Ở
đất Hào Dương có gã Sầm Hiệu sống nghề cày cuốc, tính tình thẳng thắn nhưng rất
thô lỗ cộc cằn. Trong buổi tụ họp đông đảo nếu Sầm mở lời cười đùa, thế nào
cũng làm mất lòng trên ba bốn người là ít. Tính Sầm lại vốn ghét sự làm thinh,
thấy gì trái ý thì nói chẳng nể nang gì nên đám bạn bè nhiều kẻ xa dần. Con gái
trong thôn chưa chồng kể cũng khá nhiều, vậy mà Sầm không bắt tình được với cô
nào. Hễ Sầm mở lời chòng ghẹo thì y như các cô đều háy nguýt, ngúng nguẩy bỏ
đi. Nhiều cô gặp Sầm, vội vã rẽ ngang đường khác. Cha mẹ của Sầm già nua, thấy
con lớn tuổi mà vẫn nằm ngủ một mình lấy làm thương lắm, thường mượn mai mối dọ
hỏi nhiều nơi nhưng vẫn không một nơi nào ưng thuận. Một hôm đi thăm quê ngoại
trở về, Sầm ghé qua núi Trúc Sơn, thấy ngôi cổ mộ của Lý Thiên Vương cỏ mọc um
tùm bèn ngồi mà nhổ. Xế chiều, dọn cỏ gần xong bỗng thấy một cô gái lớn từ
trong hốc núi đi ra, tay xách giỏ rau. Thấy Sầm, cô gái bèn nói:
-
Con cháu bất hiếu dữ ha! Đã bao năm nay mới thấy tìm đến nhổ cỏ!
Sầm
trợn đôi mắt tròn xoe, quát rằng:
-
Nói thế mà chẳng ngượng mồm! Ta vốn họ Sầm, nào thân thích gì với họ Lý đâu?
Nhưng Thiên Vương đây là người lính già đã hơn mười lần đuổi giặc để cho thôn
xóm bình an, chẳng may lại bị giặc giết, thế mà chẳng có một ai quét dọn mộ
phần, để cho gai bám bụi lùm như nơi hoang địa. Ngày nay, hỏi chúng ta đây được
sống yên ổn, thì ai chẳng tự xem mình như là con cháu Thiên Vương mà còn phân
chia dòng họ? Ngươi vốn là dân vùng này, tuy là phụ nữ nhưng chẳng lẽ quên anh
hùng, lẽ đâu cứ ngồi đợi kẻ ở xa dọn cỏ thế này? Hay là ngươi cho rằng chỉ mộ
phần của hàng tướng lãnh mới đáng hương trầm khấn vái mà khinh nấm đất của hạng
sĩ tốt vô danh?
Cô
gái đặt bó rau xuống, chắp tay, ôn tồn:
-
Thiếp xin chịu lỗi đã dám lỡ lời xúc phạm, nhưng dù không phải là người vùng
này, hằng năm vào tiết thanh minh thiếp cũng đến đây dọn cỏ cho người dưới mộ.
Nếu không, nơi đây gai đám bụi lùm đã giăng phủ kín mất rồi.
Sầm
vội kêu lớn:
-
Thế thì ta lỡ lời rồi! Thật ta ngu hơn một con heo nhỏ! Mong nàng coi như ta
không có nói lời nào.
Nói
rồi phủi tay, cắp nón chuẩn bị lên đường. Cô gái nép bên vệ cỏ, nhường bước cho
Sầm:
-
Trời đã xế chiều, rước chàng đi trước kẻo đàn bà đợi ở nhà.
Sầm
cười rất to:
-
Ta chưa có vợ, làm gì mà có đàn bà đợi chờ?
Cô
gái tỏ ý ngạc nhiên:
-
Lớn tuổi thế này mà chưa có vợ thật sao? Hay là chàng quyết ở vậy một mình?
Sầm
đáp:
-
Dại gì mà ở một mình! Ta cũng thích cưới vợ lắm, nhưng đã dọ hỏi nhiều nơi mà
các cô gái thảy đều một mực chối từ.
Cô
gái bèn hỏi:
-
Chê chàng điều gì?
-
Chê ta ăn nói vụng về khó nghe.
Cô
gái mỉm cười:
-
Lấy nhau, đâu phải vì nơi chót lưỡi đầu môi.
Rồi
nàng e lệ nói tiếp:
-
Nếu chàng không chê thiếp xấu, thì xin vì chàng sửa trắp nâng khăn.
Sầm
không giấu được mừng rỡ, la lên:
-
Hay lắm! Ta cũng có nghĩ điều ấy, nhưng sợ nói ra lưỡi vấp gai chông của thái
độ nàng.
Cô
gái bật cười:
-
Bây giờ chàng nói rất hay rồi đó.
Cô
gái tên là Chúc Anh, họ Diệp, ở Hoàng gia trang, cách quê Sầm Hiệu hơn chục dặm
đường. Mồ côi cha mẹ, nàng ở với một người cô, hết lòng hiếu thảo. Ông bà thân
sinh Sầm Hiệu khi nghe tỏ rõ tình đầu hãy còn nghi hoặc, nhưng sau cho người dò
hỏi biết được sự thực thì lấy làm mừng. Sau lễ dạm hỏi, Sầm Hiệu năng đến thăm
viếng Chúc Anh, hai bên rất là ý hiệp tâm đầu. Mùa xuân năm sau, song thân Sầm
Hiệu chuẩn bị lễ cưới cho con thì gặp dịp quan Tổng trấn Hào Dương ra lệnh
tuyển mộ thanh niên gia nhập vào đội Phòng vệ, vì lẽ tình hình trong trấn ngày
càng thành bất trị. Sầm Hiệu từ giã cha mẹ và nàng Chúc Anh lên đường. Quan
Tổng trấn này họ Trầm, tên là Chính Hiệp. Tên nghe rất tốt mà người rất dữ. Tay
quan lúc nào cũng vung vẩy con roi sắt, miệng quan gào thét như khạc gươm đao,
nhân dân đứng trước mặt quan ai cũng run sợ cúi đầu. Quan thích như thế, nhưng
dân chẳng ai lấy thế làm thích.
Từ
khi quan về Hào Dương thì cảnh đói khổ càng tăng, trộm cướp mọc lên như nấm.
Quan bèn cho in nhiều sách thánh hiền giáo huấn tung ra khắp nơi cốt để ổn định
nhân tâm. Sách không ai đọc vì đa số dân đều không biết chữ. Những người biết
chữ thì không có đủ thì giờ xem sách. Một số có thì giờ xem, thấy sách nói toàn
những chuyện xa xôi, bèn sinh bực tức muốn đi ăn cướp.
Quan
bèn lập ra một đội Phòng vệ để mà đàn áp nhân dân. Bệnh không chịu chữa từ gốc,
nên chận chỗ này lại phát chỗ kia. Gặp năm trời làm thiên tai, nước sông Bạch
Hà tràn kên sáu dặm ngâm mùa suốt một tháng trời, dân chúng cả miền Trà Lý phải
hái rau cỏ ven núi mà ăn. Kịp đến vụ thuế, quan bắt dân nộp, tiếng dân kêu trời
như bộng. Xã trưởng bị quan dồn vào thế bức, thắt cổ mà chết. Quan truyền cho
lính Phòng vệ kéo về Trà Lý bắt trói những chủ gia đình đem về hạ ngục. Khi đội
Phòng vệ sắp sửa lên đường, Sầm Hiệu ra trước mọi người, nói to:
-
Chúng ta nhất quyết không đi!
Quan
bèn nạt lớn:
-
Kẻ nào trái lệnh thì ta chặt đầu!
Sầm
Hiệu vẫn cứ la to:
-
Chặt đầu thì chặt, dân đói thì dân phải kêu, không thể bắt dân giam vào ngục
được.
Quan
thét:
-
Phản tặc! Mày không biết mày là lính nhà quan hay sao mà dám cãi bướng?
Sầm
Hiệu bèn ngẩng cao đầu, dậm chân, trợn mắt cãi lại:
-
Ta ăn hột gạo quan cho nhưng lúa gạo ấy chính là do dân làm lụng cực khổ mới
có. Bọn ta thật sự là lính nhà dân đấy thôi. Khi nào quan cùng với dân một lòng,
một dạ thì ta là lính nhà quan. Nay quan hại dân, thì quan là đồ phản tặc, ta
quyết chống lại.
Tổng
trấn hạ lệnh đao phủ chặt đầu. Bọn đao phủ thấy Sầm Hiệu mặt đỏ bừng bừng, mắt
trợn tròn xoe, vành môi mím lại trong một khí phách kiêu dũng lạ thường, thảy
đều khiếp sợ không dám lại gần. Quan phải đòi chặt đầu luôn cả bọn, chúng mới
xông vào bắt trói Sầm lại rồi đem cột vào cây trụ, khai đao. Lạ thay, chém trên
mười nhát mà đầu Sầm vẫn trơ trơ. Đao phủ thảy đều khiếp sợ, xanh xám mặt mày.
Quan bèn nạt lui mọi người, rút thanh bảo kiếm chém liền ba nhát nhưng hễ mỗi
lần lưỡi gươm bén đến da cổ thì hình như bị sức mạnh lạ lùng bật tung trở lại.
Quan cũng thất sắc. Sầm Hiệu tuy bị quỳ gối, trói xấp ké vào cột trụ nhưng đầu
vẫn cứ ngẩng cao, cả mắt cả miệng đều biểu lộ sức phẫn nộ mãnh liệt lạ thường.
Quan
bỗng nảy ra độc ý, truyền bắt cha mẹ của Sầm, cả nàng Chúc Anh về dinh rồi
truyền cho lính xử trảm. Khi bọn đao phủ đem thanh kiếm còn dính máu khoa lên
trước mặt thì Sầm Hiệu chợt thất sắc, cúi gục đầu xuống, nhưng rồi lại ngẩng
đầu lên. Lưỡi gươm chém vào da thịt, máu tuôn xối xả từng dòng nhưng đầu vẫn
không chịu rụng. Quan truyền chặt đầu những người chống thuế ở thôn Trà Lý vừa
mới giải về. lạ thay, lưỡi gươm dính máu nhân dân chạm vào da cổ thì đầu Sầm
Hiệu cũng rơi xuống đất.
Tổng
trấn hạ lệnh ném xác Sầm Hiệu xuống biển. Trời rất giá buốt, mưa tuôn dầm dề,
nửa đêm mấy người thuyền chài lặn xuống mò xác rồi đem vào chôn dưới núi Hào
Sơn. Mấy ngày sau đó, không ai bảo ai mà trên mộ phần luôn luôn có đặt hoa quả
hương trầm. Ngôi mộ mới đầu nhỏ bé, nhưng mỗi một người đến thăm bỏ vào nắm
đất, nhiều ngày ngôi mộ trở nên cao lớn, uy nghi. Ban đầu người ta còn đi cúng
lễ lén lút, lần lần người ta kéo đến khấn vái ngang nhiên, biến ngôi mộ phần
của Sầm thành nơi hiển địa. Ngôi mộ càng lớn, tên tuổi Sầm Hiệu càng được lan
xa, kỷ niệm của Sầm ở nơi lòng người càng thêm sâu đậm.
Tổng
trấn biết sự tình lấy làm giận lắm, truyền quân khai quật mộ Sầm để lấy hài cốt
hỏa thiêu. Khi quân đào xuống thì xương cốt Sầm đã rời rã từ bao giờ, hòa tan
với đất thấm vào cây cỏ, chỉ duy còn lại một khối ngọc hồng như kết tinh lại
máu huyết uất hận từ tim.
Quân
đem khối ngọc về trình Tổng trấn. Vốn có máu tham, quan truyền rửa ngọc rồi đem
cất kỹ trong nhà. Tối đến, quan thấy ánh sáng tỏa khắp gian phòng. Nhìn vào
khối ngọc quan bỗng giật mình thấy khuôn mặt Sầm hiện lên, phừng phừng lửa
giận, mắt trợn tròn xoe, nhưng hai vành môi trễ xuống trong một nỗi niềm thương
cảm vô biên. Tổng trấn khiếp sợ, mồ hôi tuôn vã như tắm, vội vàng nhét ngọc vào
rương, khóa kỹ, nhưng ánh sáng vẫn chiếu ngợp cả phòng. Thâu đêm quan không ngủ
được, giật mình thấp thỏm nhiều phen, cứ vừa chợp mắt là thấy khuôn mặt dị
thường của Sầm hiện rõ.
Mờ
sáng, quan truyền quân lính đem ngọc ném xuống một vực biển sâu. Tối đến, mặt
bể sáng tỏ một vùng. Ánh sáng rực rỡ long lánh xuyên từng lớp nước, chói rạng
hào quang, những người thuyền chài mò xuống để tìm khối ngọc. Ngọc không thể
giữ làm món của riêng, được truyền đi khắp và những kẻ nào ước ao được gặp mặt
Sầm bây giờ náo nức tìm xem ngọc quí. Nhìn đế khuôn mặt, thấy niềm thương cảm
đọng ở bờ môi, lửa giận phừng trên đôi mắt, ai cũng chan hòa giọt lệ. Giọt lệ
rơi trên khối ngọc làm cho chất ngọc sáng tỏ lạ lùng. Nước mắt dội xuống càng
nhiều, ngọc càng chói sáng. Tiếng đồn càng xa và quan Tổng trấn lại thêm một
phen nổi trận lôi đình. Quan bèn hạ lệnh tịch thu viên ngọc, lần này không phải
giữ lại để làm của quí mà truyền đao phủ đập tan.
Bao
nhiêu sức búa vẫn không chuyển lay khối ngọc. Búa càng nện, ngọc càng lì, người
ta tưởng như qua lời búa nện vang vang nghe giọng căm hờn của người lính trẻ.
Tổng trấn nhớ lại thanh gươm vấy máu ngày xưa. Và khi lưỡi gươm còn đọng chất
máu nhân dân vừa chém thẳng xuống, ngọc vỡ tan thành mảnh nhỏ trăm muôn. Ở
trong mỗi mảnh hồng ngọc lưu ly lại có bóng hình Sầm Hiệu, cùng với nỗi hận
niềm thương ở trên cặp mắt, đôi môi.
Từ
đấy, bao nhiêu mảnh ngọc lại được truyền đi trong phắp dân gian. Thiên hạ lưu
giữ ngọc ấy làm một bảo vật gửi lại đời sau. Ngày nay, có nhiều người lính còn
mang trong lòng chất ngọc lưu truyền, chất ngọc tượng trưng cho sự kiên quyết
bảo vệ lẽ phải và long thiết tha yêu mến nhân dân.
1-1960
VŨ HẠNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét