Ông Xương Ký không bớt tốc lực, quanh gấp để chạy vào sân nhà và nơi đó, ông thắng xe một cái két rít dài lên.
Nhưng ông thất vọng lắm. Nơi thềm nhà, chỉ có vợ chồng ông Trần
đứng đợi ông thôi. Ông chạy xe một cách thể thao như vậy cốt để cho một
người kia thấy, nhưng người đó lại vắng mặt.
Ông hơi lo trong bụng và tự hỏi: "Hay là nàng bịnh thình lình?".
Ấy, vào phút chót, con người hay bị hụt giò như thế. Ông lại bàn thầm:
"Hay nàng giả đau để có cớ thối thác? Nhưng không, xem ra, nàng đã nhẫn
nại chịu số phận rồi kia mà!".
Người khách đi xe hơi, tươi nét mặt ra và chào chủ nhà rất lễ
phép. Vợ chồng ông Trần cũng đủ lễ trả lại, nhưng nét vui tươi của hai
ông bà rất là gượng gạo.
Ông Trần hỏi cho có chuyện mà nói, để khách đỡ bỡ ngỡ:
- Xe không có mui à?
- Thưa có chớ. Nhưng chiếc xe nầy kiểu tối tân, mui xe bí mật và ngộ nghĩnh lắm. Xe mới qua tới là tôi lấy ra liền.
Đó là một chiếc xe hình dáng vừa vạm vỡ lại vừa nhanh nhẹn, sơn
màu lam lợt. Đuôi xe hơi dài quá. Xe lại giống hệt xe trần, không thấy
dấu vết sườn mui đâu cả.
Ông Xương Ký chỉ giải thích mập mờ như thế mà không chỉ coi mui ấy giấu ở đâu. Ông lại hỏi một câu cốt dang ra xa đầu đề:
- Thưa bà, cô Thu sửa soạn chưa xong, hở bà?
- Xong rồi, nó sắp ra đây. Cả nhà tôi ai cũng đúng hẹn cả.
Bây giờ khách đã xuống xe, đã đến gần chủ nhà. Hai người đàn ông
bắt tay nhau. Khách có vẻ sốt ruột. Bà chủ nhà kêu với vào trong:
- Thu a ! Ông Xương Ký đợi con đây !
Không nghe đáp, nhưng tiếng giày báo có người đi ra, rồi quả nhiên cô Thu đã hiện nơi khung cửa, tay xách va ly.
Người con gái ấy mặc toàn đen và gương mặt u buồn cùng với màu
sắc tang tóc kia gợi ra một tuyệt vọng vô biên. Nhưng quả cô ta đẹp
tuyệt trần. Không kể chi tiết nhỏ mọn là nước da trắng mịn nổi bật lên
bên cạnh y phục và màu tóc, màu mắt đen huyền, toàn thân cô là một bài
thơ ca ngợi đường nét huyền hoặc của những pho tượng cẩm thạch cổ điển
Âu Châu.
Ông Xương Ký mỉm cười rất vô duyên, nghiêng mình rất vụng về để thi lễ. Cô Thu chỉ hơi ngả đầu. Bà mẹ giục:
- Thôi con đi kẻo trưa, nắng lên rồi mệt đa !
Nói xong bà đưa tay giành valy với con. Bà biết con sẽ không buông, nhưng như thế bà sẽ có dịp kéo valy và cả nó ra xe.
Ông Trần chỉ đứng lặng nhìn, vẻ mặt bất nhẫn.
Người khách chạy vội trở ra xe và làm một việc mà hồi nãy ông cố
ý quên. Ông bấm vào một cải nút tức thì mui xe từ từ mọc lên. Mui xe là
những tấm kim khí sáng trắng, tấm nầy đè lên tấm kia, xếp lại, kéo ra
được, tất cả chôn giấu giữa lưng nệm sau và đuôi xe. Mui vừa mọc vừa bò
ra, tới phía trước rồi cúi xuống níu lấy tấm kính cản gió. Ông Xương Ký
lại quay kính cửa, kính nầy lại mọc lên đến đụng mui xe, hai thứ ấy ôm
lấy nhau, khít rịt, một hột bụi vào cũng không lọt.
- Kiểu tối tân - ông Xương Ký mỉm cười mà nói thế, mắt nhìn giai
nhân để rình một vẻ thán phục nơi gương mặt nàng. Nhưng cô Thu vẫn thản
nhiên như tượng đá.
Ông Xương Ký không mở cửa xe cho người đẹp lên, lại mở đuôi xe.
Một bồn rửa tay bằng sứ tráng men trắng nằm sẵn trong ấy. Chủ xe vặn một
cái nút, tức thì có nước chảy ra.
- Kiểu tối tân - ông ta lại khen.
Nhưng thấy không ai xúc động cả, ông ta đành thôi và mời cô Thu lên băng trước.
Bà Trần giọng van lơn nói:
- Em nó còn dại lắm, xin ông thật tình sửa dắt nó. Bề gì rồi
ông cũng cưới nó nay mai, ông hãy nương nó, chớ nên có gì đáng tiếc.
- Thưa bà, tôi hiểu.
Hai người trên xe chào hai người dưới đất, rồi chiếc xe tháo lộn ra đường một cách kiếm hiệp như khi vào.
Phụ nữ đẹp ngồi trên chiếc xe đẹp bên cạnh một thanh niên đẹp
thì đó là cảnh đẹp. Phụ nữ đẹp ngồi trên chiếc xe đẹp bên cạnh một người
đàn ông đứng tuổi, tóc nhuốm hoa râm, cũng vẫn là cảnh đẹp.
Nhưng trong trường hợp trước, người ta nghĩ nay đến sự xứng đôi
vừa lứa. Trong trường hợp sau, người ta đoán đó là một ông cha góa vợ
đưa con đi đâu đó. Cũng chẳng hề gì. Ngặt ông Xương Ký lại muốn người ta
nghĩ khác, nghĩ theo trường hợp trước, và biết chắc là muốn thế không
được, nên ông ngượng nghịu lắm. Cô Thu cũng một tâm trạng với ông. Cả
hai cùng khó chịu.
Ông Xương Ký muốn nói cái gì để bớt ngượng, nhưng vừa tìm ra
được một câu hỏi xoàng là ông lại phải do dự ngay từ tiếng đầu. Ông muốn
kêu cô Thu bằng em nhưng không đủ can đảm. Mà kêu bằng cô thì cũng tức.
Ông là vị hôn phu của Thu kia mà!
Ông Xương Ký góa vợ đã lâu. Ông Trần là bạn ông, lớn hơn ông bốn
tuổi. Ông Trần là giáo viên về hưu. Không cam với hưu bổng, ông ta mở
trường tư. Lỗ lã, nợ nần. Ông Xương Ký giúp cho để ông ta chịu đựng.
Nhưng giúp mãi mà ông Trần cứ lụn bại, thành ra số nợ, sau khi đổi chủ,
cứ to lần lên. Năm nay thì ông Trần kiệt quệ. Chỉ là bạn thường thôi chớ
không thân thiết ơn nghĩa lắm, ông Xương Ký rất sốt ruột vì số tiền kẹt
chết của mình. Tịch thâu bất động sản của nhà trường, chỉ vớt vát được
mớ nào mà thôi, mà lại tội nghiệp ông Trần nữa. Nhưng một hôm ông Xương
Ký lại nảy ra ý muốn tục huyền. Ông soát lại những phụ nữ mà ông quen
biết và rốt cuộc chấm cô Thu.
Quyết định đó là sự dở chứng của cái tuổi quá thì của người đàn
ông. Ông năm nay bốn mươi hai, tuổi khó khăn mà người đàn ông lắm khi
ngỡ trẻ như hai mươi. Nhưng ông xét kỹ, không thấy phạm luân lý. Cô Thu
trẻ hơn ông những hai mươi tuổi. Phải. Nhưng ông không vợ, và cưới xin
thật sự kia mà!
Cái ngày mà ông tỏ ý muốn cho vợ chồng ông Trần nghe, ông bà nầy
bỗng như lảo đảo say rượu. Một tuần lễ sau, sau khi nghiền ngẫm điều
kiện của ông Xương Ký đưa ra là hủy hết số nợ, lại viện trợ thêm hai
mươi vạn để tiêm thuốc khỏe cho trường, ông bà Trần thấy rằng hôn nhơn
nầy, nghĩ kỹ ra cũng không có gì xấu hổ cho lắm.
Còn một điểm khó khăn nhứt là cô Thu. Thu là nữ giáo viên nơi
trường của cha. Nàng trẻ đẹp, rất trẻ, rất đẹp, không lẽ lại ưng ông già
tóc bắt đầu điểm trắng.
Bà Trần thạo tiếng ngoại quốc, có đọc truyện cổ tích Tích Tân và
Ỷ Sơ của Pháp. Bà cứ mơ hão có được thứ tiên được yêu đương mà bà Hoàng
hậu ấy đã trao cho con gái là công chúa tóc vàng Ỷ Sơ để nàng nầy uống
lúc đi về nhà chồng, hầu yêu được người chồng già là ông vua hiếu sắc
kia.
Không có thuốc tiên, bà đành sử dụng những phương tiện thiết
thực hơn: thuyết lý cho con thấy rõ nỗi nguy của nhà và hôn nhơn ấy là
cơ hội may để cứu vớt những ngày cùng của ông bà: khi Thu đã nuốt nghẹn
nhận lời, ông bà lại cho hai "trẻ" gặp gỡ nhau thường để Thu bớt xúc tâm
lần lần.
Ông Xương Ký thì tham lam hơn, mong Thu yêu mình. Ông đã nịnh
đầm, đã biếu quà, đã lịch sự, đã thơ mộng, đã ăn tiệc, nhưng vô hiệu
quả.
Nay ông xin đưa vị hôn thê đi Ban Mê Thuật cốt để khoe những mặt
khác của ông: ông còn khỏe và rất thể thao; lái xe hơi chạy đường xa
như không không, leo đồi, trèo cây, lội rừng, băng suối tắm nước hồ
lạnh, thảy thảy không thua ai. Và biết đâu, trong một phút kia, giữa
cảnh hùng vĩ của cao nguyên, trên bờ các suối mơ khảm toàn rêu nõn, nàng
lại không cảm bài thơ man rợ của rừng sâu, và khi cảm xúc, lại không
yêu được người dìu dắt ở bên cạnh nàng?
Ông bà Trần, vốn biết ông Xương Ký đứng đắn và thành thật nên
ưng thuận. Cô Thu thì một liều, ba bảy cũng liều. Và cuộc quảng cáo rầm
rộ xui cô cũng muốn biết đất mới Ban Mê Thuật ra sao, biết những Sơn nữ
hồn nhiên mà cô rất thích qua các tiểu thuyết đường rừng lãng mạn. Với
lại chính cô cũng cố gắng để yêu cho được người chồng già, cho đỡ khổ cảnh lấy chồng so le của cô.
- E... m... cô có đem theo đủ các thứ cần dùng chớ ?
- Có.
Một câu hỏi hơi dài, một câu đáp quá ngắn. Rồi thôi. Những cặp
vợ chồng son trẻ trên những chiếc xe mà họ gặp dọc các phố lại càng
khiến họ khó chịu hơn. Có những đôi trai gái rất xấu xí trên những chiếc
xe khổ, có những đôi trai gái chênh chông với nhau về sắc đẹp trên
những chiếc xe tầm thường. Nhưng họ lại ước nếu được như vậy còn đỡ hơn.
Khi qua khỏi cầu Băng Ky, ông Xương Ký cho phóng xe mau để qua
mặt những chiếc xe trên đó có người cứ ngó ngoái lại mà dòm. Ông ghét
nhứt là vết-pa có đèo phụ nữ,vì luôn luôn đó là những cặp rất xứng lứa,
và người ham mặc sơ mi ngắn tay để khoe bắp thịt của mình.
Khỏi ngã ba Bình Triệu, họ qua một cánh đồng minh mông mà người
địa phương gọi là đồng Chó Ngáp. Gió thổi vù vù lại thêm năm nay, cái
lạnh của tháng chạp còn chần chờ ở nán lại lâu quá, nên Thu rùng mình
rồi khoanh tay lại trước ngực.
Ông Xương Ký vuốt lại tóc mình. Tóc nầy ông nhuộm đen mấy tháng
nay: Nước thuốc nhuộm cho tóc một màu đen kỳ dị và giả tạo, lại làm tóc
cứng ra, không thể chải bằng gôm, bằng gì được nữa. Nó rối bời trước gió
ngược chiều nên ông thấy cần phải sửa sang lại cho nó có trật tự một
chút và nhứt là để lấy cánh tay đưa lên đó mà che, hầu liếc nhìn người
bạn đang làm một cử chỉ khả ái.
Bỗng ông Xương Ký ngây người, suýt lạc tay lái. Không, đừng ai
nghĩ quấy gì hết. Đành là ông đang nhìn hai cánh tay khoanh lại trên
ngực của Thu, và đành là ông đang nhìn cái ngực ấy. Nhưng quả không phải
hình ảnh tuyệt mỹ kia làm ông say sưa.
Chính hai bàn tay trắng như bông của nàng nằm trên nền áo đen đã
gây xúc cảm dữ dội ấy vì nó nhắc ông đột ngột nhớ đến một điều mà ông
xao lãng mấy hôm nay, vì bận chuẩn bị đi với người vợ chưa cưới.
Một năm nay, ở Sài gòn có phong trào chơi lan rừng. Từ Đà lạt,
Gia linh, Blao, Ban Mê Thuật người ta gỡ trăm ngàn loại lan đem về bán
tràn ngập đô thành. Ông Xương Ký không thua ai hết về mặt ăn chơi, hưởng
thụ. Quanh nhà ông, toàn những lan là lan. Một hôm ông thấy một người
đàn bà Âu cầm một khóm lan kỳ lạ: lan cành trắng như tuyết, không có lấy
một chiếc lá, dáng khô khan như nhánh chết, mà hoa lại đen huyền. Màu
đen của bông lan ấy láng mướt như nhung, lại lóng lánh sáng như bạc, nếu
nhìn cánh hoa ngang mắt, ngỡ lan nầy cũng nhiều như các thứ khác, ông
không hỏi thăm người cầm, chỉ đi tìm mua, nhưng tìm mãi không ra.
Suốt mấy tháng, ông Xương Ký mơ thứ lan đen kia. Ông chiêm bao
thấy mình lên rừng và gặp cả một khu toàn lan đó. Ông săm soi huyền lan,
vuốt ve nó và lạ sao, trong hoa hiện ra một sơn nữ da trắng, y phục
đen, chạy trốn trong khói lá xanh rậm của rừng già. Người sơn nữ ấy mặt
hao hao giồng Thu và như Thu, cũng mơ buồn không dứt.
Đêm nào ông cũng thấy sơn nữ, khi nhập vào hoa, khi từ trong hoa
mà ra. Vốn thuở nhỏ thích xem truyện Tàu và truyện đường rừng của ta,
ông Xương Ký tin có hồn hoa, có yêu tinh lan rừng và sự tích huyền lan
của ông, như thế, càng tăng thêm.
Đã bảo, tuổi quá thì rất khó khăn. Ông Xương Ký mơ mộng như một
thiếu niên. Trong trí ông, các thứ đó bị xáo trộn lại: ông chạy tìm lan
đen; hồn lan đen từ trên rừng sâu, cảm động trước tâm thành của ông, nên
hiện ra để kêu gọi ông lên đó rước nàng về. Hay hồn ấy lại nhập vào xác
của Thu cũng nên?
Ông Xương Ký định bụng thế nào cũng đi tìm hoa, tìm hồn hoa.
Nhưng từ hôm mời Thu đi Ban Mê Thuật với ông được rồi, ông mừng quá,
quên mất người sơn nữ trong mộng.
Hai bàn tay no và nõn và trắng mịn ló ra khỏi hai tay áo đen
mướt, nằm trên gò ngực huyền bỗng xua mơ cũ tới. Người yêu ngồi bên cạnh
đây rồi, gần gũi quá, nên không còn sức quyến rũ mạnh của người trong
mơ nó hão huyền như bọt xà bông mà trẻ nhỏ thổi lên không trung, lóng
lánh nhiều màu. Phải chăng là như vậy? Nếu không, sao ông vẫn mơ sơn nữ,
mặc dầu ngồi gần Thu? Không, thật ra, gần Thu mà vẫn xa Thu như từ thuở
giờ. Sự gần gũi về thể chất không thỏa mãn được tâm hồn ông Xương Ký,
nó lãng mạn, nó mộng hão như một chàng trai trẻ. Thành ra gần Thu, ông
không say sưa được mà vẫn ước mong chưa toại, và cứ mộng đến Thu qua
hình ảnh hão huyền của hồn lan trong giấc chiêm bao.
Xe lướt gió vùn vụt. Sợ Thu lạnh, Xương Ký vói tay mặt quay kính
lên, rồi càng phóng mau thêm nữa. Qua những cầu gỗ hẹp, ông không thèm
bớt tốc lực, chiếc xe nhảy lồng lên trên những đầu cầu bên kia. Ông
Xương Ký mỉm cười, biết rằng Thu đương thót ruột. Chắc Thu sợ hãi và
giận ông lắm. Nhưng qua những cơn giận ấy, thấy không việc gì, chắc chắn
Thu sẽ nghĩ đến hai cánh tay của ông mà nàng sẽ đoán là còn rắn chắc,
bắp thịt còn đủ sức dẻo dai, tinh thần còn đủ lanh lẹn, mắt còn đủ sáng
tỏ. Rồi sau nhiều trận như thế, nàng sẽ quen đi, say tốc lực như say
rượu bia nhẹ, trí nàng sẽ triền miên với cái động, lòng nàng sẽ mê man
bối rối vì hai thứ tình trái ngược: kinh sợ và ham nhanh. Một khi tâm
trạng ấy xâm chiếm lòng nàng thì nàng sẽ có cảm giác nhỏ bé, cảm thấy
cần được bảo vệ và cố nhiên nghĩ đến người bên cạnh và sức khỏe của y.
Đành rằng tình yêu không đến sớm được liền sau cuộc say sưa đó.
Nhưng quả những giây phút nầy là những hột cát phù sa bồi đắp xây dựng
lần lần mối tình mong ước.
"Còn nhiều dịp nữa mà! Ông Xương Ký tự bảo thầm. Rồi nàng sẽ thấy mình trèo cây, mình tắm suối lạnh".
*
Ông Xương Ký gởi Thu nơi nhà một người chị, chủ hiệu
uốn tóc độc nhứt tại thành phố Ban Mê Thuật, còn ông thì tạm nghỉ nơi
trại của một người bạn, chủ đồn điền.
Cả hai người, không ai có ý xem hội chợ, nhưng ông Xương Ký cũng
đưa Thu đến đó. Ông nghĩ trong một hội chợ nhà quê người đi xem chắc là
cục mịch và sẽ không có những cặp vợ chồng xứng đẹp nó làm cho ông và
Thu bị tự ti mặc cảm. Nhờ thế ông sẽ dạn ra, bảnh thêm được với vị hôn
thê quá trẻ, và riêng Thu nàng cũng sẽ bớt ngờ ngợ vì ông chồng quá già.
Ông Xương Ký nhớ rõ là hôm qua, khi ra khỏi thành phố Sàigòn là ông
nghe dễ chịu ngay và lén dòm Thu thì nhận thấy mặt nàng cũng giãn ra như
trút được một gánh nặng. Vì ra khỏi đô thành là thôi gặp những chàng và
nàng tốt đôi, là khỏi bị ám ảnh vì sự so sánh thường xuyên giữa họ và
mình.
Nhưng ông ta đã lầm. Người Sàigòn ở đâu cũng có mặt cả, giữa cao nguyên họ vẫn lên để mà trẻ đẹp.
Người đàn ông đứng tuổi nào khác có thể hãnh diện được khi đi
với một cô gái trẻ. Nhưng vị hôn phu nầy khác hơn họ. Ông không cần dư
luận bên ngoài trầm trồ ông tốt phước, mà chỉ cần sự cảm thông giữa
người yêu và ông thôi. Sự cảm thông nầy không có là ông tủi thân, là ông
xấu hổ như nghe rõ chính Thu đang nói lớn lên để chê ông là già.
Ông Xương Ký đành phải trốn bằng cách chúi mũi vào các gian hàng. May quá, Thu bỗng vui lên và nói:
- Đẹp quá, đẹp quá!
Đẹp thật, ông Ký cũng nhận thế. Những tấm vải do người cao
nguyên dệt, mới xem ngỡ hàng ngoại quốc. Chỉ có ba màu thôi: đen, trắng,
và đỏ mà họ kết hợp lại thành những kiểu mẫu trang hoàng rất là mỹ
thuật, màu sắc dùng rất tiết độ. Chỉ tiếc là sợi quá thô và mặt vải quá
thưa.
Vải dệt thành những tấm dài từ hai thước đến trên ba thước. Ông Ký cầm lên một tấm rồi nhìn Thu hỏi trống:
- Cỡ này mặc được không?
- Thưa quá! - Thu cũng đáp trổng lại nhưng ông Ký nghe êm ái như
ai vuốt lên tim mình. Đây là lần thứ nhì mà giai nhân thốt lời, và lần
thứ nhứt mà người đẹp trao lời với ông.
Đâm bạo, ông xổ tấm vải, hai tay cầm vải dang ra rồi phủ vải ấy lên mình Thu và nói:
- Đẹp lắm. Nhưng có vẻ cổ sơ. Nếu... em mặc đầm thì may cũng được.
Nói được tiếng em, ông Ký thấy là dễ dàng quá. Chỉ khó lúc tiếng
đó còn nơi cổ họng, chực vọt ra mấy mươi lần mà vẫn lấp ló như con dế
hang. Bây giờ nó ra xong mà nghe sao mà không có gì khó khăn hết. Vậy mà
từ lâu ông không dám nói, nghĩ cũng lạ.
Thu cúi xuống dòm tấm vải nằm trên mình nàng, chống đầu gối ra để
xem nó có dịu, có nặng mình hay không và hai ngón tay mân mó sớ vải.
Vụt có sáng kiến mới, ông Ký nói, giọng reo vui:
- Hay là em may một bộ y phục trá hình mặc chơi. Phải, em choàng vải nầy lên mình, xem giống như một cô sơn nữ.
Nói tới đây, bỗng ông nhớ lại cô gái trong chiêm bao. Nhưng lần
nầy sao người con gái ấy bớt quyến rũ nữa. Có lẽ nhờ gần được với người
đẹp trước mặt. Dầu sao, ông cũng nghĩ đến lan đen mà ông tha thiết muốn
có một kiểu mẫu trong vườn.
Thu ngước lên mỉm cười:
- May áo ghế bành thì được.
Ông Xương Ký mua năm tấm vải nền đen, và năm tấm nền mỡ gà, cả
thảy đều để tặng Thu: Ông lại mua nào gạc nai, gùi, mác để biếu bạn hữu,
ôm vác kè kè như hai vợ chồng mới, đi mua sắm để dọn nhà lần đầu.
*
Cuộc đua voi, và đua ngựa không yên cương là một trận hửi bụi không tiền khoáng hậu. Nhưng đó là trò mà Thu thích nhứt.
Ông Xương Ký nghe mình hứng dữ lắm trước nỗi vui của ngươi yêu.
Ông còn chưa biết làm cái gì hơi động, hơi ồn cho nó có vẻ trẻ ra để
xứng với vẻ hân hoan của bạn thì may quá, đoàn ngựa đua giải tán, lướt
chậm tới chỗ hai người đứng.
- Anh ơi, cho tôi cỡi thử một chút chơi.
Ông xin liều như vậy mà một người kỵ mã trai trẻ kia nghe hiểu, xuống ngựa liền và mời ông.
Ngựa tuy nhỏ thó nhưng không có yên cương gì cả. Nó lại có vẻ
hăng lắm khiến ông Xương Ký đâm sợ. Biểu diễn trước người yêu mà thành
công được thì tuyệt nhưng nếu rủi bị ngựa quăng xuống đất thì đi đời kết
quả ít ỏi của cuộc chinh phục trong mấy ngày nay.
Nhưng không thể lùi được nữa, ông Xương Ký bậm môi, vói tay níu
gáy ngược rồi thót lên lưng nó. Không việc gì đáng tiếc xảy ra cả.
Con ngựa vưng theo cái thúc chơn của ông, bắt đầu nhảy. Nhưng
mới chạy được một quãng, nó lồng lên, nhảy dựng lên như con chó đi hai
chơn trong rạp xiếc. Muốn còn ngồi ngay được, nghĩa là thân mình khỏi
nằm ngã nằm, vì lưng ngựa đã đứng sững lên như tấm vách, ông Ký níu chặt
gáy ngựa và áp sát mình vào lưng con thú. Ngựa khó chịu, thôi lồng nữa,
nhưng lại vục vặc đầu lia lịa để thoát gáy ra khỏi người cỡi. Tuy nó đã
đứng lại bốn chơn như thường, nhưng người kỵ mã không dám rời lông cổ
nó ra. Thoát không được, ngựa sải tán loạn, làm đủ trò chứng để quăng
gánh nặng trên lưng.
May quá, nhờ ngựa nhỏ thó, nhờ ông Ký cố bám níu như đó là vấn
đề sống chết, nên sau một hồi nổi loạn, con vật chịu thua. Nhưng ông Ký
không dám trổ tài lâu nữa. Bấy nhiêu đó hơi vừa đủ rồi, tiếp thêm, rủi
không xong, sẽ khổ thân lại mang nhục trước giai nữ.
Bấy giờ áo ông Xương Ký ướt mồ hôi như vừa mắc mưa: Ông thở
không kịp và ở hai bên màng tang, ông nghe mạch máu nhảy như muốn bứt
ra.
Ông trở về chỗ Thu đứng đợi ông, cố đi thật chậm để khi đến nơi,
bớt thở cho dễ coi một chút. Khi đang đi, trong một giây, ông nghe
choáng váng muốn té xỉu. Qua cơn đó, ông cảm thấy thân già mà cố làm trẻ
thì thật là khổ. Tủi thân quá, ông bỗng nảy ra cái ý bỏ vãi tất cả.
Hạnh phúc đâu chưa thấy mà đã khổ thân như tội đồ bị bắt buộc làm những
công việc quá sức mình.
Nhưng dòm lại người ngọc đàng xa, ông nghe được kích thích như
người leo cột mỡ vào những ngày hội, mệt nhoài ra, trèo lên tuột xuống
hoài, mà vẫn cố gắng vì bị giải thưởng treo ở đầu cột lôi hút mãi.
Đêm ấy ông Xương Ký trằn trọc đến khuya không chợp mắt được, Ông
bận trí về sự dùng thì giờ ngày sau đó. Đưa Thu đi đâu cho nàng vui, mà
ông lại trổ tài được?
Người chủ nhà có mời đi săn. Đi săn bằng khí giới cổ sơ do người Thượng tổ chức. Nhưng ông sẽ làm gì được trong cuộc săn ấy.
Có lúc ông Ký nghe chán lạ. Ông cảm thấy mệt mỏi vì sự chinh
phục thường xuyên nầy. Không phải chỉ mệt mỏi về thân thể mà về cả tâm
thần. Cái gì mà không giờ phút nào khỏi nghĩ đến việc làm vui lòng người
vợ chưa cưới?
Chẳng những thế, cuộc chinh phục sẽ bị tiếp tục một khi cưới
xong người đẹp. Chồng già, vợ trẻ, không thể buông trôi như những cặp mà
anh chồng không so le với vợ. Mệt ôi là mệt!
Ông Ký nhớ lại thuở trai trẻ, ông đã o mèo như bất kỳ ai. Ông đã
chịu khó, đã bền chí một cách gian khổ, nhưng sao không thấy chán nản
như bây giờ. Phải chăng vì thuở ấy, tình yêu, đối với ông thiêng liêng
lắm. Ngày nay thì ái tình đã mất vẻ huyền ảo của nó, bao nhiêu ý đẹp đã
tan, đã lắng xuống, chỉ còn nổi lều bều lên như bọt dơ, những cái gì chỉ
dính líu đến vật chất mà thôi. Mà về vật chất, cố công như xưa là uổng
công.
Tuy suy luận như thế, ông Ký vẫn không bỏ cuộc được vì ông đang ở
vào tuổi quá thì như đã thấy trên kia. Không say đậm với tình yêu như
hồi trẻ nữa, nhưng vẫn hơi điên dại như trai tơ. Rốt cuộc ông nhắm mắt
với quyết định ngày mai đưa Thu theo đoàn săn bắn của chủ đồn điền.
*
Mặt đất dợn sóng như mặt đại dương. Mà đây toàn là
sóng thần cả. Không phải thần về sự cao, mà chỉ về sự rộng lớn thôi. Mỗi
trái đồi to độ bảy tám mẫu, liên tiếp nhau trùng trùng điệp điệp như
một bầy thú lưng gù đang ăn cỏ giữa trời.
Ở những khu đất không có rừng, bầy thú nầy hiện ra đông đúc như kiến.
Đoàn săn gần hai mươi người Thượng, toàn là phu ở đồn điền của bạn ông Xương Ký, người chủ đồn điền ấy, Thu và ông Ký.
Để cho gọn, dễ day trở, người Thượng hôm đó không thèm mặc y
phục, chỉ đóng khố. Mười tám người không võ trang mà chỉ mang tù và. Còn
hai người kia thì cầm mỗi người hai cây ná và mang mỗi người hai gùi
tên thuốc.
Khi qua khỏi một cánh rừng, cả đoàn đổ ra một khoảng trống rộng bảy quả đồi.
Sau một lịnh của hai người Thượng đứng tuổi có võ trang ná, mười tám người kia túa ra, chạy lùi vào rừng trước mặt và hai bên.
Bọn người ở lại ngồi trên chóp trái đồi cao hơn hết ở giữa khu đất.
Đồi trọc lóc, cỏ đế cũng không cao. Họ như đang tắm lội giữa một hồ tắm mà bờ hồ là rừng xanh bao quanh đó.
Độ nửa tiếng đồng hồ sau, tù và khắp bốn phương tám hướng túa tên một lượt.
Hai người Thượng đứng lên giương ná, đặt tên vào, rồi trao cho chủ đồn điền và ông Xương Ký mỗi người một cây.
Giây lâu, nhím, trút, chồn, thỏ từ trong rừng rậm chạy tán loạn
ra ngoài. Đây là một cuộc săn nhỏ, tổ chức mua vui, người đuổi thú đã ít
oi lại không đi xa, nên không có thú lớn chạy ra.
Hai người Thượng bắn trước. Dây ná kêu lên một cái xạch, tên bay véo một cái là hai con vật ngã quay ra.
Ông chủ đồn điền bắn một phát, trật lất, rồi cười ha hả mà hỏi Thu:
- Chị xem tôi bắn có tài không. Nhứt phát là nhứt trúng...đất.
Thu thở không khí lành từ sớm đến giờ nên cũng trở nên vui tánh cười theo rồi vừa chỉ vừa khen:
- Mấy ông Thượng kia bắn sao mà y như là con vật bị cột gần sát họ.
Ông Xương Ký cũng bắn một phát. Trúng ngay đích, thật là may kỳ
lạ. Nhưng con mồi lại là một con trút vảy dày và cứng nên mũi tên trợt
lớt rơi xuống đất. Con vật tiếp tục chạy như không có gì xảy ra, khiến
Thu nheo mắt cười giòn rụm mà chế nhạo:
- Coi con trút kìa, nó lêu lêu mắc cỡ kia!
Ông Xương Ký sung sướng đến muốn rơi cây ná. Ông sung sướng vì
bắn trúng mồi thì ít mà vì được Thu chế giễu thì nhiều. Sự chế giễu ấy
không ác ý, trái lại chứng tỏ cảm tình, muốn thân mật và hàm kín đáo sự
khâm phục tài bắn của ông.
Lần cỡi ngựa tuy không suôn sẻ, và lần bắn nầy tuy cũng trục
trặc nhưng quả đã khiến Thu có cảm tình đôi chút với vị hôn phu già.
Chắc cô ta đã bảo thầm trong bụng: "Tuy không xong xại gì chớ cũng đỡ
hơn các thanh niên ôm măng-đô-lin, ôm ghi-ta nhiều lắm!"
Bắn được một phát, ông Xương Ký rất toại chí vì đã gần đạt mục
đích. Chỉ gần đạt thôi mà toại nguyện được là ông biết không thể nào đạt
hẳn. Tệ hơn hết, bắn lần sau, sẽ trật lất như ông chủ đồn điền kia.
Nhưng cái tánh muốn làm tàng, tới già con người bỏ cũng chẳng được. Nên ông ta lại toan bắn nữa.
Nãy giờ ông ta đã quan sát cách lên ná của người Thượng. Họ làm
công việc ấy như chơi chơi: đuôi ná chống vào bụng, tay trái giữ ná, tay
mặt vói lên vai để rút tên ở chiếc gùi mang sau lưng. Tay rút tên ấy
lại hạ xuống và cùi chỏ của tay đó kéo dây ná. Cùi chỏ kéo dây vào bụng
và cùng một lượt bàn tay đặt tên lên mình ná.
Cứ nhìn họ làm, ông Ký nghe dây ná rất mềm, cung ná rất dẻo và
trò lên ná là trò trẻ con. Nên chi ông cũng lập y lại những cử chỉ đã
quan sát được. Nhưng khi ông hạ tay rút tên xuống thì cùi chỏ của ông
chỉ kéo dây ná vào bụng ông được vài phân thôi. Cung ná xem ra cứng rắn
nhường sắt, không chịu cong thêm một chút xíu nào cho dây dễ kéo. Cùi
chỏ đè lên dây bây giờ lại đau như bị thanh sắt quất vào và càng cố sức
kéo, đuôi ná càng chống mạnh vào bụng đau như bị ai thọc gậy mạnh.
Rõ cuộc săn bắn nầy là một buổi chơi thể thao của những ông bụng
bự, chỉ ngồi trên dàn mà xem người ta đá banh. Ông Ký và bạn ông cũng
thế, đợi người ta lên ná sẵn mà bắn thì được, còn chính mình thì không
cử động bao nhiêu. Cho đến con mồi cũng phải có người đuổi ra trước mặt
chớ họ không chịu cực được mà lội rừng để tìm mồi.
Ông Ký nói gượng:
- Trời, đau nơi bụng chết đi thôi, làm sao mà tiếp tục chống để lên dây!
- Đâu anh chống dưới đất rồi lên thử coi.
Bạn ông Ký biết ông cố che lấp sức yếu của ông, nên đùa như thế.
- Không, như vậy lại càng không được. Khi mà nắm trái tay ai có sức trời kéo cũng chẳng nổi.
Tuy lỡ một dịp biểu diễn thể thao, ông Xương Ký cũng rất bằng
lòng mà chưa mang nhục. "Ná mọi" kia mà ! Nó nổi danh là cứng như thép,
thì giương không nổi cũng chẳng xấu hổ bao nhiêu. Vả lại, ông chỉ vì
chịu đuôi ná vào bụng không quen thôi, chớ ná thì ông bảo kéo được kia
mà. Thích một cái là Thu đi bộ thì thở hổn hển, còn ông thì không. Ông
đã già đâu, bằng cớ là lội rừng, ông tỏ ra khỏe hơn cô gái hai mươi
nhiều.
Người Sàigòn lần lượt về và ngày hội chợ bế mạc, cảnh có vẻ như một đám hát đình nhà quê ngày đưa sắc thần.
Tỉnh ly nhỏ ấy thâu hồi lại sự sống bình thường của nó với toàn
là những gia đình tận lực làm ăn để gây sự nghiệp. Đi rong phố, rất ít
người, mà họ cũng đi đâu đó có việc gì chớ cũng chẳng phải đi khoe áo
như ở Sàigòn. Những cặp vợ chồng công chức đi dạo mát cũng rất là khiêm
tốn, đến những người vợ tây sở cũng tỏ ra con nhà.
Cặp Thu - Ký nghe dễ thở bội phần. Lần nầy đôi bạn so le được
người ta nhìn để trầm trồ vì ông Ký dầu sao cũng "đẹp già", và nhờ biết
ăn diện nên xem cũng khá trẻ ra, nhứt là khi xen lẫn với toàn những
người bận làm ăn, ai cũng không tươi lắm. Họ hết bị nhìn bằng những vẻ
mặt kinh ngạc như khi ở Sàigòn hoặc khi đang giữa hội chợ.
Ông Ký nghĩ nếu ở đây luôn, sống với đồn điền, có lẽ hạnh phúc
được nhưng ông biết chắc không thể chôn vùi tuổi hai mươi của người vợ
trẻ nơi chốn thâm sơn nầy mà không bị phản đối. Tuổi hai mươi ham sống
biết bao nhiêu! Nhưng họ ham sống với xã hội loài người, cái xã hội phù
hoa, chớ dễ gì ham sống gần thiên nhiên hoặc gần xã hội cần cù ở đây.
Cô Thu cũng thấy là không khổ lắm nếu theo chồng sống trên các
đồn điền nầy. Nhưng rồi nỗi nhớ ánh sáng và tuổi trẻ ở đô thành luôn
luôn ngùi ngùi như là nỗi sầu xứ của một kẻ lìa quê.
Tạm trong vài ngày nầy, cô thấy cũng dễ chịu và gần vị hôn phu
già, cô lần lần tìm được thêm nhiều đức tánh của người nầy và cả nhiều
chi tiết về sự trẻ đẹp muộn màng của hắn.
Thu có đọc một quyển sách ngoại quốc, trong đó có tác giả đề cao
người chồng già. Người nầy giàu kinh nghiệm về mọi mặt, biết đoán ý
muốn của vợ, biết xử thế với những bạn bè của vợ, sành đời hơn người
tình nhân trẻ tuổi nhiều. Thu nhận là sách nói đúng khi gần gũi ông Ký,
nên cảm tình đối với vị hôn phu cũng bắt đầu nứt mộng đâm chồi.
Người con gái đang thì nào cũng đói yêu đương. Nếu gặp người lý
tưởng được thì tuyệt. Bằng không, lắm khi tình yêu đi lạc nên cũng đến
lắm cô lầm lỡ với người già. Trong trường hợp Thu - Ký, lòng cô gái đang
muốn phiêu lưu. Nề nếp nhà chắc chắn sẽ giúp cô khỏi ngả với ai hết.
Nhưng người bạn già nầy, cô đang đói lại cối và cố sức yêu, nên cố nhiên
tình yêu của cô bắt đầu lấp ló.
Ông Xương Ký đoán hiểu tâm trạng của Thu. Ông rất sành về lòng
người nên mới có cuộc đưa Thu đi chơi nầy, thì sao bây giờ lại không
hiểu được.
Nhưng quả là chán phèo, cái trái cấm ấy một khi đã gần hái được.
Chán vì mệt mỏi quá rồi. Trên sân khấu, người Ký trẻ chỉ dán râu vào
mép, bôi mặt sơ sịa và thêm vào đó một chút tài nghệ là làm lão già
được, mà chỉ trong vài giờ thôi. Anh kép già nầy, trái lại, không thể
hóa trang được mà phải trổ tài nghệ tuyệt luân ròng rã ngày nầy qua ngày
khác để làm kép nhứt trẻ trung thì còn khổ nào bằng. Cái khổ nghĩ chắc
sẽ không bù lại được với cái hạnh phúc mong muốn, nên chán là phải.
Hồn lan rừng thế mà ít đòi hỏi hơn. Nó lại quyến rũ như một mội
nước xa đối với người bộ hành trên sa mạc. Sức nóng của nắng trưa đủ làm
sai lạc thị giác của người nầy, nên mội nước càng được trang trí bằng
muôn ngàn màu sắc rực rỡ ma quái khác.
Ừ, lan rừng! Từ hôm lên rừng đến nay, ông Ký quên mất nó. Phải
tìm nó mới được. Ông đã đưa Thu vào những thôn xa, đã thấy hằng vạn
nhánh cây có lan bám vào, nhưng chưa hề gặp lan đen lần nào cả.
Có một buổi vào thăm một cái nhà dài của người Thượng, ông nhìn
dưới bộ ván dài thấy một cành lan đỏ, mà đã héo khô. Người Thượng ở
trong những ngôi nhà dài hai mươi thước. Ván cũng dài gần bằng nhà. Hôm
đó, trên ván có mấy mươi người đang lên cơn sốt rét ngã nước nằm la liệt
nên ông không hỏi gì được. Từ đó, không hề thấy dáng lan đen nữa.
Hôm nay ông Ký đưa Thu đến một con suối ít người biết đến. Ông thích những nơi hẻo lánh, ông lại cố ý đi xa để tìm hoa lạ.
Riêng Cao Nguyên không dày mịt như rừng dưới ta. Giữa những thân
cổ thụ mọc rất hiếm những dây leo, những kè gai, những mật cật lá rè,
nên ông Ký dắt bạn xâm nhập đại vào khối cây xanh, không theo những lối
mòn mà ai cũng biết. Ông biết hướng con suối đâu, và đi liều lĩnh như
thế mới đổ ra được những bến lạ chưa hề thấy dấu chơn người.
Suối báo hiệu bằng một vùng đất hơi ẩm, phủ rêu nõn. Nó lại lên
tiếng trước bằng lời chim như tụ về đó để uống nước. Đến gần sát bờ mới
nghe thủ thỉ dưới lá.
Nếu một chiếc xuồng thả trôi theo dòng xuôi thì người ngồi xuồng
có cảm giác là đi xe lửa và đang chun vào hang núi. Cây giao nhánh giấu
mất dòng nước dưới mắt kẻ tò mò; suối sống âm thầm trong rừng sâu nên
được một người ham sống âm thầm như thế tìm đến. Đây đó vài giọt ánh
sáng nhểu xuống từ trên vòm lá. Có giọt to như giọt nước máng xối lúc
trời mưa lớn, soi sáng nếp sống thân mật bên trong. Hai người dòm xuống
thì thấy dưới đáy một màu lục sậm, có nơi đen ngòm khiến Thu rùng mình
tưởng tượng đến những con thủy quái hung dữ ẩn nấp đâu dưới đó trong một
hang hiểm hóc nào. Nàng thò tay xuống nước rồi toàn thân mọc ốc. Nước
lạnh như nước trong một ly nước đá bào. Cái lạnh lại theo đi mà chạy mau
như điện đến lưng người. Đây là một thứ lạnh, khó chịu như cái lạnh dún
mình lúc sắp đến cơn sốt rét rưng.
- Tắm em nhé - ông Ký nói.
Thu lắc đầu. Nàng có đem y phục tắm theo, nhưng vì ớn màu lục
đen dưới đáy nước, ngại sức lạnh của suối và nhứt là e dè trước ông Ký
nên nàng bỏ dự định tắm đó.
- Công trình đi đến đây mà không tắm cũng uổng.
Ông Ký vừa nói
vừa cởi ra y phục một cách tự nhiên. Cũng không nài nỉ thêm gì người yêu
cả. Khi chỉ còn đồ tắm trên thân mình, ông ngó quanh quất và mừng rỡ mà
thấy một cây quỳ. Cây như mọc lên được một thước thì bị ai uốn ngã
nằm. Nó tiếp tục lớn lên bằng cách bò dài ra, và vô tình bây giờ dùng
làm ghế được.
Ông Ký cầm tay Thu mà dắt đi, nàng không chống cự. Ông đưa nàng đến gốc cây quỳ ấy rồi bước lên trước mà nói.
- Thôi, em ngồi đây, đợi anh tắm mát vài phút rồi ta đi tìm lan.
Cây quỳ bò ra mặt nước nên ông Ký khỏi phải xuống, đợi Thu ngồi xong ông theo cây mà ra giữa suối như đi cầu khỉ.
Sách khoa học quả quyết rằng con người không già nơi tuổi tác mà
già nơi sự suy mòn của thớ thịt. Có người sáu mươi mà thớ thịt còn
tươi, trái lại có người ba mươi mà thịt đã bắt đầu lão.
Nếu sách nói đúng thì ông Ký còn trẻ. Thân mình ông quả còn đều đặn, các bắp thịt quả còn sơn sở.
Không biết suối sâu hay cạn, ông cũng chắp tay phóng xuống vì thân cây mà ông đứng, không cao cho lắm.
Nước suối văng tóe lên rồi mặt suối khép lại sau gót chân người
nhảy. Vài giây sau, ông Ký trồi đầu lên cách đó gần mười thước. Vì ông
phóng xuôi dòng nên bây giờ phải lội ngược về chỗ cũ. Nước chảy thấy thì
rất mạnh, thế nên ông Ký lội cũng vượt tới mau lẹ như lội rạch đất
bưng. Khi về ngay cây quỳ ông nhắm nhía rồi lướt qua khỏi đó vài thước.
Đoạn thả trôi xuôi trở lại. Trôi tới thân cây, ông từ dưới nước phóng
lên, níu lấy cây quỳ, đánh đu lộn ngược nơi đó.
Ông đang say với sự khoe bắp thịt như một nhà điền kinh mê tập
luyện vào buổi sáng, bỗng một tiếng kêu thất thanh của Thu trên bờ làm
ông rụng rời. Ông Ký rơi xuống nước rồi không kịp nhìn, bơi sải vào bờ
sau vài ba cử động mạnh của tay chơn.
Khi ông trườn lên bờ thì thấy Thu đang té ngửa xuống và cũng lẹ
như chớp, ông nhảy lại đống quần áo, chụp lấy cây mác cán dài rồi day
lại chặt chụp xuống một cái, sát đầu Thu.
Máu phun có vòi...
Đó là một con trăn con, vụng về tập sự quất mồi, hay giỡn chơi
cũng nên, hệt như con chó con lạ gì cũng cắn rồi tha đi cho đỡ ngứa
răng. Thấy cô Thu ngon quá, nó quấn chơi, chớ con mồi to như vậy, làm gì
nó ăn được. Đuôi trăn đang quấn cổ vội tháo lẹ ra trong lúc đầu lăn lóc
muốn bò thoát đi. Nó sẽ không bò được xa nhưng ông Ký cũng chẳng thèm
biết tương lai đích xác của nó. Ông bận đỡ Thu lên, Thu mà giờ đây đang
nằm trên tay ông, Thu ấy mặt cắt không còn một hột máu và nhăn lại như
nhờm gớm cái gì.
- Em có làm sao không?
Thu mở mắt ra, rồi rùng mình:
- Chỉ nghẹt thở trong một giây. Nhưng nhờn quá, nó lang láng, nhơn nhớt ghê muốn chết.
- Chết là nó, chớ không phải em. Em xem kìa...
- Thôi, ai dám ngó nó... Anh...
Giọng Thu nhõng nhẽo như trẻ con sợ ma, và tiếng "Anh" thốt ra
để toan nói một câu còn ngập ngừng nơi cổ họng, tiếng ấy hàm trách móc
rất đáng yêu, có lẽ trách ông bỏ nàng một mình nên mới gặp nạn.
Người đẹp ở trong tay đây rồi! Người yêu lại không phải ở đó vì
bị bắt buộc mà vì muốn ở để được bảo vệ. Người ấy đang nũng nịu, đang
trách móc... Ôi, thần tiên là sự đụng chạm lần đầu trong đời niên thiếu
với một người bạn lòng. Ông Ký quả nghe ngây ngất gần được y như thế,
nên như một chàng niên thiếu, ông bỗng đâm bối rối, vụng về, không biết
phải làm sao nữa.
Ông hồi hộp nhìn Thu, tiếc sao nàng không bất tỉnh như người
cung nữ trong phim Địa ngục môn, và xấu hổ thấy mình như chàng tướng trẻ
trong phim đó, hớp nước suối để làm bộ cho nước, mà lại sợ sệt nhìn
quanh dáo dác rất buồn cười.
Không, ông không hèn như chàng tướng trẻ ấy. Ông phải yêu đường
hoàng chớ không được lợi dụng sự bất tỉnh của người đẹp để cho nước.
Nhưng ông phải yêu lễ độ chớ không hỗn hào như một chàng trai hai mươi
được.
Quyết định được thái độ, ông Ký tay nưng vị hôn thê lên, mặt cúi
lần xuống rồi chỉ đặt môi lên tóc nàng, hun thật nhẹ một cái ngắn rồi
thôi. Trong khi Thu rùng mình rồi ngây ngất dưới hơi thở ấm của người
chồng chưa cưới thì ông Ký bỗng nghe một cảm giác thật kỳ lạ. Đó là một
sự nhờm gớm, không phải nhờm gớm hương trời trong tay, mà giựt mình đánh
thót lên và vẳng nghe đâu đây lời trách móc, hơn nữa, lời hăm dọa tội
tù.
Tám tháng trời đeo đuổi, nửa tháng chinh phục không ngừng, hai
phút lồi hộp đến tim như muốn nhảy thoát ra khỏi lồng ngực, bao nhiêu
ngày tháng công lao ấy dầm trong một giấc mơ hạnh phúc vô biên. Nhưng
giờ đây, ê chề hối hận như lỡ tay đánh phải một đứa bé dại, săn phải một
con khỉ non và lòng quặn thắt, đau trước tuyệt vọng, căm hờn, khi ẩn
trách của khỉ mẹ.
Ông Ký đặt Thu nằm xuống cỏ, nhưng nàng không chịu nữa.
Người con gái họ giữ gìn nết hạnh rất chín chắn. Nhưng khi đến
lúc thấy không cần giữ gìn nữa, với một người nào, là họ suôn sẻ một
cách rất lương thiện. Đường họ đi, không đi thì thôi nhưng hễ đi thì
suông như đi trên một đại lộ, không quanh co, không ngập ngừng một cách
ích kỷ như ta. Hơn thế, nàng vừa mới yêu trong một phút, lần đầu tiên
trong đời nàng. Tình yêu chỉ có thế thôi a? Không, nàng không chịu bị
thất vọng. Ông Ký đành phải tiếp tục nâng đỡ người vợ chưa cưới, mà lòng
khổ như phải nâng một người vợ già, ốm đau liên miên mấy tháng trời.
Thu nằm đó, lòng băn khoăn chờ đợi cái gì nàng không rõ, nhưng tin chắc không phải như thế rồi thôi.
Bỗng một tiếng soạt trong lá khiến cả hai giựt mình ngó lại.
Lá xanh như một tấm màn giấy bỗng bị xé rách một lỗ và nơi lỗ
rách ấy một mặt người ló ra. Đó là một Sơn nữ không giống người trong
mộng chút xíu nào cả. Nàng không trắng, không đẹp, mắt nàng không mơ
huyền mảy may nào; nàng cũng chẳng ngây thơ nhìn người đàn ông đất Kinh
như ông Ký đã mộng thấy. Ông đang vừa ra khỏi một thất vọng lại đâm đầu
vào thất vọng khác nữa! Người sơn nữ vạch lá bước tới, không ngại ngùng
như ta, trước cảnh thân mật của người khác.
Hồn hoa ơi, không lẫn trốn nữa à? Ảo mộng ơi! Bây hùa nhau mà ra
mặt một lượt, bổ tới như những đợt sóng mạnh xô ngã người đang đứng nơi
bãi cát nhìn xa ra khơi mà mơ hão những chân trời lạ, những nước non
huyền diệu ở đâu đâu!
Để đỡ khó chịu, ông Ký hỏi bậy một câu, không mong người kia hiểu:
- Ở đây có lan đen không chị ?
Sơn nữ nhìn ông giây lát rồi đáp:
- Có, thầy hỏi làm chi?
Tiếng Việt đúng giọng của người nầy khiến đôi bạn ngạc nhiên. Ông Ký nói:
- Tôi muốn tìm lan đen, chị làm ơn chỉ giùm.
- Đi theo tôi.
Đôi bạn uể oải đứng lên sau lời mời xẵng lè nầy. Lá rừng khép lại sau lưng họ như muốn lấp nẻo vào quê hương của lan lạ.
Đến một khu rừng kia, thiếu nữ dừng lại và làm thinh, lấy tay chỉ lên cây:
- Ôi! Lan đen sao mà nhiều như dế sau trận mưa đầu mùa. Ông Ký
chóa mắt không biết chọn chùm nào. Ông lại nghe hết thích hoa đó nữa.
Không có thì ham, có rồi thấy cũng chẳng thích mấy. Có nhiều quá lại
phát ngấy lên.
Ông Ký hỏi:
- Làm sao mà mang về cho chắc sống chị? Về rồi trồng đâu?
- Không, không trồng ở đâu được cả. Không đem về mà sống được.
- Tôi thấy họ chặt luôn nhánh cây mà nơi đó nó bám, nhưng rồi nhánh cây khô, hết nhựa, nó chết đi.
Cô sơn nữ cười ngất:
- Nó có ăn nhựa cây như chùm gởi bao giờ đâu. Nó chết không phải vì nhánh hết nhựa, trái lại nữa.
- Chớ nó ăn gì?
- Nó ăn vỏ cây chết nên... Ông Ký bỗng nhớ lại một câu của nhà
văn Michelet: "Giống lan uống sự chết, sự chết ấy tạo sự sống cho nó".
Ông chận sơn nữ mà nói:
- Nếu nó ăn cây chết thì chặt nhành cây về là đúng lắm rồi.
Sơn nữ mỉm cười:
- Chùm gởi ăn nhựa cây sống nên sống bám vào cây đó là phải.
Nhưng lan ăn vỏ cây chết rồi còn phải tạo lấy sự sống cho mình, nên
không phải chỉ sống gởi là đủ. Còn phải có khí hậu nào, hơi gió nào và
một vạn thứ bí mật khác nữa mà ta không biết.
Ông Ký bỗng giựt nảy mình,
nhìn lại Thu đang trố mắt soi mói người thiếu nữ Thượng.
Một cô gái ăn chơi son trẻ, sẽ vui lòng thỏa chí bám vào ông như
chùm gởi bám vào cây sống. Ông sẽ chết trước chùm gởi và khỏi đau khổ
mà thấy người đẹp héo sầu. Nhưng Thu, một khi bám vào vỏ cây già cỗi của
ông, chưa chắc đã đủ điều kiện để tạo sự sống cho Thu. Ông lặp lại
trong trí lời sơn nữ: "Còn phải có khí hậu nào, hơi gió nào và một vạn
thứ bí mật khác nữa mà ta không biết". Không, vô ích, cuộc hôn nhơn kỳ
lạ của ông và Thu! Ông vừa thất vọng sau cái hun trên tóc, ông không nên
mò đến một thất vọng lớn lao nữa.
- Thôi, cám ơn chị nhé, tôi thôi không mang lan về nữa.
Nói rồi
ông ra hiệu cho Thu theo, không nắm lấy tay nàng mà dắt đi như ông đã
sung sướng làm mấy bữa rày.
Khí hậu Khí hậu! Ông lặp lại mãi hai tiếng ấy trên đường về. Khí
hậu nhà ta là những cuộc chạy áp phe quay cuồng. Rồi vài năm nữa đây,
nó sẽ là khí hậu tu viện của một ông già lùi về quê. Cả hai lối sống đều
không hợp với Thu, nàng cần không khí vui tươi hơn là những con số,
những kiện hàng, và cần không khí trẻ trung hơn là một khu vườn ở nhà
quê trong đó chủ nhà dưỡng lão. Ra đến lối mòn, ông nhìn Thu rồi ngập
ngừng giây lát, ông đánh bạo nói:
- Thu, cháu ơi, chú thấy chú đi sai đường lạc nẻo sâu lắm rồi. Nhưng trở lại còn hơn liều tiến đến miệng hố. Cháu nghĩ sao?
Thu kinh ngạc đến tột độ. Sau một phút nhìn ông Ký nàng bỗng
chợt hiểu. Nàng ngồi phệt xuống cỏ ôm đầu khóc mùi mẫn. Người con gái đi
đường suông. Và nếu phải trở bước thì khó khăn thay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét