Thứ Hai, 1 tháng 5, 2023

ĐƯỜNG NÀO RA BIỂN - Hoàng Ngọc Tuấn


Lãng bước xuống khỏi chiếc xe lam. Ở một ngã ba đường phố chợ ồn ào, nóng bức và lạ mặt. Lãng bâng quơ nhìn những hàng quán và bến xe đò, rồi bước đi trên một con đường nào đó. Lãng không có vẻ gì đặc biệt. Anh như những người khác, tầm thường, còn trẻ, khoảng hai mươi ba tuổi. Cái tuổi nếu không ở đại học hay làm một công chức quan trọng thì có lẽ đã đi lính. Và anh ở vào trường hợp thứ ba, nghĩa là đã đi lính. Tuy nhiên anh chưa phải là một người lính thực sự, mà là một người lính quân trường, mặc áo trận màu xanh chỉ mới được vài tháng.

Thành phố Nha Trang thật mới mẻ và xa lạ với anh. Đã lâu rồi anh quen thuộc với Saigon. Một buổi sáng nào đó anh không biết trước được, anh cùng những người khác nối đuôi nhau ôm bọc quân trang leo lên một chiếc máy bay quân sự khổng lồ, bay đến miền biển nầy. Từ một nơi đầy nắng lộng lẫy của phố phường hay nắng thơm của đồng lúa vùng ngoại ô, đến một nơi nắng mang theo cát và vị mặn của biển cả. Từ một quân trường này đến một quân trường khác. Vẫn mồ hôi, súng đạn và những tiếng hô một hai. Có khác chăng là ở đây đen thêm một chút, mồ hôi thấm ướt áo hơn một chút. Bởi vì bây giờ là mùa hạ, ở miền núi non không một bóng mát cây xanh, mặt trời tung hoành quá, chói chang quá.

Đi ngang qua mặt tủ kính của một tiệm sách, Lãng nhìn thấy trong thoáng chốc hình ảnh của mình. Sao vẫn thấy là lạ. Tóc tai bớt ngắn ngủn, nón đội sụp xuống che kín mắt, trên ngực áo gắn hai miếng vải trắng ghi tên và danh số của mình, những thứ để phân biệt anh và đám người khác trong doanh trại.

Trời khô, hơi thuốc lá nóng. Rạp chớp bóng làm điếc tai mọi người bằng tiếng nhạc gào la từ máy phóng thanh. Phố chợ lao xao người ngợm trông mệt mắt, những thứ ấy làm anh nản. Cái đặc biệt của một thành phố duyên hải dĩ nhiên chỉ có thể là biển. Trại lính của anh nằm sát bãi biển, mỗi ngày mang ba lô, súng đạn ra bãi học, biển đã quen thuộc với đôi mắt anh. Nhưng bây giờ, anh vẫn thèm nhìn thấy biển, say một chút dịu dàng với màu nước xanh bát ngát, trời cao và tiếng sóng gọi rì rào.

Những đường phố chạy theo nhiều ngả khác nhau. Anh không biết sẽ đưa anh đến đâu, dãy nhà cao che lấp mất biển cả. Anh loay hoay giữa những con đường lạ và người lạ, thỉnh thoảng nhìn thấy một vài gái miền biển khá ngộ nghĩnh, làn da rám nắng và đôi mắt trong, da thịt có lẽ chắc nịch sau làn áo mỏng.

Một thiếu nữ khá xinh, có lẽ là người đẹp cuối cùng dạo phố sáng chủ nhật này, đứng trước một sạp bán sách báo. Áo dài nàng màu xanh, có lẽ dệt bằng lụa mềm. Lãng đi lại gần. Nàng cũng có làn da rám nắng và đôi mắt trong, chỉ có thế, không lấy gì làm xuất sắc lắm. Bàn tay nàng đang lật chậm rãi vài trang sách, một cuốn thơ cũ của Nguyễn Bính. Anh tiến lại gần nàng thêm chút nữa, gần đến nỗi nếu có một người khách bộ hành vội vã nào đó đụng phải người anh, anh sẽ té nhào vào lòng áo mềm của thiếu nữ. Đó thật là một điều may mắn, nhưng ít xảy ra quá, và anh chờ hoài vẫn không thấy xảy ra.

Sau cùng anh lên tiếng, với tất cả sự thành thật của một lữ khách tìm đường nơi phố lạ.

- Xin lỗi cô... làm thế nào để đi ra bãi biển được?

Thiếu nữ giật mình quay lại, ngạc nhiên, dường như không hiểu tại sao lại có một gã thanh niên ngơ ngáo dường ấy. Nàng nhướng mắt:

- Xin lỗi, tôi không nghe rõ anh nói gì ạ.

Lãng khổ sở nhắc lại câu nói của mình, lần này dài dòng hơn, với bộ mặt cố làm ra vẻ đứng đắn:

- Thưa cô, bây giờ tôi đang đứng ở đây...

- Dĩ nhiên rồi.

- Nhưng... Tôi muốn đi ra bãi biển thì phải theo con đường nào... nghĩa là... có con đường nào ra biển, cô vui lòng chỉ giúp.

Thiếu nữ nhìn anh. Bây giờ nàng có vẻ hiểu và tin ý định thành thực của anh, nhưng vẫn còn đôi chút ngạc nhiên. Nàng bặm môi, đưa tay chỉ một con đường trước mặt và nói rằng anh hãy đi theo con đường này, rồi rẽ sang trái, sang phải, sang trái... v.v... Cuối cùng sẽ đến đường Duy Tân, anh sẽ nghe tiếng sóng vì đó là con đường chạy dài theo bãi biển.

- Anh nhớ chưa?

- Nhớ, nhưng mà có vẻ rắc rối quá nhỉ.

Nàng rời khỏi sạp sách, miệng có lẽ thoáng mỉm cười.

- Bộ anh chưa đến Nha-Trang lần nào sao, anh không quen ai ở đây sao?

- Không có ai cả. Ở đây tôi là "con bà phước"".

Nàng có vẻ chú ý, với một ít tò mò.

- "Con bà phước"?

- À. Cô không hiểu cái chữ này đâu. Phải ở trong quân trường mới biết được. Đại khái có nghĩa là tôi không có thân nhân nào ở đây, suốt cả mấy tháng chẳng có bà con họ hàng nào đến thăm cả. Như thế gọi là "con bà phước" đấy.

Nàng có vẻ hiểu một cách thích thú. Bây giờ nàng quan sát bộ áo lính hơi nhăn nheo và bạc màu của anh. Mặc áo lính ở đây là một chuyện rất thường. Thành phố này mỗi sáng chủ nhật đầy nhóc lính tráng đủ thứ. Không quân, Hải quân, lính rằn ri của Lực lượng đặc biệt, lính Đồng Đế...

- Tôi hiểu rồi. Chắc anh ở một nơi nào xa, mới đến đây học chứ gì, cái trường gì đó ở cuối bãi biển...

Lãng đưa tay chỉ về hướng quân trường của mình. Phố Đồng Đế, dưới chân núi Hòn Khô, che lấp trong những hàng cây dương xanh ven biển, gần gũi bên vườn dừa của thôn Ba Làng.

Rồi hình như thiếu nữ thấy mình đã làm xong bổn phận từ thiện chỉ đường cho Lãng rồi, nên nàng mỉm cười chào anh. Điều này thật đáng buồn. Anh lúng túng cầm chân nàng lại bằng những lời vòng vo dài dòng, và biết được nhà nàng ở gần bờ biển. Như thế thật tuyệt, nếu nàng là một hướng dẫn viên cho anh biết đường ra biển. Và không hiểu tại sao nàng lại bằng lòng.

Hai người rời con phố chính, theo những con đường nhỏ khá dễ thương, nhiều bóng mát, những cây bàng vệ đường lá ngả sang màu vàng úa hay đỏ sẫm, thỉnh thoảng vài ngọn lá rơi theo cơn gió mát.

Con đường cuối cùng nằm ven biển. Hàng dừa xanh lao xao chạy dài. Trên bãi cát lấm tấm màu xanh đỏ của những chiếc áo tắm. Lãng nhìn một lượt qua những quán nước nằm sát cạnh nhau trên bãi biển, bàn ghế đặt ngoài sân, che phủ trên cao là những tàn lá dừa rậm rạp.

Lãng mời thiếu nữ vào một quán nào đó. Nàng ngập ngừng, nhưng không có vẻ gì bối rối. Anh phải nói thêm một ít lời khách sáo, một ít lời tả oán của một anh lính xa nhà, đã lâu không có một người quen để chuyện trò trong chốc lát. Thiếu nữ bằng lòng. Thật dễ chịu. Có lẽ nàng đã hết cái thời nữ sinh làm dáng rụt rè. Anh rất ghét phải tốn hơi sức để mời mọc một cô gái điệu bộ. Cũng may mà nàng khá tự nhiên, có lẽ đã đi làm việc rồi. Có thể là một cô giáo kèm học trò tiểu học, hay cũng có thể kèm tiếng Việt cho một gã lính Mỹ nào đó, trong bài học vỡ lòng, đại khái như: "Anh yêu em. Anh sẽ cho em mỗi tháng 100 dollar nếu em yêu anh" có nghĩa là: "I shalll give you 100 dollars monthly if you love me". Lãng sẽ chán chết nếu nàng kèm trẻ theo kiểu này, và anh biết rằng ở đây rất nhiều người làm cái công việc đó.

Vào một quán số 3, số 4 hay số 5 gì đó, ngồi vào chiếc ghế đặt ngoài cùng để nhìn thấy cả một khoảng biển chạy dài từ Hòn Chồng đến cửa bể. Anh gọi cho thiếu nữ một ly nước dừa, và anh một ly cà phê. Nàng ngạc nhiên:

- Sao anh không uống nước dừa, tôi thấy thường thường những người lạ đến đây, họ thích uống nước dừa lắm.

Lãng mỉm cười, mơ màng:

- Bây giờ tôi không thấy thèm. Cô biết không, hôm qua còn ở trong trường, tôi đã được uống một ly nước dừa ngon nhất thế giới. Lúc đó hơn 12 giờ trưa, ở một bãi tập dưới chân núi, không một ngụm gió, trời nóng chảy mỡ, mồ hôi, mệt nhoài... bọn tôi lẻn vào làng Đường Đệ, ở quán cóc gần biển, trái dừa và những viên đá lạnh thô sơ. Ngon lành tuyệt trần, uống xong nằm đong đưa trên võng, giá chết ngay cũng được.

Nàng bật cười, có vẻ một ít thích thú và một ít tội nghiệp cho Lãng. Anh nói:

- Này cô Bích Tiên.

Nàng ngạc nhiên:

- Kìa, tên tôi đâu phải thế.

- Ồ, có sao đâu. Gọi tạm như thế cũng được. Cô có vẻ là một nàng tiên xanh lắm. Bích Tiên có nghĩa là nàng tiên xanh.

Nàng tỏ vẻ không bằng lòng cái tên mới này. Trái lại, anh rất thích thú. Cha mẹ nàng làm sao đặt tên hay cho con bằng anh được. Lãng định mở đầu một câu chuyện khác, nhưng anh dừng lại.

Quán nước nhiều lính tráng ngoại quốc và những gái diêm dúa ăn mặc rẻ tiền. Chiếc máy hát ồn ào những bài ca thời trang kệch cỡm, rồi bỗng dưng thay đổi. Một bản nhạc mơ mộng lênh đênh của Đoàn Chuẩn nhẹ nhàng vang lên, Gửi gió cho mây ngàn bay... Lãng dựa người dài theo ghế, thoải mái lạ thường.

- Anh kể chuyện về quân trường anh đi, chắc có nhiều chuyện lạ lắm, Ở đó có khổ lắm không?

- Cô nào cũng thế, cứ làm như là chuyện cổ tích. Cũng đâu có gì lạ. Những mệt nhọc, nỗi khổ người ta quên đi mau lắm. Bây giờ ngồi đây, tôi cảm thấy khoan khoái, như thế là đủ rồi.

Nàng lặng thinh. Anh đã uống hết ly cà phê, gọi thêm một ly khác. Thêm một chút đá lạnh vì trời bắt đầu nóng. Nàng nhíu mày:

- Anh uống cà phê, hút thuốc gì nhiều thế. Coi chừng đau gan, mất ngủ cho mà xem.

- Ồ, cái gì chứ về vụ cà phê, tôi là một thiên tài. Một ngày uống bao nhiêu ly cũng được.

Nàng bật cười vì chữ cuối cùng của anh.

- Bích Tiên biết không, hồi còn ở Saigon, tôi có gia nhập một hội thiên tài. Bạn bè tôi toàn là những bậc thiên tài cả. Thiên tài cà phê thuốc lá, thiên tài ăn diện đẹp, thiên tài nhịn đói, thiên tài không học cũng thi đỗ, thiên tài đi phòng trà không tốn tiền, thiên tài đi hội thảo...

- Còn ở đây?

- Ồ, trong quân trường lại còn nhiều thiên tài hơn nữa. Thiên tài "mang bình hơi", thiên tài khai bịnh, thiên tài đánh giày, thiên tài "chà láng", thiên tài ghi sổ câu lạc bộ, thiên tài ngủ gục... Bích Tiên biết không, có thằng đi giữa trời nắng chang chang mà vẫn ngủ được ngon lành.

Nàng nói có vẻ trách móc:

- Anh thích nói đùa lắm nhỉ.

Anh lắc đầu. Những điều anh nói không có gì là đùa nghịch cả, anh thực tình tin rằng đó là những thiên tài vững chắc nhất, không một nhà phê bình nào hạ bệ được cả.

Hai người cứ ngồi nói chuyện vẩn vơ, chung quanh là nhạc đệm vô tình, có bài hay bài dở. Giọng nói của nàng mơ hồ:

- Mình nên về, ngồi lâu quá rồi.

- Ồ, có sao đâu. Tôi cũng là một thiên tài ngồi lì quán nước nữa. Tôi có thể ngồi quán suốt ngày chỉ với một ly trà đá uống cầm chừng.

Lãng cũng hơi buồn. Tóm lại, anh là một bậc thiên tài về những điều vô ích.

- Biển ban đêm đẹp lạ lùng lắm, anh sẽ thấy...

- Tiếc thật, đến bốn giờ chiều là tôi phải trở vào trại rồi, chậm một chút là "chết thảm".

- "Chết thảm"?

- À, đó lại là tiếng hay dùng trong quân trường nữa. Đại khái là nếu tôi "chết thảm", có nghĩa là bị "quây" mệt bở hơi tai. Đeo ba lô, súng đạn, nón sắt lên trình diện dã chiến. Nhảy xổm, hít đất, song phi vào thế chừng trăm cái cho mệt lả người. Rồi có thể được lịnh chạy hồng hộc đi xin chữ ký của một thằng bạn chuyên môn trốn biệt vào một câu lạc bộ bí mật nào. Hay có thể thơ mộng hơn, chạy nước rút vòng quanh sân để làm thi sĩ đếm xem có bao nhiêu cây bàng trút lá. Xong rồi lại được lịnh trong hai phút phải cởi ngay bộ đồ trận để mặc may ô, xà lỏn chạy ra, rồi lại chạy vào thay bộ đồ đi phép có thắt cà vạt đàng hoàng, rồi lại thay bộ đồ trận...

- Vui nhỉ.

- Trời ơi, cô bảo thế là vui sao?

Con gái nhiều khi vô tình thế đấy, hay cười nghịch ngợm những lúc mình khổ muốn chết. Nhưng anh nghĩ lại có lẽ đó là những kỷ niệm đáng nhớ. Lãng nhắm mắt lại, mường tượng đến những ngày qua. Sáu ngày nhọc mệt đổi lấy tám giờ phép ở thành phố. Bây giờ ngồi đây chân tay muốn duỗi dài, buông lìa hết mọi chuyện.

Quân trường cách biệt bên ngoài bằng một hàng rào kẽm gai, nhưng đã cách quá xa. Giấu mình kín đáo trong những hàng cây dương, là trại lính, là một thế giới lạ lùng. Ào ạt suốt ngày đêm như con thác nước. Những thân người thanh niên rám nắng, ướt nhầy mồ hôi, đeo đầy quanh người súng đạn. Những hơi thở dốc trên triền đồi cao, nắng cháy lênh láng trên da những buổi trưa đường xa mù mịt. Tiếng chân chạy, tiếng hô rầm rập quay cuồng. Ăn ngồm ngoàm trong mồ hôi nhỏ giọt, ngủ lăn lóc trên đất cát, trong rừng cây. Có sớm mai tỉnh dậy thấy tóc tai và chăn ướt mềm sương muối mà đêm qua vẫn ngủ mệt mê. Thèm những điều bé nhỏ tầm thường nhất. Thèm một hơi thuốc đen dưới bóng cây, thèm một ngụm nước lã khi mặt trời đốt khô cuống họng, thèm buổi trưa được ngã mình dăm ba phút dưới bóng mát một bụi cây rừng, thèm một tách cà phê đen thong thả buổi sớm. Có đêm khuya đi hoài trong rừng xa, lại thèm được nhìn thấy chiếc giường của mình trong doanh trại.

- Bích Tiên biết không, tôi rất thèm ngủ dậy được thấy mặt trời.

Nàng ngạc nhiên không hiểu, Lãng giải thích cho nàng. Từ nhiều tháng nay, sớm nào tiếng chuông báo thức cũng lôi đầu anh dậy từ lúc bốn giờ, trời tối đen như mực. Đã lâu không được cái thú mở mắt là nhìn thấy ánh nắng tràn đầy vào phòng.

Nắng lên cao, biển chói chang màu sáng bạc. Trời đã trưa, những người đi tắm biển lần lượt về nhà hay vào nằm dưới những chiếc dù xanh đỏ. Bích Tiên nhìn anh, đôi mắt thoáng buồn, nàng nói rằng nàng phải về nhà, cuộc dạo phố ngày chủ nhật giờ đây đã chấm dứt. Lãng đòi đưa nàng về nhưng nàng từ chối, anh hẹn tuần sau nhưng nàng nói không hứa chắc được. Thật đáng buồn, thời buổi gì mà ít oi thì giờ quá. Cái gì cũng vội vàng gấp gáp. Gặp gỡ chuyện trò, chưa kịp tiến tới đâu cả thì đã chấm dứt. Như một giọt nước mưa rơi quá nhanh, mới buông mây mà đã vỡ tan trên đất.

Áo lụa Bích Tiên xanh mềm, anh thích được gần màu áo ấy. Nếu gặp nhau vào thời nhàn hạ hơn, biết đâu sẽ có dịp cầm tay nàng, đầu óc dư thừa lãng mạn để nói đôi câu tình yêu. Tóc thiếu nữ sẽ buông thả trên tay anh, và đôi môi tươi màu nắng biển, anh sẽ biết.

- Thôi em về ạ. Chiều anh nhớ vào trại cho đúng giờ kẻo bị phạt nhé.

Bích Tiên bỏ đi. Lãng cũng bỏ đi. Thôi đã qua một buổi sáng dễ thương. Ở một nơi chỉ quen thuộc với mệt nhọc và khô cạn như một tảng đá núi, mà tình cờ lông bông ngoài phố, quen được một thiếu nữ như Bích Tiên, có được một khoảng thời gian chuyện trò êm ái, nghe tiếng nói con gái reo vui bên tai. Như thế cũng là một nỗi hạnh phúc lớn lắm rồi, hiếm khi bắt gặp được.

Và Lãng bỗng ngẩn ngơ. Anh có gặp một thiếu nữ nào sáng hôm nay đâu. Anh chỉ ngồi quán nước một mình lặng lẽ, đâu có nàng Bích Tiên nào bên cạnh, với đôi mắt trong và làn da rám nắng. Anh nhìn lại quanh mình, chỉ có biển cả và anh. Anh không còn hiểu gì hết.

Hay như trên cõi sa mạc hoang vắng, ta thường mơ thấy mình được gục đầu trong một lòng suối mát. Con suối cạn tầm thường, ở một nơi chốn như thế đã ngon tuyệt vời như trái cấm địa đàng. Những điều tầm thường, nhưng nhiều khi chỉ là giấc hư ảo.

Buổi chiều xuống, màu đại dương sậm hơn. Những cánh buồm no gió kêu gọi mộng hải hồ.


HOÀNG NGỌC TUẤN    

(Trích từ tập truyện ngắn Nhà Có Hoa Mimosa Vàng, nxb An Tiêm 1972)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét