Bóng mát biến mất trên mọi đồi cát khi tôi lên đến đỉnh cao nhất. Nắng như muốn bửa đầu tôi ra. Dưới mái tóc dài sẽ cắt là một phiến não bé như con chí mà Kha vẫn ngạo tôi. Nhưng trong con chí, kiêu hãnh và tội nghiệp thay, chỉ có một chữ Kha. Những con chim cát phiêu quen thuộc sà xuống, lẩn quẩn bên vai tóc, rít trong mỏ nhỏ những tiếng nghịch ngợm. Ngó mông ra tứ bề tám hướng. Cát, cát cát... gần như muốn xóa bỏ cái xã hút hút màu xanh này dưới màu vàng của cát. Gió Tết vẫn còn thổi mù mù nên mấy tay nhiếp ảnh chưa dám léo hánh lên đụn cát săn ảnh.
Nhìn hoài nhìn mãi, những chuyến xe ọp ẹp bò rì rì nơi con đường ép sát giữa đồi cát và bãi đá để vào làng. Tưởng như thấy rõ trong xe những thùng dầu lửa đựng mắm, những tỉn nước mắm chằn chằn dây sóng lá, những thúng gánh lỏn chỏn mấy củ sắn cạnh mớ cá mai, ốc gạo, ốc ruốc... tưởng như nghe rõ cái mùi mằn mặn tanh tanh trộn lộn giữa bể khơi và cá mắm, những cái đầu đập lốp cốp trên thành xe khi xe đi ngang Cầu Đá... Những đôi mắt mệt mỏi gật gà gật gưỡng, những nét mặt thất thần khi xe e dè bò trong vùng Ngọc Hội thơm thơm hương rừng dừa bình an mà ngầm chứa đầy bất trắc. Kha sẽ ngồi đâu, trong chuyến xe nào... Nhớ mấy câu ru má thường hát lúc xưa:
Ngó ra ngoài biển mù chong
Thấy người thiên hạ sao không thấy chàng
Tóc dài sao vội cắt ngang
Thả bay trong gió hai hàng lụy sa
Trường hợp Kha và tôi tối mù hơn những điều mà tôi có thể nghĩ. Má tôi dọa:
"Ông ta mà đặt chân vô nhà nầy là má giết con trước rồi tự tử sau. Đừng nói chi đến chuyện ổng đi hỏi mày."
Cho đến cái xóm làng này, những bà già trầu khụ khị, những đứa con nít mới lớn lên choi choi, ngay cả bọn em gái tôi cũng chẳng có một mống nào bênh vực Kha - trừ tôi. Với họ, Ngạc là mặt trời soi tỏ một vùng biển này. (Họ không cần hiểu là nếu bước ra khỏi xứ còn biết bao nhiêu biển lạ, còn biết bao nhiêu mặt trời khác). Với họ, Kha như một người đàn ông kỳ cục, dị thường và... "không biết điều chút nào hết". Với họ, đám cưới của Ngạc và tôi là một đám cưới lý tưởng bên mọi cặp lý tưởng khác. Làm như má tôi sinh tôi ra là để lấy Ngạc và ngược lại...
Là đôi bạn quen nhau từ hồi còn nhỏ xíu, Ngạc thường dắt tôi rong chơi trên những vườn keo, bãi dứa, rừng dương, rẫy dưa hấu... Cạp chung củ sắn bươi được trên vồng đất đỏ, đắp cát ướt trên chân nhau xây nhà lầu đua rồi một! hai! ba! giậm nát, những đêm xách đèn bão lo khom xuống bãi tum bắt còng gió nướng trên kè đá ăn với muối tiêu chanh, cái tình đó đã tưởng như ruột thịt. Chúng tôi lại nằm trong hai gia đình có tiếng tăm về nhiều mặt ở đây, đó cũng là những sợi dây cột siết hơn thân tình có sẵn hồi xưa.
Ba tôi đẹp cứng, xương xóc, gan lỳ. Má đẹp mềm, nhu nhuyễn mà đảm đang. Bà gầy được vựa tre lớn độc quyền ở sông Bàng từ lúc ba đi, dư sức nuôi mấy đứa con nhỏ. Tôi là con đầu. Con đầu là con nhờ, con cậy, con tin, con tưởng. Là tấm gương đứng khửng để bọn em gái nhìn soi, két biết là bao nhiêu!. Má tôi, ba tôi và ba Ngạc xưa kia ở chung một tổ. Má Ngạc chết trong cơn lụt năm Thìn, Ngạc là con một. Tiệm sách duy nhất ở đây của nhà Ngạc mang tên tôi : Quỳnh Như. Anh chàng nói với tôi, giọng tự tin:
"Thấy chưa, ba đã chọn Như vào gia đình anh hồi Như mới lọt lòng".
Cái sự tin của Ngạc đập phải cái sự tin của tôi kêu lốp cốp. Cái óc Ngạc khác tôi, làm như lý tưởng hơn, hướng về đám đông hơn, ôm nhiều hoài bão hơn (con trai mà). Con mắt Ngạc khác mắt tôi, nhìn bao quát mà xa hơn để quên những tiểu tiết dọc đường. Đó cũng là một cái khuyết của anh chàng (và là một tai nạn chung cho hai đứa, có phải?). Trái tim của Ngạc càng khác tim tôi, một trái tim đeo kính viễn thị như anh chàng. Nhìn chung, Ngạc thật tội nghiệp, những tư tưởng thiên tả như là muốn hăng hái nhiệt cuồng hơn cả người trước (ba tôi, má tôi và ba anh) vẫn không làm Ngạc phồng to hơn chút nào đối với tôi.
Từ chối thẳng thừng "Đừng đi cưới hỏi tôi thất công. Làm sao mình có thể sống chung với nhau. Tôi ích kỷ, hẹp hòi. Lại còn những rắc rối. Liệu anh có thể tha thứ tôi được không?"
Ngạc hớn hở gật đầu:
"Anh hứa, sẽ quên, sẽ tha thứ hết."
"Ồ! Anh hiểu lầm rồi, tôi muốn nói về Kha như một nỗi kiêu hãnh chớ không phải là một lời thú tội".
"Anh tha thứ nhưng tôi không tự tha thứ thì sao. Anh quên nhưng làm sao anh tẩy được chữ Kha trong tôi?"
Ngạc kêu lên:
"Nhưng mà Như, anh yêu em."
Tôi xuýt té xuống đất vì cười. Tôi vẫn dặn Kha:
"Bao giờ ông đi tán thiên hạ nhớ đừng bao giờ cầu viện đến ba chữ anh-yêu-em kẻo thiên hạ cười cho vỡ mũi."
Kha hét vao tai tôi:
"Ê nhỏ, tôi ghét em". Tôi nói rất nhỏ. "Em cũng ghét ông."
Chúng tôi phá lên cười, nhìn thấy ngập trong mắt nhau những chùm tình xanh nở ra, thơm ngát. Làm sao Ngạc có thể nói với tôi những lời ẩn dụ vô ngôn như thế mà đòi trói đời tôi, suốt kiếp!
Chuyện thật vô lý thế mà lại xảy ra. Tôi lắc đầu. Mặc tôi khóc mếu. Mặc tôi lẫy cơm. Có sao đâu. Mồng sáu Tết, tốt ngày giờ kiết là giờ Tuất được chọn làm ngày hỏi nhân dịp tôi và Ngạc về thăm nhà dịp nghỉ Tết. Năm đầu đại học, tôi ở Sàigòn. Sau khi một chuyện dài của Kha đăng tải, thiên hạ khôn ranh như tinh, đồn đãi thấu ngoài nầy, năm thứ nhì, má tôi ra Huế, gởi tôi ở nơi nhà nội của Ngạc.
Kha đâu biết, đi đến đâu thiên hạ bắt hát, tôi chỉ hát độc hai câu "Núi cao chi lắm núi ơi, núi che mặt trời chẳng thấy người thương." Kẻ trường sơn thượng, kẻ trường sơn hạ. Cách nhau cả dãy núi dài. Ngự Bình quá thấp. Tà Dôn, Tà Cú quá thấp. Lâm Viên quá thấp. Nhưng leo lên tận đỉnh vẫn thấy những ai ai. Dạo này Kha đi công cán nhiều nơi. Trên đường từ Huế về thăm nhà ghé qua Sàigòn không bao giờ tôi gặp. Nguệch ngoạc vài chữ.
"Mới về. Đến ngay. Không thấy. Đi đâu mà đi hoài vậy. Ghét quá..."
Chúng tôi, như là được xếp đặt trong một trò chơi đọa đày nào. Tựa hai tên chim tội tình. Con chơi vơi núi Bắc. Con lòa lòa bể Đông...
Hai mươi chín Tết, vào Sàigòn cũng không gặp Kha được. Má tôi dư sức biết đi Sàigòn chỉ là một cái cớ nhưng cũng không ngăn. Ngày tháng tốt đã chọn, tôi chỉ có thể từ chối đám hỏi bằng cách bỏ nhà đi luôn là một việc mà bà chắc rằng không thể nào xảy ra với một con bé phách tấu nhưng nặng tình gia đình như tôi. Tôi đứng nói chuyện với Khiết qua khung cửa sổ vì chìa khóa cửa lớn Kha đã mang đi. Thằng bé Khiết con của Kha là đầu mối của mọi quyết liệt của má tôi.
Bà không hề hay rằng chính bà cũng là cái đầu mối đẩy đưa tôi gặp Kha. Bà không thể đoán ra Kha là cái anh chàng trẻ tuổi đứng sựng nhìn bà cách đây hai mươi năm trên sườn núi Láng Bò. Chính má kể tôi nghe. Hai người cách nhau một sạn đạo lửng lơ trên khe suối hẹp sâu. Nhìn nhau độ mươi phút. Không nói lời nào. Anh chàng rồi đi ngược lại lối đến để nhường sạn đạo cho má. Má không để tâm nhưng sau này lúc sắp về thành, người bạn gái có chuyển đến vài bài thơ chép tay ký tên tắt K.N. nhắc nhở lại buổi trưa sững nắng cây im, sạn đạo chênh vênh của Láng Bò và người con gái tóc dài áo bà ba đen với ruột tượng gạo trên vai.
Má tôi tên Nga. Nguyễn thị Túy Nga. K. phải là tên của anh chàng. Tôi đọc thơ K.N. năm lên mười. Lúc đó, chàng trẻ tuổi tên K. đẹp như một nhân vật cổ tích. Phủ thêm cái ánh xanh biếc sáng lạnh của những bài ca u uất của rừng rú và những ngày ba mới bỏ đi, má hát ru chúng tôi giữa những ngặt nghèo túng bấn dập dồn vẫn không nguôi trong trí nhớ tôi những cảnh tượng người vật hào hùng cao cả. Chiều tà hay khuya khoắt, nắng quái hay mưa đêm, tiếng hát lẻ loi buồn lạnh của má cất lên đủ làm con nhỏ chút chun tám, chín tuổi là tôi nghe thấm tận tủy xương một nỗi gợn tê khó tả.
Những "Bà Tư bán hàng..." "Ai qua miền quê binh khói"... và nhất là cái bài "Chiều nay ra đứng bên bờ suối vắng"
Lặng nghe con chim nó kêu lạc đàn.
Núi rừng đó người đâu chẳng có.
Để dấu chân còn cả trên rừng.
Người đi năm xưa chưa mờ bóng dáng.
Người đi năm xưa vẫn chưa trở về.
Suối rợp lá cành khe đá lấp dấu chân người cũ trên rừng.
Gió trên núi rừng lạnh lắm không có lều mà che.
Mưa trong đêm khuya mờ mịt theo ánh sao rọi đường.
Nước suối cầm hơi hỡi anh đi về đâu.
Đánh cái bọn giặc Pháp giữ cái buôn cái làng.
Đi theo cái khe, theo cái suối, theo dấu chân chỉ đường.
Tất cả, ba má tôi, ba má Ngạc, những giai thoại, những khúc nhạc bi tráng cùng gieo trong Ngạc và tôi những mầm hạt kỳ diệu nhưng nếu ở Ngạc nẩy lên được một thân leo muốn vươn hoài vươn mãi với tham vọng nối kết được bao người thì ở tôi chỉ nở rất lẻ loi một nhúm hoa kỳ khôi phất hương lãng mạn...
Năm mười sáu tuổi, tình cờ đọc tập tùy bút "Khói Rừng Hoang Sơ", thấy lại má mình được vẽ bằng văn xuôi, những sợi văn mỏng, và thơ như khói, tôi rớt nước mắt vì vui mừng khi tìm ra tông tích cái anh chàng K. ngộ nghĩnh đó. Cái thư đầu tiên tôi viết cho Kha với cái vẻ lo sợ và hớn hở của một đứa trẻ con trong trò chơi ú tim lạc giữa rừng cây quanh co bỗng khám phá được nơi hang hốc kia một nhân vật cổ sơ còn sống sót. Bọn bạn gái tôi phần đông đều thích văn Kha. Tụi nó thâu thập ở đâu nhiều giai thoại khá ly kỳ quanh Kha. Sau này chúng nó sỉ vả tôi không tiếc lời khi biết được cái giai thoại ly kỳ nhất của Kha ở sát bên cả bọn. Có lần con Phụng quả quyết Kha nói ra Nha Trang ở nhà một người bạn già, ngôi nhà cổ có hàng nhãn trước nhà.
Đậu xong Tú Hai, Kha là người đầu tiên tôi gặp khi bước xuống Sàigòn. Tôi lơ ngơ láo ngáo trước anh chàng cao ốm lêu nghêu.
"Em nhỏ, em lớn hơn tôi tưởng tượng".
Tôi lấy lại bình tĩnh:
"Em lại cứ tưởng ông già khụ râu ria kia chớ".
Kha nắm tay tôi.
"Để tôi dắt em qua đường".
Tôi rưng rưng muốn khóc. Lãng mạn nghĩ rằng: Phải chi Kha là ba tôi, chắc tôi sẽ tha hồ nhõng nhẽo đòi ông dắt đi chơi quanh quất Sàigòn. Hình ảnh đó làm sao tôi quên. Chiếc va-li lục cục dầu tràm, khăn quàng cổ của mẹ, tôi nhét vào khi tối. Cái giỏ đựng nước mắm, mực khô triều cống cho người thím mà tôi phải vào đó ở mấy ngày đầu. Kha giành xách hết. Và tôi. Nhỏ nhẻ bước sau lưng...
Thỉnh thoảng Kha dừng lại cười mỉm khuyến khích nhìn tôi. Đường tối dần. Những chiếc tắc-xi không còn chỗ trống. Bỗng dâng ngộp trong tôi một nỗi lo sợ nào đó. Bây giờ mới biết rõ. Không phải sợ một Sàigòn mới gặp. Phải nói là tôi chưa bao giờ sợ Sàigòn. Rừng rú đã từng xông pha. Sóng bể cũng đã từng nhồi quật. Xá chi cái thành phố chen chúc tội nghiệp này. Nhưng mà Kha mãi mãi với tôi vẫn là một nhân vật cổ tích. Kha đi trước tôi. Bóng đổ mờ mờ. Nhưng tôi vẫn chưa tin là thật. Ba bỏ tôi đi sớm quá. Đủ xui tôi dồn tất cả tình thương cho người-đàn-ông-đúng-nghĩa-đàn-ông đầu tiên mà tôi gặp.
Thằng bé Khiết là một cái khuôn của Kha thu nhỏ. Tóc đó, như rừng, miệng đó, bìu bĩu cao ngạo cô đơn. Kha gởi nó vào nội trú. Chủ nhật, Kha đón Khiết và tôi, đi đến bất cứ chỗ nào có thể đến được. Bạn bè Kha đông đến khiếp, gặp ai cũng khoe.
"Em gái moa đó. Giống không?"
Thế mà có người đòi giới thiệu mới chết chứ. Anh chàng cười cười.
"Có người đi hỏi nó rồi. Bà cụ hăm moa mẻ răng. Bảo phải giữ gìn nó cẩn thận".
Không như những độc giả ái mộ Kha, tôi ít để ý đến chuyện viết lách của anh. Bực nhất là những chuyện thấp thoáng dáng tôi. Tôi không thích nhiều người bết. Sẽ khó sống yên. Cái màn ngăn nhau quá đẹp. Một người xem một người như thánh. Một người xem một người như tiên. Nhưng hãy để mọi người nhìn và quên ta như rơi nhúm cỏ bên bờ cọng hoa dại trên non. Bởi ước ao tôi, đâu ngoài hai chữ cỏ cây. Như cỏ cây, nhờ nắng gió sương mưa tựa nhau lớn mạnh quên đời riêng quên những hệ lụy quanh ta. Kha không nghe lời tôi.
Huế rộng hơn Nha Trang mà ý tứ, xét nét hơn Nha Trang nhiều. Tôi đi dưới mưa long ngong như con còng gió. Một mình. Mình một. Bơ thờ. Tựa cây. Cây ngã. Tựa bờ. Bờ xiêu. Bờ là Kha là Ngạc hay là những ai ai (những người tôi thương và những người yêu tôi) thì cũng là những bất hạnh như những cánh tay sóng chẳng bao giờ buông tha những lâu đài cát. Chỉ một lần đó. Mưa làm tôi nhớ Kha.
Sáng ba mươi, trên chuyến xe về Nha Trang tôi thấy Kha chở thằng bé Khiết phía trước. Một cái đèn đỏ. Kha rẽ trái. Tôi nhoài người ra. Tiếng kêu nghẹn trong họng. Đêm qua, chờ đến gần giờ giới nghiêm tôi phải về không gặp Kha trước giờ giao thừa má dắt tôi qua nhà Ngạc, trong bóng tối vườn dừa, Ngạc nắm tay tôi. Chiều mồng một tôi bận áo đẹp, quần đẹp đi thẳng ra bể cho đến lúc nước lên dần tới mũi. Rồi quẫy lên như một con cá. Phải chi đừng biết bơi lội thuần thục, tôi hẳn đã là món quà Tết không tệ cho bọn cá mập ngoài khơi.
Má úm tôi bằng mền lớn khi tôi ướt nhớt lập rập láo ngáo thất thần về nhà. Ngủ đi con. Má hát cho con nghe đi má. Cái bài "Chiều nay ra đứng bên bờ suối vắng..." đó má. Lũ em tôi đôi mắt đỏ hoe. Chiều hôm sau tôi mới thức dậy. Có tên bạn ghé nhà. Nó ở Qui Nhơn đang học năm cuối ở trường nữ trung học. Kỳ trại cho học sinh toàn tỉnh ở đảo Hạnh Phúc, tôi chú ý mỗi nó. Con bé từ diện mạo đến tính tình rất con trai. Trong lúc bọn con gái e dè đẩy xô nhau rón rén lội lõm bõm vào bờ thì con bé mượn cây chèo thuyền chống xuống nước búng mình vào bờ như lực sĩ nhảy sào rồi phóng chèo trả lại, phủi tay, xốc ba lô tiến vào đảo. Đêm lửa trại trăng sáng ướt, giữa lúc bà con ca hát diễn kịch quanh soong chè, tôi bỏ ra bãi định bứt vài nhánh rong Mơ óng ả một rừng nơi đáy bể gần bờ, để gởi cho Kha thì gặp con bé nằm hát một mình trên đỉnh một đụn cát. Nó choàng dậy xin tôi một cọng rong Mơ và tự giới thiệu.
"Trên giấy tờ tôi là Đông Ngâm nhưng bạn bè ưa gọi ngược lại. Bồ muốn gọi tên nào tùy ý."
Hai cái tên tố cáo con người nó. Vừa lãng mạn vừa ngông bướng, khi nồng nhiệt lúc lạnh lùng, sống có vẻ rong chơi và khá bất chấp...
Ngâm không ngạc nhiên chút nào hết. Nó ngủ lại với tôi đêm đó. Hỏi tỉnh queo.
"Thế nào? Thú không?"
"Sóng nâng tao lên, mới biết mình không nỡ nhẫn tâm như mình tưởng mình có thể. Mày thử chưa?"
"Mới tuần trước. Tao ngồi trên cửa sổ lầu của lớp học. Muốn mọi người nghĩ là một tai nạn nên không nhắm hướng. Bèn bị rơi xuống một tấm chắn của cửa sổ tầng dưới. Hỏng bét. Cũng may là tụi bạn tưởng tao trúng gió".
"Đông Ngâm! Ngó bộ mày hạnh phúc quá chừng mà. Chẳng lẽ cái chuyện bị đuổi vĩnh viễn ra khỏi trường đối với mày quan trọng như vậy sao?"
"Đời nào. Chẳng qua, cơn điên khùng đó đến từ một lúc nào không rõ."
Tôi úp mặt vào gối:
"Tiêm dùm tao chút can đảm của mày."
"Ngược lại, mày can đảm hơn tao nhiều. Nếu là mày thì giờ khắc này có lẽ tao đang ngồi hối hận về một chuyện gì đó rồi. Ngộ nghĩnh nhất là trong thông cáo đuổi tao phổ biến toàn trường cái tội của tao đã được gọi là "vi phạm đạo đức học đường". Riêng nhóm dân Q.N, ở xa, Tết mới về thăm thì xếp mày và tao chung vô một nhóm: Lãng mạn. Tiếu ngạo kể gì chưa. Lãng mạn cũng là một tội lỗi nữa sao. Tội đã gì nặng hơn người đàn bà bị ném đá trên đỉnh Olive. Thì hãy tiếp tục lối đi ngẩng cao phách tấu như lâu nay. Những bàn tay run rẩy bám đầy bụi bẩn chưa rửa sạch làm sao liệng đá thấu mình..."
Những lời của Đông Ngâm càng làm tôi buồn bã, ngậm miệng chua xót hơn. Sáng hôm sau nó về, không hề biết giờ tuất, mồng sáu Tết năm Quý Sửu này lối đi nghinh ngông chỉ còn mỗi nó. Hay nói khác đi đúng vào giờ đó, nó chính là cái bóng của tôi phóng ra ngoài. Phần xác còn lại được trói bởi những ngón tay ướt run của Ngạc. Những bước của đời riêng phải cắt. Ba má của Đông Ngâm đều phóng khoáng, họ tin tưởng đứa con gái út nghênh ngang như con trai đủ khôn ngoan để quyết định mọi chuyện và họ chưa bao giờ thất vọng. Nhưng tôi, tôi còn hai đứa em gái.
"Bộ mày muốn đổi nửa đời hạnh phúc của mày lấy vài năm sung sướng của những người thân sao?"
Má tôi khóc khi nói với tôi:
"Nếu con lấy cái ông hơn con đến mười mấy tuổi đó thì cầm bằng như con giết chết cuộc đời của hai đứa em con. Má thì già rồi. Chỉ mong gả xong ba đứa là yên lòng nhắm mắt."
Những viên đá tứ phương thập hướng thiên hạ liệng đến không làm con nhỏ bướng bỉnh như tôi bị đau nhưng làm sao tôi vui vẻ sống bên Kha khi những người thân của tôi nhào ra hứng đỡ.
Tôi chạy thốc lên ngọn hải đăng bỏ hoang đầu mũi đá. Trước đèn lò những tảng đá khổng lồ từa tựa những cái đầu của đàn bà, trông như một loại vọng phu đặc biệt. Sau hải đăng là nghĩa địa. Những nấm mộ hình hộp chữ nhật dằn đầy đá và vỏ sò, ốc để chặn cát bay. Cổng vào có bốn chữ khắc: "Chờ Ngày Sống Lại." Những lần bướng bỉnh đòi uống cà phê để tim mệt ngất, khi tỉnh lại, tôi tươi tắn trối:
"Lỡ như em có gì gì nhớ nói má chôn em ở ghềnh Đá Hòn Chồng. Nằm đó nhìn trời rộng, mong buồn xa, nghe dương liễu hát và ấp giấc mơ: "Chờ ngày sống lại..."
Bạn bè Kha trêu tôi là ba-bi-lắc. Ly sữa trắng của tôi cạnh ly cà phê đen của Kha có vẻ bố con thế nào ấy. Thằng bé Khiết thì đòi trộn cả hai cho nó.
"Thấy không nhỏ, Khiết cần cả em lẫn tôi."
Tôi cười khúc khích:
"Bảo nó gắng chờ ngày em sống lại."
Tôi đứng ngoài bao lơn của chót hải đăng. Nắng quái tà úa hanh hao. Gió phần phật áo quần. Sóng như chụp rồi tuôn giàn giụa từng dòng trắng xóa trên những kè đá lổn ngổn dẫn ra đảo nhỏ. Mùa nầy, năm ngoái có một thằng bé chết vì sẩy chân trên đỉnh hải đăng. Dạo đó đèn bỏ hoang, chuột cống lúc ngúc to bằng bắp chân người làm thằng bé hết hồn thối lui đến vấp té nhào xuống thang. Mẹ nó hóa điên. Người ta đổ thừa vì bà định tái giá với ông tàu già nên thằng bé giận mẹ tự tử. Cái con bé Đâm Ngông, như là thích rơi và phiêu chớ không phải là tự tử. Riêng tôi, chắc sẽ không có lần thứ hai. Chết trong đời sống hay sống trong đời chết thì cũng vậy mà thôi...
Rồi Kha đến, như dông như bão. Rồi Kha đến, như mơ như ảo. Đôi tay Kha lỏng lơ:
"Hành lý anh đâu?"
"Em sẽ là."
"Nói kỳ cục chưa. Giờ Tuất nầy là giờ kiết, đám hỏi sẽ cử hành."
"Anh dự được không?"
"Em đâu có quen anh."
"Anh sẽ nhìn người quen của má."
"Không được đâu."
Cơn mưa đổ xuống đầm đầm cát cỏ. Những cọng cỏ kim hình chong chong nhọn hoắt hồi đó mang vào tận Sàigòn cho Kha. Lẫy một chút là anh chàng châm cỏ vào tay tôi đau điếng.
"Em nhỏ, những lời nói của em đâm tôi đau hơn thế nữa."
Kha hét để át tiếng mưa:
"Khiết bệnh từ lúc em đi. Nó đòi anh gọi cô Như về chơi với nó."
Tôi cũng hét cho tiếng mưa nhỏ lại, lần này thì không cười được:
"Anh thấy cái cổng kia không? Biểu Khiết gắng chờ ngày em sống lại."
Mắt Kha long lanh:
"Đứa con đầu lòng gắng sanh con gái nha."
"Chi vậy?"
"Con gái sanh năm Quý tốt, hai đứa mình làm sui gia"...
"Nhảm, em là Quý Tỵ nè, có sung sướng chi đâu. Thôi rán chờ nghe ông bạn lớn của em. Như là má mắc nợ anh chưa trả, đời em cũng chưa trả xong, em sẽ nhờ con gái em trả dùm".
"Anh nói chuyện đứng đắn mà. Nào nghéo tay đi. Để hứa mình sẽ là sui gia."
Ngón tay út Kha móc vào ngón tay út tôi. Cứa hoài không đứt. Phải hạ một đao thật ngọt. Nhầy nhưa nhỏ máu hoài sao. Tôi hạ giọng theo nhịp mưa:
"Anh chờ tối không được đâu. Hình như còn một chuyến xe chiều chót về Phan thôi. Sáng mai di chuyển sáu giờ về sớm Sàigòn kẻo Khiết mong"...
Ngón tay Kha rời. Tôi tần ngần nơi bao lơn. Ngón tay út áp lên cằm. Còn ấm nóng. Chiếc xe cuối dời Mũi Né lăn chậm qua khúc lượn dưới chân đồi cát ẩn hiện sau những hàng dừa. Tôi muốn đứng tim khi xe dừng lại một phút ở Sa Thạch. Nhưng không có chi. Một người đón xe dọc đường. Chiếc xe lại lăn, lắc lư lắc lư như thể một ngón tay cứa một ngón tay, chưa muốn đứt...
Chiều mù. Xe đã khuất. Gió lạnh hơi cát sương. Những bước chân Kha còn in rõ mồn một trên cát ẩm. Bước xoãi dài. Dễ chừng bằng hai bước của tôi. Nhớ bài hát hồi đó má thường ru ngủ:
... "Đặt chân lên dấu chân người đã khuất
Trồng cây hoa lên dấu chân của người
Suối ngừng xối, rừng thôi khoe lá
Để bóng mơ người cũ lại về..."
Tôi đặt bàn chân nhỏ của tôi lên dấu chân to lớn của Kha. Ngạc đứng đó tự bao giờ. Mặt Ngạc xám ngoét, anh lầm rầm trong miệng: "Nhưng anh vẫn yêu em, nhưng anh vẫn yêu em"...
Trên lối về nhà, tôi khóc ngất bên Ngạc. Cái điệp khúc anh-yêu-em cứ được nhắc đi nhắc lại hoài nhưng tôi chẳng còn hơi sức nào để cười anh nữa.
Nguyễn thị Ngọc Minh
(Trích từ giai phẩm Văn số tháng 8-1973)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét