Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2023

CHẲNG HIỂU VÌ SAO - Ngọc Minh


Nhà em ở bến Trưng Nhị, nơi con sông Mường Mán bắt đầu làm quen với phố. Nhà hắn ở bến Trưng Trắc, chỗ con sông bắt tay với biển Thương Chánh. Và bọn Lục Diệp, Phỉ Miêu biết em thích thơ cổ nên vẫn thường trêu ghẹo bằng cách ngâm nga:

"Mi" tại Mường giang đầu
"Hắn" tại Mường giang vĩ
Tương tư bất tương "kiến"
Bèn... "go to school"

Bọn nó ấy mà, việc gì mà chẳng trêu được. Chớ giữa hắn và em, đã "có" gì đâu. Nếu không muốn nói là hiện đang "ghét" nhau. Như... nai với thợ săn. Mẹ hắn và ba em hình như là có họ thật xa với nhau vì cùng giòng Nguyễn Phúc với Công Huyền Tôn Nữ chi chi đó. Cả hai gia đình chỉ có độc nhất một mình hắn là khăng khăng phủ nhận cái sợi dây huyết thống thật mỏng manh mơ hồ đó: "Tố Ngoạn đừng tin người lớn. Mình chỉ bà con từ đời bà Âu Cơ và mang chung họ Hồng Bàng..." Hắn phủ nhận là phải, vì nếu không, hắn sẽ phải gọi em là dì, trong khi ấu thời của hai đứa là những trò đùa nghịch như đôi bạn cùng phái.

Đến một lúc nào chẳng rõ, hắn và em chẳng còn tự nhiên như trước nữa. Em chẳng thích thế đâu. Còn hắn nghĩ thế nào về nỗi ngượng nghịu của hai đứa... Ôi chao, em chịu thua! Chằng tài nào đoán được sau đôi kính tối om om, nỗi im lặng ảo mờ sau khói thuốc đó muốn nói lên những gì gì. Thì em vẫn ngang như cua còng, vẫn bướng như con trai, vẫn thích đùa nghịch như trẻ nhỏ, em có muốn thay đổi chi mô. Rứa mà, hắn cứ việc, làm ra cái điều ta đây là "người lớn", bỏ em lúc thúc một mình với những trò chơi mà ngày nào hai đứa đã hết mình tham gia.

Những lượt băng sông ghé thăm em, bây giờ, hắn cứ im lìm như tượng, nhả khói vu vơ, vỗ đàn hát khẽ. Rồi... về! Câm như sò ốc. Xem có dễ ghét chưa! Mãi rồi em cũng cạy được miệng hắn. Nhưng nỗi tức tối đã nhuộm đắng ướp chua vào những lời nói của em. Hắn trả lời lơ đãng như dạ để đâu đâu. Và đôi mắt, ỷ có phiến kính tối mò, cứ tha hồ ngắm em hậm hực.

Những buổi tối hắn sang nhà, với em, thế là đã không còn đem đến nụ cười. Mà sau khi hắn về, mắt dưng không bỗng đỏ. Mẹ đôi lúc có bắt gặp - dù em đã lanh tay che mắt - nên có nói với ba: "Bọn nhỏ bây giờ, chúng nó làm sao sao ấy... " Quả như mẹ nói, nó cứ làm sao! Ghét chẳng ra ghét. Hờn chẳng ra hờn. Dỗi chẳng ra dỗi. Luyến nhớ chẳng thể gọi là luyến nhớ. Dửng dưng càng không thể nói dửng dưng. Như thế, là cái quái quỷ gì thế, hở Ti Ti?

Điều thấy rõ nhất, là tụi em chẳng còn tự nhiên với nhau như một thời thần tiên đã cũ nữa. Em đã chẳng còn dám lay tay hắn để chỉ trỏ nầy nọ: "Thấy chưa, Ti Ti!" Hết dám túm tóc hắn lại: "Ý chà, tóc Ti búi lại được rồi nè". Hết cả chơi đánh cá đủ chuyện để nhéo mũi nhau. Hết luôn những trò đùa như chơi đá gà bằng tay, hắn cứ lừa lừa đập tay em đau điếng để em phồng má hét toáng lên: "Ti Ti ăn gian" mặc dầu nhà em vẫn gán cho em một tước hiệu thật hách xì xằng là "ăn gian chi bảo"...

Em muốn khóc được khi nghĩ rằng đã qua cái thời vô nhiên nghịch đùa thân ái với nhau. Ngày xưa ăn hiếp hắn đôi chút trong những trò chơi. Bây giờ lấn lướt hắn thật nhiều trong khi cãi cọ. Mà đâu thể gọi là cãi nhau được nhỉ. Bởi vì mặc cho em huyên thuyên chọc tức hắn mở miệng, hắn cứ hoài lì lịch nhát gừng. Làm sao hắn biết được, thâm tâm, em có muốn nói đâu, những lời lẽ chua ngoa đó...

Nhiều lúc một mình với mi chớp, mũi chun, môi mím, em nhất quyết sẽ nói thẳng với hắn: "Nếu đến để trêu tức nhau thì đẹp hơn là Ti đừng đến nữa." Hay xòe 5 ngón tay Chơi, Giận, Hờn, Hỷ, Xả để hắn bắt quách ngón xả rồi nghỉ chơi luôn. Cho xong! Nhưng đến khi gặp nhau, ánh mắt đăm đăm vương vít của hắn khiến em bối rối, nhuệ khí tiêu tan. Và cũng hơi run run, vì nhỡ xòe tay ra, hắn chọn ngay ngón "Chơi" thì "quê đậm đà" thêm...

Mùa thi ngày mỗi đến gần, cả hai đều chúi mũi vào sách vở để bù lại ngày tháng nào cứ thơ thẩn rong chơi vì những chuyện rất đỗi vu vơ. Em và hắn cứ như là loài thỏ lười lĩnh trong một truyện ngụ ngôn của La Fontain. (Nên từ hồi nhỏ xíu, em đã bướng bỉnh với anh Đàn rằng em thích thỏ hơn rùa). Kỳ nhỉ, cái năm này sao mà mình cứ đụng đầu nhau côm cốp trong những công tác trên trường. Em đã đến lúc nản đám đông, nhìn thấu được phần nào những bàn tay xảo thuật của người lớn nên quả tình em có muốn nhập cuộc đâu, vào những trò chơi dễ ghét của nhà trường. Nhưng tại Ti cứ thâm trầm xa vắng nên hắn đã vô tình đẩy em vào những lối đi không thích thú.

Một cách không ngờ, ở lối ấy, em lại gặp Ti. Và cũng ở đấy, em biết Ti Ti đã nhiều lúc phiền lòng ghê lắm, vì em! Ôi chao! Sao mà em cứ hết làm Ti phiền lòng từ điều này sang điều khác. Buồn ghê khi nghĩ rằng năm cuối cùng hắn ở đây mà hai đứa cứ chầm chập lẫy hờn, trêu phá, kênh nhau. Đã trôi đâu mất rồi, những săn sóc ngọt ngào thuở nhỏ.

Những đêm, mắt mỏi, ngồi vẽ lăng nhăng khắp vở nhớ lớp với lũ bạn nghịch như sóc, nhớ trường với kính nâu của Ti bên kia bờ cỏ mượt, nhớ vẻ bực tức cố giấu một nụ cười của mấy thầy khi bị học trò con gái trêu ngạo... và thấm thía vô cùng những câu hát nghịch ngợm của Khuê Tảo để trêu em:

"đôi khi thoáng trong gió bay lời Ti hát
đôi khi thấy trong bóng đêm một phiến kính nâu nâu
đôi khi bỗng nghe tiếng xe Gestone rồ đâu đó
đôi khi sóng khua giữa khuya hồn mi bỗng vu vơ..."

Bặt tiếng xe hắn cả tháng. Đến hôm Ti vừa thi xong, anh Đàn trên đường ra Huế trình luận án có ghé nhà, mẹ làm thức ăn ngon thết anh, bảo em gọi hắn sang ăn luôn. Em che mắt đỏ, lắc đầu: "Thôi mạ nhờ ai kêu đi. Con và Phiêu hết..." Câu nói được bỏ lửng vì âm thanh nào bỗng dưng nghẹn lối thoát ra. Hình như, sau đó anh Đàn đi kêu hắn thì phải. Em lấy cớ học thi, nhất định nhịn ăn không thèm ló đầu ra. Nhưng rồi hắn cũng lò dò xuống bàn học của em. Em gằm mặt, giả vờ ê a học bài để đuổi khách. Chẳng ngờ em vớ phải một bài thơ tếu quá. Của ông Tú Vị Xuyên! Nên cái miệng dễ ghét của em bỗng toét ra cười. Cười một mình chớ bộ. Nhưng hắn thì không chịu nghĩ vậy, mà được thể cười theo:

- Tố Ngoạn bây giờ có còn mê thơ cổ nữa không? Có nhớ, hồi anh Đàn về chơi, nơi thềm nhà trên, hai đứa mình ngồi hai bên để nghe anh đọc và giảng một bài thơ của Lý Bạch. Ngoạn lúc đó mới học đệ ngũ mà cứ làm le đòi chép cho bằng được. Nhớ không?

Em nhắm mắt. Nhớ rồi! Cái bài Trường Can Hành ấy mà.

Thiếp phát, sơ phúc ngạch
Chiết hoa, môn tiền kịch
Lang kị trúc mã lai
Nhiều sàng, lộng thành mai
Đồng cư, Trường Can lý
Lưỡng tiểu vô hiền sai
Thập tứ ừ quân phụ
Tu nhan vị thường khai...

- Ti mới kiếm được bản dịch của Khái Hưng. Để đọc cho Ngoạn nghe nha.

Thiếp ngắt hoa trước cửa
Tóc chấm trán vừa buông
Chàng cưỡi ngựa trúc đến
Tung mơ, chạy quanh giường
Làng Trường Can cùng ở
Hai trẻ một lòng thương
Mười bốn về làm vợ
Thiếp e thẹn bẽ bàng
Chúi đầu vào vách tối
Gọi, mãi chẳng quay sang...

Bài thơ còn dài nhưng đoạn sau thì buồn bã lắm. Ở đó nhắc đến nỗi đau đớn nhớ nhung trước sự chia lìa của đôi bạn nhỏ. Cũng như Ti rồi sẽ bỏ Tà Dôn mà đi xa. Dù đỗ đạt hay "ao" để đi lính như cái thằng bé kia...

Mười sáu chàng ra đi
Cheo leo lối mộ đường
Tháng năm ai dám tới
Tiếng vượn kêu thảm thương...

Hắn còn nói nhiều, nhiều lắm. Cơ hồ một đời chỉ có một lần để nói. Nhưng mà em đâu có nghe hết, vì còn mãi "tu nhan vị thường khai". Và cũng như cô bé làng Trường Can, em không dám nhìn hắn. Nhưng mà lo quá, chẳng biết em có còn bướng đến độ "gọi, mãi chẳng quay sang" không. Rồi trong nỗi thẹn thùng, bỗng dưng em muốn khóc, muốn khóc quá chừng chừng mà chẳng hiểu vì sao!


NGỌC MINH       

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 53)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét