Thứ Tư, 5 tháng 7, 2023

NGOÀI BÃI - Trùng Dương

 

 

Nằm dài trên bãi biển, Quỳnh vẫn không ngừng ngỡ ngàng về tất cả những gì đã xảy ra và đưa anh tới bãi biển này buổi sáng hôm nay.

 

Buổi sáng, nếu bọn nhỏ không đánh thức anh dậy để sửa soạn sẵn chờ Thùy đến, có lẽ anh đã không dám tin là Thùy đã đến hôm qua, đã dùng cơm với anh và các con anh, đã gợi lại cho anh một kỷ niệm mơ hồ như chưa từng xảy ra trong quá khứ cách nay cả mười năm, có lẽ anh đã tin chắc rằng anh vừa nằm mơ một giấc mơ mà trong đó anh đã sống giữa cái điểm giao nhau của hiện tại với thời gian cách đó mười năm. Cách nay mười năm? Lần đầu tiên sau khi tưởng mọi chuyện đã chìm vào màu nhạt phai của ký ức, một câu hỏi đã làm Quỳnh quay quắt mấy tháng hồi đó trỗi dậy : Quỳnh đã yêu cô học trò mười bẩy đột nhiên rủ bỏ lớp áo nghịch ngợm đến thăm Quỳnh không lý do để bàn về một tác giả hiện sinh của Pháp với một nét dằn vặt trên khuôn mặt trẻ? Câu trả lời chưa có bởi liền sau sự biến mất tiêu của Thùy, Quỳnh đã chấm dứt cơn quay quắt của mình bằng cách rời nhà đi và sau đó nửa năm, lập gia đình, để rồi từ đó, anh chôn vùi tất cả. Dẫu sao, anh đã tìm được cách ra khỏi tòa nhà cổ bí mật một cách an toàn bằng cuộc sống bình thường đều đều không sóng gió và bằng lòng như thế.

 

Bây giờ, đột nhiên Thùy hiện ra và khơi dậy tất cả những gì đã được dìm sâu chôn chặt khi còn trong trứng nước.

 

Quỳnh hé mắt khi có cảm tưởng bị rình rập, bất thần một sô nước biển đổ ào lên người anh làm anh lại vội nhắm mắt lại. Vân và Thức phá lên cười rồi ù té xách sô nước chạy xuống biển. Quỳnh ngồi dậy nhìn theo chúng. Từng đợt sóng từ xa vào bờ thật hùng hổ và xẹp dần khi kéo nhau lên bãi. Quỳnh tự so sánh mình với một kẻ đi biển gặp bão, tàu bị đắm, còn mình trôi vào một vùng đất lạ. Quỳnh đang ở trên vùng đất lạ. Thùy nằm dài phía trong đang đọc sách dưới hàng dương. Quỳnh muốn vào đó nhưng ngần ngại, ngượng ngập. Cuối cùng, Quỳnh quyết định đứng dậy đi tới chỗ Thùy. Thùy vẫn mải miết đọc sách, một cuốn sách bằng Anh ngữ khá dầy, chữ nhỏ. Nàng nằm sấp trên một chiếc khăn bông và Quỳnh không thể không ngắm thân thể đầy đặn của nàng bó gọn trong bộ đồ tắm hai mảnh màu xanh lá cây. Ánh nắng xuyên qua những cành dương nhảy múa theo gió thổi từ biển trên làn da màu hồng đầy sinh lực của nàng.

 

Đột nhiên Thùy ngẩng lên, mỉm cười khi thấy Quỳnh qua đôi kính mát kiểu hip-pi:

 

- Thầy không tắm?

 

Quỳnh nghe nóng hai bên mang tai, có cảm tưởng như chính cái nhìn của anh trên thân thể Thùy đã đánh thức nàng ra khỏi những giòng chữ trên giấy:

 

- Các em đâu rồi, thầy?

 

Quỳnh hất đầu về phía bãi, rồi nhìn xuống cuốn sách:

 

- Thùy đang đọc gì vậy?

 

- Một cuốn truyện của Elia Kazan. The Arrangement.

 

Quỳnh ngồi xuống, tai vẫn còn nóng, cầm cuốn sách lật xem cái bìa như một cách che giấu sự bối rối. Thùy đọc đã được hai phần ba cuốn sách. Nàng ngồi dậy, hai tay bó gối.

 

- Tiếng Anh thì tôi chịu.

 

- Truyện này nổi tiếng lắm. Chả biết tiếng Pháp họ dịch là gì nhưng bản Việt ngữ ở đây có người đã dịch, lấy tên là Trở Lại Thiên Đường hay gì đó, nhưng dường như bản Việt ngữ bị cắt bỏ mất mấy chương không thấy dịch giả nói lý do.

 

Quỳnh nhìn tên tác giả trên bìa sách:

 

- Dường như ông này là một đạo diễn mà. Tôi nhớ có xem vài phim của ông ta.

 

- Đúng thế. Ông ta là một đạo diễn và có lẽ đó là một đạo diễn điện ảnh đầu tiên viết văn mà thành công. Từ hồi nào tới giờ dường như chỉ có nhà văn xoay ra làm đạo diễn và thành công, chưa hề có trường hợp đạo diễn xoay ra làm nhà văn mà thành công. Elia Kazan là người đã phá vỡ được cái gần như đã trở thành định luật đó. Phải nhận rằng cuốn sách viết thật lạ với một cái style đơn sơ chân thực đi thẳng vào lòng người.

 

Đôi mắt Thùy say sưa nhìn ra mặt biển sóng nhấp nhô trong khi nói khiến Quỳnh ngẩn ra nhìn.

 

- Đó là câu chuyện về một người đàn ông có cuộc sống ngăn nắp, một công việc ổn định và sinh lợi, những mối tình giai đoạn nhưng sòng phẳng và một gia đình nề nếp với một bà vợ hiểu biết ; nhưng rồi đột nhiên một người đàn bà khác xuất hiện vác theo cái định mệnh của người đàn ông và mọi chuyện bỗng thay đổi chỉ vì người đàn bà đó đã có gan nói thật tất cả những gì mà người khác không dám nói, sống thực tất cả những gì mà người khác không dám hoặc chỉ sống cách lén lút.

 

Thùy ngừng lại, đôi mắt long lanh sáng. Quỳnh nhìn theo tia nhìn của nàng và nhận thấy nàng đang chú ý tới một cặp trai gái trong bộ đồ tắm trạc hai mươi đuổi nhau từ dưới bãi lên. Người con gái chạy trước, cát quấn quít lấy đôi chân nhỏ của nàng, mái tóc dài bay bay, tiếng cười đứt quãng của nàng vang tới chỗ hai người. Có một lúc nàng khuỵu xuống trên hai gối nhưng tiếp tục bò trong khi người con trai có mái tóc dài chụp được mông nàng. Cả hai lăn tròn trên cát, khuất sau một đụn cát. Một lúc thật lâu, họ dìu nhau đứng dậy và tiến về phía Quỳnh và Thùy, vừa đi vừa phủi cát lẫn cho nhau.

 

Quỳnh đột nhiên quay mặt đi chỗ khác như lẩn tránh, như một phản xạ tự nhiên. Nhưng đã trễ. Đạo đã nhận ra Quỳnh. Đã chẳng có vẻ ngượng về trò đùa với cô gái mà Quỳnh nhìn thấy, gã còn nhìn Quỳnh, nhìn Thùy rồi nhìn Quỳnh như dò xét.

 

- Thầy ạ.

 

Xong hồn nhiên giới thiệu cô gái:

 

- Trang, bạn em. Thầy Quỳnh dậy triết lớp anh.

 

Và có vẻ chờ đợi Quỳnh giới thiệu Thùy. Quỳnh miễn cưỡng giới thiệu:

 

- Thùy, học trò cũ của thầy, hiện là ký giả.

 

- Chứ không phải cô nhà?

 

Đạo nhìn Thùy tò mò nhưng bắt gặp ánh mắt và nụ cười thẳng thắn của nàng khiến Đạo tự nhiên cười đáp lại. Thùy đưa tay ra bắt tay cô gái và Đạo:

 

- Ra anh đang học thầy Quỳnh?

 

Đạo kéo cô gái ngồi xuống khiến Quỳnh cảm thấy mất tự nhiên, nhất là khi nhận thấy mọi người có vẻ thoải mái với nhau một cách dễ dàng, chứ không cực nhọc như anh.

 

- Nhưng tôi dốt triết lắm. Bị thầy Quỳnh la hoài. Tôi mà học thầy ở trường công, chắc là bị thầy đuổi quá. Phải không thầy?

 

Quỳnh nhìn Đạo gượng cười, tự hỏi không biết anh chàng có sẽ đem chuyện vẽ hí họa Quỳnh trong lớp ra kể huỵch toẹt cho Thùy nghe không đây. Quả thực anh không quen với trò chơi đó của Đạo. Hơn thế nữa, bức hí họa Đạo vẽ anh có cái vẻ sống động tới độ làm Quỳnh e ngại cái lối nhìn anh của Đạo. Nó phản ảnh một sự nhạo báng đối với nếp sống đạo đức khuôn thước bấy lâu của Quỳnh, nó tố cáo sự ngạo mạn của lớp người trẻ muốn sống theo bản chất thực của họ và ghét những cái khuôn thước của xã hội đặt để sẵn cho họ mà những người như Quỳnh có bổn phận trình bày với họ.

 

May mắn cho Quỳnh là Đạo đã như quên chuyện đó. Gã có vẻ chú ý tới Thùy và nghề nghiệp của nàng:

 

- Làm báo có vui không chị?

 

- Vui hay không, tùy tâm trạng của mình mỗi lúc.

 

- Chị chuyên về cái gì ở tòa soạn?

 

- Anh hỏi một câu như vậy khó trả lời cho một ký giả Việt lắm đấy nhé.

 

- Tại sao?

 

- Bởi vì như một nhà báo kỳ cựu Việt Nam đã nói “làm báo phải như một con dao pha”.

 

- Thì cũng phải có một giới hạn nào chứ. Chẳng hạn như chị đi săn tin hay ngồi ở tòa soạn luộc tin? Nếu săn tin thì chị chuyên về loại tin nào? Hay là chị chuyên dịch tin, dịch tài liệu? Ý tôi muốn hỏi vậy đó.

 

- Anh cũng khá am hiểu về sinh hoạt báo chí đấy, phải không?

 

- Tôi có ông chú làm báo nên đến chỗ ông làm chơi luôn. Ông ta là một nhà báo thất bại, không nổi danh nhưng mê kể chuyện báo chí cho tôi nghe. Thực ra tôi cũng có mộng làm báo. Nhưng không phải làm ký giả, viết bài hay chạy tin, mà vẽ hí họa.

 

Quỳnh ngó Đạo, nhưng Đạo có vẻ không bận tâm tới sự hiện diện của Quỳnh.

 

- Tôi thường sưu tập các tranh hí họa ngoại quốc và tìm hiểu về các họa sĩ hí họa quốc tế. Tiếc là ở Việt Nam ngành này chưa phát triển, nhưng đó cũng là cái hay bởi vì đất hí họa còn hoang, mặc sức tung hoành nếu muốn.

 

Lần đầu tiên Đạo làm Quỳnh ngạc nhiên. Bấy lâu anh vẫn coi thường anh học trò lười biếng này. Quả thật, đằng sau cái vẻ lười biếng đó của Đạo chứa đựng một cái gì đó mà Quỳnh mới chỉ biết một cách hời hợt và lại không muốn đào sâu.

 

- Chắc anh vẽ hí họa khá lắm?

 

- Tôi làm sao dám nói là mình vẽ khá được? Cái đó xin để thầy Quỳnh nhận xét. Thầy thấy em vẽ ra sao, thầy?

 

Quỳnh bối rối rồi nghiêm giọng:

 

- Tôi nói rồi. Cái gì cũng phải đúng lúc đúng nơi của nó.

 

Thùy có vẻ không hiểu. Đạo phá lên cười, vui vẻ kể:

 

- Chị Thùy biết không? Số là một lần thầy Quỳnh cho bài, tôi không biết làm, nhưng tôi cũng không thích dở sách ra xem như những đứa khác, bỏ ra sân sợ giám thị bắt gặp. Ngồi không tôi vẽ thầy rồi nạp bài. Thầy giận em lắm em biết. Nhưng thầy phải ghi nhận là em không ăn gian chứ?

 

Quỳnh chỉ ậm ừ. Thùy cũng phá lên cười theo. Quỳnh bỗng cảm thấy mình là cái bia cho hai người trẻ, kể cả cô bạn gái của Đạo lúc đó đang nằm dài trên cát mắt lim dim cũng ngoái lại nhìn Quỳnh tò mò khi Đạo nói:

 

- Phải nhận là thầy Quỳnh có nét lắm phải không chị Thùy? Tôi vẽ cả một cuốn tập về thầy mà thầy không biết. Bữa nào tôi ghé chỗ chị làm cho chị coi cuốn tập đó. May ra chị sẽ giới thiệu tôi với báo chị.

 

Quỳnh nghĩ quả thực ông thầy thời nay không còn đáng gì dưới mắt học trò, và anh có cảm tưởng dường như chính vẻ nghiêm trang đạo mạo của mình – cái phao của nhà giàu – thường lại bị đem ra giễu cợt. Dường như đoán được vẻ khó chịu của Quỳnh, Thùy lái câu chuyện sang chỗ khác:

 

- Muốn gì thì gì, theo chỗ tôi biết và đó cũng chính là quan niệm của tôi : muốn tiến xa trong nghề nghiệp nào đó, anh phải có một căn bản văn hóa cho chắc chắn. Tất một điều là học cho xong khi mình còn có điều kiện và phương tiện. Anh đã dự tính chọn ngành nào đi sau khi đậu Tú tài chưa?

 

Đạo cười:

 

- Đúng là quan niệm chỉ con gái mới có quyền nghĩ. Tụi tôi con trai nghĩ khác : gì thì gì, hẵng gắng đậu đều mỗi năm để có thể tiếp tục được động viên tại chỗ đã khi hoàn cảnh còn cho phép. Còn chọn ngành nào ấy à, đó cũng là độc quyền của con gái. Con trai tụi tôi, ngành nó chọn, chứ tụi tôi đâu được quyền chọn. Nghĩa là, nếu đậu Tú tài, tụi tôi sẽ ghi danh tưới hạt sen, cuối năm đậu phân khoa nào thì theo phân khoa ấy luôn, khỏi tính toán chi lôi thôi!

 

Một bầu không khí im lặng bỗng bao trùm mọi người. Một lát, Thùy nói nhỏ, chua xót:

 

- Cách nay mười năm, tôi và các bạn tôi cũng nghĩ như anh, nghĩa là ghi danh nhiều phân khoa một lúc rồi học cầu may. Đâu ngờ mười năm sau, nền học vấn của ta vẫn chỉ có một tình trạng đó. Dù anh viện cớ chiến tranh gì gì đi chăng nữa, tôi vẫn chỉ thấy có một điều : chẳng có sự hướng dẫn nào dành cho thế hệ trẻ cả.

 

Quỳnh nhìn hai người trẻ, phân vân. May mắn cho mọi người là cô bạn gái của Đạo chợt ngồi dậy, phá đi bầu không khí nặng nề, giọng hơi bực dọc vì phải nghe những điều chả liên hệ gì tới chuyến đi nghỉ của họ:

 

- Thôi, Đạo. Xuống tắm đi kẻo tới giờ về Sàigòn bây giờ. Ra đây để nghỉ chứ đâu phải để ngồi nói chuyện. Đi?

 

Vừa nói, cô gái có khuôn mặt đẹp nhưng hơi đần độn với thân hình nẩy nở đứng dậy kéo Đạo đừng lên. Thùy cười thành tiếng, cũng đứng dậy theo, vui vẻ:

 

- Cô Trang nói phải đó. Mình đi tắm đi. Thầy xuống tắm không thầy?

 

Quỳnh lắc đầu. Ba người trẻ đuổi theo nhau xuống bãi trong tiếng cười vạm vỡ. Quỳnh nằm xuống mặt cát ấm. Anh không rõ mình nghĩ gì. Chỉ thấy lạc lõng và u trệ. Những người trẻ như Thùy, Đạo, thì họ ưu tư đấy rồi hồn nhiên yêu đời đấy. Và họ gặp nhau ở điểm đó, họ thân thiết với nhau dễ dàng do điểm đó. Nhìn thẳng vào cuộc sống, và rồi cười phá lên nhẹ nhàng, và rồi sống dậy phơi phới. Trong khi Quỳnh…

 

Tiếng cười giỡn của ba người vọng tới chỗ Quỳnh nằm. Bỗng dưng Quỳnh cảm thấy một ghen tức mơ hồ, không rõ là ghen với sức sống của tuổi trẻ nơi họ, hay là ghen với lối làm quen dễ dàng giữa Thùy và Đạo. Anh có cảm tưởng mình bị đẩy lại phía sau cuộc sống nhưng anh vẫn còn đủ sức để lý luận tại mình là thầy chúng, mình là một nhà mô phạm, một người chỉ có cái vấn đề triết học là có thể làm mình bận tâm và phân vân.

 

 

TRÙNG DƯƠNG      

 

(Trích từ giai phẩm Văn số tháng 4-1975)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét