Thứ Hai, 23 tháng 9, 2024

BA SAO GIỮA GIỜI - Bình Nguyên Lộc

 

Bữa trưa nào xuống trạm ô-tô-buýt ở xóm Máy Đá, tôi 1 cũng thấy anh Hùng đứng sẵn bên bờ cỏ mà đợi tôi. Trời nắng chang chang, vậy mà hễ thấy dạng tôi, là mặt anh sung sướng và tươi như nhìn thấy trăng lên.


Nếu tôi không kể rõ những điều sau đây, thì khó hiểu sự si mê tôi của anh Hùng lắm.

Chúng tôi cùng học trường thuốc, và thường ngày vào xóm Máy Đá là nơi có viện cơ thể học, để mổ thây ma, những xác người vô chủ.

Tôi học năm thứ nhì, còn Hùng thì mới qua khỏi năm chuẩn bị và kể như là đi vào học năm đầu.

Trong kỳ đệ nhất tam cá nguyệt của năm đầu ấy, sinh viên, tuy chưa được mổ xẻ gì cả, nhưng được đưa vào buồng xác để xem mấy anh lớn làm nghề "đồ tể", xin lỗi, danh từ nầy tôi dịch ngay ở một tiểu thuyết Pháp ra.

Đây là giai đoạn thử thách sinh viên. Đoàn cá mới, sẽ vượt Vũ Môn được hay không là do ở đây.

Nhiều anh mới qua khỏi cửa buồng, nhìn thấy xác một bà cụ móm xọm, bỗng đâm hoảng, nhảy nai, chạy mất và không bao giờ dám trở lại nữa.

Có anh lấy giấy bọc tay lại, trước khi rờ thây ma, anh khác lại nôn ọe ầm lên khi bụng một xác người mở bung ra dưới một nhát dao mổ, và một thứ nước xanh xanh, vàng vàng từ trong đó chảy linh láng ra, trên bàn đá trắng.

Hùng thuộc vào hạng chỉ dám đứng lấp ló nơi cửa cho đến giờ về. Tôi là bạn cũ của anh, nên hôm đó trông thấy mặt anh tái lét đứng dòm vô, tôi chạy ra kéo xển anh ta vào.

Mấy anh lớn ác lắm. Muốn tập cho em út dạn thây ma, họ có những lối đùa nghịch đáng giận. Năm ngoái, chúng tôi cũng sợ sệt như vậy, lúc mới vào. Họ lấy kẹo cho chúng tôi ăn, lấy thuốc cho chúng tôi hút, cho khỏi buồn nôn. Chúng tôi vô tình, mắt nhìn họ làm việc, tay mở kẹo đút vào miệng, thì trời ơi đứa nào cũng mút phải một lóng tay người lạnh ngắt, mà mấy ảnh đã gói lại bằng giấy bóng nhiều màu.

Được cái là bị một vố như thế, là hết sợ ngay, hết nhờm ngay. Năm nay, chúng tôi tới phiên làm anh hai (tức là người anh học năm thứ hai), nên cũng tái bản những trò đùa nghịch ấy. Hùng giận họ lắm, chỉ mến một mình tôi thôi, vì tôi không nỡ làm anh hoảng.

Trong tiểu thuyết "Những Người áo Trắng" của Pháp, thấy nói sinh viên trường thuốc ở Ba Lê đánh giặc với nhau bằng quả tim, buồng phổi, bàn tay, trái tai của thây ma. Sinh viên Việt Nam tôi đứng đắn hơn, trọng xác chết hơn, nhưng không khỏi đùa chút ít, bỏ vào túi quần mấy anh mới vào một bàn tay cùi ngón, để cho họ nhảy lăng ba xem chơi.

Hùng chỉ quanh quẩn theo tôi để được che chở, và chỉ yên lòng, khi vào viện một lượt với tôi, mặc dầu không phải vào đó là mổ liền. Còn phải nghe giảng nữa chớ. Nhưng biết đâu, những anh rắn mắt lại không đón anh ta ngay ngoài sân để dí vào mũi anh một cái đầu lâu?

Cái anh chàng tên Hùng ấy, xem tướng thì cũng hùng dũng lắm đó, nhưng lại sợ ma số dách, và sợ vi trùng còn hơn nữa. Anh thú thật với tôi, đêm nào anh cũng chiêm bao thấy toàn đầu lâu và những xác người thiếu tay chân nhảy múa quanh anh. Anh không thể tin được rằng, chất fót-môn dùng ướp xác có đủ khả năng sát hết vi trùng trên các xác trong viện cơ thể học. Anh phải dùng mu-soa riêng để cầm lấy những khúc xương đã mòn lẳn trong tay sinh viên từ năm này qua năm khác. Khăn ấy, sau buổi học, được bỏ vào một chiếc túi có quai xách, và về nhà là anh nấu tất cả các thứ ấy.

Để cắt nghĩa có một việc đón bạn, mà tôi kể lể dài dòng thế là vì..., thôi, rồi các bạn sẽ hiểu.

Tôi lại phải nói vòng vo tam quốc về vụ này nữa.

Hùng và tôi là bạn đồng lớp hồi Trung Học. Bây giờ anh thua tôi một năm, vì anh đã rớt Tú Tài toàn phần một niên khóa. Anh rớt vì anh bận yêu. Anh đã yêu một cô gái con nhà giàu, con của một nhà doanh nghiệp ở Sài gòn.

Anh thi rớt xong, là cô gái bị gả cho con một ông nhà giàu khác. Ấy, cha mẹ cô không hay cuộc tình duyên thầm lén của cô, chớ không phải phụ chú rể hỏng thi đâu.

Mà cô nọ cũng tệ, ngoan ngoãn đi lấy chồng như không có chuyện gì xảy ra cả.

Hùng tức lắm, nhưng không làm gì được cô ta, anh trả thù bằng cách cho tôi biết, cô ấy, trên lưng có ba nốt ruồi, mà anh hay nói đùa với cô rằng đó là "ba sao giữa giời". Tiếng "giời", Hùng nói theo giọng Bắc, cho có vẻ Kiều. Hình như cuộc phát giác bí mật thầm kín của cô gái ấy, hơn một người được nghe. Tôi phải mắng Hùng, anh ta mới chịu nín.

Nhưng sau đó, không rõ vì một lẽ bí mật gì, mà Hùng đau tương tư thật sự.

Anh không thích nghề Y, nhưng vào đó học, cốt để quên. Sinh viên trường thuốc khổ nhọc hơn ai cả, có ngày vừa học, vừa hành đến mười tiếng đồng hồ, đó là nói sinh viên thường thôi. Nói gì đến bọn nội trú, ngoại trú thì họ làm việc đến cháy nhà bên cạnh cũng không hay. Làm việc như thế, còn trí óc đâu nữa để sầu tình. Hùng quả đã khôn ngoan lắm.

Hôm ấy, hai đứa tôi cầm tay nhau vào viện cơ thể học.

Tôi nói:

- Lão giảng viên cao giò bên anh hôm nay có việc nên nghỉ giảng. Chắc các anh qua bên buồng xác ngay.

Nghe nói thế, Hùng muốn trở ra về, nhưng không được nữa: tôi đã nắm chặt tay anh.

Hôm ấy, mười mấy chiếc bàn đá trắng đều có người choán. Đó là những kẻ chết đường, không người thừa nhận, nên được đưa vào để..."giúp sự hiểu biết cho nhơn loại", tôi nói lớn lối theo kiểu anh Toàn, nhà đạo đức năm thứ nhì.

Mười mấy cái xác bị chất fót-môn làm tím đen ra và khô đét lại. Họ nằm đó như hình gỗ, người thì mặt mày bình thản như ngủ, kẻ nhăn ra một cách xấu xí quá chừng.

Anh Toàn bước vào một lượt với chúng tôi, rồi hét to:

- Nhơn danh thuần phong mỹ tục, xin bà con lật úp mấy xác phụ nữ lại.

Anh Tố cũng hét:

- Nhơn danh thuần phong mỹ tục và thay mặt nữ sinh viên, xin bà con lật úp mấy xác đờn ông lại.

Đó là họ đùa chơi cho đỡ buồn.

- nhìn thây ma mãi lại không buồn à?

- chớ vào đó là không ai còn nghĩ gì quấy quá nữa cả.

Trong khi các bạn khác xúm nhau mổ sọ, để học bộ óc, thì Toàn chạy lại bàn chúng tôi, lật sấp cái xác dành cho chúng tôi lại. Lật xong, anh nhìn Hùng mà rằng:

- Anh phải làm được như vậy mới đủ bản lãnh của một sinh viên trường thuốc, bằng không, về nhà chích dạo cho xong.

Hùng còn hôi mùi trường trung học, nên rất bất bình trước cử chỉ đó. Thấy vậy, Toàn làm tới, để trêu tức anh. Hắn đấm lên lưng cái xác và nói:

- Cụ ạ, để cháu tẩm quất cho cụ nhé!

Xác người phụ nữ ấy, cũng như các xác khác, không mang tuổi tác nào cả, không rõ được đó là xác người già hay người trẻ. Chất fót-môn biến gương mặt họ giống nhau về năm, tháng. Nhưng người nầy tóc quăn, thì chắc cũng ở vào thế hệ sau nầy, mà đờn bà bắt đầu phi-dê.

Bỗng Hùng kêu rú lên một tiếng. Toàn day lại hỏi:

- Đã hoảng rồi à?

Lạ kỳ thay, anh chàng sợ ma và sợ vi trùng nầy, không lùi mà tiến lại gần thây ma, cúi nhìn xuống lưng người chết.

Tôi bỗng chợt hiểu, nên cũng bước sấn tới, nhìn xuống với anh. Tôi không thấy gì cả. Lớp da người chết đen sạm, khó phân biệt được những dấu vết ngày xưa kia có lẽ là rõ rệt.

Hùng lấy ngón tay trỏ đè lên miếng da dưới xương bả vai, không phải chỉ để cho tôi thấy gì, mà như để chắc ý. Quả thế, bây giờ tôi thấy dạng ba nốt ruồi, đậm hơn màu da một chút xíu.

Hùng lật ngửa xác chết, nhìn sát vào mặt nó. Không, đó là một cái mặt khô, móm và hóp, không thể nhận ra là ai được cả, dầu người đó là kẻ thân yêu.

Anh Toàn không hiểu, ngước lên hét, vừa hét, vừa bỏ đi:

- Bồ của tao đã giác ngộ rồi, tụi bây ơi! Sắp đắc đạo rồi đó!

Hùng đứng đó rờ rẫm mặt người chết rất lâu, xỏ tay vào tóc rối của thây ma, như không bao giờ biết nhờm cả.

Tôi nghĩ bụng: "Thôi, thế nầy, thì anh sinh viên trường Thuốc hóa thành thi sĩ mất. Làm sao khỏi ngậm ngùi khi bắt gặp xác người yêu trong một trường hợp như vậy".

Nhưng lạ lắm. Mặt Hùng không buồn, mà chỉ suy nghĩ triền miên, rồi anh bỏ đó, bước mau qua bàn khác, vác lên vai một cái đùi người, tìm Toàn mà hỏi:

- Cái lị mô giò chó quảy hôn?

Toàn cười ha hả và hét, ấy, anh ta không nói, chỉ hét thôi:

- Hoan hô tinh thần tranh đấu bản thân sợ ma.

Riêng tôi, tôi lại đâm lo: "À, nó không hóa thi sĩ, mà hành động như vậy, thì đích là hóa điên rồi. Nhảy đột ngột từ cái hoảng sợ qua cái lì, phải chăng là phát điên thình lình?"

Bán giò chó quảy không ai mua, Hùng ra về. Tôi không ngăn nữa.

Hùng "cúp cua" đến bốn hôm, mặc dầu có lịnh rất nghiêm là anh nào bỏ thực hành, sẽ bị phạt nặng. Chúa nhựt, tôi tìm anh ta. Thấy va bình tĩnh như thường, tôi an lòng, hỏi:

- Quên rồi chớ ?

- Không, anh lầm. Tôi có buồn đâu mà cho là tôi quên. Hay nói đúng ra, tôi chỉ buồn có một phút thôi. Tôi đã rờ rẫm cái xác cho thật nhờm ra, để mà ghê tởm, đặng quên. Nhưng rờ được nó, tôi hết ghê tởm nó nữa. Không ghê tởm được thì vẫn đau khổ, vẫn nhớ. Nhưng qua giây phút kia, tôi không còn đau khổ vì cái chết vất vả của người tôi yêu nữa, mà đau một niềm đau khác, anh à. Tôi đau cho cái nghĩa của đời con người, liền sau khi chết. Cái xác ấy, rồi sẽ biến thành trăm, ngàn mảnh dưới các lưỡi dao, không còn dấu vết gì trên đời nầy. Mà cả những xác được chôn cất rất rình rang cũng thế.

Sao lại có sự rỗng không như vậy được? Phút trước đây, mạng anh quí biết bao nhiêu, mà phút sau nầy, xác anh lại là đồ bỏ. Ra cái quí chính là sự sống, chớ không phải thân thể nữa. Có đau hay không cho thân thể của con người!

Đang tha thiết yêu đương, giận ghét, mừng vui rồi suỵt một cái, là u u, minh minh, là không có gì nữa. Tôi sẽ làm cho sự sống còn hoài, không những đánh bại bịnh tật, mà cả sự già mòn nữa.

Lúc bấy giờ, nhìn Hùng, tôi thấy anh ngây thơ lạ. Hùng là hiện thân của tất cả phấn khởi của tuổi trẻ, cả quyết sẽ làm những việc tày trời và tin chắc sẽ làm được. Nhưng tôi không cười, cố lập nghiêm mà nói:

- Đó là mộng của y sĩ muôn đời.

- Mộng suông không được. Phải biến nó thành sự thật kìa.

- Hay lắm. Chúc anh thành công trong việc phản lão hoàn đồng, việc trường sanh bất tử. Có một điều tôi không hiểu, là tại sao cô ấy lại chết đường ?

- Ấy, hai họ đều là tay chợ đen. Giàu lẹ mà sụp cũng lẹ. Có lẽ cả hai họ đều mạt lụn hết rồi, nên không còn ai tìm xác cô ta nữa.

- Tại sao không xin xác về chôn?

- Vô ích, tôi đã nói cái quí chính là sự sống kia mà. Hôm mới vào đây học, tôi công phẫn hết sức, về việc dùng xác người như các Y Khoa Đại Học trên thế giới đã làm. Nhưng...

Hùng nhìn thẳng vào mắt tôi, hỏi:

- Học Thuốc, anh có lý tưởng gì không?

- Làm giảm bớt những đau đớn của loài người, chỉ có thế thôi. Còn những mộng to, tôi chưa có, vì ít lắm phải ba sao giữa giời mới gây nổi những mộng như vậy.

Tôi nói giọng giễu cợt, nhưng Hùng không thèm đếm xỉa. Anh trề môi rất dài:

- Xoàng, anh xoàng lắm !

Hùng không nói nhiều nữa, để thuyết giáo như hồi nãy. Anh tỏ ra khinh bỉ tôi, một ông lang vườn tương lai.

Tôi không giận, mà lại trái lại thương cái mộng tuổi trẻ kia, và ngậm ngùi nhớ lại bao nhiêu mộng khác của mình thuở nhỏ không bao giờ thực hành được. Tôi siết tay bạn:

- Chúc anh thành công và yêu cầu anh giao mộng ấy lại cho các thế hệ sau, nếu chính anh không toại nguyện.

(Trích từ tập truyện ngắn Ký Thác)

--------------------------------
1Người kể chuyện cho tác giả nghe.   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét