Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

TIẾNG HÁT HOANG ĐƯỜNG- Hoàng Ngọc Tuấn

Co-mot-kho-tang-tranh-Trinh-Cong-Son_Tin180.com_001

 (Tranh sơn dầu trên giấy của Trịnh Công Sơn –  năm 1963)

Tiếng hát của chị thật hoang đường, trong âm thanh đục mờ như một màn sương, có những nhựa cây ma túy. Nó làm đầu óc tôi lãng đãng nhưng không mệt mỏi, trái lại người tôi lúc nghe chị hát, tỉnh táo ghê gớm lắm, những lời ca như những hạt mưa giông nặng trĩu, và tôi lắng nghe rõ ràng từng tiếng vang động của giọt âm thanh lóng lánh ấy như tiếng chuông rền trong trái tim, đôi khi nó làm tôi hạnh phúc, đôi khi làm tôi đau đớn.”

Nàng cười: “anh nói mơ hồ và dài dòng quá, tôi không hiểu được hết”. Người thanh niên nói: “có hề gì đâu, tôi cũng không nhớ được hết những lời tôi vừa nói, tôi chỉ cảm thấy bất chợt như thế, chỉ có điều này làm tôi nhớ mãi, là tiếng hát của chị cần cho tôi như cơm áo, thuốc lá, như tiếng mẹ ru thời còn bé, và tôi sẽ chết được nếu mai sau rủi có việc gì xảy ra làm tôi không còn được nghe chị hát nữa”. Nàng cười sung sướng. Đôi mắt nàng khi vui tươi vẫn tối tăm hơn đêm tối. Nụ cười của nàng khi hạnh phúc vẫn không được toàn vẹn, vẫn nặng trĩu trong một màn lướt dĩ vãng dày đặc nào đó.

Người thanh niên bỏ đi sau khi nói những lời cuối cùng với nàng. Nàng tìm một điếu thuốc nhưng bao thuốc của nàng đã trống không, bị vò nát trong bàn tay nàng. Nàng nghĩ rằng mình thôi không hút thêm một điếu thuốc nào nữa, đêm nay nàng đã hút hết một bao rồi, nhưng chất cà phê còn thấm trong lưỡi khiến nàng thèm một hơi thuốc lá, một ít khói nóng cay cho miệng bớt nhạt nhẽo. Người thanh niên trở lại với bao thuốc lá trong túi áo, anh châm cho nàng một điếu thuốc, và nhờ ánh lửa của que diêm cháy trong phút chốc, nàng nhìn thấy tóc anh đã dài và anh mặc một chiếc áo sơ mi màu xanh da trời. Người thanh niên nói anh sẽ đưa nàng về nhà bây giờ nếu nàng thích về và đã buồn ngủ. Nàng gật đầu đồng ý, về nhà bây giờ chắc sẽ buồn nhưng nàng nhớ hai đứa con của nàng giờ đang ôm gối ngủ say.

Bây giờ là đêm nhưng chiếc áo dài màu lục diệp của nàng còn đen hơn đêm tối. Trong đêm khuya hoang lạnh, không còn âm thanh gì cả ngoài tiếng bánh xe lăn rào rạo trên mặt đường, nàng thì thầm hát một đoạn nhạc nhưng tiếng hát nhỏ quá khiến nàng cũng không nghe gì cả. Tiếng hát dư thừa còn lại trong đêm khuya, nghe yếu đuối như hạt bong bóng nước.

Như thế là một đêm của nàng đã hết. Đêm bắt đầu khi ngọn đèn thắp lên ánh sáng, và đáng lẽ kéo dài đến sáng, nhưng vì bây giờ giới nghiêm lúc mười hai giờ, những người bạn của nàng và nàng phải về nhà nên đến giờ đó xem như đêm của nàng đã hết. Những giờ về sáng còn lại là ngủ mê man trong một cơn mơ tươi thắm và chờ đợi ngày khác bắt đầu.

*

Nếu người điên không nghe, nàng vẫn nói một mình cho nàng: Tôi có cái tên của một loài hoa mùa xuân nhưng đời tôi không trong sáng như mùa xuân. Ở tuổi mười tám tôi là một nữ sinh nhưng rồi đã bỏ trường học vào năm đó. Thành phố này có những đêm lộng lẫy ở phòng trà ca nhạc, những cặp tình nhân ăn mặc sang trọng như tài tử, những người bồi mặc áo trắng thắt nơ đen thật đẹp cung kính cầm chai sâm banh rót vào ly. Không khí mê hoặc của bóng tối trong căn phòng gắn máy lạnh, hình ảnh rực rỡ cúa những cô ca sĩ dưới ánh đèn màu, âm thanh sôi nổi của tiếng đàn, trống kèn. Tôi đã yêu những thứ đó quá sớm, và khi tôi yêu điều gì, tôi không thể nào trốn tránh nó được, tôi lao đầu chạy theo như một dòng thác nước đổ ào xuống thung lũng.

Tôi tập tành hát hỏng, mang những giấc mộng huy hoàng nhưng rồi chỉ là một cô ca sĩ vô danh trong cái thành phố quá khó khăn cho những ai muốn bắt đầu điều gì. Sài Gòn có thật nhiều thần tượng, mà người ta đã thi nhau nhào nặn rồi dựng nên, những thần tượng phần nào giả tạo nhưng vững chắc trước đám đông người dễ dãi. Tôi bỏ nhà, bỏ Sài Gòn, lên một tỉnh cao nguyên, tìm được một chân khiêm nhường trong phòng trà nhỏ. Mỗi đêm đứng trước ánh đèn chiếu vào người, mặc một bộ đồ da đen bóng cóp nhặt theo những ca sĩ ngoại quốc, hát vài bài nhạc thời thượng do khách yêu cầu rồi nghe một tràng pháo tay nhỏ nhoi. Cứ như thế mãi.

Trời Đà Lạt lạnh và cô đơn, tôi cần hơi ấm của một người tình. Tôi yêu dễ dàng một người đàn ông trẻ tuổi có khá tiền, và trở thành vợ của người đó thật đơn giản. Một đứa bé gái và một đứa bé trai ra đời, tôi trở thành đàn bà nhưng trong tôi có một tâm hồn trẻ con vẫn sống mãi. Tôi yêu nhiều điều, say mê nhiều thứ và chạy theo luôn những điều tôi yêu. Người chồng và hai con mang lại cho tôi hạnh phúc, nhưng tôi vẫn thèm khát những điều khác nữa, những điều không phải là hạnh phúc, đôi khi đồng nghĩa với khổ đau, trôi nổi. Tôi có thêm một hai nhân tình sang giàu và thế lực, công khai nép mình trong vòng tay của họ, tình yêu tôi đối với một vài người khá lâu dài, một vài người ngắn ngủi. Người chồng ghen tuông đau đớn, cãi vã giận dữ rồi bỏ đi, rồi lại trở về. Đời sống chúng tôi không còn yên bình, sự yên bình mà người khác có thể tìm thấy dễ dàng, nhưng tôi quá chán sự yên bình. Người chồng tìm quên ở những người đàn bà khác, chúng tôi yêu nhau nhưng đôi lúc thù ghét nhau và cả hai đứa cứ tiếp tục bị vây khốn trong một xích sắt siết chặt, cùng tìm lấy nhau vào nỗi khổ.

Tôi vẫn hát ở phòng trà nhỏ cao nguyên để kiếm một số lương đủ sống. Tôi không suy nghĩ nhiều về âm nhạc. Tôi chỉ muốn được trở thành một ca sĩ ăn khách nhất, được nhiều người hâm mộ, tiền thù lao thật cao để tôi ăn xài thỏa thích, mua sắm những bộ y phục đắt tiền, tôi hát như một cái máy, tiếng hát tôi sẽ tự động phát ra, chạy đều đều cho đến hết bài, như một bổn phận đối với tiền bạc.

*

Một đêm khi phòng trà vừa đóng cửa, người nhạc sĩ nhìn thấy nàng đang đứng dưới mái hiên bên ngoài mưa rơi từng vệt óng ánh trong bầu trời đen, nàng vừa hát xong, đứng một mình ngần ngại nhìn trời mưa, rồi lặng lẽ bước ra ngoài đường, thân hình nàng gầy nhỏ co ro trong chiếc áo đi mưa, mái tóc đen láng nước. Nàng dừng lại ở sạp bán thuốc, mua một bao thuốc lá rồi tiếp tục đi. Trong bóng đêm có những ngụm khói xanh mỏng manh, đôi mắt nàng nhìn xuống mặt đường lạnh lùng như một người xa lạ trong thành phố. Người nhạc sĩ lần đầu tiên vừa nghe nàng hát trong phòng trà. Giữa đám đông khách đang bận rộn trò chuyện và nhậu nhẹt, tiếng hát nàng thật yếu ớt và lẻ loi. Nhưng người nhạc sĩ lặng yên nghe nàng hát, tiếng ca non dại như một loài chim nhỏ chưa vỡ tiếng, con chim chưa thoát xác để trở thành loài họa mi mơ ước. Trong giây lát, nhìn dáng dấp cô đơn của nàng thật mơ hồ trên con đường đêm, người nhạc sĩ đột nhiên nghĩ rằng những bài hát của anh là dành riêng cho nàng, cho dù những bài hát ấy thật khó khăn, đòi hỏi một giọng ca điêu luyện, cho dù tiếng hát của nàng còn non yếu. Nhưng khuôn mặt nàng với nếp nhăn đến sớm trên một vầng trán trẻ, đôi mắt mơ hồ buồn như màu suối nhưng đôi khi lóe lên những ngọn lửa tham vọng quyết liệt. Hình ảnh ấy cứ bám chặt lấy tâm trí người nhạc sĩ, anh biết những bài hát của anh lâu nay vẫn chờ đợi một tiếng hát đàn bà thật lạ thường, bây giờ đã trao hết cho người anh mới gặp đầu tiên này, trao tặng như một món quà sinh nhật làm sung sướng cả hai người.

Anh gọi tên nàng. Những bước chân nàng ngạc nhiên dừng lại, và như thế là nàng cũng chấm dứt luôn đời sống nhàm chán vô ích, kéo dài lê thê trong phòng trà đêm đêm, ở một tỉnh lỵ lạnh lùng. Nàng vứt điếu thuốc xuống vũng nước mưa, thắp lên môi một điếu thuốc mới. Ánh lửa rực rỡ sáng một đám hồng hào trong đêm tối tăm, nàng bắt đầu hút một điếu thuốc mới. Một quãng đời vui mới, một trái tim nồng mới và một hạnh phúc êm ái mới.

Căn phòng của người nhạc sĩ có cánh cửa sổ nhìn sang khu rừng, từ bên trong tiếng hát của nàng ào ạt vỡ tung bay ra theo khung cửa, chen lẫn với tiếng đàn. Ròng rã nhiều ngày, người nhạc sĩ tập cho nàng hát những bài của anh, hát trong bầu không khí hoàn toàn mới mẻ, không còn bận tâm với bọn thực khách xung quanh, không nghĩ đến những lời hò hét yêu cầu của bọn say rượu, không cần phải liếc mắt cười tình với khán giả, không nghĩ đến số tiền lương mỗi tháng. Đến một lúc nào đó, tự do tuôn trào ra từ lồng ngực, dễ dàng như hơi thở, âm thanh vỡ tung hoang dại như loài dã thú. Dã thú lâu nay vẫn nằm bệnh hoạn trong cũi sắt, mòn mỏi hết những sở trường. Bao lâu nay dã thú không có rừng xanh, tiếng suối, cây già, không có không khí trong sạch của trời cao, dã thú tầm thường như một loài gia súc. Bây giờ cánh cửa lồng đã mở, dã thú có được tất cả những gì nó thèm khát. Tiếng hát nàng mới lạ như nàng mới nghe lần đầu tiên, và nàng cương quyết sẽ bám chặt lấy nó suốt đời.

Người nhạc sĩ cũng tập cho nàng biết yêu những bài hát, biết yêu những nốt lên cao vút như ước mơ, những nốt thấp trùng xuống như phận người. Anh nói: người ta không thể hát thật hay một bài hát nếu không yêu, nếu không cảm thấy những lời ca chính là những điều mình bao lâu nay ôm ấp chưa thành tiếng nói. Nàng đùa cợt.

– Như thế muốn hát hay hơn nữa, có cần phải yêu người làm ra bài hát không?

Người nhạc sĩ cười không nói gì, anh dừng đàn:

– Ngày mai anh sẽ về Sài Gòn. Dưới đó có một quán văn nghệ của sinh viên mở, họ mời anh về hát, ở đó nhiều người chờ anh hát cho họ nghe.

– Em cũng về Sài Gòn theo.

– Em phải suy nghĩ kỹ lại. Ở đây hát phòng trà em kiếm được vài chục ngàn mỗi tháng. Xuống dưới đó, hát cho đám đông nghe, chỉ uống nước đá lạnh mà đôi khi còn bị ăn cà chua nữa.

– Em suy nghĩ nhanh lắm. Quyết định rồi, em về. Em không cần tiền nữa, bây giờ chỉ cần có người hiểu mình, thành thật thích nghe mình, họ thèm nghe cũng như em thèm hát.

Tự dưng nàng nghĩ đến mây trời. Một đám mây cứ nằm mãi trên trời cao thật vô ích và buồn chán biết bao, sao không biến thành những cơn mưa ngọt ngào rơi tràn ngập trên những cánh đồng lúa khô cạn.

Nàng bật cười, cười với người nhạc sĩ: bây giờ em mới đúng là “con chim đến từ núi lạ, ngửa cổ hát chơi…”

*

Đêm đầu tiên trình diễn bằng tiếng hát đích thực của mình. Sân khấu là hai két bia xếp cạnh nhau đặt giữa sân cỏ, một ngọn đèn vàng treo trên nhánh cây trước mặt. Máy vi âm đang bỏ không, chờ đợi nàng. Chung quanh là đám người ồn ào vây kín, chuyển động không yên, cả một khu rừng làm bằng những mái tóc lòa xòa bên cạnh nhau, những khuôn mặt trẻ tuổi ngước lên háo hức chờ đợi. Tiếng la hét hối thúc nổi vang thêm lên và có một vài tiếng kêu bực dọc của một anh chàng nào đó ngồi gần bục gỗ. Nàng lo lắng nhìn người nhạc sĩ: đông quá, em sợ. Thoáng chốc người ca sĩ chuyên nghiệp trong nàng đã chết, nàng cảm thấy sợ hãi trước những đôi mắt sáng thẳng thắn đang chờ đợi nàng. Đám người trẻ tuổi này không tốn một đồng để nghe nhạc nhưng lại có quyền khen chê khắc nghiệt nhất, tiếng vỗ tay nồng nhiệt hay những lời la ó dữ dội sẽ thốt lên từ những đôi môi hồng nông nổi.

Nàng đứng run rẩy như một cô nữ sinh lần đầu tiên ra trước ánh đèn sân khấu.

Những người sinh viên phụ trách quán cà phê tất tả chạy lui chạy tới lo đủ thứ công việc, sửa dây điện, thử lại máy phóng thanh, gắn đường dây máy thâu băng vào chiếc máy ghi âm để thâu tiếng hát của nàng. Người sinh viên chủ quán đưa mắt nhìn người nhạc sĩ, anh gật đầu và thử lại sợi dây đàn. Anh sinh viên ra trước máy vi âm, giới thiệu chương trình nhạc do người nhạc sĩ quen thuộc và một tiếng hát mới lạ là nàng trình diễn.

Nàng ra đứng trước cái bục gỗ rất bấp bênh vì hai két bia đặt không đều bằng nhau. Không có ánh đèn xanh đỏ chiếu vào người như ở phòng trà, nhưng cách xa nàng một khoảng ngắn có một ngọn đèn màu hồng mờ nhạt làm khuôn mặt nàng thật huyền ảo và lạ lùng trong đêm tối.

Nàng cố gắng không nhìn ai, gần như có cả một rừng đôi mắt sáng rực rỡ chiếu thẳng vào mặt nàng. Tiếng đàn của người nhạc sĩ vang lên bên tai, rồi dần dần chậm rãi chờ đợi, nàng bắt đầu cất tiếng hát.

Dần dần những hình người chung quanh nàng đều mờ nhạt, tan biến vào trong bóng đêm, nàng không còn nhìn thấy một ai. Tất cả cảnh tượng vây phủ quanh nàng như một sa mạc hoang vắng, một sa mạc không có cát trắng nhưng là dày đặc màu đen. Lát nữa đây, tràng pháo tay sẽ làm cơn mưa quý giá rơi trên cát nóng bỏng, hay những lời xua đuổi sẽ là cơn bão dìm chết kẻ lữ hành. Nàng nhắm mắt lại, hay chỉ nhìn mơ hồ trên trời cao. Tiếng hát bay vào đêm tối như một tiếng gọi xa xăm nghe vừa thật hoang đường vừa thật gần gũi. Âm thanh phiền muộn lãng đãng trôi về một nơi không bến bờ, như một cái gì không bao giờ trọn vẹn. Những khúc lên cao chưa đến tột đỉnh bỗng đứt nghẹn rã rời, dấu vết đau đớn đầy tràn trong tiếng hát, những đoạn xuống thấp nặng buồn như một thảm kịch.

Trong một khoảng thời gian, đêm ngừng lại trên mái tóc nàng, tiếng hát ngây ngất thoát ra từ một đôi môi mê đắm, một đôi môi không có nụ cười, đã làm rung động kỳ diệu tâm hồn của những người trẻ tuổi. Khán giả đứng im như tượng đá, họ bàng hoàng đón nhận một thứ hạnh phúc lạ lùng chưa hề có bỗng dưng trong một đêm tầm thường này, họ đã may mắn bắt gặp.

Lời ca cuối vút dài như một lằn roi quật lên da người rồi ngưng bặt. Bài hát đã hết. Bóng tối rực sáng tiếng reo hò cuồng nhiệt, những tràng pháo tay vang dội và những đôi mắt trong thêm rực rỡ. Bây giờ sa mạc đã có cơn mưa mong ước, nàng cười tươi tắn như một cô bé thơ, sung sướng nhìn đám đông đang reo hò gọi tên nàng. Người nhạc sĩ nói nhỏ: em thành công rồi đó. Nàng đưa tay vịn vào vai người nhạc sĩ nghỉ mệt, những giọt mồ hôi sung sướng thấm ướt lưng áo nàng.

Bài hát thứ hai tiếp tục. Bây giờ nàng có thể nhìn những người ngồi trước mặt bằng ánh sáng thân yêu như một người bạn chân tình. Bây giờ đã có những người yêu thương tiếng hát của nàng và chờ đợi nghe nàng mãi. Những khuôn mặt xanh gầy của tuổi trẻ hiện rõ trước mặt nàng và nàng biết nàng đã hát lên những điều họ ôm ấp từ lâu trong tâm khảm, họ nghe nàng hát như nghe tiếng nói âm thầm trong trí não họ.

Nàng biết nàng đang nói giùm cho những thiếu nữ mơ mộng trong tay người tình, khi nàng hát bài “Tình ca của người mất trí”. Bài hát ấy là trái tim đau đớn của những người thiếu nữ xinh đẹp trẻ trung, đã sớm biết nỗi buồn của người góa phụ, khi người yêu của họ bất chợt ngã gục trên một chiến trường nào đó, ở Pleime, ở Đồng Xoài, ở Chiến Khu D hay ở ngoài Hà Nội. Nàng cũng có một người yêu tử trận trên miền núi, bây giờ nàng kêu khóc đau xót cho nàng và cho cả biết bao cô gái khác. Dưới ánh đèn, giọt lệ không bao giờ rơi trên mắt nàng, nhưng trong tâm hồn đã rơi đầy tiếng khóc hiu quạnh.

Tiếng vỗ tay lại vang đầy và nàng tiếp tục những bài khác. Khi bài hát “Mẹ ru con”, hình ảnh đứa con trai đang nghịch ngợm với khẩu súng nhựa hiện lên làm nàng sợ hãi. Bài hát là hai lần ru con của người mẹ trong thời đại này. Lần thứ nhất khi con thơ khóc chào đời, lần thứ hai trên xác người con đã hai mươi tuổi vừa bỏ mình vì bom đạn. Nàng thầm mong cho đứa con của nàng không bao giờ lớn thêm tuổi, nàng kinh sợ biết bao phải ru con một lần thứ hai thật đau đớn trong đời. Nàng nhìn thấy những đôi mắt buồn bã, làn da mặt khô khan tái xanh của những người ở tuổi hai mươi đang đứng trước mặt nàng. Những người ấy, một mai đây có thể sẽ chôn vùi thân xác trong một nấm mồ, đôi mắt xao xác vẫn còn mở lớn thương tiếc cuộc đời tươi đẹp.

Những bài hát tiếp theo mê hoặc lòng người như một thiên đàng ước hẹn. Trong những bản tình ca giọng hát của nàng thảnh thơi ngây ngất, đượm đầy nét tình tứ nũng nịu như một tình yêu trong vắt. Những người yêu nhau đêm nay đã được nếm ly rượu nồng nàn làm mạch máu căng hồng trong cơ thể.

Tiếng hát chói lọi tuôn trào theo toàn thân nàng rung động, những sợi tóc mai thấm ướt mồ hôi, đôi mắt mê man nhắm nghiền, đầu ngẩng lên cao ngất và những ngón chân bám chặt trên sàn gỗ. Người nhạc sĩ yên lặng đàn nhưng những ngón tay anh bấm đau nhói trên sợi dây đàn, và sợi dây bền bỉ rung động mãnh liệt tưởng chừng như sắp đứt đoạn.

Người nhạc sĩ cũng lắng nghe tiếng nói của mình hôm nay vang động lên thật yêu dấu từ một người khác. Anh nghĩ rằng phải là một người đàn bà như nàng mới có thể hòa hợp tuyệt diệu với những bài hát của anh. Những lời lẽ, nhạc điệu sầu thảm của anh không phải dành cho những cô trinh nữ bình yên trong gia đình. Những kẻ trong trắng chưa hề va chạm với đời hay những người nhạc máy trong phòng trà, chỉ là nàng, tiếng hát mơ mộng và đượm một chút giang hồ mệt mỏi, cũng như đời sống đã nếm mùi vị hoan lạc lẫn đau đớn của nàng, chỉ có nàng mới xứng đáng để hát những bài ca ấy.

Tiếng hát của nàng chan hòa với lời ca, là giấc mộng của một đời người thiếu thốn mơ đến ngày mai trong sáng. Đêm đã khuya, tiếng hát tàn. Nàng ngợp người trong nguồn suối hạnh phúc của những lời khen ngợi chân thành, cảm tình chân thật của những người bạn mới. Nàng biết rằng mình đã lìa bỏ thật rồi bộ mặt của một cô ca sĩ chỉ làm thứ rượu khai vị cho khách chơi sang trọng. Tiếng hát của nàng giờ đây đã tìm được những tình nhân, tiếng hát không bỏ sót một ai, tiếng hát có mãnh lực không cho ai lơ đãng, bắt mọi người dừng lại những cử động, bắt họ lắng nghe từng lời. Tiếng hát không ru ngủ ai mà trái lại, làm cho mọi người thức giấc. Không giúp cho ai lãng quên đời sống, trái lại giúp con người cảm nhận thấm thía những nỗi đau cũng như những niềm vui của đời sống.

Từ đó, những ca khúc của người nhạc sĩ soạn ra cho nàng hát, trở thành những ca khúc đời chân thực.

*

Đã lâu người thanh niên mặc áo xanh không gặp nàng và cũng không nghe nàng hát như ngày xưa. Bây giờ thỉnh thoảng sang nhà hàng xóm đế xem nhờ Tivi, anh bắt gặp khuôn mặt mờ nhạt của nàng trên khung ảnh nhỏ chao động.

Một hôm, tình cờ anh nghe tiếng hát của nàng vang lên trong chiếc ra-dô nhỏ chạy rè rè, tiếng hát đã nuôi sống tâm hồn anh một thuở nào bây giờ sao quá lạnh lùng, dửng dưng như một người chết. Trong căn phòng nhỏ của anh bỗng nhiên tràn ngập hình ảnh tươi đẹp và sống động của nàng ngày xưa. Anh tắt vội máy, cảm thấy sợ hãi và buồn bã lạ thường.

Từ lúc mùa xuân đem chiến tranh vào tận trung tâm thành phố, quán cà phê bị dẹp bỏ, bạn bè mỗi người một nơi. Trận xung đột cuối cùng nào đó giữa nàng và người chồng, hai người ly dị nhau, nàng giữ lấy cô bé gái với hai bàn tay trắng. Những nhu cầu, đòi hỏi của thành thị thúc giục sau lưng nàng, nàng không còn là con chim ngửa cổ hát chơi nữa, bây giờ nàng hát ra từng xấp giấy bạc. Phòng ghi âm của đài phát thanh, những hãng đĩa, ống kính vô tuyến truyền hình, những hộp đêm sang trọng. Bây giờ nàng đã trở thành một cô ca sĩ nổi danh và ăn khách nhất. Nhiều người khác vây quanh lấy nàng, những khách chơi giàu sang và một người nhân tình mới.

Người thanh niên hồi đó có làm một bài thơ dành tặng cho nàng, nhưng sẽ không bao giờ anh có dịp đọc cho nàng nghe nữa, bây giờ anh chỉ nhớ một đoạn ngắn.

…”Chỉ ao ước nàng hóa thân vành khuyên bé bỏng

Mỗi đêm tóc xõa môi phai

Bàn chân trần mướt xanh trên cát

Hơi thở mẩu thuốc tàn

Mà giọt lệ không bao giờ rơi

Âm thanh như đêm

Xóa nhòa linh hồn cũ…”

Anh không dám trách nàng một điều gì. Anh cũng ao ước trở thành một thi sĩ nhưng không bao giờ anh trở thành thi sĩ được cả. Anh phải chạy gạo kiếm cơm, muôn ngàn lo âu của đời sống đè nặng người anh như một phiến đá làm anh nghẹt thở. Cuộc đời không phải là một bài thơ cho anh.

Cuộc đời cũng không là một bài hát cho nàng. Bây giờ, giấc mơ danh vọng ngày xưa đã đến với nàng. Nhưng nàng còn hát được những đời thật tuyệt vời hay không?

 
Hoàng Ngọc Tuấn        
 
(Trích từ tập truyện ngắn Hình Như Là Tình Yêu)

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2023

DỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI - Khái Hưng

Gánh hát tất cả mười người. Tất cả mười người đã mấy tháng nay, bắt đầu từ khi mới sang xuân, đi lang thang trên con đường cát trắng, hành lý chứa chặt trong bốn chiếc hòm vuông quang dầu, cũ kỹ.

Họ đi, đi mãi, đi đã hàng trăm dặm chỉ thỉnh thoảng dừng chân một đêm hoặc hai, ba ngày trong một xóm, một làng, một huyện lỵ.

Rồi họ lại đi.

*

Một buổi chiều cuối xuân, một buổi chiều ngây ngất oi ả khiến ai đã luôn luôn sống gần cảnh thiên nhiên phải tiếc thời xuân qua khi ngắm lại cỏ, cây mây nước.

Bao ngày tốt đẹp hầu tàn.

Mặt trời đã sắp lặn mà phường bạn còn lang thang giữa quãng đường Thái Nguyên, Đa Phúc, phân vân chưa biết đi đâu. Một cô đào hát chậm chạp, uể oải lê bước theo sau, bỗng cất tiếng gọi:

- Bác Hai ơi! Nghỉ chân ăn lót dạ đã, kẻo đói lắm.

Bác Hai, một người quắc thước, giọng dịu dàng, âu yếm gắt yêu:

- Mơ đói rồi à? Chả được việc gì. Chỉ ăn cả ngày thôi!

Xuống giọng, tiếng cười khanh khách của cô đào hát làm rung động làn không khí yên lặng một thung lũng hoang vu. Rồi theo Mơ, cả bọn cùng cười, cười một cách vô ý nghĩa, vì họ biết rằng cười Mơ như thế không bao giờ họ bị bác Hai giận hay mắng.

Mơ, năm nay vừa mười tám tuổi, mười năm trước, nàng theo cha mẹ hát xẩm ở bến phà Tân Đệ. Một hôm đó, bác Hai ngắm nghía thấy con bé hát hay, lại có giọng trong trẻo, nhẹ nhàng, liền bỏ tiền ra mua đem về nuôi, dạy nghề xướng ca.

Năm năm học tập, Mơ thành tài múa hát có nhịp nhàng điệu bộ. Hai đặc điểm của Mơ là cái giọng véo von bổng trầm đúng bậc và tấm nhan sắc diễm lệ. Không phải là cái nhan sắc chín chắn, thùy mị, kín đáo của phần nhiều các cô gái quê, nhưng cái nhan sắc long lanh với đôi mắt hơi sếch, với cặp môi tươi thắm luôn nhếch một nụ cười lẳng lơ, nồng nàn.

Vì thế Mơ là người cốt yếu trong gánh hát bác Hai Truyện, là linh hồn một ban chèo dù khi Mơ đóng các vai rất hoạt động như Thị Mầu, Vân Dại, Châu Long, hay khi Mơ chỉ sắm một vai hoạt tượng như Phật Bà trong bản Quan Âm Thị Kính suốt nửa giờ ngồi im không nhúc nhích. Lúc đó mặt xinh xắn, và cặp mắt, cặp môi của Mơ thu hết tinh thần khán giả.

Thực vậy, người ta đến coi chèo chỉ vì Mơ. Chẳng thế mà phường của bác Hai Truyện đã nổi danh khắp các vùng là "phường Mơ".

- Mơ! Đừng cười thế đó!

Mơ càng cười to rồi nũng nịu:

- Khốn nhưng cháu đói lắm. Cháu vừa mỏi, vừa đói.

Bác Hai Truyện cũng gật cười theo:

- Đói mà cười no được ư?

- Không bác ạ, cười không no được, nhưng ăn thì no ngay. Còn mười nắm cơm buổi sáng mang đi, để làm gì nữa cho nặng khăn gói, thưa bác?

Trong phường có tài tử Tư Thiệp vào trạc tuổi Mơ. Bao giờ chàng cũng làm theo ý Mơ, bao giờ chàng cũng ân cần săn sóc đến Mơ. Chàng liền vì Mơ năn nỉ:

- Thưa bác chúng ta nên nghe lời chị Mơ, hãy dừng chân trên ngọn đồi để ăn lót dạ nắm cơm và tiện nhìn xem vùng quanh đây có làng nào trù phú, ta đến xin hát.

Cất giọng tự phụ, bác Hai quay lại bảo anh em phường bạn:

- Các chú mới theo nghề được năm ba năm nay, chứ tôi, tôi đã già một đời khắp trên các con đường trong nước. Tôi cần gì trèo lên ngọn đồi mới biết đâu có làng trù phú. Anh em cứ đi, chỉ nửa thôi nữa là đến ấp Đông Hà, thế nào cũng có cơm ăn chiếu ngủ.

Mơ vẫn thích trêu ghẹo cha nuôi, ỡm ờ hỏi:

- Bác thông thuộc thế thì sao từ sáng đến giờ tới bao nhiêu nơi xin hát đều không đắt?

Câu hỏi của Mơ làm cho bác Hai phải buồn rầu nghĩ ngợi. Nay đã gần hết tháng ba hội hè ở các làng đã gần tàn đám, hèn chi mà phường bác đi từ sáng đến giờ không gặp một nơi giữ hát.

Kể thì cái nhan sắc của Mơ cũng đã khiến họ mời mọc ân cần. Song bọn kỳ mục hủ lậu, biển lận kia còn bao giờ biết ngắm nghía cái đẹp, biết thưởng thức cái tài.

Bác Hai lẩm bẩm:

- Phải rồi! Chính phải rồi! Chỉ vì thế.

Rồi bác quay lại bảo anh em bạn hát. Lời dõng dạc quả quyết như hô binh của một ông tướng có oai quyền:

- Chúng ta lên đồi!

Mơ thích chí cười như nắc nẻ. Bỗng thoáng nhìn thấy cặp mắt nghiêm khắc của bác Hai, Mơ im bặt, lặng lẽ đi theo.

Tới ngọn đồi, mọi người nghỉ chân, ai nấy mở lấy cơm nắm, muối vừng ra ăn.

Bác Hai thầm bảo Mơ:

- Ăn ít chứ, con ạ.

Mơ cười:

- Nhưng cháu đói, mà ở đây có gió mát, cháu ăn càng ngon miệng.

- Tùy ý, nhưng để bụng chốc nữa ăn cơm nóng, canh ngọt vẫn hơn. Bây giờ Mơ nên nghe lời bác, mở hòm lấy phấn sáp, lược gương ra điểm trang cho thực đẹp.

Mơ ngơ ngác ngây thơ nhìn chủ:

- Đã hát đâu mà bác bảo sắm vai trò.

Bác Hai vẫn giữ vẻ mặt nghiêm nghị:

- Không, bác không bảo cháu đóng trò. Bác chỉ bảo cháu trang sức mà thôi. Cả chị Liên cũng vậy.

Ngoan ngoãn, Mơ vâng lời, lấy gương lược phấn sáp ra chải chuốt tô điểm. Trông vào gương thấy dung nhan mình tiều tụy, Mơ giật mình vì cùng một cảm tưởng như cha nuôi. Dầm mưa, dãi nắng, cái nước da trắng mát tự nhiên của nàng đã xám đen với gió bụi dọc đường. Mơ ngẫm nghĩ: "Thảo nào! Mà ta có ngờ đâu!".

Mười phút sau, mọi người xúm xít chung quanh cô đào hát, khen ngợi không dứt lời. Vì trang điểm xong, Mơ vẫn còn giữ được cái nhan sắc mọi khi, với tấm thân uốn lượn nhịp nhàng trong chiếc quần lĩnh và chiếc áo the mùa vỏ xó. Cảm động hơn hết là chàng Tư Thiệp. Chàng ngây người, đứng ngắm không chớp mắt.

*

Gánh hát của bác Hai Truyện nấn ná ở lại ấp Đông Hà đã gần một tuần lễ.

Chủ ấp là một trang thiếu niên lỗi lạc, ưa chơi các thứ thi, họa, cầm ca. Mà cái thú coi diễn chèo hình như chàng lại thích hơn. Chầu chàng đánh rất xinh, các điệu hát chàng rất thành thạo.

Vì thế đôi bên có chiều lưu luyến lẫn nhau. Chủ ấp muốn được nghe đủ các điệu hay, trùm phường được người sành nghề thưởng thức, cũng không vội ngỏ lời từ biệt xin đi.

Song dẫu sao cái cớ hiển nhiên rõ rệt mà không ai muốn thú nhận... là đào Mơ.

Ngay hôm theo ban hát tới ấp Đông Hà, nàng đã được khách đa tình chú ý. Tối hôm ấy phường hát bắt đầu diễn tích Kim Nham, và Mơ sắm vai Vân Dại.

Dưới ánh đèn măng xông, đôi mắt long lanh hoạt động, cặp môi đỏ thẫm nhoẻn nụ cười ngây thơ, bàn tay mềm mại xòe mạnh cái quạt tầu xương trắng, tay vờ rung rung tháo đường chỉ viền tà áo, hai chân thoăn thoắt khi tiến khi lui, khi bắt chước con gái bơi nước té bèo, bao điệu bộ, bao ám hiệu khuôn sáo để tả một cô gái điên đã khiến Mơ trở nên muôn phần diễm lệ.

Thế là lửa ái tình nhóm liền, bùng bùng ngùn ngụt. Hai người như đã hẹn hò nhau từ kiếp trước, để kiếp này gặp nhau.

Một người trai trẻ chơi bời, một người đang tuổi đào thơ đã từng yêu vờ thương hão những phường tục tử vô tri cùng mình thủ những vai tình chính. Nay thì không phải ái tình giả dối chốn sân khấu nữa, nhưng là ái tình nồng nàn, thành thực trong gian phòng ấm cúng thơm tho.

*

Hôm nay bác trùm Hai Truyện lên chào ông chủ ấp để xin rời phường đi nơi khác.

Tới giờ lên đường tìm đâu cũng không thấy Mơ. Đồng ý với chủ ấp nàng đã trốn núp ở nhà một điền hộ quanh vùng. Mọi người trong gánh hát còn đương lo sợ, ngơ ngác nhìn nhau thì một tên điền tốt đến đưa cho bác Hai một phong thư. Mở vội ra xem, bác chỉ thấy có năm chục bạc và mấy lời vắn tắt "Chúc anh em lên đường may mắn. Còn Mơ thì nay đã là vợ tôi rồi". Buồn rầu gánh hát ra đi.

Gánh hát mất Mơ khác nào người mất linh hồn.

Gánh hát mất Mơ? Không bao giờ bác Hai Truyện tưởng đến một sự vô lý như thế. Người ta chiếm mất Mơ của bác? Người ta cướp Mơ của bác? Cố nén sự đau đớn, bác bỏ số tiền vào túi. Bỗng như điên cuồng, bác cười nói huyên thuyên rồi nghêu ngao cất tiếng hát vang trời trên con đường cát trắng.

Bạn bè thấy bác vui vẻ thì tưởng rằng có lẽ bác mừng cho con nuôi đã lấy được chồng giàu có. Nhưng cặp mắt ướt mờ kia chứa bao nhiêu nỗi bi ai.

Hôm ấy, đêm đã khuya. ở một làng bên hãy còn tiếng trống chèo phường bác Hai Truyện. Trong khi bác cùng gánh hát uể oải, chậm chạp lang thang trên con đường chưa biết đi đâu thì, làng ấy đã khẩn khoản ra đón mời.

Thức giấc Mơ lắng tai nghe. Cái thời kỳ đằng đẵng Mơ lăn lóc với nghề đã cùng hồi trống đến làm rối loạn lòng nàng. Trước mắt Mơ lộn xộn hiện lên các vai chèo nhẩy múa trên con đường trắng mịt mù xa tắp.

Tiếng trống chèo đổ hồi càng thúc giục.

Tiếng trống chầu điểm thì thùng như mắng trách, gắt gỏng, đe nạt.

Lẳng lặng, se sẽ Mơ ngồi dậy. Tình nhân của Mơ ngủ vẫn mê man. Khoác vội tấm áo vào mình, quấn vội cái khăn lên mái tóc, Mơ nhẹ nhàng lướt như cái bóng, lẻn bước ra đi.

Cảnh sáng trăng suông, các vật lờ mờ, Mơ tưởng tới tấm thân cô độc.

Khi đến gần gánh hát Mơ thở dài, dừng bước đứng lại. Giữa lúc ấy, Tư Thiệp thổi khúc địch sầu thảm trong bản chèo Hạng Vũ bị vây nơi Cai Hạ.

Tiếng địch véo von, rền rĩ làm rung động lòng Mơ, làm tiêu tan cả ái tình mới mẻ. Ngồi xệp xuống đất Mơ bưng mặt khóc hối hận.

Tiếng địch vẫn sang sảng, khi lên bổng lúc xuống trầm như mỉa mai, như chế giễu kẻ lìa phường phản bạn. Mơ đứng phắt dậy lau nước mắt hốt hoảng chạy một mạch vào trong rạp.

*

Bản chèo vừa tan, gánh hát bác Hai đã vội vã lên đường, tuy bấy giờ mới gà gáy sáng.

Rồi mặt trời mọc trên đỉnh đồi lại chiếu ánh nắng xuống mười người lang thang trên con đường cát trắng, hành lý chứa chất trong bốn chiếc hòm vuông quang dầu, cũ kỹ.

Họ đi. Rồi họ lại đi.

Và Mơ, Mơ sẽ già đời là một tấm linh hồn phiêu lưu nay đây mai đó, như bị cái nghề lãng mạn tự do ác nghiệt, mọi rợ nó cám dỗ, nó chiếm đoạt, nó cưỡng bách, cái nghề mà hạnh phúc của ái tình, mãnh lực của kim tiền đều không thắng nổi.

Tận tụy với nghề, họ đi mãi trên con đường.

 
KHÁI HƯNG      
 
(Trích từ tập truyện ngắn Dọc Đường Gió Bụi)

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2023

TƯỞNG NHỚ TRƯNG VƯƠNG - Ngân Giang

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Tưởng nhớ ai xưa mãi đến giờ

Con dòng Lạc tướng luyện binh cơ

Thành Mê tuốt kiếm bêu đầu giặc

Sông Hát dồn quân hướng sắc cờ
 

Giao Chỉ ngọn triều lên cuồn cuộn

Phong Châu bóng liễu rủ lơ thơ

Đất Long Biên cũ, người đâu cũ

Cây cỏ bâng khuâng những đợi chờ ! . . .

 
                                                        Ngân Giang
 

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2023

BÓNG NGƯỜI XƯA - Thạch Lam

Trong lò sưởi, trên một đám than hồng; ngọn lửa nhẩy múa reo cái vui lách tách của củi khô, mặc bên ngoài gió lạnh và mưa bụi của mùa đông. Một hơi nóng tỏa ra, thấm dần vào mọi vật trong căn phòng nhỏ. ấm cúng quá! Không còn gì thú hơn được ngồi bên lò sưởi mà nghĩ những chuyện vẩn vơ.

Vân vừa xoa tay trên ngọn lửa vừa hưởng thong thả như thấm thía cái thú đơn sơ ấy. Chàng để người lọt sâu vào chiếc ghế bành; ngoảnh đầu ra nhìn Mai ngồi trên phản gần đấy, bên ngọn đèn, đang thái mấy thứ rau trên thớt. Nàng làm việc chăm chú và cẩn thận, như xưa nay nàng vẫn làm. Ngày mai là ngày sinh nhật đứa bé con đầy tuổi; hai vợ chồng Vân đã bàn định làm một bữa tiệc nhỏ để mừng, nên tối nay vợ chàng sửa soạn sẵn các thức ăn.

Thấy lò sưởi ấm cúng, Vân cất tiếng bảo vợ:

- Ra đây mà ngồi cho đỡ lạnh.

Vợ Vân không ngừng tay đáp:

- Ðể em thái nốt chỗ này đã.

- Thì mang lại đây mà làm có hơn không, ngồi đấy rét chết.

Chiều ý chồng, nàng đứng lên lấy một cái chiếu giải trước lò sưởi, rồi mang chiếc đèn đến.

Vân rụt chân lại để nhường chỗ. Mai thu xếp đồ làm, bỏ giầy bước vào chiếu rồi vén áo cúi quỳ xuống bên chồng, vừa nhìn chàng hỏi:

- Em ngồi đây nhé?

Vân gật đầu, rồi chàng vội bảo vì thấy nàng sắp sửa đổi dáng ngồi để quay về phía đèn:

- Không, không cứ ngồi yên như thế...

Nàng nhìn Vân ngạc nhiên hỏi:

- Làm sao?

Vâm mỉm cười, trả lời thong thả:

- Không làm sao cả, anh bảo em cứ ngồi như thế.

Mai ngồi trước ngọn đèn chiếu qua mái tóc, làm nổi một vùng ánh sáng chung quanh khuôn mặt đều đặn của nàng. Dưới ánh lửa yếu của than hồng trong lò sưởi, trong bóng tối mờ, Mai trông khác hẳn; Vân không thấy trước mắt mình nét mặt hàng ngày của vợ nữa, chàng chỉ thấy một người vợ trẻ hơn, đẹp hơn. Những vết răn của người đàn bà luống tuổi đã mất đi trong bóng tối; khuôn mặt trở nên đều đặn, cái miệng hơi trề trên hàm răng nhỏ trắng muốt, đôi mắt loan thấy long lanh sáng. Hình ảnh đó làm Vân nhớ lại Mai lúc trước, Mai ngày mới gặp chàng, ngày là một thiếu nữ mà vẻ xinh đẹp đã làm chàng cảm động.

Vân lặng yên cả người, nhìn vợ vẩn thản nhiên như thường, chăm chú vào công việc, trong trí chàng, cả một dĩ vãng nổi lên với rõ rệt một hình ảnh xinh tươi của Mai còn trẻ; ấy là tất cả cái lịch sử tình yêu của chàng. Trời, chàng đã yêu mến biết bao nhiêu người thiếu nữ ấy? Dáng điệu và vẻ đẹp của Mai lúc bấy giờ đã khiến cho lòng chàng bao lần rung động; chàng đã yêu đắm đuối thiết tha, mà Mai cũng yêu chàng như thế. Nhưng vì sự nghiêm khắc của gia đình, Mai không lấy được chàng mà về tay người khác. Vân bỏ ra đi, và sự đau đớn của chàng sâu xa đến nỗi bây giờ nghĩ lại Vân còn thấy nỗi đau giẫy giụa trong lòng.

Năm năm sau chàng trở về thì Mai đã góa chồng. Hôm gặp nhau, hai người cùng khóc; nhưng Mai bây giờ không còn đâu vẻ xinh tươi nữa, năm năm héo hon bên người chồng ác nghiệt đã đổi thay nàng. Những sự đau khổ đã in vết răn trên trán, hai mắt nàng mất vẻ sáng tươi, và đôi môi chỉ còn nở một nụ cười an phận và buồn rầu, hình bóng của nét cười duyên thắm mà chàng đã yêu mến ngày xưa.

Lòng thương Mai đến khiến Vân lại lấy nàng. Hai vợ chồng bây giờ được một đứa con. Nhưng trước kia, một vài tháng sau khi lấy nhau, Vân thành ra hối hận đã lấy Mai. Một sự chua chát thấm vào tâm hồn chàng. Vân trở nên lãnh đạm, rồi ghen ghét. Chàng thành ra tàn ác đối với vợ; nhiều khi, trong lúc giận dữ, chàng đã thốt ra những lời cay đắng mỉa mai, chàng hưởng cái thú lạ lùng làm đau xót người không còn gì chống đỡ được cho mình. Có lần chàng đã bảo:

- Mày tưởng mày còn quý hóa lắm đấy. Tao lấy mày nghĩ mà dại, lấy cái của thừa!

Mai chỉ khóc Vân nhìn mà không thương; chàng để cho cái giận chiếm lấy lòng, cho rằng lấy Mai là đã làm ơn huệ cho nàng lắm rồi.

Mai chịu hết những tủi nhục như thế; nàng không hề oán trách chàng. Dần dần Mai nhẫn nại sống bên cạnh chồng, sợ hãi và trung thành như một đứa ở, sẵn sàng cúi đầu trước những lời chửi mắng. Ðứa con ra đời làm Vân trở nên dịu dàng và tử tế hơn đối với nàng, nhưng lòng chàng thì vẫn hờ hững dửng dưng.

Nhớ lại những việc đã qua, lần này Vân thấy xúc động trong lòng. Chàng cúi xuống nhìn Mai, nhìn nét mặt hiền từ và hơi buồn bã trước ánh lửa. Chàng bỗng thấy như vẻ buồn ấy là một sự trách móc cái tàn ác của chàng bấy lâu nay. Một tấm tình thương rung động và nẩy nở trong thâm tâm chàng. Vân dịu dàng đặt tay lên vai vợ, nói khẽ. Tiếng chàng run, và lạ hẳn đi đối với tai chàng:

- Khuya rồi đấy, thôi em đi nghỉ đi, để mai làm.

Lần thứ hai, Mai trả lời:

- Ðể em thái nốt chỗ nầy đã cho xong một thể.

- Không, em cứ cất đi. Lúc nào làm chả được vội gì.

Mai ngừng tay, thu dọn. Nàng thôi vì quen nghe lời chồng xưa nay, và không dám trái ý. Nhưng đến khi ngửng lên nhìn Vân, nàng thấy trong mắt chàng một vẻ âu yếm khác thường. Một nụ cười nở trên môi, nàng vui vẻ nói:

- Ừ nhỉ, thôi em cất đi nhé.

Vân cho thêm củi vào lò sưởi, khỏi cho ngọn lửa sáng lên. Chàng bảo:

- Xong em vào ngồi đây cho ấm.

Mai ngồi xích lại bên chân chồng, tựa vào thành ghế. Hai người yên lặng ngồi nhìn ngọn lửa reo; ánh hồng trong lò tỏa ra làm xinh đẹp khuôn mặt của nàng.

- Em bé bây giờ chắc đương ngũ kỹ đây.

- Mai nó dậy thấy ngựa anh mua chắc nó sung sướng lắm anh nhỉ?

Vân gật đầu, yên lặng – Dĩ vãng lại xâm chiếm ý nghĩ của chàng. Vân nhớ đến Mai ngày còn xinh và trẻ tuổi, đến cái tình yêu mến của lòng chàng. Nếu không có sự ngáng trở xẩy ra chàng đã lấy cô thiếu nữ thơ ngây và trong sáng là Mai, trước khi nàng biết những sự đau khổ vì chồng. Chàng sẽ âu yếm giắt nàng cùng đi trong cuộc đời... Lòng nhớ tiếc những ngày sung sướng có thể có ấy rồn đến chàng như một lớp sóng vào bờ. Những kỷ niệm cứ hiện lên trong trí nhớ của chàng rõ rệt. Vân ngập ngừng cúi xuống Mai:

- Em còn nhớ trước ngày em về nhà chồng không? Cũng rét như hôm nay, chả khác gì. Có phải hôm ấy em bận chiếc áo nhung đen không?

Mai khẽ lắc đầu:

- Lâu nay em cũng không còn nhớ nữa.

Nàng ngạc nhiên: từ khi lấy nhau, nàng không thấy chồng nhắc đến những chuyện cũ về trước bao giờ.

- Thấm thoát thế mà đã bẩy, tám năm rồi, chóng quá em nhỉ. Ðộ ấy, chúng ta khổ biết bao nhiêu; anh trông em khóc anh buồn quá. Có phải thế không, em Mai.

Mai yên lặng nhìn ngọn lửa chập chờn, nàng thấy hiện dần ra trong ấy những hình ảnh nàng tưởng đã mờ. Tiếng nói âu yếm của Vân xúc động đến những mối đau khổ của nàng... dần dần, những ngày qua sống lại, đè nén trên tâm can. Nàng thấy bàn tay Vân lần xuống nắm chặt lấy tay nàng; âu yếm, Mai ngả người dựa hẳn vào chân chồng. Vân tưởng như sống lại bao nhiêu năm về trước, chàng tưởng ngồi dưới chân chàng chính là Mai khi xưa, lòng chàng lại thiết tha yêu mến.

Cái kỷ niệm êm đềm ấy đến lần với những buổi đau khổ của Mai, những lúc chàng hành hạ, tàn ác với chàng. Vân thấy mủi lòng, nước mắt bỗng nhiên ứa lên cổ khiến chàng nghẹn ngào thương xót. Chàng kéo Mai vào lòng thổn thức:

- Em tha lỗi cho anh nhé.

Mai lặng lẽ ngước mắt nhìn chồng. Khóe mắt nàng đẫm lệ; bao nhiêu nỗi buồn trong lòng nàng tan đi, chìm đắm trong tình yêu mến.

Nàng giờ tay quàng lên vai Vân, gục đầu vào ngực chồng, Vân sẽ hôn trên vừng trán đã răn của nàng, nhưng chàng tưởng ôm Mai khi xưa.

Hai người đều yên lặng không nói, cùng nhìn ngọn lửa reo hồng trong bóng tối, Vân thấy sung sướng như vừa mới yêu, và từ dĩ vãng xa xăm bóng người xưa lại trở lại bên chàng, tươi tắn và xinh đẹp như buổi gặp gỡ ban đầu. Chàng bỗng thấy một ý muốn khêu gợi tro tàn, cái quá vãng của Mai từ khi đi lấy chồng, chưa bao giờ Vân hỏi đến.

Hai người cùng lặng lẽ và đồng ý mà không nhắc đến chuyện cũ. Nhưng tối nay Vân muốn biết. Chàng bắt Mai kể lại cuộc đời của nàng bên người chồng trước, những nỗi đau khổ, lo nghĩ nàng đã trải qua, Mai vâng lời, thuật lại với một giọng nói trầm buồn bã, một giọng nói khẽ, như nàng sợ làm trở dậy trong thâm tâm những vang động đã lặng yên.

Vân thấy một cảm giác lạ. Chàng tưởng như có mũi lạnh trích vào tim mỗi khi Mai kể đến một hành vi tử tế hay âu yếm của người chồng cũ; không xót thương, chàng đợi nghe những cái tỉ mỉ, rõ rệt vẽ lại trong trí dáng điệu thân ái của hai người. Lòng chàng đau đớn như chảy máu; chàng nắm chặt lấy Mai ghì nàng sát vào người. Mai kể những nổi tủi nhục, những lúc bị đánh đập, Vân thấy khổ sở như chính chàng bị hành hạ; Vân lại nghĩ đến những lúc, chính chàng đã hành hạ, tàn ác với Mai. Chàng rùng mình cho sự tàn ác ấy, tự giận mình đã ích kỷ và tự ái nhiều.

Khi Mai đứng nói, Vân ôm đầu nàng quay lại trước mắt mình, chàng nhìn vợ qua nước mắt, hôn vào má nàng:

- Anh thương em quá.

Rồi muốn ghi nhớ một sự thay đổi từ đây, Vân âu yếm nhắc:

- Ngày mai em bé được đúng một tuổi rồi.

Mai không đáp, tin cẩn nép vào người chồng. Ngọn lửa trong lò bừng sáng và rởn múa trên than hồng, củi khô lách tách nổ như vui cùng với cái vui của vợ chồng.


THẠCH LAM     

(Trích từ tập truyện ngắn Nắng Trong Vườn)

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2023

SÔNG KỸ NỮ - Hoàng Ngọc Tuấn

 

Huế, mỗi lần muốn đi chơi bời thường phải xuống ngủ đò. Nhà chứa trên bộ, như những xóm và đường hẻm ổ nhện kiểu Saigon, ở đây hiếm có lắm. Bởi vì thành phố nhỏ quá, mọi người điều biết rõ mặt mũi nhau. Đi đâu, làm gì dầu trong góc ngõ tối nào, dầu có đề phòng chu đáo đến đâu thế nào cũng bị mọi người thấy được.

Và khi bị bắt được đang đi tìm cái chuyện đó thì, thôi không đường cứu chữa. Bao nhiêu phong tục cổ kính, danh giá, đạo đức truyền thống thi nhau ập xuống nạn nhân như một màn lưới khắc nghiệt.

Bởi thế ngủ đò là kín đáo nhất. Tôi là người kín đáo nên vào một đêm nào đó... Chiều mới tắt ánh nắng, gió mát dịu dàng, buồn nản quá mà lòng thì rạo rực. Tôi đi nhanh vào bóng tối âm u dưới những lùm cây che đậy rộng rãi, xuống bến Thương Bạc.

Mụ Xép đang ngồi trên chỏng tre, chỗ tạm trú để rước khách của mụ đặt cách bờ sông một quãng. Đò cắm sào nằm san sát bên nhau, mù mù ánh đèn dầu.

Mụ Xép lấy điếu thuốc Cẩm Lệ đang bẹp dí trên miệng :

- Chà, lâu lắm mới thấy ‘‘thầy’’ đi chơi.

- Ờ...ờ. Tiền đâu mà đi chơi hoài được. Còn đò nào trống không ?

- Còn cả lô đó. Mà thầy có bạn bè gì không?

- Không tôi đi chơi một mình,

Mụ Xép gục gặc đầu. Mụ kêu một thằng nhỏ dẫn đường cho tôi, bước trên tấm ván bấp bênh nối liền bến sông với khoang đò. Tôi nằm dựa người trên sàn gỗ, hút thuốc lá thong thả chờ đợi. Lát lâu, mụ Xép mới xuống đò, mụ ra mui trước, nhổ sào. Tiếng chèo róc rách quậy dưới nước, đò từ từ tách bến. Giọng nói của mụ Xép pha thêm tiếng cười cợt từ khoang trước vọng ra :

- Thầy ngủ ‘‘chay’’ hay ngủ ‘‘mặn’’?

- ‘‘Mặn’’. Ngủ suông không có cô nào thì thà nằm nhà còn hơn.

Giọng mụ oang oang kêu lớn :

- Con ơi !

Có tiếng ‘‘dạ’’ đâu đó rồi trong thoáng chốc, một chiếc ghe loại thật nhỏ, nhẹ, lướt thoăn thoắt tài tình giữa một đống đò nằm chật chội bên nhau. Cô gái, con của mụ Xép, cập ghe nhỏ của cô vào mạn đò. Cô không hút thuốc Cẩm Lệ như mẹ nên tôi không cảm thấy nồng nặc khó chịu khi cô gần bên tôi, mỉm cười :

- Bữa nay thầy kêu cô nào ?

- Tôi đâu nhớ hết ai. Kêu giùm ai cũng được...

Và tôi níu đò của cô gái lại, bông đùa :

- Nếu có ai đẹp bằng một chút xíu của cô thì tốt lắm.

Cô gái nghiêm nét mặt lại. Mặt cô hơi ửng đỏ nhưng vì giận dỗi hơn là e thẹn. Rồi cô chèo đò vút nhanh đi mất hút trong bóng đêm.

Tôi nhìn theo, nhưng chẳng còn thấy được gì. Cô gái thật lạ lùng, công việc rước gái về cho khách làng chơi của cô dĩ nhiên không được đứng đắn lắm, nhưng tôi thấy chẳng có khách nào cợt nhã chọc ghẹo gì cô được một tiếng.

Trong thế giới lạc thú rã rượi của những con đò trên sông, cô có vẻ như là một cánh sen trong bùn. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, tôi không biết cô còn giữ được người thanh sạch cho đến bao giờ, trong khi mẹ cô là một bà chủ đò kiêm chủ chứa, vây bọc chung quanh cô mỗi ngày mỗi đêm là những ả gái điếm dày dặn thô lỗ.

Thế rồi, không lâu lắm, trước khi gió nhè nhẹ làm tôi buồn ngủ, cô gái chở đến cho tôi một ả gái điếm. Tôi không nhìn thấy mặt và cũng chẳng cần nhìn thấy mặt cô nàng này.

Mụ Xép chèo đò ra xa hơn chút nữa. Tách khỏi những con đò nằm chật chội, chiếc đò mang tôi và ả gái điếm từ từ trôi trên sông. Chỉ ra thêm một chút thôi, để cách xa với tiếng nói cười ồn ào của những con đò đồng nghiệp khác, rồi mụ Xép cắm sào, buộc đò dừng lại. Thời này đâu còn có thể cho con đò mặc tình buông lơi tha hồ trên dòng sông trôi suốt đêm cho đến tận cầu Bạch Hổ hay ngược về phía Cồn Hến.

Ả gái điếm xin tôi điếu thuốc lá, tôi thắp lửa cho cô nàng để thêm một chút thân mật. Tôi ôm ả nằm xuống khoang đò, da thịt vuốt ve sơ sài lấy lệ cho một chút cảm giác lơ mơ. Tôi không thấy khoái lắm. Đi chơi điếm mỗi lúc mỗi thấy chán, nhưng còn có cách nào khác hơn đối với người độc thân, vì đó là cách thỏa mãn nhanh nhất và rẻ tiền nhất, và do đó, thật vô vị trống rỗng nhất sau một chút sướng khoái ngắn ngủi.

Nhất là gái điếm ở Huế. Thành phố cổ kính phong phú này không xuất sắc về mục đó. Dân địa phương ít người dám làm nghề này, và gái điếm ở đây hầu hết là những cô nàng đã xơ xác ế ẩm ở những động rẻ tiền từ Saigon, phải lưu lạc đến tận chốn này tha hương cầu thực,

Cô nàng rúc đầu vào ngực tôi nghịch ngợm, rồi vùng dậy ôm lấy mặt tôi định hôn. Tôi cũng ôm chặt lấy mặt ả nhưng cốt chỉ để không cho cô nàng hôn được. Miệng tôi đầy khói thuốc lá, thôi cũng được đi. Nhưng thêm một cái miệng đầy thuốc lá đủ hiệu : thuốc thơm Mỹ, thuốc Ăng Lê, thuốc đen gốc Pháp, thuốc Cẩm Lệ... của cô nàng thì không được một chút nào.

Cô ả ỏng ẹo :

- Sao anh không hỏi tên em ?

- Ờ... ờ... Em tên gì đó ?

- Lệ Hoa.

- Ờ. Đẹp như hoa. Rồi sao nữa ?

Cô nàng thở dài :

- Trước kia em đâu có như thế này. Anh biết không, hồi đó ..

Tôi biết nàng sắp tâm sự về quá khứ ly kỳ của nàng như thường lệ. Nhiều khách chơi thường thích lắng tai nghe dĩ vãng của các cô nàng, thường thắc mắc ra điều ái ngại hỏi han tại sao em lại ra đến nông nỗi này, bao lâu rồi và em hãy hoàn lương trở về.. v.v... Những ông khách đó kể ra cũng nhiều tình cảm thật, mặc dầu thỉnh thoảng là vì họ bí đề tài, nếu họ là những thi sĩ và văn sĩ.

Tôi ngăn lại. Cô nàng có vẻ bực bội vì không được kể lể cho sướng miệng, và cằn nhằn dục tôi :

- Thôi, vào ‘‘đi’’ lẹ cho rồi, anh.

Tôi gật đầu, vén tấm màn vải chui trước vào khoang đò. Một tấm chiếu đã được mụ Xép trải sẵn đó, thêm với ánh sáng từ ngọn đèn dầu trên bàn. Cô gái điếm hành động như một cái máy, ả đem chiếc thau nhỏ ra múc nước sông đem vào để ở một góc. Rồi ả kéo tấm màn vải đóng lại. Một khoảng trời đêm cao vời đột ngột bị che kín. Ả cầm lấy cây đèn dầu, hỏi tôi :

- Anh thích để đèn sáng hay tối.

- Tối.

Tôi định nói thêm ‘‘… đối với em’’ nhưng thấy như thế thì tàn nhẫn quá nên kịp ngừng lại. Có những cuộc ái ân cần phải để ánh sáng rực rỡ chói lòa cho mình hưởng trọn da thịt nồng nàn kỳ diệu của đàn bà, không bỏ sót một chút nào, kể cả mắt say sưa nhìn ngắm thân thể mình và người khác nối liền tan hòa với nhau, nhịp nhàng đồng điệu. Nhưng đối với ả gái điếm này, ánh sáng chỉ đem lại cảm giác chai lì trân tráo. Phải mù mới có thể làm tình với cô nàng được.

Trong bóng tối đen đặc của khoang đò. Tôi và cô gái điếm, làm cái chuyện thông thường. Có lẽ cô nàng đang nghĩ đến số tiền năm trăm đồng chốc nữa sẽ lấy của tôi. Tôi thì đang nghĩ đến năm trăm đồng mình sắp mất. Và cứ thế, cả hai cứ gấp rút cho xong chuyện. Đâu còn cái thời những nàng kỹ nữ với tiếng hát truân chuyên bên tiếng đàn tiếng phách và nhịp trống chầu. Kỹ nữ ngày xưa còn biết dùng dằng lưu luyến khách ở lại cùng em thêm chút nữa...

Thời nay, những nàng ấy sa sút quá rồi, chỉ còn là thúc hối, vội vàng, càng nhanh càng tốt. Như cô gái đang nằm trong tay tôi. Áo đầy mùi mồ hôi, quần đen rộng thùng thình, lại chỉ được buộc bằng một thứ giải rút gì mà tuột ra nhanh quá.

Nỗi ngất ngây đắm đuối của tình ái, bí nhiệm của thân xác người nữ, xúc cảm lớn lao và sâu đậm của hoan lạc... Những điều tuyệt vời ấy ngày nay đã dần dần mòn mỏi, mất mát. Những nhà nghệ sĩ lớn nhất của thời đại là những kẻ đem hết đời mình để cứu vãn điều ấy. Tôi muốn sát cánh bên họ... Nhưng đêm nay, tha lỗi cho tôi, tôi lập lại một cách nhàm chán hành động tẻ nhạt đó.

Xong xuôi. Cô gái chồm dậy, lại gần thau khoát nước rửa sơ sài. Rồi ả vén màn, ra trước mui đò, đổ thau nước xuống sông. Một chút nước tan mất lẹ làng, không một dấu vết trong dòng sông đang lềnh bềnh với những khóm lục bình trôi nỗi. Sông Hương, dòng sông ban đêm man mác huyền hoặc, soi sóng sánh dưới làn nước đen thẩm, là hình ảnh vỡ nát của bộ mặt phấn son cười gượng gạo.

Dòng sông. Ban ngày thì thắm thiết một màu xanh, sóng nước gợn nhẹ lung linh trong ánh nắng.

*

Giọng mụ Xép vẳng ra từ mui trước :

- Con ơi !

Lần này không có tiếng trả lời mau lẹ như trước.

- Sương ơi, Sương...

Bây giờ tôi mới biết có con gái mụ Xép tên Sương. Mập mờ trong bóng đêm, có lẽ từ bến nước, con đò nhỏ của cô lại lầm lũi tiến ra thoăn thoắt.

Ả gái điếm véo vào tai tôi ra dấu từ biệt, cô nàng xuống đò nhỏ, và còn nheo nhéo thêm vài câu với tôi, vài lời gượng tình tứ một cách giả lả. Tôi vẫy tay chào, thắp cho nàng thêm điếu thuốc. Lúc đó, tôi bỗng bắt gặp đôi mắt của cô Sương nhìn tôi. Tôi không thấy rõ lắm vì mặt cô cúi gằm xuống nhưng hình như ánh mắt cô ấy có một dấu hiệu gì tỏ vẻ buồn rầu. Điều này làm tôi đau lòng, như vừa phạm tội trước một người chứng nghiêm khắc. Tôi cũng hơi ngạc nhiên nữa, một người chuyên chở gái về cho khách như cô Sương, đáng lẽ cô phải thản nhiên lạnh lùng lắm đối với những cảnh màu mè gai mắt như thế này.

Nhưng rồi tôi không biết thêm điều gì cả. Con đò của cô Sương, mang theo một gái giang hồ, đã quay đi và lùi xa dần, mất hẳn trong một xó tối bí mật nào.

Cách một tấm ván che ngăn đôi khoang đò ra làm hai, tiếng mụ Xép vọng ra :

- Vui vẻ không thầy ?

- Ờ, cũng tạm được.

- Lát nữa có ghe bán đồ ăn chèo qua, thầy kêu vài hột vịt lộn ăn cho chắc bụng rồi ngủ cho khỏe,

- Ờ. Mà cô Sương...

Giọng mụ Xép có vẻ hãnh diện :

- Con nhỏ đó hả ? Nó siêng năng lắm, thầy. Còn đi đây đi đó đến nửa đêm rồi về đây ngủ với tôi.

Tôi ngần ngại :

- Cô ấy cũng còn nhỏ. Ban ngày không đi học hay làm gì à?

- Thôi, thôi. Tốn tiền lắm, có được một đứa gái lớn, nó phải lo chợ búa nấu nướng giặt gịa. Ban đêm, mời khách giúp đỡ tôi chút chớ.

Mụ Xép chợt yên lặng. Có lẽ mụ đang nghĩ ngợi đến đứa con gái độc nhất của mụ. Không biết mụ có lo nghĩ phải kiếm cho con mình một tấm chồng tử tế, hay cứ để nó tiếp tục sống đều đặn ở bến đò đêm này mãi, bên cạnh những loại vạc ăn sương và mình thì lẻ loi rũ rượi như một con chim cú.

Có lẽ bây giờ đã đến nửa khuya, nhưng tôi không buồn ngủ. Ả gái điếm đã đi khỏi, giờ đây chắc cũng đang lập lại những động tác quen thuộc trong một khoang đò khác. Gợi chuyện, tâm sự kể lể, hôn hít, múc thau nước sông, cởi áo quần, tắt đèn... thắp đèn, đổ thau nước xuống sông, nhét tiền vào ngực áo... rồi đi đò khác. Tôi kinh hoàng vì những công việc chai lì máy móc như thế. Nhưng cô nàng biết làm sao hơn.

Một chiếc ghe nhỏ không mui, ngọn đèn le lói trong bóng tối tiến lại gần. Không phải là của cô Sương. Đây là chiếc ghe bán hàng rong như lời mụ Xép đã nói. Bà già chèo đò tấp sát lại, mời ăn, những món ăn ngon lành dành chờ khách chơi khuya thường hay đói bụng. Nồi bún bò bốc khói đặt khéo léo trong lòng ghe, lúc nào cũng giữ cân bằng thật tài tình, và hột vịt lộn, khô mực, đùi gà vịt, vài lon bia hộp, nước đá đã chặt thành từng thỏi chứa trong bao.

Tôi chỉ mua một chai bia lạnh. Rồi tôi dựa người trước mui đò. Trời tối. không phải mùa thu hay ngày rằm để có trăng. Đêm bỗng im bặt, lặng thinh. Chân cầu Trường Tiền xa xa lầm lì, những ánh đèn của thành phố trên kia tụ lại thành một đốm sáng, hay rải rác nhỏ nhoi dọc theo bờ sông. Trên bờ, cả thành phố đang say ngủ. Những cô trinh nữ đang yên giấc trong cánh cửa đóng kín, mộng hiền hòa dưới vầng trán phẳng chưa một nếp nhăn, mà đôi môi biết có vô tình thầm thì lời mời gọi nào.

Chỉ có những con đò là lặng yên nằm an phận khép nép dưới bến riêng, như một đảo hoang nằm bên ngoài thế giới. Mỗi con đò cũng có sơ sài chiếu mền, như một mái nhà, nhưng làm sao được như một mái nhà. Đò bềnh bồng trôi nổi, mảnh mai trong mùa đông có nhiều đêm mưa bão. Dưới chân, chung quanh, thiếu đất đai vững bền ấm áp để có thể ươm vài loài cúc tím hay trong một luống khoai xanh lá. Mọi thứ đều đổ xuống dòng sông, mà dòng sông thì luân lưu, trôi đi, trôi xa bất tận...

Có tiếng chạm nhẹ vào mạn đò làm tôi giật mình. Cô Sương cột chiếc ghe nhỏ của cô sát vào đò của mẹ. Cô sửa soạn dọn dẹp mấy mái chèo. Tôi gợi chuyện

- Cô Sương không đi ngủ à, khuya rồi.

Có gái ngạc nhiên ngước nhìn tôi :

- Sao ông biết tên em ?

- Lúc nãy, mẹ cô mới kêu đó.

Cô hơi mỉm cười ra vẻ chợt hiểu, cô vấn mái tóc mình ra đàng sau, cột lại bằng một mảnh vải nhỏ. Áo ngắn tay đen, làm nổi hẳn làn da trắng khi cô cúi xuống vốc nước rửa mặt một cách tự nhiên. Tôi thấy khuôn mặt cô thơ dại quá, có lẽ vừa mới đến tuổi hai mươi là cùng.

- Cô Sương mệt lắm không,?

- Không, ông à. Quen rồi, đêm nào cũng chèo đi chèo lại thế này mà.

Khi cô Sương níu vào mạn đò để bước qua, tôi đưa tay định dìu cô cho khỏi ngả nhưng cô tránh đi.

Cô hỏi :

- Ông còn cần gì nữa không ? Ông chưa ngủ đi, khuya rồi đó.

Tôi lắc đầu. Cô bước vào khoang thuyền dành cho khách, và đêm nay tôi là người thuê. Cô thản nhiên cuộn chiếc chiếu bẩn lúc nãy tôi và cô gái điếm đã nằm lên, và thay một chiếc chiếu khác.

Chiếc ghe của bà già trở lại, lấy tiền và vỏ chai bia. Tôi hỏi cô Sương có uống gì không nhưng cô cứ lắc đầu từ chối mãi. Cuối cùng, tôi vẫn mua một lon nước cam còn khá lạnh. Khi ghe của bà bán thức ăn đã bỏ đi, cô Sương chợt mỉm cười. Mắt cô long lanh, một chút tinh nghịch như trẻ con :

- Em chở cô Hoa đến cho ông. Ông thích lắm nên thưởng một chai nước cam phải không ?

Tôi cũng cười nhưng không biết nói gì. Hình như có tiếng thở dài của cô Sương, rồi giọng cô ngập ngừng:

- Mấy ông thiệt sướng. Lúc nào muốn vui, lại xuống đò ngủ một đêm, rồi sáng mai, đi đâu, đi miết. Và ban ngày chắc lại còn nhiều thứ nữa.

Tôi chờ cô uống một ngụm nước. Rồi tôi nói :

- Chán lắm.

- Em mới là chán. Ngày nào cũng như ngày nào, cứ ở mãi đây.

- Chứ Sương thích đi đâu ?

Cô Sương đưa lon nước cam cho tôi. Tôi vốn ghét nước cam nhưng nhìn thấy môi cô mướt ươn ướt vì mới uống xong một chút, tôi uống trọn một hơi dài. Và nghe cô nói

- Em không biết... Nhưng ông thấy ở đây vui không?

- Buồn chết

- Em mới là buồn, ông à.

Tôi lặng thinh giây lâu. Cô Sương cởi sợi dây buộc tóc cho mái tóc xỗ dài xuống vai, rồi cô nói:

- Thôi, em đi ngủ. Mai chắc ông dậy đi sớm?

Tôi gật đần nói thêm :

- Nhưng tối mai tôi sẽ xuống đây lại.

Cô Sương đi nép bên mui đò từng bước để ra khoang trước, nơi mụ Xép không biết đã ngủ hay chưa mà nãy giờ không thấy lên tiếng gì cả. Cô quay đầu lại:

- Ông xuống đây mãi mà làm gì, tiền thuê đò, tiền ‘‘này nọ’’ tốn lắm. Sao ông không ngủ nhà?

Tôi nói đùa :

- Ở trên đất chán lắm.

- Không đâu...

Mắt cô hình như mơ màng nhìn lên hàng cây chập chờn ven đường.

- Trưa nào em cũng thấy mấy cô học trò tan trường về, đứng đầy bến đò, trắng cả bờ sông... vui lắm...

Và cô Sương đã ra đến khoang trước, giọng cô thoảng lại nhỏ nhoi và xa vắng trong đêm tối.

-Em không được như họ...

Tôi đứng yên nhìn theo hoài nhưng cô Sương đã vào trong khoang đò với mẹ. Lát sau, tôi cũng vào nằm, không ngủ được nhưng vẫn tắt đèn.

Bên kia vách ván. Có tiếng trở mình nặng nề làm đò hơi chao đi. Tôi nghe chập chờn giọng hai mẹ con nói chuyện:

- Ông khách ngủ chưa con ?

- Lâu rồi.

- Tối nay khá không ? Con đưa được mấy đò?

- Gần mười.

- Ờ. Được rồi. Thôi ngủ đi, sáng sớm nhớ giặt mấy chiếc chiếu, mấy bao gối cũng đã dơ lâu lắm rồi.

- Mẹ khỏi dặn... Này mẹ...

- Gì đó nữa ?

- Thôi... không gì hết, con buồn ngủ rồi, Thôi...

Và hoàn toàn im lặng. Tôi chờ đợi lúc lâu vẫn không nghe thêm lời nào nữa. Cô Sương, cô định thốt lên lời băn khoăn nào, cô sắp sửa cầu xin mẹ một điều gì... nhưng sao tiếng tỏ bầy ước mơ chưa trọn, đã nhẫn nhục câm nín, như nghìn đêm đã âm thầm qua trên dòng sông quen của cô.

Sáng mai, bầy nữ sinh kiều diễm của Huế sẽ rộn ràng khắp đường đi, qua mấy nhịp cầu, qua đò sang sông, thả tay giỡn nước. Áo lụa trắng, cặp da đen và đôi má tơ đào, mắt trong xanh như mùa lá mới.

Ở một góc bến xa hơn, cô Sương sẽ ngồi trước mui đò, giặt những chiếc chiếu bẩn đêm vừa qua. Dòng sông không phải đối với ai cũng êm đềm thơ mộng.

 
HOÀNG NGỌC TUẤN      
 
(Trích từ tập truyện ngắn Chuyện Hai Người) 
 

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2023

TIẾNG GIÓ THÁNG HAI - Nhã Uyên

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Vậy là hết,  chưa gì đã hết Tết

Tết vội qua như ngày tháng vội qua

Hoa mới nở nay rụng khắp sân nhà

Bạn bè cũ nay nói lời  tạm biệt


Chỉ vài tuần  mà tưởng chừng  thân thiết

Mỗi ngày vui  quen những tiếng rao hàng

Trong phố phường  nhộn nhịp bước lang thang

Thành kỷ niệm theo thời gian năm tháng


Trời bên nay mưa  xuân vào buổi sáng

Nhẹ rơi  đều trong tiếng gió  tháng hai

Không gian lạnh  chừng như muốn kéo dài

Những rét mướt của mùa đông năm cũ


Cánh hoa xuân nay đã tàn héo rũ

Mà người đi đi mãi vẫn chưa về

Một mùa xuân chưa tỉnh giấc u mê

Khi người đi... đã đi vào dĩ vãng...



                                  Nhã Uyên