Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2023

SÔNG KỸ NỮ - Hoàng Ngọc Tuấn

 

Huế, mỗi lần muốn đi chơi bời thường phải xuống ngủ đò. Nhà chứa trên bộ, như những xóm và đường hẻm ổ nhện kiểu Saigon, ở đây hiếm có lắm. Bởi vì thành phố nhỏ quá, mọi người điều biết rõ mặt mũi nhau. Đi đâu, làm gì dầu trong góc ngõ tối nào, dầu có đề phòng chu đáo đến đâu thế nào cũng bị mọi người thấy được.

Và khi bị bắt được đang đi tìm cái chuyện đó thì, thôi không đường cứu chữa. Bao nhiêu phong tục cổ kính, danh giá, đạo đức truyền thống thi nhau ập xuống nạn nhân như một màn lưới khắc nghiệt.

Bởi thế ngủ đò là kín đáo nhất. Tôi là người kín đáo nên vào một đêm nào đó... Chiều mới tắt ánh nắng, gió mát dịu dàng, buồn nản quá mà lòng thì rạo rực. Tôi đi nhanh vào bóng tối âm u dưới những lùm cây che đậy rộng rãi, xuống bến Thương Bạc.

Mụ Xép đang ngồi trên chỏng tre, chỗ tạm trú để rước khách của mụ đặt cách bờ sông một quãng. Đò cắm sào nằm san sát bên nhau, mù mù ánh đèn dầu.

Mụ Xép lấy điếu thuốc Cẩm Lệ đang bẹp dí trên miệng :

- Chà, lâu lắm mới thấy ‘‘thầy’’ đi chơi.

- Ờ...ờ. Tiền đâu mà đi chơi hoài được. Còn đò nào trống không ?

- Còn cả lô đó. Mà thầy có bạn bè gì không?

- Không tôi đi chơi một mình,

Mụ Xép gục gặc đầu. Mụ kêu một thằng nhỏ dẫn đường cho tôi, bước trên tấm ván bấp bênh nối liền bến sông với khoang đò. Tôi nằm dựa người trên sàn gỗ, hút thuốc lá thong thả chờ đợi. Lát lâu, mụ Xép mới xuống đò, mụ ra mui trước, nhổ sào. Tiếng chèo róc rách quậy dưới nước, đò từ từ tách bến. Giọng nói của mụ Xép pha thêm tiếng cười cợt từ khoang trước vọng ra :

- Thầy ngủ ‘‘chay’’ hay ngủ ‘‘mặn’’?

- ‘‘Mặn’’. Ngủ suông không có cô nào thì thà nằm nhà còn hơn.

Giọng mụ oang oang kêu lớn :

- Con ơi !

Có tiếng ‘‘dạ’’ đâu đó rồi trong thoáng chốc, một chiếc ghe loại thật nhỏ, nhẹ, lướt thoăn thoắt tài tình giữa một đống đò nằm chật chội bên nhau. Cô gái, con của mụ Xép, cập ghe nhỏ của cô vào mạn đò. Cô không hút thuốc Cẩm Lệ như mẹ nên tôi không cảm thấy nồng nặc khó chịu khi cô gần bên tôi, mỉm cười :

- Bữa nay thầy kêu cô nào ?

- Tôi đâu nhớ hết ai. Kêu giùm ai cũng được...

Và tôi níu đò của cô gái lại, bông đùa :

- Nếu có ai đẹp bằng một chút xíu của cô thì tốt lắm.

Cô gái nghiêm nét mặt lại. Mặt cô hơi ửng đỏ nhưng vì giận dỗi hơn là e thẹn. Rồi cô chèo đò vút nhanh đi mất hút trong bóng đêm.

Tôi nhìn theo, nhưng chẳng còn thấy được gì. Cô gái thật lạ lùng, công việc rước gái về cho khách làng chơi của cô dĩ nhiên không được đứng đắn lắm, nhưng tôi thấy chẳng có khách nào cợt nhã chọc ghẹo gì cô được một tiếng.

Trong thế giới lạc thú rã rượi của những con đò trên sông, cô có vẻ như là một cánh sen trong bùn. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, tôi không biết cô còn giữ được người thanh sạch cho đến bao giờ, trong khi mẹ cô là một bà chủ đò kiêm chủ chứa, vây bọc chung quanh cô mỗi ngày mỗi đêm là những ả gái điếm dày dặn thô lỗ.

Thế rồi, không lâu lắm, trước khi gió nhè nhẹ làm tôi buồn ngủ, cô gái chở đến cho tôi một ả gái điếm. Tôi không nhìn thấy mặt và cũng chẳng cần nhìn thấy mặt cô nàng này.

Mụ Xép chèo đò ra xa hơn chút nữa. Tách khỏi những con đò nằm chật chội, chiếc đò mang tôi và ả gái điếm từ từ trôi trên sông. Chỉ ra thêm một chút thôi, để cách xa với tiếng nói cười ồn ào của những con đò đồng nghiệp khác, rồi mụ Xép cắm sào, buộc đò dừng lại. Thời này đâu còn có thể cho con đò mặc tình buông lơi tha hồ trên dòng sông trôi suốt đêm cho đến tận cầu Bạch Hổ hay ngược về phía Cồn Hến.

Ả gái điếm xin tôi điếu thuốc lá, tôi thắp lửa cho cô nàng để thêm một chút thân mật. Tôi ôm ả nằm xuống khoang đò, da thịt vuốt ve sơ sài lấy lệ cho một chút cảm giác lơ mơ. Tôi không thấy khoái lắm. Đi chơi điếm mỗi lúc mỗi thấy chán, nhưng còn có cách nào khác hơn đối với người độc thân, vì đó là cách thỏa mãn nhanh nhất và rẻ tiền nhất, và do đó, thật vô vị trống rỗng nhất sau một chút sướng khoái ngắn ngủi.

Nhất là gái điếm ở Huế. Thành phố cổ kính phong phú này không xuất sắc về mục đó. Dân địa phương ít người dám làm nghề này, và gái điếm ở đây hầu hết là những cô nàng đã xơ xác ế ẩm ở những động rẻ tiền từ Saigon, phải lưu lạc đến tận chốn này tha hương cầu thực,

Cô nàng rúc đầu vào ngực tôi nghịch ngợm, rồi vùng dậy ôm lấy mặt tôi định hôn. Tôi cũng ôm chặt lấy mặt ả nhưng cốt chỉ để không cho cô nàng hôn được. Miệng tôi đầy khói thuốc lá, thôi cũng được đi. Nhưng thêm một cái miệng đầy thuốc lá đủ hiệu : thuốc thơm Mỹ, thuốc Ăng Lê, thuốc đen gốc Pháp, thuốc Cẩm Lệ... của cô nàng thì không được một chút nào.

Cô ả ỏng ẹo :

- Sao anh không hỏi tên em ?

- Ờ... ờ... Em tên gì đó ?

- Lệ Hoa.

- Ờ. Đẹp như hoa. Rồi sao nữa ?

Cô nàng thở dài :

- Trước kia em đâu có như thế này. Anh biết không, hồi đó ..

Tôi biết nàng sắp tâm sự về quá khứ ly kỳ của nàng như thường lệ. Nhiều khách chơi thường thích lắng tai nghe dĩ vãng của các cô nàng, thường thắc mắc ra điều ái ngại hỏi han tại sao em lại ra đến nông nỗi này, bao lâu rồi và em hãy hoàn lương trở về.. v.v... Những ông khách đó kể ra cũng nhiều tình cảm thật, mặc dầu thỉnh thoảng là vì họ bí đề tài, nếu họ là những thi sĩ và văn sĩ.

Tôi ngăn lại. Cô nàng có vẻ bực bội vì không được kể lể cho sướng miệng, và cằn nhằn dục tôi :

- Thôi, vào ‘‘đi’’ lẹ cho rồi, anh.

Tôi gật đầu, vén tấm màn vải chui trước vào khoang đò. Một tấm chiếu đã được mụ Xép trải sẵn đó, thêm với ánh sáng từ ngọn đèn dầu trên bàn. Cô gái điếm hành động như một cái máy, ả đem chiếc thau nhỏ ra múc nước sông đem vào để ở một góc. Rồi ả kéo tấm màn vải đóng lại. Một khoảng trời đêm cao vời đột ngột bị che kín. Ả cầm lấy cây đèn dầu, hỏi tôi :

- Anh thích để đèn sáng hay tối.

- Tối.

Tôi định nói thêm ‘‘… đối với em’’ nhưng thấy như thế thì tàn nhẫn quá nên kịp ngừng lại. Có những cuộc ái ân cần phải để ánh sáng rực rỡ chói lòa cho mình hưởng trọn da thịt nồng nàn kỳ diệu của đàn bà, không bỏ sót một chút nào, kể cả mắt say sưa nhìn ngắm thân thể mình và người khác nối liền tan hòa với nhau, nhịp nhàng đồng điệu. Nhưng đối với ả gái điếm này, ánh sáng chỉ đem lại cảm giác chai lì trân tráo. Phải mù mới có thể làm tình với cô nàng được.

Trong bóng tối đen đặc của khoang đò. Tôi và cô gái điếm, làm cái chuyện thông thường. Có lẽ cô nàng đang nghĩ đến số tiền năm trăm đồng chốc nữa sẽ lấy của tôi. Tôi thì đang nghĩ đến năm trăm đồng mình sắp mất. Và cứ thế, cả hai cứ gấp rút cho xong chuyện. Đâu còn cái thời những nàng kỹ nữ với tiếng hát truân chuyên bên tiếng đàn tiếng phách và nhịp trống chầu. Kỹ nữ ngày xưa còn biết dùng dằng lưu luyến khách ở lại cùng em thêm chút nữa...

Thời nay, những nàng ấy sa sút quá rồi, chỉ còn là thúc hối, vội vàng, càng nhanh càng tốt. Như cô gái đang nằm trong tay tôi. Áo đầy mùi mồ hôi, quần đen rộng thùng thình, lại chỉ được buộc bằng một thứ giải rút gì mà tuột ra nhanh quá.

Nỗi ngất ngây đắm đuối của tình ái, bí nhiệm của thân xác người nữ, xúc cảm lớn lao và sâu đậm của hoan lạc... Những điều tuyệt vời ấy ngày nay đã dần dần mòn mỏi, mất mát. Những nhà nghệ sĩ lớn nhất của thời đại là những kẻ đem hết đời mình để cứu vãn điều ấy. Tôi muốn sát cánh bên họ... Nhưng đêm nay, tha lỗi cho tôi, tôi lập lại một cách nhàm chán hành động tẻ nhạt đó.

Xong xuôi. Cô gái chồm dậy, lại gần thau khoát nước rửa sơ sài. Rồi ả vén màn, ra trước mui đò, đổ thau nước xuống sông. Một chút nước tan mất lẹ làng, không một dấu vết trong dòng sông đang lềnh bềnh với những khóm lục bình trôi nỗi. Sông Hương, dòng sông ban đêm man mác huyền hoặc, soi sóng sánh dưới làn nước đen thẩm, là hình ảnh vỡ nát của bộ mặt phấn son cười gượng gạo.

Dòng sông. Ban ngày thì thắm thiết một màu xanh, sóng nước gợn nhẹ lung linh trong ánh nắng.

*

Giọng mụ Xép vẳng ra từ mui trước :

- Con ơi !

Lần này không có tiếng trả lời mau lẹ như trước.

- Sương ơi, Sương...

Bây giờ tôi mới biết có con gái mụ Xép tên Sương. Mập mờ trong bóng đêm, có lẽ từ bến nước, con đò nhỏ của cô lại lầm lũi tiến ra thoăn thoắt.

Ả gái điếm véo vào tai tôi ra dấu từ biệt, cô nàng xuống đò nhỏ, và còn nheo nhéo thêm vài câu với tôi, vài lời gượng tình tứ một cách giả lả. Tôi vẫy tay chào, thắp cho nàng thêm điếu thuốc. Lúc đó, tôi bỗng bắt gặp đôi mắt của cô Sương nhìn tôi. Tôi không thấy rõ lắm vì mặt cô cúi gằm xuống nhưng hình như ánh mắt cô ấy có một dấu hiệu gì tỏ vẻ buồn rầu. Điều này làm tôi đau lòng, như vừa phạm tội trước một người chứng nghiêm khắc. Tôi cũng hơi ngạc nhiên nữa, một người chuyên chở gái về cho khách như cô Sương, đáng lẽ cô phải thản nhiên lạnh lùng lắm đối với những cảnh màu mè gai mắt như thế này.

Nhưng rồi tôi không biết thêm điều gì cả. Con đò của cô Sương, mang theo một gái giang hồ, đã quay đi và lùi xa dần, mất hẳn trong một xó tối bí mật nào.

Cách một tấm ván che ngăn đôi khoang đò ra làm hai, tiếng mụ Xép vọng ra :

- Vui vẻ không thầy ?

- Ờ, cũng tạm được.

- Lát nữa có ghe bán đồ ăn chèo qua, thầy kêu vài hột vịt lộn ăn cho chắc bụng rồi ngủ cho khỏe,

- Ờ. Mà cô Sương...

Giọng mụ Xép có vẻ hãnh diện :

- Con nhỏ đó hả ? Nó siêng năng lắm, thầy. Còn đi đây đi đó đến nửa đêm rồi về đây ngủ với tôi.

Tôi ngần ngại :

- Cô ấy cũng còn nhỏ. Ban ngày không đi học hay làm gì à?

- Thôi, thôi. Tốn tiền lắm, có được một đứa gái lớn, nó phải lo chợ búa nấu nướng giặt gịa. Ban đêm, mời khách giúp đỡ tôi chút chớ.

Mụ Xép chợt yên lặng. Có lẽ mụ đang nghĩ ngợi đến đứa con gái độc nhất của mụ. Không biết mụ có lo nghĩ phải kiếm cho con mình một tấm chồng tử tế, hay cứ để nó tiếp tục sống đều đặn ở bến đò đêm này mãi, bên cạnh những loại vạc ăn sương và mình thì lẻ loi rũ rượi như một con chim cú.

Có lẽ bây giờ đã đến nửa khuya, nhưng tôi không buồn ngủ. Ả gái điếm đã đi khỏi, giờ đây chắc cũng đang lập lại những động tác quen thuộc trong một khoang đò khác. Gợi chuyện, tâm sự kể lể, hôn hít, múc thau nước sông, cởi áo quần, tắt đèn... thắp đèn, đổ thau nước xuống sông, nhét tiền vào ngực áo... rồi đi đò khác. Tôi kinh hoàng vì những công việc chai lì máy móc như thế. Nhưng cô nàng biết làm sao hơn.

Một chiếc ghe nhỏ không mui, ngọn đèn le lói trong bóng tối tiến lại gần. Không phải là của cô Sương. Đây là chiếc ghe bán hàng rong như lời mụ Xép đã nói. Bà già chèo đò tấp sát lại, mời ăn, những món ăn ngon lành dành chờ khách chơi khuya thường hay đói bụng. Nồi bún bò bốc khói đặt khéo léo trong lòng ghe, lúc nào cũng giữ cân bằng thật tài tình, và hột vịt lộn, khô mực, đùi gà vịt, vài lon bia hộp, nước đá đã chặt thành từng thỏi chứa trong bao.

Tôi chỉ mua một chai bia lạnh. Rồi tôi dựa người trước mui đò. Trời tối. không phải mùa thu hay ngày rằm để có trăng. Đêm bỗng im bặt, lặng thinh. Chân cầu Trường Tiền xa xa lầm lì, những ánh đèn của thành phố trên kia tụ lại thành một đốm sáng, hay rải rác nhỏ nhoi dọc theo bờ sông. Trên bờ, cả thành phố đang say ngủ. Những cô trinh nữ đang yên giấc trong cánh cửa đóng kín, mộng hiền hòa dưới vầng trán phẳng chưa một nếp nhăn, mà đôi môi biết có vô tình thầm thì lời mời gọi nào.

Chỉ có những con đò là lặng yên nằm an phận khép nép dưới bến riêng, như một đảo hoang nằm bên ngoài thế giới. Mỗi con đò cũng có sơ sài chiếu mền, như một mái nhà, nhưng làm sao được như một mái nhà. Đò bềnh bồng trôi nổi, mảnh mai trong mùa đông có nhiều đêm mưa bão. Dưới chân, chung quanh, thiếu đất đai vững bền ấm áp để có thể ươm vài loài cúc tím hay trong một luống khoai xanh lá. Mọi thứ đều đổ xuống dòng sông, mà dòng sông thì luân lưu, trôi đi, trôi xa bất tận...

Có tiếng chạm nhẹ vào mạn đò làm tôi giật mình. Cô Sương cột chiếc ghe nhỏ của cô sát vào đò của mẹ. Cô sửa soạn dọn dẹp mấy mái chèo. Tôi gợi chuyện

- Cô Sương không đi ngủ à, khuya rồi.

Có gái ngạc nhiên ngước nhìn tôi :

- Sao ông biết tên em ?

- Lúc nãy, mẹ cô mới kêu đó.

Cô hơi mỉm cười ra vẻ chợt hiểu, cô vấn mái tóc mình ra đàng sau, cột lại bằng một mảnh vải nhỏ. Áo ngắn tay đen, làm nổi hẳn làn da trắng khi cô cúi xuống vốc nước rửa mặt một cách tự nhiên. Tôi thấy khuôn mặt cô thơ dại quá, có lẽ vừa mới đến tuổi hai mươi là cùng.

- Cô Sương mệt lắm không,?

- Không, ông à. Quen rồi, đêm nào cũng chèo đi chèo lại thế này mà.

Khi cô Sương níu vào mạn đò để bước qua, tôi đưa tay định dìu cô cho khỏi ngả nhưng cô tránh đi.

Cô hỏi :

- Ông còn cần gì nữa không ? Ông chưa ngủ đi, khuya rồi đó.

Tôi lắc đầu. Cô bước vào khoang thuyền dành cho khách, và đêm nay tôi là người thuê. Cô thản nhiên cuộn chiếc chiếu bẩn lúc nãy tôi và cô gái điếm đã nằm lên, và thay một chiếc chiếu khác.

Chiếc ghe của bà già trở lại, lấy tiền và vỏ chai bia. Tôi hỏi cô Sương có uống gì không nhưng cô cứ lắc đầu từ chối mãi. Cuối cùng, tôi vẫn mua một lon nước cam còn khá lạnh. Khi ghe của bà bán thức ăn đã bỏ đi, cô Sương chợt mỉm cười. Mắt cô long lanh, một chút tinh nghịch như trẻ con :

- Em chở cô Hoa đến cho ông. Ông thích lắm nên thưởng một chai nước cam phải không ?

Tôi cũng cười nhưng không biết nói gì. Hình như có tiếng thở dài của cô Sương, rồi giọng cô ngập ngừng:

- Mấy ông thiệt sướng. Lúc nào muốn vui, lại xuống đò ngủ một đêm, rồi sáng mai, đi đâu, đi miết. Và ban ngày chắc lại còn nhiều thứ nữa.

Tôi chờ cô uống một ngụm nước. Rồi tôi nói :

- Chán lắm.

- Em mới là chán. Ngày nào cũng như ngày nào, cứ ở mãi đây.

- Chứ Sương thích đi đâu ?

Cô Sương đưa lon nước cam cho tôi. Tôi vốn ghét nước cam nhưng nhìn thấy môi cô mướt ươn ướt vì mới uống xong một chút, tôi uống trọn một hơi dài. Và nghe cô nói

- Em không biết... Nhưng ông thấy ở đây vui không?

- Buồn chết

- Em mới là buồn, ông à.

Tôi lặng thinh giây lâu. Cô Sương cởi sợi dây buộc tóc cho mái tóc xỗ dài xuống vai, rồi cô nói:

- Thôi, em đi ngủ. Mai chắc ông dậy đi sớm?

Tôi gật đần nói thêm :

- Nhưng tối mai tôi sẽ xuống đây lại.

Cô Sương đi nép bên mui đò từng bước để ra khoang trước, nơi mụ Xép không biết đã ngủ hay chưa mà nãy giờ không thấy lên tiếng gì cả. Cô quay đầu lại:

- Ông xuống đây mãi mà làm gì, tiền thuê đò, tiền ‘‘này nọ’’ tốn lắm. Sao ông không ngủ nhà?

Tôi nói đùa :

- Ở trên đất chán lắm.

- Không đâu...

Mắt cô hình như mơ màng nhìn lên hàng cây chập chờn ven đường.

- Trưa nào em cũng thấy mấy cô học trò tan trường về, đứng đầy bến đò, trắng cả bờ sông... vui lắm...

Và cô Sương đã ra đến khoang trước, giọng cô thoảng lại nhỏ nhoi và xa vắng trong đêm tối.

-Em không được như họ...

Tôi đứng yên nhìn theo hoài nhưng cô Sương đã vào trong khoang đò với mẹ. Lát sau, tôi cũng vào nằm, không ngủ được nhưng vẫn tắt đèn.

Bên kia vách ván. Có tiếng trở mình nặng nề làm đò hơi chao đi. Tôi nghe chập chờn giọng hai mẹ con nói chuyện:

- Ông khách ngủ chưa con ?

- Lâu rồi.

- Tối nay khá không ? Con đưa được mấy đò?

- Gần mười.

- Ờ. Được rồi. Thôi ngủ đi, sáng sớm nhớ giặt mấy chiếc chiếu, mấy bao gối cũng đã dơ lâu lắm rồi.

- Mẹ khỏi dặn... Này mẹ...

- Gì đó nữa ?

- Thôi... không gì hết, con buồn ngủ rồi, Thôi...

Và hoàn toàn im lặng. Tôi chờ đợi lúc lâu vẫn không nghe thêm lời nào nữa. Cô Sương, cô định thốt lên lời băn khoăn nào, cô sắp sửa cầu xin mẹ một điều gì... nhưng sao tiếng tỏ bầy ước mơ chưa trọn, đã nhẫn nhục câm nín, như nghìn đêm đã âm thầm qua trên dòng sông quen của cô.

Sáng mai, bầy nữ sinh kiều diễm của Huế sẽ rộn ràng khắp đường đi, qua mấy nhịp cầu, qua đò sang sông, thả tay giỡn nước. Áo lụa trắng, cặp da đen và đôi má tơ đào, mắt trong xanh như mùa lá mới.

Ở một góc bến xa hơn, cô Sương sẽ ngồi trước mui đò, giặt những chiếc chiếu bẩn đêm vừa qua. Dòng sông không phải đối với ai cũng êm đềm thơ mộng.

 
HOÀNG NGỌC TUẤN      
 
(Trích từ tập truyện ngắn Chuyện Hai Người) 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét