thì đã trễ quá rồi.
- Chị Loan !
Loan giật nẩy mình mà nghe ai gọi đúng tên mình. Có tật hay giật
mình, Loan cứ sợ người ta biết dự định của nàng rồi ngăn trở, cứ tưởng
tượng ông bác sĩ quen cho người theo dõi nàng, rình xem vẻ mặt của nàng
để hành động kịp lúc, bởi sau khi biên toa xong, ông ta đâm nghi cái gì
chăng ?
- Chị Loan !
Giọng kêu là giọng con trai, một đứa con trai đang bể tiếng, vừa
ồ ề, lại vừa ẻo lả. Nàng day lại: một toán bộ hành vừa "sang sông" và
ông cảnh sát viên vừa hạ tay xuống, bên cạnh ông ấy là một
hướng-đạo-sinh. Không, không có ai trên bồn cỏ hết.
- Chị không nhận ra em sao chị Loan ?
Loan nhìn sững người hướng đạo sinh đang nhổ giò, cao lỏng khỏng và ốm nhom. Chính hắn đã hỏi nàng câu trên đây.
- Nghiệp đây chị.
- Nghiệp ?
- Dạ, Nghiệp, sói ở bầy Bắc Giang đây mà chị.
- Trời !
Loan kêu lên như vậy rồi thừ người ra, trong khi cậu thiếu sinh Nghiệp nhìn nàng mỉm cười, hãnh-diện.
Thằng Nghiệp ! Nó mới mười hai tuổi ngày nào đây, mà giờ đã cao bằng ngọn tre miễu rồi.
Khi đi trúc chửa mọc măng
Khi về trúc đã cao bằng ngọn tre.
- Giờ em lên "Thiếu" và thay chị để làm bầy trưởng bầy sói Bắc Giang. Nghiệp nói tiếp.
- Vậy à ? Té ra em là Nghiệp ! Mau quá !
Nghiệp đứng thẳng người lên như con nhà binh. Cậu ta bất giác có
dáng điệu ấy trước bầy trưởng cũ của cậu là Loan vì cậu cứ còn nghe chị
ấy là bầy trưởng mãi và cậu cứ còn là sói mãi.
Thật ra thì ba năm đã qua rồi, Loan làm bầy trưởng bầy Bắc Giang
năm nàng còn học đệ tam Gia Long. Thuở ấy Nghiệp đã mười bốn, nhưng nó
vào hướng đạo trễ, làm sói thì già quá, còn làm thiếu sinh thì không có
khả năng, bởi chưa được huấn luyện, nên nó ăn gian tuổi khai sụt đến ba
năm.
Tuy nhiên, mặc dầu mười bốn, thuở ấy nó vẫn còn bé lắm, nên sự
thay đổi nơi nó bây giờ làm cho người chị năm xưa không nhận ra nó được,
không có gì lạ cả.
- Em thì thấy thời gian qua chậm quá.
Nghiệp đứng lại bình thường và cười nói như vậy. Loan cũng bật
cười. Đúng là quan niệm thời gian của nàng năm đó. Trẻ con luôn luôn
nóng nẩy muốn làm người lớn. Làm người lớn xong, chạm trán với bao nhiêu
là phiền toái, là khó khăn, là đau khổ, người ta thấy khác đi, muốn trẻ
con trở lại, hoặc muốn thời gian ngừng trôi vì họ biết rằng, dòng thời
gian sẽ mang lại cho họ những điều không hay, tệ hơn giây phút hiện tại
nhiều lắm.
- Còn các em Hoặc, Nhiệm, Công...
- Dạ, các anh ấy cũng đã lên "Thiếu" như em.
- Còn sói bây giờ có ngoan như hồi đó không em ?
- Dạ, cũng y hệt như hồi đó.
Y hệt như hồi đó ! Đúng là như vậy. Con người cứ lên như những
lớp sóng, đợt nầy kế tiếp đợt kia, và đại khái thì đợt sóng nào cũng như
đợt sóng nào, cũng như tre cứ tàn, măng năm nay cũng như măng của mười
năm trước.
Chỉ có tre là khác măng thôi. Nhưng có những lúc như lúc nầy, tre bỗng sống lại thời măng.
Tất cả, từ lời nói của đứa em cũ, từ sắc phục của nó đến những điều nó nói đều xô nàng trôi ngược trên dòng thời gian.
Niên học đệ tam ! Đó là niên học cuối cùng của đời người niên
thiếu, niên học cuối cùng mà họ còn vui được với những niền vui thơ dại
của tuổi trẻ, niên học mà họ còn mơ những giấc mơ huyền ảo, thần tiên.
Lên đệ nhị là phải học bù đầu suốt hai năm trường để thành người lớn và... đau khổ.
Người học trò năm đệ tam cũng mang máng ý thức rằng cuộc đời học
sinh của họ phải chấm dứt cuối năm đó nên họ cố vui vớt vát lần cuối
cùng, thành thử lớp đệ tam của trường nào cũng là lớp ba-gai nhứt, lớp
làm cho giám thị khổ sở nhứt.
Họ sống vội đời học trò của họ, còn mấy ngày thì đập phá mấy
ngày, và đồng thời họ cũng biết rằng vội bao nhiêu cũng không kịp, vì
sắp vãn hát rồi. Thế nên vui dữ họ cũng buồn nhiều.
Đó là mùa hoa nở của những tập "lưu bút ngày xanh" xinh xinh,
khéo léo, mang rất nhiều trong mỗi tập bản sắc của chủ tập và bản sắc
của bạn bè người chủ tập đó.
Người ta hấp tấp tích trữ hình ảnh, tuồng chữ và cảm nghĩ của
bạn bè người ta, mà ngày kia "đời ngăn chia ngàn lối" người ta khó lòng
gặp lại.
Tất cả đều than khóc ve sầu, xác phượng, tất cả đều bùi ngùi
thương tiếc cái chết của tuổi hoa niên, tất cả đều khóc trước những cuộc
chia ly không tránh được.
Riêng Loan, nàng có đến hai tập "Lưu bút ngày xanh", tập dành cho bạn hữu ở Gia Long và tập riêng cho giới hướng đạo,
Nàng còn nhớ rõ cái trang của chú sói Nghiệp. Chú ấy vẽ rồng vẽ rắn lu bù và lưu bút của chú là những dòng chữ sau đây:
"Chị Loan, chị đã dạy em nên tập cho quen chịu đựng để ngày sau
chống chỏi với sóng gió cuộc đời. Em ráng làm theo đúng lời dạy bảo ấy,
để nữa lớn em khỏi phải xấu hổ mà gặp lại người chị cứ đứng vững như một
thủ lãnh can trường, trong khi đứa em thương mến chị lại chiến bại"
Ký tên: Sói Nghiệp.
Một thủ lãnh can trường ! Có mỉa mai chưa ? Người thủ lãnh can
trường, hiên ngang năm nào trong giới hướng đạo, chưa chi đã sắp ngã
quay ra trước một ngọn gió không đâu, một lượt sóng tình nho nhỏ.
Người thủ lãnh can trường năm xưa đã dạy sói và chim non những
tư tưởng cao cả, dạy chúng nó có tình thương quê hương xứ sở, tình yêu
loài người, đã dạy chúng nó nhiệm vụ công dân, nhiệm vụ của một phần tử
của cái xã hội lớn của giống vật hai chơn.
Thủ lãnh ấy không hề đá động đến tình yêu, không phải vì lũ sói
là trẻ con không nên nói tới điều ấy, mà vì tình yêu không phải là điều
quan trọng nhứt trong đời người.
Tình yêu đẹp lắm, và nếu không có tình yêu, không biết con người
sẽ khô khan đến đâu. Nhưng thiên nhiên cũng đẹp không kém, hội họa, âm
nhạc có thể còn đẹp hơn, và nghĩa vụ thì chắc chắn là đẹp, không có gì
vượt qua nổi.
Tình yêu ! Ừ, nó đẹp lắm ! Và nàng đã đau lắm khi mất nó. Sau
nhiều trận khóc gió thảm mưa sầu, Loan đã ngậm ngùi rưng rưng lệ mà nhớ
lại những buổi đi xem chiếu bóng với chàng, những ngày chúa nhựt đi
"bic-nic" với người bạn mà nàng quyết trăm năm gắn bó đời nàng với hắn.
Giờ bao nhiêu lời ngon tiếng ngọt, hắn để mà rót vào tai một
thiếu nữ khác, bao nhiêu lịch sự hắn để mà săn sóc người bạn mới của
hắn, bao nhiêu mơn trớn dịu dàng hắn để mà vuốt ve kẻ có diễm phúc hơn
nàng. Đau lắm thay !
Nhưng mà...
Người thủ lãnh năm nào không thể không thấy cậu thiếu sinh đang
tràn ứ tin tưởng, đang căng đầy ý chí phục vụ, đứng trước mặt nàng để
gợi nhớ cái "ta" năm cũ của nàng.
Cái "ta" ấy, năm đó, lại thoáng thấy cuộc đời rực rỡ huy hoàng,
và sự thật thì có phải cuộc đời đang rực rỡ, huy hoàng đây không ?
Cái "ta" ấy, năm đó, lại thoáng thấy cuộc đời đen tối, đầy tủi
nhục, của nhiều lớp người tự nguyện sẽ giúp một tay cho họ được sống một
đời sống có thể thống phần nào.
Quên mối sầu không đáng sầu muôn năm ấy và nhớ rằng hột cơm, tấm áo của đoàn thể mình chưa đền.
- Chị còn giữ tập "Lưu bút ngày xanh" hay không chị ? "Thiếu" Nghiệp hỏi.
Loan giựt mình, chợt tỉnh:
- A... ơ... còn chớ ! Nhưng chị bận không có đọc lại bao giờ hết. Nhưng chiều nay chị phải đọc lại cái trang của em mới được.
- Bây giờ chị làm gì chị ?
- Chị đã đậu tú tài toàn phần. Nay mai chị sẽ ghi tên vào lớp dự bị của Khoa học Đại học.
Thật như vậy, đây là dự định mới nhứt của Loan, dự định chỉ mới được dựng lên có hai phút đồng hồ thôi.
Không, nàng không đi làm nữa như đã sắp đặt. Nàng cũng không chết nữa như đã lén mọi người mà chuẩn bị.
Tiếp tục học ở Đại học, nàng sẽ được nằm lưng chừng giữa đời
sống học trò và đời sống người lớn, đời sống mà nàng rất ham muốn và bồn
chồn trông đợi từ mấy năm nay, nhưng bây giờ thấy là không toàn thiện
toàn mỹ như nàng tưởng tượng.
Không chết nữa để mà đọc lại mấy tập "Lưu bút ngày xanh" chứa
đựng những lời nguyền của bạn hữu nàng và của chính nàng, lời nguyền
xứng đáng với đoàn thể đã tạo ra nàng, nuôi dưỡng nàng.
Người cảnh sát viên nãy giờ làm việc một mình. Y nhìn cậu "Thiếu" Nghiệp mà mỉm cười. Cậu ta hiểu ý, đưa ra một cánh tay.
Tức thì bao nhiêu xe cộ đều dừng lại như bị chiếc gậy thần định thân họ lại, trong khi đó thì bộ hành băng qua phố.
Thật là huyền diệu, sự trật tự trong xã hội ! Loan thấy rằng đời
sống tình cảm của con người cũng cần được hướng dẫn phần nào cho nó đỡ
bừa bãi.
Vâng, giết chết tình cảm là sát nhân đấy. Một xã-hội không tình cảm là một xã-hội người máy, một xã-hội thú vật.
Nhưng một xã hội buông lung cho tình cảm là một xã-hội bắt đầu xuống dốc.
Xe cộ phải được tự do chạy trên đường phố, nhưng thỉnh thoảng
cũng phải có một cánh tay ngăn dòng thác lũ ấy lại, tạm thời trong giây
phút, không thì đổ vỡ cả.
Tình yêu đẹp lắm, và đau vì tình cũng đẹp lắm. Nhưng nỗ lực mà
quên mối sầu tình và thành công được trong nỗ lực ấy, còn đẹp hơn biết
bao !
Tình thương mẹ, lớn lao như thế kia, vậy mà còn có thể thay thế
được bằng tình yêu, thì tại sao một mối tình bị giết oan lại không được
thay thế bằng một mối tình khác.
Nàng bước lên một chiếc tắc-xi vừa đậu lại, nói lớn:
- Chị đi nhé, Nghiệp !
- Dạ, chúc chị vui vẻ !
Loan vui vẻ thật. Nàng mở xắc ra, lấy ống thuốc ngủ, lượm từng viên rồi bỏ rơi xuống đường, cứ vài phút một vơi đi một viên.
Những chiếc lông ngỗng mà nàng Mỵ-Châu tân thời nầy gieo rắc dọc
đường không đưa tới chỗ mà con gái thời xưa phải chết. Trái lại, nó
đánh dấu con đường ham sống của một thiếu nữ vừa tỉnh ngộ sau cơn ác
mộng.
Nếu có một anh Trọng-Thủy thời nguyên tử nào theo dấu những
chiếc lông ngỗng ấy, chàng sẽ tìm thấy một thiếu nữ sống nhăn, mặc dầu
thiếu nữ ấy đã bị một chàng Trọng-Thủy phản bội.
Tập lưu bút ngày xanh của nàng có phép mầu xóa được một niềm đau
cứ ngỡ là không bao giờ nguôi, vì ngoài những câu văn than khóc xác
phượng, khóc ve sầu, tập ấy có mang một đoạn văn lành của một chú Sói
con.
Tiền - Phong, 1966