Thứ Năm, 26 tháng 9, 2024

GÁNH XIẾC - William Saroyan (Định Nguyên dịch)

 

Lần nào gánh xiếc về tỉnh, tôi và Joey, người bạn thân nhất, cũng chạy vắt giò lên cổ (như cách người ta thường nói) chỉ để xem những tấm bích chương quảng cáo được gắn lên các hàng rào và dán trên cửa sổ của những kho hàng bỏ trống. Lại thêm một lần chúng tôi bắt đầu bê bối xao nhãng việc học hành. Tất cả những gì trong đầu nhỏ bé của chúng tôi chỉ là gánh xiếc đang trên đường đến tỉnh rồi băn khoăn tự hỏi học hành vớ vẩn thì giúp ích được gì cho mọi người.

Sau khi gánh xiếc đến nơi, chúng tôi chẳng làm được điều gì hay ho ngoài cái việc suốt ngày la cà ở nhà ga xem họ chuyển thú vật xuống, lang thang trên đường Ventura theo những toa xe chở sư tử, cọp và lăng xăng quanh khu đất dành cho gánh xiếc để giúp một tay cho những người nuôi thú, công nhân, tài tử nhào lộn và những anh hề khi họ cần đến.

Với chúng tôi gánh xiếc là tất cả, những thứ khác chẳng là cái thống chế gì hết. Đó là: phiêu lưu, mạo hiểm, du lịch, tài năng, tăm tiếng, lãng mạn, khôi hài, lạc rang, bắp nướng, kẹo cao su và nước ngọt. Chúng tôi thường mang nước cho voi uống, sau đó quanh quẩn khắp nơi y như chính mình đang tham dự vào cái công việc tuyệt vời ấy, chẳng hạn như giúp một tay dựng cái lều vải lớn, xếp đặt đồ đạc cho thứ tự lại, và chờ đợi người ta đến tiêu tiền như rác.

Một hôm Joey nhào vô lớp trễ mười phút (chúng tôi học lớp năm trường Emerson) không lột mũ trên đầu ra cũng không giải thích với cô giáo tại sao trễ, thấy tôi hắn la tướng lên:

- Ê! Aram! Mày làm gì ở Đây? Gánh xiếc về tỉnh rồi.

Dĩ nhiên là tôi quên béng đi mất Tôi nhẩy lên và dông ra khỏi lớp trong khi cô Flibety la thét rên rỉ sau lưng:

- Aram! Ở lại lớp ngay. Có nghe cô không Aram!

Tôi nghe rõ lắm chứ và tôi cũng biết nếu tôi không ở lại lớp học thì việc gì sẽ xảy đến cho tôi. Sự bỏ học có nghĩa là thêm một trận đòn bằng roi da của ông già Dawson, biết vậy nhưng tôi không thể nào ngồi lại được vì mê xem xiếc như điên như dại.

Khi ra đến ngoài phố, Joey hỏi tôi:

- Tao đi tìm mày lung tung, mày kẹt chuyện gì vậy?

Tôi nói:

- Tao quên mất tiêu. Tao biết họ đến nhưng không nhớ là hôm nay họ đến. Họ tới lúc nào thế?

Joey bảo:

- Năm giờ sáng tao ở ga rồi. Tới bảy giờ thì đến bãi. Này nhỏ! Tao ăn điểm tâm với họ. Ngon ác!

- Thiệt hả? Họ ra sao Joey?

Nó nói:

- Họ đều ngon lành cả. Họ bảo tao vài năm nữa tao mới theo đoàn được.

- Mà mày làm cái gì mới được chớ? Dạy sư tử hả? Hay việc gì giống như thế?

Joey nói:

- Chắc người ta không cho tao dạy sư tử đâu. Tao đoán là mình phải làm chân chạy cờ, kéo màn rồi học làm hề, hay việc gì đó, mấy lại tao biết tao không thể dạy sư tử ngay được.

Chúng tôi ra đến đường Ventura, hướng về phía đoàn xiếc dựng lều ở gần phường Fairground, ngay phía bắc của phường Hospital.

Joey lại nói:

- Này nhỏ, bữa điểm tâm hết sẩy. Bánh ngọt nóng hổi nè, thịt bằm nè, xúc xích nè, lại cà phê nữa nhỏ ơi!

Tôi tiếc rẻ:

- Sao mày không nhắc tao?

Joey nói:

- Tao tưởng mày nhớ và cũng xuống ga đón họ như năm ngoái. Nếu tao biết mày quên tao nhắc mày rồi. Tại sao mày quên?

- Không có gì cả! Tao cũng không biết tại sao tao quên béng đi mất.

Tôi đã dối lòng nhưng thật ra lúc ấy tôi không biết. Tôi không quên như tôi nói với Joey nhưng có điều khác bắt tôi phải nhớ đến nhiều hơn cho nên tôi đã không dám trốn học. Đó là trận đòn roi da của ông già Dawson năm ngoái cũng vì cái tội trốn học hôm gánh xiếc đến tỉnh, vì thế tôi đã ngủ luôn cho đến gần giờ đi học thay vì bốn giờ rưỡi sáng thức dậy, mặc quần áo chạy đến ga xe lửa đón đoàn xiếc.

Lúc ấy tôi không biết là tôi dối lòng nhưng chính thật tôi không bỏ học vì nhớ đến trận đòn ông già Dawson đã phết vào đít tôi. Trường hợp bọn học trò bị đánh bằng roi da là do hội đồng kỷ luật của trường ấn định dành cho những học sinh bỏ học không lý do, vì thế chúng tôi phải chịu đòn. Mặc cho hội đồng kỷ luật thi hành cái biện pháp mà họ cho là tuyệt nhất của họ. Chúng tôi vẫn cứ trốn như thường. Họ cũng thường đe dọa sẽ gửi tụi tôi đến trường giáo hóa thiếu nhi nhưng chỉ dọa thôi, chẳng thấy đứa nào bị gửi đi cả.

Ông già Dawson thường lẩm bẩm:

- Xiếc hả? Tôi hiểu rồi! Cho các cậu xiếc! Nào bây giờ cúi đầu xuống nhỏ!

Cứ như thế Joey trước, tôi sau, cong lưng xuống và ông già Dawson khện tụi tôi y như ông đang tập cho bắp thịt vai nẩy nở, trong khi chúng tôi cố cắn răng để khỏi gào tướng lên vì đau. Năm sáu roi thì chúng tôi còn cố chịu không rên la nhưng sau đó chúng tôi gào lên như mọi da đỏ xuất trận. Tiếng gào la của chúng tôi lớn đến nỗi cả trường có thể nghe thấy. Ông già Dawson, sau sự viếng thăm thường lệ của chúng tôi, bảo chúng tôi rằng: nên lễ độ, đừng có rên la lớn quá, trường học cần sự yên tĩnh vì mọi người đang cố gắng học hành.

Ông nói thêm:

- Đối với những người khác như thế là bậy. Họ đang cố học hành cho nên người.

Joey nói:

- Nhưng chúng con chịu không thấu. Đau quá!

Ông già bảo:

- Tôi biết chứ nhưng theo tôi thì bị đòn như thế cũng chỉ là cái việc thường thường thôi đâu đến nỗi nào. Tôi nghĩ rằng một đứa con nít la hét lớn quá vì chẳng bao giờ nó biết nghĩ đến người chung quanh. Các cậu vặn nhỏ cái giọng gào khủng khiếp của các cậu lại một tí. Tôi tin là các cậu có thể làm được điều ấy.

Rồi ông nện Joey hai mươi roi trước. Nó trân mình cố gắng hết sức để đừng phải rên la lớn tiếng. Sau khi bị đòn mặt Joey đỏ gay như quả gấc chín và ông già Dawson thì mệt phờ người.

Joey nói:

- Thưa cụ như thế được không ạ?

Ông già bảo:

- Lần này khá hơn rồi. Từ trước đến giờ lịch sự nhất lần này. Cậu đã tự chủ được.

Joey nói:

- Con cố gắng hết mình mà.

- Tôi hài lòng vì cậu.

Ông cụ mệt đứt hơi. Đến phiên tôi tiến lên chỗ cái ghế đặt trước mặt ông, ông cho rằng chiếc ghế giúp chúng tôi trút được cơn đau lên đó trong khi bị phạt. Tôi vào đúng vị trí thường lệ và ông nói:

- Chờ một tí đã Aram! Cậu để cho người ta thở đã chứ! Tôi đâu còn hai mươi ba tuổi. Tôi sáu mươi ba rồi. Cho tôi nghỉ một tí đã.

Tôi nói:

- Thưa cụ vâng, nhưng con muốn mau xong cái vụ này đi cho rồi.

- Đừng có la to đấy nhá! Kẻo người đi lại ngoài đường lại tưởng đây là phòng tra tấn. Có thật đau đến thế không?

Tôi nói:

- Cụ hỏi thằng Joey xem!

Ông già Dawson hỏi Joey:

- Sao Joey? Có phải như thế không? Hay là nhóc tì các cậu phóng đại ra một tí, có lẽ để gây sự chú ý của người nào đó trong lớp? Đứa con gái nào chẳng hạn.

Joey nói:

- Thưa cụ Dawson, chúng con không rên la để ai chú ý cả. Chúng con không la đâu, nếu chúng con chịu nổi. Rên la như thế xấu hổ lắm chứ cụ. Phải không Aram?

Tôi nói:

- Sau khi phải rên rỉ kiểu ấy, về lớp xấu hổ muốn độn thổ, tốt hơn mình đừng rên la nếu chịu được.

Ông già nói:

- Tốt lắm! Không phải tôi nói thế là vô lý đâu, nhưng tôi chỉ yêu cầu các cậu hạ bớt giọng xuống một tí thôi.

Tôi nói:

- Thưa cụ con sẽ cố gắng hết mình. Cụ khỏe lại chưa?

- Chờ tôi thêm một chút nữa Aram!

Khi ông già hết mệt rồi ông nện tôi hai chục roi. Tôi rên la lớn hơn Joey một tí, sau đó chúng tôi trở lại lớp học. Mọi người trong lớp đều ngước nhìn bọn tôi làm tôi xấu hổ muốn độn thổ cho rồi.

Joey tức nói:

- Ê! Tụi mày ngó cái gì. Tụi mày mà bị hai chục roi như bọn tao là tụi mày ngã xuống chết luôn. Chết luôn nghe chưa! Chứ không được đủ sức rên la một tí ti đâu.

Cô Flibety bảo:

- Nói như thế đủ rồi đó, nghe chưa?

Joey nói:

- Em nói thật đó. Tất cả chúng nó đều sợ run. Gánh xiếc đến tỉnh và bọn nó đi học, không dám đi coi xiếc.

Cô Flibety:

- Cô nói như thế đủ rồi có nghe không Joey?

Joey vẫn tiếp tục:

- Tụi nó tưởng tụi nó là cái thống chế gì mà nhìn tụi em bằng con mắt bẩn thỉu như vậy?

Cô Flibety giơ tay phác một cử chỉ buộc Joey im tiếng.

Giờ đây gánh xiếc lại về tỉnh. Một năm đã trôi qua. Tháng Tư lại đến và chúng tôi đang trên đường đến đoàn xiếc. Tuy nhiên lần này tệ hại hơn tất cả mọi lần bởi vì chúng tôi đã có mặt ở trường và mọi người đều biết tụi tôi trốn học đi coi xiếc.

Tôi hỏi Joey:

- Này! Liệu họ có sai lão Stafford đi bắt bọn mình không?

Lão Stafford là nhân viên trách nhiệm canh chừng bọn học trò trốn học.

Joey bảo tôi:

- Nếu lão đến tụi mình dọt. Tao chạy một đường, mày chạy một ngả, như thế lão không thể săn được cả hai đứa, ít nhất một trong hai thằng cũng có một thằng thoát.

Tôi hỏi Joey:

- Như thế thì được rồi, nhưng lỡ có một đứa bị bắt thì sao?

Joey tính toán:

- Xem nào! Bây giờ theo mày nghĩ đứa chạy thoát nên đầu hàng hay phá hỏng cái xe Ford của lão?

Tôi nói:

- Tao đề nghị phá xe.

- Tao cũng chịu như vậy.

Đến khu đất trống dành cho đoàn xiếc trình diễn, chúng tôi thấy vài ba cái lều nhỏ đã được dựng lên và người ta cũng đang chuẩn bị dựng chiếc lều lớn. Chúng tôi đi quanh quẩn xem họ làm việc. Cách thức họ dựng lều thật tuyệt diệu. Chỉ với một dúm người trông y như dân du mục mà làm nổi cái việc người ta tưởng phải cần đến cả trăm người. Họ cũng làm theo một kiểu cách, thứ tự nhất định nữa.

Bỗng nhiên một người trong bọn, mọi người thường quen miệng gọi là ông Tóc Đỏ, réo gọi chúng tôi:

- Ê! Lại đây mấy chú bé Ả Rập, giúp chúng tôi một tay coi!

Tôi và Joey chạy về phía ông ta:

- Thưa ông vâng!

Ông ta thấp người nhưng với đôi vai rộng, hai bàn tay to lớn kềnh càng nên trông ông đã không có gì thấp mà lại thấy lực lưỡng, cộng thêm mái tóc dầy đỏ hoe trên đầu làm cho ông Tóc Đỏ giống như một loại người khổng lồ từ đời xưa còn sót lại.

Ông đưa cho chúng tôi một đầu dây thừng, đầu kia buộc vào tấm vải bạt đang cuộn trên mặt đất. Ông Tóc Đỏ nói:

- Cái này dễ lắm! Các cậu nhớ tiếp tục kéo sợi dây này đừng có buông bất tử trong khi mấy chú kia dựng cây sào đó lên và đặt vào đúng chỗ, như thế tấm vải lều sẽ được kéo lên cùng với cây sào.

Joey nói:

- Thưa ông vâng! Tụi cháu nhớ rồi.

Trong khi tất cả mọi người đang bận rộn với công việc thì lão Stafford lù lù xuất hiện:

Tôi hốt hoảng:

- Chết cha! Tụi mình hết chạy được rồi!

Joey bình tĩnh nói:

- Thây kệ, mặc lão! Mình đã hứa với ông Tóc Đỏ mình giúp ông ta một tay thì mình phải làm cho xong.

Tôi bày kế với Joey:

- Tao tính thế này mày xem có được không nhé. Mình nói dối với lão là mình sẽ theo lão về trường sau khi dựng xong lều, nhưng khi xong rồi thì mình chạy luôn.

Joey đồng ý. Lão Stafford vóc người cao lớn. Mặt lão đỏ như miếng thịt bò sống. Lão lại diện đồ lớn trông như thể lão phải là luật sư hay là gì gì đó ghê lắm. Lão tiến đến chúng tôi nói:

- Này hai thằng du đãng! Đi theo tao chứ?

Joey nói:

- Tụi tôi hứa giúp họ một tay. Ông để tụi tôi dựng xong cái lều này rồi theo ông về ngay.

Chúng tôi kéo hết sức mình, trượt lên, trượt xuống, té tới, té lui, và những người khác cũng vất vả không kém. Còn ông Tóc Đỏ thì gân cổ hét to ra lệnh cho mọi người. Cuối cùng chiếc lều cũng được dựng xong. Riêng chúng tôi dù mệt nhọc nhưng đã cố làm tròn phần việc của mình.

Chẳng kịp để ông Tóc Đỏ nói lời nào cũng như chờ họ mời ăn cơm trưa, Joey tản hàng trước dông một đường còn tôi vụt chạy đi một ngả khác. Lão Stafford rượt theo tôi. Tôi nghe những người trong đoàn xiếc cười rần rần và tiếng ông Tóc Đỏ reo hò:

- Chạy mau nhỏ! Chạy mau nhỏ! Hắn không bắt được cậu đâu. Cho cái lão béo bệu chạy chết luôn. Hắn cần tập thể thao lắm!

Tôi cũng nghe tiếng lão Stafford nữa. Lão tức giận cành hông. Cuối cùng tôi chạy thoát được và ẩn kỹ một nơi cho đến khi nhìn thấy lão lái chiếc Ford đi mất dạng mới trở lại chiếc lều lớn tìm Joey. Gặp tôi Joey nói:

- Lần này thì tụi mình "dính" rồi!

Tôi lo lắng bảo Joey:

- Tao đoán tụi mình dám bị gửi đi trường giáo hóa lắm nghe mày.

Joey lắc đầu:

- Không đâu! Tao đoán ba mươi roi là cùng, nhưng nếu bị ba mươi roi chắc bọn mình phải rên la vang trời lên mất, chịu gì thấu. Ba mươi roi đủ làm mình chết giấc dù cụ Dawson sáu mươi ba tuổi. Mày biết không, cụ ấy không yếu thật đâu đấy nhé!

Tôi nhăn mặt:

- Ba mươi roi? Trời đất chắc là tao khóc quá mày.

Joey cũng bảo:

- Tao cũng vậy, nhưng mày này, hình như mọi lần mười roi đủ làm mình khóc rồi. Mình cố chịu đến roi thứ mười một, rồi mười hai, rồi mình tưởng mình sẽ khóc vào roi kế tiếp, rồi mình cũng chịu được. Trước giờ tụi mình chưa khóc lần nào nhưng bây giờ ba mươi roi có thể mình chịu hết nổi.

Tôi an ủi bạn:

- Thôi kệ nó, mai biết chứ gì.

Ông Tóc Đỏ nhờ chúng tôi làm vài công việc lặt vặt khác sau đó để chúng tôi ngồi cạnh ông trong bữa ăn trưa. Điều đó làm bọn tôi khoái chí lắm. Chúng tôi cũng chuyện trò với mấy tài tử nhào lộn người Tây Ban Nha và với cả một gia đình người Ý Đại Lợi chuyên nghề biểu diễn cưỡi ngựa. Chúng tôi xem đủ cả hai buổi trình diễn : Một vào buổi chiều và một vào buổi tối, sau đó chúng tôi lại giúp họ tháo gỡ lều trại, sắp xếp vật dụng rồi theo họ đến tận ga xe lửa rồi đứa nào về nhà đứa nấy. Tôi về đến nhà đã quá khuya nên sáng hôm sau đến giờ phải dậy đi học tôi vẫn còn buồn ngủ rũ người.

Ở trường người ta đang đợi chúng tôi. Cô Flibety không chờ chúng tôi đặt đít xuống ghế cũng như điểm danh đã bảo chúng tôi phải xuống trình diện văn phòng ngay. Ở đó ông già Dawson đang chờ sẵn. Lão Stafford cũng có mặt và vẫn còn tỏ ra rất tức giận. Tôi nghĩ thầm thôi lần này thì chắc chắn đi trường giáo hóa rồi.

Cụ Dawson nói với lão Stafford:

- Đây chúng nó đây! Nếu ông muốn thì ông cứ đem chúng đi.

Rõ ràng là họ đã bàn cãi với nhau trước khi chúng tôi đến và coi bộ có nhiều trục trặc bất đồng trong câu chuyện. Ông Dawson có vẻ do dự còn lão Stafford hình như bực tức với ông Dawson.

Ông già nói:

- Trong trường này tôi là người duy nhất được phép thi hành mọi biện pháp trừng phạt, tuy nhiên tôi không thể cản ông đem hai đứa này đi trường giáo hóa.

Lão Stafford lặng lẽ bỏ ra khỏi văn phòng.

Ông già Dawson quay sang chúng tôi hỏi:

- Nào bây giờ đến mấy cậu! Sao vui thích chứ?

Joey nói:

- Tụi con ăn cơm trưa với họ, cụ ạ!

Ông cụ nói:

- Xem nào. Lần này thì mười sáu hay mười bảy roi nhỉ?

Joey liến thoắng:

- Dạ đâu có nhiều thế cụ! Hình như mười một, mười hai gì đó?

Ông già Dawson nghiêm giọng:

- Tôi chắc chắn một điều: lần này các cậu bị ba chục roi.

Joey cố cãi:

- Con tưởng lần tới mới ba mươi roi chứ ạ.

Cụ Dawson bảo:

- Không có lôi thôi! Đôi khi chúng ta nhầm lẫn nhưng lần này tôi chắc chắn trừng phạt đã lên tới ba chục roi. Bây giờ cậu nào chịu đòn trước đây?

Tôi nói nho nhỏ:

- Thưa cụ con ạ!

- Được rồi Aram, giữ chặt cái ghế, chuẩn bị tinh thần và cố đừng rên la to tiếng.

Tôi năn nỉ:

- Thưa cụ con sẽ cố nhưng ba mươi roi thì nhiều quá.

Nhưng thật là buồn cười ; cụ nện tôi đủ ba chục roi, tôi cũng rên la nhưng nhỏ thôi và đó là lần đầu tiên tôi la nhỏ nhất từ xưa đến nay, bởi vì lần bị đòn này dễ chịu nhất.

Tôi đếm từng roi cho đến khi đủ ba mươi và hình như những roi đòn ấy chẳng làm tôi đau đớn nhiều vì thế tôi không khóc như tôi vẫn e sợ.

Joey bị đòn cũng in như vậy, sau đó chúng tôi đứng lên chờ đợi cụ cho phép về lớp.

Cụ nói:

- Tôi rất hài lòng vì các cậu đã chịu khó không la hét um trời. Tôi không muốn mọi người tưởng tôi đang chọc tiết các cậu.

Chúng tôi muốn cám ơn cụ vì đã đánh chúng tôi nhẹ tay nhưng không nói được nên lời. Chắc là cụ hiểu được ý nghĩ của chúng tôi vì tôi thấy cụ mỉm cười, nụ cười ấy cho chúng tôi biết là cụ hiểu rồi.

Chúng tôi trở lại lớp học.

Thế là xong, mọi sự sẽ trở lại bình thường ít ra là đến mùa Hội Chợ Tháng Chín.


ĐỊNH NGUYÊN dịch        

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 69, tuần lễ từ 21-9 đến 28-9-1972)
 

 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét