Thứ Hai, 29 tháng 1, 2024

MÙA XUÂN MỞ CỬA - Tần Hoa

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Mùa xuân này bé mặc áo màu chi?
Anh ngồi mở cửa ngóng chim về
Bé ơi, mau bước cho vội vã
Kẻo lòng anh chờ đau lê thê

Mùa xuân này bé có thoa phấn hồng?
Anh nghe ngào ngạt cả trời không
Bé ơi, xin tặng em nơi má
Một món quà đầu là nụ hôn

Mùa xuân này bé đừng quên tiếng cười
Xoa đời anh bằng một đóa son tươi
Bé ơi, gác vắng rồi như hội
Ta sẽ có nghìn trò đùa chơi

Anh hái cả mùa hoa mới nở
Đem về cho bé ngắt bâng quơ
Anh hái cả đời anh trắc trở
Đem về cho bé véo vu vơ

Ta có mùa xuân vô cùng xuân
Anh dạo lừng lên một cung đàn
Vai kề vai uống bao là nhạc
Mùa xuân bé ơi, em nhớ sang

                                       TẦN HOA

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 91, tuần lễ từ 1-3 đến 8-3-1973)

Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2024

DƯỚI BÓNG HOA ĐÀO - Nhất Linh & Khái Hưng

 

Trời đông mưa phùn lấm tấm. Bên kia dẫy nhà lá lúp xúp dưới chân đê Yên Phụ, nóc không cao quá mặt đường, nước hồ Tây mù mịt, bát ngát, mênh mông, như một cửa biển chìm đắm trong cảnh sương mù buổi sáng.

Ðứng nhìn xuống con đường làng lát gạch lờ mờ quanh co tựa con rắn nâu dài quặn mình lượn khúc ở giữa hai làn nước xám.

Như không nghĩ tới mùa rét, không nghĩ tới bùn lầy, hai người vận Âu phục, tay thọc trong túi áo tơi cài kín, mạnh bạo nện gót trên đường. Ðến một lối dốc, có cổng tre, cánh phên nứa, đưa tới một cái vườn trồng đầy cúc, hai người từ từ dừng bước. Tống Bình quay lại nhìn Nam Chân. Nam Chân mỉm cười khẽ hỏi:

- Xuống nhé?

- Ừ thì xuống. Nhưng...

Nam Chân chắc đã thừa hiểu ý bạn, nói gạt ngay:

- Mặc chứ!

Tống Bình ngần ngại:

- Nhưng cũng hơi quá. Luôn năm hôm đến mua hoa cúc năm lần. Chắc nó ngờ, ngượng chết!

- Nó ngờ mặc nó!... mình đi sắm tết kia mà!

Nam Chân nhìn bạn cười:

- Làm gì mà bẽn lẽn như cô dâu mới về nhà chồng thế?

- Còn anh thì làm gì mà si tình thế, để tôi phải lặn lội trời mưa rét mướt.

- Rõ khéo, ai bắt anh đi.

- Nhưng anh cứ rủ...

- Ai cấm anh không theo? Kỳ tình cu cậu cũng muốn chết đi kia! Thôi đã đến đây thì xuống.

Con đường dốc đất vàng lẫn nước, vừa lội vừa trơn. Hai người, bùn bắn lấm tấm ống quần, phải vịn vào những cọc chống hàng giậu phên nứa, mới lần từng bước xuống được vườn. Một con chó trắng ở trong chiếc nhà lá sồ ra, làm cho hai người suýt ngã.

Một cậu bộ dạng láu lỉnh trông như học trò, đầu để trần, chân đi guốc, mình mặc chiếc áo nịt đen trùm ra ngoài áo cộc trắng thong thả đi ra. Gặp khách hàng quen, cậu em nhếch mép ngả đầu chào:

- Thưa hai ông lại đến mua cúc?

Ðó chỉ là câu tự nhiên của người bán hàng, nhưng Tống Bình cảm thấy có ngụ ý rất nhiều ý tứ, liền bấm bạn, nói thầm:

- Ðấy, đã bảo mà!

Nam Chân, nét mặt thản nhiên, tươi cười đáp lại cậu bán hàng hoa:

- Phải, chúng tôi đi mua cúc. Cúc còn nở đẹp, chúng tôi còn mua mãi.

- Vậy mời hai ông vào vườn. Hai ông mua cúc ở vườn này hay ở vườn trong?

Cậu giơ tay trỏ:

- Ở tận trong kia... chỗ chị tôi đương xới đất ấy.

Hai chàng xăm xăm tiến bước. Nam Chân vừa đi vừa nói:

- Thế thì vườn trong hoa đẹp hơn.

Cậu bán hoa cũng theo liền sau. Cậu cười một cách lém lỉnh, bảo hai người khách:

- Các ông đi từ từ chứ kẻo trơn ngã.

Rồi gọi to:

- Chị Mai ơi! Có khách mua hoa đấy.

Bỗng ở giữa đám cúc vàng, đứng dậy một người con gái chít khăn vuông, mặt trái xoan, da trắng mát. Chắc hẳn cô đã trông thấy khách mua hàng quen ở phía ngoài giậu phên. Cậu em nói sẽ với hai ông khách:

- Xin hai ông hãy đứng chờ đây một phút, cho phép cháu vào hỏi chị cháu tí việc riêng.

Dứt câu, cậu chạy vào trong vườn, ghé tai chị thì thầm:

- Chị nhớ lời em dặn nhé... Ở đời cần gì, phải chiều người lấy của chứ. Chị cứ nói thật cao, bao nhiêu người ta cũng trả.

Mai mủm mỉm cười.

- Vậy dẫu họ hỏi ngớ ngẩn thế nào, chị cũng đừng gắt như hôm qua, cứ trả lời ôn tồn người ta nhé? Bu cũng bảo thế đấy.

Mai vẫn tủm tỉm cười, hai má đỏ hây hây trước luồng gió lạnh, vẻ đẹp càng tăng bội phần:

- Ðược cậu không lo. Thế nào chốc nữa cũng có hai đồng bạc tiêu. Cậu cứ về nhà, để mình chị ở đây.

Cậu em ra tới cổng vườn còn dặn với chị cốt để hai người khách nghe rõ và không ngờ vực.

- Chị nhớ nhé! Chẳng mai phiên chợ rồi đấy.

Quay lại, cậu nói với hai người:

- Mời hai ông vào chọn hoa, đã có chị cháu, cháu xin về lấy giỏ để đựng cây.

Cô hàng hoa cất giọng oanh thỏ thẻ:

- Thưa hai ông mua cúc gì?

Nam Chân tiến lại gần, ngớ ngẩn hỏi:

- Cúc gì đẹp như... cô nhỉ?

- Thưa ông, ở vườn em, cúc gì cũng đẹp. Ông muốn mua thứ gì thì mua?

Rồi cô đăm đăm nhìn Tống Bình, hỏi sẽ Nam Chân:

- Thưa ông, ông kia là bạn ông?

- Phải. Sao?

- Thưa ông, trông ông ấy bẽn lẽn như con gái.

Nam Chân cười, quay lại thấy Tống Bình vẫn đứng ở gần cổng, liền gọi:

- Này anh Tống Bình...

Sợ Nam Chân ôn lại cho bạn nghe câu mình vừa nói, Mai hai má đỏ bừng, vội vàng cúi mặt xuống nói:

- Ấy, em lậy ông, ông đừng... đấy!

Chuyện vẩn vơ một lúc, rồi khi cúc đã cho vào giỏ, tiền đã trả, hai người đứng mãi cũng ngượng, liền tính đường lui. Mỗi người khệ nệ mang hai giỏ cúc, ra đến cổng vườn còn quay lại nhìn. Cô bán hoa đứng trong vườn cúc, cũng trông theo, nói:

- Vài hôm nữa, hai ông lại xuống mua đào nhà em, nhé!

Nam Chân chạm vào vai bạn:

- Tình không?

Ði khuất hàng rào, Tống Bình nhìn xuống hai giỏ cúc, phàn nàn:

- Nặng quá!... Thôi tôi vứt lại đây, ai muốn lấy thì lấy. Khuân về làm gì cho nhọc xác lại rác nhà. Chỉ tại anh đấy mà!

- Thôi chịu khó mang về làm kỷ niệm.

Tống Bình gắt:

- Kỷ niệm gì, nó lừa mình nó lấy tiền. Con bé ấy nó láu lắm. Tình nghĩa gì!

Hai hôm sau, Nam Chân lại rủ Tống Bình đi mua hoa, nhưng Tống Bình từ chối. Nam Chân cũng không ép, để bạn ở nhà, đi một mình. Lần này, mới đến chỗ dốc, chàng nhìn xuống đã thấy cô hàng hoa đứng ở vườn ngoài, dựa vào gốc đào, chăm chăm cặp mắt nhìn lên đường. Nam Chân dừng lại ngắm nghía. Mái tóc mây lẩn dưới vành khăn đen láy (vì hôm nay cô không chít khăn vuông). Khuôn mặt dịu dàng, nước da trắng hồng in trong cái khung tròn màu hồng phơn phớt của cây đào đầy hoa, khiến Nam Chân lại nhớ đến bức tranh Nhật Bản mà chàng được ngắm ở một hàng sơn.

Nam Chân xuống vườn. Mai ra đón, ngơ ngác nhìn lên đường hỏi:

- Còn ông bạn ông?

Nam Chân có dáng không bằng lòng, hỏi lại:

- Bạn nào?

Mai bẽn lẽn, cúi đầu, thỏ thẻ:

- Ông bạn vẫn đi với ông, ông Bình ấy mà.

- Cô nhớ kỹ tên ông ấy nhỉ?

Rồi lạnh lùng chàng nói:

- Ông ấy không đến.

Mai có vẻ buồn.

Lần này, hai người tuy vẫn nói chuyện với nhau, nhưng lời cứng cỏi, nét mặt cau có. Lại thêm cậu em ở bên nhà sang, cứ đứng nói bông, thỉnh thoảng lại đưa mắt ra hiệu nhắc chị.

Nam Chân chê thứ cúc nọ hoa gầy, thứ cúc kia hoa rữa, rồi chẳng mua khóm nào.

Lúc chàng ra về, Mai theo đến tận cổng vườn. Bỗng cô quay lại bảo em:

- À cậu, cậu về thay nước hộ chị mấy chục bát thủy tiên nhé. Sáng nay chị quên bẵng đi mất.

Cậu em ngoan ngoãn lắm, vui vẻ về ngay. Nam Chân đoán rằng Mai muốn ở lại một mình để nói câu chuyện riêng gì, thấp thỏm mừng thầm. Quả thực, chàng đoán không sai.

Mai lại gần, tươi cười nói sẽ:

- Thưa ông, em muốn nhờ ông một việc, chả biết ông có giúp cho không?

- Ðược, cô cứ nói, thế nào tôi cũng giúp.

- Hôm nay, ông không mua hoa...

- Vậy cô muốn tôi mua? Ừ thì tôi mua.

- Thưa ông, cái đó có hề chi, ông mua cũng đã nhiều rồi. Hôm nay ông không mua hoa, vậy em nhờ ông tiện xe cho em gửi đôi khóm cúc với cành hoa của ông... bạn ông mua hôm qua nhưng còn gửi lại.

Nam Chân tuy tức uất người, phần giận cô hàng chỉ nghĩ đến Tống Bình, phần giận bạn lẻn đi mà không rủ mình. Song đã trót hứa giúp thì chàng cũng phải nhận lời.

Lúc chàng về tới nhà, Tống Bình ra đón cửa hỏi:

- Anh lại mua hoa cúc? Lại thêm cả cành đào, đẹp nhỉ?

Nam Chân bĩu môi:

- Lại còn vờ!

Tống Bình ngơ ngác:

- Anh bảo tôi vờ cái gì?

Nam Chân dằn từng tiếng:

- Vờ cái gì! Hôm qua lẻn đi một mình... rồi mua hoa lại không đem về, bắt người ta phải hầu, lại còn vờ cái gì nữa.

Tống Bình biết rằng bạn tức giận lắm, ôn tồn phân trần:

- Thì sáng hôm qua, tôi ngồi bàn giấy với anh từ sáu giờ tới mười một giờ, anh không nhớ?

Nam Chân ngẩn người ra, ngẫm nghĩ. Nhưng lúc hiểu câu chuyện chàng lại ghen đầy ruột:

- Hừ! Con bé!...

Tống Bình hỏi dồn:

- Con bé bảo anh cái gì? Cái gì thế? Nó bảo anh đem hộ cho tôi hai giỏ cúc và cành đào này à?

Tống Bình yên lặng một lúc, rồi mủm mỉm cười, nói một mình:

- Tình tứ quá!

Trong lòng tự nhiên chàng thấy sung sướng.

Ngồi chống tay vào cằm, Nam Chân cười mát bảo bạn:

- Thế thì con bé giỏi thật, nó đánh lừa mình để bắt mình đem tặng tình nhân nó.

Hôm sau, Tống Bình thấy bạn vẫn còn tức tối, đến khẽ vỗ vai:

- Này, đi mua hoa đi!

Nam Chân quay lại trợn mắt nhìn bạn, đáp:

- Anh muốn đi thì cứ đi, tôi đi làm gì?

Tống Bình thân mật hỏi:

- Anh giận tôi đấy à?

Nam Chân giọng khinh bỉ:

- Vì cớ gì tôi lại giận anh? Phải! Vì cớ gì?

Biết bạn bực tức, Tống Bình kéo ghế ngồi liền bên cạnh, thong thả nói:

- Hỏi đùa anh đấy... chứ tôi không đi đâu! Chúng ta không nên đi vì hai lẽ. Lẽ thứ nhất, anh em ta không nên vì một cô hàng hoa mà đến giận nhau, có khi đến lìa nhau. Lẽ thứ hai, ta chỉ nên coi cô bé ấy như một khóm cúc ở trong vườn cô ta.

"Ta cứ để khóm cúc mọc ở vườn thì sang năm ta lại cùng nhau xuống Yên Phụ ngắm nghía, vì còn ở vườn, nó còn nằm ấy sang năm khác nẩy chồi phát hoa, chứ về nhà ta thì bất quá chơi được ba hôm tết, rồi nhị tàn cánh úa, ta chẳng khỏi ném nó vào trong chiếc xe rác qua đường.

"Vả, có lẽ chỉ ở vườn, nó mới đẹp, chứ khi trồng nó vào chậu sứ để trong nhà thì vị tất nó sẽ còn đẹp... Vậy thôi đấy nhé. Phải để dành nó đấy đến sang năm".

Nam Chân nghe bạn nói, ngẫm nghĩ một lúc rồi thở dài:

- Anh nghĩ thế mà phải.

Từ hôm ấy, Nam Chân và Tống Bình không đi mua hoa cúc nữa.

Còn cô Mai chiều chiều nhớ đến người mua hoa, vẫn đứng tựa gốc đào trông ngóng. Nhưng người đi không trở lại, rồi tết hết, xuân qua, tình cô cũng một ngày một phai như hoa đào dần dần tàn rụng trước gió...

 
NHẤT LINH - KHÁI HƯNG      
 
(Trích từ tập truyện ngắn Anh Phải Sống)
 
 

Thứ Ba, 23 tháng 1, 2024

LỬA TẾT - Bình Nguyên Lộc

 

Nỗi khổ của tôi bắt đầu từ hôm píc-níc ấy. Tôi có mang theo bánh mì, lạp xưởng và nước trà nóng đựng trong bình thủy, nên khỏi phải làm việc. Chính anh Minh, ba của con bé Liên của chúng tôi, đã đòi hỏi như vậy, anh ấy cho rằng ăn bánh mì tuy không ngon bằng ăn cơm nhưng anh ấy không muốn thấy tôi cực nhọc cả trong ngày nghỉ cuối tuần nữa.


Chúng tôi câu cá tại bờ con rạch nhỏ, nơi mà chúng tôi cắm trại, trong khi bé Liên đuổi bướm và bắt chuồn chuồn. Thật ra thì câu cá chỉ là cái cớ để vợ chồng chúng tôi tắm nắng một cách nên thơ vậy thôi chớ hình như là cá nó thù, hoặc nhờn chúng tôi hay sao ấy mà không bao giờ chúng nó cắn câu của vợ chồng tôi. Vả, nếu may mắn (hay rủi ro?) mà được cá thì chắc anh Minh, anh ấy sẽ bối rối ghê lắm vì một mặt anh ấy cưng vợ, một mặt anh ấy tiếc cá, cứ muốn bắt tôi kho hay chiên gì đó.

Ấy, anh Minh hơi gàn gàn, nhưng tôi không dè mà anh ấy lại gàn đậm kể từ hôm đó.

Chẳng, sau hai tiếng đồng hồ làm ông già sông Vị, anh ấy đâm chán và rủ tôi vào xóm. Đi thì đi, bởi tôi cũng nghe da mặt nóng lắm rồi, má tôi rát rân lên vì bị nắng đốt nhiều giờ rồi.

Trên con đường mòn ngoằn ngoèo đưa vào cái ấp lớn thoáng thấy đằng kia, chúng tôi gặp một nếp nhà tranh vừa cất xong, chưa ở. Nhà trống trơn và cửa phên tre dựng bên vách hông nhà, cho chúng tôi thấy rõ bên trong: Giữa gian nhà giữa, trên nền đất, một lò lửa đã tàn lụn nhưng than còn ngún trên tro. Hai bên lò lửa là một lu nước đầy gần tràn và một khạp gạo đầy nhóc.

Thuở bé tôi ở thôn quê, nên biết rằng đó là những món tượng trưng cho sự đầm ấm và sung túc mà người ta bày ra giữa nhà mới, hăm bốn tiếng đồng hồ trước khi vào ở, để cầu một đời ấm no và vui vẻ về sau.

Anh Minh say sưa nhìn bếp lửa và lu nước rồi nói, như nói một mình: "Ta có danh từ nước lửa, danh từ ấy chỉ hai thứ thiên tai mà ta rất sợ. Nhưng...

Giây lát sau, tôi đi vào ấp với bên cạnh tôi, một người bạn đời thình lình mắc bệnh á khẩu. Nếu không có bé Liên cái miệng tía lia, cả ba chúng tôi giống một đoàn người đi đưa đám ma mà giữ lễ theo phép lịch sự Âu châu.

Tới đầu xóm, anh Minh nói bằng giọng ra lịnh:

- Từ rày có đi píc-níc, nên mang gạo, mang nồi theo để thổi nấu, cấm ngặt em cho gia đình ăn bánh mì, lạp xưởng hoặc bánh hỏi thịt quay.

Tôi cười mà rằng:

- Trước đây thì cấm thổi nấu, cho đến ăn cơm mo, cơm vắt, làm sẵn ở nhà, anh cũng cấm. Giờ thì... trái hẳn lại. Nhưng không hề gì, em sẽ chiều ý anh.

Anh Minh không chịu vào xóm, đứng đó mà ngắm cái gì rất lâu không rõ, đoạn đưa mẹ con chúng tôi trở về lều. Anh ấy đã vui tươi trở lại và không khí buổi ăn trưa hôm ấy bình thường nếu không có cái lịnh mới nầy. Anh ấy hỏi:

- Thùng dầu lửa ở nhà đã hết rồi chớ? Anh nhớ hình như hôm qua em có dặn anh chở chiếc thùng không lại cây xăng gần nhà để đong thêm mười tám lít?

- Đúng như vậy, và chiều nay, về Sài gòn, anh nhớ cho, kẻo mai không có dầu mà nấu ăn.

- Không, không nấu bằng dầu lửa nữa. Chiều nay anh sẽ ghé vựa để mua một tạ than đước với hai cái lò đất nung. Cho cái lò dầu lửa về hưu đi.

Tôi hơi lo. Chồng tôi chỉ làm việc vừa chừng thôi, không hề gặp rắc rối sinh kế hay tình cảm nào, trong họ nhà chồng tôi cũng không nghe nói có người nào điên. Nhưng sao lại có cái lịnh kỳ dị nầy? Than đước một tạ sáu trăm đồng, nấu chỉ có một tháng là hết sạch. Trong cái thời gian ấy thì nấu đốt lò bằng dầu lửa, chỉ phải tốn có trăm sáu thôi. Nhưng rồi anh Minh đi hái hoa dại cho mẹ con tôi, nên tôi lại an lòng được vì một kẻ hóa điên thình lình, không hề nghĩ đến sự bộc lộ tế nhị của tình thương yêu như thế đâu.

Chiều lại, chúng tôi về tới Sài gòn là đã sáu giờ rồi. Theo chương trình thì chúng tôi đi ăn hiệu, nhưng anh Minh lại đổi chiến lược vào phút chót, có lẽ vì... "lý do kỹ thuật" chăng? Anh bỏ mẹ con tôi tại một góc phố kia, bảo gọi xích-lô đạp mà về nhà, còn anh ấy thì phóng xì-cút-tơ đi mua lò đất nung và than đước. Thì ra cái vụ than đước nầy không phải là lời đùa đâu mà là cả một kế hoạch nghiêm trang. Đã hơn sáu giờ rồi. Vào giờ nầy mà bắt vựa than họ chở than tới nhà, mà phải chở tốc hành, không thôi tới nửa đêm, dễ thường chưa có cơm mà ăn, thì họ sẽ tính tiền chở gấp ba cho mà coi!

Lại không có gì mà ăn nữa. Má tôi ở nhà, nhưng bà cụ chỉ cần một dĩa cá kho mặn mà thôi. Rồi anh ấy lại kêu là nuốt không trôi! Vào giờ nầy, còn chợ búa đâu để mà mua thịt, mua cá? Rõ khổ! Tôi không ngại phải nấu bữa ăn tối nầy. Đi ăn hiệu là tại anh ấy bày đặt cho tốn tiền chớ tôi đã đề nghị từ lâu là làm sẵn vài món ăn hồi trưa thứ bảy, chiều chúa nhựt về tới nhà, chỉ còn việc hâm lại cho nóng mà thôi. Mà cũng không phải là tôi hâm nữa. Má tôi ăn cơm hơi sớm, ăn xong, bà hâm giùm tôi là kịp lúc chúng tôi về đến nơi.

Anh Minh mới có băm hai tuổi mà đã gàn ra thì sống chung với anh ấy thêm hai ba mươi năm nữa, tôi chịu sao thấu hở trời!

Kỳ lạ nhất là khi má tôi nghe tôi kể chuyện điên của "ông" rể gàn của bà, đôi mắt bà lại sáng lên. Má tôi ở thôn quê không được yên, nên anh Minh anh ấy rước bà lên đây từ ba năm nay. Chú rể quí ấy được má tôi cưng ghê lắm. Anh ấy có nịnh má tôi chăng ? Hình như là không vì bà cũng chẳng còn tài sản gì để anh ấy phải dùng thủ đoạn hầu hưởng một phần gia tài lớn hơn phần của người anh cả của tôi. Biết vậy, nên tôi tủi thân lắm, buổi đầu mà má tôi lên đây. Má tôi không cưng anh ấy vì sự nịnh nọt của anh ấy, thì tức là cưng anh ấy vì lòng thương, mà lại thương anh ấy nhiều hơn là thương tôi nữa. Nói thì nói chớ tôi cũng lo tắm rửa cho bé Liên, còn chính tôi thì tôi bỏ tắm chạy lại hiệu chạp phô ở đầu phố để mua trứng vịt, hàm-yũ để phụ thêm với món cá kho muôn năm của má tôi, cho mâm cơm ra vẻ một chút.

Giây lâu sau, xe ba bánh đưa than về và má tôi chạy ra cổng rước than như dân đi tiếp rước quan to, hồi tiền chiến. Chính má tôi đốt lò, quạt than và vo cơm, rồi bà không chịu rời nhà bếp nữa.

Bữa ăn hôm ấy, tôi không vui vì bị giá của tạ than đước ám ảnh. Tôi phân trần với má tôi:

- Má coi ! Than mắc tiền bằng ba lần dầu lửa, vậy mà...

Anh Minh cười hề hề, chận lời tôi:

- Có lần em đã nói: "Thôi, em không học may áo đầm cho bé Liên đâu. Mình học chăm thế nào cũng không giỏi bằng thợ mà họ may sẵn bày bán ở các hiệu, còn rẻ hơn là chính mình may lấy nữa. Em đã nói sai."

Má tôi đã phụ họa theo:

- Ừ, con sai lầm. Đâu có phải như vậy.

- Ơ kìa, em nói chuyện than đước kia mà, mắc mớ gì đến áo đầm chớ ?

- Than đước, tức là áo đầm đó.

- Ừ, cha con Liên nói có lý - Má tôi lại phụ họa theo anh ấy.

Má tôi đã già nên lẩm cẩm, thì còn nhịn được, chớ anh Minh mà nói chuyện tầm ruồng như thế, là anh ấy sắp đi nhà thương Biên hòa rồi vậy. Tôi kinh ngạc, nhìn anh ấy trừng trừng. Anh ấy lại cười hề hề mà rằng:

- May áo đầm, thật ra, không phải là may áo đầm.

Tôi sợ quá. Rõ ràng là anh Minh hóa điên. Nhưng tôi cũng hỏi:

- Chớ là gì?

- May áo đầm là một qui phạm.

- Qui phạm là gì?

- Là một kỷ luật mà ta cố theo, và kỷ luật ấy luyện cho ta vào cái nếp nội trợ.

- Chớ em không làm nội trợ à?

- Không, em chỉ làm nội trợ miễn cưỡng mà thôi. Em thích đi làm thu ngân viên hơn. Em có óc công nhân, chớ không có óc nội trợ đâu. Ai lại không biết rằng học chăm đến đâu cũng không giỏi bằng thợ, rằng ta hà tiện vải đến đâu, áo may cũng không rẻ bằng áo mua, họ may hằng nghìn cái nên giá vốn rất hạ. Nhưng khi may áo cho con, em sẽ để tấm lòng thương yêu con vào đó, em sẽ cố gắng và sẽ mến được cái qui phạm may áo và ngày kia em được đưa vào nếp nội trợ, em làm nội trợ một cách vui thích, nhớ công việc nội trợ như các cô đào nhớ đèn sân khấu mỗi đêm.

- Chồng con nó nói đúng đó con à - Má tôi ủng hộ anh chồng gàn của tôi và bỏ rơi tôi.

Tôi giựt nẩy mình trước một điều vô cùng mới lạ mà tôi nghe chồng tôi nói lần đầu: may áo, không phải là may áo, mà là một qui phạm nó luyện tính con người. Tôi giựt mình vì đã có lần tôi đã chê nhà binh sao cứ bắt lính mới, tập đi ọt, đơ mãi cho tốn thì giờ, và cậu tôi giải thích: "Đi ọt, đơ, thật ra không phải là đi ọt, đơ. Đó là một qui phạm nó luyện cho các tân binh chịu đựng được kỷ luật nghiêm khắc của nhà binh".

Nhưng dầu vậy tôi vẫn không chịu thua, cố cãi:

- Nhưng may áo đầm, sao lại là than đước được! Anh khéo nói điên!

Anh Minh lại cười, hề hề:

- Bởi vì than đước, thật ra không phải là than đước.

- Nữa, lại cái luận điệu đó nữa.

- Chớ sao, vì luận điệu đó tốt. Em có biết thành ngữ "Ăn lông ở lỗ" hay không?

- Anh đi xa vấn đề quá rồi !

- Đâu có xa. Trước khi loài người "ở lỗ" họ rày đây mai đó. Họ không có đời sống gia đình. Khi họ phát kiến ra LỬA rồi thì họ mới định cư lại, chưa biết cất nhà thì họ tìm hang mà ở, lập gia đình, rồi đêm ngày nhen nhúm lửa thiêng, đời đời kiếp kiếp nuôi nấng lửa để ấm hang, nuôi nấng tình gia đình để ấm lòng. May áo và nhúm lửa là ý niệm gia đình, không may áo, không nhúm lửa, không xong. Anh chợt nhớ ra sự thật ấy khi ta bắt gặp nếp nhà tranh mới cất và chủ nhà nguyện cầu, thề bồi bằng nước, lửa và gạo, nguyện cầu được no ấm, thề bồi nổ lực cho gia đình được no ấm.

- Nhưng, dầu lửa lại không là lửa à? - Tôi lại cãi.

- Không. Em đã không thấy má đã giành đốt lò với em đó sao?

- Ừ, tao nhớ lửa lắm, thèm lửa lắm - Má tôi xác nhận.

Chồng tôi diễn thuyết:

- Lửa thiêng của gia đình, phải bốc khói, khói ấy phải quyện lấy mái tranh. Ta ở thành phố, không thể mong hưởng những thứ ấy thì lửa, ít ra, cũng phải nổ lách tách trong lò, và tiết ra mùi cây cỏ. Ở miền Nam ta, có người gọi dầu lửa là dầu hôi, và quả nó hôi thật. Nhưng lửa thiêng của gia đình phải thơm, thơm mùi thảo thụ. Dầu sao nhìn lửa than cũng vui mắt hơn, nghe nó có linh hồn hơn, nó gợi nhớ sự sống hơn. Chiếc áo mà chính tay em may sẽ mang cái bản ngã của em, dầu nó không được đẹp lắm, chớ không nặc danh như những chiếc áo khéo, mua ở hiệu. Chiếc bánh phơ-lăng do chính tay em làm, có cháy khét đi nữa, cũng được hương vị của tình thương của em đối với gia đình, chớ không vô hồn như bánh đết-se của các hiệu ăn sang trọng.

Má tôi nói:

- Tao thì tao thèm nấu bằng củi hơn. Khói củi thơm hơn khói than. Chiếc áo bà ba nầy, tao đã may một tháng mới xong, nhưng...

- ... nhưng nó quí ở chỗ nó mang nhãn hiệu "BÀ NGOẠI CỦA BÉ LIÊN" ? - Tôi hỏi đùa.

Má tôi và anh chồng gàn của tôi đồng cười xòa, rồi má tôi chẫm rãi tuyên truyền cho tôi nghe:

- Nè, củi mỗi thứ mỗi khác đó nhé. Củi bắp phơi khô để làm củi, thì ngọn lửa xanh như lửa đèn cồn. Vỏ măng cụt phơi khô, chụm nó nổ lách tách y như than Cà mau. Củi nhánh sao chết rụng trên vệ đường, nó cháy rụi tỏa ra cái mùi của thời tiết gió bấc về. Còn mầy biết củi gì thơm ngát hay không? Đó là dăm tiện.

- Dăm tiện là gì má? - Chồng tôi hỏi.

- Muốn làm những vật dụng tròn như kiểu chơn bàn, chơn ghế kia chẳng hạn, thợ tiện họ đưa cây vào máy tiện, cây nó mới tròn trịa đều đặn được, chớ thợ mộc tài nào mà trau giồi cho nó tròn. Các món đồ tiện, luôn luôn là vật dụng quí nên được làm bằng đủ thứ gỗ quí: trắc, cẩm lai, huỳnh đàn, cho nên dăm tiện nó thơm dữ lắm, thơm cái mùi hỗn hợp của đủ loại gỗ mắc tiền. Lửa củi đã thơm mà hình thù của nó cũng hay lắm. Nó cháy lên, mình thấy được, chớ không vô hình như lửa của các lò dầu lửa đâu. Nhìn ngọn lửa cũng ngộ, nhìn màu lửa còn ngộ hơn. Mà hay nhứt là lửa củi không chết.

Bé Liên ngơ ngác hỏi:

- Lửa cũng chết nữa sao, bà ngoại?

- Sao lại không? Lửa lò dầu, nấu xong bữa ăn là nó tắt liền, vì ta phải tắt nó, kẻo hao dầu. Lửa củi đâu có như vậy. Nấu ăn xong thì người ta vùi củi dưới tro. Tro xốp lắm, nên than củi âm ỉ cháy tối ngày sáng đêm, bước vô nhà bếp thì nghe ấm liền, ấm thật sự, mà cũng ấm cúng nữa. Nhà bếp ở đây lạnh tanh từ đúng ngọ cho tới năm giờ chiều, nhà nào cũng vậy. Bước vào các nhà bếp ở đây, nghe ơn ớn nơi xương sống như là vô nhà hoang chết chủ!

Tôi ao ước từ mấy năm nay một bộ lò điện mà anh Minh chưa đủ khả năng tài chánh để thỏa mãn giấc mơ của tôi. Lò điện tiện và sạch hơn lò dầu lửa nhiều lắm. Nhưng bỗng tôi nghe hết ham cái tiện nghi văn minh đó nữa.

Tôi đã cười đùa chồng tôi vì anh Minh chỉ biết ra lệnh và nói lý thuyết. Má tôi dốt lý thuyết nên bà chỉ tả mà thôi, và quả tôi bỗng nghe thoang thoảng mùi lửa dăm tiện đâu đây, cái mùi vô cùng đặc biệt thường nghe thuở bé, hồi còn sống trong làng.

Má tôi lại nói:

- Ở đây sao mà lạ quá, không có mùi gì hết, hay chỉ có hai thứ mùi, mùi nước hoa và mùi ống cống. Mùi hay lắm. Mùi đất xông lên, sau đám mưa đầu mùa nè, mùi bông bưởi, bông sao nè, mùi củi cây rù rì nè, mùi lúa chín nè, mùi rơm khô nè, mùi phân chuồng nè, mùi rau, đậu tươi nè. Nói tới đây sao mà tao bắt nhớ nhà chịu không thấu nữa ! Con Liên, chắc ngày sau, nó đi đâu ở cũng được, vì thành phố không có cái gì làm cho nó nhớ hết.

- Có chớ, bà ngoại ! - Liên cãi.

- Có cái gì? - Má tôi hỏi.

- Có kem nè, có xi-nê nè, có đèn màu nè!

- Rồi cháu sẽ thấy rằng những thứ ấy không gợi nhớ đâu.

- Chớ cái gì gợi nhớ hở bà ngoại?

- Mùi vị khác kia, như mùi khói đống un lá chết vào mùa gió bấc mà người ta un lên để hơ ấm, bởi vì mùi đó còn dính líu tới những cái khác nữa, mà nhiều thứ mới họp lại thành một nỗi nhớ được.

- Thứ nào với thứ nào bà ngoại?

- Nhiều thứ lắm, bà không biết nói ra. à... ờ... thí dụ như lửa Tết, lửa đêm ba mươi nấu bánh tét, quanh lò lửa lớn ấy có mặt đông đủ cả nhà, ai đi mần ăn xa ở đâu, cũng phải về, đông đủ cả nhà mà đôi khi đông đủ cả họ nữa, vì có những bà con nghèo, không gia đình, không nhà cửa, họ xin hưởng ké sự ấm cúng của bất cứ người nào trong họ mà có được một bếp lửa.

- Còn thứ gì nữa bà ngoại?

- Còn lu bù thứ. Cả nhà họp mặt đông đủ thì vui, nấu nướng suốt đêm các món ăn ngon, kể cho nhau nghe chuyện mần ăn của mình ở xa, nhắc lại chuyện ăn Tết ngày xưa của ông bà tổ tiên. Đêm cuối năm gió lạnh lắm, mà quây quần quanh bếp lửa, ấm ghê đi. Nhà có nhúm lửa, nghe như là sung túc, mà nhúm những bếp lửa lớn, nghe càng sung túc hơn. Đó rồi thì ngày mai lại, lửa cháy trong bếp suốt ba ngày ba đêm, không được hạ ngọn phút nào hết, cho nó vui. Ở làng, người ta cất nhà lớn, nhưng cả nhà đều ở sau bếp, không phải sợ nhà trên mòn mà không dám ở, mà vì nhà bếp vui hơn, mà vui hơn là nhờ lửa.

Tôi cãi:

- Nhưng ở đây, chật hẹp như vầy, dầu cho có ghiền khói, ghiền lửa như má, cũng không làm sao mà...

- Ừ, nhưng nấu than cũng tạm an ủi được phần nào.

Chồng tôi nhìn tôi mà cười, đắc thắng.

 
BÌNH NGUYÊN LỘC          

(Trích từ tập truyện Cuống Rún Chưa Lìa)
 

Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2024

XUÂN XƯA - Hoàng thị Đoan Trang

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
tôi ngỡ mùa xuân dịu dàng gọi H
xuân xưa nào yêu dấu trở về đây
tôi ngỡ trời xanh nồng nàn gọi H
gọi cánh chim trời ngoài cõi chân mây

có những chiều chiều trông mây trải lụa
tôi ngỡ còn đây chút hạnh phúc tơ trời
tôi ngỡ còn đây chuyện nàng công chúa
và những mảnh sao mơ ước đầu đời

có những ngày ngày trôi qua rất chậm
nghe bước thời gian quên lãng mịt mùng
nghe bước chân nào chìm trong vắng lặng
trên bến xuân xuân về... sóng nắng rưng...

H đã bỏ khung trời mộng tưởng cũ
lũ chim rừng ngơ ngác hỏi... vì sao...?
bỏ vầng trăng khuya âm thầm nhỏ lệ
và cành hoa trong thần thoại ngày nào

trời cũ còn đây nhưng không còn nữa
một chút nắng hồng những bước chân vui
xuân đã về đây... H không về nữa...
một nhắc nhở thôi lòng mãi ngậm ngùi?

một nhắc nhở thôi âm thầm vang động
của cung ngà rung lại phím tơ xưa
cho thổn thức cánh mi gầy mở rộng
chỉ có nắng đùa... bóng lá chiều đưa...

và rừng xưa chim xạc xào vỗ cánh
những hàng cây vẫn không dứt thầm thì
vẫn xôn xao về... mặt trời thuở trước
biết trả lời sao, tôi biết nói gì!
 
ở một cõi đời không còn chờ đợi
bóng chiều qua qua đã biết bao lần
ở một cõi trời xa xôi vời vợi
H có vui vì... ngày mới sang xuân?
 
                                  HOÀNG THỊ ĐOAN TRANG
 
(Trích giai phẩm Xuân Hồng Tuổi Ngọc 1975)
 

Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

ĐỒI CÁT - Nguyễn thị Ngọc Minh

 

Bóng mát biến mất trên mọi đồi cát khi tôi lên đến đỉnh cao nhất. Nắng như muốn bửa đầu tôi ra. Dưới mái tóc dài sẽ cắt là một phiến não bé như con chí mà Kha vẫn ngạo tôi. Nhưng trong con chí, kiêu hãnh và tội nghiệp thay, chỉ có một chữ Kha. Những con chim cát phiêu quen thuộc sà xuống, lẩn quẩn bên vai tóc, rít trong mỏ nhỏ những tiếng nghịch ngợm. Ngó mông ra tứ bề tám hướng. Cát, cát cát... gần như muốn xóa bỏ cái xã hút hút màu xanh này dưới màu vàng của cát. Gió Tết vẫn còn thổi mù mù nên mấy tay nhiếp ảnh chưa dám léo hánh lên đụn cát săn ảnh.

Nhìn hoài nhìn mãi, những chuyến xe ọp ẹp bò rì rì nơi con đường ép sát giữa đồi cát và bãi đá để vào làng. Tưởng như thấy rõ trong xe những thùng dầu lửa đựng mắm, những tỉn nước mắm chằn chằn dây sóng lá, những thúng gánh lỏn chỏn mấy củ sắn cạnh mớ cá mai, ốc gạo, ốc ruốc... tưởng như nghe rõ cái mùi mằn mặn tanh tanh trộn lộn giữa bể khơi và cá mắm, những cái đầu đập lốp cốp trên thành xe khi xe đi ngang Cầu Đá... Những đôi mắt mệt mỏi gật gà gật gưỡng, những nét mặt thất thần khi xe e dè bò trong vùng Ngọc Hội thơm thơm hương rừng dừa bình an mà ngầm chứa đầy bất trắc. Kha sẽ ngồi đâu, trong chuyến xe nào... Nhớ mấy câu ru má thường hát lúc xưa:

Ngó ra ngoài biển mù chong
Thấy người thiên hạ sao không thấy chàng
Tóc dài sao vội cắt ngang
Thả bay trong gió hai hàng lụy sa

Trường hợp Kha và tôi tối mù hơn những điều mà tôi có thể nghĩ. Má tôi dọa:

"Ông ta mà đặt chân vô nhà nầy là má giết con trước rồi tự tử sau. Đừng nói chi đến chuyện ổng đi hỏi mày."

Cho đến cái xóm làng này, những bà già trầu khụ khị, những đứa con nít mới lớn lên choi choi, ngay cả bọn em gái tôi cũng chẳng có một mống nào bênh vực Kha - trừ tôi. Với họ, Ngạc là mặt trời soi tỏ một vùng biển này. (Họ không cần hiểu là nếu bước ra khỏi xứ còn biết bao nhiêu biển lạ, còn biết bao nhiêu mặt trời khác). Với họ, Kha như một người đàn ông kỳ cục, dị thường và... "không biết điều chút nào hết". Với họ, đám cưới của Ngạc và tôi là một đám cưới lý tưởng bên mọi cặp lý tưởng khác. Làm như má tôi sinh tôi ra là để lấy Ngạc và ngược lại...

Là đôi bạn quen nhau từ hồi còn nhỏ xíu, Ngạc thường dắt tôi rong chơi trên những vườn keo, bãi dứa, rừng dương, rẫy dưa hấu... Cạp chung củ sắn bươi được trên vồng đất đỏ, đắp cát ướt trên chân nhau xây nhà lầu đua rồi một! hai! ba! giậm nát, những đêm xách đèn bão lo khom xuống bãi tum bắt còng gió nướng trên kè đá ăn với muối tiêu chanh, cái tình đó đã tưởng như ruột thịt. Chúng tôi lại nằm trong hai gia đình có tiếng tăm về nhiều mặt ở đây, đó cũng là những sợi dây cột siết hơn thân tình có sẵn hồi xưa.

Ba tôi đẹp cứng, xương xóc, gan lỳ. Má đẹp mềm, nhu nhuyễn mà đảm đang. Bà gầy được vựa tre lớn độc quyền ở sông Bàng từ lúc ba đi, dư sức nuôi mấy đứa con nhỏ. Tôi là con đầu. Con đầu là con nhờ, con cậy, con tin, con tưởng. Là tấm gương đứng khửng để bọn em gái nhìn soi, két biết là bao nhiêu!. Má tôi, ba tôi và ba Ngạc xưa kia ở chung một tổ. Má Ngạc chết trong cơn lụt năm Thìn, Ngạc là con một. Tiệm sách duy nhất ở đây của nhà Ngạc mang tên tôi : Quỳnh Như. Anh chàng nói với tôi, giọng tự tin:

"Thấy chưa, ba đã chọn Như vào gia đình anh hồi Như mới lọt lòng".

Cái sự tin của Ngạc đập phải cái sự tin của tôi kêu lốp cốp. Cái óc Ngạc khác tôi, làm như lý tưởng hơn, hướng về đám đông hơn, ôm nhiều hoài bão hơn (con trai mà). Con mắt Ngạc khác mắt tôi, nhìn bao quát mà xa hơn để quên những tiểu tiết dọc đường. Đó cũng là một cái khuyết của anh chàng (và là một tai nạn chung cho hai đứa, có phải?). Trái tim của Ngạc càng khác tim tôi, một trái tim đeo kính viễn thị như anh chàng. Nhìn chung, Ngạc thật tội nghiệp, những tư tưởng thiên tả như là muốn hăng hái nhiệt cuồng hơn cả người trước (ba tôi, má tôi và ba anh) vẫn không làm Ngạc phồng to hơn chút nào đối với tôi.

Từ chối thẳng thừng "Đừng đi cưới hỏi tôi thất công. Làm sao mình có thể sống chung với nhau. Tôi ích kỷ, hẹp hòi. Lại còn những rắc rối. Liệu anh có thể tha thứ tôi được không?"

Ngạc hớn hở gật đầu:

"Anh hứa, sẽ quên, sẽ tha thứ hết."

"Ồ! Anh hiểu lầm rồi, tôi muốn nói về Kha như một nỗi kiêu hãnh chớ không phải là một lời thú tội".

"Anh tha thứ nhưng tôi không tự tha thứ thì sao. Anh quên nhưng làm sao anh tẩy được chữ Kha trong tôi?"

Ngạc kêu lên:

"Nhưng mà Như, anh yêu em."

Tôi xuýt té xuống đất vì cười. Tôi vẫn dặn Kha:

"Bao giờ ông đi tán thiên hạ nhớ đừng bao giờ cầu viện đến ba chữ anh-yêu-em kẻo thiên hạ cười cho vỡ mũi."

Kha hét vao tai tôi:

"Ê nhỏ, tôi ghét em". Tôi nói rất nhỏ. "Em cũng ghét ông."

Chúng tôi phá lên cười, nhìn thấy ngập trong mắt nhau những chùm tình xanh nở ra, thơm ngát. Làm sao Ngạc có thể nói với tôi những lời ẩn dụ vô ngôn như thế mà đòi trói đời tôi, suốt kiếp!

Chuyện thật vô lý thế mà lại xảy ra. Tôi lắc đầu. Mặc tôi khóc mếu. Mặc tôi lẫy cơm. Có sao đâu. Mồng sáu Tết, tốt ngày giờ kiết là giờ Tuất được chọn làm ngày hỏi nhân dịp tôi và Ngạc về thăm nhà dịp nghỉ Tết. Năm đầu đại học, tôi ở Sàigòn. Sau khi một chuyện dài của Kha đăng tải, thiên hạ khôn ranh như tinh, đồn đãi thấu ngoài nầy, năm thứ nhì, má tôi ra Huế, gởi tôi ở nơi nhà nội của Ngạc.

Kha đâu biết, đi đến đâu thiên hạ bắt hát, tôi chỉ hát độc hai câu "Núi cao chi lắm núi ơi, núi che mặt trời chẳng thấy người thương." Kẻ trường sơn thượng, kẻ trường sơn hạ. Cách nhau cả dãy núi dài. Ngự Bình quá thấp. Tà Dôn, Tà Cú quá thấp. Lâm Viên quá thấp. Nhưng leo lên tận đỉnh vẫn thấy những ai ai. Dạo này Kha đi công cán nhiều nơi. Trên đường từ Huế về thăm nhà ghé qua Sàigòn không bao giờ tôi gặp. Nguệch ngoạc vài chữ.

"Mới về. Đến ngay. Không thấy. Đi đâu mà đi hoài vậy. Ghét quá..."

Chúng tôi, như là được xếp đặt trong một trò chơi đọa đày nào. Tựa hai tên chim tội tình. Con chơi vơi núi Bắc. Con lòa lòa bể Đông...

Hai mươi chín Tết, vào Sàigòn cũng không gặp Kha được. Má tôi dư sức biết đi Sàigòn chỉ là một cái cớ nhưng cũng không ngăn. Ngày tháng tốt đã chọn, tôi chỉ có thể từ chối đám hỏi bằng cách bỏ nhà đi luôn là một việc mà bà chắc rằng không thể nào xảy ra với một con bé phách tấu nhưng nặng tình gia đình như tôi. Tôi đứng nói chuyện với Khiết qua khung cửa sổ vì chìa khóa cửa lớn Kha đã mang đi. Thằng bé Khiết con của Kha là đầu mối của mọi quyết liệt của má tôi.

Bà không hề hay rằng chính bà cũng là cái đầu mối đẩy đưa tôi gặp Kha. Bà không thể đoán ra Kha là cái anh chàng trẻ tuổi đứng sựng nhìn bà cách đây hai mươi năm trên sườn núi Láng Bò. Chính má kể tôi nghe. Hai người cách nhau một sạn đạo lửng lơ trên khe suối hẹp sâu. Nhìn nhau độ mươi phút. Không nói lời nào. Anh chàng rồi đi ngược lại lối đến để nhường sạn đạo cho má. Má không để tâm nhưng sau này lúc sắp về thành, người bạn gái có chuyển đến vài bài thơ chép tay ký tên tắt K.N. nhắc nhở lại buổi trưa sững nắng cây im, sạn đạo chênh vênh của Láng Bò và người con gái tóc dài áo bà ba đen với ruột tượng gạo trên vai.

Má tôi tên Nga. Nguyễn thị Túy Nga. K. phải là tên của anh chàng. Tôi đọc thơ K.N. năm lên mười. Lúc đó, chàng trẻ tuổi tên K. đẹp như một nhân vật cổ tích. Phủ thêm cái ánh xanh biếc sáng lạnh của những bài ca u uất của rừng rú và những ngày ba mới bỏ đi, má hát ru chúng tôi giữa những ngặt nghèo túng bấn dập dồn vẫn không nguôi trong trí nhớ tôi những cảnh tượng người vật hào hùng cao cả. Chiều tà hay khuya khoắt, nắng quái hay mưa đêm, tiếng hát lẻ loi buồn lạnh của má cất lên đủ làm con nhỏ chút chun tám, chín tuổi là tôi nghe thấm tận tủy xương một nỗi gợn tê khó tả.

Những "Bà Tư bán hàng..." "Ai qua miền quê binh khói"... và nhất là cái bài "Chiều nay ra đứng bên bờ suối vắng"

Lặng nghe con chim nó kêu lạc đàn.
Núi rừng đó người đâu chẳng có.
Để dấu chân còn cả trên rừng.
Người đi năm xưa chưa mờ bóng dáng.
Người đi năm xưa vẫn chưa trở về.
Suối rợp lá cành khe đá lấp dấu chân người cũ trên rừng.
Gió trên núi rừng lạnh lắm không có lều mà che.
Mưa trong đêm khuya mờ mịt theo ánh sao rọi đường.
Nước suối cầm hơi hỡi anh đi về đâu.
Đánh cái bọn giặc Pháp giữ cái buôn cái làng.
Đi theo cái khe, theo cái suối, theo dấu chân chỉ đường.

Tất cả, ba má tôi, ba má Ngạc, những giai thoại, những khúc nhạc bi tráng cùng gieo trong Ngạc và tôi những mầm hạt kỳ diệu nhưng nếu ở Ngạc nẩy lên được một thân leo muốn vươn hoài vươn mãi với tham vọng nối kết được bao người thì ở tôi chỉ nở rất lẻ loi một nhúm hoa kỳ khôi phất hương lãng mạn...

Năm mười sáu tuổi, tình cờ đọc tập tùy bút "Khói Rừng Hoang Sơ", thấy lại má mình được vẽ bằng văn xuôi, những sợi văn mỏng, và thơ như khói, tôi rớt nước mắt vì vui mừng khi tìm ra tông tích cái anh chàng K. ngộ nghĩnh đó. Cái thư đầu tiên tôi viết cho Kha với cái vẻ lo sợ và hớn hở của một đứa trẻ con trong trò chơi ú tim lạc giữa rừng cây quanh co bỗng khám phá được nơi hang hốc kia một nhân vật cổ sơ còn sống sót. Bọn bạn gái tôi phần đông đều thích văn Kha. Tụi nó thâu thập ở đâu nhiều giai thoại khá ly kỳ quanh Kha. Sau này chúng nó sỉ vả tôi không tiếc lời khi biết được cái giai thoại ly kỳ nhất của Kha ở sát bên cả bọn. Có lần con Phụng quả quyết Kha nói ra Nha Trang ở nhà một người bạn già, ngôi nhà cổ có hàng nhãn trước nhà.

Đậu xong Tú Hai, Kha là người đầu tiên tôi gặp khi bước xuống Sàigòn. Tôi lơ ngơ láo ngáo trước anh chàng cao ốm lêu nghêu.

"Em nhỏ, em lớn hơn tôi tưởng tượng".

Tôi lấy lại bình tĩnh:

"Em lại cứ tưởng ông già khụ râu ria kia chớ".

Kha nắm tay tôi.

"Để tôi dắt em qua đường".

Tôi rưng rưng muốn khóc. Lãng mạn nghĩ rằng: Phải chi Kha là ba tôi, chắc tôi sẽ tha hồ nhõng nhẽo đòi ông dắt đi chơi quanh quất Sàigòn. Hình ảnh đó làm sao tôi quên. Chiếc va-li lục cục dầu tràm, khăn quàng cổ của mẹ, tôi nhét vào khi tối. Cái giỏ đựng nước mắm, mực khô triều cống cho người thím mà tôi phải vào đó ở mấy ngày đầu. Kha giành xách hết. Và tôi. Nhỏ nhẻ bước sau lưng...

Thỉnh thoảng Kha dừng lại cười mỉm khuyến khích nhìn tôi. Đường tối dần. Những chiếc tắc-xi không còn chỗ trống. Bỗng dâng ngộp trong tôi một nỗi lo sợ nào đó. Bây giờ mới biết rõ. Không phải sợ một Sàigòn mới gặp. Phải nói là tôi chưa bao giờ sợ Sàigòn. Rừng rú đã từng xông pha. Sóng bể cũng đã từng nhồi quật. Xá chi cái thành phố chen chúc tội nghiệp này. Nhưng mà Kha mãi mãi với tôi vẫn là một nhân vật cổ tích. Kha đi trước tôi. Bóng đổ mờ mờ. Nhưng tôi vẫn chưa tin là thật. Ba bỏ tôi đi sớm quá. Đủ xui tôi dồn tất cả tình thương cho người-đàn-ông-đúng-nghĩa-đàn-ông đầu tiên mà tôi gặp.

Thằng bé Khiết là một cái khuôn của Kha thu nhỏ. Tóc đó, như rừng, miệng đó, bìu bĩu cao ngạo cô đơn. Kha gởi nó vào nội trú. Chủ nhật, Kha đón Khiết và tôi, đi đến bất cứ chỗ nào có thể đến được. Bạn bè Kha đông đến khiếp, gặp ai cũng khoe.

"Em gái moa đó. Giống không?"

Thế mà có người đòi giới thiệu mới chết chứ. Anh chàng cười cười.

"Có người đi hỏi nó rồi. Bà cụ hăm moa mẻ răng. Bảo phải giữ gìn nó cẩn thận".

Không như những độc giả ái mộ Kha, tôi ít để ý đến chuyện viết lách của anh. Bực nhất là những chuyện thấp thoáng dáng tôi. Tôi không thích nhiều người bết. Sẽ khó sống yên. Cái màn ngăn nhau quá đẹp. Một người xem một người như thánh. Một người xem một người như tiên. Nhưng hãy để mọi người nhìn và quên ta như rơi nhúm cỏ bên bờ cọng hoa dại trên non. Bởi ước ao tôi, đâu ngoài hai chữ cỏ cây. Như cỏ cây, nhờ nắng gió sương mưa tựa nhau lớn mạnh quên đời riêng quên những hệ lụy quanh ta. Kha không nghe lời tôi.

Huế rộng hơn Nha Trang mà ý tứ, xét nét hơn Nha Trang nhiều. Tôi đi dưới mưa long ngong như con còng gió. Một mình. Mình một. Bơ thờ. Tựa cây. Cây ngã. Tựa bờ. Bờ xiêu. Bờ là Kha là Ngạc hay là những ai ai (những người tôi thương và những người yêu tôi) thì cũng là những bất hạnh như những cánh tay sóng chẳng bao giờ buông tha những lâu đài cát. Chỉ một lần đó. Mưa làm tôi nhớ Kha.

Sáng ba mươi, trên chuyến xe về Nha Trang tôi thấy Kha chở thằng bé Khiết phía trước. Một cái đèn đỏ. Kha rẽ trái. Tôi nhoài người ra. Tiếng kêu nghẹn trong họng. Đêm qua, chờ đến gần giờ giới nghiêm tôi phải về không gặp Kha trước giờ giao thừa má dắt tôi qua nhà Ngạc, trong bóng tối vườn dừa, Ngạc nắm tay tôi. Chiều mồng một tôi bận áo đẹp, quần đẹp đi thẳng ra bể cho đến lúc nước lên dần tới mũi. Rồi quẫy lên như một con cá. Phải chi đừng biết bơi lội thuần thục, tôi hẳn đã là món quà Tết không tệ cho bọn cá mập ngoài khơi.

Má úm tôi bằng mền lớn khi tôi ướt nhớt lập rập láo ngáo thất thần về nhà. Ngủ đi con. Má hát cho con nghe đi má. Cái bài "Chiều nay ra đứng bên bờ suối vắng..." đó má. Lũ em tôi đôi mắt đỏ hoe. Chiều hôm sau tôi mới thức dậy. Có tên bạn ghé nhà. Nó ở Qui Nhơn đang học năm cuối ở trường nữ trung học. Kỳ trại cho học sinh toàn tỉnh ở đảo Hạnh Phúc, tôi chú ý mỗi nó. Con bé từ diện mạo đến tính tình rất con trai. Trong lúc bọn con gái e dè đẩy xô nhau rón rén lội lõm bõm vào bờ thì con bé mượn cây chèo thuyền chống xuống nước búng mình vào bờ như lực sĩ nhảy sào rồi phóng chèo trả lại, phủi tay, xốc ba lô tiến vào đảo. Đêm lửa trại trăng sáng ướt, giữa lúc bà con ca hát diễn kịch quanh soong chè, tôi bỏ ra bãi định bứt vài nhánh rong Mơ óng ả một rừng nơi đáy bể gần bờ, để gởi cho Kha thì gặp con bé nằm hát một mình trên đỉnh một đụn cát. Nó choàng dậy xin tôi một cọng rong Mơ và tự giới thiệu.

"Trên giấy tờ tôi là Đông Ngâm nhưng bạn bè ưa gọi ngược lại. Bồ muốn gọi tên nào tùy ý."

Hai cái tên tố cáo con người nó. Vừa lãng mạn vừa ngông bướng, khi nồng nhiệt lúc lạnh lùng, sống có vẻ rong chơi và khá bất chấp...

Ngâm không ngạc nhiên chút nào hết. Nó ngủ lại với tôi đêm đó. Hỏi tỉnh queo.

"Thế nào? Thú không?"

"Sóng nâng tao lên, mới biết mình không nỡ nhẫn tâm như mình tưởng mình có thể. Mày thử chưa?"

"Mới tuần trước. Tao ngồi trên cửa sổ lầu của lớp học. Muốn mọi người nghĩ là một tai nạn nên không nhắm hướng. Bèn bị rơi xuống một tấm chắn của cửa sổ tầng dưới. Hỏng bét. Cũng may là tụi bạn tưởng tao trúng gió".

"Đông Ngâm! Ngó bộ mày hạnh phúc quá chừng mà. Chẳng lẽ cái chuyện bị đuổi vĩnh viễn ra khỏi trường đối với mày quan trọng như vậy sao?"

"Đời nào. Chẳng qua, cơn điên khùng đó đến từ một lúc nào không rõ."

Tôi úp mặt vào gối:

"Tiêm dùm tao chút can đảm của mày."

"Ngược lại, mày can đảm hơn tao nhiều. Nếu là mày thì giờ khắc này có lẽ tao đang ngồi hối hận về một chuyện gì đó rồi. Ngộ nghĩnh nhất là trong thông cáo đuổi tao phổ biến toàn trường cái tội của tao đã được gọi là "vi phạm đạo đức học đường". Riêng nhóm dân Q.N, ở xa, Tết mới về thăm thì xếp mày và tao chung vô một nhóm: Lãng mạn. Tiếu ngạo kể gì chưa. Lãng mạn cũng là một tội lỗi nữa sao. Tội đã gì nặng hơn người đàn bà bị ném đá trên đỉnh Olive. Thì hãy tiếp tục lối đi ngẩng cao phách tấu như lâu nay. Những bàn tay run rẩy bám đầy bụi bẩn chưa rửa sạch làm sao liệng đá thấu mình..."

Những lời của Đông Ngâm càng làm tôi buồn bã, ngậm miệng chua xót hơn. Sáng hôm sau nó về, không hề biết giờ tuất, mồng sáu Tết năm Quý Sửu này lối đi nghinh ngông chỉ còn mỗi nó. Hay nói khác đi đúng vào giờ đó, nó chính là cái bóng của tôi phóng ra ngoài. Phần xác còn lại được trói bởi những ngón tay ướt run của Ngạc. Những bước của đời riêng phải cắt. Ba má của Đông Ngâm đều phóng khoáng, họ tin tưởng đứa con gái út nghênh ngang như con trai đủ khôn ngoan để quyết định mọi chuyện và họ chưa bao giờ thất vọng. Nhưng tôi, tôi còn hai đứa em gái.

"Bộ mày muốn đổi nửa đời hạnh phúc của mày lấy vài năm sung sướng của những người thân sao?"

Má tôi khóc khi nói với tôi:

"Nếu con lấy cái ông hơn con đến mười mấy tuổi đó thì cầm bằng như con giết chết cuộc đời của hai đứa em con. Má thì già rồi. Chỉ mong gả xong ba đứa là yên lòng nhắm mắt."

Những viên đá tứ phương thập hướng thiên hạ liệng đến không làm con nhỏ bướng bỉnh như tôi bị đau nhưng làm sao tôi vui vẻ sống bên Kha khi những người thân của tôi nhào ra hứng đỡ.

Tôi chạy thốc lên ngọn hải đăng bỏ hoang đầu mũi đá. Trước đèn lò những tảng đá khổng lồ từa tựa những cái đầu của đàn bà, trông như một loại vọng phu đặc biệt. Sau hải đăng là nghĩa địa. Những nấm mộ hình hộp chữ nhật dằn đầy đá và vỏ sò, ốc để chặn cát bay. Cổng vào có bốn chữ khắc: "Chờ Ngày Sống Lại." Những lần bướng bỉnh đòi uống cà phê để tim mệt ngất, khi tỉnh lại, tôi tươi tắn trối:

"Lỡ như em có gì gì nhớ nói má chôn em ở ghềnh Đá Hòn Chồng. Nằm đó nhìn trời rộng, mong buồn xa, nghe dương liễu hát và ấp giấc mơ: "Chờ ngày sống lại..."

Bạn bè Kha trêu tôi là ba-bi-lắc. Ly sữa trắng của tôi cạnh ly cà phê đen của Kha có vẻ bố con thế nào ấy. Thằng bé Khiết thì đòi trộn cả hai cho nó.

"Thấy không nhỏ, Khiết cần cả em lẫn tôi."

Tôi cười khúc khích:

"Bảo nó gắng chờ ngày em sống lại."

Tôi đứng ngoài bao lơn của chót hải đăng. Nắng quái tà úa hanh hao. Gió phần phật áo quần. Sóng như chụp rồi tuôn giàn giụa từng dòng trắng xóa trên những kè đá lổn  ngổn dẫn ra đảo nhỏ. Mùa nầy, năm ngoái có một thằng bé chết vì sẩy chân trên đỉnh hải đăng. Dạo đó đèn bỏ hoang, chuột cống lúc ngúc to bằng bắp chân người làm thằng bé hết hồn thối lui đến vấp té nhào xuống thang. Mẹ nó hóa điên. Người ta đổ thừa vì bà định tái giá với ông tàu già nên thằng bé giận mẹ tự tử. Cái con bé Đâm Ngông, như là thích rơi và phiêu chớ không phải là tự tử. Riêng tôi, chắc sẽ không có lần thứ hai. Chết trong đời sống hay sống trong đời chết thì cũng vậy mà thôi...

Rồi Kha đến, như dông như bão. Rồi Kha đến, như mơ như ảo. Đôi tay Kha lỏng lơ:

"Hành lý anh đâu?"

"Em sẽ là."

"Nói kỳ cục chưa. Giờ Tuất nầy là giờ kiết, đám hỏi sẽ cử hành."

"Anh dự được không?"

"Em đâu có quen anh."

"Anh sẽ nhìn người quen của má."

"Không được đâu."

Cơn mưa đổ xuống đầm đầm cát cỏ. Những cọng cỏ kim hình chong chong nhọn hoắt hồi đó mang vào tận Sàigòn cho Kha. Lẫy một chút là anh chàng châm cỏ vào tay tôi đau điếng.

"Em nhỏ, những lời nói của em đâm tôi đau hơn thế nữa."

Kha hét để át tiếng mưa:

"Khiết bệnh từ lúc em đi. Nó đòi anh gọi cô Như về chơi với nó."

Tôi cũng hét cho tiếng mưa nhỏ lại, lần này thì không cười được:

"Anh thấy cái cổng kia không? Biểu Khiết gắng chờ ngày em sống lại."

Mắt Kha long lanh:

"Đứa con đầu lòng gắng sanh con gái nha."

"Chi vậy?"

"Con gái sanh năm Quý tốt, hai đứa mình làm sui gia"...

"Nhảm, em là Quý Tỵ nè, có sung sướng chi đâu. Thôi rán chờ nghe ông bạn lớn của em. Như là má mắc nợ anh chưa trả, đời em cũng chưa trả xong, em sẽ nhờ con gái em trả dùm".

"Anh nói chuyện đứng đắn mà. Nào nghéo tay đi. Để hứa mình sẽ là sui gia."

Ngón tay út Kha móc vào ngón tay út tôi. Cứa hoài không đứt. Phải hạ một đao thật ngọt. Nhầy nhưa nhỏ máu hoài sao. Tôi hạ giọng theo nhịp mưa:

"Anh chờ tối không được đâu. Hình như còn một chuyến xe chiều chót về Phan thôi. Sáng mai di chuyển sáu giờ về sớm Sàigòn kẻo Khiết mong"...

Ngón tay Kha rời. Tôi tần ngần nơi bao lơn. Ngón tay út áp lên cằm. Còn ấm nóng. Chiếc xe cuối dời Mũi Né lăn chậm qua khúc lượn dưới chân đồi cát ẩn hiện sau những hàng dừa. Tôi muốn đứng tim khi xe dừng lại một phút ở Sa Thạch. Nhưng không có chi. Một người đón xe dọc đường. Chiếc xe lại lăn, lắc lư lắc lư như thể một ngón tay cứa một ngón tay, chưa muốn đứt...

Chiều mù. Xe đã khuất. Gió lạnh hơi cát sương. Những bước chân Kha còn in rõ mồn một trên cát ẩm. Bước xoãi dài. Dễ chừng bằng hai bước của tôi. Nhớ bài hát hồi đó má thường ru ngủ:

... "Đặt chân lên dấu chân người đã khuất
Trồng cây hoa lên dấu chân của người
Suối ngừng xối, rừng thôi khoe lá
Để bóng mơ người cũ lại về..."

Tôi đặt bàn chân nhỏ của tôi lên dấu chân to lớn của Kha. Ngạc đứng đó tự bao giờ. Mặt Ngạc xám ngoét, anh lầm rầm trong miệng: "Nhưng anh vẫn yêu em, nhưng anh vẫn yêu em"...

Trên lối về nhà, tôi khóc ngất bên Ngạc. Cái điệp khúc anh-yêu-em cứ được nhắc đi nhắc lại hoài nhưng tôi chẳng còn hơi sức nào để cười anh nữa.


Nguyễn thị Ngọc Minh        

(Trích từ giai phẩm Văn số tháng 8-1973)
 

Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2024

ME TÂY - Bình Nguyên Lộc

 

Minh toan mở cửa xe thì một giọng âm ấm sau lưng chàng nổi lên :

- Xin lỗi ông, tôi bắt xe trước !

Chàng quay lại thì thấy một thiếu phụ định qua mặt chàng để giành lấy chốt cửa xe. Chàng nhìn người tài xế, lặng thinh, nhưng hất hàm để hỏi thầm :

- Ai kêu xe anh trước ? Tùy anh quyết định đó.

- Ai kêu thì tôi không biết, nhưng tôi thấy ông ra hiệu nên ghé lại.

Minh mỉm cười nhìn thiếu phụ và cũng cứ nói thầm bằng mắt :

- Cô thấy hay không ? Tôi có quyền.

Thiếu phụ cũng mỉm cười gượng gạo và cũng nói thầm :

- Thôi thì ông lên vậy.

Bỗng người con trai may mắn nầy thừ người ra. Chàng chợt để ý đến thiếu phụ và nhận ra rằng chẳng những nàng đẹp mà thôi, nàng còn hạp nhãn chàng nữa.

Trên đời nầy không thiếu gì người đẹp. Nhưng không phải hễ đẹp là được đàn ông mê đâu. Có nhiều vẻ đẹp, mà mỗi người đàn ông chỉ bị một vẻ đẹp nào đó quyến rũ thôi. Thấy vẻ đẹp ấy, người kia bị lung lay cả thần kinh hệ như là bị sét đánh. Hạp nhãn là như thế ấy.

Minh liền nhớ ra rằng giọng cô nầy ấm, khác xa với giọng trong trẻo của phần đông phụ nữ khác. Cái giọng nói kia mà người ta đặt tên là giọng thổ, và không được hoan nghinh nơi người đàn bà, Minh lại thích. Chàng để ý rằng phụ nữ nào có giọng thổ cũng có bản ngã đặc biệt, luôn luôn vượt ra sự tầm thường.

Do dự một giây, Minh nói :

- Theo phép lịch sự thì tôi phải nhường cho cô, mặc dầu tôi có quyền, nhưng tôi lại gấp đi công việc riêng, nên thôi, xin mời cô cùng lên rồi ta chia hai tiền xe... À anh tài nầy, anh có phản đối hay không ?

Người tài xế cười đáp :

- Bà con đi xe như vậy, riêng tôi, tôi không bị thiệt hại gì hết. Chỉ một đồng nghiệp của tôi là thiệt mất một cuốc xe thôi. Nhưng mà... ế quá thì tôi cũng xin không phản đối.

Minh mở cửa xe đưa tay lặng mời thiếu phụ lên trước.

Chàng đóng cửa xe lại rồi nói :

- À quên, tôi quên hỏi cô đi về đâu ?

- Em về Phú Nhuận.

- Vậy à ! May quá, tôi cũng về đó.

Minh nói láo, chàng chỉ ra chợ Bến Thành thôi, nhưng muốn ngồi gần cho thật lâu với người đàn bà nầy nên chàng không ngại tốn tiền. Không ngại vì đường xa, cũng không ngại vì phải trả bao. Phải, nếu cùng đi tới một nơi với nhau thì chàng trả một mình, đẹp hơn là bắt thiếu phụ chịu phân nửa như đã đề nghị thế cho thiếu phụ an lòng mà nhận lời.

Minh cố lì lắm. Đáng lý ra chàng phải ngồi phía trước với tài xế, trong một trường hợp như vậy. Nhưng chàng giả đò quên chi tiết lịch sự ấy đi.

Người bạn đường của chàng có vẻ là một người đàn bà hơn là một cô gái. Không phải là vì tuổi tác đâu. Lắm cô gái lỡ thì đã ba mươi mà vẫn còn phong độ tươi mát như chiếc áo mới gói cất lâu năm. Cô nầy chắc chưa được hai mươi lăm, nhưng không còn tươi lắm.

- Thưa cô, cô ở Phú Nhuận mà lối nào, xin cho biết để xe chạy cho đúng đường.

- Em xuống nơi nào mà thầy xuống ấy.

- Không, tôi không thể cho cô biết nơi tôi xuống được.

- Như vậy thì xin bỏ em trước nha quận Tân Bình.

- Sao cô không về thẳng nhà ?

- Em cũng không cho thầy biết nơi em xuống.

Cả hai cùng cười, Minh thì cười vì thấy thiếu phụ trả đũa ngay, còn thiếu phụ thì chắc cũng cười vì cách trả thù nhỏ mọn của mình.

Minh đoán rằng chồng cô ta ghen dữ tợn lắm nên cô ta không cho chàng đưa về đến nhà. Nhưng không hiểu sao, chàng lại có linh giác rằng cô ta không có chồng. Ừ, cô ta là đàn bà, đành vậy. Nhưng có khối người đàn bà không có chồng trên đời nầy.

Có lẽ thấy người ta đẹp, chàng mong thầm như vậy thôi chớ có dấu hiệu gì đâu, chứng tỏ là cô ta không chồng, còn trái lại nữa là khác.

Xe chạy sao mau quá, chưa chi đã qua cầu Kiệu rồi. Thôi, chỉ còn độ hai phút nữa thì chia tay, biết bao giờ mới gặp lại nhau.

Minh không cho xe chạy khi giai nữ xuống trước quận Tân Bình. Chàng cố ý đợi xem cô ấy đi về hướng nào. Nhưng cô ta tinh khôn lắm, nên cũng không chịu đi.

Rốt cuộc chàng nhượng bộ, vì đồng hồ cứ nhảy và số tiền cứ tăng lên từng phút một.

Minh ngỡ đây chẳng qua là cuộc gặp gỡ hay hay như bao nhiêu cuộc gặp gỡ khác thôi, rồi một tuần lễ sau là chàng quên mất người ngọc. Nhưng mười ngày qua mà bóng dáng thiếu phụ quen mười phút kia cứ lảng vảng trước mắt chàng.

Chàng đã đi Phú Nhuận mấy lần, không hy vọng gì nơi người đàn bà có chồng kia, nhưng chỉ cần thấy mặt cô ta thôi.

Mấy xóm nhà quanh đó đều bị chàng lục lạo, nhưng vô hiệu quả. Con chim trời bay đi là bay mất biết phương nao mà tìm.

Người ta nói chứng bịnh tương tư chỉ là câu chuyện bịa của bọn văn sĩ ngày xưa thôi, nhưng Minh nghe rõ là bịnh đó có thật. Chàng không nghe đau đớn gì cả, cũng chẳng đau khổ chút nào. Còn buồn thì chỉ thoáng buồn sơ sơ thôi chứ không buồn thấm thía như cái lần đầu mà chàng bị tình phụ.

Nhưng lạ sao, chàng ăn không biết ngon, mà dỗ giấc ngủ lại khó vô cùng. Gặp bạn, họ cho chàng hay là gương mặt của chàng sầu thảm lắm. Không, chàng có buồn nhiều đâu mà đến đổi lộ ra mặt !

Hôm ấy, Minh đi từ phía Quốc Hội để lên hiệu sách Xuân Thu. Một anh thợ nhiếp ảnh đứng thẳng người, nện gót giày kêu cái rụp như kiểu quân nhân chào. Đoạn hắn chìa ra một tấm thẻ. Không thích chụp ảnh vì biết mình không ăn ảnh lắm, nhưng bận lo ra, Minh đưa tay nhận lấy thẻ.

Nhưng anh thợ trẻ măng kia nói :

- Xin lỗi ông, em chụp cô kia.

Cô kia là một người đàn bà đi sau chàng một vài bước, bên hông tay mặt của chàng. Nãy giờ chàng có nghe tiếng giày của cô ta, nhưng không để tâm tới. Từ ngày gặp gỡ, không còn người đàn bà nào trên đời mà đáng kể nữa cả, đối với chàng.

Minh tức giận vì bị việt vị nên toan cự người con trai thợ ảnh. Hắn hoảng sợ nói :

- Nhưng rồi em lại chụp ông.

Nhưng nó không chụp chàng được vì, thấy người đàn bà từ chối tấm thẻ, chàng day lại nhìn cô ta rồi đứng lặng ra, không day mặt trở lại nữa.

Thiếu phụ cũng chưng hửng, nhưng nàng không ngạc nhiên lâu và chào Minh :

- Chào ông, ông mạnh giỏi ?

Minh ngậm câm không nói được một lời. Chính sự ngây người của chàng khiến thiếu phụ cảm động vì nó hùng biện quá nói nhiều hơn lời chào mừng vồn vã nào cả.

Thiếu phụ bỗng hiểu được rằng người con trai nầy đã yêu nàng và đã nghĩ đến nàng luôn từ khi gặp gỡ. Có lẽ hắn đã đi tìm nàng cũng nên. Ấy đờn bà họ tinh tế lắm, đoán hiểu thấu tận đáy lòng mình.

Vì vậy khi Minh mở miệng được là lời nói của chàng linh nghiệm ngay. Chàng mời thiếu phụ đi ăn kem, và cô nầy nhận lời liền.

Minh biết rằng chàng không liều lần nầy thì không còn hy vọng gì cả, vì cô ấy sẽ mất tăm nữa, khó lòng có một dịp may thứ hai xảy đến. Chàng nói :

- Tôi vẫn biết là bất tiện, nhưng tôi thề không ghé thăm cô, tôi chỉ đi ngang nhà thôi, nếu cô cho biết chỗ ở.

Thiếu phụ suy nghĩ giây lát rồi thở dài :

- Ông đừng có hiểu lầm. Em không có chồng mà sợ chồng ghen... nhưng quả là bất tiện. Hay là để em đến thăm ông.

Minh mừng rỡ nói :

- Cũng hay và tạm được.

Rồi chàng đưa danh thiếp ra.

Thật là kỳ dị, chàng nghĩ, sau khi tạm biệt người quen. Nếu câu chuyện xảy ra ở thôn quê, hoặc ở nơi biệt tịch nào thì chàng không khỏi nghĩ đến hồ-ly, những cô gái ma đẹp tuyệt trần đột ngột đến và luôn luôn giữ bí mật về chỗ ở của họ.

Minh còn lầm ở một điểm nữa là thiếu phụ không dễ dãi như chàng mong. Gái đến nhà trai, trai làm sao khỏi nghĩ như vậy. Nhưng cô gái đứng đắn quá, chàng phải nể mà không dám sỗ sàng.

Nàng tên là Hương, Lưu Thị Hương, sống một mình và tự nuôi sống lấy. Minh chỉ biết được có thế thôi, sau một tháng trời kết tình bằng hữu với nhau.

Bí mật phủ lấy đời tư thiếu phụ, đã nuôi nấng sự tò mò của người con trai nầy, và nuôi nấng tình yêu của chàng cho đến đổi chúng trưởng thành lên.

Minh thấy mối tình ngây thơ của chàng biến thành một mối tình lớn, và nếu không lấy được Hương chàng sẽ đau khổ không biết bao nhiêu.

Chàng nghĩ đến nát trí mới tìm được mưu sau đây : thuê một người để theo dấu Hương khi nàng ra khỏi nhà chàng. Người ấy được đưa tiền trước cho có đủ phương tiện : thuê xe, ăn quán v.v... nếu cần.

Và rốt cuộc chàng biết được cô gái ma nầy.

Hôm chàng đến đó, lòng chàng hồi hộp vô cùng. Thiếu phụ ở đường Nguyễn Minh Chiếu. Người theo dấu tả rõ là khi xuống trạm chót của ô-tô vàng thì đi vào hướng phi trường Tân Sơn Nhứt. Vừa ra khỏi nghĩa địa là đến nhà cô ta, ở phía đối diện với nghĩa địa. Số 718/2.

Nghĩa địa ? Nàng là ma chăng ? Minh đi qua nghĩa địa và thấy đối diện với bãi tha ma, một đám đất rộng trên đó người ta trồng cải sà lách son. Người theo dấu dặn rõ ràng là ngõ hẻm nầy.

718/2. Không phải nhà Hương chăng ? Nhà lá tồi tàn quả không xứng đáng với con người đẹp và ăn mặc sang kia. Nhưng rõ ràng là Hương đang ngồi may trước một bàn máy đặt sát vách.

Khi bước vào sân, Minh thấy bạn ngước lên và giật nẩy mình. Hương sợ đến tái mặt lúc Minh vào nhà.

- Tôi xin lỗi cô, Minh nói, tôi quá đường đột vào cấm cung, Nhưng xin cô biết giùm nỗi lòng tôi...

Hương không buồn hỏi vì sao chàng tìm được nhà nầy. Nàng chỉ ngồi thừ ra như là những gì quí báu trong đời nàng vừa đổ vỡ.

Chủ nhà quên bãi buôi với khách, khiến khách phải tìm đầu đề câu chuyện cho đỡ lạnh không khí.

- Thưa cô, cô sống về nghề may ?

Minh hỏi thế vì chàng thấy hàng vải nhiều lắm trên bộ ván sau lưng nàng. Bấy giờ chủ nhà mới tươi tỉnh lại đôi phần và đáp :

- Thưa phải, nhưng em kiếm không đủ ăn. Lãnh đồ trong xóm giá nhẹ lắm. Em phải lãnh thêm đồ ren và đồ thêu tay của hiệu Mỹ Trang ở đường Tự Do mới đủ xây xài trong một tháng.

Minh nhớ ra rằng Hương đã kể đời nàng về mười mấy năm về trước, nàng là nữ sinh trường nhà trắng, nên giỏi việc thêu thùa.

Minh ngó ra sân để nhìn lại cái cây cảnh mà chàng đã trông thấy hồi nãy. Cái sân còn hẹp lắm, nhưng vì chủ nhà trồng có mỗi một cây ấy thôi nên xem nó rộng thênh thang ra.

Cây cao độ một thước. Nói là bụi cây thì đúng hơn, vì thân cây gồm bốn năm cọng mọc chùm với nhau. Thân cây màu tía, có lông, hệt như cây trúc, lá cũng ốm và dài như lá trúc. Nếu không có màu tía, và trông xa người ta sẽ ngỡ đó là một khóm trúc kiểng, tức là thứ trúc nhỏ cây, trồng ở dưới chơn các non bộ.

Minh ngạc nhiên lắm mà thấy gia chủ trang trí sân nhà bằng bụi cây không đẹp đẽ chút nào ấy.

- Cây nầy là cây gì, thưa cô ?

- Dạ, cây me tây.

- Me tây ?

- Dạ. Lá của nó dùng để nấu canh chua, Nó chua như lá me. Còn Tây là tánh người mình hễ cái gì lạ là cho gốc Tây, Tàu cả : Ổi Tây, gà Tàu, xoài Huê Kỳ.

- Me, nhưng không giống me chút xíu nào...

- ... Còn Tây thì cũng phải Tây.

- Chắc cô ưa ăn canh chua lắm ?

- Thưa không !

- Vậy không lẽ cô trồng cây nầy để làm cảnh ?

- Đó chỉ là tượng trưng thôi, để nói rằng me Tây mà không phải me Tây.

Minh còn ngơ ngác chưa hiểu gì thì bỗng chàng thấy một đứa bé da đen độ bốn tuổi, từ đâu đàng xóm chạy vào sân.

Thằng bé đen mông mốc, tóc quăn quíu như một đống ruột gà bằng thép nhuyễn, vừa chạy vô nhà vừa khóc :

- Má ơi thằng Hiệu nó đánh con !

Minh kinh ngạc đến cực độ. Người đàn bà xinh đẹp và có nhiều học thức nầy lại là me Tây? Trời ơi, sao lại có chuyện trớ trêu như vầy ?

Hương ôm con vào lòng, hôn lên tóc quăn của nó, tình thương con của nàng thật và đậm đà vô cùng. Nàng dỗ dành :

- Ừ để rồi má đánh nó. Hận con nè, con không chào ông đây à ?

Bé Hận, cái tên kỳ dị nhỉ, day lại chào khách rất là Việt Nam, rồi lại dông đi chơi nữa.

Mắt của Minh thầm hỏi rất nhiều, Hương nhìn cái lưng đen của thằng bé đang mất hút ngoài xa, rồi bỗng nàng bụm mặt mà khóc òa.

Minh không dám thốt ra một lời nhưng chàng biết rằng sắp được rõ bí mật của đời bạn.

Quả nhiên khi đã bớt hơi, Hương ngước lên phân trần.

- Anh đã thỏa tò mò chưa ? Có ích lợi gì không cái hiếu kỳ của anh ? Bà Hoàng Hậu Trung Hoa thuở xưa khi đau nặng, đã từ chối không cho Hoàng đế vào thăm. Và vị Hoàng đế đó đã biết điều hơn anh.

- Có một khi kia, cô nghèo lắm à ? - Minh đánh bạo hỏi.

- Không. Bao giờ em cũng chỉ nghèo thế nầy thôi chưa đến phải lấy Tây. Nhưng lúc đó em tản cư về quê với má em. Rồi thì anh đã hiểu chuyện gì đã xảy ra trong ấy. Đó là một quân nhân An-giê-ri. Nó hiếp em chỉ có một lần mà để hận cho em đến bạc đầu. Em đã đặt tên nó là Lưu Trường Hận.

Minh nghe đau nhói nơi tim chàng như ai đã chọc một que nhọn vào đó. Giọng run run, chàng nói nghẹn ngào vì xúc động :

- Em... em Hương... anh mặc kệ... anh vẫn yêu em như hôm qua đây và sẽ yêu em mãi mãi.

Hương cười khanh khách và cười dài nghe rất ghê rợn rồi đáp :

- Không, anh lầm. Lòng anh đã gạt gẫm anh trong nhứt thời. Về sau, anh sẽ xấu hổ đến muốn bỏ trốn đi vì cái vết hoen ố trên đời của em, cái vết đen không bao giờ tẩy được. Em thương con em lắm. Lòng mẹ nơi em, đã ngăn em đưa nó vào Cô - Nhi - Viện để em rảnh tay làm lại cuộc đời - điều mà má em luôn luôn đốc xúi lúc má em còn sinh tiền. Như vậy trước mắt anh lúc nào cũng có cái gai chĩa ra. Không, anh lầm...

- Anh thề với em rằng...

- Vô ích, em hiểu lòng người nhiều lắm rồi. Thật là đáng tiếc ! Anh đã vỡ mộng đẹp, nhưng đó chỉ là sự trừng phạt xứng đáng tính tò mò của anh. Còn em có tội gì đâu mà cũng bị trừng phạt ? Em sẽ mất một người bạn đồng tâm hiệp ý, nguồn an ủi độc nhất của đời em...

- Không tình bạn giữa...

- Anh nên về, và đừng bao giờ trở lại đây nữa !

Minh chưa về ngay. Chàng ngồi đó để nhìn bạn khóc, không biết trong bao lâu.

Khi chàng trở ra sân, nhìn lại bụi me Tây, chàng mới hiểu được ý nghĩa tượng trưng của cây kiểng kỳ lạ đó : me Tây mà không phải me Tây, me Tây bất đắc dĩ chỉ bị miệng đời gọi vậy thôi, chớ thật ra...

(Tầm Nguyên, 1957)      
BÌNH NGUYÊN LỘC   

 (Trích từ tập truyện ngắn Diễm Phượng) 

Thứ Năm, 11 tháng 1, 2024

CÁI TẨY - Nhất Linh

 

Nếu không có một việc cần bất ngờ, thì có lẽ cả đời không bao giờ Vượng đi tới con đường quê hẻo lánh ấy. Đã thế ôtô đương đi tự nhiên ngừng hẳn lại. Thấy gần đấy có một cái chợ và mấy lớp nhà, Vượng để mặc tài xế chữa xe, đi rẽ xuống một con đường nhỏ tìm quán uống nước.

Chàng vào một cửa hàng tạp hóa, đưa mắt nhìn xem có chai nước chanh nào không. Bỗng chàng ngạc nhiên, kêu:

- Anh!

Một người mặc áo cộc trắng đương ngồi cặm cụi cho lạc rang vào chai, ngửng nhìn Vượng một hồi lâu, rồi đứng thẳng dậy như cái máy, reo một tiếng thật to, và cũng kêu như Vượng:

- Anh!

Vượng còn đương đứng ngẩn người nhìn bạn từ đầu đến chân, thì người bạn đã nhảy xuống đất rồi cứ chân không chạy ra kéo tay Vượng vào:

- Phải, tôi đây. Huy đây! "Huy địa dư" đây!

Vượng không ngờ đâu người bạn học cùng một trường với chàng đã hai lần đi thi tú tài, nay đương ngồi cho lạc vào chai ở một cửa hàng tạp hóa nhỏ, cạnh một chợ quê tiều tụy.

Huy gọi với vào trong nhà bảo pha nước, hỏi chuyện rối rít, làm Vượng không kịp trả lời: tuy vậy, Huy vẫn không quên cho nốt chỗ lạc rang còn thừa vào chai. Chàng lấy một cuốn sổ mỏng gập đôi lại rồi thả lạc trôi dần dần vào chai, và phồng má thổi mạnh cho vỏ lạc bay ra ngoài.

Vượng chưa kịp nói câu gì, vì chưa biết bắt đầu ra sao. Vừa mới nói được một tiếng "anh" thì bạn đã gật lấy gật để đáp ngay:

- Phải tôi.

Vượng gắt:

- Ai chẳng biết là anh. Nhưng anh làm gì ở đây?

Huy đáp:

- Nhà tôi đây... Anh chưa biết à?... Mà anh biết làm sao được. Anh ở Tây về bao giờ?

- Tôi về đã hai năm nay.

- Đỗ gì rồi?

- Đỗ kỹ sư.

- Khá đấy!

Huy khen bạn một cách thản nhiên không mảy may lộ chút thèm muốn, hình như đã lâu lắm chàng không nghĩ đến những sự thi cử, học hành...

Một người đàn bà không đẹp không xấu, mặc áo nâu cài khuy, chân đi guốc ở trong nhà bước ra. Huy nói khẽ:

- Nhà tôi...

Rồi chàng chỉ Vượng giới thiệu với vợ:

- Đây là bác ký Vượng ở trên Thái xuống chơi. Mình bảo nó làm cơm bác xơi.

Vượng lấy làm lạ không hiểu tại sao Huy tại tự tiện cho mình là một ông ký. Chàng mỉm cười ngẫm nghĩ:

- Có lẽ vì trong kỹ sư có chữ kỹ, đổi một cái dấu thì thành ký ngay.

Vượng không hỏi bạn vì lẽ gì, đành tạm cho mình là một ông ký vậy. Chàng từ chối không nhận ăn cơm, lấy cớ chỉ đợi tài xế chữa xe xong, lại phải đi ngay. Huy hỏi khẽ:

- Bác đi ôtô... Ôtô của bác? Thế thì bác bảo tài xế ở ngoài xe đừng vào đây, sợ nhà tôi biết. Rồi tôi sẽ cho bác hiểu vì sao.

Thấy có người vào mua hàng, Huy vội đứng lên:

- Xin lỗi bác...

Chàng tươi cười hỏi khách:

- Chè đầu xuân mới về, tôi vẫn để dành ông một bao đấy.

Chàng rút ra một bao, mở nắp để mũi vào hít ngửi mấy cái, rồi cẩn thận gói đưa cho khách, vừa đưa vừa thân mật hỏi:

- Thế nào, ông đã lo được tiền đăng cai cho cháu chưa?

Vượng để ý nhìn bạn vẫn thấy bình tĩnh như thường, không lộ vẻ khó chịu vì phải nói một câu đãi bôi, trái với ý tưởng. Chàng ngẫm nghĩ:

- Cái học trong bấy lâu thật vất đi cả... Hay là anh đã đổi cả tâm tính đi rồi.

Vượng lắc đầu chán nản, vì chàng nghĩ rằng sự nghèo khổ không nguy hiểm cho người ta bằng sự trụy lạc về tinh thần.

*

Người nhà bưng mâm cơm lên và đặt ngay ở giữa giường.

Đồ ăn tuy nhiều nhưng vì để trong những cái đĩa đàn trên một cái mâm gỗ đã bong sơn, nên trông không có vẻ ngon lành.

Vượng quay mặt cho bạn khỏi ngượng, vì chàng đoán chắc bạn cũng ngượng như chàng. Huy ngồi vào mâm so đũa nhìn mâm cơm, nói với Vượng:

- Hôm nay không phải phiên chợ, bác xơi tạm bữa cơm dưa muối. Thức ăn đã chẳng có gì, mà người nhà lại vụng về.

Nói vậy, nhưng Vượng thấy bạn có vẻ mặt khoái trá của người sắp được dự một bữa tiệc rất sang; chàng thấy bạn so những chiếc đũa sơn cong queo một cách âu yếm, và gượng nhẹ đặt ngay ngắn bên cạnh mâm.

Vượng thấy nét mặt và cử chỉ của bạn có vẻ tự nhiên, là những nét mặt và cử chỉ vẫn thường có hàng ngày chứ không phải tô tạo ra để cốt làm vui lòng một người bạn.

Ăn cơm xong thì trời vừa chiều. Huy rủ Vượng ra hiên sau ngồi uống nước.

Bên cạnh một giàn mướp đầy hoa vàng có để một cái bàn cũ và cái ghế tre dài. Vượng vừa hút thuốc lá vừa nhìn ra: cái cảnh khu cánh đồng bùn lầy, nước đọng phẳng lì đến tận chân trời gieo vào tâm trí chàng một nỗi buồn mênh mang, với những ý tưởng chán nản về cuộc đời sống ở những chốn quê hẻo lánh.

Bên một cái giậu nứa đã đổ nghiêng dưới sức nặng của những cây mồng tơi, một con lợn sề gầy gò, ve vẩy đuôi, lê bụng đi từ từ giữa một đàn lợn con chạy loăng quăng.

Huy ngả người vào lưng ghế, giang thẳng hai tay có vẻ khoan khoái bảo Vượng:

- Cái hiên này, mùa hè đến, mát lắm.

Vượng thấy bạn có vẻ hồn nhiên lạ lùng, hình như từ thủa bé chàng vẫn sống trong cái cảnh này, và chàng còn muốn sống trong cái cảnh đó cho hết đời. Lúc ấy Vượng mới nhận ra rằng mình buồn, mình thương bạn, không phải vì thấy bạn gặp cảnh nghèo, mà thật ra vì thấy bạn không thể nào thoát khỏi cảnh nghèo được, không có sức để cất đầu lên được nữa. Chàng lẩm bẩm một câu bằng tiếng Pháp:

- Thật là hết!

Chàng toan nói cho Huy rõ ý tưởng đó, nhưng chàng biết là vô ích, nên lại thôi. Huy không sao hiểu được nữa.

Hai người ngồi yên lặng một lúc lâu. Bỗng Huy quay lại phía Vượng hỏi đột ngột như đã đoán được ý nghĩ vấn vương trong óc bạn:

- Anh thấy tôi đổi khác trước nhiều có phải không? Bảy tám năm rồi còn gì?

Trời tối hẳn; Vượng và Huy không nhìn rõ mặt nhau, nhưng tiếng nói của Huy vẫn đều đều lọt vào tai Vượng; lúc nói chuyện, hai người cùng sống trở lại những ngày vô tư lự của cái đời học trò chín năm trước. Có tiếng vợ Huy ở trong nhà hỏi:

- Sao mình không thắp đèn lên?

Huy vội ngắt lời vợ:

- Thôi, không cần.

Rồi chàng lại bắt đầu kể chuyện cho Vượng nghe:

- ... Thế là tôi rớt về địa dư và lịch sử, mặc dầu anh em đã gọi tôi là "Huy địa dư".

Vượng nói:

- Anh rớt, có lẽ vì tại anh học thuộc quá, thuộc cả chấm câu, chấm phẩy và số trang.

Huy cười:

- Anh không nhớ có lần làm bài về địa dư, tôi bắt đầu ngay bằng một câu: "Như tôi đã nói ở trang 45, mục 7..." nghĩa là tôi cứ viết theo nguyên văn trong sách. Của đáng tội, trí học của tôi không lấy gì làm sáng suốt cho lắm, tôi chỉ được một cái chăm và học thuộc lòng. Mà chăm như thế, chỉ vì cốt thi đỗ để lấy Liên. Chắc anh đã biết Liên?

- Lạ gì, Liên con cụ Tuần Đạo.

- Chính đó. Nhưng năm đầu tôi rớt, Liên và nhà Liên đành lòng đợi tôi năm sau. Cái mộng được làm một ông tham, lại được lấy một người đẹp, con nhà giầu, cái mộng to lớn nhất trong đời tôi lúc đó, vì thế vẫn còn. Tôi chăm học bằng hai năm trước và học thuộc lòng cũng gấp hai trước... Thế rồi chỉ vì một cái tẩy...

Nói đến đây, Huy cười khẽ một cái, với điếu thuốc lá, đánh diêm châm hút.

- Kỳ thi năm sau, tôi trả lời các bài trôi chảy cả. Chỉ còn địa dư và lịch sử, tôi để lại sau cùng. Lúc vào phòng thi, tôi lo sợ phấp phỏng. Ông giáo chấm thi hỏi tôi câu đầu, tôi đáp ngay được. Ông bằng lòng lắm. Ông tươi cười toan cho nốt, nhưng gió quạt máy cứ chực lật tờ giấy chấm thi. Sẵn có cái tẩy, ông lấy chặn lên một góc giấy. Nhưng cái tẩy không chịu được sức gió, lăn ra ngoài, giấy cuốn cong chạm vào bút; ông hất ra mấy lần không được, đập tay xuống tỏ vẻ khó chịu và bảo tôi ra tắt quạt máy đi.

Ông hỏi sang địa dư... Thấy trán ông lấm tấm mồ hôi, sợ ông vì nóng quá đâm ra gắt gỏng nên tôi ra vặn quạt cho chạy. Ông mỉm cười khen:

- Tốt lắm, con ạ. (Très bien, mon enfant).

"Con" sung sướng lắm, hỏi đâu đáp đấy, trôi như nước chảy.

Ông cầm bút cho nốt và tiện tay lấy cái tẩy chặn lên góc giấy. Tôi lo lắm, chỉ lo tẩy nhẹ quá, gió lại hất giấy vào bút làm ông phát bẳn không cho nốt cao. Hai mắt tôi nhìn đăm đăm vào cái tẩy như bị thôi miên. Cái tẩy khẽ rung động. Tôi lẩm nhẩm:

- Này nó sắp lăn... nó sắp lăn.

Cái tẩy lăn đi một vòng. Tôi nín hơi đợi, nhưng vì lúc đó sức gió yếu, nên nó đứng lại ngay. Cái tẩy lại rung động, tờ giấy lật mạnh; thấy cái tẩy bị hất ra ngoài, sắp lăn xuống đất, tôi nghiêng người toan chạy lại; ông giáo vừa cho xong nốt, nhưng bị tờ giấy hắt vào bút, mực dây cả ra tay.

Ông ngửng nhìn tôi, và thấy tôi đương nghiêng người về đằng trước, chăm chú vào tờ giấy cho nốt, có vẻ khả nghi. Ông đập bàn:

- Được lắm, anh muốn nhìn nốt, tôi sẽ dạy cho anh cách nhìn nốt... Anh vừa gan vừa khéo nịnh... à, tôi nhớ ra... lúc nãy anh vặn quạt máy cốt để giấy lật, anh nhìn nốt cho rõ.

Ông liền xóa nốt cũ đi, cho tôi một con số khác, không phải hình quả trứng thì cũng hình cái gậy.

Lẽ cố nhiên là tôi rớt. Nhà cô Liên và cô Liên lẽ cố nhiên là không đợi tôi và đợi chức tham biện với số lương hơn trăm đồng mong ước kia. Tôi đau, tôi khổ, tôi kêu trời, kêu đất mất gần nửa tháng. Trí tôi không lúc nào không nghĩ đến cái tẩy. Nếu cái tẩy ấy nó nặng hơn một tí, một tí nữa thôi, thì tôi đã đỗ, cô Liên đã lấy tôi, tôi đã sung sướng...

Huy ngừng lại một lúc lâu, rồi nói tiếp một cách chậm rãi như cân nhắc từng tiếng:

- Bỗng một hôm tôi nghĩ ra. Tôi sực tỉnh. Tôi tự bảo: nếu bao nhiêu điều mình mơ ước, nếu hy vọng của cả đời mình chỉ dựa vào cái tẩy bé con, một cái tẩy khốn nạn, vô lý, thì hạnh phúc ở đời mình không thể nào chắc được. Đi đuổi tốn công. Phải làm thế nào cho hạnh phúc ở đời phải ở mình, chỉ ở mình thôi.

Huy nhắc lại:

- Hạnh phúc chỉ ở lòng mình, hạnh phúc chỉ ở sự yên tĩnh của tâm hồn. Khi mình đã có cái bình tĩnh đó, thì không cái tẩy nào làm mất được, thật là chắc chắn, kiên cố. Thế là từ hôm đó, tôi khỏi buồn, người tôi đổi khác hẳn. Tôi lăn lộn rất nhiều nơi, có lúc làm lụng vất vả trong các nhà máy, các hầm mỏ, có lúc giầu, có lúc nghèo... Ngồi bán chè ở cái chốn quê xơ xác này, nhưng chỉ cảnh ngộ đổi khác, còn ở trong vẫn không thay đổi. Nếu cái tẩy làm tôi vất vả thì trái lại nó đã cho tôi thấy hạnh phúc trong tám năm nay.

Một hôm lang thang đến đây tôi gặp nhà tôi, tính ra đến nay đã được hơn một năm. Tôi chưa biết là ở tạm, hay là ở hẳn vì đằng nào cũng vậy. Nhà tôi không rõ quãng đời trước của tôi, tôi phải tự tiện cho anh là một ông ký, vì tôi làm gì có một người bạn kỹ sư, sang trọng, có ôtô nhà như anh.

Huy cười nói thật khẽ:

- Nhà tôi cứ tưởng là tôi cũng dốt như nhà tôi vậy.

Mặt trăng từ từ lên sau mấy thân cau viền trắng; ánh trăng chiếu vào in rõ lên quần áo Huy những bông lá mướp gió lay động. Vượng lại nhìn rõ nét mặt bạn. Nhưng bây giờ chàng thấy bao nhiêu những ý tưởng buồn bã, chán nản về bạn tự nhiên tiêu tan hết.

 
NHẤT LINH         
 
(Trích từ tập truyện ngắn Hai Buổi Chiều Vàng) 
 
 

Thứ Hai, 8 tháng 1, 2024

TRẢ THÙ - Khái Hưng

 
Vừa nghĩ mưu trả thù, vừa cố dành tiền để thi hành cái mưu sâu ấy, Lưu đã loay hoay, chật vật hơn hai tháng.

Lưu làm việc nhà buôn, trọ và ăn cơm tháng ở nhà một ông thơ ký Sở Công chính. Và Lưu đã chăm chỉ học thêm để sửa soạn dự một kỳ thi gì đó.

Kẻ thù của Lưu là bà chủ nhà, một người đàn bà đảm đang yêu chồng, yêu con, nhịn ăn nhịn mặc để chồng con khỏi thiếu thốn.

Nhưng một mình bà hy sinh, bà cho là chưa đủ. Bà còn muốn người khác hy sinh cho chồng con bà nữa. Người khác ấy là
Lưu.

Lưu ngày hai buổi bận việc bán hàng. Trưa về được rỗi tất phải nghỉ ngơi. Vậy thì giờ học tập chỉ có thể về đêm. Vì thế nhiều khi anh thức tới một hai giờ sáng. Và vì thế bà chủ nhà luôn mồm kêu ca.

Trước bà còn mắng chửi đầy tớ không biết cần kiệm, giữ gìn bếp, lúc nào cũng sáng trưng, phung phí quá, để mỗi tháng bà phải trả tới năm, sáu đồng bạc điện. Sự thực món tiền điện tháng của nhà bà chưa bao giờ lên quá bốn đồng. Lưu hiểu rằng bà phán nói cạnh mình, nhưng anh cũng mặc. Mình cần phải học kíp, biết làm thế nào! Và anh lặng thinh mỉm cười, mỗi lần nghe tiếng bà chủ đứng cửa sổ dưới nhà réo xuống bếp giục đầy tớ tắt đèn, tuy ngoài buồng anh, các buồng khác đều không có một tia ánh sáng.

Về sau bà chủ xoay chiến lược. Bà thân mật khuyên Lưu:

- Ông thức khuya quá, như thế có yếu người đi không? Độ rầy trông ông gầy lắm. Ông ạ, ở đời chả gì bằng sức khỏe, tội gì mà cặm cụi.

Lưu cảm động trả lời:

- Xin cảm ơn bà, nhưng tôi sắp phải thi đến nơi rồi, không thức khuya để học thì không kịp mất.

Nói xa xôi mà không xong, nói tử nói tế cũng không xong, bà phán đành bảo thẳng cho Lưu biết:

- Mấy tháng này, vì ông thức đêm mà tiền điện tăng lên gấp đôi... Hay ông... mua lấy một cây đèn dầu hỏa mà thắp cho đỡ tốn.

Lưu đã toan kháng cự lại, vì anh cho một chục bạc tiền tháng của anh đủ trả rộng rãi hai bữa cơm xoàng và dăm giờ đèn điện. Nhưng chợt nghĩ đến cái đức tính lắm mồm lắm miệng của người đàn bà nội trợ đảm đang, anh lại thôi và chỉ mỉm cười, tức tối, hằn học.

Từ đó Lưu để ý vào việc trả thù.

Và một hôm, anh tìm được ra một mưu. Anh sung sướng với cái mưu ấy đến nỗi nghe bà chủ quát tháo, và nói ý tứ, anh bật lên tiếng hát.

Rồi sau hai tháng nhịn quà sáng, nhịn tiêu vặt, nhịn đi xe, anh có một món tiền để dành đủ mua... các vật liệu để báo thù. Đó là một cái đèn thủy tinh với cái chụp giấy xanh xinh đẹp, và một gói buộc dây rất kín đáo chặt chẽ.

Đi qua nhà dưới, - vì anh ở một phòng nhỏ trên gác - Lưu dềnh dàng và uể oải đặt các thức vừa mua xuống ghế ngựa. Bà chủ chạy ra sửng sốt:

- Ông mua đèn cho ai thế?

Sau cái thở dài mệt nhọc, Lưu đáp:

- Thưa bà, mua cho tôi... để dùng... đấy ạ.

Và trong khi bà chủ cố giấu sung sướng, lặng lẽ đứng nhìn, Lưu nói luôn:

- Từ nay tôi không cần đến đèn điện nữa.

Bà chủ chợt ngượng với khách trọ, ngập ngừng một nói câu đãi bôi:

- Tôi nói thế thì nói, nhưng ông cứ dùng đèn điện chứ tội gì lại thắp đèn dầu...

Chưa cho là đủ, bà còn tiếp thêm:

- Để đèn mười giờ thì có hề gì... có tốn mấy...

Lưu, giọng mỉa mai:

- Thưa bà được ạ, làm việc dưới ánh đèn dầu đỡ hại mắt hơn dưới ánh đèn điện.

Bà chủ nhà bám ngay lấy ý tưởng ấy:

- Thế à? Ông nói tôi mới biết đấy... Thảo nào mà ngày nay người mình nhiều người cận thị. Các cụ mình ngày xưa có ai phải đeo kính cận thị đâu? Thì ra vì đèn điện.

Bắt đầu từ hôm ấy, Lưu giữ lời, không hề mó tới cái vặn đèn điện. Bà chủ nhà không khỏi ngờ vực rằng đêm khuya chờ cho cả nhà ngủ yên, Lưu mới dùng tới đèn điện. Nhưng luôn mấy hôm, lần nào rón rén lên gác nhòm vào phòng Lưu, bà cũng thấy ông khách trọ ngồi trước cây đèn chụp xanh.

Bà cảm động. Và hối hận nữa. Hối hận rằng đã không được nhã nhặn với Lưu. Bà cố ăn ở tử tế kéo lại. Có buổi sáng bà đã mời Lưu dùng điểm tâm với chồng con bà.

*

Nhưng tháng ấy tiền điện lại tăng hơn hết mọi tháng trước.

Bà phán không hiểu sao. Bà buồn bực, khổ sở than phiền và ngờ cho sở điện tính sai hay tính gian. Bà phàn nàn với chồng. Bà phàn nàn với Lưu. Lưu phân trần:

- Thưa bà, quả thực cả tháng tôi không bật qua tới ngọn đèn điện.

Bà chủ vội đỡ lời:

- Vâng tôi vẫn biết thế.

Có một điều bà không biết là cùng với cây đèn Lưu đã mua một cái ấm điện, mà chàng dùng luôn để đun nước uống, nước rửa mặt, và cả nước đổ đi nữa, mục đích chỉ làm tốn thực nhiều điện cho bà chủ nhà cay nghiệt.

Lưu đã trả xong thù và vẫn được tiếng tốt là một người biết điều.
 
 
KHÁI HƯNG     
 
(Trích từ tập truyện ngắn Đội Mũ Lệch)