Trời nắng. Nắng đến độ căn nhà mái lá lụp xụp của ba Sinh biến thành một cái nồi rang nóng bỏng. Mái lá rộp lên. Mặt bàn mặt ghế muốn vênh lại. Dưới đất cũng chẳng hơn gì, dẫm chân lên chỗ nào cũng thấy nóng, ly nước hắt xuống chỉ trong một chốc là mất tăm chẳng còn để lại dấu vết. Nhưng hậu quả quan trọng nhất là cái nóng đã khiến ba Sinh tự ý mỗi ngày đi tắm một lần, vào khoảng xế trưa lúc mặt trời hiện ra thành một khối lửa chiếu đúng vào giữa khuôn cửa sổ mặt tiền, hướng tây của nhà gã. Chỉ lúc đó ba Sinh mới cảm thấy thực thụ cần thiết những dòng nước mát lạnh mà vợ gã thuê với giá cắt cổ sáu đồng một đôi. Trên bộ ngực còm cõi, lép xẹp của gã, từng giọt mồ hôi rỉ ra ở giữa những cái xương sườn, chảy ngoằn ngoèo xuống cái bụng gầy tóp rồi bò xuống hai cẳng chân nhỏ như hai cái ống sậy bám đầy gân xanh. Gã la lên hùng dũng:
– Trời này mà không tắm thì có mà chết ngộp! Còn nước không má Sáng?
Vợ gã, má thằng Sáng, vào giờ ấy bao giờ cũng chỉ luẩn quẩn ở mé đằng sau để tìm lấy một vài hơi đất ẩm mát. Có khi chị bì bõm hàng giờ trong buồng tắm. Với thân hình vạm vỡ và đầy sinh lực của chị, sức nóng như muốn làm nổ tung bộ ngực đầy đặn căng lên như hai cái bình sứ.
Hôm ấy ba Sinh chợp mắt, trở dậy vào lúc xế trưa. Dưới lưng gã, mồ hôi đọng thành vũng. Hèn chi hắn nằm mơ thấy mình tắm biển với một bầy con gái xinh như mộng, y hệt như cái tuồng cinema mà gã mới coi hôm trước. Rạp chớp bóng bình dân ở xóm gã. Năm đồng hai phim, xem suốt ngày. Gã đầy đủ thời giờ xem hai xuất để so cô này với cô kia, “giã” này với “giã” kia, tuồng này với tuồng nọ. Nhưng nói chung thì với gã, tuồng nào thì cũng hết chỗ chê cả. Bởi chưng ông chủ rạp rất khéo léo trong cái việc chọn phim đem chiếu. Nếu phim La Mã thì cũng thoát y hay cao bồi bắn súng, cưỡi ngựa, còn xoàng ra thì cũng tác giăng với bắp thịt cuồn cuộn mà mỗi lần xuất hiện trên màn ảnh là gã lại cười rú lên với lũ trẻ ồn ào ngồi chung quanh:
– Trời! Thằng khổng lồ! Đùi gã còn bự hơn cả người tụi bay đó thấy hôn!…
– Trời!…
– Trời!…
Và gã cứ tấm tắc như vậy cho đến lúc bước ra khỏi rạp, trời chập choạng tối, thành phố đã lên đèn.
Một ngày của gã là một ngày nhàn hạ. Gã ốm yếu nên chẳng giúp gì cho vợ ngoài việc phụ giúp với thằng Sáng, đứa con trai độc nhất thổi cơm và dọn dẹp cửa nhà. Năm nay gã ba mươi mốt, vợ gã hai mươi chín, còn thằng Sáng thì đã mười hai tuổi. Mười mấy năm ăn bám vợ, nghiễm nhiên đối với gã sự đó trở thành một lẽ tự nhiên. Vợ gã cũng chẳng phàn nàn điều gì cả. Đối với chị Sinh, hình ảnh một người chồng xanh như tầu lá, gầy như một cây sậy, yếu đuối như một con sên suốt ngày tha thẩn với cái chổi đập ruồi, hay ngủ còng queo trên mặt phản đã biến thành một vật quen thuộc trong nhà, nào khác gì cái bàn, cái ghế, hay cái chậu rửa bát cũ kỹ, sứt mẻ ở sau nhà. Đối với chị, gã chỉ làm phiền chị thỉnh thoảng vào lúc về đêm. Chẳng phải không hứng tình, nhưng sự yếu đuối của gã chỉ làm chị thêm khó chịu. Sự khó chịu nhiều khi đã khiến chị bò lên gác xép nằm ngủ một mình sau khi đã rút cái thang tre ọp ẹp. Có lẽ cũng vì vậy mà hai người hiếm hoi chỉ có mỗi một thằng Sáng đó chăng?
Sự hững hờ của chị Sinh đã khiến ba Sinh cách biệt với vợ như một kẻ đứng ở bên kia bức tường thành. Gã khó mà tìm hiểu được chị đang nghĩ gì, sửa soạn làm gì? Thậm chí nghề nghiệp của chị, gã cũng chỉ hiểu một cách lơ mơ là chị giữ chân mối lái, hay giao hàng gì đó. Tuy vậy sự cách biệt không làm gã giảm lòng yêu vợ mà trái lại càng có vẻ nồng nàn thắm thiết (nhất là sau khi gã lại được xem một tuồng trong đó nữ tài tử lại thủ một vai thật anh hùng).
Càng xa xôi, gã càng thấy vợ bí hiểm, huyền hoặc và mới mẻ như một kẻ mới quen biết nàng hôm qua. Chỉ có khác một điều là nàng đã là vợ gã, có con với gã. Thật là chắc ăn. Gã rất tự hào về sự ấy.
Khi tỉnh ngủ, gã thấy bên tai vọng lên tiếng nước dội ì ào. Trên mặt phản đối diện, thằng Sáng đã bỏ đi chơi tự lúc nào. Căn nhà vắng lặng, nồng nực và như muốn ngộp lên vì hơi nóng. Gã nhỏm dậy, rón rén đi vào sân trong. Chị Sinh đang tắm rửa sau tấm liếp xộc xệch. Một dòng nước ngầu bọt xà bông chảy vòng từ trong ra ngoài, ngấm vào chân gã cảm giác mát lạnh. Gã tiến lại gần và cố kiễng chân lên. Cặp mắt của gã với tới một khe hở lớn. Gã thấy mảng lưng nhễ nhại của má Sáng hồng lên dưới những tia nắng le lói lọt qua kẽ vách. Mặt gã đượm đầy vẻ tự mãn và bỗng nhiên gã cất tiếng cười hì hì. Chị Ba Sinh đang cúi xuống bỗng ngửng phắt dậy và hét:
– Ai đó?
Ba Sinh chợt đỏ bừng mặt lên và ấp úng:
– Tui… tui nè!…
Người đàn bà la lối:
– Trời đất ơi! Chơi cái trò gì mà rắn mắt quá vậy. Có bước ngay đi không tui la làng lên bây giờ.
Phản ứng bất ngờ của vợ khiến gã cụt hứng. Gã bẽn lẽn lùi lại phía cửa bếp, bực dọc ngồi xuống cái bậc cửa ọp ẹp và đưa mắt nhìn ra ngoài nắng. Ánh nắng buổi trưa gay gắt rọi lên mảnh sân đất vuông bằng cái chiếu ứ đọng từng vũng nước. Những vẩy bọt xà bông còn đọng lại trên mặt nước long lanh phản chiếu ánh sáng tạo thành những quả bóng ngũ sắc nom lộng lẫy như vẩy cầu vồng lúc trời mưa. Trên mặt tường nham nhở vôi và vữa, bóng của những đợt hơi nước bốc lên in thành sợi khói treo rung rinh. Mồ hôi của gã vã xuống, ướt sũng cái quần cộc cạp xoắn xuống quá rốn, ống quần vê tròn lên tận bẹn. Ba Sinh thè lưỡi liếm hai vành môi khô héo và cố nuốt vào cổ họng rúm nước bọt đang dẻo quánh lại. Ở trong phòng tắm, chị Sinh bỗng ngừng dội nước và nói vọng ra:
– Bước đi chưa, hả … ả?
Sinh nổi cơn cục cằn, cất giọng càu nhàu:
– Người ta ngồi đây chớ ai đã làm gì. Bày đặt lắm chuyện quá há!
Nàng gắt lên:
– Bộ hết công chuyện rồi sao ngồi đó.
– Hết rồi.
– Làm được những “kí” gì mà mà hết rồi?
– Thì cơm đó! Nhà đó! Quần áo đó! Đâu vô đó hết trơn.
– Chèn ơi, có ba cái quần người ta thay hồi hôm còn nguyên đó mà hô hết trơn cái giống gì.
– Ớ! Sao biểu quần trắng đem cho thợ giặt ủi? Cấp này sang trọng lắm mà.
Chị Sinh cười khẩy:
– Chớ sao không. Bộ muốn kiếm ra tiền mà ăn mặc lôi thôi như con mẹ dại được đó hả.
Sinh ngập ngừng rồi nói đại một điều mà gã đắn đo mấy ngày liền mà rồi gã vẫn chưa nói được ra:
– Chèn ơi! Khối người khố rách áo ôm mà người ta vẫn kiếm ra tiền!…
Cánh cửa liếp bỗng bật mở và cả một nửa người trắng như sữa của chị Sinh thò ra. Chị trợn mắt lên nhìn chồng với tất cả vẻ giận dữ và cong cớn:
– Sao! Anh nói sao? Anh muốn cái gì kia chớ. Đó! Anh ăn bận khố rách áo ôm vô rồi đi kiếm công chuyện mà mần đi.
Sinh chột dạ, ngồi xích vô cánh cửa rồi ấp úng:
– Chả sao hết đó. Mà có điều đây không biết thì đây hỏi.
– Hỏi cái gì?
– Hỏi coi má thằng Sáng buôn cái gì?
– Chẳng buôn bán gì hết á. Mà điều vẫn có tiền. Anh chịu chưa?
– Chẳng buôn bán gì mà có tiền thì chỉ có điều làm đĩ!
Chị Sinh hắt ngay chậu nước vào mình anh Sinh rồi gầm lên:
– Phải rồi! Tôi làm đĩ đó. Nhưng làm đĩ để nuôi anh, anh biết chưa. Nếu giỏi như người ta thì sao anh không đứng dậy đi mần nuôi vợ, nuôi con đi.
Sinh hậm hực:
– Được rồi! Tui nuôi. Tui đi mần. Công việc bây giờ thiếu gì.
Chị Sinh đáp lại bằng một chuỗi cười. Tiếng cười của chị như có cạnh sắc cắt từng khúc ruột của gã đàn ông ốm yếu. Gã bỏ chỗ ngồi, vùng vằng lên nằm vật trên phản gỗ. Sự nổi dậy của gã tuy bất ngờ và ngắn ngủi nhưng cũng đủ làm người gã nhược ra. Mình gã dán xuống phản. Mồ hôi lại chảy sâm sấp đằng sau lưng. Đã nhiều lần gã cảm thấy nhục nhã nhưng chưa bao giờ gã thấy nhục nhã bằng lần này. Gã tưởng tượng vợ gã không còn chia xẻ với gã một đôi chút nào về cuộc sống của mụ. Ngày xưa, hồi gã bắt đầu thất nghiệp, và chị Sinh thay thế gã cái quyền ăn trên, ngồi trốc ở trong gia đình, chị cũng không đối xử với gã tàn nhẫn như thế. Mỗi lần đi cất hàng về, bao giờ chị cũng hỏi thăm gã một câu, kể cho nghe một vài mẩu chuyện về việc làm ăn của chị, và nhất là chị không có diêm dúa quá lố như bây giờ. Công việc của chị mỗi ngày một dễ dàng, tiền bạc chị đem về vừa đủ cho ba Sinh có thuốc hút, tiền ciné, tiền mua những gói kẹo Tây ngồi nhấm nháp suốt mấy xuất liền trong rạp hát. Từ một người lớn, ba Sinh bỗng trở thành một đứa con nít không thua gì thằng Sáng hàng ngày rong ruổi với cỗ bài cào lê la khắp hang cùng ngõ hẻm.
Nhưng nếu sự việc chỉ cứ như vậy tiếp diễn thì Ba Sinh đã yên phận với vị trí của gã. Đàng này cứ mỗi ngày chị Sinh một đổi khác thêm, mái tóc của chị dăm ba ngày thay một kiểu chải, đôi long mày trau tria từng sợi lông tơ, những cái móng tay mài mài giũa giũa hàng giờ đến phát sốt ruột. Đến một hôm lão Sớm ở bên cạnh vách hắt vào gã một câu:
– Nè! Chỉ “le” quá cỡ, tôi “nghi”!
Sinh hỏi:
– Nghi cái gì?
Lão Sớm cười gục gặc:
– Chèn ơi! Sao mà đồ bỏ đến vậy được. Còn nghi cái gì nữa.
Ba Sinh càng ngẩn ngơ:
– Tui hỏi thiệt đó. Ông nói nghi cái gì kia?
Lão Sớm kéo ngay tai Sinh xuống, thì thào. Gã đàn ông la lên:
– Tầm bậy! Ông nói tầm bậy tui xách dao bầu tui rượt đa!
Lão Sớm cười ha hả:
– Rượt đi! Bay rượt tao tới đâu thì tao cũng nói vậy đó. Mày hổng tin mày đi theo nó, tao coi.
Thật là giản dị mà gã không nghĩ ra. Chưa bao giờ gã nghi ngờ gì về sự trong sạch của vợ gã cả. Mà kiểm soát lại điều đó có khó gì. Khi vợ gã đi, gã chỉ việc lót tót đi theo. Nếu quả đúng như lời lão Sớm thì sức mấy mà chị Sinh dấu diếm được gã. Về việc này, Sinh chưa kịp thi hành thì vợ gã đã nói toẹt vô mặt gã. Và cho tới lúc đó gã mới thấy rằng tìm hiểu việc làm của vợ thì dễ, nhưng sau đó sẽ làm gì nữa mới là một chuyện vô cùng nan giải. Từ mấy năm nay, ăn không ngồi rồi quen thân, gã sinh lười biếng và tiêu hao cả chí phấn đấu. Hơn nữa, những biến chuyển ở bên ngoài cuộc sống đi quá mau lẹ khiến gã cảm thấy như bất lực, không thể tham dự được cho dù chỉ một công việc gì nhẹ nhàng, nhỏ mọn. Trong thâm tâm, gã muốn mãi mãi sống như một đứa trẻ, như đã một năm nay gã từng làm thế. Ban ngày lo nấu nướng, giặt gịa. Chiều tối lảng vảng trước mấy rạp chớp bóng bình dân. Gặp phim hay đã coi rồi thì vô coi nữa để cười nói ngả nghiêng hay cãi nhau om xòm với một lũ trẻ lốc nhốc ở những hàng ghế chung quanh. Rồi gã sẽ làm sao đây, khi gã châm ngòi cho cuộc cách mạng trong gia đình gã nổ bùng. Đến bây giờ gã mới thấm thía, thấy rằng nếu không tự lập, tự cường thì chẳng thể làm cách mạng, cách mung gì hết ráo.
Còn đang loay hoay với những ý nghĩ lộn xộn ở trong đầu thì gã thấy thằng Sáng sầm sập ở đâu chạy về. Tóc nó rã rượi, mặt đỏ rừ vì nắng, khắp người thấm đẫm những mồ hôi làm bở ra từng bợt ghét và đất trổ loang lổ trên lớp da đen trùi trũi. Một tay nó thủ ra sau lưng quần, một tay nó cầm xấp bài cào nhỏ bằng hai đốt ngón tay. Nó thở hổn hển như một lực sĩ vừa dự xong một cuộc đua dài. Sinh trừng mắt lên hỏi:
– Mày đi đâu về mà điệu bộ như quân cướp ngày vậy hả?
Sáng vừa thở vừa cười:
– Cướp thiệt đó ba! Tại tụi nó tháu cáy tui, tui mới quơ hết trơn hết trọi. Đ.m. nó chia làm hai cánh vây tui lại mà tui cũng chạy vuột như thường.
Sinh nói:
– Tổ cha mầy! Mầy cứ đánh đu với tụi nó lắm, có ngày nó cho ăn dao con chó. Tao đã dặn mầy chỉ chơi ở quanh quẩn xóm gần đây? Sao mầy không nghe tao gì hết trơn hả!
Sáng không đáp len lén luồn qua chỗ Sinh đứng và đi vào nhà trong. Nó gặp má nó cũng vừa ở nhà tắm đi ra. Chị Sinh ẩm ướt sau làn áo phin mỏng. Mái tóc chị búi ngược lên để lộ cái cổ cao và trắng nõn. Bộ ngực của chị dính sát vào những khoảng áo ướt sũng, căng tròn như hai cái cóng sứ. Chị nhìn thằng Sáng với cặp mắt lạnh lùng. Dưới mắt chị, nó càng ngày càng như cây cỏ dại mọc vươn lên giữa một khoảng đất hoang tàn. Đầu tóc nó bù rối, lủa tủa chĩa ra ở hai bên mang tai. Khuôn mặt nó lúc nào cũng nhếch nháp dính đầy những vết bẩn. Chiếc sơ mi cộc của nó không bao giờ cài hết hàng nút, để phanh ra bộ ngực cháy đen vì ánh nắng. Còn hai cặp đùi của nó chị ví như hai khúc gỗ mốc thếch bám đầy rêu và mốc bẩn. Thằng bé thấy mẹ vội vàng xoắn cỗ bài và những tờ giấy bạc vào cạp quần. Cánh tay của nó đưa lên ngang mũi quẹt dài một cái. Những giọt mồ hôi nhoét ra kéo theo một vết đất dài. Một lát, nó lui cui ở “gác măng dê” lục lạo đồ trong khi mẹ nó lại bàn giở gương lược ra gỡ đầu.
Căn nhà lặng yên được một lát, bỗng thằng Sáng ngứa mồm kể lể:
– Tụi nó khôn hết chỗ chê. Bốn thằng chơi mà ba thằng ăn cánh với nhau rồi. Tui rút Đầm thì tụi nó lên Già, tôi lên Già thì tụi nó có Ách…
Sinh ngắt lời nó:
– Từ giờ tao cấm đó nghen. Hay ho gì cái cờ bạc bịp…
Sáng cãi;
– Nhưng nó bịp chớ tui đâu có bịp…
– Mầy không bịp nhưng cứ cờ bạc vào là hư thân mất nết đi rồi. Bộ mầy tưởng mầy có thể sống đời vào nghề cờ bạc đó sao. Tổ cha mầy, học hành thì không lo học, suốt ngày chạy lót tót như chó điên.
Sáng bị mắng ngang xương, nên cụt hứng, cứ cắm cổ vào lùa cơm mà không nói. Sự im lặng của nó làm ba Sinh phải nói nhiều. Mà càng nói thì cơn giận của gã càng tăng. Bỗng nhiên gã gọi thằng bé lại gần trong lúc nó còn đang húi lúi đơm canh vào bát. Gã thọc tay vào cạp quần nó moi ra những quân bài để rơi lả tả xuống mặt đất. Gã lại hét lên:
– Tổ cha mầy! Ông đốt hết nghe hôn. Từ bữa mai mà ông còn thấy mầy chới với đến cỗ bài thì ông giết. Còn tiền bạc nầy nữa. Tao cũng cấm mày giữ luôn.
Thằng Sáng vùng lên:
– Tui không đánh nữa thì thôi chớ gì. Tiền của tui sao lấy đi.
– Tiền của cha mầy tao cũng lấy. Cho mầy giữ để mầy quen chân tót ra “ngoải” hả. Mà tao nói cho hay, tiền này tao gài lên mái bếp chớ tao hổng thèm xài cái thứ bẩn thỉu, dơ dáy này đâu nghe! Tiền bất lương mà, ai thèm ngó ngàng tới.
Nói rồi gã vo viên nắm giấy bạc lẻ của thằng Sáng đứng dậy… Thằng Sáng trườn người theo níu lấy. Gã đàn ông ốm yếu mất đà chúi người đi. Thằng Sáng được thể nghiến răng bẻ mạnh năm ngón tay của bố đang nắm chặt lấy mấy đồng bạc. Bị đau bất ngờ, Ba Sinh không dằn được cơn tức, quay phắt lại đá thằng con trai một cái thật nên thân. Thằng bé lộn đi một vòng ngã sấp ngay dưới gậm ghế. Thế là nó gào lên và cất mồm chửi bới loạn xạ. Sự hỗn hào của nó làm gã đàn ông với ngay lấy thanh củi ở góc bếp xông ra. Gã phang vào người thằng Sáng bất kể chỗ nào trên thân thể của nó. Sáng đau đớn chồm ngay dậy lao tuốt ra ngoài cửa, co giò vừa chạy vừa văng tên tục của ba Sinh ra, chửi văng mạng.
Trong lúc ấy chị Sinh vẫn thản nhiên ngồi chải tóc và nhổ lông mày ở mặt bàn. Tắm rửa xong, người chị mát như một hòn thạch. Khuôn mặt bầu bĩnh, đầy đặn. Cặp mắt đen và to. Mũi thẳng. Vành môi tươi mỏng và đỏ hồng. Ít khi chị cười, nhưng mỗi lần xỉa răng, chị để lộ hai hàm răng trắng đều và bóng. Ở trong nhà, chỉ có một mình chị là xài bàn chải và thuốc. Thằng Sáng thì chả nói làm gì, còn đến Ba Sinh cũng chỉ có thói quen xúc miệng ba hồi bằng gáo nước giếng và nhổ toẹt lên vách đất. Gã thường nói:
- Tui xài không quen, “xức” thuốc vô miệng nó trôi xuống họng. Cay thấy bà!
Cái tính bẩn thỉu ma bùn ấy trước còn làm chị Sinh khó chịu, sau riết rồi chị cũng chẳng thèm quan tâm tới. Đối với gã, chị thấy gã không hơn gì một tấm bình phong cho phép chị ngang nhiên lao mình vào cuộc sống đầy rẫy phức tạp ở ngoài cuộc đời.
Thoạt tiên chị làm ăn buôn bán một cách lương thiện, cho dù chị bị mất mát đôi ba nụ cười, mấy khóe mắt đưa tình lả lơi với những kẻ có thể án ngữ công cuộc làm ăn của chị. Nhưng thời buổi này, đồng tiền chỉ dễ kiếm khi người ta vứt bỏ cái đạo đức, lương thiện vốn dĩ đã chẳng còn đủ ma lực để khiến cho người ta làm ngơ trước những mớ tiền ngốt mắt mang đến dửng dung. Cho nên, một ngày nào đó hồi ba tháng trước, người bạn hàng trẻ tuổi và thân thiết của chị Sinh bỗng một hôm thẩy ra trước mặt chị một cọc tiền toàn giấy năm trăm và thủng thẳng nói:
– Mầy kiếm trong bao lâu mới đặng chừng này?
Chị Sinh ngơ ngẩn:
– Tới già chưa chắc có!
– Vậy làm theo tao đi. Không đầy nửa buổi đâu cưng.
Chị Sinh hốt hoảng:
– Mầy… mầy… hả?
Cô bạn nheo mắt, mỉm cười. Một lát cô ta tiếp:
– Mất mát gì đâu cưng. Cho chồng con có tiền xài. Cho mình bớt phải so kè từng cắc mỗi lần mua sắm.
Vài ngày sau, chị Sinh sa ngã. Trong tay một anh lính viễn chinh. Trong căn nhà xinh xắn và cực kỳ sang trọng của cô bạn gái cũng cực kỳ thân thiết.
Sửa soạn xong, chị Sinh xách bóp đi ra cửa. Sinh nhất quyết bò dậy hối hả mặc áo đi theo. Ra đến đường cái, chị Sinh vẫy được một cái xe. Chị leo tót lên ngồi. Chiếc xe bon bon chạy. Ba Sinh lúng túng đứng nhìn theo. Một chiếc xe buýt trờ tới. Gã líu ríu trèo lên. Đến đầu phố, chiếc xe kềnh càng bị kẹt lại. Bốn bề xe cộ chi chít như mắc cửi. Gã không còn thấy tăm hơi mầu áo quen thuộc của vợ gã ở nơi nào nữa. Cuộc cách mạng của gã thất bại ngay từ phút khởi đầu. Nghe lão Sớm thì thật là dễ. Chỉ một vấn đề xe cộ nho nhỏ thôi đó nghen, gã đã thấy mình bất lực hoàn toàn.
Chiều hôm đó, gã không vô rạp chớp bóng nữa, mặc dầu hôm đó thay tuồng mới. Vở tuồng mà gã đã tính coi từ tuần trước nhan đề “Kim Đảo Ma Đầu Huyết Thần Chưởng” toàn bộ hai hồi tô màu nói tiếng Việt.
Lần đầu tiên trong hơn một năm trời thất nghiệp của gã, gã đi vào chợ nốc mấy xị rượu đế với tôm khô. Ngồi trong quán cóc, một mình gã ngậm ngùi gậm nhấm những nỗi đau khổ của mình. Đến lúc cơn say bốc lên, gã khật khưỡng cuốc bộ trở về. Như một kẻ được tiêm một liều thuốc hồi sinh, gã cương quyết sẽ thí mạng của mình với sự ngạo nghễ của vợ gã. Gã thề nguyền sẽ bắt mụ đàn bà cắt bỏ những móng tay dơ dáy, đốt bỏ những thứ quần áo lụa là hoa hoét, và những thứ phấn son lủng củng, bất lương mà chị Sinh chất đầy trong hộp gỗ.
Tối hôm đó, thằng Sáng giận bố đi biệt không thấy trở về. Còn chị Sinh thì cho tới lúc gã buồn ngủ ríu mắt, cũng chẳng thấy tăm hơi. Quanh co, đứng ngồi từ chập tối, lưng gã mỏi nhừ, tay chân gã bải hoải. Gã cũng không còn nâng nổi con dao bổ củi mà gã dự tính dùng làm vật phòng thân để đối phó với vợ gã. Đến gần nửa đêm, gã nằm ngáy tít thò lò trên phản gỗ, không đóng cửa, không buông màn, cũng không cả tắt ngọn đèn lù mù mà gã câu nhờ điện hàng xóm.
Sáng hôm sau, gã tỉnh dậy thật sớm. Gã thấy chị Sinh còn ngủ li bì ở mé divan bên kia. Trong giấc ngủ, nom chị hồn nhiên và tươi tắn như dạo nào hai người mới cưới nhau. Gã nghĩ đến con dao bổ củi và thốt nhiên rùng mình. Mấy xị rượu quả là thứ ma túy ghê gớm. Nếu hôm qua gã gặp chị trong cơn say túy lúy, gã nghĩ có lẽ gã đã phạm tội đâm chém vào lớp da thịt mịn màng và thơm tho đó rồi. Bây giờ, vào một buổi sáng tinh mơ, bầu không khí đầy vẻ yên tĩnh và mát mẻ, gã tự thấy có đầy đủ sáng suốt để bào chữa cho chị:
– Nếu nó làm đĩ thì nó đã chẳng nói ra. Nếu nó nói ra thì nó không làm đĩ.
Thốt nhiên, gã thấy mình là một kẻ sành sỏi về tâm lý đàn bà và gã yên tâm với cái lý luận giản dị đó. Gã vui sướng kiếm guốc lần ra nhà sau rửa mặt và xúc miệng toèn toẹt lên vách đất. Một lát gã trở vào lom khom chui vào mùng, chỗ chị Sinh đang ngủ. Hành động làm chồng của gã có vẻ bất lương, và gã cảm thấy rõ ràng mình đang phạm tội, cho dù phạm tội với chính ngay người đàn bà đã từng có con với gã. Bỗng gã tìm thấy một lá thư do chị Sinh giấu ở bên trong mảnh quần lót. Gã tò mò đem ra dưới đèn sáng lẩm nhẩm đọc. Lá thư do chị Sinh viết cho người bạn thân bây giờ đang ở Đà Nẵng mà chị chưa kịp gởi đi. Trong thư chị than thở với cô bạn về cái thai đang nằm trong bụng chị, một kết quả cụ thể sau nửa năm ăn nằm với một người ngoại quốc.
Ba Sinh đặt cái thư lên mặt bàn và lầm lũi đi xuống bếp. Gã nghĩ đến con dao bổ củi và những dự tính mà gã định thi hành từ tối hôm trước. Nhưng hơi rượu đã hả đi rồi, không còn chút ma lực nào khiến gã có đủ can đảm hành hạ thân thể người đàn bà mà trước đó vài phút gã còn tìm thấy những cảm giác êm ái và mát rượi. Bỗng gã nghĩ đến tấm thân đọa đày của gã mà gã chịu giam hãm một cách đui mù trong suốt thời gian ăn không, ngồi rồi. Gã nghĩ đến thằng Sáng và cuộc đời của nó sau này. Tất cả đều là hư hỏng và nhơ nhớp đến độ gã chẳng còn mong muốn hay hy vọng điều gì. Nhìn ra chung quanh, bỗng gã ghê sợ tất cả những đồ vật quen thuộc mà gã đã từng dùng hàng ngày. Nồi cơm, trạn bát, đống củi, hay những manh quần, manh áo vắt rải rác ở chung quanh, không vật nào bây giờ lại không mang một ý nghĩa mỉa mai và nhục nhã.
Gã đứng dậy tiến lại cái gầu kéo nước và tháo ra một đoạn thừng. Trong căn bếp tranh tối, tranh sáng của một ngày sắp rạng đông, gã âm thầm sửa soạn cho quyết định cuối cùng của gã.
Đến khi gã buộc chặt một cái nút cuối cùng thì có tiếng lạch cạch của thằng Sáng nậy cửa bước vào. Nó dặng hắng đánh tiếng rồi len lén lên gác xép như một con chó đi hoang khép nép trở về; một lát, nó cựa mình trên đống chiếu và nói mê lảm nhảm những tiếng tục tĩu mà người ta chỉ nghe thấy trong đám bạc. Ở phía nhà ngoài, hơi thở của chị Sinh vẫn đều hòa và thoải mái.
Nhật Tiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét