Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2024

ME TÂY - Bình Nguyên Lộc

 

Minh toan mở cửa xe thì một giọng âm ấm sau lưng chàng nổi lên :

- Xin lỗi ông, tôi bắt xe trước !

Chàng quay lại thì thấy một thiếu phụ định qua mặt chàng để giành lấy chốt cửa xe. Chàng nhìn người tài xế, lặng thinh, nhưng hất hàm để hỏi thầm :

- Ai kêu xe anh trước ? Tùy anh quyết định đó.

- Ai kêu thì tôi không biết, nhưng tôi thấy ông ra hiệu nên ghé lại.

Minh mỉm cười nhìn thiếu phụ và cũng cứ nói thầm bằng mắt :

- Cô thấy hay không ? Tôi có quyền.

Thiếu phụ cũng mỉm cười gượng gạo và cũng nói thầm :

- Thôi thì ông lên vậy.

Bỗng người con trai may mắn nầy thừ người ra. Chàng chợt để ý đến thiếu phụ và nhận ra rằng chẳng những nàng đẹp mà thôi, nàng còn hạp nhãn chàng nữa.

Trên đời nầy không thiếu gì người đẹp. Nhưng không phải hễ đẹp là được đàn ông mê đâu. Có nhiều vẻ đẹp, mà mỗi người đàn ông chỉ bị một vẻ đẹp nào đó quyến rũ thôi. Thấy vẻ đẹp ấy, người kia bị lung lay cả thần kinh hệ như là bị sét đánh. Hạp nhãn là như thế ấy.

Minh liền nhớ ra rằng giọng cô nầy ấm, khác xa với giọng trong trẻo của phần đông phụ nữ khác. Cái giọng nói kia mà người ta đặt tên là giọng thổ, và không được hoan nghinh nơi người đàn bà, Minh lại thích. Chàng để ý rằng phụ nữ nào có giọng thổ cũng có bản ngã đặc biệt, luôn luôn vượt ra sự tầm thường.

Do dự một giây, Minh nói :

- Theo phép lịch sự thì tôi phải nhường cho cô, mặc dầu tôi có quyền, nhưng tôi lại gấp đi công việc riêng, nên thôi, xin mời cô cùng lên rồi ta chia hai tiền xe... À anh tài nầy, anh có phản đối hay không ?

Người tài xế cười đáp :

- Bà con đi xe như vậy, riêng tôi, tôi không bị thiệt hại gì hết. Chỉ một đồng nghiệp của tôi là thiệt mất một cuốc xe thôi. Nhưng mà... ế quá thì tôi cũng xin không phản đối.

Minh mở cửa xe đưa tay lặng mời thiếu phụ lên trước.

Chàng đóng cửa xe lại rồi nói :

- À quên, tôi quên hỏi cô đi về đâu ?

- Em về Phú Nhuận.

- Vậy à ! May quá, tôi cũng về đó.

Minh nói láo, chàng chỉ ra chợ Bến Thành thôi, nhưng muốn ngồi gần cho thật lâu với người đàn bà nầy nên chàng không ngại tốn tiền. Không ngại vì đường xa, cũng không ngại vì phải trả bao. Phải, nếu cùng đi tới một nơi với nhau thì chàng trả một mình, đẹp hơn là bắt thiếu phụ chịu phân nửa như đã đề nghị thế cho thiếu phụ an lòng mà nhận lời.

Minh cố lì lắm. Đáng lý ra chàng phải ngồi phía trước với tài xế, trong một trường hợp như vậy. Nhưng chàng giả đò quên chi tiết lịch sự ấy đi.

Người bạn đường của chàng có vẻ là một người đàn bà hơn là một cô gái. Không phải là vì tuổi tác đâu. Lắm cô gái lỡ thì đã ba mươi mà vẫn còn phong độ tươi mát như chiếc áo mới gói cất lâu năm. Cô nầy chắc chưa được hai mươi lăm, nhưng không còn tươi lắm.

- Thưa cô, cô ở Phú Nhuận mà lối nào, xin cho biết để xe chạy cho đúng đường.

- Em xuống nơi nào mà thầy xuống ấy.

- Không, tôi không thể cho cô biết nơi tôi xuống được.

- Như vậy thì xin bỏ em trước nha quận Tân Bình.

- Sao cô không về thẳng nhà ?

- Em cũng không cho thầy biết nơi em xuống.

Cả hai cùng cười, Minh thì cười vì thấy thiếu phụ trả đũa ngay, còn thiếu phụ thì chắc cũng cười vì cách trả thù nhỏ mọn của mình.

Minh đoán rằng chồng cô ta ghen dữ tợn lắm nên cô ta không cho chàng đưa về đến nhà. Nhưng không hiểu sao, chàng lại có linh giác rằng cô ta không có chồng. Ừ, cô ta là đàn bà, đành vậy. Nhưng có khối người đàn bà không có chồng trên đời nầy.

Có lẽ thấy người ta đẹp, chàng mong thầm như vậy thôi chớ có dấu hiệu gì đâu, chứng tỏ là cô ta không chồng, còn trái lại nữa là khác.

Xe chạy sao mau quá, chưa chi đã qua cầu Kiệu rồi. Thôi, chỉ còn độ hai phút nữa thì chia tay, biết bao giờ mới gặp lại nhau.

Minh không cho xe chạy khi giai nữ xuống trước quận Tân Bình. Chàng cố ý đợi xem cô ấy đi về hướng nào. Nhưng cô ta tinh khôn lắm, nên cũng không chịu đi.

Rốt cuộc chàng nhượng bộ, vì đồng hồ cứ nhảy và số tiền cứ tăng lên từng phút một.

Minh ngỡ đây chẳng qua là cuộc gặp gỡ hay hay như bao nhiêu cuộc gặp gỡ khác thôi, rồi một tuần lễ sau là chàng quên mất người ngọc. Nhưng mười ngày qua mà bóng dáng thiếu phụ quen mười phút kia cứ lảng vảng trước mắt chàng.

Chàng đã đi Phú Nhuận mấy lần, không hy vọng gì nơi người đàn bà có chồng kia, nhưng chỉ cần thấy mặt cô ta thôi.

Mấy xóm nhà quanh đó đều bị chàng lục lạo, nhưng vô hiệu quả. Con chim trời bay đi là bay mất biết phương nao mà tìm.

Người ta nói chứng bịnh tương tư chỉ là câu chuyện bịa của bọn văn sĩ ngày xưa thôi, nhưng Minh nghe rõ là bịnh đó có thật. Chàng không nghe đau đớn gì cả, cũng chẳng đau khổ chút nào. Còn buồn thì chỉ thoáng buồn sơ sơ thôi chứ không buồn thấm thía như cái lần đầu mà chàng bị tình phụ.

Nhưng lạ sao, chàng ăn không biết ngon, mà dỗ giấc ngủ lại khó vô cùng. Gặp bạn, họ cho chàng hay là gương mặt của chàng sầu thảm lắm. Không, chàng có buồn nhiều đâu mà đến đổi lộ ra mặt !

Hôm ấy, Minh đi từ phía Quốc Hội để lên hiệu sách Xuân Thu. Một anh thợ nhiếp ảnh đứng thẳng người, nện gót giày kêu cái rụp như kiểu quân nhân chào. Đoạn hắn chìa ra một tấm thẻ. Không thích chụp ảnh vì biết mình không ăn ảnh lắm, nhưng bận lo ra, Minh đưa tay nhận lấy thẻ.

Nhưng anh thợ trẻ măng kia nói :

- Xin lỗi ông, em chụp cô kia.

Cô kia là một người đàn bà đi sau chàng một vài bước, bên hông tay mặt của chàng. Nãy giờ chàng có nghe tiếng giày của cô ta, nhưng không để tâm tới. Từ ngày gặp gỡ, không còn người đàn bà nào trên đời mà đáng kể nữa cả, đối với chàng.

Minh tức giận vì bị việt vị nên toan cự người con trai thợ ảnh. Hắn hoảng sợ nói :

- Nhưng rồi em lại chụp ông.

Nhưng nó không chụp chàng được vì, thấy người đàn bà từ chối tấm thẻ, chàng day lại nhìn cô ta rồi đứng lặng ra, không day mặt trở lại nữa.

Thiếu phụ cũng chưng hửng, nhưng nàng không ngạc nhiên lâu và chào Minh :

- Chào ông, ông mạnh giỏi ?

Minh ngậm câm không nói được một lời. Chính sự ngây người của chàng khiến thiếu phụ cảm động vì nó hùng biện quá nói nhiều hơn lời chào mừng vồn vã nào cả.

Thiếu phụ bỗng hiểu được rằng người con trai nầy đã yêu nàng và đã nghĩ đến nàng luôn từ khi gặp gỡ. Có lẽ hắn đã đi tìm nàng cũng nên. Ấy đờn bà họ tinh tế lắm, đoán hiểu thấu tận đáy lòng mình.

Vì vậy khi Minh mở miệng được là lời nói của chàng linh nghiệm ngay. Chàng mời thiếu phụ đi ăn kem, và cô nầy nhận lời liền.

Minh biết rằng chàng không liều lần nầy thì không còn hy vọng gì cả, vì cô ấy sẽ mất tăm nữa, khó lòng có một dịp may thứ hai xảy đến. Chàng nói :

- Tôi vẫn biết là bất tiện, nhưng tôi thề không ghé thăm cô, tôi chỉ đi ngang nhà thôi, nếu cô cho biết chỗ ở.

Thiếu phụ suy nghĩ giây lát rồi thở dài :

- Ông đừng có hiểu lầm. Em không có chồng mà sợ chồng ghen... nhưng quả là bất tiện. Hay là để em đến thăm ông.

Minh mừng rỡ nói :

- Cũng hay và tạm được.

Rồi chàng đưa danh thiếp ra.

Thật là kỳ dị, chàng nghĩ, sau khi tạm biệt người quen. Nếu câu chuyện xảy ra ở thôn quê, hoặc ở nơi biệt tịch nào thì chàng không khỏi nghĩ đến hồ-ly, những cô gái ma đẹp tuyệt trần đột ngột đến và luôn luôn giữ bí mật về chỗ ở của họ.

Minh còn lầm ở một điểm nữa là thiếu phụ không dễ dãi như chàng mong. Gái đến nhà trai, trai làm sao khỏi nghĩ như vậy. Nhưng cô gái đứng đắn quá, chàng phải nể mà không dám sỗ sàng.

Nàng tên là Hương, Lưu Thị Hương, sống một mình và tự nuôi sống lấy. Minh chỉ biết được có thế thôi, sau một tháng trời kết tình bằng hữu với nhau.

Bí mật phủ lấy đời tư thiếu phụ, đã nuôi nấng sự tò mò của người con trai nầy, và nuôi nấng tình yêu của chàng cho đến đổi chúng trưởng thành lên.

Minh thấy mối tình ngây thơ của chàng biến thành một mối tình lớn, và nếu không lấy được Hương chàng sẽ đau khổ không biết bao nhiêu.

Chàng nghĩ đến nát trí mới tìm được mưu sau đây : thuê một người để theo dấu Hương khi nàng ra khỏi nhà chàng. Người ấy được đưa tiền trước cho có đủ phương tiện : thuê xe, ăn quán v.v... nếu cần.

Và rốt cuộc chàng biết được cô gái ma nầy.

Hôm chàng đến đó, lòng chàng hồi hộp vô cùng. Thiếu phụ ở đường Nguyễn Minh Chiếu. Người theo dấu tả rõ là khi xuống trạm chót của ô-tô vàng thì đi vào hướng phi trường Tân Sơn Nhứt. Vừa ra khỏi nghĩa địa là đến nhà cô ta, ở phía đối diện với nghĩa địa. Số 718/2.

Nghĩa địa ? Nàng là ma chăng ? Minh đi qua nghĩa địa và thấy đối diện với bãi tha ma, một đám đất rộng trên đó người ta trồng cải sà lách son. Người theo dấu dặn rõ ràng là ngõ hẻm nầy.

718/2. Không phải nhà Hương chăng ? Nhà lá tồi tàn quả không xứng đáng với con người đẹp và ăn mặc sang kia. Nhưng rõ ràng là Hương đang ngồi may trước một bàn máy đặt sát vách.

Khi bước vào sân, Minh thấy bạn ngước lên và giật nẩy mình. Hương sợ đến tái mặt lúc Minh vào nhà.

- Tôi xin lỗi cô, Minh nói, tôi quá đường đột vào cấm cung, Nhưng xin cô biết giùm nỗi lòng tôi...

Hương không buồn hỏi vì sao chàng tìm được nhà nầy. Nàng chỉ ngồi thừ ra như là những gì quí báu trong đời nàng vừa đổ vỡ.

Chủ nhà quên bãi buôi với khách, khiến khách phải tìm đầu đề câu chuyện cho đỡ lạnh không khí.

- Thưa cô, cô sống về nghề may ?

Minh hỏi thế vì chàng thấy hàng vải nhiều lắm trên bộ ván sau lưng nàng. Bấy giờ chủ nhà mới tươi tỉnh lại đôi phần và đáp :

- Thưa phải, nhưng em kiếm không đủ ăn. Lãnh đồ trong xóm giá nhẹ lắm. Em phải lãnh thêm đồ ren và đồ thêu tay của hiệu Mỹ Trang ở đường Tự Do mới đủ xây xài trong một tháng.

Minh nhớ ra rằng Hương đã kể đời nàng về mười mấy năm về trước, nàng là nữ sinh trường nhà trắng, nên giỏi việc thêu thùa.

Minh ngó ra sân để nhìn lại cái cây cảnh mà chàng đã trông thấy hồi nãy. Cái sân còn hẹp lắm, nhưng vì chủ nhà trồng có mỗi một cây ấy thôi nên xem nó rộng thênh thang ra.

Cây cao độ một thước. Nói là bụi cây thì đúng hơn, vì thân cây gồm bốn năm cọng mọc chùm với nhau. Thân cây màu tía, có lông, hệt như cây trúc, lá cũng ốm và dài như lá trúc. Nếu không có màu tía, và trông xa người ta sẽ ngỡ đó là một khóm trúc kiểng, tức là thứ trúc nhỏ cây, trồng ở dưới chơn các non bộ.

Minh ngạc nhiên lắm mà thấy gia chủ trang trí sân nhà bằng bụi cây không đẹp đẽ chút nào ấy.

- Cây nầy là cây gì, thưa cô ?

- Dạ, cây me tây.

- Me tây ?

- Dạ. Lá của nó dùng để nấu canh chua, Nó chua như lá me. Còn Tây là tánh người mình hễ cái gì lạ là cho gốc Tây, Tàu cả : Ổi Tây, gà Tàu, xoài Huê Kỳ.

- Me, nhưng không giống me chút xíu nào...

- ... Còn Tây thì cũng phải Tây.

- Chắc cô ưa ăn canh chua lắm ?

- Thưa không !

- Vậy không lẽ cô trồng cây nầy để làm cảnh ?

- Đó chỉ là tượng trưng thôi, để nói rằng me Tây mà không phải me Tây.

Minh còn ngơ ngác chưa hiểu gì thì bỗng chàng thấy một đứa bé da đen độ bốn tuổi, từ đâu đàng xóm chạy vào sân.

Thằng bé đen mông mốc, tóc quăn quíu như một đống ruột gà bằng thép nhuyễn, vừa chạy vô nhà vừa khóc :

- Má ơi thằng Hiệu nó đánh con !

Minh kinh ngạc đến cực độ. Người đàn bà xinh đẹp và có nhiều học thức nầy lại là me Tây? Trời ơi, sao lại có chuyện trớ trêu như vầy ?

Hương ôm con vào lòng, hôn lên tóc quăn của nó, tình thương con của nàng thật và đậm đà vô cùng. Nàng dỗ dành :

- Ừ để rồi má đánh nó. Hận con nè, con không chào ông đây à ?

Bé Hận, cái tên kỳ dị nhỉ, day lại chào khách rất là Việt Nam, rồi lại dông đi chơi nữa.

Mắt của Minh thầm hỏi rất nhiều, Hương nhìn cái lưng đen của thằng bé đang mất hút ngoài xa, rồi bỗng nàng bụm mặt mà khóc òa.

Minh không dám thốt ra một lời nhưng chàng biết rằng sắp được rõ bí mật của đời bạn.

Quả nhiên khi đã bớt hơi, Hương ngước lên phân trần.

- Anh đã thỏa tò mò chưa ? Có ích lợi gì không cái hiếu kỳ của anh ? Bà Hoàng Hậu Trung Hoa thuở xưa khi đau nặng, đã từ chối không cho Hoàng đế vào thăm. Và vị Hoàng đế đó đã biết điều hơn anh.

- Có một khi kia, cô nghèo lắm à ? - Minh đánh bạo hỏi.

- Không. Bao giờ em cũng chỉ nghèo thế nầy thôi chưa đến phải lấy Tây. Nhưng lúc đó em tản cư về quê với má em. Rồi thì anh đã hiểu chuyện gì đã xảy ra trong ấy. Đó là một quân nhân An-giê-ri. Nó hiếp em chỉ có một lần mà để hận cho em đến bạc đầu. Em đã đặt tên nó là Lưu Trường Hận.

Minh nghe đau nhói nơi tim chàng như ai đã chọc một que nhọn vào đó. Giọng run run, chàng nói nghẹn ngào vì xúc động :

- Em... em Hương... anh mặc kệ... anh vẫn yêu em như hôm qua đây và sẽ yêu em mãi mãi.

Hương cười khanh khách và cười dài nghe rất ghê rợn rồi đáp :

- Không, anh lầm. Lòng anh đã gạt gẫm anh trong nhứt thời. Về sau, anh sẽ xấu hổ đến muốn bỏ trốn đi vì cái vết hoen ố trên đời của em, cái vết đen không bao giờ tẩy được. Em thương con em lắm. Lòng mẹ nơi em, đã ngăn em đưa nó vào Cô - Nhi - Viện để em rảnh tay làm lại cuộc đời - điều mà má em luôn luôn đốc xúi lúc má em còn sinh tiền. Như vậy trước mắt anh lúc nào cũng có cái gai chĩa ra. Không, anh lầm...

- Anh thề với em rằng...

- Vô ích, em hiểu lòng người nhiều lắm rồi. Thật là đáng tiếc ! Anh đã vỡ mộng đẹp, nhưng đó chỉ là sự trừng phạt xứng đáng tính tò mò của anh. Còn em có tội gì đâu mà cũng bị trừng phạt ? Em sẽ mất một người bạn đồng tâm hiệp ý, nguồn an ủi độc nhất của đời em...

- Không tình bạn giữa...

- Anh nên về, và đừng bao giờ trở lại đây nữa !

Minh chưa về ngay. Chàng ngồi đó để nhìn bạn khóc, không biết trong bao lâu.

Khi chàng trở ra sân, nhìn lại bụi me Tây, chàng mới hiểu được ý nghĩa tượng trưng của cây kiểng kỳ lạ đó : me Tây mà không phải me Tây, me Tây bất đắc dĩ chỉ bị miệng đời gọi vậy thôi, chớ thật ra...

(Tầm Nguyên, 1957)      
BÌNH NGUYÊN LỘC   

 (Trích từ tập truyện ngắn Diễm Phượng) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét