Ban đi xe tay từ phủ về thăm người bạn ở một làng ven bể.
Trên con đường đất ngòng ngoèo bò giữa một vùng bằng phẳng, anh phu xe mập mạp, lực lưỡng phải nằm rạp xuống càng xe mới khiến được đôi bánh cao su, nặng nề, lép bép lăn trong đất bùn xám lầy lội.
Hai bên những ruộng còn gốc rạ thẳng tắp chạy dài về nơi chân trời trắng đục. Như những cù lao trong biển đầy sương mù buổi sáng, lô nhô nổi lên những lũy tre bao bọc các làng lớn nhỏ. Vượt hẳn lên cao, những ngọn cau mầu đen nhạt treo lơ lửng trên không, vì thân cây chìm lẫn trong màn mưa phùn mờ xám.
- Ði đã gần đến nơi chưa ?
Anh phu xe trỏ phía trước mặt, đáp :
- Kia rồi.
Ban trông theo chỉ thấy ở giữa khoảng đồng xanh lúp ló trong khóm chuối um tùm, một túp nhà tre lợp cói đứng xây lưng con sông, bên cạnh một cái cầu gạch đổ nát.
Bên cầu, một cụm tre già, với những thân cây khô xác lá vàng, nghiêng soi hình trên giòng nước.
Ban bật buồn cười :
- Có một cái quán tranh kia mà anh bảo làng Hàm đó ?
- Ấy thưa thầy xe phải đổ đây, rồi thầy đi bộ vào làng chứ.
- Ði bộ vào làng ? Xa hay gần ?
- Thưa thầy chỉ độ hơn một thôi.
Ban nhăn nhó, khó chịu vì nỗi sắp phải đi bộ qua những bờ ruộng nhỏ, ướt át, qua những mồ mả, gò đống rải rác khắp đồng. Khó chịu về câu trả lời lờ mờ của anh xe : một thôi ? Còn biết một thôi là bao nhiêu ?
Càng xe vừa đặt lên nền nhà, dưới cái mái phên liếp chống để che mưa, nắng, thì một câu mời, giọng trong trẻo, khiến Ban thò vội đầu nhìn vào hàng.
Trên cái chõng tre cao dùng làm bàn, úp đầy những bát sành lỏng chỏng. Sau chõng, một người đàn bà y phục kiểu quê, nhưng rất gọn gàng, dễ coi, không lôi thôi hay cộc lốc như phần nhiều các bà, các cô mà Ban vừa gặp trên đường. Ban còn đương mải ngắm nghía đôi mắt long lanh hơi xếch trong khổ mặt trái soạn da bánh mật, thì cô hàng đã nhếch đôi môi cắn chỉ, phô hai hàm răng đen, đều đặn, nhắc lại câu mời :
- Thưa ông hãy vào xơi chén trà nóng cho ấm bụng ?
Lời nói kiểu cách của cô hàng khiến ông khách không giữ nổi cái mỉm cười chế nhạo.
Chàng nghĩ thầm "Nếu những bát kia, cô gọi là chén thì chắc hẳn đó là chén uống nước của Trương Phi".
Vui vẻ với cái ý so sánh vừa tìm ra được, Ban nhanh nhẹn xuống xe, bước vào hàng.
Cái nụ cười hãy còn đứng ở cặp môi cô hàng trong khi cô tò mò nhìn Ban phủi những hạt nước mưa bám vào áo tơi da màu cỏ úa.
Anh phu xe đã ngồi xuống cái ghế dài làm bằng gỗ có đóng bốn chân tre vừa thở hổn hển vừa ngửa bát bảo cô hàng múc nước trà. Rồi hai tay bưng bát nước đầy khói nóng bốc lên nghi ngút, anh ta uống sùm sụp rất kêu nghe ngon lành lắm.
Ban muốn tìm một chỗ để ngồi : Mấy cái ghế đều ướt và lấm. Cô hàng rất nhanh trí, đoán ngay được ý muốn của ông khách quý, đứng dậy kéo vội chiếc chiếu ở buồng trong rồi vừa giải lên cái bệ đất gian bên, vừa đon đả mời chào:
- Rước ông ngồi nghỉ.
- Cám ơn cô.
Giữa lúc ấy, một bọn năm người đàn bà, vào hàng, đặt phịch gồng gánh xuống đất rồi huyên thuyên cùng nhau trò chuyện. Tiếng nói vùng bể giọng rất nặng và đầy những chữ vần ngang, khiến Ban phải mỉm cười. Rồi chàng đưa mắt so sánh mấy người ấy với cô hàng. Từ dáng điệu cho chí y phục, Ban đều thấy khác nhau xa lắm.
Ai nấy uống cạn bát nước, năm người đàn bà lại cất gánh ra đi. Cả đến anh phu xe, khi đã nhận được tiền trả cũng kéo xe không, đi ngược về phía Phủ Lý.
Lúc đó, Ban thấy nụ cười không còn nở trên môi cô hàng nữa. Chẳng biết cô đăm đăm ngồi suy nghĩ điều gì viển vông mà mắt cô ban nãy rất sắc sảo, nhanh nhẹn, bây giờ bỗng trở nên lờ đờ, mơ mộng, xa xăm.
Lặng lẽ, Ban ra đường nhìn trời. Mưa phùn vẫn lờ mờ bao phủ, gió lạnh vẫn thổi lạt sạt trong đám lá chuối rách, kẽo kẹt trong khóm thân tre già, đường vắng ngắt, không người qua lại.
- Mời ông hãy ngồi nghỉ, đợi ngớt mưa đã.
Ban quay vào trong hàng :
- Từ đây vào làng Hàm, đường đất bao xa cô nhỉ ?
- Ðộ ba cây số, ông vào làng Hàm làm gì vậy ?
- Tôi đến thăm một người bạn.
Nụ cười ở môi cô hàng lại bắt đầu tươi nở :
- Bạn trai hay bạn gái thế, thưa ông ?
Ban kinh ngạc : con gái quê cũng biết bỡn cợt đàn ông như thế, chàng chưa từng gặp.
- Bạn trai.
Ban càng để ý nhận xét cô hàng, và thấy cô ta có vẻ mặt rất linh hoạt, thông minh, chàng nghĩ thầm : Nếu ta đoán không sai thì hẳn cô không phải người vùng này. Liền hỏi :
- Cô người ở đâu về đây bán hàng ?
Cô hàng láu lỉnh, bắt chước tiếng mấy người đàn bà này, đáp lại :
- Thưa ông, tôi sinh trưởng ở đây "đấy rì à".
Ban không nhịn được cười. Cô hàng nói luôn :
- Ðàn bà nhà quê vùng này hẳn chẳng bao giờ đòi bình quyền, giải phóng.
Ban trố mắt nhìn, thì cô hàng nước lại tiếp :
- Họ chẳng có một chút học vấn gì. Trừ những người hoặc theo cha mẹ, hoặc đi làm, đi buôn xa không kể, còn rặt một loại dốt nát, dễ đến quốc ngữ cũng không đánh vần thông chứ đừng nói học thức nữa.
Ban vội hỏi :
- Cô thì chắc là thông quốc ngữ ?
- Thưa ông, cũng đủ dùng... Kìa, chào ông Lý.
Một người đàn ông vào trạc bốn mơi tuổi, nách cắp cái ô đen và đôi giầy da cứng, đứng ở hiên giậm mạnh chân cho đất bùn trôi đi.
- Mời ông vào xơi nước.
- Tôi chả dám, chào cô Tú. Tôi có giấy đòi lên phủ đây, mưa gió thế này mà phải lên phủ có cực không ? Xe cáng lại chẳng có.
Cô hàng đưa mắt sẽ nháy Ban :
- Ấy vừa có cái xe kéo ông này về, anh xe mới dắt xe đi được vài phút, có lẽ chưa xa đâu ông Lý ạ.
Ông Lý vội vã chạy ra đường :
- Thế thì may quá, vậy để tôi đuổi theo ngay mới kịp. Xe hồi chắc rẻ lắm đấy.
Rồi ông ta vừa rảo bước, vừa ngoái cổ lại cười nói :
- Thôi, chào cô Tú nhé !
Ban nhìn cô hàng, thấy cô đang vuốt lại món tóc mai và sửa lại cái khăn vuông thêu hoa.
- Cô Tú lấy ông Tú ?
Ðiềm nhiên cô hàng đáp :
- Nếu thế thì phải gọi là bà Tú chứ ?
- Hay cô... đỗ ?
- Ðỗ "bắc" ?
Sự kinh ngạc của Ban lên tột điểm. Mơ màng, vì chàng có một tâm hồn lãng mạn. Ban tưởng tượng sống trong cảnh huyền ảo thần tiên như nhân vật trong truyện Liêu Trai Chí Dị. Một cô hàng nước có học thức ? Một cô gái quê có Tây học ?
Lúc đó chàng ngắm cô Hàng, sắc đẹp tăng bội phần, nước da bánh mật đã hây hây nhuốm màu hồng và cặp mắt, cặp môi cho chí hai đồng tiền bên má, chàng cảm thấy đều có giấu cái thông minh kín đáo mà tinh quái ở trong.
Nhưng cô hàng đã nói tiếp :
- Ðỗ "bắc" thì quả không; ở đây, họ cho tôi là một con chim lạ, vì tôi biết quốc ngữ, nên họ gọi đùa tôi là cô Tú đó đấy thôi. Nhưng ông thì chắc là... ông Tú ?
- Sao cô biết ?
- Ðoán có đúng không, thưa ông ?
- Ðúng lắm, thưa cô Tú.
Cô hàng vờ nghiêm trang :
- Ấy chết ! Ai lại thế !
Một lát sau, hai người đã đem chuyện riêng kể cho nhau nghe.
Ban nói cho cô hàng biết mình đương học trường sư phạm, cô hàng thuật với Ban rằng tên cô là Tuất, cô mồ côi cha mẹ đã hai năm nay ở đây bán hàng nước. Giúp việc trong nhà duy có một bà lão góa với đứa cháu gái bà ta, nhưng hai bà cháu vừa vào làng cúng giỗ.
- Cô ở đây giữa cánh đồng không mông quạnh mà cô không sợ ?
- Chà ! Ông tính tôi thì còn sợ ai nữa ?
Lời nói cứng cáp khiến Ban đăm đăm nhìn cô hàng và càng lấy làm lạ không hiểu cô là hạng người gì.
Ngồi lâu cũng ngượng. Ban buồn rầu hỏi thăm đường rồi từ giã cô hàng ra đi. Cô ái ngại bảo chàng :
- Trời mưa gió thế này mà ông cũng đi ?
- Phải đi chứ ?
Câu trả lời hình như gợi trong trí óc cô hàng bỗng trở nên quả quyết, có thể cho là dữ tợn được.
- Phải, khi đã định làm một việc thì phải mạnh bạo mà tiến hành, có nề gì mưa gió.
Buổi chiều, Ban lại trở về hàng nước. Cô Tuất vui cười bảo chàng :
- Tôi đã biết ngay rằng thế nào cũng phải thế mà !
- Sao vậy ?
- Vì tôi muốn thế. Lúc ông hỏi đường tôi đã toan trả lời: Ðường nào cũng sẽ đưa ông tới thành La Mã.
Câu nói vừa có ý nghĩa huyền bí vừa là lời bỡn cợt của một cô tân học. Ban lo sợ vẩn vơ. Chàng coi cô hàng như một con yêu tinh hiện lên để trêu ghẹo khách qua đường.
Lẩn thẩn chàng đứng nói một mình : Rõ chán quá có một ông bạn thì đi vắng, trời gần tối rồi mà ở đây không quen một ai...
- Không quen một ai ? Chả tôi là gì ?
- Nhưng ở đây không tiện tý nào, cô có một mình.
- Tiện lắm chứ !
Cô hàng đứng dậy dọn cơm thết bạn.
Ban mỉm cười :
- Sao cô biết tôi trở lại ?
- Biết lắm, biết một cách chắn chắn. Tôi đã bảo ông rằng tôi muốn thế.
Ðêm hôm ấy bà lão và người cháu gái vẫn không trở về hàng.
Mấy tháng sau : Ban và Tuất thuê một căn phòng ở Hà Nội. Hai người đã tự do lấy nhau. Tình lãng mạn của Ban rất hợp với tính ngộ nghĩnh và đời huyền bí của Tuất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét