Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2023

HAI LẦN CHẾT - Thế Lữ

Tối hôm ấy, chúng tôi đi viếng một người bạn ở phố Hàng Bột mới từ trần. Lúc ra về đến giữa phố Sinh Từ thì trời đổ mưa, chúng tôi kéo cả lên nhà anh Tri. Tri bàn mọi người nên ngủ lại nhà mình để mai đi đưa ma cho tiện.

Anh em lâu không họp mặt, chuyện trò đến hơn mười hai giờ đêm.

Câu chuyện dồn cả vào sự nghiệp và tính nết Đàm văn Tâm, người thiệt mệnh.

Anh Tâm là một thiếu niên thông thái, có khiếu về khoa học và đối với bạn là một người tử tế thật thà. Anh ta không lấy vợ, cha mẹ mất sớm, bao nhiêu của cải của ông chú ruột để lại cho chỉ dùng vào công cuộc khảo cứu mà chúng tôi biết là có giá trị. Tâm cùng cộng tác với anh Đinh văn Mão, một người bạn học cùng chí hướng với anh ta. Sự nghiệp về khoa học của Tâm đang chừng có vẻ rực rỡ, thì bỗng không bệnh mà chết. Họ hàng không có, nên Mão đứng lên lo việc tang ma.

Cái chết đột ngột của một người bạn còn trẻ gây cho chúng tôi một thứ cảm giác phảng phất, lo sợ, nhất là vì đêm ấy lại mưa gió sụt sùi. Tính vui đùa của anh Tính cũng không làm bớt được lạnh lẽo, nặng nề trong gian phòng sáng bởi một cây đèn dầu hỏa. Tính nói :

- Chết sớm, càng được nghỉ sớm chứ sao?

- Anh thì anh chỉ thích nghỉ thôi. Giá có chết cũng không thiệt cho ai. Còn anh Tâm...

Tính gật đầu :

- Phải. Quốc dân thiệt mất một nhân tài...

Rồi lại tiếp luôn :

- Nhưng sống khôn chết thiêng, hẳn ngài nhớ đến bọn ta, sẽ về phù hộ.

Một người bạn mắng :

- Chỉ nói nhảm. Anh này việc gì cũng đem pha trò...

- Kìa! Pha trò đâu? Tôi nói thực đấy. Tâm chả nhiệt thành tin thuyết "Linh hồn hiển hiện" là gì? Phải không anh Ngôn?

Tôi đáp :

- Phải. Tâm hay bàn về vấn đề ấy lắm. Có lần anh hẹn tôi rằng khi nào chết sẽ về báo hiệu cho tôi biết. "Tôi chết, tôi sẽ về gãi chân anh".

- Y như trong sách của Camille Flammarion ấy nhỉ?

- Mà không phải là câu nói đùa đâu!

Tính nói nửa thực nửa bỡn :

- Nếu vậy, có lẽ anh Tâm sắp hiện lên giữa chúng ta...

Mọi người cùng cười thào lên một tiếng nhạt, rồi cùng ngồi im. Bên ngoài tiếng ướt át rì rào của mưa gió vẫn không ngơi. Tri ngẫm nghĩ thế nào chợt se sẽ nói :

- Ừ, thế ngộ anh Tâm hiện hồn lên bây giờ thì sao?

Nhưng câu ấy không có ai trả lời, rơi vào trong vực yên lặng mất.

Bỗng nhà dưới có năm, sáu tiếng gõ cửa, tôi toan nói một câu, liền nín lại. Tiếng gõ cửa ra dáng gấp, và cứ mạnh thêm.

Đức nói thầm :

- Hay là anh... Tâm về...

Tôi :

- Có lẽ nào?

Nhưng chúng tôi đồng lo sợ. Tiếng gõ nhà dưới ra chiều thúc giục - tiếng cửa mở rồi khép, rồi một lát thằng nhỏ đi lên, vừa ngái ngủ, vừa thưa vào :

- Thưa cậu, cậu Tâm lại chơi.

- Hử? Cậu Tâm nào?

- Thưa, cậu Tâm Hàng Bột.

Chúng tôi kinh ngạc nhìn nhau. Tri cau mày gắt :

- Mày nói láo! Còn cậu Tâm nào ở Hàng Bột nữa? Sao mày không hỏi xem ai?

- Bẩm, chính cậu Tâm... Cậu đang đi lên.

Chúng tôi như gặp luồng gió lạnh, nhìn ra thấy anh Tâm thực.

Tâm đứng ở khung cửa, đầu tóc bơ phờ, mặt mày ngơ ngác, mình mặc bộ quần áo trắng dài là bộ mặc cho anh ta lúc đặt nằm trong áo quan. Hơn một phút, chúng tôi không ai nói gì, ngồi đực ra như bị thôi miên. Sau, một người bạn đi đạo lấy tiếng dõng dạc hỏi :

- Nhân danh tình bằng hữu thiêng liêng của chúng ta, tôi xin hỏi vong hồn Đàm văn Tâm có oan ức điều gì không?

Tâm, hay linh hồn hiển hiện của Tâm không đáp, cứ trân trân nhìn chúng tôi một lúc lâu. Tiếng dõng dạc lại hỏi lên lần thứ hai :

- Nhân danh tình bằng hữu thiêng liêng... tôi xin hỏi vong hồn...

Thì Tâm bỗng đưa tay gạt đi, dịu nét mặt lại rồi thong thả nói :

- Tôi không phải là vong hồn... vì tôi chưa chết.

Chúng tôi vẫn không hiểu. Tâm lại nói :

- Phải. Tôi còn sống thực, có xương, có thịt, có máu chạy trong mạch... chứ không phải là một vật hư vô...

Rồi Tâm yên lặng tiến lên, nhìn mọi người một cách xoi mói, dò xét, rồi lại kéo một chiếc ghế ngồi. Chúng tôi bất giác ngồi giãn cả ra, thì Tâm buồn rầu, mỉm cười, nói :

- Không. Tôi không chết đâu, tôi chưa chết. Tôi muốn... tôi hỏi các anh: Tôi có thể tin ở sự kín đáo của các anh được không? Tôi có thể tin ở tình bằng hữu thiêng liêng của chúng ta mà anh Đào vừa nói, được không?

Chúng tôi trả lời :

- Được. Nếu anh có oan uổng điều gì...

- Tôi đã bảo tôi còn sống mà! Sống như các anh, thực thế.

- Ừ, chúng tôi muốn tin rằng thế, song anh Tâm đã chết thực, đã có giấy chứng nhận chôn, chúng tôi cũng đã đến viếng...

- Nhưng tôi chưa chết. Tôi ở trong săng dậy đây.

Yên lặng một phút. Sau tôi hỏi :

- Thế còn anh Mão ngồi coi bên săng? Anh ấy đâu?

Tâm bóp trán thở dài. Bỗng anh ngừng phắt lên, hai mắt lóng lánh, đột ngột nói :

- Mão chết rồi. Phải, chết rồi. Mà chính tôi, tôi, các anh nghe chưa? Tôi giết nó đấy...

- Sao lúc chập tối chúng tôi còn thấy anh Mão khóc, chúng tôi lại nhận rõ mặt anh trong săng?

- Nhưng tôi vừa giết Mão xong, giết vì bất bình, vì điên dại... Các anh hãy ngồi yên, tôi kể đầu đuôi cho nghe. Tôi thực là một người khổ sở hết sức!

Rồi Tâm ôm mặt se sẽ khóc trước năm bộ mặt kinh dị của chúng tôi. Một lúc lâu, anh ta mới lại nói :

- Tôi không ngờ đâu lại thấy những điều cay độc, mỉa mai đến như thế... Tôi tưởng phát điên lên mất - không ngờ đâu lòng người mà lại đến thế. Các anh thử xét mà coi. Các anh vẫn biết Mão với tôi là hai người bạn thân hơn ruột thịt, vì tôi thương anh ấy nghèo và chăm chỉ, lại muốn cùng theo đuổi một công cuộc với tôi. Chúng tôi thề suốt đời không lấy vợ, để đem hết tâm trí hy sinh cho khoa học. Trong hai năm trời Mão càng ngày càng tỏ ra một người có chí và hết lòng với bạn, nên tôi càng ngày càng yêu thêm. Tôi muốn cho Mão vững tin ở lòng thành thực của tôi, nên viết một tờ "chúc thư" để gia tài của tôi với sự nghiệp của tôi lại cho Mão. Đó là một điều gàn dở, nhưng trong lúc nồng nàn hăng hái ấy thì tôi có trông thấy xa đâu? Tôi có ý tỏ cho Mão biết rằng của tôi cũng như của anh ta, mà nếu bất hạnh tôi chết trước, thì bổn phận anh ta là phải đi cho tới mục đích bước đường mà tôi bỏ dở. Từ lúc tôi ký tờ giấy kia đến nay đã được hai năm rồi, không có điều gì hết. Mão vẫn yêu tôi, vẫn hết lòng làm việc với tôi như trước. Mà nếu rủi tôi chết sớm thì chắc Mão là người thương tôi hơn cả. Có ngờ đâu người bạn thân thiết ấy lại là một giống sài lang! Năm năm về trước, nguyên tôi vẫn mang một chứng bệnh thần kinh, thường khi đang yên bỗng ngã lăn ra bất tỉnh. Nhưng từ khi ông chú tôi mất, bệnh ấy như khỏi đứt, tôi không để ý đến nữa - rồi quên bẵng đi. Bệnh đó tới nay lại phát khởi lên xem chừng nặng hơn trước nhiều lắm. Mấy ngày trước tôi thấy những triệu chứng thứ nhất và bắt đầu lo. Song tôi vì bận viết một bài khảo biện rất dài cho một tạp chí chữ Pháp, nên không kịp nói chuyện với Mão. Ba giờ sáng hôm qua, lúc buông bút đi ngủ, bỗng tối sầm mặt lại, ngã gục xuống rồi từ đó lịm đi...

Lúc mở mắt ra thì thấy mình bị ép hai bên trong một xó tối và khó thở, tôi định tâm vừa nghĩ vừa sờ soạng mãi mới biết là mình nằm trong săng. Nhưng trông lên thấy mờ mờ có ánh lửa soi vào hai bên nắp săng và lắng tai còn nghe thấy quả lắc đồng hồ tích tắc đưa chuông điểm. Tôi đoán rằng tôi ngất đi đã lâu lắm - vì bụng thấy đói dữ - có lẽ mọi người tưởng chết thực và đã cho mình vào săng sắp sửa đem chôn. Tôi nâng nắp săng thì thấy còn mở, bèn yên lặng ngồi lên. Lúc ấy mới biết là hơn mười hai giờ đêm. Mão đang xem một tờ giấy bỗng quay ngoắt kêu lên một tiếng khẽ. Tôi cười để cho hắn khỏi sợ và nói: "Tôi không chết đâu... Sống đây mà!"

Mão vẫn trừng mắt nhìn tôi. Thấy tôi cười nói tự nhiên và chờ anh ta nâng hẳn nắp săng đỡ tôi dậy, thì như đã hơi định thần, hắn nhìn tờ giấy mà tôi nhận ra là tờ "di chúc" rồi lại nhìn tôi. Bỗng nhiên hắn rảo bước lại bên chiếc quan tài, mắt long lanh một cách lạ thường, rồi nhanh tay ấn mạnh tôi xuống đậy nắp săng lại.

Trước tôi còn ngờ hắn hoảng hốt vì sợ hãi quá, sau bỗng nghĩ ra một điều rất ghê gớm: Mão muốn giết tôi.

Phải rồi... tờ "chúc thư" mà hắn làm bộ không nói đến bao giờ... cái gia tài quan trọng của tôi... mà đối với mọi người thì tôi đã chết. Phải. Tôi chết là hắn được hưởng, mà tôi đã không chết thực thì hắn giúp tôi chết nhân thể, ai biết đấy là đâu?

Trong có một giây đồng hồ mà tôi cũng thoáng thấy được cái kế hiểm độc của bạn với cái tình thế nguy hiểm bấy giờ. Tôi căm giận không biết ngần nào, đấm nát tay lên cái nắp săng, nhưng cái nắp bật hé được lên lại bị ấn xuống. Chân tôi không bị buộc trói như thói thường trong lúc khâm liệm, nhưng không thể cử động được dễ. Bên ngoài, tôi nghe thấy tiếng chân vội vàng chạy xa dần. Tôi đoán chắc hắn đi tìm cái gì để đè lên mặt săng cho nặng thêm. Nhân cơ hội tôi thét lên một tiếng rất dữ, đạp một cái hết sức mạnh, nắp săng bật ra một chỗ, tôi ngồi dậy thì hắn đã tiến đến, cái ống tiêm thuốc độc cầm ở một tay. Tôi vùng đứng lên, vừa sợ vừa giận. Hắn bước tới, tôi liền níu lấy tóc, nghiến răng ấn đầu hắn xuống rồi nhảy xổ lại đè lên mình hắn: cái ống tiêm rơi xuống, vỡ tan ra. Hắn bị tôi cưỡi lên ngực, hai cánh tay bị dập dưới đầu gối tôi, và cổ bị hai bàn tay tôi thắt vào đến hai mươi phút. Tôi càng nhìn cái mặt thú vật của nó, cái bộ mặt mà mới hôm trước đây, tôi còn yêu quý, thì cơn giận cứ bốc lên mãi, tôi bóp ghì lấy cổ nó mà vẫn không rõ là mình làm gì. Lúc nó đã tắt thở rồi, tôi mới buông tay ra. Bấy giờ đúng mười hai rưỡi.

Tôi không sợ hãi, không hối hận, không vội vàng, vì không cho sự giết thằng khốn nạn ấy là một tội ác. Tôi xốc nó lên, bỏ vào săng đậy nắp lại tử tế, thu xếp ít tiền bạc, giấy má, định gieo thành một mối bí mật, rồi đi.

Nhưng tôi nghĩ lại ngay, nên thuê xe đến gọi anh Tri kể cho anh nghe để cùng với anh khu xử việc này... Lúc tôi vào bước lên đây, trông thấy các anh, tôi thú thực rằng hơi có ý nghi ngờ các anh... đồng lòng với Mão. Bởi vì... các anh xét hộ, tôi bị một kẻ tâm giao độc nhất xử với tôi một cách ghê gớm như thế... làm cho tôi tưởng phát điên lên mất, tôi tưởng rằng ở đời này thế cả... họ thấy lợi là họ quên cả tình nghĩa... Các anh tha thứ sự nghi ngờ ấy cho tôi.

Tâm nói đoạn thở dài một tiếng rất cay đắng, gục đầu xuống sụt sùi. Chúng tôi ngồi lặng nhìn nhau...

Đêm hôm ấy, chúng tôi không ngủ, sau bàn nên để anh Tâm ở yên một chỗ, dựa theo cái ý kiến mà Tâm đã nghĩ tới, xoay việc án mạng kia thành một thiên bí mật để không ai dò được manh mối ra sao.

Chúng tôi làm như người ngạc nhiên trước nhất về chuyện này, đi trình các nhà chuyên trách đến khám xét chỗ ở của Tâm và thản nhiên, trả lời rất khéo những câu hỏi mà chúng tôi đã đoán biết từ trước.

Bỗng nhiên, ngay sáng hôm ấy, đang khi tra vấn kỹ lưỡng thì anh Tâm lại lù lù hiện ra, nói rằng mình đi vơ vẩn suốt đêm, rồi đem kể hết đầu đuôi việc xảy ra đêm trước.

"Tôi đã giết người, các ông dẫn ngay tôi vào ngục".

Đó là câu nói sau cùng của anh ta.

Cuộc thẩm vấn, chúng tôi cố chạy cho mau chóng và rất công minh, nên một tháng sau, lúc ra tòa, Đàm văn Tâm được trắng án. Chúng tôi cũng không được vui mừng lắm, vì Tâm vẫn giữ vẻ nhẫn nhục, rầu rĩ như hôm mới bước chân vào đề lao.

Anh cám ơn công săn sóc của chúng tôi, rồi tự giam mình trong gian nhà phố Hàng Bột, nhất định không tiếp ai cả: sống ở đấy một cách yên lặng, kín đáo, bảo là một cách thầm vụng cũng được, như muốn cho người ta quên mình đi.

Một hôm, người đầy tớ già của Tâm đến nhà anh Tri nói rằng chủ mình đã hai hôm nay ở tịt trong phòng. Chúng tôi đến, phá cửa vào xem thì thấy anh ta gục đầu lên bàn trên một tờ chúc thư để của cải cho các viện tế bần, người lạnh ngắt và cứng đờ.

Lần này thì anh Tâm chết thật. 

 
THẾ LỮ       
 
(Rút từ tập truyện ngắn "Bên Đường Thiên Lôi", 1936)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét