Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

TIẾNG HÁT HOANG ĐƯỜNG- Hoàng Ngọc Tuấn

Co-mot-kho-tang-tranh-Trinh-Cong-Son_Tin180.com_001

 (Tranh sơn dầu trên giấy của Trịnh Công Sơn –  năm 1963)

Tiếng hát của chị thật hoang đường, trong âm thanh đục mờ như một màn sương, có những nhựa cây ma túy. Nó làm đầu óc tôi lãng đãng nhưng không mệt mỏi, trái lại người tôi lúc nghe chị hát, tỉnh táo ghê gớm lắm, những lời ca như những hạt mưa giông nặng trĩu, và tôi lắng nghe rõ ràng từng tiếng vang động của giọt âm thanh lóng lánh ấy như tiếng chuông rền trong trái tim, đôi khi nó làm tôi hạnh phúc, đôi khi làm tôi đau đớn.”

Nàng cười: “anh nói mơ hồ và dài dòng quá, tôi không hiểu được hết”. Người thanh niên nói: “có hề gì đâu, tôi cũng không nhớ được hết những lời tôi vừa nói, tôi chỉ cảm thấy bất chợt như thế, chỉ có điều này làm tôi nhớ mãi, là tiếng hát của chị cần cho tôi như cơm áo, thuốc lá, như tiếng mẹ ru thời còn bé, và tôi sẽ chết được nếu mai sau rủi có việc gì xảy ra làm tôi không còn được nghe chị hát nữa”. Nàng cười sung sướng. Đôi mắt nàng khi vui tươi vẫn tối tăm hơn đêm tối. Nụ cười của nàng khi hạnh phúc vẫn không được toàn vẹn, vẫn nặng trĩu trong một màn lướt dĩ vãng dày đặc nào đó.

Người thanh niên bỏ đi sau khi nói những lời cuối cùng với nàng. Nàng tìm một điếu thuốc nhưng bao thuốc của nàng đã trống không, bị vò nát trong bàn tay nàng. Nàng nghĩ rằng mình thôi không hút thêm một điếu thuốc nào nữa, đêm nay nàng đã hút hết một bao rồi, nhưng chất cà phê còn thấm trong lưỡi khiến nàng thèm một hơi thuốc lá, một ít khói nóng cay cho miệng bớt nhạt nhẽo. Người thanh niên trở lại với bao thuốc lá trong túi áo, anh châm cho nàng một điếu thuốc, và nhờ ánh lửa của que diêm cháy trong phút chốc, nàng nhìn thấy tóc anh đã dài và anh mặc một chiếc áo sơ mi màu xanh da trời. Người thanh niên nói anh sẽ đưa nàng về nhà bây giờ nếu nàng thích về và đã buồn ngủ. Nàng gật đầu đồng ý, về nhà bây giờ chắc sẽ buồn nhưng nàng nhớ hai đứa con của nàng giờ đang ôm gối ngủ say.

Bây giờ là đêm nhưng chiếc áo dài màu lục diệp của nàng còn đen hơn đêm tối. Trong đêm khuya hoang lạnh, không còn âm thanh gì cả ngoài tiếng bánh xe lăn rào rạo trên mặt đường, nàng thì thầm hát một đoạn nhạc nhưng tiếng hát nhỏ quá khiến nàng cũng không nghe gì cả. Tiếng hát dư thừa còn lại trong đêm khuya, nghe yếu đuối như hạt bong bóng nước.

Như thế là một đêm của nàng đã hết. Đêm bắt đầu khi ngọn đèn thắp lên ánh sáng, và đáng lẽ kéo dài đến sáng, nhưng vì bây giờ giới nghiêm lúc mười hai giờ, những người bạn của nàng và nàng phải về nhà nên đến giờ đó xem như đêm của nàng đã hết. Những giờ về sáng còn lại là ngủ mê man trong một cơn mơ tươi thắm và chờ đợi ngày khác bắt đầu.

*

Nếu người điên không nghe, nàng vẫn nói một mình cho nàng: Tôi có cái tên của một loài hoa mùa xuân nhưng đời tôi không trong sáng như mùa xuân. Ở tuổi mười tám tôi là một nữ sinh nhưng rồi đã bỏ trường học vào năm đó. Thành phố này có những đêm lộng lẫy ở phòng trà ca nhạc, những cặp tình nhân ăn mặc sang trọng như tài tử, những người bồi mặc áo trắng thắt nơ đen thật đẹp cung kính cầm chai sâm banh rót vào ly. Không khí mê hoặc của bóng tối trong căn phòng gắn máy lạnh, hình ảnh rực rỡ cúa những cô ca sĩ dưới ánh đèn màu, âm thanh sôi nổi của tiếng đàn, trống kèn. Tôi đã yêu những thứ đó quá sớm, và khi tôi yêu điều gì, tôi không thể nào trốn tránh nó được, tôi lao đầu chạy theo như một dòng thác nước đổ ào xuống thung lũng.

Tôi tập tành hát hỏng, mang những giấc mộng huy hoàng nhưng rồi chỉ là một cô ca sĩ vô danh trong cái thành phố quá khó khăn cho những ai muốn bắt đầu điều gì. Sài Gòn có thật nhiều thần tượng, mà người ta đã thi nhau nhào nặn rồi dựng nên, những thần tượng phần nào giả tạo nhưng vững chắc trước đám đông người dễ dãi. Tôi bỏ nhà, bỏ Sài Gòn, lên một tỉnh cao nguyên, tìm được một chân khiêm nhường trong phòng trà nhỏ. Mỗi đêm đứng trước ánh đèn chiếu vào người, mặc một bộ đồ da đen bóng cóp nhặt theo những ca sĩ ngoại quốc, hát vài bài nhạc thời thượng do khách yêu cầu rồi nghe một tràng pháo tay nhỏ nhoi. Cứ như thế mãi.

Trời Đà Lạt lạnh và cô đơn, tôi cần hơi ấm của một người tình. Tôi yêu dễ dàng một người đàn ông trẻ tuổi có khá tiền, và trở thành vợ của người đó thật đơn giản. Một đứa bé gái và một đứa bé trai ra đời, tôi trở thành đàn bà nhưng trong tôi có một tâm hồn trẻ con vẫn sống mãi. Tôi yêu nhiều điều, say mê nhiều thứ và chạy theo luôn những điều tôi yêu. Người chồng và hai con mang lại cho tôi hạnh phúc, nhưng tôi vẫn thèm khát những điều khác nữa, những điều không phải là hạnh phúc, đôi khi đồng nghĩa với khổ đau, trôi nổi. Tôi có thêm một hai nhân tình sang giàu và thế lực, công khai nép mình trong vòng tay của họ, tình yêu tôi đối với một vài người khá lâu dài, một vài người ngắn ngủi. Người chồng ghen tuông đau đớn, cãi vã giận dữ rồi bỏ đi, rồi lại trở về. Đời sống chúng tôi không còn yên bình, sự yên bình mà người khác có thể tìm thấy dễ dàng, nhưng tôi quá chán sự yên bình. Người chồng tìm quên ở những người đàn bà khác, chúng tôi yêu nhau nhưng đôi lúc thù ghét nhau và cả hai đứa cứ tiếp tục bị vây khốn trong một xích sắt siết chặt, cùng tìm lấy nhau vào nỗi khổ.

Tôi vẫn hát ở phòng trà nhỏ cao nguyên để kiếm một số lương đủ sống. Tôi không suy nghĩ nhiều về âm nhạc. Tôi chỉ muốn được trở thành một ca sĩ ăn khách nhất, được nhiều người hâm mộ, tiền thù lao thật cao để tôi ăn xài thỏa thích, mua sắm những bộ y phục đắt tiền, tôi hát như một cái máy, tiếng hát tôi sẽ tự động phát ra, chạy đều đều cho đến hết bài, như một bổn phận đối với tiền bạc.

*

Một đêm khi phòng trà vừa đóng cửa, người nhạc sĩ nhìn thấy nàng đang đứng dưới mái hiên bên ngoài mưa rơi từng vệt óng ánh trong bầu trời đen, nàng vừa hát xong, đứng một mình ngần ngại nhìn trời mưa, rồi lặng lẽ bước ra ngoài đường, thân hình nàng gầy nhỏ co ro trong chiếc áo đi mưa, mái tóc đen láng nước. Nàng dừng lại ở sạp bán thuốc, mua một bao thuốc lá rồi tiếp tục đi. Trong bóng đêm có những ngụm khói xanh mỏng manh, đôi mắt nàng nhìn xuống mặt đường lạnh lùng như một người xa lạ trong thành phố. Người nhạc sĩ lần đầu tiên vừa nghe nàng hát trong phòng trà. Giữa đám đông khách đang bận rộn trò chuyện và nhậu nhẹt, tiếng hát nàng thật yếu ớt và lẻ loi. Nhưng người nhạc sĩ lặng yên nghe nàng hát, tiếng ca non dại như một loài chim nhỏ chưa vỡ tiếng, con chim chưa thoát xác để trở thành loài họa mi mơ ước. Trong giây lát, nhìn dáng dấp cô đơn của nàng thật mơ hồ trên con đường đêm, người nhạc sĩ đột nhiên nghĩ rằng những bài hát của anh là dành riêng cho nàng, cho dù những bài hát ấy thật khó khăn, đòi hỏi một giọng ca điêu luyện, cho dù tiếng hát của nàng còn non yếu. Nhưng khuôn mặt nàng với nếp nhăn đến sớm trên một vầng trán trẻ, đôi mắt mơ hồ buồn như màu suối nhưng đôi khi lóe lên những ngọn lửa tham vọng quyết liệt. Hình ảnh ấy cứ bám chặt lấy tâm trí người nhạc sĩ, anh biết những bài hát của anh lâu nay vẫn chờ đợi một tiếng hát đàn bà thật lạ thường, bây giờ đã trao hết cho người anh mới gặp đầu tiên này, trao tặng như một món quà sinh nhật làm sung sướng cả hai người.

Anh gọi tên nàng. Những bước chân nàng ngạc nhiên dừng lại, và như thế là nàng cũng chấm dứt luôn đời sống nhàm chán vô ích, kéo dài lê thê trong phòng trà đêm đêm, ở một tỉnh lỵ lạnh lùng. Nàng vứt điếu thuốc xuống vũng nước mưa, thắp lên môi một điếu thuốc mới. Ánh lửa rực rỡ sáng một đám hồng hào trong đêm tối tăm, nàng bắt đầu hút một điếu thuốc mới. Một quãng đời vui mới, một trái tim nồng mới và một hạnh phúc êm ái mới.

Căn phòng của người nhạc sĩ có cánh cửa sổ nhìn sang khu rừng, từ bên trong tiếng hát của nàng ào ạt vỡ tung bay ra theo khung cửa, chen lẫn với tiếng đàn. Ròng rã nhiều ngày, người nhạc sĩ tập cho nàng hát những bài của anh, hát trong bầu không khí hoàn toàn mới mẻ, không còn bận tâm với bọn thực khách xung quanh, không nghĩ đến những lời hò hét yêu cầu của bọn say rượu, không cần phải liếc mắt cười tình với khán giả, không nghĩ đến số tiền lương mỗi tháng. Đến một lúc nào đó, tự do tuôn trào ra từ lồng ngực, dễ dàng như hơi thở, âm thanh vỡ tung hoang dại như loài dã thú. Dã thú lâu nay vẫn nằm bệnh hoạn trong cũi sắt, mòn mỏi hết những sở trường. Bao lâu nay dã thú không có rừng xanh, tiếng suối, cây già, không có không khí trong sạch của trời cao, dã thú tầm thường như một loài gia súc. Bây giờ cánh cửa lồng đã mở, dã thú có được tất cả những gì nó thèm khát. Tiếng hát nàng mới lạ như nàng mới nghe lần đầu tiên, và nàng cương quyết sẽ bám chặt lấy nó suốt đời.

Người nhạc sĩ cũng tập cho nàng biết yêu những bài hát, biết yêu những nốt lên cao vút như ước mơ, những nốt thấp trùng xuống như phận người. Anh nói: người ta không thể hát thật hay một bài hát nếu không yêu, nếu không cảm thấy những lời ca chính là những điều mình bao lâu nay ôm ấp chưa thành tiếng nói. Nàng đùa cợt.

– Như thế muốn hát hay hơn nữa, có cần phải yêu người làm ra bài hát không?

Người nhạc sĩ cười không nói gì, anh dừng đàn:

– Ngày mai anh sẽ về Sài Gòn. Dưới đó có một quán văn nghệ của sinh viên mở, họ mời anh về hát, ở đó nhiều người chờ anh hát cho họ nghe.

– Em cũng về Sài Gòn theo.

– Em phải suy nghĩ kỹ lại. Ở đây hát phòng trà em kiếm được vài chục ngàn mỗi tháng. Xuống dưới đó, hát cho đám đông nghe, chỉ uống nước đá lạnh mà đôi khi còn bị ăn cà chua nữa.

– Em suy nghĩ nhanh lắm. Quyết định rồi, em về. Em không cần tiền nữa, bây giờ chỉ cần có người hiểu mình, thành thật thích nghe mình, họ thèm nghe cũng như em thèm hát.

Tự dưng nàng nghĩ đến mây trời. Một đám mây cứ nằm mãi trên trời cao thật vô ích và buồn chán biết bao, sao không biến thành những cơn mưa ngọt ngào rơi tràn ngập trên những cánh đồng lúa khô cạn.

Nàng bật cười, cười với người nhạc sĩ: bây giờ em mới đúng là “con chim đến từ núi lạ, ngửa cổ hát chơi…”

*

Đêm đầu tiên trình diễn bằng tiếng hát đích thực của mình. Sân khấu là hai két bia xếp cạnh nhau đặt giữa sân cỏ, một ngọn đèn vàng treo trên nhánh cây trước mặt. Máy vi âm đang bỏ không, chờ đợi nàng. Chung quanh là đám người ồn ào vây kín, chuyển động không yên, cả một khu rừng làm bằng những mái tóc lòa xòa bên cạnh nhau, những khuôn mặt trẻ tuổi ngước lên háo hức chờ đợi. Tiếng la hét hối thúc nổi vang thêm lên và có một vài tiếng kêu bực dọc của một anh chàng nào đó ngồi gần bục gỗ. Nàng lo lắng nhìn người nhạc sĩ: đông quá, em sợ. Thoáng chốc người ca sĩ chuyên nghiệp trong nàng đã chết, nàng cảm thấy sợ hãi trước những đôi mắt sáng thẳng thắn đang chờ đợi nàng. Đám người trẻ tuổi này không tốn một đồng để nghe nhạc nhưng lại có quyền khen chê khắc nghiệt nhất, tiếng vỗ tay nồng nhiệt hay những lời la ó dữ dội sẽ thốt lên từ những đôi môi hồng nông nổi.

Nàng đứng run rẩy như một cô nữ sinh lần đầu tiên ra trước ánh đèn sân khấu.

Những người sinh viên phụ trách quán cà phê tất tả chạy lui chạy tới lo đủ thứ công việc, sửa dây điện, thử lại máy phóng thanh, gắn đường dây máy thâu băng vào chiếc máy ghi âm để thâu tiếng hát của nàng. Người sinh viên chủ quán đưa mắt nhìn người nhạc sĩ, anh gật đầu và thử lại sợi dây đàn. Anh sinh viên ra trước máy vi âm, giới thiệu chương trình nhạc do người nhạc sĩ quen thuộc và một tiếng hát mới lạ là nàng trình diễn.

Nàng ra đứng trước cái bục gỗ rất bấp bênh vì hai két bia đặt không đều bằng nhau. Không có ánh đèn xanh đỏ chiếu vào người như ở phòng trà, nhưng cách xa nàng một khoảng ngắn có một ngọn đèn màu hồng mờ nhạt làm khuôn mặt nàng thật huyền ảo và lạ lùng trong đêm tối.

Nàng cố gắng không nhìn ai, gần như có cả một rừng đôi mắt sáng rực rỡ chiếu thẳng vào mặt nàng. Tiếng đàn của người nhạc sĩ vang lên bên tai, rồi dần dần chậm rãi chờ đợi, nàng bắt đầu cất tiếng hát.

Dần dần những hình người chung quanh nàng đều mờ nhạt, tan biến vào trong bóng đêm, nàng không còn nhìn thấy một ai. Tất cả cảnh tượng vây phủ quanh nàng như một sa mạc hoang vắng, một sa mạc không có cát trắng nhưng là dày đặc màu đen. Lát nữa đây, tràng pháo tay sẽ làm cơn mưa quý giá rơi trên cát nóng bỏng, hay những lời xua đuổi sẽ là cơn bão dìm chết kẻ lữ hành. Nàng nhắm mắt lại, hay chỉ nhìn mơ hồ trên trời cao. Tiếng hát bay vào đêm tối như một tiếng gọi xa xăm nghe vừa thật hoang đường vừa thật gần gũi. Âm thanh phiền muộn lãng đãng trôi về một nơi không bến bờ, như một cái gì không bao giờ trọn vẹn. Những khúc lên cao chưa đến tột đỉnh bỗng đứt nghẹn rã rời, dấu vết đau đớn đầy tràn trong tiếng hát, những đoạn xuống thấp nặng buồn như một thảm kịch.

Trong một khoảng thời gian, đêm ngừng lại trên mái tóc nàng, tiếng hát ngây ngất thoát ra từ một đôi môi mê đắm, một đôi môi không có nụ cười, đã làm rung động kỳ diệu tâm hồn của những người trẻ tuổi. Khán giả đứng im như tượng đá, họ bàng hoàng đón nhận một thứ hạnh phúc lạ lùng chưa hề có bỗng dưng trong một đêm tầm thường này, họ đã may mắn bắt gặp.

Lời ca cuối vút dài như một lằn roi quật lên da người rồi ngưng bặt. Bài hát đã hết. Bóng tối rực sáng tiếng reo hò cuồng nhiệt, những tràng pháo tay vang dội và những đôi mắt trong thêm rực rỡ. Bây giờ sa mạc đã có cơn mưa mong ước, nàng cười tươi tắn như một cô bé thơ, sung sướng nhìn đám đông đang reo hò gọi tên nàng. Người nhạc sĩ nói nhỏ: em thành công rồi đó. Nàng đưa tay vịn vào vai người nhạc sĩ nghỉ mệt, những giọt mồ hôi sung sướng thấm ướt lưng áo nàng.

Bài hát thứ hai tiếp tục. Bây giờ nàng có thể nhìn những người ngồi trước mặt bằng ánh sáng thân yêu như một người bạn chân tình. Bây giờ đã có những người yêu thương tiếng hát của nàng và chờ đợi nghe nàng mãi. Những khuôn mặt xanh gầy của tuổi trẻ hiện rõ trước mặt nàng và nàng biết nàng đã hát lên những điều họ ôm ấp từ lâu trong tâm khảm, họ nghe nàng hát như nghe tiếng nói âm thầm trong trí não họ.

Nàng biết nàng đang nói giùm cho những thiếu nữ mơ mộng trong tay người tình, khi nàng hát bài “Tình ca của người mất trí”. Bài hát ấy là trái tim đau đớn của những người thiếu nữ xinh đẹp trẻ trung, đã sớm biết nỗi buồn của người góa phụ, khi người yêu của họ bất chợt ngã gục trên một chiến trường nào đó, ở Pleime, ở Đồng Xoài, ở Chiến Khu D hay ở ngoài Hà Nội. Nàng cũng có một người yêu tử trận trên miền núi, bây giờ nàng kêu khóc đau xót cho nàng và cho cả biết bao cô gái khác. Dưới ánh đèn, giọt lệ không bao giờ rơi trên mắt nàng, nhưng trong tâm hồn đã rơi đầy tiếng khóc hiu quạnh.

Tiếng vỗ tay lại vang đầy và nàng tiếp tục những bài khác. Khi bài hát “Mẹ ru con”, hình ảnh đứa con trai đang nghịch ngợm với khẩu súng nhựa hiện lên làm nàng sợ hãi. Bài hát là hai lần ru con của người mẹ trong thời đại này. Lần thứ nhất khi con thơ khóc chào đời, lần thứ hai trên xác người con đã hai mươi tuổi vừa bỏ mình vì bom đạn. Nàng thầm mong cho đứa con của nàng không bao giờ lớn thêm tuổi, nàng kinh sợ biết bao phải ru con một lần thứ hai thật đau đớn trong đời. Nàng nhìn thấy những đôi mắt buồn bã, làn da mặt khô khan tái xanh của những người ở tuổi hai mươi đang đứng trước mặt nàng. Những người ấy, một mai đây có thể sẽ chôn vùi thân xác trong một nấm mồ, đôi mắt xao xác vẫn còn mở lớn thương tiếc cuộc đời tươi đẹp.

Những bài hát tiếp theo mê hoặc lòng người như một thiên đàng ước hẹn. Trong những bản tình ca giọng hát của nàng thảnh thơi ngây ngất, đượm đầy nét tình tứ nũng nịu như một tình yêu trong vắt. Những người yêu nhau đêm nay đã được nếm ly rượu nồng nàn làm mạch máu căng hồng trong cơ thể.

Tiếng hát chói lọi tuôn trào theo toàn thân nàng rung động, những sợi tóc mai thấm ướt mồ hôi, đôi mắt mê man nhắm nghiền, đầu ngẩng lên cao ngất và những ngón chân bám chặt trên sàn gỗ. Người nhạc sĩ yên lặng đàn nhưng những ngón tay anh bấm đau nhói trên sợi dây đàn, và sợi dây bền bỉ rung động mãnh liệt tưởng chừng như sắp đứt đoạn.

Người nhạc sĩ cũng lắng nghe tiếng nói của mình hôm nay vang động lên thật yêu dấu từ một người khác. Anh nghĩ rằng phải là một người đàn bà như nàng mới có thể hòa hợp tuyệt diệu với những bài hát của anh. Những lời lẽ, nhạc điệu sầu thảm của anh không phải dành cho những cô trinh nữ bình yên trong gia đình. Những kẻ trong trắng chưa hề va chạm với đời hay những người nhạc máy trong phòng trà, chỉ là nàng, tiếng hát mơ mộng và đượm một chút giang hồ mệt mỏi, cũng như đời sống đã nếm mùi vị hoan lạc lẫn đau đớn của nàng, chỉ có nàng mới xứng đáng để hát những bài ca ấy.

Tiếng hát của nàng chan hòa với lời ca, là giấc mộng của một đời người thiếu thốn mơ đến ngày mai trong sáng. Đêm đã khuya, tiếng hát tàn. Nàng ngợp người trong nguồn suối hạnh phúc của những lời khen ngợi chân thành, cảm tình chân thật của những người bạn mới. Nàng biết rằng mình đã lìa bỏ thật rồi bộ mặt của một cô ca sĩ chỉ làm thứ rượu khai vị cho khách chơi sang trọng. Tiếng hát của nàng giờ đây đã tìm được những tình nhân, tiếng hát không bỏ sót một ai, tiếng hát có mãnh lực không cho ai lơ đãng, bắt mọi người dừng lại những cử động, bắt họ lắng nghe từng lời. Tiếng hát không ru ngủ ai mà trái lại, làm cho mọi người thức giấc. Không giúp cho ai lãng quên đời sống, trái lại giúp con người cảm nhận thấm thía những nỗi đau cũng như những niềm vui của đời sống.

Từ đó, những ca khúc của người nhạc sĩ soạn ra cho nàng hát, trở thành những ca khúc đời chân thực.

*

Đã lâu người thanh niên mặc áo xanh không gặp nàng và cũng không nghe nàng hát như ngày xưa. Bây giờ thỉnh thoảng sang nhà hàng xóm đế xem nhờ Tivi, anh bắt gặp khuôn mặt mờ nhạt của nàng trên khung ảnh nhỏ chao động.

Một hôm, tình cờ anh nghe tiếng hát của nàng vang lên trong chiếc ra-dô nhỏ chạy rè rè, tiếng hát đã nuôi sống tâm hồn anh một thuở nào bây giờ sao quá lạnh lùng, dửng dưng như một người chết. Trong căn phòng nhỏ của anh bỗng nhiên tràn ngập hình ảnh tươi đẹp và sống động của nàng ngày xưa. Anh tắt vội máy, cảm thấy sợ hãi và buồn bã lạ thường.

Từ lúc mùa xuân đem chiến tranh vào tận trung tâm thành phố, quán cà phê bị dẹp bỏ, bạn bè mỗi người một nơi. Trận xung đột cuối cùng nào đó giữa nàng và người chồng, hai người ly dị nhau, nàng giữ lấy cô bé gái với hai bàn tay trắng. Những nhu cầu, đòi hỏi của thành thị thúc giục sau lưng nàng, nàng không còn là con chim ngửa cổ hát chơi nữa, bây giờ nàng hát ra từng xấp giấy bạc. Phòng ghi âm của đài phát thanh, những hãng đĩa, ống kính vô tuyến truyền hình, những hộp đêm sang trọng. Bây giờ nàng đã trở thành một cô ca sĩ nổi danh và ăn khách nhất. Nhiều người khác vây quanh lấy nàng, những khách chơi giàu sang và một người nhân tình mới.

Người thanh niên hồi đó có làm một bài thơ dành tặng cho nàng, nhưng sẽ không bao giờ anh có dịp đọc cho nàng nghe nữa, bây giờ anh chỉ nhớ một đoạn ngắn.

…”Chỉ ao ước nàng hóa thân vành khuyên bé bỏng

Mỗi đêm tóc xõa môi phai

Bàn chân trần mướt xanh trên cát

Hơi thở mẩu thuốc tàn

Mà giọt lệ không bao giờ rơi

Âm thanh như đêm

Xóa nhòa linh hồn cũ…”

Anh không dám trách nàng một điều gì. Anh cũng ao ước trở thành một thi sĩ nhưng không bao giờ anh trở thành thi sĩ được cả. Anh phải chạy gạo kiếm cơm, muôn ngàn lo âu của đời sống đè nặng người anh như một phiến đá làm anh nghẹt thở. Cuộc đời không phải là một bài thơ cho anh.

Cuộc đời cũng không là một bài hát cho nàng. Bây giờ, giấc mơ danh vọng ngày xưa đã đến với nàng. Nhưng nàng còn hát được những đời thật tuyệt vời hay không?

 
Hoàng Ngọc Tuấn        
 
(Trích từ tập truyện ngắn Hình Như Là Tình Yêu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét