– Huy đấy hả? Hải đây.
– A! anh Hải. Lâu lắm rồi mới được nghe lại giọng của anh. Anh chị vẫn bình thường cả chứ ?
Hải cười hề hề:
– Thì vẫn vậy. Còn cậu thì sao? Dễ đến sáu tháng nay mình không gặp nhau rồi đấy nhỉ? Cậu có gì vui không hay là vẫn sô lô vò võ một mình.
– Gớm, nghe anh nói mà tôi cứ tưởng mình đang rũ dần rũ mòn. Cuộc sống sô lô nó cũng có những cái thuận lợi riêng của nó chứ. Nhưng mà này, chắc anh điện thoại cho tôi không phải chỉ vì tấm lòng ưu ái quan tâm đến chuyện độc thân tại chỗ của tôi đấy chứ.
– Cũng chưa thể nói là đúng hay là sai một cách vội vã được. Cái đó cũng còn tùy.
Huy la lên:
– Gớm! Sao mà hồi này anh lại sinh tật úp úp mở mở, hồi trước đâu có thế.
– Thì chuyện đâu vẫn còn đó. Thôi này, nghe tôi hỏi, cậu còn nhớ Quỳ không?
– Cô Quỳ cũng chia một căn phòng trong nhà anh chị ấy à?
– Còn ai vô đấy nữa. Hiện nay, cô ấy vẫn còn ở đây. Cuối tuần này, chúng tôi tổ chức mừng sinh nhật Quỳ nên mới điện thoại mời cậu đây.
Huy ngớ người ra như không tin ở lỗ tai của mình. Phải lặng đi một giây, chàng mới lên tiếng hỏi, giọng còn đầy vẻ ngạc nhiên:
– Anh nói cái gì? Tổ chức sinh nhật cho cô Quỳ đấy à? Chuyện lọa ở đâu ra mà động trời như vậy.
Ở bên đầu dây, Hải cười rất thích chí:
– Thì thế mới mất công điện thoại cho cậu. Nào, có nhận lời hay không thì nói quách đi cho rồi. Cấm hỏi han gì lôi thôi.
Huy láu táu:
– Được chứ. Chỉ nội một cái sự lọa ấy cũng đủ để cho tôi hy sinh một buổi chiều cuối tuần rồi.
Sau khi hỏi lại ngày giờ buổi tổ chức sinh nhật, Huy cúp điện thoại xuống mà lòng chưa hết xốn xang. Có thể nói, đối với Huy, Quỳ là một nhân vật khá kỳ lạ. Nàng không còn trẻ lắm, ước chừng ngoài ba mươi, không đẹp nhưng khuôn mặt khả ái với nước da trắng mịn màng và một mái tóc óng ả, buông xõa tới ngang lưng. Nàng rất ít nói, lại càng không hay cười, hầu như trong một thời gian gần một năm trời ở chia phòng tại nhà anh chị Hải, chưa một lần nào Huy bắt gặp một nụ cười của nàng trên vành môi lúc nào cũng ửng mầu hoa đào. Nàng có một tâm sự u uẩn, điều này hiện rõ trong đôi mắt đen láy, khá to, ẩn dưới đôi lông mày tuy không được chăm sóc nhưng cũng rất cong, và dài, đôi mắt đượm vẻ thờ ơ như phản chiếu một tâm hồn lúc nào cũng chìm đắm trong một thế giới riêng biệt, không quan tâm đến bất cứ một sự việc gì đang xẩy ra ở chung quanh.
Hôm đầu tiên đến thuê phòng ở nhà anh chị Quảng, chị ấy đã giải thích:
– Nếu anh cần sự yên ổn thì ở đây là lý tưởng. Chúng tôi chỉ có hai vợ chồng, không con cái, ở một phòng. Một phòng nữa đã có người thuê từ hai năm nay. Rất kín đáo, rất ít lời, không bao giờ làm phiền ai….
Hải thật thà xen vào:
– Nói thế thì cũng không đúng hẳn. Cũng phải cho anh ấy biết kẻo sau này lại trách là mình không nói trước. Người thuê căn phòng bên cạnh là một phụ nữ rất kín đáo, điều đó đúng, nhưng cô ta sống bằng nghề may thuê. May tối ngày, sáng đêm, bẩy ngày một tuần, bất kể là ngày thường hay thứ bẩy, chủ nhật. Tuy nhiên, tiếng máy chạy cũng không ồn lắm đâu. Tôi đã dành một phần cái gara cho cô ấy sử dụng.
Điều này, đối với Huy cũng không có gì phiền hà lắm. Một vài đêm đầu dọn tới ở, giấc ngủ của Huy thường được ru bằng tiếng máy chạy rù rì. Nhiều hôm thức giấc vào quá nửa đêm, Huy vẫn còn nghe thấy tiếng máy chạy. Có lần Huy tò mò hỏi Hải:
– Cô Quỳ sống độc thân, có gì phải lo mà sao cô ấy làm việc dữ vậy. Suốt gần một tháng ở đây, tôi chưa thấy lúc nào cô ấy nghỉ ngơi hay giải trí.
Hải cười:
– Người ta xây dựng tương lai đấy. Quả là một người kiên trì số một.
Rồi Hải hé cho Huy biết sơ qua một chút về đời sống riêng tư của nàng. Quỳ sang đây đã hơn ba năm. Diện tỵ nạn vì nàng đã vượt biển cùng với gia đình chỉ gồm có một bà mẹ và một em gái. Bà mẹ không may đã chết vì kiệt sức trên biển. Cô em gái thì đã lấy chồng và rời đi một tiểu bang khác. Thế là nàng chỉ còn sống đơn phương có một mình. Tuy nhiên niềm hy vọng của nàng trước sau không bao giờ thay đổi. Bởi vì nàng còn có người hôn phu còn kẹt lại ở Việt Nam. Hai người tuy chưa chính thức đính hôn, nhưng Quỳ vẫn tự cho là mình đã gắn bó và tất cả niềm vui cũng như năng lực của nàng, bây giờ là dành cho những dự định tương lai. Kiếm một số vốn rồi trở về Việt Nam làm hôn lễ. Đó là lý do nàng đã sống trong suốt mấy năm trời cuộc đời của một chinh phụ chờ chồng. Không ra ngoài. Không bạn bè. Không giao tiếp với ai. Mục tiêu duy nhất của nàng ở cái xứ sở xa lạ này là kiếm tiền bằng những giờ cặm cụi may vá. Thật là một mẫu người phụ nữ tuyệt hảo trong lãnh vực trung thành với tình yêu.
Vậy mà hôm nay Hải lại mời chàng đến dự một buổi sinh nhật của Quỳ, thì làm sao chàng không thể ngạc nhiên cho được. Hẳn là phải có một sự thay đổi gì rất lớn lao mà Huy tò mò muốn biết. Chàng sẵn sàng hy sinh một buổi tối cuối tuần để tìm hiểu xem chuyện gì đã xẩy ra cho con người thầm lặng và trung kiên như thế.
Buổi họp mặt không đông đảo như Huy dự tưởng. Cả thẩy chỉ có sáu người. Anh chị Hải, Quỳ, Huy và thêm một cặp vợ chồng già, những người đã đến thuê căn phòng mà trước đây Huy đã dọn đi. Chỉ cần điểm mặt sơ qua, Huy đã thấy ngay được dụng ý của Hải. Anh chàng này chắc toan tính làm chuyện môi giới gì đây. Điều này làm Huy có ý nghĩ vui và khiến chàng chú ý đến Quỳ một cách đặc biệt hơn.
Hôm nay nom Quỳ hoàn toàn khác hẳn với hình ảnh mà Huy vẫn mường tượng trong đầu. Trước hết là ở việc trang điểm, một điều mà trước đây chưa bao giờ Huy được thấy nơi nàng. Với nước da trắng và mịn màng, chỉ cần thoa phớt lên một lớp phấn hồng, và đôi lông mày tô hơi đậm hơn lên một cách kín đáo cũng đủ khiến cho Quỳ lộng lẫy hẳn lên. Thêm vào đó, y phục của nàng cũng hoàn toàn đổi khác. Một chiếc áo sơ mi lụa mầu đen có điểm những nụ lấm tấm hoa vàng, mái tóc chải kỹ hơn, xõa xuống hai bờ vai tròn trịa và buông lơi vài lọn xuống cổ áo phía trước để lộ ra một làn da trắng nuốt nổi lấp lánh một sợi dây có gắn một mặt nạm đá quý mầu xanh biếc. Một mùi nước hoa bay thoảng trong căn phòng chật hẹp, rất nhẹ nhàng, phảng phất nhưng cũng đủ khiến cho Huy cảm thấy ngất ngây. Lòng Huy chợt rộn lên một niềm xao xuyến khó tả và chàng tự trách thầm rằng một đóa hoa quý như thế mà sao trong suốt hơn một năm trời sống ngay ở kế bên mà chàng nhìn không ra.
Quỳ đón tiếp Huy bằng một nụ cười. Hai mắt của nàng linh động, lấp lánh. Nàng cất tiếng nhỏ nhẹ:
– Cám ơn anh Huy đã tới. Tôi tưởng anh không còn nhớ đến mọi người ấy chứ.
Huy ấp úng, và thấy rõ mình không kiểm soát được mình:
– Sao…. Sao mà tôi quên được. Cô là một mẫu người siêng năng hiếm có.
Quỳ bật lên cười:
– Suốt ngày cắm cúi vào cái máy may bất kể mọi người chung quanh phải không?
– Vâng… chính điều đó làm tôi ngạc nhiên. Tôi không bao giờ nghĩ rằng lại có một buổi như hôm nay.
Vừa nói, Huy vừa đặt bó hoa hồng lên mặt bàn. Chàng có cảm giác mình đang lấy lại sự thoải mái tự tin thường ngày:
– Thật đấy chứ! Ngay cả lúc tôi vào tiệm mua bó hoa này, mà vẫn ngỡ như mình nằm mơ!
Chị Hải cười ròn rã xen vào:
– Thôi xạo vừa chứ ông ơi. Chứ không phải ông mới chỉ bắt đầu thấy mình mơ từ lúc vừa bước chân vô phòng này à?
Huy mỉm cười tự nhủ, cái nhà bà này lúc nào cũng đầy vẻ tinh quái:
– Ôi, chị Hải ơi, chị đừng có tố cáo tôi như thế cho tôi được phận nhờ chứ.
Trong một thoáng ngắn ngủi, Huy thấy ánh mắt của Quỳ chợt lóe lên và hai má của nàng hơi ửng hồng. Tự nhiên, chàng có cảm giác ngọt ngào như vừa được nhấp một chút hơi men. Buổi tiệc sinh nhật diễn ra trong bầu không khí hết sức cởi mở và thân tình. Sau phần cắt bánh và mọi người ngồi nhấm nháp với ly trà đượm ngát hương sen, chị Hải nói:
– Trà này cô Quỳ đem từ Việt Nam qua đấy. Đúng là trà sen thứ thiệt.
Anh Hải giơ tay coi đồng hồ và nói:
– Mới hơn chín giờ, kể là còn sớm. Tôi đề nghị cậu Huy lái xe đưa cô Quỳ đi dạo mát một vòng.
Huy chưa kịp phản ứng thì Quỳ đã nói:
– Kể ra anh chị thật đã hết sức tận tình. Thì đi một vòng có sao. Cái đó chỉ còn tùy ở anh Huy thôi.
Huy vội nói:
– Thật không có điều gì hân hạnh cho tôi bằng.
Thế là chỉ trong vòng không đầy hai mươi phút sau, Hải và Quỳ đã rời trung tâm thành phố để đi dọc theo con đường chạy ven bờ biển. Một bên là những hàng cây cao in bóng từng tàng lá rậm rạp xuống mặt đường để lại những lốm đốm sáng lay động qua ánh trăng của một đêm chưa qua hạ tuần. Một bên là khoảng trống bao la, tầm mắt có thể phóng tới tận chân trời, ở đó biển như một tấm màn nhung xanh thẫm thỉnh thoảng lại nổi lên một vài sánh đèn lấp lánh của những con tầu nhỏ đang buông neo hay di chuyển chậm rì.
Khung cảnh hoàn toàn yên tĩnh và Huy có cảm giác như đang đi trong một giấc mơ huyền ảo. Chàng hết sức gượng nhẹ đến cả từng hơi thở để không làm khua động Quỳ lúc đó đang ngả đầu trên thành ghế và dõi cặp mắt đăm đăm nhìn ra phía ngoài xa. Nét mặt của nàng rất bình thản, hầu như nàng đã rũ bỏ được mọi nỗi phiền muộn trong đời sống để tận hưởng những giây phút hiếm hoi êm ả, thanh tịnh và vô tư như bây giờ.
Chiếc xe của Huy vẫn trôi đi trong êm ái, nhẹ nhàng. Con đường trước mặt tuy quanh co nhưng càng lúc càng xa thành phố nên bóng cây thưa dần và đã đi sát vào mé biển. Trong không gian yên tĩnh, hai người đã bắt đầu có thể nghe thấy tiếng sóng rì rào vỗ lên ghềnh đá. Đến một khúc quanh mở rộng, có khoảng đất trống đủ để làm chỗ đậu cho nhiều xe cộ nghỉ ngơi, chợt Quỳ nói:
– Mình ngừng ở đây đi anh. Ở đây khung cảnh có vẻ giống như bãi Dâu ở Vũng Tàu.
Huy lẳng lặng lái xe vào chỗ đậu và tắt máy. Bây giờ thì chàng có đủ thời giờ để quay sang nhìn ngắm khuôn mặt của Quỳ một cách chăm chú hơn. Trong ánh sáng trăng mờ nhạt, đôi mắt của Quỳ đen và sâu thăm thẳm. Quỳ có vẻ không né tránh cái nhìn của chàng. Thái độ ung dung của nàng biểu lộ một vẻ đầy tự tin như thể nàng ý thức rất rõ mình đang đi đến đâu, muốn làm gì. Rồi nàng cất tiếng:
– Tôi biết là anh có điều băn khoăn từ chập tối. Hẳn là anh muốn biết tại sao tôi lại có thể hoàn toàn thay đổi lối sống nếu so tôi bây giờ với thời kỳ anh còn ở chung căn nhà với anh chị Hải.
Huy mỉm cười:
– Nếu cô không lên án là tôi tò mò thì xin thú thật, quả là tôi hết sức băn khoăn, thắc mắc về chuyện đó.
– Thế thì để tôi giải thích cho anh nghe. Hẳn anh cũng rõ, trước đây tôi có một vị hôn phu còn sống ở Việt Nam.
– Vâng. Tôi có nghe anh Hải nhắc tới.
– Anh ấy là lẽ sống của đời tôi trong suốt những năm dài kể từ khi tôi đặt chân lên đất Mỹ. Đối với tôi, hồi đó, chỉ có một mục tiêu duy nhất. Đó là làm việc thật cật lực để gây dựng một cái vốn và trở về làm đám cưới. Hồi đó tôi sống ở đây, mà hồn lúc nào cũng chìm đắm trong giấc mơ trở về quê hương. Không hẳn tôi chỉ có nhớ thương một mình anh ấy, mà nỗi nhớ của tôi bao trùm lên mọi thứ. Tôi nhớ căn nhà tôi đã ở. Nhớ con đường tôi đã đi. Nhớ từ những viên sỏi bên vệ đường cho đến những sợi khói bay tản mạn trên từng đống lá khô đang bị đốt cháy. Quê hương, đối với tôi, càng đi xa càng thấy nhớ quay quắt, từng giờ, từng phút trôi qua trong một ngày, từng tiếng nói, giọng cười không chỉ của người thân mà cả những hình ảnh chợt đến, chợt đi trong ý nghĩ của tôi. Đầu óc của tôi, lúc nào cũng chỉ bám chặt một ước muốn không rời: “Trở về. Trở về. Trở về”. Nói như thế để anh thấy, tại sao tôi không màng gì tới bất cứ một sinh hoạt nào ở bên đây, kể cả việc giao thiệp, bạn bè, hay những buổi giải trí cuối tuần. Không phải tôi muốn xa lánh mọi người ở đây. Nhưng chính là tôi muốn rút ngắn thời gian mòn mỏi nơi xứ người bằng cách hối hả, cặm cụi làm việc để kiếm tiền.
Huy chen vào:
– Và cô đã thực hiện được điều ước muốn của mình.
Quỳ mỉm cười:
– Vâng! Tôi đã dành dụm được đủ số tiền dự trù và gần hai tháng trước tôi đã thực hiện được chuyến về Việt Nam.
– Tuyệt diệu!
– Cứ cho là như thế đi. Bởi vì tôi đã làm được một công việc mà tôi đã dự tính trong nhiều năm.
Huy hấp tấp hỏi:
– Kể cả chuyện cô định làm đám cưới chứ.
Quỳ nhìn Huy không đáp, nàng chỉ khẽ lắc đầu. Huy như người hụt hẫng:
– Vậy thì… vậy thì anh ấy đã không chờ cô.
Mắt Quỳ chợt sáng lên. Nét mặt của nàng đột ngột biến đổi như tâm hồn của nàng vừa kéo qua một đám mây buồn bã, u uẩn:
– Không phải vậy đâu. Anh ấy vẫn chờ tôi. Và cả hai chúng tôi đều có đầy đủ điều kiện để thực hiện một cuộc sống chung.
– Thế thì thực tình tôi không hiểu chuyện gì đã xẩy ra.
Quỳ bật lên cười:
– Chính tôi cũng đã nhiều ngày, nhiều đêm tự đặt ra cho mình câu hỏi y như vậy, nhưng chưa bao giờ tôi tìm được câu trả lời cho nó thỏa đáng cả.
Huy hăm hở:
– Tôi nghĩ rằng mấu chốt của vấn đề nó nằm ở đâu đó mà cô chưa nhận diện được nó đấy thôi. Tôi hy vọng là tôi có thể giúp cô nếu cô không cho là quá tọc mạch vào chuyện riêng tư.
Quỳ lắc đầu:
– Không… Không… tôi chẳng có điều gì thấy cần phải giấu giếm ai cả. Chỉ sợ cứ nói mãi về cái tôi của mình… e mất thì giờ của anh.
Huy quay hẳn người qua phía Quỳ để hai người trực diện với nhau. Bây giờ thì chàng nhận thấy đôi mắt của Quỳ mở to hơn trước, và chàng đọc được ở đó một nét buồn phảng phất, nó khiến cho vẻ mặt của nàng bỗng xa vắng đi. Tuy nhiên, chỉ một thoáng giây sau, nàng lấy lại được vẻ linh động qua một nụ cười hết sức hồn nhiên. Nàng đổi giọng vui vẻ:
– Này nhé, khi trở về quê nhà, chính anh ấy đã đón tôi ở phi trường bằng chiếc xe hơi mà anh ấy đã đi thuê, với cả tài xế lái nữa. Điều này dễ hiểu, vì khung cảnh chèo kéo, giành giật hành khách ở ngoài vòng rào phi trường nó sô bồ, phức tạp lắm.
– Cảm nhận đầu tiên lúc cô trong thấy anh ấy là như thế nào. Cô có thấy anh ấy thay đổi gì nhiều không, về mặt hình thức thôi.
Quỳ suy nghĩ rồi trả lời:
– Có lẽ không có gì quan trọng. Gần bốn năm trời trôi qua rồi, ai cũng phải có điều đổi khác chứ. Tôi không thấy mình quan tâm chút nào khi gặp lại thấy anh ấy có già dặn đi hơn một chút, phong trần, từng trải hơn một chút, mà có lẽ anh ấy cũng tìm thấy ở tôi những nét như vậy.
– Điều quan trọng là anh ấy vẫn yêu cô. Và anh ấy đã biểu lộ tình yêu đó một cách nồng nàn ngay từ phút đầu gặp lại cô chứ?
Quỳ mỉm cười:
– Chúng tôi đã ôm nhau ngay ở cửa phòng đợi của phi trường. Chúng tôi vô cùng xúc động ghì lấy vai của nhau. Tôi chỉ không cho anh ấy hôn tôi trước mặt mọi người thôi.
Ngừng lại một giây, chợt giọng của Quỳ trầm hẳn xuống:
– Tại giây phút đó, tôi chợt bị rơi vào một cảm giác khác lạ khi tôi phát giác ra rằng, anh ấy đeo một chiếc đồng hồ có vẻ rất đắt tiền với một sợi dây bằng vàng ối. Điều này hoàn toàn bất ngờ đối với tôi.
Huy hơi mỉm cười, vẻ riễu cợt:
– Chắc cô thắc mắc về sự anh ấy đã không giữ lại cái đồng hồ kỷ niệm nào đó mà cô đã trao tặng anh khi hai người chia tay phải không?
Quỳ lắc đầu lia lịa:
– Không… không… tôi chẳng tặng anh ấy một chiếc đồng hồ nào cả. Vấn đề là ở chỗ, trong suốt thời gian cặm cụi làm việc ở Mỹ, tôi vẫn đinh ninh là anh ấy rất nghèo.
Huy kêu lên:
– Ô! Thế thì bất ngờ là phải. Nhưng trong suốt thời kỳ xa nhau, anh ấy không thư từ trò chuyện gì với cô về công việc làm ăn của anh ấy hay sao.
– Tôi vì tế nhị nên không hỏi, sợ anh ấy tủi thân. Và ngược lại, anh ấy cũng không hề đả động gì đến chuyện đời sống riêng tư cả. Do đó, thư từ trao đổi với nhau chỉ toàn chuyện nhớ thương và cùng nhắc lại những kỷ niệm êm đềm cũ.
– Nhưng chuyện anh ấy có nghèo đi, hay giầu có lên, thì đâu có phải là nguyên nhân để cô trở thành bất như ý.
– Dĩ nhiên! Anh ấy đâu có lỗi gì. Tôi không bao giờ trách anh ấy về chuyện này cả. Nhưng thành thực mà nói, kể từ lúc phát hiện ra cái đồng hồ, tự nhiên tôi như bị khựng lại. Tôi thấy rõ bao nhiêu năm cặm cụi, chắt chiu từng đồng ở bên này, với ý nghĩ là để sẽ lo lắng cho anh ấy. Tôi luôn luôn tự hào về những sự vất vả triền miên nhưng có mục tiêu rõ rệt. Nay thì cái niềm tự hào đó bỗng tan như mây khói. Tôi cứ bị dằn vặt về ý nghĩ chẳng lẽ mình ích kỷ đến độ cứ muốn cho anh ấy nghèo rớt mùng tơi để cho mình được lo lắng hay sao.
Huy chen vào:
– Tôi hiểu được cái tâm trạng ấy của cô. Nhưng điều đó không phải là tất cả. Chỉ trừ phi tâm tình của anh ấy cũng lại thay đổi theo nhịp độ giầu có lên của mình.
Quỳ kêu lên:
– Không! Tuyệt đối không! Anh ấy vẫn nhã nhặn, hồn nhiên, và nồng nàn như ngày nào. Chứ mà đổi tính kiêu căng, phách lối thì còn nói làm gì. Tôi biết anh ấy không phải loại người như vậy.
– Sau đó thì….
– Có lẽ là tại tôi hết. Như tôi đã vừa nói với anh là tôi bị khựng lại. Cái khựng lại rõ ràng, cụ thể nhất là tôi đã không còn muốn đưa cho anh ấy cái đồng hồ điện tử mà tôi mua tặng anh trước khi trở về. Tôi có cảm giác như đem tặng anh ấy một cái đồng hồ trung bình, chỉ trị giá có vài chục đô la ở bên này trong khi anh ấy đã có một cái đồng hồ đắt tiền như thế, thì là chuyện khôi hài. Mặc dù cái đồng hồ của tôi mua nó có tính chất của lòng yêu thương, gắn bó, dĩ nhiên.
Huy thở dài:
– Thế thì “vấn đề” nó đã khởi sự ngay từ cái lúc ấy rồi.
Quỳ gật đầu:
– Tôi cũng nghĩ như vậy. Bởi vì những ngày sau đó, tự nhiên giữa tôi và ảnh có một khoảng cách mà tôi không thể hình dung rõ ràng ra được. Phải chi mà anh ấy vẫn nghèo như xưa thì tôi đã hồn nhiên và vui sướng biết bao. Anh biết không? Ngay tối hôm đó, anh ấy đã dẫn tôi đi nhà hàng để chào mừng ngày hai đứa đoàn tụ. Một bữa ăn khá tốn tiền và đượm vẻ mầu mè, trong khi tôi cứ ước ao rằng giá hai đứa ngồi phệt xuống vỉa hè cùng húp sì sụp bát cháo nóng hay bát bún riêu thì hạnh phúc sẽ tuyệt vời hơn. Mà ý nghĩ này tôi cũng không dám nói ra, có lẽ đấy cũng là lần đầu tiên tôi không thể nói ra với anh ấy về những ý nghĩ của mình. Trước kia thì đâu có thế, tôi tin anh ấy tuyệt đối, và bao giờ tôi cũng có thể nói ra bất cứ điều gì.
– Cô vừa dùng hai chữ mầu mè để diễn tả bữa ăn đoàn tụ. Cô có thể tả thêm một vài chi tiết được không?
Quỳ ngả đầu trên ghế. Hai mắt nàng hơi nhắm lại. Nàng hồi tưởng đến những giây phút đã trải qua như một khúc phim quay chậm:
– Anh có thấy một tiệc đoàn tụ thay vì chỉ có hai đứa để cùng thủ thỉ tâm sự lại đi mời cả đám bạn bè tới dự thì có phải là mầu mè không. Đành rằng tôi cũng là người biết tôn trọng bạn bè của anh ấy, nhưng rõ ràng hôm đó không phải là lúc. Anh có đồng ý như vậy không?
Thấy Huy không lên tiếng trả lời, Quỳ nói tiếp:
– Trong bữa tiệc, dĩ nhiên tôi vẫn là cái đinh để mọi người trò chuyện và thăm hỏi. Nhưng sau đó, bao giờ cũng liên hệ tới việc làm ăn, buôn bán và vị hôn phu của tôi lại nhiệt thành nhất trong chuyện đó. Đến nỗi tôi đâm ra có mặc cảm về sự chẳng biết gì về cái xứ Mỹ xa lạ này mỗi khi được hỏi về một chuyện nào đó và tôi giấu biến cái chuyện tôi đã miệt mài chỉ với mỗi một cái máy may trong suốt bao nhiêu năm trời.
Rồi Quỳ kêu lên:
– Trời ơi! Tôi không thể tưởng tượng được ra rằng giữa tôi và anh ấy lại cách xa nhau đến thế, chỉ trong khoảnh khắc không đầy hai ngày sau khi tôi đặt chân về Việt Nam. Cái khoảng cách này còn xa thêm nữa khi nhìn thấy anh ấy móc túi chi ra hàng xấp giấy bạc khi trả nhà hàng. Anh có biết là bao nhiêu không? Gần hai triệu đồng tức là xấp xỉ hai trăm đô la, bằng lương suốt một tuần lễ tôi cặm cụi ngồi may từ sáng đến nửa đêm. Sau bữa ăn đó, tôi cảm thấy mình bắt đầu trở nên thừa thãi trong cuộc đời của anh ấy rồi.
Huy vẫn ngồi yên lặng, hết sức chú tâm ngồi nghe tâm sự của nàng.
Còn giọng của Quỳ thì mỗi lúc một trầm xuống, đều đều:
– Ngày hôm sau, nhân lúc rảnh rỗi, tôi mới mở va li để lấy ra những món quà tôi mua tặng thân nhân, bạn bè. Anh có biết không,có nhiều món dự định tặng anh ấy nhưng tôi đã không mở ra. Tôi giấu biến đi và đem trở lại ra ngoài này. Đó là những thứ vặt vãnh, không đáng tiền, nhưng rõ ràng là tôi chắt chiu nó như một người vợ yêu thương và săn sóc chồng. Cũng phải thú thực với anh, có nhiều món tôi đã mua ở các tiệm rẻ tiền, hay các lần ở tiệm họ đại hạ giá. Khi mua những món đó, trong đầu tôi vẫn mang hình ảnh ở nhà mọi thứ đều hết sức thiếu thốn của những năm gần cuối thập niên tám mươi. Vào thời kỳ đó quả là cái gì cũng quý hết. Nhưng nay thì mọi sự đổi khác hết rồi, chỉ có tôi là hết sức lạc hậu đối với tình hình trong nước thôi.
Tiếng nói của Quỳ cứ mỗi lúc như một thay đổi, như thể nàng đang trải qua một cơn nghẹn ngào mà cường độ cứ mỗi lúc một lên cao hơn:
– Sau hôm đó, tôi vẫn cứ cố đinh ninh trong lòng rằng cái chuyện quà cáp đó chẳng qua cũng chỉ là những thứ linh tinh, vặt vãnh, không nên để nó dằn vặt mình. Và tôi đã xếp đặt một chuyến đi thơ mộng ở vùng quê để có dịp cùng nhau ôn lại kỷ niệm cũ. Lòng tôi phơi phới trở lại khi nhìn cánh đồng xanh tươi bát ngát trước mặt có những cánh cò trắng phau xoải cánh bay dưới ánh nắng lấp loáng của một ngày đẹp trời. Biết bao nhiêu kỷ niệm êm đềm chợt sống dậy trong lòng tôi trước khung cảnh êm đềm, thanh khiết đó. Vậy mà anh biết không, anh ấy đã phá vỡ dòng suy tưởng của tôi bằng cách cứ kéo tôi về đời sống thực tại qua những câu hỏi mà những hôm trước đông người, anh ấy không có dịp nêu ra. Chẳng hạn như khả năng kiếm tiền của tôi ở bên đó, vấn đề lương bổng hàng tháng, vấn đề chi tiêu hay dành dụm. Tôi thực tình vừa lúng túng, vừa sượng sùng. Làm sao tôi có thể làm cho anh ấy tin được rằng may một bộ cầu vai tôi chỉ được trả có mười xu trong khi chỉ tiền thuê phòng để trú ngụ tôi đã phải trả tới ba trăm đồng. Cho nên khi anh ấy đưa ra một con số ước lượng về số tiền tôi có thể dành dụm được trong ngần ấy năm trời thì tôi rụng rời. Tôi không còn hào hứng gì để kéo dài chuyến đi. Tôi đã lấy cớ nhức đầu đòi quay về. Và tôi thấy rất rõ vị trí của tôi đối với anh ấy lúc đó. Tôi không còn là con người mà anh ấy thực sự đang kỳ vọng nữa. Cái cảm nhận này không phải là tôi tưởng tượng ra, mà tôi đã đọc được rất rõ trong ánh mắt đầy thất vọng của anh khi tôi trả lời bằng một nụ cười hết sức gượng gạo: “Với số tiền đó, em có đi làm cả đời cũng chưa có được lấy một phần”. Điều băn khoăn, day dứt nhất của tôi, không phải là tôi đã bắt anh ấy phải trực diện với sự thực, nhưng chính là nỗi e sợ rằng anh ấy không tin lời tôi nói. Tôi đã chống chỏi lại cơn e sợ đó bằng cách cố gắng giải thích và giãi bầy tấm lòng thành khẩn của mình. Nhưng anh ấy chỉ đáp ứng lại bằng cái nhìn lạnh lùng và những nụ cười chua chát, nửa miệng. Chính ở chỗ đó mà tôi cảm thấy sự đổ vỡ giữa tôi và anh khó có thể hàn gắn lại được.
Ngừng lại một lát như để nỗi lòng được lắng sâu xuống sau những giây phút bị khua động, Quỳ lại nói tiếp bằng một giọng bùi ngùi:
– Có những lúc ngồi nghĩ lại, tôi lại thấy mình có nhiều điều tự mâu thuẫn. Nếu tôi đã mang cảm giác chim bị tên sợ cành cây cong mỗi khi nghe có ai nhắc nhở đến chuyện lương bổng của mình, thì chính tôi cũng lại phiền lòng khi gặp lại đám bạn bè cũ, trong đó có nhiều người rất thân thiết nhưng họ lại giữ ý quá đáng về sự giao tiếp với tôi. Cứ như thể họ sợ vi phạm vào lòng tự trọng khi bầy tỏ tình cảm một cách nồng nhiệt, đối với kẻ đi xa trở về. Dẫu sao thì tôi cũng bị mang dấu ấn của một Việt kiều trở về thăm quê hương.
Chợt Quỳ bỗng thở một hơi dài:
– Nhưng nghĩ cho cùng, nếu tôi ở địa vị của họ thì tôi cũng hành xử như vậy. Trong những ngày ở Sài Gòn, tôi đã gặp không thiếu gì những khuôn mặt vênh váo, nghênh ngang của những con người mang tâm trạng áo gấm về làng. Chính họ cũng góp phần không nhỏ vào công cuộc tạo dựng nên những khoảng cách chua xót đã xẩy ra. Quê hương không bao giờ hắt hủi ai, nhưng đời sống là như thế đó. Mỗi con người dù ở trong hay ở ngoài cũng đều góp phần theo một cung cách nào đó để trở nên nhìn nhau xa lạ nhưng âm thầm không ai muốn nói ra. Riêng về phần tôi, anh có thể tưởng tượng nổi không, khi đi lại giữa đường phố Sài Gòn, tôi đã mang một cảm giác bất an. Sự bất an không phải vì mình lo sợ ai hà hiếp mình, bởi vì tình hình an ninh khá tốt đẹp, nhưng là nỗi bất an của một kẻ chỉ sợ mình hành xử vụng về sơ xẩy một điều gì trong cung cách giao dịch, ứng xử với đời sống chung quanh, bắt nguồn từ sự mình không thấu hiểu những qui luật nẩy sinh trong đời sống đó mà chỉ người trong cuộc mới nắm vững. Còn tôi, như chỉ đứng bên lề.
Huy góp ý:
– Ngày xưa, những người đi du học năm bẩy năm khi trở về, đâu có ai mang cái cảm giác đó.
– Thế là anh đã bắt đầu hiểu vấn đề rồi đó. Tôi thì tôi cho rằng quả là đã có sự thay đổi về tâm tình, ở cả hai phía mới gây ra những nỗi cách biệt này. Riêng đối với tôi, tôi cũng tự cảm nhận thấy sự thay đổi trong thế giới suy tưởng của mình. Chẳng hạn hằng đêm, trước khi nhắm mắt ngủ, tôi mơ ước được trở về, đi trên con đường cũ, hít thở bầu không khí cũ, ngắm nhìn những khung cảnh cũ. Nhưng lạ lùng thay, cũng vẫn con đường đó, vẫn những viên sỏi đó, vẫn những mùi ngai ngái của từng lớp lá khô bị đốt cháy bốc khói lên thoang thoảng trong bóng chiều đang gần xế đó, vậy mà tôi không bắt được cái cảm giác thiết tha, trìu mến, day dứt như những cảm giác nó khiến tôi nhớ nhung trằn trọc hàng đêm. Như thể là tôi bị rơi vào một niềm thất vọng không tên đang khởi sự nhen nhúm trong lòng tôi, thế có đau đớn cho tôi không chứ…
Hai người không ai bảo ai, đột nhiên cùng im bặt. Họ như vừa đưa nhau đến một khúc quanh hiểm nghèo của sự phức tạp khó đo lường trong lãnh vực suy tưởng. Không của riêng Quỳ, mà hầu như đã có khá nhiều người đã từng trải qua. Điều này, Huy đã thấy được, và chàng lên tiếng để giải thích về ý nghĩa của sự thất vọng mà Quỳ vừa nói ra:
– Tôi cũng đã được nghe nói về tâm trạng phức tạp này. Nhiều người đã háo hức trở về để tìm lại những kỷ niệm, những quang cảnh, những con đường trên quê hương. Nhưng cảnh ấy, người ấy, kỷ niệm ấy thì vẫn còn nguyên đó, nhưng không phải là những gì mà người ta mơ ước gặp lại. Có bao giờ cô để công phân tích xem là tại sao không?
Quỳ đáp:
– Có chứ sao không. Bởi vì điều này nó đã xẩy ra thiết thân với chính tôi, đã làm cho tôi tiêu tan cái hy vọng, cái ước mơ mà tôi gây dựng nó từng giờ, từng phút ở nơi xứ người. Nhưng tôi chỉ có thể trả lời bằng một cách tóm gọn là khi tâm trạng con người thay đổi, thì dù đứng trước cảnh cũ, người xưa, con người cũng không bao giờ còn tìm lại được những cảm nhận cũ nữa mà thôi.
Huy trầm ngâm rồi gật đầu:
– Đó cũng là một cách giải thích. Nhưng theo tôi thì, ở đây, nơi xứ người, người ta đã đi tìm quê hương ở trong trí nhớ. Chính tại vùng trời suy tưởng đó, mà điều gì xẩy ra cũng tốt đẹp, cũng bình an, cũng êm đềm, cũng đầy những chi tiết gợi cảm. Một ly nước mía trong tâm tư bao giờ cũng mát rượi và ngọt ngào hơn là trong thực tế. Mọi hình ảnh, kỷ niệm khác cũng cùng chung một số phận như thế.
Quỳ xoay người một lần nữa để đổi lại thế ngồi. Lần này, nàng đặt bàn tay lên vai áo của Huy và nói bằng một giọng xúc động:
– Rất cám ơn anh đã đưa ra một lời giải thích mà bao lâu nay tôi chỉ cảm nhận thấy mà không biết cách diễn tả nó ra. Tôi đã trực diện với cái tâm trạng này khi trở lại gặp bạn bè thân hữu ngày xưa. Chúng tôi đã đi lại trên những con đường đầy kỷ niệm cũ, trong một khung cảnh của những buổi chiều nhạt nắng, đúng cái khoảng không gian và thời gian mà tôi đã im đậm nét trong trí tưởng tượng của mình, vậy mà tôi thấy lòng mình sao trống rỗng lạ thường. Những cảm giác đầy ắp yêu thương mỗi lần ở bên đây nhắc nhở đến, nay bỗng tan biến đi đằng nào. Anh Huy ạ. Chỉ có một cách giải thích được là tôi đã không còn là chính tôi lúc trước. Phải vậy không?
Huy gật đầu:
– Tôi cho là đúng như vậy. Và cũng không phải chỉ riêng có một mình cô có sự thay đổi đó. Trong địa hạt suy tưởng của mỗi con người, khi bước chân ra khỏi vùng đất của quê hương, dù là bằng cách nào, thì mỗi người cũng đã đều ghi gói thêm những hình ảnh mới, những kỷ niệm mới, những băn khoăn, thao thức mới. Tất cả những cái gọi là mới này đã choán chỗ đầu óc của ta trong đời sống thiết thân hằng ngày và đẩy những hình ảnh của quê hương đã được thêu dệt lên, đan kết lại, in đậm nét trong tâm tưởng của mỗi người. Và như thế người ta đã sống với quê hương trong trí nhớ với tất cả những cảm giác được tô vẽ lên chứ không phải là quê hương bằng xương, bằng thịt với những vật thể sờ sờ có thể va chạm tới được. Đó là nguyên do đổ vỡ một khi người ta lên đường trở lại chốn cũ để đi tìm lại những cảm xúc chất chứa đầy ắp trong tâm hồn của mỗi người trong những ngày sống xa xứ. Tôi nhớ có một người bạn trở về thăm quê nhà, lúc lại ra đi, ngồi trên máy bay cất cánh, anh ta thấy mình bay bổng như vừa vượt thoát được lần thứ hai, nhưng lần này là sự vượt thoát khỏi những cơn nhung nhớ dằn vặt triền miên trong suốt bao nhiêu năm lang thang trên xứ người…
Quỳ kêu lên:
– Nhưng anh ta cũng vẫn phải còn quê hương chứ!
– Còn chứ! Nhưng bây giờ, quê hương đối với anh ta, chỉ còn là quê hương trong trí nhớ.
Quỳ ngồi trầm ngâm rất lâu rồi cất tiếng:
– Trong bao nhiêu năm ở đây, tôi cũng đã đắm chìm triền miên trong những cơn nhớ nhung, dằn vặt không một phút nào nguôi. Vậy mà bây giờ, sao tôi cảm thấy hết sức bình tĩnh để toan tính chuyện tương lai, mặc dù trong lòng tôi bây giờ hiện ra một khoảng trống rất lớn, cái khoảng trống tôi không cắt nghĩa được, chỉ biết là nó đã hiện diện và chắc chẳng bao giờ tôi có thể khỏa lấp được.
Huy tiếp nối dòng tư tưởng của Quỳ:
– Có lẽ đấy cũng là tâm trạng của một số người khi trở ra, bỗng lại tê liệt mọi ý nghĩ mỗi khi nghe nhắc đến hai chữ Việt Nam. Hình như họ bị ruồng rẫy bởi chính họ. Căn bệnh này, dĩ nhiên không phải là kéo dài bất tận, nhưng họ vẫn cần một khoảng thời gian thật dài để tìm lại sự quân bình. Nói cho cùng, dù hội nhập ở xứ này đến đâu, trước sau gì họ cũng là người Việt Nam.
Quỳ hỏi ngang:
– Anh có nghĩ là họ sẽ quân bình được không.
– Cái đó cũng còn tùy người, tùy hoàn cảnh, tùy môi trường mà họ đang sinh hoạt. Có người đi tìm sự quân bình bằng cách lao vào đời sống của xã hội Mỹ. Nhưng Mỹ là Mỹ, Việt là Việt, làm sao có thể lấy cái này bù đắp cho cái kia. Rút cục thì cũng lại hụt hẫng, bơ vơ, thiếu nền tảng, mất điểm tựa, một thứ vong thân thực sự nơi xứ người.
Quỳ bùi ngùi:
– Như thế thì buồn quá anh nhỉ.
Huy chợt quay sang phía Quỳ và bắt gặp ánh mắt của nàng cũng đang nhìn về phía mình. Hai người đối diện với nhau, lòng đầy cảm thông và cùng cảm thấy hết sức gần gũi. Chợt Huy khẽ giơ tay ra nắm lấy bàn tay ấm áp, mịn màng của Quỳ. Chàng cất giọng trầm ngâm:
– Rất đáng buồn ấy chứ. Nhưng vấn đề chính là ở chỗ phải có can đảm đứng dậy để toan tính chuyện tương lai, chuyện trước mặt, ở ngay đây, trên xứ sở xa lạ này. Đó có phải là nguyên do của sự thay đổi sâu xa mà cô định giải thích với tôi từ đầu đấy không.
Quỳ không trả lời câu hỏi của chàng, và nàng cũng không rút bàn tay của mình lại. Có một niềm vui đang len khẽ vào tâm hồn của nàng như một tia nắng ấm chợt loe lên sau một mùa đông lạnh giá. Nàng khẽ ngước mắt nhìn ra phía đại dương bao la trước mặt. Trăng càng về đêm càng sáng hơn lên, những gợn sóng lăn tăn, qua ánh trăng phản chiếu trở thành những vẩy bạc lấp lánh. Nàng chợt khẽ mỉm cười khi nhận thấy Huy vẫn cầm giữ bàn tay của mình, và bây giờ thì chàng đang nắm xiết lại….
NHẬT TIẾN
( trong QUÊ NHÀ, QUÊ NGƯỜI)
(Nguồn : https://nhavannhattien.wordpress.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét