Thứ Ba, 23 tháng 5, 2023

TỰ TRUYỆN GIỮA MÙA HÈ - Hoàng Ngọc Tuấn

 

 Qui Nhơn, tháng Sáu, 1973.

Tôi mất tự do vào đầu mùa xuân 73, kể từ ngày mười một Tết. Đến tháng tư, trước ngưỡng cửa mùa hè, tôi bị đưa ra Diêu Trì một nơi cách thành phố Qui Nhơn khoảng mười lăm cây số.

Qui Nhơn đâu phải là nơi xa lạ. Đây là chốn cũ, trước đây tôi đã sống hơn hai năm ở thị trấn ven duyên hải miền Trung này. Thôi, âu cũng là một dịp về thăm lại một phố phường mang nhiều kỷ niệm êm đẹp ngày xưa, dầu dĩ nhiên là chẳng bao giờ sống lại những tình cảm vô tư trẻ dại như ngày xưa được nữa.

Tôi về chốn cũ. Đất đai, núi đồi, biển cả là những "cố nhân" duy nhất còn đây mãi mãi không hề thay đổi, còn tất cả những thứ khác, tất cả những người thân quen cũ, giờ đây đã hoàn toàn biệt bóng hay nhạt nhẽo lạ lùng.

Trở lại Qui Nhơn. Sống thế nào đây, thấy gì đây, biết làm gì đây? Vài hàng trong lá thư của Trịnh Công Sơn an ủi: "... Có điều rất an tâm là thấy Tuấn gần như có thể làm việc trong bất cứ hoàn cảnh nào và mọi nơi. Về lại Qui Nhơn coi như về lại trong câu chuyện tình nào đó của Tuấn đã viết mà thôi. Cách đến chỉ có khác một chút..."

Ông Sơn ơi, lần này "cách đến" khác những lần về trước nhiều lắm chứ. Lần trước, về bằng máy bay Air VN, xách va-ly rộn rã ra khỏi phi trường ở trung tâm thành phố, leo lên một chiếc xích-lô đạp bảo chạy vòng vòng chậm rãi khắp nơi trước khi về nhà để bồi hồi nhìn ngắm những lề đường cũ, tăng thêm thú vị cho chuyến trở về. Lần này, lạc quan mà suy nghĩ, đỡ tốn tiền hơn vì đi bằng máy bay quân sự.

Không lạc quan và cũng không bi quan, suy nghĩ một cách thành thật và sáng suốt, thì sự khác biệt giữa những lần trở về này đủ làm rúng động đau buốt tâm hồn, đủ thôi thúc dằn vặt để có thể viết một cuốn tiểu thuyết trong tương lai, một tác phẩm phân biệt nơi đâu là quê nhà yêu thương, nơi đâu là vùng đất lưu đày khổ ải, nơi đâu là thung lũng cội nguồn của hạnh phúc, nơi đâu là hỏa diệm sơn đốt cháy thiêu hủy nhân tính và tình người...

Nhưng đó là chuyện về sau, không sớm thì muộn cũng sẽ đến.

Bây giờ, vì hoàn cảnh khó khăn tù túng đè nặng trên người tôi chỉ có thể viết ra vài chuyện nho nhỏ và vụn vặt, ôn lại một vài kỷ niệm riêng tư, những ý nghĩ lộn xộn không đầu không đuôi, những điều cảm nhận vội vàng thiếu sót chưa đủ chân tay... Đó là những lời phát ra từ một trái tim quá lớn mạnh chứa đựng trong một thân thể quá yếu mệt, bị nhốt trong một thời đại quá khô cạn.

Tóm lại, Tự Truyện Giữa Mùa Hè bắt đầu mà chưa biết dần dần sẽ đi đến đâu, chưa biết đoạn cuối sẽ kết luận như thế nào. Như một chuyến đi lang bang không biết chỗ dừng chân tạm nghỉ và đích đến. Và cũng không mang theo đủ hành trang, thực phẩm, tất cả đều lượm lặt trên đường.
 

Biển không còn đẹp nữa

Xe chạy từ Diêu Trì vào thành phố Qui Nhơn, đường gập ghềnh đầy bụi đỏ vì ổ gà, trời nắng gắt, những ngọn núi chạy dọc hai bên đường. Ở đây, tôi thấy đủ tất cả bầu không khí của một vùng đất chiến tranh. Đầy xe nhà binh vội vã, đầy những người mặc đồ lính mệt mỏi, và súng đạn nặng nề đeo lê thê trên người. Ruộng đất khô cằn, hương lúa chỉ thoang thoảng mơ hồ, cầu gãy, màu xanh của đồng ruộng không bao la chạy đến mút chân trời, chung quanh là núi, núi chập chùng ngăn cản, chặn lối.

Tôi cảm thấy nao nao hồi hộp khi xe bắt đầu vào trung tâm thị xã Qui Nhơn. Mười năm nay tôi đã không nhìn thấy thị trấn này. Khoảng vào năm 63, tôi đã rời Qui Nhơn ra đi và lúc ấy chẳng bao giờ nghĩ đến có ngày mình trở lại. Vì gia đình tôi không còn ở đây nữa, miền biển này cũng chẳng phải là nơi du lịch lý tưởng như Đà-Lạt, Nha-Trang hay Vũng-Tàu. Một mối tình bồng bột của tôi cũng đã vỡ nát trong thuở làm học trò lang thang ven biển. Nghĩa là Qui Nhơn chẳng còn một người quen thân nào chờ đợi tôi trở về. Không ai còn biết tôi, tất cả đều đã quên tôi dầu tôi vẫn còn giữ mãi trong tâm trí rất nhiều hình ảnh đẹp lẫn xấu, thơ mộng lẫn thô kịch của thành phố này. Tôi vẫn còn nhớ mãi những người bạn thân hoặc sơ, những người con gái đến gần hay thoáng vội trong đời tôi ở đây. Mấy năm nay, những ngụn cát nóng của biển Qui Nhơn vẫn còn vương vấn lấm tấm trong người tôi, như những vết mực đã loang trên áo trắng một lần là không bao giờ xóa sạch, từ đó những chữ được viết ra vẫn còn váng vất, bị níu kéo trong vùng ký ức, nhảy múa những kỷ niệm xinh đẹp và buồn rầu về phố cũ (Dấu chân người về, Có bao nhiêu cánh buồm trên biển, Canh bạc của một vài người, Tuổi Trẻ Tuổi Trẻ...)

Mười năm qua, từ một cậu học trò lơ đãng trong lớp Đệ Tam B3 trường Cường Để, tôi trở thành một người đàn ông vẫn còn đãng trí ngơ ngác giữa đời, một thanh niên kéo dài sự học của mình trên những con đường trắc trở gian nan, vĩnh biệt học đường để học... ngoài đường không thầy cô dẫn dắt. Và không có một năm học nào mang nhiều kỷ niệm vui buồn học trò bằng năm Đệ Tam trường Cường Để, bởi vì sang năm Đệ Nhị, tôi vào Sàigòn học và ở thủ đô này không còn tình thầy trò, tình bạn bè thú vị đẹp đẽ như các lớp học tỉnh nhỏ nữa.

Khi xe đã vào thành phố, ngôi nhà đầu tiên mà tôi mong muốn được thấy lại là trường Cường Để. Vẫn không khác trước mấy, dĩ nhiên là được xây cất thêm vài lớp mới, cát trắng và những tàn lá nhỏ dương liễu vẫn còn vương vãi đầy trên sân trường. Để xem, tôi còn nhớ được những gì, những thằng bạn nào đã cùng tôi đùa phá trong phòng lớp nhỏ trên lầu một: Khoa ở gần nhà thường rủ đi học, Thiều cận thị đá bóng chạy góc trái, Hùng cận thị, Xuân bảnh trai, Khánh gảy đàn guitar rất nghề, Dũng đen con nhà bán sách, Bửu-nhỏ cùng tôi đứng ở sạp báo mân mê tờ báo Văn số 1 mới ra lò với một tâm trạng "hiếu học, ưa suy nghĩ", Bửu-lớn có võ Bình Định gia truyền, Sơn cao giữ "gôn" thay tôi sau một pha tôi làm thủ môn ôm bóng bay luôn vào trong lưới, Chanh học giỏi nhất lớp, Sương chuyên hô hào xuống đường biểu tình, Cừ chuyên rủ tôi đánh bi-da và đi chọc gái... Nữ sinh trong lớp chỉ có lèo tèo vài mạng, tôi không nhớ rõ lắm vì hồi đó tôi chọc phá con gái thì tài chứ chưa bao giờ dám nói chuyện đàng hoàng và nhìn ngay mặt một đứa con gái, tôi chỉ nhớ một nàng vì có cái tên đặc biệt: Mai Lâm Tuyết Hường, mảnh khảnh, mắt ướt, cười chúm chím rất điệu, con nhà làm thầu khoán gạch bông, bây giờ nghe đâu vẫn chưa chồng (nhưng dĩ nhiên là không phải chờ tôi đâu).

Và hồi đó, tôi chơi thân với tất cả bọn trong lớp, tôi là một người bạn nhỏ được mọi người khoái. Tôi chơi với tất cả những "phe nhóm" đối nghịch nhau. Bọn học gạo có cảm tình với tôi vì tôi học không tệ lắm và thỉnh thoảng cũng đứng nhất vài môn. Bọn "nhất quỷ nhì ma..." cũng kéo tôi làm đồng chí trong những vụ cúp cua đi tắm biển hay la cà ở những quán bi-da, quán nước. Bọn thể tháo gia cho tôi ở trong đội bóng chuyền, bóng tròn ; tôi chơi tệ nhất nhưng lại hăng hái mang chanh tươi, đá lạnh theo ủng hộ gà nhà. Bọn có "tâm hồn văn nghệ" cũng nể tôi vì tôi thường "sơ mi" môn luận văn và học thuộc lòng được vài cái tên cỡ lớn như Albert Camus, Jean Paul Sartre v.v... Năm này tôi cũng đã bắt đầu làm thơ, gởi bài đăng báo với nhiều bút hiệu thay đổi hàng tháng (nhưng chẳng có báo nào thèm đăng thơ tôi cả). Tóm lại, năm theo học lớp Đệ Tam trường Cường Để là năm học vui tươi, thích thú, sống động, đáng ghi nhớ nhất trong đời học sinh của tôi.
 
Mười năm qua, Qui Nhơn đã thay đổi nhiều. Tôi, bạn đồng học của tôi, chúng tôi cũng đã thay đổi nhiều. 1963 - 1973 chúng tôi lớn lên, trưởng thành, vào đời trong một giai đoạn tàn bạo gay go nhất của thời chiến. Phần lớn chúng tôi đều đã đi lạc ra ngoài đường bay lý tưởng mộng mơ thời nhỏ. Mười năm qua, ngày nay còn lại mấy kẻ ngày xưa từng ngồi bên nhau miệt mài sách đèn dưới một mái trường. Một số đông đều đi lính, giờ mang cấp bực Trung úy, Đại úy hay đã chết. Một số trở thành phế nhân. Một số trốn lính hay đào ngũ. Một số ít may mắn và xuất sắc hơn, ăn học thành tài, ngày nay có những địa vị vững vàng trong xã hội. Một vài người mất tích. Đó là một vài điều tôi được biết một cách thiếu sót và mơ hồ do một người bạn cùng lớp tình cờ gặp lại, bùi ngùi ôn những chuyện xưa dưới một quán cà phê trong trại lính (Tr/úy Thiều, cận thị, đá bóng bằng chân trái).

Còn tôi, mười năm qua, đã có gì mới lạ. Có lẽ ngày nay, so với những bạn học cũ, tôi là kẻ đã sống trong những hoàn cảnh đột ngột biến đổi không ngừng nhiều nhất. Ngay cả trong lúc tôi viết những dòng này, tôi cũng chưa biết được trong mười ngày tới, tôi sẽ ở đâu, bị đưa đi đến đâu, bị làm gì và được làm gì, chỉ chắc chắn một điều là sắp thêm những thay đổi trong đời sống. Mười năm nay, tôi không có một công việc, một nghề nghiệp gì lâu bền, không một nơi ăn chốn ở nào lâu bền, không có một người bạn hay người tình nào gắn bó lâu bền, không có một thú vui nào lâu bền. Tôi sống trắc trở, khó khăn, trôi nổi, ham muốn, thất bại, hoang phí, đói khổ. Tôi sống bồng bột say sưa lẫn tỉnh táo một cách chán chường lạnh nhạt. Mười năm trước, không bao giờ tôi nghĩ rằng phải nợ nần ai từng đồng để kiếm một bữa cơm hay thuốc hút. Không bao giờ tôi nghĩ rằng mình có thể bị một người nào đó giận ghét. Không bao giờ tôi nghĩ rằng mình lại đi nhờ cậy chịu ơn một ai. Không bao giờ tôi nghĩ rằng mình lại sống bất hợp lệ, trốn tránh luật pháp hay bị cầm tù... Thế mà, mười năm qua, tôi đã lần lượt sống hết với tất cả những tình cảnh bất ngờ ngoài ý muốn đó. Chỉ còn một điều duy nhất an ủi, một điều không đi ra ngoài "chương trình", không "lạc đề" là hơn mười năm trước, tôi đã từng say mê viết nên những bài thơ bài văn vớ vẩn, đến ngày nay, trong tôi vẫn còn nguyên vẹn và lớn mạnh hơn nữa niềm say mê đó, và tôi thà chết còn hơn là đánh mất khả năng và ước vọng viết thiêng liêng kỳ diệu  này.

Sau mười năm chịu đựng lẫn giang rộng tay nhận lấy làn sóng vật chất do những người lính Mỹ viễn chinh đổ vào thành phố, thành phố Qui Nhơn đã đồ sộ hơn về một vài phương diện, và cũng đã tàn tạ hơn về những khía cạnh khác. Những người ít tiền đều lần lượt bỏ thành phố này mà đi trước tình trạng vật giá đắt đỏ nhảy vọt theo lối tiêu xài của người ngoại quốc. Còn lại chen chúc trong thị trấn một giai cấp mới tranh sống làm giàu mau lẹ: gái điếm, ma cô, cờ gian bạc bịp, chủ bar, khách sạn, những người chạy "áp phe" buôn đồ Mỹ... Sống nhẫn nhục thiếu thốn trong bóng tối là những người công chức, giáo sư, quân nhân bị ràng buộc ở mảnh đất cát nóng hỗn loạn này. Ngày nay lính ngoại quốc đã ồ ạt kéo nhau ra đi, sau khi đã ồ ạt đến, bỏ lại sau lưng cả một tỉnh lỵ xơ xác trần trụi, những tòa building xây dở dang, những quán bar ế khách, những ổ nhện xuống giá bắt đầu chào đón vui vẻ khách chơi bản xứ, những bóng tối sa đọa trong góc quán với những cô cậu học trò phi "sì-ke", những đứa con hoang hai dòng máu đồng minh thân hữu...

Qui Nhơn, giờ đây tôi về lại thất vọng vì không tìm thấy những vẻ đẹp như ngày xưa tôi đã từng quen thuộc, những con đường phố vắng người dửng dưng buồn tẻ, bụi bặm, nóng bức mùa hè, nhạc thời trang kệch cỡm trong những quán kem, lẻ tẻ vài Hippy cóp nhặt mẫu Saigon... Đáng tiếc bây giờ là mùa nghỉ hè, thiếu vắng những tà áo tha thướt của mấy cô học trò trường Sư phạm, trường Nữ Trung học và trường Trưng Vương... Vắng mặt những thiếu nữ này là một thiệt thòi rất lớn cho Qui Nhơn, họ thuộc về một đạo binh dũng cảm, cứu vãn nét son của tỉnh nhỏ âu sầu.

Tôi và một vài người bạn, chúng tôi ngồi uống bia trên bãi biển. Một quán nước xập xệ, tầm thường, áo quần giặt treo bừa bãi trên sân. Nhưng nhờ có chút bia lạnh và những ngọn gió biển mằn mặn từ ngoài khơi thổi vào, cộng thêm với một vài câu chuyện "trà dư tửu hậu" thân mật giữa bạn bè, tôi cảm thấy khoan khoái đôi chút. Năm chiếc ghế thấp vây quanh chiếc bàn lỏng chỏng vỏ chai và tàn thuốc. Năm người ngồi nhâm nhi nói chuyện vặt. Chúng tôi giống nhau ở một điểm là đều lần lượt đi qua những chặng đường ngoài ý muốn lẫn đúng theo ý muốn: học hành, đi lính, viết văn, làm thơ v.v... Bốn người trên đều xuất thân từ nghề dạy học, hiện đã có vợ và từ một con trở lên. Tôi chưa bao giờ đi dạy học, chưa bao giờ có vợ. Đó là điểm khác biệt đầu tiên.

Tôi nhìn ra biển. Thuyền phơi ngổn ngang trên cát. Xa xa những cánh buồm, rặng núi và hải đảo, ngọn hải đăng trên đỉnh núi phía tay trái, Ghềnh Ráng với nấm mồ của Hàn Mặc Tử phía tay phải.

Biển như hẹp lại, cạn khô và đờ đẫn. Trước kia, tôi dẫm những dấu chân lỗ chỗ trên bãi cát ướt và lặng người nhận thấy biển cả bao la bát ngát, chuyển động mãnh liệt, sóng tung tăng bọt trắng kiều diễm biết bao nhiêu. Ngày nay, biển Qui Nhơn trước mắt tôi không còn đẹp nữa. Thời gian hay sự già cỗi đã gây nên điều tai hại đó? Giữa tôi và biển, ai là kẻ đã thay đổi trong mười năm qua?

Tôi hoang mang không biết rõ. Tôi hút thuốc, uống bia, hít gió, nhớ lại những ngày qua cực khổ mệt mỏi của mình, tôi buồn quá đỗi...


Sáng tác

Trong vòng ba tháng nay, tôi viết được khá nhiều. Giữa chốn tăm tối, nóng bức, tù túng, tôi viết tiếp được một nửa cuốn truyện dài Tôi và Em, bởi thế một phần lớn tác phẩm này chứa đầy sự khao khát ánh sáng và không khí trong lành bát ngát của tự do. Trang cuối của Tôi và Em chấm dứt, sau một vài tuần sự sáng tác bị ngưng lại vì những vụ di chuyển, lên đường rất là mệt nhọc, đến Qui Nhơn, trong một doanh trại nằm dưới chân núi, tôi viết liên tục được 4 truyện ngắn khá ưng ý (Hôn Lễ, Đôi Môi Dạ Hương, Hẹn mỗi Tuần, Lời Cầu Hôn) và sau khi viết xong bài tùy bút có tính cách tự truyện này, tôi sẽ bắt tay ngay vào dòng thứ nhất của một truyện dài mới, bản phác thảo đã có trong đầu óc tôi, đôi chỗ lờ mờ, đôi chỗ dần dần đậm nét nhưng chắc chắn cuốn truyện dài này sẽ hoàn tất vào tháng 8-73.

... Loạt truyện ngắn của tôi, viết trong tháng này, không hiểu sao lại mang rất nhiều ám ảnh về chuyện hôn nhân, cưới vợ, lấy chồng... Hay đó là điềm báo trước một tai nạn khủng khiếp dịu dàng, đau khổ vui vẻ nhất, sắp sửa đổ xuống trên đầu tôi. Than ôi, "tam thập nhi lập", các cụ ngày xưa đã nói thế, năm nay tôi mới có 26 cái xuân xanh thôi mà.

Sáng tác văn chương. Viết. Đó là hoạt động tôi theo đuổi không hề ngừng nghỉ. "Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu". Tình yêu, theo thiển ý của tôi, thà là yêu nhiều, yêu dư còn hơn là yêu ít hay không yêu gì cả. Viết, đối với tôi cũng thế. Thà là viết nhiều, viết dư còn hơn là không viết gì cả. Thời gian và sự biến đổi của cảm tính văn nghệ sẽ tự động gạn lọc giùm những sáng tác của tôi, một vài tác phẩm sẽ bị bỏ quên nhưng dần dần tôi tin chắc rằng nó sẽ được phục hồi.

Tôi sáng tác, chưa hề bị ràng buộc bởi những đòi hỏi, yêu cầu của bất cứ một ai. Tôi không bị lệ thuộc vào bất cứ một điều kiện của một cơ quan, tổ chức, một chủ nghĩa, một tờ báo hay một nhà xuất bản nào. Độc giả, khối đa số thầm lặng này rất quan trọng vì có thể mang lại nhiều hoặc ít những quyền lợi vật chất và khích lệ tinh thần cho các tác giả, cũng không thể yêu cầu tôi viết nên bất cứ điều gì. Tôi bị quyến rũ chút ít bởi các tác giả lớn quốc tế và những trào lưu văn chương tiền phong nhưng tôi không nằm trong quỹ đạo của bất cứ ai, bất cứ dòng văn chương nào. Lần lượt, tôi theo dõi các khuynh hướng khác nhau và những thay đổi về hình thức, kỹ thuật của văn chương: cổ điển, lãng mạn, tả chân, hiện thực, tâm lý, tân lãng mạn, siêu hình... tiểu thuyết luân lý giáo dục, tiểu thuyết luận đề và đặt vấn đề, tiểu thuyết biện thuyết cho chủ nghĩa chính trị, tiểu thuyết mới, tiểu thuyết "chữ đẻ ra chữ" gần như là phát sinh từ vô thức... Tôi sung sướng được thưởng ngoạn ít nhiều tinh hoa của tất cả những bộ mặt phong phú khác biệt nhau của mọi dòng sáng tác, và tự nhủ rằng tất cả những dòng sông đó đều có chung một nguồn lớn lao duy nhất. Tính chất của nguồn gốc đó là đặc tính lớn lao đầu tiên của văn chương. Văn chương, đó là ý thức sáng suốt về giá trị của con người, một giá trị không phải chỉ được biểu hiện bởi một thân xác hữu hạn và một kiếp sống phù du, mà còn được kết tinh nuôi dưỡng bền vững, rộng lớn, lâu dài hơn nhờ sự sáng tạo của tinh thần. Sự sống của một tác phẩm thường lâu dài hơn một tác giả. Sự hiện diện của một tác phẩm cũng bao quát ở nhiều  nơi, đậm nét, ăn sâu hơn là một khuôn mặt mo nhỏ bé của tác giả. Trên bình diện sinh lý, nhà văn cũng tầm thường như bất cứ người tầm thường nào. Hắn cũng phải, cũng cần, cũng khoái ăn, ngủ, làm ái tình, bài tiết theo đúng tứ khoái thông thường như mọi người khác. Hắn chỉ đặc biệt thấy cần thiết, ao ước có thêm một cái khoái, đệ ngũ khoái, đó là sự viết.

Tôi không thấy có sự khác biệt giữa những điều mà người ta thường gọi là văn chương dấn thân và văn chương thuần túy, văn nghệ vị nghệ thuật hay văn nghệ vị nhân sinh. Rốt cùng, giá trị nội tại vững mạnh của một tác phẩm (dầu mang bất cứ một chủ đích nào hay không có chủ đích nào cả) quyết định sự sống và ảnh hưởng của tác phẩm đó giữa lòng nhân gian. Tất cả những tác phẩm văn chương đích thực của những tác giả thực sự mang ước muốn và có đủ khả năng sáng tạo, đều là "dấn thân", dấn thân hiểu theo nghĩa đã viết nên được bất cứ điều gì bắt nguồn từ đời sống, từ cảm xúc, từ nỗ lực hiện tồn và từ khát vọng thăng hoa hay cải thiện ý nghĩa của cuộc đời. Như thế, những điều viết ra đó quay trở lại, nhập cuộc, phục vụ cho con người. Tôi tin tưởng rằng văn chương không thể hướng về sự hủy diệt, cái chết hay hư vô.

Dầu có những tác phẩm mang đầy bầu khí hư vô và cũng có nhiều nhà văn đã tự sát, nhưng dầu cho y có tự sát, thì đó chỉ là sự tự hủy thân xác chứ không phải tự hủy tác phẩm của y. Mỗi chữ nào y đã viết ra được là một chiến thắng đối với hư vô, là dấu hiệu của sự hiện thân giữa đời, là bằng chứng của ý thức muốn sống và làm người. Khi một nhà văn trở nên mệt mỏi hoang mang, không còn sáng tạo được nữa, nghĩa là không còn chiến đấu được nữa để chống chọi với bóng tối hư vô bao trùm đeo đuổi trên cuộc đời y như một con ma vô hình truyền kiếp, có thể y sẽ tự tìm đến cái chết, sau khi đã để lại cho đời những tác phẩm cứu sống con người. Hemingway, kết thúc đời mình bằng cách tự sát, sau khi đã dốc hết tim óc mình vào những tác phẩm bất hủ, mở đầu, khai sinh, cứu vãn cho rất nhiều sinh mệnh trên toàn cầu. Bởi thế mỗi nhà văn lớn đều mang trong người một bất tử tính. Sau khi y chết, tác phẩm của y, nghĩa là chính linh hồn, linh khí của y vẫn còn sống mãi với con người. Và không một tác phẩm nào lại mang tính chất cô đơn, biệt lập với cuộc đời. Tác phẩm văn chương sống chung, chia sẻ, đối thoại, hòa hợp, giao cảm với những người nào chọn lựa nó. Bởi thế, một tác phẩm văn chương đích thực lúc nào cũng chống lại sự cô đơn, sự lạ mặt, ngộ nhận, hư vô và sự chết. Điều ấy đưa đến kết luận, những người sáng tạo nghệ thuật là những chiến sĩ bảo vệ và nuôi dưỡng cho cuộc tồn sinh sống động, ấm cúng, hợp quần, thân ái của nhân loại. Những nghệ sĩ là chiến sĩ vô danh mà người ta không thể tìm ra một loại huy chương nào đủ xứng đáng để tưởng thưởng cho họ. Không có một vòng hoa nào, dầu lộng lẫy đến đâu, lại có thể đủ xứng đáng để choàng cho họ. Tiền bạc và danh vọng chỉ làm thỏa mãn vuốt ve thân xác chứ không thỏa đầy được trọn vẹn con người nghệ sĩ. Phần thưởng lớn nhất, ước muốn lớn nhất của một nghệ sĩ, là được tự do sáng tạo, tự do chọn lựa một con đường sáng tạo, tự do sống một cuộc đời sáng tạo, và tự do gởi đến mọi người trọn vẹn những công trình sáng tạo mà không bị chút đẽo gọt, hạn chế, kiểm soát hay sửa đổi méo mó...

Nhưng đáng buồn thay, đến giờ phút này tôi vẫn chưa có được những điều mong muốn khiêm nhường và đơn giản đó...
 

Sàigòn, Văn nghệ và Tiền bạc

Gần bốn tháng nay tôi không có mặt ở Sài-gòn. Thời gian xa cách đô thị xô bồ thân ái này quả thật quá dài đối với tôi. Tôi quá nhớ, quá thèm về Sài-gòn, từ mười năm nay tôi dính liền với chốn phố phường này như một con nai tơ giữa rừng xanh. Rừng đe dọa đầy dã thú, nguy hiểm, chằng chịt gai góc nhưng chẳng thể nào bỏ rừng được.

Giờ đây ở Qui Nhơn, trong một hoàn cảnh thật đặc biệt và khó khăn, ngày về Sàigòn trở nên xa xăm quá.

Tôi nhớ lại những ngày sống ở Sàigòn. Cái gì lôi cuốn tôi mạnh mẽ nhất tại thành phố này? Chỉ có hai thứ : văn nghệ và tiền bạc. Không phải là tình yêu. Thời gian gần đây tôi cũng đánh mất khá nhiều tình bạn hữu. Bọn nó đi đâu cả, làm ăn, lấy vợ đẻ con, lưu lạc đâu mất hết rồi. Nhiều lắm là chỉ còn lại một người : Trịnh xuân Tịnh, đó là người bạn thân nhất của tôi trong thập niên 70 (Đến đầu năm 1980, chắc chúng ta sẽ ít đi chơi với nhau hơn vì vợ ai nấy theo).

Tình yêu? Tôi rất ít bận tâm về tình yêu, gần như là không. Một điều nói ra thật khó tin, nhưng có thực, là tôi, tác giả của hàng chục truyện tình ái, hiện nay chẳng có ai là người yêu cả, chẳng có một mối tình nào cả. Tôi gần như không biết yêu ai, có lẽ tôi chỉ yêu tôi. Có lẽ tôi giống như lời nhận xét của một nhân vật nữ trong tập truyện Chuyện hai người: "Tình yêu? Anh mà biết gì về tình yêu?" Đàn bà, con gái, cô bé... thi nhau bay lượn đẹp mắt như bươm bướm trong sách tôi, nhưng cũng chỉ sống đẹp trong sách, gấp sách lại, các nàng bay biến, tác giả khốn khổ này chẳng có tài nào đuổi theo bắt kịp. Nhiều khi tôi nghĩ rằng tôi có thể điên cuồng hay chết sầu não vì tình, nhưng thật ra không phải, qua bao nhiêu vụ thất tình lớn nhỏ đủ thứ, tôi vẫn sống nhăn, vẫn tỉnh táo, vẫn vui vẻ rong chơi như thường, dĩ nhiên là phải hơi đau đau một chút trước những vụ chia lìa, đổ vỡ nhưng rồi lại an ủi tự nhủ: thôi, chắc gì mình yêu thật, chắc gì người ta yêu thật, đó chỉ là "hình như là tình yêu" thôi mà. Câu thần chú "hình như là tình yêu" đó quả là một liều thuốc tiên quý báu.

Rốt cuộc, chỉ có hai thứ đeo đuổi sát nút đời tôi như hình với bóng. Đó là văn nghệ và tiền bạc. Tôi điêu đứng khổ sở vì chúng, tôi hăng say sung sướng cũng vì chúng.

Ở Sàigòn, mỗi sáng tôi thức dậy sớm và ra khỏi nhà vào đúng 7 giờ. Đều đặn như một ông công chức chăm chỉ. Thật ra tôi có đi đến một sở làm nào đâu, tôi có công việc gì đâu. Tôi dậy sớm, kéo dài vụ uống cà phê tại quán đầu ngõ trong một giờ đồng hồ. Hút nửa bao thuốc lá cũng trong khoảng thời gian đó. Vừa nhìn ra ngoài đường xem xe cộ người người chạy qua chạy lại, vừa lẩm nhẩm những chữ những câu nào chợt xuất hiện bất ngờ lộn xộn trong đầu. Đôi khi tôi xem sửa lại mấy trang bản thảo vừa viết trong đêm qua. Rồi tôi nhíu mày liếc coi đồng hồ tay như một chính khách danh tiếng có nhiều cuộc hẹn quan trọng. 9 giờ: Tôi ra khỏi quán. Đi đâu bây giờ? Tôi chẳng hẹn ai, chẳng ai hẹn tôi cả.

Tôi lững thững cuốc bộ, chậm chạp và cẩn thận. Hoặc tôi đi xe "lam", không chậm chạp và không cẩn thận theo ý muốn tôi được. Đi đâu bây giờ? Hoặc tôi lên nhà xuất bản Trí Đăng, hỏi thăm, thúc giục hay đứng nhìn chiếc máy in đang rầm rập phóng ra từng cahiers sách của tôi, nói chuyện vẩn vơ với ông chủ một chút, mượn tiền, đòi tiền... rồi về. Hoặc tôi lên nhà xuất bản An Tiêm hỏi thăm, thúc giục hay đứng nhìn mấy cô thợ đóng xếp từng trang sách của tôi, nói chuyện vẩn vơ với ông chủ một chút, mượn tiền, đòi tiền... rồi về.

Ngày nào cũng chừng đó chuyện. Chỉ thỉnh thoảng, không khí tại nhà An Tiêm mới lạ và vui vẻ hơn một chút, đó là lúc tôi mượn tiền một cách tha thiết và thú thực là hết sạch tiền rồi. Ông chủ cười cười thú thực là cũng hết sạch tiền rồi. Trời đất bỗng u ám, dầu chưa có mưa lớn khách vẫn cố tình ngồi lại. Hai kẻ hết sạch tiền ngồi bên nhau, bỗng trở nên tương đắc thân mật. Lên gác chơi, nghe nhạc chơi, nhậu chút chơi... Xong rồi, không tiền trong túi biết đi đâu bây giờ, thế là tôi ở lại nhà An Tiêm suốt ngày. Chuyện trò nổ ra như bắp rang. Ông chủ than thở về những khó khăn : thời buổi lộn xộn ít người bỏ tiền ra mua sách, giá giấy công in tăng khủng khiếp, tiền bạc thiếu hụt, nợ nần... Ông chủ say sưa nói về những dự tính tương lai, nào là mua máy in, in thêm loại sách "De Luxe", mở caféteria, thành lập hệ thống phát hành toàn quốc, làm tạp chí văn nghệ, tổ chức triển lãm sách... vân vân và vân vân... Ông chủ đem ra khoe những ấn bản họa phẩm danh tiếng, sách quý, những mẫu chữ mới lạ đặt mua từ ngoại quốc... Ông chủ hăng hái nói với tác giả, sẽ in sách anh đẹp tối đa, kỹ lưỡng tối đa, phổ biến rộng rãi tối đa, hết sức là "siêu tuyệt"... Tác giả ngồi ngây người sung sướng như được người yêu thủ thỉ âu yếm, quên hẳn cả việc hết tiền, cần tiền. Thế là tác giả cũng hăng hái không kém, bàn bạc, góp ý kiến, chọn chữ chọn tranh làm bìa, sửa morasse không công đến mờ mắt, thiếu điều tự tay đóng xếp sách và vác sách đi bán giùm... Đến giờ cơm trưa, câu chuyện vẫn chưa chấm dứt, tôi vẫn chưa muốn về, thế là cơm nước bày ra, khách và chủ ăn uống đạm bạc thịt cá với la-de, cà-phê thuốc lá... Nhận thư độc giả đọc lúc ngủ trưa, đến chiều mới ngủ dậy và... về.

Đó, công việc mỗi sáng ở Sàigòn của tôi chỉ có như thế. Thỉnh thoảng, khi thấy báo Văn hay Bách-Khoa đăng bài mình, mới đổi hướng đi một chút, lên Tòa soạn lấy báo, lãnh tiền nhuận bút, trò chuyện với vài người quen... rồi về.

Đi đâu rồi cũng về, nhưng ở Sàigòn, tôi biết về đâu. Ít khi tôi về căn phòng nhỏ tối tăm buồn bã của tôi. Tôi thường từ nhà người quen này về nhà người quen khác.

(Hầu hết những truyện của tôi đều viết ở Sàigòn, vài trang, vài trang, đâu đó ở nhà người này, nhà người nọ, lúc nào cảm thấy viết được là tôi viết, không một thời khóa biểu, không thói quen nào cả, bất kể sáng chiều tối, bàn ghế đàng hoàng hay nằm trên giường bố, nằm dưới đất trong tù.)

Buổi chiều tôi hẹn với Tịnh ở quán Khánh Ly. Tôi đã hết thích không khí ồn ào náo nhiệt ở quán Pagode. Tôi và Tịnh ngồi uống bia lai rai, lại nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Tôi đấu hót ba hoa, hòa bình trên thế giới, ngưng bắn, thống nhất hai miền Nam Bắc, tương lai của nền văn nghệ Việt Nam... Tôi say sưa nói về những cuốn sách tôi đã viết, về những cuốn sẽ viết, đã có 6 cuốn trong năm 71-72, sẽ có ít nhất là 6 cuốn trong năm 73... Chúng tôi nhắc đến rất nhiều về Huế, nhớ đến một vài người bạn ở Huế, dự trù sẽ về thăm Huế trong vài ngày... Tôi uống tiếp, ngà ngà, tôi nói mong sẽ viết được một tác phẩm thật lớn về chốn cố đô ven sông Hương này... ngà ngà hơn, suýt chút nữa thì tôi đã đánh cá với Thịnh là tôi sẽ đoạt giải Nobel văn chương trong vòng hai mươi năm tới. Thỉnh thoảng cô chủ quán Khánh Ly xuất hiện, miệng phì phèo điếu thuốc, mang một cái bầu to tướng trước bụng, ngồi lại góp vài chuyện bâng quơ... Đến tối, tôi theo Tịnh về nhà, ăn cơm dằn bụng, rồi lại rủ nhau phóng ra phố. Lần này có đèo thêm anh Sơn. Lại vào quán. Castel, một quán nhỏ xinh xắn lịch sự theo đúng mẫu Made in Paris, quầy rượu thoải mái, rất nhiều bông hồng. Tôi ngắt trộm một bông nhỏ dấu trong ngực áo để lát nữa đem về tặng Ngâu. Lại uống rượu, tôi nhường cho nhạc sĩ T.C. Sơn đối thoại lâu dài với một cô caissière rất duyên dáng dễ thương, người đồng hương với Kim Dung và Trịnh Phối Phối. Khuya, gần giới nghiêm, ba người loạng quạng về nhà, có khi về thẳng một cách mau lẹ, có khi ghé lại cao ốc Dupont hay góc đường Yên Đổ : phòng máy lạnh mát mẻ, da thịt đàn bà cũng khá mát mẻ đầy mùi nước hoa, mất toi hai ngàn đồng ( thế là đi đứt gần hết tiền nhuận bút của một truyện ngắn).

Đó, làm sao tôi quên Sàigòn được. Ở đó, tôi sáng tác hăng say sung sức, tôi xài tiền cũng mê man mạnh mẽ không kém. Văn nghệ và tiền bạc, tôi không thể sống mà thiếu hai thứ đó được.

Tôi lênh đênh sảng khoái, bồng bềnh thênh thang trong màu đen của chữ mực in và màu xanh của giấy bạc. Dĩ nhiên là những cuốn sách của tôi đem lại ít nhiều tiền tác quyền, nhưng chắc chắn là tôi không viết vì tiền. (Hiện nay tôi là một trong rất ít tác giả ở V.N. không viết "phơi-ơ-tông" và cũng không có nghề nghiệp nào mưu sinh ngoài hoạt động sáng tác cả. Tôi vẫn cứ viết rất chậm chạp và lười biếng, ngay cả lúc tôi đang cần tiền nhất vào cuối năm 72, lúc ấy có ít nhất là 5 nhà xuất bản uy tín lẫn tài tử đều muốn in sách của tôi, một vài nhà không ngần ngại đưa tiền trước). Tuy nhiên, cần phân biệt một tác phẩm và một ấn phẩm. Dù có tiền hay không, tôi vẫn sáng tạo liên tục nên những tác phẩm, nhưng khi những tác phẩm ấy được in ra, được trở thành ấn phẩm trên một tờ báo hay trong tủ sách của một nhà xuất bản nào, sự trở thành ấy dĩ nhiên phải tùy thuộc ít nhiều vào chuyện tiền bạc.

Đó, Sàigòn, nơi chốn thu hút tôi từ mười năm nay. Tôi tình nguyện làm một con thiêu thân sáng suốt bay thẳng vào cõi ánh sáng đó. Tôi là một con thiêu thân loại đặc biệt, mê đắm trong ánh sáng, nhưng sẽ không bị thiêu cháy vì ánh sáng.

Giờ đây, tôi thèm về Sàigòn quá đỗi. "Sài-gòn đẹp lắm Sài-gòn ơi... Sài-gòn ơi..."
 

Ngâu

Tôi nhớ Ngâu ngang hàng với nhớ Sài-gòn. Trước kia Ngâu ở Huế, tôi nhớ Ngâu ngang hàng với Huế. Ngâu thật vĩ đại. Ngâu ảnh hưởng trong tôi bằng cả hàng triệu người, cỏ cây, nhà cửa... của một thành phố.

Những ngày cuối còn ở Sàigòn, những cách ngăn với thế giới bằng những bức tường cao và hàng rào kẽm gai, tôi được gặp Ngâu trong thoáng chốc vội vàng.

Ngày đó, Ngâu đến thăm tôi một chiều... nắng.

Trời thật nắng, nóng bức, ngột ngạt, bên cạnh chúng ta là đám người vo ve ồn ào hỗn độn. Chen chúc trên băng ghế gỗ chật ních những cặp vợ chồng, tình nhân, tâm sự khóc lóc sụt sùi, chúng ta vẫn tươi cười nhắc đến những ngày vui cũ. Tôi vẫn còn nói đùa được cho Ngâu bật cười, da mặt Ngâu hồng lên vì ánh nắng và bụi đường, chiếc áo sơ-mi của Ngâu trắng tinh, jupe xanh, tay còn nắm cuốn sách luyện thi Tú tài hai, và một viên kẹo rượu cho tôi. Chúng ta hối hả, tranh nhau nói chuyện không kịp thở. Người ta chỉ cho chúng ta gặp nhau tối đa là 15 phút. Trong khu "thăm nuôi" chật hẹp của ngục tù, giữa đám người tội đồ phờ phạc và vợ con họ rầu rĩ, tôi và Ngâu, chúng ta nổi bật lên như hai ánh sao, như một đôi tài tử minh tinh màn bạc. Nếu tôi nhớ không lầm, và cũng không tự kiêu quá, thì chiều đó, chúng ta là hai người xinh đẹp nhất giữa cõi người khổ đau tăm tối. Tiếng còi nổi lên xua đuổi thân nhân ra về một cách tàn nhẫn, chúng ta bàng hoàng, chần chờ nán lại, mỗi tiếng còi thúc hối chia cắt như mỗi mũi dao đâm vào lòng tôi...

Thôi, Ngâu về rồi. Bóng Ngâu nhỏ nhoi mất hút trong đám đông, tôi đứng lặng câm ngó theo cho đến khi Ngâu hoàn toàn biến mất, tôi lầm lũi trở về căn phòng tối.

Ngâu, tôi vô cùng hối hận khi nhớ lại trước đây đã nhiều lần tôi tự kiếm cớ giận hờn để xa Ngâu, nhưng làm sao xa Ngâu nổi. Giờ đây, dù muốn dù không, Ngâu đã quá xa tôi. Ngâu là giọt mưa cách biệt, phút hội ngộ ngắn như một lóng tay út mà thời gian xa vắng dài như cả một vòng tay chờ đợi.


Hiện tại

Tôi đang viết những dòng chữ này trong một doanh trại nằm dưới chân núi Yan, tỉnh Bình Định. Nhờ người thân giúp đỡ, tôi được nương náu tạm thời ở nhà một ông Tá đàn Vỹ cầm. Tôi "kèm học" cho đám cô cậu từ 17 tuổi đến 5 tuổi. Tôi phải nặn óc nhớ lại, học ôn một cách mệt nhọc mấy cuốn sách Trung Tiểu học để "giảng bài" từ phương trình bậc hai có hai ẩn số, chứng minh hai tam giác bằng nhau, số thập phân, toán chia ba con, cửu chương 2, em tập đánh vần ABC... Cũng may mà mùa nghỉ hè đã đến, tôi được xoay qua những chuyện vui vẻ hơn : đá bóng, đánh vũ cầu, chơi lô tô với đám trẻ con... tôi cũng thích chơi ô làng và đánh thẻ lắm, thỉnh thoảng tôi "binh" xập xám với mấy đứa lớn. Ngày ngày đều đặn trội qua, mới thế mà tôi đã sống gần hai tháng dưới mái nhà này. Mỗi đêm, tôi bắc chiếc ghế nhỏ ra ngồi trong bóng tối dưới hiên nhà, mơ màng nhìn dãy núi đen xa xa mù mịt, từ trong nhà có tiếng đàn vỹ cầm vẳng ra nghe thật buồn thê thiết, tôi đau lòng nhớ nhung đến những người quen, đến những chặn đường long đong đã qua và e rằng còn sẽ tới nữa, tôi muốn khóc, môi tôi cháy phỏng những điếu thuốc lá đốt nối đuôi nhau (Tôi tha hồ hút thả cửa ba "tút" Bastoz xanh của Trần Phong Giao, Nguyễn Mộng Giác và cô em bà con của Khánh Vân mới gởi cho).

Đôi ba đêm một lần, tôi khuây khỏa đôi chút khi đi uống rượu hoặc uống cà phê đến khuya với Nguyễn Kim Phượng và Sông Thao. Cũng loanh quanh ở mấy cái quán nhỏ trong trại lính. Hai tuần một lần, tôi được ra Qui Nhơn ăn ngủ thảnh thơi một ngày Chủ nhật tại nhà anh Giác, gặp hai ông thi sĩ Vũ Hữu Định và Đặng Tấn Tới tại đây.

Hôm nọ, dù Phú và đứa em trai của tôi, thằng Lộc, "Mắt Cọp" có vào trại thăm, hắn nhe răng cười nói: "anh Tuấn mặc pyjama coi có vẻ công tử bột và mập ra..." Tôi nói sức mấy, tôi không còn được đóng vai công tử và không thể nào khỏe mạnh mập mạp được nữa, từ khi...

Từ khi... "Chuyện của Tí Đường đến đây là hết. Từ đó cuộc đời của Tí buồn bã lắm..." (Xin xem lại Cô Bé Treo Mùng).

Thư từ của bạn bè, những người quen và cả những độc giả không quen biết gửi đến, an ủi tôi rất nhiều. Nhất là những lá thư đều đặn của Tịnh, thường kèm theo một tấm bưu phiếu cầm lấy nghe thật ấm lòng. (Suốt bốn tháng nay tôi sống hoàn toàn nhờ tiền tác quyền của cuốn Tôi và EmCô Bé Treo Mùng in lần hai. Cám ơn Mơ Nữ, cám ơn Cô bé treo mùng)...

... Sự bất hạnh đã đưa tôi đến hoàn cảnh hiện nay. Nhưng trong hoàn cảnh này, tôi lại được khá nhiều may mắn so với những người khác. Lòng ưu ái ấy bắt nguồn từ tình cảm của người thân, và quý báu nhất là của những người chưa một lần quen biết...

... Những chữ cuối cùng của "Tự Truyện Giữa Mùa Hè" xin dành để gởi lời cám ơn chân thành của tôi đến quý vị trên đây, là những người đã hết lòng giúp đỡ, thăm viếng thăm nuôi, an ủi tôi rất nhiều trong thời kỳ khốn đốn nguy nan nhất của tôi, từ tháng 2/73 đến nay...

... Quý vị trên đây dĩ nhiên là mỗi người đều có một cuộc sống, nghề nghiệp, chức vụ và lập trường riêng biệt khác nhau. Từ một bà sắp có cháu bồng cho đến một cô thiếu nữ chưa chồng. Từ một nhà quân sự chuyên nghiệp lão thành cho đến một người... hoãn dịch lâu dài hay một ông lính trơn tài tử. Từ một nhà giáo chân chính cho đến một kẻ "khinh bỉ" học đường.

Từ nghệ sĩ cho đến người tu sĩ...

Những khác biệt hình thức ấy không quan trọng. Điều quan trọng là một lần nữa, xin tất cả quý vị nhận nơi đây lòng biết ơn chân thành của tôi.

Cám ơn, cám ơn, cám ơn...


18-6-73                
HOÀNG NGỌC TUẤN    

(Trích từ tạp chí Bách Khoa số 395 và 396)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét