Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023
Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2023
CĂN NHÀ CỦA MẸ - Thế Uyên
Mỗi người đều cần có một quê hương để trở về vào tuổi già hay vào những thời kỳ mệt mỏi hay chán nản trong đời. Bởi thế, ai mất quê hương thực sự của mình, đều phải tạo ra quê hương mới bằng cách này hay bằng cách khác.
Rời miền Bắc sau 1954, mang lũ chúng tôi vào Nam, bố mẹ tôi đã từ bỏ nhiều thứ trong đó có quê nội và quê ngoại, một quá khứ khá dài những vui buồn, và căn nhà đã tạo dựng bằng công khó của hai người, nhất là bằng dấu vết những bàn chân nhỏ cùng các tiếng khóc tiếng cười của đứa bé đã sinh ra và lớn lên trong đó. Tết năm ấy, tết tha hương đầu tiên, bố mẹ tôi không hề buồn bởi vì hai người chưa già và trừ người con lớn còn ở trong quân ngũ nơi xa, gia đình tôi sum họp đầy đủ trong căn nhà cũ kỹ tồi tàn không điện không nước của khu Bàn Cờ. Tết năm ấy, năm của hòa bình, hầu hết những người dân hai miền còn đầy hi vọng ở tương lai.
Rồi ngày tháng theo nhau qua. Niềm hi vọng ở tương lai của mọi người có còn nguyên vẹn như thế không, tôi không biết. Tôi chỉ biết vào một ngày cuối năm, thứ hi vọng ở tương lai của gia đình khiêm tốn của tôi đã suy giảm nhiều. Lý do thật giản dị: bố tôi, cột trụ của gia đình, đã thấm mệt, đã chịu thua cuộc đời, đi vào tuổi già. Ông đã cam chịu làm một công chức nhỏ cho một cơ quan thuộc binh chủng lo làm nhà, xây cầu cho quân đội. Ông không còn nói tới lo xin ra báo, mở nhà in, tái lập thời kỳ huy hoàng của ông trong những năm còn trẻ. Trong một đêm khuya đi chơi về, bắt gặp ông còn thức soạn chống giấy tờ cũ – những tấm thiếp mời ông buổi lễ này, tiệc rượu nọ của cả một thời kỳ đã qua – dưới ánh đèn dầu lù mù và trong tiếng xe chạy ào ào trên con lộ lớn trước nhà, tôi đột nhiên cảm thấy từ thâm tâm một cái gì thúc đẩy tôi ngồi xuống đấy với ông, nói gì chưa biết, nhưng phải ngồi... Hình như đây là lần đầu tiên tôi lờ mờ ý thức được thế nào là cô đơn của một người thất bại về già bó gối chịu thua. Trong căn nhà tồi tàn này, có đầy đủ vợ con nằm ngủ yên chung quanh, nhưng có những nỗi cô đơn tự bản chất đã không sao chia sẻ nổi...
Tôi đã tới ngồi chiếc ghế bên này chiếc bàn mộc, vơ vẩn đọc những tấm thiếp cũ xưa ấy, nghe người già ngồi bên kia nói về cuộc đời, về tuổi trẻ, về những ước vọng vang bóng một thời. Ông nói ông đã làm thất vọng nhiều người, trong đó có mẹ tôi, con gái duy nhất của một gia đình nhiều danh tiếng về văn học cũng như về đấu tranh cách mạng. Ông đã quá rong chơi, quá phung phí tuổi trẻ, để rồi tới lúc này không còn gì. Không một danh tiếng, cũng không cả gia sản. Và vì dù sao cũng là kẻ cuối cùng của một dòng kẻ sĩ lâu đời, ông đã vừa phải khước từ một đề nghị chính trị nhiều bá đạo nhưng cũng nhiều quyền lợi của chính quyền đương thời... Như vậy ông chỉ còn một đời sống khiêm tốn để sống, cuộc đời của một công chức già và một căn nhà nhỏ mới được cơ quan cấp phát cho trong một cư xá hỗn hợp, căn nhà ông hẹn tôi mai sớm tới sở kiếm ông để cùng sang nhận. Trong khuya, không biết là vào giờ nào của đêm, ông trầm giọng: “... Sau này, bố chỉ ao ước các con làm được cho bố một căn nhà tranh ba gian hai chái trên nền đất nện, trước nhà đào một ao nhỏ có cầu ao dẫn xuống mặt nước nuôi bèo để không cho xanh um, ở ven đô nào cũng được.”
Tính ông chuyên đoán nên bố con ít khi nói chuyện nhiều, chưa kể có thời kỳ tôi còn ghét ông vì bị bắt phải làm những điều ông muốn và tôi không ưa. Những đêm nay, lần đầu tiên từ khi lớn lên, tôi hiểu bố được một phần nào. Một thoáng nghẹn ngào lẩn khuất với tình thương mến. Tôi cất tiếng nói, nói rất nhiều. Bây giờ đến lượt ông ngồi nghe tôi nói về những ước vọng của tôi – những ước vọng dĩ nhiên thật cao xa của một thanh niên mới lớn.
Chẳng biết ông có tin các lời đao to búa lớn ấy của tôi không, nhưng ít nhất buổi nói chuyện trong đêm cũng làm hai bố con dễ chịu với nhau hơn khi cùng đến nhận căn nhà nằm đầu dẫy của một khu nhà dành cho binh sĩ và nhân viên quân chính. Căn nhà nhìn ra bãi cỏ hoang đầy vòng kẽm gai cũ rỉ, sát vách bên là một đống khối bê-tông lớn xếp hỗn độn do đạo quân viễn chinh Pháp bỏ lại, căn nhà vào mùa mưa thì nước ngập và mùa nắng thì mái tôn hừng hực chói chang.
Gia đình tôi dọn tới ở căn nhà ấy và ở thật lâu. Mẹ tôi vốn có tài thích ứng về mọi sự và nhất là về nhà cửa ruộng vườn. Bãi cỏ hoang, mẹ tôi phát cỏ, cuốc đất lên làm thành vườn. Mẹ tôi trồng nhiều cây trứng cá, vì chúng “… vừa chóng có bóng mát, vừa chóng có trái cho chúng này chọc ăn.” Mẹ tôi đục thêm cửa sổ bên hông nhà và khi bọn tôi kêu lên khôi hài là nhìn qua đó thấy đống đá non bộ (các khối bê-tông ấy) đẹp như thế mà thiếu hàng trúc thưa, bà đi trồng hai rặng mía vì “... đốt mía đẹp kém gì trúc mà lại ăn được.” Cứ với quan niệm dung hòa mỹ thuật với thực phẩm ấy, khu vườn nhà tôi dĩ nhiên không thể thiếu vài luống sắn thân và lá thật đẹp mỗi khi trời xanh cao và nhiều nắng. Trong căn nhà nhỏ, và trong khu vườn vừa đẹp vừa ngon do mẹ tôi tạo dựng ấy, chúng tôi đã sống những ngày thật vui và nhiều hạnh phúc. Anh Lam tôi đã đưa chị dâu tôi về ngồi dưới bóng mát của các cây trứng cá nở đầy hoa trắng, đêm trăng trông như có sương đọng. Tôi đã từng đưa người yêu của tôi, người sẽ theo gót chị Lam về làm dâu thứ trong căn nhà này, đi giữa hai luống sắn, ven rặng mía dưới vòm hoa ti-gôn. Tôi đã từng bắc thang đưa nàng lên mái nhà, nơi đứa em trai đã sửa cây, xếp cành thành một vùng nho nhỏ như tổ chim - một chỗ để hôn nhau. Rồi đứa em gái kế đã hôn người yêu ngoài bờ cỏ sau bụi tre, đã khóc đã cười và đã đi lấy chồng cũng từ trong căn nhà của bố và khu vườn của mẹ...
Những năm tháng vui tươi rồi cũng qua đi, chiến tranh đã bộc phát dữ dội làm phân tán lũ con và gửi những sợi tóc đốm bạc lên mái tóc bố tôi. Từ lâu rồi, ông suy yếu nhanh vì bệnh lao. Đêm Trung Thu chót, khi chúng tôi treo đèn xếp đầy vườn, trên ngọn cây sắn ẻo lả, trên cành cây, trong lùm tre và bày cỗ ăn bánh uống trà vui vẻ ngoài vườn, ông chỉ còn đủ sức ngồi thu người trên ghế, vừa hút thuốc vừa ho nhìn ra. Bởi thế, khi bước chân vào quân trường, tôi đã nghĩ không hiểu rằng khi chết, ông liệu có được bao đứa con bên giường...
Và tin ông chết trong bệnh viện Cộng Hòa chết một mình, đến với tôi khi vừa tập trận ở một bãi xa về. Trong khi chờ đợi giấy phép bạn bè đang chạy tứ tung xin hộ, tôi ngồi ở một bệ xi-măng ven Võ đình trường, nhớ tới ông trong những ngày gặp chót - gặp thật ngắn vì thời hạn đi phép đã chẳng dài bao nhiêu, tôi lại dành hầu hết cho Thi và cho tôi. Lần phép chót, khi tôi mặc xong quân phục, cầm mũ đi ra, ông đã gọi giật lại, ngập ngừng hỏi tôi còn tiền hay không. Tôi mở ví ra còn hơn ba trăm, chia cho bố một nửa... Nước mắt tôi rớt trên cát vỡ các hình ngôi sao nâu, nhưng tôi không kìm giữ vì biết rằng tối nay, vì ở gần Saigon nhất, tôi sẽ là đứa con độc nhất về kịp với mẹ. Trong căn nhà, trong khu vườn, tôi cần trấn tĩnh. Còn ở đây, Võ đình trường trải dài vắng ngắt trong rạng chiều... Tôi chỉ khóc ông một lần nữa sau khi mộ đã đắp, ông đã yên nghỉ trong một nghĩa trang xa lạ, yên nghỉ vĩnh viễn trước khi tôi thực hiện nổi giấc mơ nhỏ của ông trong tuổi già, là làm một căn nhà tranh ba gian hai chái trên nền đất nện, trước nhà có một ao nhỏ thả bèo cho xanh…
Ông chết đi, sau khi tiền tử tuất đã trả, cơ quan đòi lại căn nhà đã cấp phát từ bao năm. Mẹ tôi có báo cho tôi biết, nhưng thân làm lính trấn thủ lưu đồn, tôi làm gì được. Chẳng lẽ để các con nhỏ đi ở nhờ bà con họ hàng, mẹ tôi tới cơ quan cầu xin. Chồng chết không gia sản, các con trai đã đi lính hết, mỗi đứa một sư đoàn xa… Thế rồi mẹ tôi được cơ quan chấp thuận cho tạm trú ở khoảng đất ngay sát nhà. Còn căn nhà, vẫn phải trả.
Mất căn nhà nhưng còn được khu vườn, mẹ tôi đi vay tiền, xin vật liệu về chất đống, nhưng chưa khởi công vì còn đợi tôi về “cất nóc” hay “thượng lương” chi đó. Tới kỳ về phép, ngồi giữa đống gỗ ngổn ngang, tôi uống trà với mẹ trong khu vườn mà sốt ruột chỉ muốn đi – vì Thi ngồi ngay bên, trong vòng tay và bây giờ hai đứa tôi không cần “một chỗ để hôn” nữa, mà cần tìm một chỗ để yêu nhau. Xong tuần trà, mẹ tôi gọi tôi ra khởi công làm nhà. Tôi nhăn nhó vì sợ mất nhiều thì giờ, nhưng thực ra không có gì: tôi nâng một cái sà gỗ đầu tiên cho mẹ tôi đóng. Thế là xong lễ cất nóc cho một ngôi nhà.
Nhưng căn nhà của mẹ tôi hẳn phải không giống như mọi người. Thiếu gỗ, mẹ chỉ làm có ba vách, vách thứ tư là tường căn nhà cũ. Dù chỉ ba vách cũng vẫn thiếu gỗ nên cả mặt tiền chỉ làm gỗ phân nửa dưới, còn nửa trên đóng lưới, trong làm màn ngoài treo mành tre. Căn nhà trống trải đến nỗi mỗi khi có gió lớn thổi, lá khô theo các khe hở rơi lả tả đầy nhà và khi mưa lớn thì đúng là cơn gió bốn bề. Một căn nhà “gần” thiên nhiên đến mức tối đa, chim làm tổ trên đình màn và đêm khuya dế kêu ri rỉ dưới gầm giường. Nhưng quả là một căn nhà kiểu liêu trai cho một hàn sĩ trẻ và tôi đã nhiều lần mời bạn văn đến uống rượu nhân dịp xuất bản những tác phẩm đầu tiên trong nơi này, trong căn nhà của mẹ và khu vườn của mẹ.
Rồi thời gian qua nữa. Sau khi phiêu bạt nhiều đơn vị của ba vùng chiến thuật, tôi mới được đổi về Saigon. Khi ấy cấp chỉ huy binh chủng sở hữu khu nhà quyết định dùng khoảng đất trong có khu vườn của mẹ dự trù làm bể bơi hay sân quần vợt chi đó và xe ủi đất cơ hữu đơn vị đã tới san bằng. Khi tôi về, cứ như Từ Thúc về trần, khu vườn đã biến mất không còn đấu vết. Mẹ tôi chỉ nói là đã hết sức năn nỉ mấy người lính mới giữ được một cây trứng cá duy nhất bây giờ đã gần như cổ thụ mọc sát vách nhà. Tôi thoáng buồn rầu khi hiểu tại sao mẹ tôi không tới năn nỉ xin các cấp chỉ huy khu đó, mà chỉ đi nói với mấy người lính lái xe. Và tôi không đủ can đảm để hỏi mẹ tôi khi năn nỉ, liệu có nói các con bà đều là lính như họ, ủi thì ủi, chớ ủi nhà mẹ già em nhỏ của chúng bay không...
Một thời gian sau mẹ tôi theo hai đứa em gái chót lên Đà Lạt và tôi cùng gia đình riêng mới tạo dựng, dọn về nhà mẹ ở. Trước khi đi, mẹ dặn coi chừng là có tin đồn sắp có lệnh dỡ nhà trả đất vì cấp chỉ huy binh chủng định biến khu này thành cư xá sĩ quan. Mẹ chẳng dặn thì tôi cũng coi chừng. Làm sao nỡ để mất của mẹ, căn nhà của cả một thời kỳ, căn nhà duy nhất bọn tôi có được kể từ khi xa miền Bắc.
Rồi lênh dỡ nhà đến thật. Tôi làm đơn xin, viện lẽ thượng cấp đã định cấp phát lại khu này cho sĩ quan thì dù có là dân bộ binh chân lấm tay bùn, tôi cũng là sĩ quan xin được lưu cư ở khoảng đất nhỏ bé. Đất là đất chung của quân đội và huynh đệ chi binh... Nhưng một buổi sáng đẹp trời, một văn thư gửi tới cho biết phải dỡ nhà đi, và “vì tình nhân đạo, cho đương sự một thời hạn ba tháng để thi hành lệnh này.” Tôi chưa chịu thua, xin đủ giấy tờ chứng tỏ là nhà có ba lính, thì lính anh, lính em và lính tôi đều không có nhà, dù là nhà mình mua hay cấp phát.
Nhưng tôi đã thất bại, hoàn toàn thất bại. Lệnh dỡ nhà, trục xuất khỏi cư xá được giữ nguyên và không gia hạn thêm lấy một ngày. Còn kèm thêm khẩu lệnh phụ là tới ngày không đi sẽ cho xe bulldozer tới ủi tất và cho An ninh tới bắt. Tôi đành gọi người vào dỡ nhà, bán vật liệu – vật liệu còn bao nhiêu giá trị sau bao mùa mưa mùa nắng và nước ngập. Bán được năm ngàn đồng, gửi lên cho mẹ, mẹ lại cho trở lại để “các con lấy tiền mà dọn nhà.” Thế rồi đến ngày chót, lại một ngày đẹp trời nữa, tôi dọn nhà, Khi buổi sáng trở dậy, mặc bộ đồ trận vào, tôi thấy hơi buồn bã và chua xót.
Rút kinh nghiệm, từ giờ bọn tôi lo kiếm đất trước đã trước khi nghĩ đến chuyện làm nhà khác cho mẹ. Do một tình cờ, anh Lam tôi quen với tỉnh trưởng vùng Đà Lạt. Anh liền nói với người bạn ấy cấp cho mẹ tôi một mảnh đất – trên vùng ấy, núi đồi thiếu gì. Lời yêu cầu ấy được thỏa mãn, các con của mẹ tôi đã có dịp chế bà là “tân địa chủ” và tôi đã có cơ hội để ước mơ là khi nào chiến tranh chấm dứt, các con trai buông súng trở về cầm cưa vác búa vào rừng lấy gỗ về mà làm cho mẹ tôi, lúc đó chắc tóc đã bạc như sương, một căn nhà nhỏ ven một đồi thông nhiều gió lộng.
Trong khi chờ đợi “căn nhà viễn mơ” của ông anh bao năm chỉ biết tranh đấu tới, tranh đấu lui, nghèo mạt rệp ra không đi đến đâu – lời mấy đứa em gái tôi – thì chúng ra sức làm việc để dành tiền mua nhà, một căn nhà nhỏ thôi, tồi mấy cũng được, miễn là có đất rộng một chút, để rồi “mẹ gõ cho nó mấy cái là thành nhà ở được, cuốc cho nó mấy nhất là thành vườn, vừa ăn được vừa ngắm được.” Mà chúng làm việc thực. Tôi và Thi lên chơi, coi chúng đi làm mà chóng mặt. Quả thực là đầu tắt, mặt tối. Nhưng rồi một đứa em gái cùng chồng đã dành dụm được tiền mua một căn nhà gỗ tồi ở đầu một thung lũng nghèo. Và mẹ tôi đã vác búa, vác cuốc ra, các con cháu xúm lại, đến khi tôi lên lần nữa, căn nhà đó đã sửa xong, xinh xắn, và ngoài vườn theo đúng truyền thống của mẹ tôi, cây su-su leo hiên ngang lên cành mận, phong lan treo dưới dàn bí, rau thơm xen kẽ với cúc vàng, riềng và gừng cạnh dẫy thược dược...
Các con trai không có nhà thì nhà con gái, con rể cũng là đẹp rồi. Con nào chẳng là con. Tôi tưởng thế là mẹ kể như có nhà. Nhưng tôi lầm. Trước tết năm nay, một bà mợ trong họ chết. Khi biết rõ tin tức, mẹ tôi nói: “Mợ ấy chết sau khi con cái đã thành đạt cả cũng sướng. Nhưng chết ở nhà con rể thì cũng chưa được gọi là hoàn toàn.” Mẹ tôi chỉ nói thế thôi, nhưng tôi và Thi hai đứa đưa mắt nhìn nhau im lặng. Lại phải tính đến chuyện chung sức các con làm nhà cho mẹ thôi.
Tôi liền hỏi khoảng đất ngày trước mẹ được cấp phát hiện giờ ra sao... và được mẹ cho biết một vị tỉnh trưởng sau đã nhân danh một công bằng xã hội nào đó đã thu hồi lại rồi. Tôi và Thi lại im lặng nhìn nhau vì trong mấy ngày rong chơi lang thang thành phố miền núi này, hai đứa đã thấy biết bao nhà cửa chiếm đất công xây cất bừa bãi…
Thế là đến cuối năm nay, khi cả gia đình chuẩn bị ồn ào đón xuân cùng thiên hạ, thì mẹ tôi rút cuộc đất cũng không mà nhà cũng không. Và buổi sáng mồng một tết, nhìn mẹ tôi đứng dưới tam quan chùa Linh Phong lộng gió từ dưới các thung lũng lên, tôi nhận ra mái tóc mẹ tôi đã gần như bạc trắng hết dưới ánh nắng đầu xuân, bạc đã gần như sương.
Thứ Ba, 23 tháng 5, 2023
TỰ TRUYỆN GIỮA MÙA HÈ - Hoàng Ngọc Tuấn
Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2023
NGƯỜI ÁO VÀNG PHỐ NHỎ - Kim Tuấn
Thứ Tư, 17 tháng 5, 2023
VÁCH ĐÁ CHEO LEO - Nguyễn Mộng Giác
"Mặt trời sắp lặn rồi nội. Mình về thôi".
Ông lão không trả lời đứa cháu nhỏ, cố nheo mắt nhìn vào lùm cây rậm bên bờ suối. Thằng bé không chịu thua:
"Nội không chịu về thì con về trước. Mai con không theo nội nữa đâu".
Ông lão gắt:
"Mày đi theo chỉ làm rối ông chứ được ích gì. Để yên cho ông tìm sợi mây cột bó củi đã. Nội mới tìm được có một sợi thôi.
Cu Tý chộp được cơ hội chứng tỏ mình cũng là người hữu ích, chạy đến lay tay ông nội:
"Để con chỉ cho. Chỗ lùm cây này không có sợi nào đâu. Chỗ phía trên gành có nhiều mây lắm".
Ông lão gật gù, lầm bầm điều gì trong mồm, vui vẻ theo chân đứa cháu nhỏ. Hai ông cháu vừa làm việc vừa kháo nhau chuyện bán củi hôm qua. Cu Tý bảo:
"Mình bán đủ củi cho lò bánh xong, thì đi chặt bổi bán cho lò gạch".
Ông lão nhận xét:
"Ừ, tao chặt trụi hết cả rừng dày, mà chưa lấp nổi mấy cái lò háu ăn".
Cu Tý không hiểu, hỏi lại:
"Nội nói cái gì?"
"Tao nói mấy cái lò háu ăn, hiểu không?"
Vừa nói ông lão vừa chỉ vào miệng cu Tý đang há hốc ra kinh nhạc. Ông lão giải thích thêm:
"Tụi bay ăn dữ quá, một bữa năm sáu chén cơm đầy, làm cho nội chặt trụi cả cây rừng đem bán vẫn chưa đủ tiền mua gạo".
Rồi ông lão trầm ngâm, lời nói giống như một tiếng thở dài:
"Đáng lẽ tới tuổi này, tao chỉ ngồi vuốt râu uống nước trà, chờ cha tụi bay nuôi. Nhưng Trời không chiều lòng người, biết làm sao giờ".
Cu Tý mãi nghe, không chịu kéo mạnh dây mây để siết chặt lưng bó củi. Ông lão nhắc:
"Con kéo mạnh cho nội chứ. Miệng nói, tai nghe, nhưng tay đừng quên làm".
Cu Tý cười, giúp ông nội bó củi còn lại. Để chữa lỗi, nó lăng xăng chạy lấy cây đòn xóc đem lại cho nội, phụ với ông cắm mạnh đầu nhọn cây đòn vào phía dưới dây buộc. Hai ông cháu vừa làm việc vừa cười đùa. Xong đâu đấy, ông lão hỏi cháu:
"Bây giờ cháu muốn gì? Vác rựa cho ông, hay là đi tay không để nhặt đá cuội về chơi ô làng?"
Cu Tý phụng phịu:
"Hôm qua con mất công đem về, tụi nó khóc la giành hết của con. Bữa nay con không thèm nhặt nữa. Để con vác rựa cho nội".
"Vậy càng tốt. Đem về bỏ lăn lóc thêm dơ nhà. Nào, chúng mình về".
Ông lão chậm chạp khom lưng xuống, kề vai vào dưới đòn xóc, bậm môi lấy gân nhấc gánh củi đứng dậy. Sức nặng đè lên đôi vai già làm cho ông lão xiểng tảng một chút, nhưng ông gắng gượng giữ được thăng bằng. Ông đứng yên một chỗ nhún nhún vài cái cho quen vai, rồi vịn một tay vào bờ đá bắt đầu bước.
Cu Tý chạy trước ông nội, đôi chân nhỏ chuyền liếng thoắng trên các mỏm đá như con sơn dương hí hửng. Tự nhiên nó thấy hồn rộn rã. Nó quên mất gánh nặng của nội. Đến lúc nhớ lại thực tế, nó hốt hoảng khi quay nhìn sau lưng không thấy cái dáng chậm chạp khắc khổ của nội đâu cả. Cu Tý chạy ngược trở lại, qua khỏi một khoảng truông rậm quanh co, mới thấy ông nội đang ngồi bệt bên đường, gánh củi đặt sát bờ đá. Cu Tý hỏi:
"Nặng quá phải không nội?"
Ông lão chưa kịp trả lời, đứa bé đã nói tiếp:
"Con đã bảo bấy nhiêu đủ rồi, không cần chặt thêm nữa. Nội không nghe. Nội cứ sợ người ta chê ít, mai không mua của mình. Gánh củi của bác Ba ít chứ đâu có nhiều như gánh củi mình. Mà lò bánh họ có nói gì đâu. Con..."
Ông lão ngắt lời:
"Không phải đâu. Đừng lải nhải nội bực lắm. Gánh củi này thấm gì. Nhưng mắt nội hơi yếu. Nội vấp hòn đá. Sợ móng chân cái tróc ra mất".
Cu Tý sợ hãi ngồi sà xuống trước mặt ông nội. Ông nội đã nói thật. Ngón chân cái bên phải của ông lão đầy cả máu, và mỗi lần ông lão ấn ngón trỏ vào móng, thì máu lại trào ra. Cu Tý cuống quít không biết làm gì, cứ hỏi:
"Làm sao hở nội? Làm gì bây giờ hở nội?"
Ông lão hơi bực gắt đứa cháu:
"Mày làm gì mà la nhặng lên thế? Đi rừng vấp chân chảy máu là thường chứ có gì đâu. Vạch quần đái lên chân ông nội cho sát trùng, rồi chờ cầm máu mình lại gánh củi về".
Cu Tý không dám nói gì thêm, vâng lời ông lão, đi tiểu lên chỗ bị thương. Thấy bụi đường văng lên chỗ lở, nó nhắc:
"Ông để chân lên hòn đá cho sạch".
Ông lão thấy cháu nói có lý, dời bàn chân đau lên chỗ mặt đường có tảng đá phẳng. Cu Tý hơi khom người xuống để nước tiểu rơi nhẹ lên ngón chân, cho nội khỏi đau. Ông lão thấy cháu có ý tứ, cảm động, vỗ vỗ lên vai cu Tý:
"Sao con biết nội bị vấp mà quay lại?"
Cu Tý nói dối:
"Con cứ chạy một quãng lại nhìn trông chừng, sợ nội theo không kịp".
Khi cu Tý tiểu xong, ông lão bảo:
"Thôi, được rồi. Để nội ngồi yên một chút cho máu hết chảy, mình lại bắt đầu đi. Con không thích lượm đá cuội nữa sao? Ông nói đùa, ông không la đâu. Lại chỗ lòng suối kia tìm mấy viên nhỏ và tròn đem về chia bớt cho mấy em".
Cu Tý đi rồi, ông lão nhìn lại ngón chân cái của mình. Tuy hơi rát, nhưng máu đã bớt chảy. Đầu móng chân bị vẹt đi một chút, để lộ mảng thịt hồng. Ông lão dáo dác nhìn quanh, tìm lại viên đá đã làm cho chân ông đau. Nó nằm cách đó không xa. Ông lão nghiêng mình với tay nhặt lên. Viên đá nhỏ xù xì, đầy góc nhọc sắc chẳng kém mũi dao. Lòng tự nhiên tức giận, ông lão cầm viên đá giơ lên cao, lấy đà, định ném thật xa cho rơi tõm xuống khúc suối nước đục. Nhưng vào phút cuối, ông lão dừng lại. Ông nhìn hòn đá chăm chú một lần nữa. Viên đá mầu mỡ gà, nhưng chằng chịt những đường chỉ đỏ như gân mái trong lòng mắt người già. Ông lão nghĩ: Trong thân thể mình, chắc cũng có những đường máu chằng chịt như thế này. Nhờ thế khi bị vấp, máu chỉ rịn dần dần chứ không tuôn xối xả. Ông lão tự nhiên thấy viên đá trở thành quyến luyến. Ông cảm thấy, mơ hồ, trên cái dáng xù xì lồi lõm, bằng những mầu sắc hỗn tạp chỗ vàng chỗ trắng chỗ xám chỗ đỏ, một gương mặt chập chờn. Chỗ nhô ra này có thể giống với chóp mũi con chó nhỏ, nhưng chỗ lõm này lại giống cái miệng người. Ông tìm đôi mắt. Tuyệt nhiên không thấy đâu. Chỉ thấy các đường gân máu trên má trắng. Ông chợt nhớ viên đá đã làm cho ông chảy máu chân, nên săm soi tìm kiếm xem còn dính đâu đây không. Vẫn tuyệt nhiên không thấy đâu. Hay là mình lầm với một viên đá khác. Mình có vấp vào một viên đá, nhưng có thể viên đá này vô tội. Tay ông mân mê viên đá xù xì, dần dần cảm thấy hơi ấm mặt trời chuyền từ viên đá qua tay mình. Khám phá ấy làm cho ông lão xúc động, ngồi lặng trầm ngâm. Sức sống của mặt trời truyền vào tấm thân tàn tạ này, giữa lúc hoạn nạn và trong bóng chiều ủ dột khiến ông nôn nao. Ông nhìn thẳng trước mặt, chỉ thấy màu lục chập chờn, không khi gió lay động chòm râu bạc, từng sợi từng sợi phất phơ. Nếu đứa cháu không trở lại, chắc ông lão còn ngồi trân như vậy lâu lắm. Cu Tý khoe:
"Con chọn được 25 viên cuội trắng. Mỗi đứa được năm viên. Con chỉ sợ thằng Mãnh lại đòi phần của con Lý".
Thấy ông nội vẫn còn ngơ ngác, cu Tý hỏi:
"Đau lắm phải không nội? Đã hết chảy máu chưa nội?"
Ông lão giật mình, trả lời lấy có:
"Hết rồi con".
"Nội vấp vào chỗ nào đâu?"
Ông lão nghe cháu hỏi, vội giấu viên đá đang cầm nơi tay trái vào lòng.
Cu Tý không chú ý, tiếp tục hỏi:
"Đã hết chảy máu chưa nội. Để con coi thử. À, hết rồi. Máu đã khô. Nhưng sao tay nội còn dính đầy máu thế này?"
Ông lão cuống quít định đưa tay trái lên xem, nhưng cu Tý đã chụp lấy bàn tay phải của ông. Cháu ông nói đúng. Mấy ngón tay phải của ông còn dính đầy máu. Từ nãy đến giờ mãi lo săn sóc cái chân, ông quên cái tay. Ông đưa tay lên chùi vào vạt trước, nhưng sợ giặt không đi, nên ngập ngừng dừng lại ở khoảng lưng chừng. Ông nhìn quanh quất. Cu Tý hốt hoảng:
"Tay của nội cũng bị thương nữa sao nội?"
Ông lão trấn an đứa bé:
"Không phải đâu. Đừng lo. Ông lấy tay nặn cho máu bầm chảy ra hết, nên bị dính phải. Để nội chùi sạch cho con coi. Không bị thương chỗ nào hết".
Ông lão vừa nói vừa tiếp tục tìm thứ gì chùi máu trên bàn tay. Chợt ông chú ý đến lớp rêu khô bám trên mặt đá vệ đường. Mặt đá quay về hướng bắc, và lớp rêu một mùa gió mưa năm trước bây giờ chỉ còn lại một mảng khô mầu thẫm. Ông lão đứng dậy, tiến về phía mặt rêu:
"Nội chùi vào đây cho sạch tay, rồi mình còn về".
Lớp rêu khô mịn như mặt nhung. Máu dính lên lớp rêu, để lộ lớp da nhăn chai đá trong lòng bàn tay lão tiều. Nhưng một vài cọng rêu héo bám theo bàn tay, nằm rải rác trên năm ngón gầy. Ông lão tìm khoảng rêu khác chùi mạnh tay một lần nữa, cẩn thận lau sạch máu bầm trên từng ngón đen đúa. Chính lúc đó ông mới chú ý dưới lớp rêu khô héo còn có một lớp rêu non mới nhú. Ông lão thích thú lấy ngón tay trỏ rẽ nhẹ khắp mặt rêu. Đâu đâu cũng có một tầng rêu xanh ẩn nấp, chờ sẵn sương đêm. Cu Tý giục:
"Đã xong chưa ông nội. Trời tối qua mương không kịp đâu".
Ông lão quay lại nhìn cháu, thấy mái tóc dài phủ gần kín vầng trán thơ ấu, trong khi đôi mắt cu Tý mở lớn một vùng trời hy vọng, mơ ước. Ông lão chợt nghĩ đến việc so sánh cọng rêu xanh và đôi mắt đen láy này, lòng xôn xao khác thường. Bấy giờ nắng chiếu qua ngọn cây, tung tăng bên bờ đá phía bên kia suối. Côn trùng chim chóc bắt đầu hoạt động trong các bụi rậm, nhộn nhịp ríu rít. Ông lão muốn ôm cháu vào lòng để tỏ niềm trìu mến, nhưng khi đưa hai bàn tay lên ông mới nhớ mình còn cầm viên đá xù xì ở tay trái. Cu Tý tò mò:
"Nội cũng lượm đá về chơi ô làng hở nội?"
Ông lão vội vã cải chính:
"Tao chừng này tuổi đầu mà còn chơi ô làng hay sao? Đem về cho mẹ tụi bay đằng thạp dưa cải".
Cu Tý cũng không vừa:
"Nội lầm rồi. Đằng dưa cải thì phải chọn mấy hòn đá tròn láng mới được. Hôm trước con cũng đem về một viên đá lớn cho mẹ, nhưng mẹ chê xù xì quăng đi. Mẹ muốn nhờ nội tìm cho một viên thật lớn, nhưng sợ nội yếu nội mệt..."
Lời đứa cháu làm ông lão suy nghĩ. Ừ, ông chưa yếu, nhưng không còn mạnh mẽ. Không biết bao giờ ông yếu đến độ không thể đi củi được nữa, và đến lúc đó, liệu gánh dưa cải của người dâu nhỏ ốm có đủ nuôi cả gia đình? Vợ ông mất từ lâu. Từ hồi thằng Đình mới có mười tuổi. Một cha một con sống âm thầm bên rẫy, ngày hai lần nhìn mặt trời mọc lên từ bên kia đỉnh Chóp Vàng và lặng mất đằng sau đỉnh Chóp Vung. Thằng Đình lớn lên như cây cối, cho đến lúc ông lão thấy phải dời nhà xuống đồng cho con lập gia đình, ông nhớ núi, ngày ngày ngồi bó gối nhìn ngọn cao sừng sững bên kia đồng lúa trì. Nhưng ông còn nhiều việc để làm cho tạm nguôi nhớ. Cu Tý ra đời. Rồi lần lượt con Lý, thằng Sư, thằng Mãnh, con Miên. Đình mạnh khỏe và tháo vát, ngược xuôi chu cấp cho cả gia đình đông đúc. Lúc Đình phải nhập ngũ, ông lão tưởng đời sống sẽ bị hoàn toàn đảo lộn, nhưng lúc nào Đình cũng lanh như con sóc. Nó xin làm việc ngay tại chi khu, gần gũi gia đình. Sự đảo lộn chỉ thật sự bắt đầu lúc cây cầu bắc ngang qua suối do Đình canh giữ bị giật sập. Ông lão không còn có quyền ngồi bó gối gửi nhớ nhung về đỉnh Chóp Vàng. Ông phải trở lại nghề cũ nuôi cháu. Ông biết sức khỏe mình ngày càng kém. Gối đã run, tay đã yếu. Mắt đã hấp hem trên bước chân nam chân xiêu khó nhọc. Nhưng ông lão còn rán được. Ông tin mình còn đủ sức kéo lết cuộc đời qua ngày đoạn tháng. Cơn ho trở mùa chưa tới, đó là một điềm lành.
Nghĩ tới đó, tự nhiên cổ ông ngứa, và dù cố gằn, cơn ho dữ dội vẫn ào ạt ập đến. Ông lão ngồi rũ bên gánh củi, gập người lại cố lấy hết ý chí cưỡng lại bệnh tật. Cu Tú quăng cả mấy viên cuội đẹp trên tay, chạy đến vuốt ngực ông:
"Nội ho trở lại phải không nội? Chắc sương chiều đã xuống rồi. Khí núi lạnh lắm. Mẹ nói hơi núi độc hơn cả gió bấc. Mình về nhanh lên nội".
Lời thằng bé giúp ông lão nhận thức được hoàn cảnh. Phải, có lẽ khí núi lạnh khi mặt trời đã lặn bên kia Chóp Vung làm cho phổi ông lão yếu đi. Phải về gấp, ông bước đến gần gánh củi, khom lưng kê vai vào đòn xóc. Ông lấy hết sức đứng dậy, nhưng sức lực ông tiêu tan đâu mất hết. Ông không nâng nổi gánh củi lên khỏi mặt đất. Thấy Cu Tý theo dõi mình, ông lão giả vờ bảo:
"Trời còn sáng mà cháu. Để ông ngồi một chút cho hạ đàm, rồi về cũng không muộn. Khi nào nắng hết chiếu trên đỉnh Chóp Vàng, mình mới sợ".
Cu Tý không biết nội quá yếu phải ngồi dưỡng thương, vui mừng đề nghị:
"Nếu thế nội chờ con đi nhặt lại mấy hòn cuội. Lúc nội ho rũ, con sợ quá, quăng đi mất hết".
"Ừ, con đi nhặt đi, nội chờ".
Lúc cu Tý chạy đi rồi, ông lão thử bậm môi nhấc gánh củi lần nữa. Nhưng nước mắt ông tự nhiên trào ra, đầu gối run lẩy bẩy. Ông ngồi phệt lên mặt sỏi, lo lắng, rồi sợ hãi. Chắc cơn ho làm cho mình yếu đi, hoặc máu chảy nhiều làm cho gân cốt mềm lại. Hãy chờ một chốc nữa. Có tiếng sột soạt trong bụi rậm gần đó. Một con rắn mối ló đầu ra khỏi mớ cây dại thấp, dáo dác nhìn quanh, rồi đăm đăm nhìn ông lão. Bốn chân rắn bám vào mặt đất, trong khi cái đầu không thôi ngơ ngác. Ông lão nhặt một hòn đá nhỏ, quăng vào bụi rậm để gây tiếng động. Con rắn sợ hãi quay đầu chạy trở lại đường cũ. Cu Tý nghe tiếng đá rơi, chạy lại hỏi:
"Cái gì vậy nội?"
"Không có gì đâu. Nội nhát con rắn mối".
"Nó đâu rồi, để con quăng cục đá cho bẹp đầu quách".
"Không nên. Nó chạy mất rồi. Bốn cái chân lăng quăng lê cái mình nặng. Tội nghiệp".
Cu Tý cười:
"Nó có bốn chân mà thua mình hai chân. Mình nhảy vài cái, là về tới nhà liền".
Câu nói của cu Tý làm ông lão suy nghĩ. Viên đá nằm lơ đễnh bất động trên lối đi. Mảng rêu bám vào vách núi, chờ gió chờ sương của mùa đông cũ. Con rắn mối khó nhọc bám chặt mặt đất lồi lõm. Gánh nặng cuộc đời đè nặng lên đôi vai, cũng dán chặt đời ông thân ông vào đồng lầy, sườn non, luống rẫy. Nhưng ông còn hai chân bước. Đầu gối ông chỉ cần khẽ gấp, là bàn chân có thể nhổ lên khỏi mặt đất. Và bàn chân này đặt xuống là bàn chân khác lại nhấc lên, bước tới. Đất không đủ sức chôn chặt chân ông. Và thân hình ông đứng thẳng, mắt ông nhìn xa. Ông chưa đến nỗi nào. Trừ khi cuộc đời và tháng năm bẻ cong lưng ông xuống, trừ khi cái chết ép sát thân ông vào mặt đất, ông vẫn còn có thể tiến tới. Ông còn đứng dậy được. Ông muốn tự đặt mình trước một sự đã rồi. Ông bảo cu Tý:
"Thôi. Ông cháu mình về".
Cu Tý đồng ý:
"Phải đó nội. Nắng đã hết chiếu trên đỉnh Chóp Vàng rồi".
Lão tiều khom người xuống, hai chân dạng ra theo thế tấn. Ông nghiêng vai. Đôi vai hơi mỏi. Ông bậm môi nhấc gánh củi lên. Gánh củi không nhúc nhích. Ông lão hít mạnh một lần nữa, trí nghĩ đến cái nhục của loài bò sát. Miệng ông bảo cháu:
"Nó bốn chân, nhất định phải thua mình hai chân. Mình vươn vai một cái, đã đứng thẳng lên ngay".
Trong khi lấy gân đứng dậy, ông lão đứng dậy được. Gánh củi hơi chòng chành. Nhưng tay ông lão kịp giữ lại cho nguyên thế thăng bằng.
Rồi cu Tý đi trước, bước chân nhảy nhót như chân sóc. Và lão tiều theo sau, bước chân đằm vững theo nhịp thở. Hai ông cháu về tới nhà, thì trời mới tối hẳn.
Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2023
TỪ NGÀY MẸ CHẾT - Nam Cao
Hôm nay mưa rét. Mỗi khi trời mưa rét Ninh lại nhớ đến bu. Hồi bu còn sống, những ngày mưa rét, không ra vườn hái trầu, bóc mía hay làm cỏ được, bu hay mang cái bị giẻ và một ôm quần áo rách vào ổ rơm ngồi vá. Bu Ninh khéo vá lắm. Những miếng vá đặt rất phẳng phiu, không răn rúm. Những mũi kim nhỏ, đều đặn và thẳng tắp. Người vô ý trông không biết là áo vá. Mà bu Ninh vá thật không biết gì là sốt ruột. Ai đâu mà ngồi đến tê cả mông, mờ cả mắt cũng không thôi. Những lúc đau lưng quá, bu Ninh chỉ ngừng kim một lát, vươn vai hoặc bẻ lưng vào cái cạnh giường kêu răng rắc, rồi lại cúi đầu xuống vá, vá hết cái này sang cái khác. Bao nhiêu là quần áo rách! Những cái quần trắng, áo cánh trắng của thầy, đầy nhựa chuối. Những cái váy bạc phếch của bu. Những cái váy bằng vải to nhuộm sồng với nhuộm bùn, dày cồm cộp. Trông cái váy, người ta tưởng như nó bền đến thiên niên vạn đại ấy thế mà cũng rách. Tội nghiệp, thì ra nó đẫm nhiều nước tiểu của thằng Đật quá. Về mùa rét, cậu Đật ta đêm nằm cứ tuồn hai chân vào lòng mẹ. Chả thế thì nó ấm mà! Nhưng tính cậu ta lại đái dầm, càng rét càng khỏe đái. Ấy thế là cứ mỗi đêm ba bốn lần, cậu rót tồ tồ vào váy mẹ. Chẳng sáng nào, mẹ không phải thay váy đem ra ao giặt. Còn gì mà chẳng mục? Không mục có họa là bằng gỗ lim!... Nhưng nhiều nhất là những quần áo của Ninh, của Đật. Cái nhuộm son, cái giãi nâu, cái để trắng. Nhưng chẳng cái nào còn giữ trọn vẹn được cái mầu của nó. Bởi vì cái thì mốc xanh, cái thì mốc vàng, cái thì lấm tấm hoa bèo, cái thì trạt những nhựa chuối, những tương, những mắm, mũi dãi cùng đất cát. Vò đến sái tay cũng không còn sạch được. Mà cái thì mất cúc, cái thì xoạc nách, cái thì xoạc túi, cái thì rách lưng, cái thì rách vai, cái thì rách ống tay. Chỉ tại nó nghịch quá. Không thể chưa đến nỗi. Nhiều cái vải còn dai lắm, xé kêu xoàn xoạt. Chúng nó mặc hại quần áo lắm. Cứ gọi là vừa mặc vừa xé áo. Bu Ninh tay vá, miệng chửi cho không còn tai nào mà nghe...
Đật và Ninh chiếm mỗi đứa một bên cạnh mẹ. Chúng nó nằm phục vị, đều chúi vào đít mẹ, Ninh kêu bên Ninh ấm, Đật cãi bên Đật ấm, hai đứa cãi nhau chí chóe. Mẹ đùa con, bảo:
- Có im, không thì tao đánh cho một cái... tha hồ ấm.
Chị em cười khành khạch rồi cãi nhau bô bô. Ninh mồm mép quá, Đật không nói kịp. Đật òa khóc. Mẹ ngừng kim, cốc vào đầu con gái. Ninh rụt cổ lại, ôm đầu cười hí hí. Mẹ Ninh bật cười. Ấy thế là Ninh sằng sặc cười thật to, khiến Đật đang khóc cũng khanh khách cười... Chao ôi! những ngày mưa rét hồi ấy vui quá nhỉ?
*
Bu chết đã ngót ba năm. Thầy bảo thế. Thì ra ba năm cũng dài lắm nhỉ. Ninh cứ tưởng bu Ninh chết đã lâu lắm. Nhưng trách gì!... Xưa kia, những ngày bu đi chợ tỉnh, độ gần tối chưa về Ninh đã thấy mong. Ấy là mới vắng bu có một ngày. Mà nào đã hết cả ngày. Bây giờ vắng bu bằn bặt những ba năm. Bao nhiêu ngày tháng! Ninh thấy lâu là phải. Biết bao giờ mẹ lại về với con? Ninh bâng khuâng cả người. Y như là nằm mơ ấy là Ninh đã nguôi nguôi đấy. Hồi mẹ Ninh mới chết, cứ nghĩ đến mẹ là Ninh khóc. Ninh khóc ằng ặc như người nuốt phải ngụm gì đắng quá, nó quánh vào cổ họng. Khóc đến lặng hẳn người đi, không còn ra tiếng nữa. Chẳng ngày nào không thế. Mỗi ngày hai, ba lần.
Bây giờ thì Ninh không khóc nữa. Nhưng Ninh vẫn còn buồn lắm. Buồn rũ rĩ. Ninh ngơ ngẩn như mất vía. Có lúc Ninh làm gì mà cũng không biết nữa. Ninh vừa cất con dao hay cái chổi, giá thầy Ninh có hỏi, Ninh đã lại chẳng biết đâu mà lấy. Thầy Ninh cũng hiểu Ninh nhớ mẹ, nên không nỡ mắng. Thầy rân rấn nước mắt. Bố nhìn con, con nhìn bố. Hai bố con cùng cúi đầu lẳng lặng. Bố thở dài và con thở dài...
Mẹ Ninh chết sau ngày giỗ ông nội Ninh có hai ngày. Ninh nhớ rõ thế, bởi vì ngày giỗ ông năm ấy, hai mẹ con đã khóc lóc với nhau từ non trưa cho đến tối. Sáng dậy thầy Ninh hâm thuốc cho bu Ninh uống rồi thầy quét nhà, quét sân, giặt quần áo cho bu. Rồi lại còn phải lấy gạo thổi một niêu cơm để đấy cho Ninh nữa. Xong đâu đấy thầy cõng Đật đi ăn giỗ. Ninh phải ở nhà coi mẹ. Thầy Ninh bảo: "Con chịu khó ở nhà với bu kẻo bu buồn, thầy cho em đi một lát, lúc về thầy lấy phần cho một nắm xôi, vài miếng thịt, tính con thịt mỡ chỉ ba miếng là chán ứ. Đi, con cũng chả ăn được mấy, mà ở nhà thì thầy cũng đem về cho con. Đằng nào con cũng được ăn, nhưng bu con ốm thế, để bu ở nhà một mình thì thầy lo lắm". "Con ở nhà với bu...". Việc gì mà thầy phải nói nhiều đến thế? Ninh có đòi đi đâu? Thịt mỡ thì Ninh không thích thật. Nhưng dù có thích, Ninh cũng không đi cơ mà! Đi cũng khó mà nuốt được. Ninh thương bu lắm. Ninh thích ở nhà với bu. Thầy Ninh còn phải cúng ông, thì thầy Ninh phải đi. Thằng Đật còn bé, dở người, không cho nó đi thì nó khóc. Chẳng lẽ Ninh to đầu rồi mà cũng bắt chước em? Có mà đồ hư? Không, Ninh không đi đâu, thầy ạ. Ninh không muốn đi đâu, thầy ạ! Thầy cứ cõng thằng Đật đi kẻo muộn. Ninh ở nhà thích lắm. Thầy đừng thương Ninh...
Nhưng thấy Ninh cứ nhìn theo thầy cõng thằng Đật đi ra ngõ, bu Ninh lại tưởng Ninh muốn đi ăn giỗ lắm, nhưng sợ bố mà không dám đòi đi. Bu Ninh thương hại. Bu gọi Ninh vào mà bảo:
- Con muốn đi thì cứ đi cũng được. Hôm nay bu dễ chịu.
Ôi! Không!... không!... Ninh không muốn... Ninh lắc đầu hăng hái:
- Không! Con ở nhà.
- Sao thế?
- Chẳng sao cả, nhưng con không thích...
- Nhưng ngộ bà không thấy con, bà lại hỏi...
Hỏi gì! Bà biết thừa là bu ốm nặng. Ninh phải ở nhà để bu sai vặt chứ!... Ninh nghĩ thầm như vậy, nhưng không nói. Ninh chỉ hơi lắc đầu. Nhưng có lẽ bu cũng hiểu. Bu nhìn Ninh âu yếu. Mắt bu ầng ậc nước. Bu chửi yêu Ninh:
- Bố mày!
Rồi bu lại bảo Ninh:
- Không đi thì ngồi xuống đây... Bóp tay cho bu một lúc. Tay bu buồn lắm.
Ninh nắm lấy cái bàn tay bu, chỉ còn rặt những xương, mà lạnh giá. Nó lỏng la, lỏng lẻo. Những ngón trông rõ từng đốt, từng đốt một. Những đường gân xanh nổi thày lày lên. Ninh bóp tay bu nhẹ nhẹ. Ý hẳn bu thích lắm. Mắt bu lim dim và đôi môi nhợt nhạt của bu hé mở như chực cười. Rồi tay bu nắm lấy tay Ninh chứ không phải Ninh bóp tay cho bu nữa. Bu vừa bóp vừa hỏi:
- Sao lớp này con gầy thế?
Ninh không đáp được. Bu Ninh soi tay Ninh lên trước mặt nhìn rồi bảo:
- Chết thôi, con ạ! Tay mày đầy những mụn. Không khéo ghẻ...
Ninh cúi mặt. Bu căng từng kẽ tay Ninh ra xem, rồi kêu lên:
- Bỏ bố mày! Đích thị mày ghẻ rồi, con ơi! Yên, tao xem nào.
Bu ngồi hẳn lên. Mắt bu tỏ ra vẻ sợ hãi. Bu vén ống tay áo Ninh lên. Cổ tay Ninh sây sứt. Bu lắc đầu:
- Bố con! Con bẩn quá! Cái cổ tay gồ lên những ghét... Hèn nào mà chả ghẻ?
Bu bắt Ninh đi múc nước. Bu rửa cho Ninh lâu lắm. Vừa rửa bu vừa bảo:
- Sẩy mẹ ra một cái là khổ ngay, con ạ. Ấy là mới rời tao ra hơn một tháng... Chúng mày đã gầy giơ xương, mình mẩy, chân tay thì ghẻ gún. Ngộ tao chết thì có lẽ chúng mày rã xương ra được. Này, cái cổ tay... có khác gì cái cẳng gà hay không?
Ngừng một lát, bu lại thở dài mà bảo:
- Mẹ mà chết thì các con đi ăn mày mất! Đàn ông chả mấy người biết thương con cái. Cha chết thì ăn cơm với cá, mẹ chết liếm lá dọc đàng. Mẹ mà chết đi thì... con ơi!...
Ấy thế là nước mắt bu chảy ra ròng ròng. Ninh cũng khóc. Hai mẹ con cứ ngồi trông nhau mà khóc đến tận lúc thầy Ninh với Đật đi ăn giỗ về. Thầy đem về một nắm xôi đỗ con với một cái đùi gà toàn những thịt. Bà thương Ninh nên bảo chặt để lại cho Ninh đấy. Nhưng Ninh thương bu quá, ăn cũng chả còn biết gì là ngon...
Ồ! Ninh cứ bảo: bây giờ nghĩ đến bu, Ninh không khóc nữa... Không khóc mà lại có nước mắt, nước mũi Ninh đang chảy ra đây này... Đật! Đật ơi! Ô hay! cái thằng Đật chạy đi đâu rồi?
*
Đàn ông chả mấy người biết thương con cái... Thật thế ư? Không có lẽ. Thầy Ninh thương chị em Ninh lắm chứ!... Hồi bu mới chết, thằng Đật khóc suốt ngày. Nó gào bu. Nó đã hiểu là thế nào đâu. Nó cứ đòi gọi bu về với nó. Thầy phải cõng nó ra chợ mua bánh. Thầy mua cho nó nhiều bánh lắm. Thầy mua cả cho Ninh nữa. Thầy với Ninh bày cỗ chơi với Đật. Thầy làm cho Đật những con quay bằng những quả bưởi con, những cái giường, những cái ghế tràng kỷ bằng cây chót. Trông thích lắm. Nhờ vậy Đật mới không khóc nữa.
Đêm, Đật và Ninh ngủ với thầy. Ninh nằm trong cùng. Đật nằm giữa. Thầy nằm ngoài. Thầy bảo Đật luồn chân vào lòng thầy cho thầy ủ. Khi nó đã ngủ mệt rồi, thầy vươn tay qua người nó để sờ Ninh. Thầy kéo Ninh nằm sát vào với Đật. Thầy co chăn, co chiếu về phía Ninh thật nhiều, sợ Ninh giãy, trật ra ngoài, bị rét. Mùa bức thì thầy đặt hai đứa nằm cách nhau xa cho mát. Thầy ngồi quạt. Quạt cho đến tận lúc nào con ngủ mệt, thầy mới chịu ngả lưng xuống giường. Nhưng nằm thì nằm, thầy có ngủ đâu. Ninh thấy thầy quạt rất khuya. Có đêm, ngủ được một giấc dài, tỉnh dậy, Ninh vẫn còn nghe phành phạch. Thầy thở dài luôn ấy. Có khi sụt sịt. Thì ra đêm đêm thầy vẫn khóc. Thầy nhớ bu...
Ấy, cái hồi bu mới chết thì thế đấy. Nhưng ít lâu nay, hình như thầy đổi tính. Thầy vẫn thương Ninh và Đật. Thỉnh thoảng thầy vẫn cho mỗi đứa vài xu ăn quà. Nhưng thầy vắng nhà luôn. Thầy phải gửi gạo bên nhà bác Vụ để thổi cơm cho Ninh và Đật. Bởi thầy đi từ sáng cho đến tối. Có khi tối cũng không về. Có khi đi luôn hai, ba ngày. Chị em Ninh phải ăn nhờ, ngủ nhờ nhà bác Vụ. Đi đâu vậy? Nào ai biết! Bác Vụ bảo thầy đến nhà cô Miện, thầy phải lòng cô ấy. Nhưng chắc là chả phải. Nếu phải, sao cô Miện lại đi lấy lẽ ông ký Bản? Đám cưới vừa đi qua đây hôm nọ. Ninh cõng Đật ra tận đường, đứng xem. Từ hôm ấy thầy lại càng khỏe đi. Đi suốt ngày suốt đêm. Mưa rét thế này, chả biết thầy đi làm gì cho khổ? Chả biết có được ăn gì hay không? Hay là nhịn đói luôn ba, bốn ngày...
*
Lại còn cái ông Đật nữa! Đi đâu mà mãi thế này? Ý dáng lại lẩn sang nhà bác Vụ. Còn sang làm gì? Gạo của thầy gửi đã hết từ đời nào. Bác ấy phải cho ăn lận nhà bác ấy năm, sáu bữa. Nhà bác ấy cũng túng. Chồng chết đi, để lại đẫy bốn con. Bốn đứa cũng lúc nhúc như Ninh và Đật. Bác ấy nuôi được chúng nó cũng đến điều vất vả. Còn lấy gì mà nuôi cả Ninh và Đật nữa? Bác ấy đã phải bảo Ninh: "Cháu về mà đi tìm thầy, nhà bác cũng hết gạo rồi, nếu thầy không đưa thêm cho bác thì bác lấy gì thổi cho chúng mày? Các anh cũng đói...". Thế là Ninh đủ hiểu. Bác ấy muốn bảo: "Chúng mày liệu sao thì liệu, đừng ăn rình nhà tao mãi!". Ninh đưa em về. Tìm thầy, thì biết đâu mà tìm được? Ninh chẳng tìm. Không có ăn thì nhịn! Ninh nhịn từ bữa chiều hôm qua. Đật khóc, Ninh đi moi được một củ dong về nướng. Đật một nửa. Ninh một nửa. Ninh bảo Đật ăn cho đỡ đói thôi, còn cố nhịn, đợi thầy về, ăn nữa. Nhưng Đật không nhịn được. Đật chạy sang nhà bác Vụ. Bác ấy phải lấy trộm nắm cơm tối của thằng cu Chúc nhà bác ấy, đưa cho Đật, Đật mới ăn được một miếng thì Chúc biết. Chúc chạy vào nhà tìm nắm cơm của nó. Thấy mất, nó biết là nắm cơm của nó đương ở trong tay Đật. Nó chạy theo, giằng lại. Đật mất ăn, mếu xệch mồm đi, chạy về. Ninh đứng ở hè bên này, trông rõ cả. Ninh tức lắm. Chẳng biết tức Chúc hay tức Đật. Chỉ biết Ninh nghẹn ngào cả cổ. Vừa thấy Đật, Ninh nhảy xổ lại, tát đen đét vào má Đật. Đật òa lên khóc. Ninh òa khóc theo.
Một lát sau, Ninh nghĩ thương em quá, Ninh lại đi tìm dong, nhưng hết. Ninh moi luôn một củ ráy. Ráy nước, ăn ngứa lắm. Nhưng đói còn biết gì là ngứa? Ninh đem về nướng. Ninh gọi Đật về, lau nước mắt cho nó, rồi chị em ăn ráy nước. Đật ăn tợn lắm, chẳng thấy kêu ca gì cả. Ninh rơi nước mắt. Ninh dặn em: "Từ giờ đừng ăn cơm nhà thằng Chúc nữa". Đật gật đầu. Thế mà hôm nay nó lại lần sang nhà bác Vụ. Có bực mình hay không?
*
Ninh reo lên:
- A bà!
Đấy là bà ngoại Ninh. Bà ở xa xôi lắm. Hôm nay, tiện ra mạn này lấy thuốc, bà tạt vào chơi với cháu.
Bà đưa cho cháu một đùm xôi lạc.
- Bố mày đi đâu?
- Con không biết.
- Đi từ bao giờ mà mày không biết?
- Đi lâu lâu là rồi.
Bà ngồi xuống ngưỡng cửa, mặt hầm hầm như giận dữ. Ninh hơi ngượng. Bà chíp chíp mồm luôn ba, bốn cái rồi bảo cháu:
- Có phải bố mày bán nhà rồi không?
- Con không biết.
- Bán rồi! Thua xóc đĩa... Thua đâu những ngót ba trăm bạc...
Đật chạy về. Nó vồ lấy bà, nhưng trông thấy đùm xôi ở tay Ninh, lại bỏ bà ra để vồ lấy đùm xôi. Ninh hất tay nó ra, mắng:
- Làm gì thế?
Nhưng bà bảo:
- Cởi ra, chị em ăn với nhau. Để làm gì?
Đật giằng lấy đưa cho bà cởi. Bà chia cho mỗi đứa một nửa. Hai cháu ăn. Đật ngồm ngoàm. Ninh thong thả. Bà nhìn cháu mà ái ngại. Bà chép miệng:
- Đến chết đói thôi, các cháu ạ! Bố chúng mày không ra giống người...
Một tiếng thở dài tiếp theo...
*
... Buổi sáng hôm ấy trời ấm áp. Có nắng hanh. Nắng luôn mấy hôm rồi, nên vườn khô ráo... Đật và Ninh đã chạy tung tăng được...
Bỗng một bọn năm, sáu người, kẻ cầm lạt, kẻ cầm dùi đục, tuốn vào đầy sân. Mồm họ nhai trầu. Họ nói chuyện toang toang như một bọn đồ tể đi bắt lợn. Mấy người trèo lên nóc nhà nhà Ninh. Họ dỡ tranh quẳng xuống sân rào rào. Ninh chạy về...
- Ô hay! Sao các ông phá nhà tôi?
Một người chít khăn mỏ rìu, nhe những cái răng cải mả ra cười mà bảo:
- A! Thầy mày thuê chúng tao phá đi để làm nhà tây đấy mà.
Một người nữa cười ìn ịt như con lợn, bảo:
- Chả cái này bé quá!...
Và người nữa:
- Thầy mày thích làm nhà tây kia... Làm nhà bên Tây - Trúc ấy mà, mày biết không?
Cả bọn cười ầm lên. Trông người nào cũng dữ. Họ nói như quát vậy. Ninh sợ hãi Ninh chạy bình bịch sang nhà bác Vụ. Ninh định cầu cứu bác. Vừa bước vào nhà bác. Ninh sửng sốt. Thầy Ninh ở đấy. Thầy Ninh nằm thườn thượt trên một cái giường, hai tay chít lại bên dưới gáy. Ninh mếu máo:
- Thầy ơi! Thầy…
Rồi Ninh nghẹn ngào, không nói được nữa. Nước mắt ứa ra. Thầy Ninh ngồi dậy, bảo:
- Việc gì mà khóc? Thầy bán cho người ta đấy. Bán lấy tiền mua vài phiến lim về xẻ. Chuyến sau, ta làm một cái nhà toàn lim!
Thầy nhếch mép ra cười. Cái cười vạch hai nét nhăn trên đôi má hõm. Thầy cười thế, trông già sọm. Có lý nào thầy chóng già đi quá thế? Ninh trố mắt lên nhìn thầy...
Bỗng từ bên nhà đưa sang những tiếng dùi đục kêu chan chát. Nghe ghê rợn lắm. Ninh đã được nghe những tiếng dùi đục ấy một lần rồi, vào cái ngày mẹ chết: người ta đóng cả chiếc săng của mẹ... Vết nhăn trên má thầy Ninh sâu thêm, rộng thêm ra. Trông như thầy Ninh mếu. Ninh òa lên khóc...
- Bu ơi là bu ơi!...
Thứ Tư, 10 tháng 5, 2023
CÔ ÁO LỤA HỒNG - Thạch Lam
Hiệp đi thong thả trong phố, mũ đội lệch, miệng ngậm thuốc lá. Chàng vừa đi vừa nhìn đám người qua lại tấp nập dưới bóng nắng ấm của sáng mùa thu. Thỉnh thoảng, Hiệp đứng dừng lại trước một cửa hiệu bán đồ trang sức, anh ta sung sướng ngắm nghía những cái mũ phớt mềm mại, những dây lưng đẹp đẽ và những cà vát lụa nhiều màu rực rỡ. Tuy không có tiền để mua những thứ đó, nhưng trông ngắm không cũng đủ cho Hiệp hưởng mấy cái vui thú của những cuộc đi chơi phiếm.
Nhất là những cuộc đi chơi của Hiệp lại còn có một mục đích khác nữa. Cứ mỗi buổi sáng chủ nhật, anh ta thắng bộ, nói là đi chơi mát, nhưng chính thực ra chỉ cố để trông ngắm các thiếu nữ Hà thành. Sự kinh nghiệm đã bảo cho chàng biết rằng chủ nhật là cái buổi ở trong phố có lắm các tiểu thư nhất. Giờ các cô đi sắm sửa quần áo và phấn sáp, nước hoa, một công việc mà Hiệp cho là hợp với tính cách người thiếu nữ hơn cả. Chính cái sung sướng của Hiệp là được trông thấy một cô thiếu nữ xinh xắn đứng chọn các hàng mẫu để may áo kiểu mới, hay là chọn các thứ phấn và nước hoa đựng trong những cái hộp đẹp đẽ.
Có khi chàng đứng lặng hàng giờ, hay suốt cả buổi sáng trước một cửa hiệu bán tơ lụa để nhìn các cô thiếu nữ mua hàng. Chàng nhìn những mái tóc đen nhánh che lấp vành tai hồng hồng và xinh xắn, những sợ tóc mai lơ thơ trên má phơn phớt, những tấm thân mềm mại hay những tà áo màu tha thướt. Nếu có một cô nào tươi đẹp đi ra là Hiệp đi theo liền... Đi theo xa xa thôi, mà đi theo một cách kín đáo, không cho thiếu nữ biết. Có khi cứ như thế đi hết phố nọ sang phố kia, rồi đến khi thiếu nữ vào nhà, Hiệp ta còn đứng tẩn ngẩn ở ngoài hè... Nhưng rồi anh ta cũng thấy cái vô vị của sự đứng như thế không có lợi gì. Vì thiếu nữ có biết anh ta theo đâu, mà dầu có biết nữa, chắc cô ta cũng không để ý.
Nhiều lần, theo sau một cô thiếu nữ xinh xắn một thôi đường cũng khá mỏi chân, Hiệp chỉ muốn tiến lên tìm cách làm quen hay nói chuyện với thiếu nữ. Nhưng cái tính rụt rè làm cho Hiệp, khi sắp sửa nói, lại ngượng nghịu, tự thấy câu mình sắp nói không có ý nghĩa gì hết. Thành thử, dưới đôi con mắt ngạc nhiên của thiếu nữ, Hiệp lúng túng rồi lại lùi xuống giữ cái địa vị đi theo như cũ.
Đã nhiều lần Hiệp tự tức mình về cái tính rụt rè ấy. Chàng thấy những anh bạn tự nhiên gợi chuyện với một thiếu nữ chưa từng quen biết ở ngoài phố một cách rất dễ dàng, chàng lẩm bẩm tự cho mình là hèn, nhát, và nhất định lần sau thì sẽ can đảm và mạnh bạo hơn nữa.
Nghĩ như vậy, Hiệp thổi sáo ở giữa phố để lấy cái vẻ dung dị, không cần gì ai, mà chàng thấy các anh em bạn vẫn có, rồi rảo bước đi mạnh về phía bờ hồ. Chợt chàng đứng dừng ngay lại: một thiếu nữ rẽ đầu xuống phố hàng Gai ra, vừa gặp Hiệp đưa mắt lên nhìn. Một luồng điện như truyền khắp từ đầu đến chân, Hiệp không nhìn thấy gì nữa, chỉ thấy đôi mắt đen nhánh của thiếu nữ và cái màu hồng của tấm áo. Thật chưa bao giờ Hiệp thấy một cô thiếu nữ xinh đẹp như thế! Anh ta cứ bàng hoàng đứng ngẩn người ra như phỗng, quên mất cả cái lễ phép tránh sang một bên để nhường lối cho thiếu nữ đi. Đến khi cô kia đưa cặp mắt ngạc nhiên nhìn anh ta lần nữa, mỉm cười như có ý chế nhạo rồi quay đi, Hiệp mới hoàn hồn, bước theo sau thiếu nữ.
Tấm áo lụa hồng phấp phới bay theo chiều gió, thiếu nữ có một cái dáng điệu mềm mại, khiến Hiệp lấy làm sung sướng rằng đã được gặp một người đẹp. Chàng nhất định lần này không để lỡ mất dịp tốt, vừa theo vừa nghĩ kế làm quen với thiếu nữ.
Có lẽ thiếu nữ cũng biết anh ta theo, nên thỉnh thoảng nàng quay lại nhìn Hiệp mỉm cười. Qua phố hàng Ngang, hàng Đường, chợ Đồng Xuân... thiếu nữ rẽ qua hàng Lược, rồi đứng dừng lại trên hè, ngơ ngác nhìn hai dãy phố như người tìm số nhà.
Cố thu hết can đảm trong người, Hiệp bước rảo đến trước mặt thiếu nữ. Chàng ngả mũ chào rất lễ phép:
- Thưa cô... thưa cô...
Thiếu nữ ngẩng lên nhìn Hiệp, lặng yên đứng đợi.
- Thưa cô... thưa cô...
Tự nhiên cái can đảm của Hiệp đi đâu mất cả, Hiệp thấy bối rối, mặt nóng bừng, quên mất không nói câu gì nữa...
Thấy cái vẻ lúng túng của Hiệp, thiếu nữ như có ý thương hại. Đột ngột nàng hỏi :
- Anh Tân đấy à?
Hiệp đứng ngây người ra một lát. Nhưng một ý nghĩ thoáng qua trong óc Hiệp, một cách có thể thoát khỏi cái thời khắc ngượng nghịu, Hiệp liền liều trả lời :
- Vâng... chính tôi...
Thiếu nữ bỗng có vẻ vồn vã, ân cần, bước lại gần Hiệp, nói :
- Chết chửa! Thế mà tôi không nhận ra đấy. Trông bây giờ anh khác hẳn trước kia, nhớn hơn nhiều...
Rồi nàng chúm chím đôi môi đỏ :
- Mà từ độ ấy đến bây giờ, làm gì anh chẳng nhớn... thưa anh, hai cụ nhà ta vẫn được mạnh giỏi đấy chứ?
Đã chót thì phải chét, Hiệp ngập ngừng trả lời:
- Vâng cám ơn cô, thầy mẹ tôi vẫn được bình thường...
Hiệp hơi lo, chỉ sợ cô ta biết là nhầm không phải, thì thật là bẽn. Nhưng thiếu nữ như không để ý đến cái vẻ lúng túng của Hiệp, cứ điềm nhiên nói tiếp :
- Từ độ anh thôi học trở về, bà tôi vẫn có ý nhớ, thường nhắc đến anh luôn và cứ mong anh ra chơi. Chắc anh ở nhà quê cũng bận lắm đấy nhỉ?
Lần này Hiệp không còn lo nữa. Anh đoán già rằng chắc cậu Tân nào đó trước có ở trọ học nhà cô này, rồi về quê nghỉ, mà nghỉ cũng lâu nên bây giờ cô ta mới nhận nhầm được. Chàng vững dạ, mỉm một nụ cười rất xinh rồi nói :
- Vâng, khi ở nhà quê tôi cũng bận công việc lắm, chẳng đi đến đâu được. Nhớ bà và nhớ... cô quá, lắm lúc muốn ra hỏi thăm nhưng không sao mà rứt ra được...
Thiếu nữ đưa đôi mắt đen lánh nhìn Hiệp rồi thân mật trách :
- Anh thật tệ quá! Lên Hà Nội mà cũng không đến thăm em. Anh không nhớ đến em sao? Hay anh quên em rồi?
Thiếu nữ cúi xuống mỉm cười. Hiệp cảm động trong lòng, âu yếm và lấy giọng dịu dàng :
- Không, tôi không quên em... à, quên cô đâu... không bao giờ tôi quên được...
Chàng cảm động thật, cảm động vì đôi mắt trong của thiếu nữ, đôi mắt tình tứ ngây thơ. Càng trông Hiệp càng thấy thiếu nữ đẹp, nhất là cái miệng xinh xắn, có duyên, chúm chím như tinh nghịch.
Hai người vừa đi vừa nói chuyện. Câu chuyện mỗi lúc thêm thân mật, như hai người bạn cũ gặp nhau. Hiệp đóng vai anh Tân nào đó thật là hoàn toàn, trả lời một cách kín đáo... Có khi Hiệp cũng ngập ngừng về một câu nói, nhưng thiếu nữ hình như vui mừng gặp người cũ, không để ý đến gì cả.
Đến lúc chia tay, anh ta đã biết rõ thiếu nữ là Lan, lưu học sinh trường nữ sư phạm. Anh ta lại biết cả số nhà ở hàng Lược và lại được cô hẹn đến chủ nhật sau đến cửa trường học đón cô đi chơi.
Lúc trở về, Hiệp thấy bước chân nhẹ nhàng như người bay. Anh sung sướng tự khen mình đã bỏ được cái tính rụt rè và cảm ơn thầm cái anh Tân nào đó đã cho anh cái dịp làm quen với một thiếu nữ xinh đẹp như thế.
Nhưng Hiệp vẫn có một điều lo: chàng chỉ sợ Lan biết chàng không phải là Tân thì thật rầy rà, chàng lo sợ nghĩ đến lúc Lan mời đến nhà chơi, tuy trong những lúc nói chuyện, Hiệp không thấy Lan đả động gì đến việc ấy cả.
Tuy vậy, Hiệp cũng nhất định nói thật cho Lan biết, một phần vì chàng biết trước không giấu được mãi, một phần vì chàng chắc rằng Lan đối với chàng cũng sẽ tha thứ cho cái sự giả dối bất đắc dĩ ấy.
Hôm ấy gặp Lan, Hiệp cảm động, hồi hộp, cầm tay Lan rồi lưỡng lự nói:
- Em Lan, anh có câu chuyện muốn nói với em...
Lan nhìn Hiệp, chớp mắt nhanh, như nghĩ ngợi một chút, rồi mỉm cười cũng nói:
- Anh Tân, em cũng có câu chuyên muốn nói với anh...
- Chuyện gì, em cứ nói đi.
- Không, anh nói trước.
Hiệp lại ngập ngừng:
- Câu chuyện của anh... em tha thứ cho nhé. Hôm ấy, anh đã nói dối em, vì anh... không phải là Tân!
Lan cười ròn vui vẻ, đáp:
- Em cũng không phải là Lan!
Thấy Hiệp mở to đôi mắt, ra dáng không hiểu, nàng tiếp thêm:
- Em không phải là Lan của anh Tân, mà của anh cơ! Nghĩa là... em biết anh không phải là Tân.
- Em biết?
- Vâng.
Hiệp ngơ ngác; chàng hỏi :
- Thế là làm sao? Anh không hiểu.
Lan lấy tay che miệng, giảng :
- Có gì đâu. Hôm ấy em thấy anh cứ lúng túng mãi, nên em mới giả vờ hỏi thế cho anh đỡ ngượng, chứ có anh Tân, anh Tiếc nào đâu.
Hiệp chợt hiểu, vui vẻ cười. Một lát, Hiệp sung sướng hỏi :
- Thế em biết anh? Em yêu anh?
- Lan đưa đôi mắt đen láy, ngây thơ nhìn Hiệp :
- Không, em chỉ biết anh theo em, chứ không quen biết anh bao giờ, nhưng em thấy anh cứ ấp úng mãi không nói được câu gì, em thương hại.