Thứ Hai, 6 tháng 2, 2023

MỘT CÀNH Ô-KIM-ĐAN TÍM - Hoàng Ngọc Tuấn

 

Nhân loại đối với tôi chỉ chia làm hai hạng. Hạng người tôi yêu và hạng người tôi ghét. Nhuệ Giang dĩ nhiên hạng thứ nhất bởi vì  tôi chẳng bao giờ thuộc vào loại mất công nói về những người tôi ghét.

Muốn biết ai là Nhuệ Giang giữa cả triệu người chen chúc nhau ở Sài-gòn cũng thật dễ dàng. Bất cứ ở đâu, lúc nào nàng cũng đem theo một nụ cười đi trước. Khi tôi cảm thấy vừa có một cô gái nào, trong một giây, đã làm cho tôi êm ái chỉ bằng với mầu môi âu yếm của nàng, thì chắc chắn cô gái đó là Nhuệ Giang. Nàng thỉnh thoảng cũng có khóc, ai mà lại không bao giờ khóc được, nhưng tôi tin rằng những giọt nước mắt đó chỉ phụ giúp cho nụ cười của nàng mỗi ngày một thêm phong phú thôi. Tóm lại, mỗi khi gặp nàng, tôi sung sướng lắm.

Bây giờ nhà nàng ở xa tít, gần cổng trường đua Phú-thọ (nhưng may mắn thay, nàng không có máu đen đỏ). Chả bù với hồi trước, lúc nào nàng cũng ở gần bên tôi. Hồi trước, ngày xưa, thủa ấy... Sao mà tôi hay dùng những chữ đó quá. Chẳng lẽ ngày nay tôi không có chuyện gì đáng nói sao? Và còn những ngày mai nữa?

Hay có lẽ bây giờ là một thời đại cuốn hút nhận chìm con người đến bơ phờ trong hiện tại, và đóng chặt mọi cánh cửa mở đến tương lai. Như thế, người ta chỉ còn toàn quyền đối với quá khứ. Mọi người đều trở thành những bà lão ưa kể chuyện cổ tích. Có lẽ tôi cũng thế chăng?

Nhưng chuyện của Nhuệ Giang không phải là chuyện cổ tích huyền hoặc đâu. Các em bé có thể đi ngủ là vừa, chứ đừng trông đợi những bà tiên đầy phép thuật xuất hiện ở đây cả. Và cũng xin mời các người lớn đi ngủ nốt, chẳng có Sexy Show, tiền bạc hay máu đổ gì hết ở đây.

Đây chỉ là câu chuyện của một loài hoa.

Đó là hoa Ô-kim-đan. Chắc chắn là chưa bao giờ có ai nghe đến cái tên này. Tôi mới đặt ra cách đây không lâu. Nếu người ta có thể gọi Washington là Hoa - thịnh - đốn, Paris là Ba - lê thì tại sao tôi lại không thể gọi hoa Orchidée là hoa Ô-kim-đan. Cái tên nghe cũng có vẻ mềm mại xinh xắn đấy chứ. Ít người thích hoa Ô-kim-đan, vì nó trông có vẻ yếu đuối gầy guộc quá. Chỉ một cành mỏng manh, lấm tấm vài bông hoa nhỏ mầu tím, hình như có thêm bông mầu trắng nữa. Chỉ có thế. Giữa chợ hoa, bên cạnh những khóm hoa hồng lộng lẫy tươi tắn, những bó glaieul rực rỡ, những cánh anh đào trẻ trung, những bông cúc vàng thơ mộng, hoa Ô-kim-đan thật thua sút rõ rệt. Một bó chỉ chừng vài chục đồng, và mỗi chiều ế khách, hoa nằm tơi tả héo úa trông thật tội nghiệp.

May mà đến một đêm kia, như nhờ một phép mầu, hoa Ô-kim-đan bỗng trở thành một loài hoa yêu kiều, đẹp tuyệt vời nhất trong tất cả các loài hoa. Đêm đó, không hiểu sao Nhuệ Giang mua một cành Ô-kim-đan đem về cắm trong chiếc bình nhỏ, đặt trước mặt nàng. Và đơn giản chỉ có vậy, thế mà, thị trường buôn bán hoa ở đường Nguyễn Huệ bị đảo lộn kinh khủng. Hoa Ô-kim-đan trở thành loài hoa chúa tể, hoa hoàng hậu, đắt giá nhất, gấp ngàn lần những bông hồng nhung màu đen hay cả một chậu mai vàng trong ngày Tết. Người ta tới tấp lên Đà-lạt đặt hàng, hãy gởi về thêm nhiều hoa Ô-kim-đan hơn nữa, hãy trồng thêm nữa. Thế là những nhà trồng tỉa đua nhau dẹp bỏ những vườn bắp cải, xà lách để dành đất trồng hoa Ô-kim-đan.

Cả nước lên cơn sốt, đúng hơn là lên cơn say ngây ngất vì hoa. Đất đai thay vì để dành xây cất bin-đinh cho Mỹ mướn, người ta phá nhà, tống cổ đô la đi để dành hết cho việc vun trồng hoa Ô-kim-đan, lúc này đã lên giá một cách khủng khiếp và các chuyên viên về kinh tế tiên đoán rằng nền kinh tế quốc gia cỏ thể nhảy vọt cường thịnh nhờ kỹ nghệ hoa Ô-kim-đan, như kỹ nghệ trái cây ở một vài quốc gia nam Mỹ. Dân chúng sẽ giàu có, chiến tranh đương nhiên sẽ chấm dứt. Những bãi chiến trường trở thành những vườn thanh bình trồng toàn là hoa Ô-kim-đan. Ô-kim-đan, Ô-kim-đan... lúc bấy giờ khắp mọi nơi người ta chỉ nghe nói đến ba chữ Ô-kim-đan mặc dầu chẳng ai chịu biết rằng tôi là tác giả của cái tên đó.

Tại sao hoa Ô-kim-đan lại một sớm một chiều lên tận chót đỉnh vinh quang như thế?

Như tôi đã nói trước rồi, hoa Ô-kim-đan không lấy gì là đặc sắc cả. Vậy phải có một lý do nào khác chứ... Để tôi cố nhớ lại xem... Phải rồi. Một đêm kia, nàng khoe tôi mới đem về một cành Ô-kim-đan tím, sau vài chai bia tôi mơ màng nhìn thấy hoa đã cài lên mái tóc nàng, tôi mới chợt nhận thấy nhánh hoa ấy thật tuyệt vời. Tất cả những cái gì gần gũi bên cạnh nàng đều trở nên tuyệt vời, kể cả tôi nữa nếu tôi chịu khó không bao giờ rời xa nàng một phút.

Nhưng đáng tiếc thay, đã có một khoảng thời gian dài tôi xa nàng nhiều quá.

*

Công việc của Nhuệ Giang thật đẹp.

Trước đó nàng làm thư ký đánh máy cho một cơ sở rất thường quên trả tiền lương cho nàng mỗi tháng. Nàng không thể nhắc nhở hoài chuyện tiền bạc đó được. Một ngày kia nàng vứt cả bàn đánh máy chữ lẫn giấy pelurestencil ra khỏi cửa sổ.

Từ đó nàng làm "két-xe" cho một quán cà phê nhỏ nhưng không khí ở đây rất tưng bừng vui vẻ. Mỗi đêm, nàng chỉ việc ngồi sau một chiếc bàn con, bên cạnh là khung cửa sổ mở hướng ra phía đường, thế là những anh chàng nào đêm đêm đi lang thang ngoài phố sẽ sững sờ khi nhìn thấy đằng xa một cái quán nhỏ tối tăm mù mù, nhưng ánh đèn vàng cũng đủ hắt ra từ cửa sổ soi sáng khuôn mặt mờ mờ ảo ảo của nàng. Chằng mấy chốc, mọi con đường đều dẫn đến quán có cô Nhuệ Giang.

Mọi người đến đây nhấm nháp một chút cà phê, nghe âm nhạc lơ mơ bên tai từ chiếc máy cũ, thật ra họ ngồi đây vì có nàng. Chỉ trừ ra tôi. Tôi có mặt thường xuyên ở quán này vì một lý do đơn giản, tôi là một nhân công thường xuyên trong quán, không thể vắng mặt bất cứ vì lý do gì được.

Chỗ tôi làm việc sát bên cạnh nàng nhưng tôi đâu có được ngồi mơ mộng với một cành hoa Ô-kim-đan tím như nàng. Tôi phải đứng đến mỏi cả chân với một lô dụng cụ nhà bếp, nào là bình thủy, lò lửa nấu nước sôi, hàng chục "phin" cà phê, ly tách, muỗng dĩa, nước đá chặt liên tiếp mỏi dừ cả tay, dư được phút nào là lo rửa ly tách bẩn ngay cho kịp.

Quán càng đông khách càng làm tôi cuống cuồng mệt nhọc thêm vì tôi là tên chuyên viên nhà bếp duy nhất của quán. Cứ tưởng tượng cả một bầy người đứng chen chúc trước quầy, gân cổ thi nhau thúc hối tôi phải làm thỏa mãn họ... Tôi xoay như chong chóng, ngậm một điếu thuốc trước môi mà không có thì giờ hút. Tôi đâm ra cáu kỉnh có tính. Thỉnh thoảng một tên khách nào đó sốt ruột la lên:

- Cho tôi một ly cà phê đen đi ông đầu bếp ơi.

- Hết nước sôi rồi, ráng đợi chụm lửa nấu bình khác nghe bồ.

- Còn cà phê của tôi, sao không có đá?

- Nước đá còn cả cây để sau bếp, bồ cứ việc ra chặt lấy vài miếng uống.

- Trời ơi, còn chai co-ca của tôi, tôi đợi cả giờ rồi.

- Hết cả rồi. Ráng chờ lấy lại vỏ chai đem ra tiệm đổi thêm đã.

- Ly đá chanh của tôi sao không pha thêm chút rượu Rhum?

- Hết rượu rồi.

- Đâu được... phải cho thêm chút rượu, tôi muốn say mà.

- Thế thì dễ quá. Khỏi cần rượu gì cả, bồ cứ nhìn vào mắt cô Nhuệ Giang một lát, bồ sẽ say sưa quay cuồng ngay.

Cứ thế, cảnh tượng trong quán diễn ra một cách luộm thuộm, vô tổ chức từ đâm này qua đêm khác, mỗi ngày lại càng lộn xộn bê bối thêm vì ly tách bị làm vỡ hay đánh mất gần hết.

Tôi phải làm việc đến toát mồ hôi, chẳng có thì giờ đâu mà nghe một bản nhạc hay nói với Nhuệ Giang một câu gì. Chỉ có nàng là sung sướng nhất, và tôi cũng đồng ý nàng rất xứng đáng với niềm sung sướng đó. Công việc của nàng thật đẹp, mỗi chiều nàng ra phố mua một cành hoa, tỉa bớt cành lá và cắm rất khéo tay trong chiếc bình để trở thành một món trang sức lộng lẫy cho chính nàng và cả quán. Rồi nàng chỉ ngồi yên một chỗ, thỉnh thoảng thay một băng nhạc mới, dư thì giờ nàng mỉm cười với mọi người và nụ cười của nàng dễ thương đến độ ai cũng tưởng là nàng chỉ cười riêng cho mình. Hồi đó tôi cũng trót dại tưởng thế mới chết chứ. Đến khuya, khi khách đã về hết, nàng tính toán tiền trong sổ sách xong rồi thảnh thơi về nhà. Tôi lại phải mượn một chiếc xe gắn máy để chở nàng về, chạy thật nhanh vì còn trở lại quán dọn dẹp bàn ghế này nọ.

Khi đứng trong bóng tối trước cổng nhà, nàng chỉ nói với tôi một câu cám ơn ngắn và hẹn đến đêm mai. Như thế, công việc của nàng trong một đêm đã chấm dứt. Còn của tôi thì không, ngay trong giấc ngủ tôi cũng mơ thấy cả trăm người vây chặt lấy tôi, kêu gào van xin những ly cà phê, những ly nước đá với giọng lải nhải tru tréo đến rợn người.

*

Tiếng nói của Nhuệ Giang thật đẹp

Nàng là dân Bắc-kỳ, tỉnh Hà-đông. Giọng nói của nàng có đủ tất cả những quyến rũ dụ dỗ nhất đặc biệt của người gốc Bắc, nhưng lại không hề có thêm một chút gì chua ngoa đanh đá cả. Nên tôi thích lắng tai nghe nàng nói lắm. Tôi trở thành một người tò mò hay thắc mắc nhất thế giới, tôi phải luôn luôn có đủ thứ câu hỏi để chờ nghe nàng trả lời. Cả đến những câu hỏi vô duyên nhất.

Ví dụ như:

- Giang có chồng chưa?

- Hỏi nhảm. Biết là chưa rồi mà.

- Thế có người yêu chưa?

Câu sau này thật nhảm nhí hơn nữa vì một thiếu nữ dễ yêu như nàng làm sao mà chưa có người yêu được. Tôi đoán nàng phải có ít nhất là một trăm người yêu nàng và nàng yêu lại họ theo tỷ lệ cao nhất là 10 phần trăm. Vậy nếu tôi dại dột xếp hàng vào người thứ một trăm lẻ một, chắc nàng sẽ khó lòng tính toán lắm, 10% của một trăm lẻ một người là bao nhiêu? Là 10,1. Mười người thêm với một phần 10 của người cuối cùng. Như thế hóa ra nàng chỉ yêu 1/10 của toàn thể con người tôi, là chỉ mớ tóc bờm xờm trên đầu, còn lại 9/10 của tôi đều bị nàng ghét hết hay sao?

Cứ như thế, suốt ngày nàng liên miên trả lời những câu hỏi đặt ra không ngớt của tôi. Nàng không biết trong lúc trả lời một cách vô tình, những lời nói đó của nàng đã biến thành âm điệu êm đềm thánh thót và tôi hết lòng ngây ngất đón nhận.

*

Tuổi tác của Nhuệ Giang thật đẹp

Bởi vì thật ra nàng là người đàn bà không có tuổi. Năm tháng, chẳng ảnh hưởng tí nào đối với nàng cả. Hoặc đôi lúc nàng đi ngược chiều với thời gian, nghĩa là hồi nàng còn bán ở quán cà phê, nàng được khoảng 18 tuổi, thế mà hơn hai năm sau, khi gặp lại nàng, với chiếc áo đầm trắng, môi hồng đào, da bồ quân, tóc xanh... nàng lại trông có vẻ chỉ như mới mười sáu tuổi. Không gặp nhau lâu quá nàng mừng rỡ (cứ cho là như thế đi) ôm chầm lấy tôi ngay khi tôi vừa lớ ngớ trên vỉa hè. Mọi người đang đông đảo chung quanh, sao mà không tan biến hết đi, tìm chỗ khác chơi hết đi để cho tôi có thể yên lòng thưởng thức da thịt êm đềm của nàng tựa sát bên vai tôi.

Tôi cũng vui mừng sung sướng quá đỗi, định ôm lấy người nàng tỏ nỗi nhớ nhung thân ái, nhưng nàng đã mau lẹ đẩy tôi ra. Khuôn mặt của tôi chắc trông có vẻ mau già dặn quá, lại thêm một chút nham nhở nào nên nàng vội đứng cách xa tôi đến nửa gang tay. Nàng huyên thuyên hỏi về đủ chuyện, ra sao thế nào, ở đâu, tại sao lâu ngày... vân vân... Tôi chỉ kịp trả lời vắn tắt cho nàng biết lâu nay tôi như một người đã tật nguyền không xương sống vì thiếu vắng nàng. Tôi hỏi nàng đến bao giờ nàng mới chịu trở về làm chiếc xương sườn của tôi. Nhưng nàng cười, cho rằng tôi nói đùa. Tôi hay đùa nghịch quá nên có khi tôi nói những lời thành thật đứng đắn nhất, nàng vẫn cứ nghĩ là tôi đang làm trò khôi hài. Nàng không biết tôi là tên hề vĩ đại nhất của đời nàng, kẻ vẫn thường dệt những tấm thảm đan đầy nụ cười cho nàng, bằng những sợi tơ đau buồn rút ruột.

Nhưng thật khó mà giải thích cho nàng điều ấy. Nàng làm tôi quên ngay mọi chuyện khi kéo tôi vào, giới thiệu cho tôi một cái quán cà phê mới mở. Quán sang trọng, màu mè và rất đáng chán. Không có một cành Ô-kim-đan nào cắm trong bình. Đây là ngày khai trương, tôi được ăn uống "chùa" mấy chai bia và bánh ngọt, nàng dúi thêm vào tay tôi một trái ổi xanh giống như nàng thường dúi mấy điếu thuốc lá lẻ cho tôi, vào ngày xưa (trời ơi! lại "ngày xưa" nữa!)

Rồi người ta nhờ nàng thay mặt quán mới đứng lên nói vài lời tuyên bố khai mạc. Nàng lí nhí nói gì đó tôi cũng không nghe rõ micro như là dáng điệu tung tăng như một cánh bướm đêm của nàng đã lấn áp tất cả mọi thứ. Tôi chỉ thoáng nghe đoạn cuối để kết luận, nàng nói rằng là muốn mời tôi lên "nói vài lời" cảm tưởng về cái quán nầy, với tư cách là cựu đầu bếp của một cái quán cà phê khá nổi danh đã dẹp tiệm từ lâu.

Trời ơi! Nàng không biết tính tôi ít khi thích nói trước đám đông người hay sao? Nói với mọi người cũng là một điều khá khó khăn đối với tôi rồi, thông thường tôi chỉ nói một mình với tôi, như một kẻ quẫn trí chỉ thích độc thoại vì tin tưởng rằng trên đời nầy chỉ có một thính giả hiểu biết nhất của mình, là chính mình. Tôi bèn xin lỗi nàng cho tôi được phép im lặng như thường lệ, vì tôi cóc có ý kiến cảm tưởng gì ráo. Tôi vui là tôi vui, tôi yêu là tôi yêu. Làm thế nào mà dám đứng trên bục gỗ, oang oang giọng phát biểu: Thưa quý vị, tôi xin trình bày cùng quý vị vài cảm tường về tình yêu của tôi: Tại sao lại yêu? Yêu như thế nào? Yêu ra làm sao Yêu cho ai? Yêu có ích lợi gì?... vân vân...

Cuối cùng, tôi chỉ nói:

- Sớm mai, tôi sẽ mua một cành Ô-kim-đan tím cho quán nầy.

Nhưng đó là lời hứa cuội. Chẳng có đêm mai nào cả, chẳng bao giờ nữa. Không phải lúc nào, không phải bất cứ một nơi nào cũng xứng đáng được cắm một cành Ô-kim-đan. Hoa Ô-kim-đan tuy được trồng trên đất thô và phân bón quê mùa thật đấy, nhưng tôi yêu hoa mất rồi, khi hoa được ca ngợi bằng trái tim tình tự chân thành nhất, là hoa phải được, chỉ được cắm trên một trái tim đồng điệu khác. Xin thiên hạ đừng lạm dụng những cành Ô-kim-đan yếu đuối ấy.

*

CHIẾC QUẦN DÀI ĐEN LÁNG CỦA NHUỆ GIANG THẬT ĐẸP

Thôi... tôi không dám nói nhiều về điều nầy đâu, nàng có thể cho tôi là người không đứng đắn.

*

TÓM LẠI NHUỆ GIANG THẬT ĐẸP VỀ TẤT CẢ CÁC THỨ.

Điều nầy nếu ai còn nghi ngờ xin cứ tự mình thử thách tìm hiểu. Tôi đã cho biết địa chỉ của nàng rồi, nhưng nhớ đừng đi lạc vào trường đua Phú-thọ, ở đấy người ta chỉ nhìn thấy và ca ngợi sắc đẹp của những con ngựa về nhất.

*

ĐÁM CƯỚI CỦA NHUỆ GIANG THẬT ĐẸP.

Điều nầy chỉ có ý nghĩa trong một ngày mai sắp đến. Tôi biết nàng đã quá chán những lời ba hoa tán tỉnh, nàng đã quá thừa những vụ đưa đón mời mọc rồi.

Hỡi những người đàn ông lịch sự nhất thế giới, đừng đòi xin bàn tay của nàng nữa, mà phải âu yếm cầm lấy tay nàng và đeo chiếc nhẫn cưới thiêng liêng gắn bó nhất của đời mình vào ngón tay áp út của nàng.

Và phải nhanh chân lên mới có hy vọng được tên tuổi nằm trong đoạn cuối cùng của câu chuyện này: Đám cưới của Nhuệ Giang.

Khi sách được xuất bản, tôi sẽ điền thêm tên của bạn vào chỗ này đó.

Nhưng nhớ là trong cuộc chạy đua nước rút này, bạn phải hết sức nhanh nhẹn và thành thật mới được. Nếu tất cả mọi người đều chậm chạp và giả dối, e rằng chính tôi sẽ về nhất đấy...


1971                      
HOÀNG NGỌC TUẤN       

(Trích từ tập truyện ngắn CÔ BÉ TREO MÙNG, nxb Trí Đăng 1972)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét