Hải cùng một người làng đã hai lượt đi suốt phố Hậu Giang mà không sao tìm thấy nhà em. Tìm nhà người quen ở một tỉnh nhỏ vẫn là một sự khó khăn. Ngờ là chủ đi lùng bắt con nợ, những người bị hỏi thăm chỉ có một câu trả lời vắn tắt "không biết" dù họ biết mười mươi mặc lòng.
Chán nản, mỏi mệt, hai người ngồi nghỉ chân ở một hàng nước bên hè, định bụng sẽ cố tìm một lần cuối cùng nữa.
- Bác Giác ạ, hay chú nó dọn nhà đi phố khác ?
Người nhà quê mình bao giờ cũng tưởng như người khác, nghĩa là chẳng tưởng gì hết.Trí thức lười biếng không nghĩ ngợi để có một ý kiến riêng.
- Chẳng nhẽ lại chịu trở về làng.
Bà hàng nước đon đả mời chào, rồi hỏi :
- Thưa, các ông ra tỉnh có việc quan ?
- Không, chúng tôi ra tìm người em.
Giác đỡ lời, hỏi :
- À bà có biết ông Hai ở đâu không ?
Bà hàng ngửa mặt, đôi mắt nhăn nheo hấp háy như cố tìm trong trí nhớ. Giác lại tiếp luôn :
- Ông hai Bản, ông ấm Bản... ông ấm Hai... Tên tục ông là Hai Niu ấy mà... Bà có biết không ?
Hai người nhìn chòng chọc vào cặp môi cắn chỉ của bà hàng nước để chờ câu trả lời.
- Bà làm ơn bảo giùm.
- Ông Hai Niu ? Ông ấm...
- Phải, ông Hai Niu, ông ấm Bản, ông Hai Bản.
- Thưa hai ông, thế thì tôi không biết.
Giữa lúc ấy ở đằng xa trên con đường nắng rát, loang loáng trong bóng lá nhẹ nhàng rung động của cây soạn tây mới thấp thoáng điểm hoa tơi đỏ, một người đàn ông kéo cái xe bò đang đi lại. Trên xe một người đàn bà ngồi bên đống thuổng, cuốc, quang, thúng, nghêu ngao ngâm kiều :
Lơ thơ tơ liễu buông mành
Con oanh học nói trên cành mỉa mai
Người kéo xe luôn luôn quay lại hỏi chuyện, không nghĩ gì đến cái nóng một buổi trưa hè im gió, oi ả, nặng nề khó thở.
Giác phe phẩy chiếc quạt rách trỏ xe bò bảo Hải :
- Ông ấm ạ, ai như...
- Ờ... ờ ai như...
Cả hai cùng không dám nói đến tên người kéo xe. Nhưng Hải không sao giữ nổi lời cảm động buột miệng gọi :
- Hai !... chú Hai Bản !
Bản dừng lại :
- Ai gọi tôi ?
Hải buồn rầu nhìn Giác. Chàng không ngờ em chàng đương sống trong cảnh trụy lạc ấy.
Nhưng Bản nhận ra được thì vui mừng đặt vội càng xe bò xuống hè :
- Ồ quý hóa quá ! Bác ra chơi... Sao bác không lại đằng nhà ?
Hải bẽn lẽn không đáp. Giác mỉm cười ngượng nghịu :
- Ấy chúng tôi đi tìm nhà ông mãi mà không thấy. Ông ở phố Hậu Giang ?
- Vâng, phố này chính là phố Hậu Giang.
Người đàn bà chắp tay chào :
- Lạy bác ạ.
- Không dám, chào thím.
- Mời bác về nhà chơi.
Hải và Giác đứng dậy ngần ngại, do dự, nhìn nhau một ìần nữa. Bà hàng nhắc khéo tiền trầu nước :
- Bác phó hãy để hai ông ngồi chơi. Hai ông vừa sơi được mỗi người một miếng trầu, một bát nước.
Bản cười vui vẻ :
- Thôi, bà để bác cháu về nhà nghỉ chẳng bác cháu mệt, đây tiền trầu nước.
Bản xỉa ba trinh vào thành chõng nhà hàng, rồi thản nhiên ra nâng càng xe bò, và giục :
- Mời bác đi.
Hải ngắm nghía em: cái áo cộc màu xanh bạc, cái quần vải thô màu cháo lòng, hai bàn chân vôi cát bám đầy trong đôi guốc quai cao su gót mòn gần hết. Ðối với Hải đó là những biểu hiệu trụy lạc của một đời người, và Hải nghĩ thầm "Ta tuy cũng nghèo kiết, nhưng chẳng bao giờ chịu tự hạ như thế kia. Vả con quan, ai lại tự hạ đi kéo xe bò... Hừ ! Thà chết đói còn hơn..."
Hải vụt nhớ đến tình cảnh nheo nhóc của mình. Vợ chàng ngược xuôi nhì nhằng, dệt vải làm gạo, chơi ống, chơi phường để cố nuôi sống một gia đình bảy tám miệng ăn, nhưng dầu sau, chàng cũng không đến nỗi bê tha, lụi xui quá như em. Dầu sao chàng cũng chân giấy chân dép, khi ra đình, khi đến nhà đám, nhà chay, chàng không để ai có thể khinh nhờn được; "Chà, thằng Bản, tưởng nó bỏ làng ra tỉnh làm vương làm tướng gì ? Thật là bêu diếu ông cha Bản ạ !"
Cái tên Bản bỗng nhắc Hải nhớ lại cả một thời kỳ giàu có sang trọng. Em chàng tên là Bản vì ra đời ở huyện Vụ Bản, cũng như cha mẹ chàng đặt tên chàng là Hải, vì sinh chàng ở huyện Tiền Hải...
Mấy năm sau, vì việc rượu, cha chàng bị cách, rồi buồn
quá mắc bệnh mà chết. Từ đó, ba mẹ con vẫn sống trong cảnh phong lưu
như xưa, vẫn kẻ hầu, người hạ, vẫn ăn tiêu phung phí và chẳng thèm
nghĩ tìm kế sinh nhai. Chỉ có một việc là bán. Trước còn bán ruộng
vườn, sau bán đến đồ đạc. Làm ma cho mẹ xong, gia tài hai anh em khánh
kiệt.
Gia tài khánh kiệt, nhưng Hải vẫn sống theo cảnh cũ. Tuy
chẳng còn tiền của đâu mà tiêu rộng rãi, song cái tính đài các chững
chạc, Hải vẫn giữ được. Ðến nỗi trong làng chẳng ai dám tưởng rằng
chàng xơ xác.
Nào ai biết đâu rằng nhiều bữa vợ chồng con cái xúm nhau vào nồi cơm ngô khoai và đĩa muối. Nào ai biết đâu rằng mấy con đi nhặt rau sam rau dền về luộc cho cả nhà ăn. Người ta chỉ trông thấy ông ấm vận quần áo lành sạch, mỗi khi ông ra đình hay đến chơi nhà ai, người ta chỉ trông thấy ông ngồi chễm chệ trên sập, ung dung xoay ván bài tổ tôm, hay gật gù nhấp giọng chén chè tàu liên tâm, người ta chỉ trông thấy bà ấm đem bát đĩa con phượng và các mâm đồng ra rửa ở đầu cầu ao mỗi khi có khách quý đến chơi nhà, và những người láng giềng tỏ ý thèm muốn khi đứng ngắm nghía con chim họa mi của ông ấm nhảy, hót trong cái lồng cao, quang dầu, treo bên bụi hồng đầy hoa.
Giấu giếm che đậy, nhẫn nại, chịu khổ, chịu đói để giữ thanh danh, lúc nào Hải cũng không nhãng nghĩ đến điều đó, và năm trước, chẳng dung được, chàng đã nhận chức đại bái và tiêu vào việc ấy hết nửa bát ống của vợ. Những ý tưởng phức tạp lộn xộn, rối tung trong óc Hải lại đương bực về nỗi em chàng làm cho chàng mất thể diện ở trước mặt một người làng, câu hỏi của em dâu càng làm cho chàng bực tức thêm :
- Các cháu vẫn chơi đấy chứ, bác ?
Lạnh lùng, chàng đáp :
- Phải ?
*
Một lát sau, mấy người về tới nhà Bản, căn nhà gạch một gian ngăn đôi bởi bức phên liếp dán giấy nhật trình. Vợ chồng Bản mời anh và ông khách ngồi chơi, rồi đi theo một cái cổng chung cho cả dãy nhà để cất xe bò vào sân.
Hải đã đỡ ngượng với người làng, vì nhà em cũng sáng sủa và bài trí cũng dễ coi : Một cái ghế ngựa quang dầu, trên tường mấy tờ tranh quảng cáo của hiệu dầu hỏa. Hải đương ngắm nghía cái đồng hồ rỉ để trên bàn tre, và thầm ao ước kiếm được vài đồng mua một chiếc, thì Bản đã rửa mặt rửa chân tay và thay quần áo sạch sẽ, từ trong nhà bước ra :
- Bác đi chân hay đi xe đấy ?
- Tôi đi xe chú ạ, có ba hào.
- Ờ rẻ nhỉ.
Kỳ thực, hai người đã kéo bộ ra tỉnh, nhưng quen tính giữ gìn, Hải đã nói dối, nói dối với cả em và tuy có người làng làm chứng cho sự nói dối ấy đứng ngay bên cạnh.
- Cái nhà này chú thuê bao nhiêu tiền ?
- Thưa bác ba đồng. Chả nói giấu gì bác, trước kia tôi thuê một gian nhà và ở chung với ba người nữa, thành thử chỉ mất có bảy hào thôi. Về sau, nhà tôi tìm được mấy cậu học sinh ăn cơm trọ mới thuê cái nhà này. Kể cũng kiếm được đủ ăn. Tôi thì đi làm, để cháu ở nhà nấu bếp, nhưng đã hơn tháng nay, các cậu ấy về nghỉ hè cả, thành thử cái nhà này rộng quá. ấy chả nói giấu gì bác...
Bản ngừng lại, quay ra bảo Giác :
- Mời bác vào rửa mặt mũi chân tay cho mát rồi xơi cơm.
Giác biết rằng anh em Hải muốn nói câu chuyện riêng, liệng lảng ra sân sau. Bản hạ giọng nói tiếp :
- Chả nói giấu gì bác, tôi không muốn để nhà tôi ăn không ngồi rồi, nên đã đi xin tạm cho một chân phu hồ ở chỗ tôi làm việc.
Hải trợn mắt :
- Phu hồ ! Chú để thím là phu hồ ?
- Vâng, bác tính chẳng gì cũng kiếm được hào rưỡi hào tám mỗi ngày, mà công việc có khó nhọc là bao.
Hải chép miệng lắc đầu :
- Giá ở xa tận đâu thì chả nói làm gì nhưng ở ngay tỉnh nhà, mà chú thím luộm thuộm thế, bê tha thế, tôi e lắm.
Bản cười nhưng không đáp. Chàng chẳng lạ gì tình cảnh của anh và tánh nết anh, chàng cũng thừa biết. Chàng nghĩ thầm, cầm hết thứ nọ đến thứ kia, hết vườn ruộng đến đồ đạc nhặt từng cái dĩa, cả ba chén trà đem đi bán để chạy bữa ăn, như thế anh mình không cho là luộm thuộm, bê tha. Còn vợ chồng mình, chỉ làm việc, làm việc bằng tay chân...
Hải thở dài ứa lệ bảo em :
- Chú ạ, nhà ta sa sút chóng đến thế ! Lúc thầy còn làm quan, thì chúng ta sung sướng biết bao, mà bây giờ, bây giờ.
Bản cười :
- Bác nghĩ thế, chứ tôi, tôi lại nghĩ khác. Chúng ta sinh trưởng ở nơi giầu sang thì thuở bé mới được ăn, mặc, chơi bời sung sướng. Nếu là con nhà khó thì chúng ta cũng đã nghèo đói khát. Ngày nay chúng ta không còn ở cảnh giàu sang thì chúng ta đừng thiết nhớ đến thời xa nữa có hơn không.
- Ðành thế, nhưng chú bê tha quá.
Bản ngắt lời :
- Ở đời chỉ có sự lười biếng, sự ỷ lại là bê tha. Còn như em, em không làm việc bằng trí thức, mà em làm việc bằng tay chân, thế thôi. Có gì là bê tha đâu ? Không biết bác thế nào, chứ em thì không sự gì làm cho em đau lòng bằng ngắm cảnh một người không còn sung túc mà cứ muốn có cái hào nhoáng của một người sung túc. Sự giả dối ấy...
- Nhưng thanh danh nhà mình ?
- Nghèo khác, thanh danh khác. Yên phận nghèo làm việc để sống, sao thanh danh ông cha ta lại vì thế mà mất hay bị tổn hại được ? Em nhận ra điều ấy ngay hôm em quả quyết bán một ít vườn ruộng, phần gia tài của em, kiếm ngót lấy trăm bạc vốn rồi đưa vợ con ra đây, theo anh em đi làm thợ. Ngày nay không bao giờ phàn nàn một điều gì nữa. Vì em đã vui lòng nhận mình là một người thợ nề chính thức sống bằng công việc chân tay, cái đời cậu ấm của em chỉ còn phảng phất trong giấc mộng xưa. Nếu may ra, nay mai em trúng độc đắc vì em có mua số thì em lại sống theo cái đời người có hàng vạn, chứ sao ! Phải không bác ?
Hải cười gượng, giọng mỉa mai :
- Phải !
Lúc đó, vợ Bạn bưng ra một mâm gỗ trên có bát canh, khói thơm bốc lên ngào ngạt, Bản hỏi :
- Ðẻ thằng Ðá có mua thêm cái gì ăn không ?
- Thầy thằng Ðá ạ, tôi đã mua thêm ba xu đậu với ba xu xáo bò rồi đây.
Bản phá lên cười :
- Bác coi, chúng em có hoàn toàn là một cặp vợ chồng thợ thuyền không ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét