Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2024

LAN RỪNG - Bình Nguyên Lộc

 

Ông Xương Ký không bớt tốc lực, quanh gấp để chạy vào sân nhà và nơi đó, ông thắng xe một cái két rít dài lên.

Nhưng ông thất vọng lắm. Nơi thềm nhà, chỉ có vợ chồng ông Trần đứng đợi ông thôi. Ông chạy xe một cách thể thao như vậy cốt để cho một người kia thấy, nhưng người đó lại vắng mặt.

Ông hơi lo trong bụng và tự hỏi: "Hay là nàng bịnh thình lình?". Ấy, vào phút chót, con người hay bị hụt giò như thế. Ông lại bàn thầm: "Hay nàng giả đau để có cớ thối thác? Nhưng không, xem ra, nàng đã nhẫn nại chịu số phận rồi kia mà!".

Người khách đi xe hơi, tươi nét mặt ra và chào chủ nhà rất lễ phép. Vợ chồng ông Trần cũng đủ lễ trả lại, nhưng nét vui tươi của hai ông bà rất là gượng gạo.

Ông Trần hỏi cho có chuyện mà nói, để khách đỡ bỡ ngỡ:

- Xe không có mui à?

- Thưa có chớ. Nhưng chiếc xe nầy kiểu tối tân, mui xe bí mật và ngộ nghĩnh lắm. Xe mới qua tới là tôi lấy ra liền.

Đó là một chiếc xe hình dáng vừa vạm vỡ lại vừa nhanh nhẹn, sơn màu lam lợt. Đuôi xe hơi dài quá. Xe lại giống hệt xe trần, không thấy dấu vết sườn mui đâu cả.

Ông Xương Ký chỉ giải thích mập mờ như thế mà không chỉ coi mui ấy giấu ở đâu. Ông lại hỏi một câu cốt dang ra xa đầu đề:

- Thưa bà, cô Thu sửa soạn chưa xong, hở bà?

- Xong rồi, nó sắp ra đây. Cả nhà tôi ai cũng đúng hẹn cả.

Bây giờ khách đã xuống xe, đã đến gần chủ nhà. Hai người đàn ông bắt tay nhau. Khách có vẻ sốt ruột. Bà chủ nhà kêu với vào trong:

- Thu a ! Ông Xương Ký đợi con đây !

Không nghe đáp, nhưng tiếng giày báo có người đi ra, rồi quả nhiên cô Thu đã hiện nơi khung cửa, tay xách va ly.

Người con gái ấy mặc toàn đen và gương mặt u buồn cùng với màu sắc tang tóc kia gợi ra một tuyệt vọng vô biên. Nhưng quả cô ta đẹp tuyệt trần. Không kể chi tiết nhỏ mọn là nước da trắng mịn nổi bật lên bên cạnh y phục và màu tóc, màu mắt đen huyền, toàn thân cô là một bài thơ ca ngợi đường nét huyền hoặc của những pho tượng cẩm thạch cổ điển Âu Châu.

Ông Xương Ký mỉm cười rất vô duyên, nghiêng mình rất vụng về để thi lễ. Cô Thu chỉ hơi ngả đầu. Bà mẹ giục:

- Thôi con đi kẻo trưa, nắng lên rồi mệt đa !

Nói xong bà đưa tay giành valy với con. Bà biết con sẽ không buông, nhưng như thế bà sẽ có dịp kéo valy và cả nó ra xe.

Ông Trần chỉ đứng lặng nhìn, vẻ mặt bất nhẫn.

Người khách chạy vội trở ra xe và làm một việc mà hồi nãy ông cố ý quên. Ông bấm vào một cải nút tức thì mui xe từ từ mọc lên. Mui xe là những tấm kim khí sáng trắng, tấm nầy đè lên tấm kia, xếp lại, kéo ra được, tất cả chôn giấu giữa lưng nệm sau và đuôi xe. Mui vừa mọc vừa bò ra, tới phía trước rồi cúi xuống níu lấy tấm kính cản gió. Ông Xương Ký lại quay kính cửa, kính nầy lại mọc lên đến đụng mui xe, hai thứ ấy ôm lấy nhau, khít rịt, một hột bụi vào cũng không lọt.

- Kiểu tối tân - ông Xương Ký mỉm cười mà nói thế, mắt nhìn giai nhân để rình một vẻ thán phục nơi gương mặt nàng. Nhưng cô Thu vẫn thản nhiên như tượng đá.

Ông Xương Ký không mở cửa xe cho người đẹp lên, lại mở đuôi xe. Một bồn rửa tay bằng sứ tráng men trắng nằm sẵn trong ấy. Chủ xe vặn một cái nút, tức thì có nước chảy ra.

- Kiểu tối tân - ông ta lại khen.

Nhưng thấy không ai xúc động cả, ông ta đành thôi và mời cô Thu lên băng trước.

Bà Trần giọng van lơn nói:

- Em nó còn dại lắm, xin ông thật tình sửa dắt nó. Bề gì rồi ông cũng cưới nó nay mai, ông hãy nương nó, chớ nên có gì đáng tiếc.

- Thưa bà, tôi hiểu.

Hai người trên xe chào hai người dưới đất, rồi chiếc xe tháo lộn ra đường một cách kiếm hiệp như khi vào.

Phụ nữ đẹp ngồi trên chiếc xe đẹp bên cạnh một thanh niên đẹp thì đó là cảnh đẹp. Phụ nữ đẹp ngồi trên chiếc xe đẹp bên cạnh một người đàn ông đứng tuổi, tóc nhuốm hoa râm, cũng vẫn là cảnh đẹp.

Nhưng trong trường hợp trước, người ta nghĩ nay đến sự xứng đôi vừa lứa. Trong trường hợp sau, người ta đoán đó là một ông cha góa vợ đưa con đi đâu đó. Cũng chẳng hề gì. Ngặt ông Xương Ký lại muốn người ta nghĩ khác, nghĩ theo trường hợp trước, và biết chắc là muốn thế không được, nên ông ngượng nghịu lắm. Cô Thu cũng một tâm trạng với ông. Cả hai cùng khó chịu.

Ông Xương Ký muốn nói cái gì để bớt ngượng, nhưng vừa tìm ra được một câu hỏi xoàng là ông lại phải do dự ngay từ tiếng đầu. Ông muốn kêu cô Thu bằng em nhưng không đủ can đảm. Mà kêu bằng cô thì cũng tức. Ông là vị hôn phu của Thu kia mà!

Ông Xương Ký góa vợ đã lâu. Ông Trần là bạn ông, lớn hơn ông bốn tuổi. Ông Trần là giáo viên về hưu. Không cam với hưu bổng, ông ta mở trường tư. Lỗ lã, nợ nần. Ông Xương Ký giúp cho để ông ta chịu đựng. Nhưng giúp mãi mà ông Trần cứ lụn bại, thành ra số nợ, sau khi đổi chủ, cứ to lần lên. Năm nay thì ông Trần kiệt quệ. Chỉ là bạn thường thôi chớ không thân thiết ơn nghĩa lắm, ông Xương Ký rất sốt ruột vì số tiền kẹt chết của mình. Tịch thâu bất động sản của nhà trường, chỉ vớt vát được mớ nào mà thôi, mà lại tội nghiệp ông Trần nữa. Nhưng một hôm ông Xương Ký lại nảy ra ý muốn tục huyền. Ông soát lại những phụ nữ mà ông quen biết và rốt cuộc chấm cô Thu.

Quyết định đó là sự dở chứng của cái tuổi quá thì của người đàn ông. Ông năm nay bốn mươi hai, tuổi khó khăn mà người đàn ông lắm khi ngỡ trẻ như hai mươi. Nhưng ông xét kỹ, không thấy phạm luân lý. Cô Thu trẻ hơn ông những hai mươi tuổi. Phải. Nhưng ông không vợ, và cưới xin thật sự kia mà!

Cái ngày mà ông tỏ ý muốn cho vợ chồng ông Trần nghe, ông bà nầy bỗng như lảo đảo say rượu. Một tuần lễ sau, sau khi nghiền ngẫm điều kiện của ông Xương Ký đưa ra là hủy hết số nợ, lại viện trợ thêm hai mươi vạn để tiêm thuốc khỏe cho trường, ông bà Trần thấy rằng hôn nhơn nầy, nghĩ kỹ ra cũng không có gì xấu hổ cho lắm.

Còn một điểm khó khăn nhứt là cô Thu. Thu là nữ giáo viên nơi trường của cha. Nàng trẻ đẹp, rất trẻ, rất đẹp, không lẽ lại ưng ông già tóc bắt đầu điểm trắng.

Bà Trần thạo tiếng ngoại quốc, có đọc truyện cổ tích Tích Tân và Ỷ Sơ của Pháp. Bà cứ mơ hão có được thứ tiên được yêu đương mà bà Hoàng hậu ấy đã trao cho con gái là công chúa tóc vàng Ỷ Sơ để nàng nầy uống lúc đi về nhà chồng, hầu yêu được người chồng già là ông vua hiếu sắc kia.

Không có thuốc tiên, bà đành sử dụng những phương tiện thiết thực hơn: thuyết lý cho con thấy rõ nỗi nguy của nhà và hôn nhơn ấy là cơ hội may để cứu vớt những ngày cùng của ông bà: khi Thu đã nuốt nghẹn nhận lời, ông bà lại cho hai "trẻ" gặp gỡ nhau thường để Thu bớt xúc tâm lần lần.

Ông Xương Ký thì tham lam hơn, mong Thu yêu mình. Ông đã nịnh đầm, đã biếu quà, đã lịch sự, đã thơ mộng, đã ăn tiệc, nhưng vô hiệu quả.

Nay ông xin đưa vị hôn thê đi Ban Mê Thuật cốt để khoe những mặt khác của ông: ông còn khỏe và rất thể thao; lái xe hơi chạy đường xa như không không, leo đồi, trèo cây, lội rừng, băng suối tắm nước hồ lạnh, thảy thảy không thua ai. Và biết đâu, trong một phút kia, giữa cảnh hùng vĩ của cao nguyên, trên bờ các suối mơ khảm toàn rêu nõn, nàng lại không cảm bài thơ man rợ của rừng sâu, và khi cảm xúc, lại không yêu được người dìu dắt ở bên cạnh nàng?

Ông bà Trần, vốn biết ông Xương Ký đứng đắn và thành thật nên ưng thuận. Cô Thu thì một liều, ba bảy cũng liều. Và cuộc quảng cáo rầm rộ xui cô cũng muốn biết đất mới Ban Mê Thuật ra sao, biết những Sơn nữ hồn nhiên mà cô rất thích qua các tiểu thuyết đường rừng lãng mạn. Với lại chính cô cũng cố gắng để yêu cho được người chồng già, cho đỡ khổ cảnh lấy chồng so le của cô.

- E... m... cô có đem theo đủ các thứ cần dùng chớ ?

- Có.

Một câu hỏi hơi dài, một câu đáp quá ngắn. Rồi thôi. Những cặp vợ chồng son trẻ trên những chiếc xe mà họ gặp dọc các phố lại càng khiến họ khó chịu hơn. Có những đôi trai gái rất xấu xí trên những chiếc xe khổ, có những đôi trai gái chênh chông với nhau về sắc đẹp trên những chiếc xe tầm thường. Nhưng họ lại ước nếu được như vậy còn đỡ hơn.

Khi qua khỏi cầu Băng Ky, ông Xương Ký cho phóng xe mau để qua mặt những chiếc xe trên đó có người cứ ngó ngoái lại mà dòm. Ông ghét nhứt là vết-pa có đèo phụ nữ,vì luôn luôn đó là những cặp rất xứng lứa, và người ham mặc sơ mi ngắn tay để khoe bắp thịt của mình.

Khỏi ngã ba Bình Triệu, họ qua một cánh đồng minh mông mà người địa phương gọi là đồng Chó Ngáp. Gió thổi vù vù lại thêm năm nay, cái lạnh của tháng chạp còn chần chờ ở nán lại lâu quá, nên Thu rùng mình rồi khoanh tay lại trước ngực.

Ông Xương Ký vuốt lại tóc mình. Tóc nầy ông nhuộm đen mấy tháng nay: Nước thuốc nhuộm cho tóc một màu đen kỳ dị và giả tạo, lại làm tóc cứng ra, không thể chải bằng gôm, bằng gì được nữa. Nó rối bời trước gió ngược chiều nên ông thấy cần phải sửa sang lại cho nó có trật tự một chút và nhứt là để lấy cánh tay đưa lên đó mà che, hầu liếc nhìn người bạn đang làm một cử chỉ khả ái.

Bỗng ông Xương Ký ngây người, suýt lạc tay lái. Không, đừng ai nghĩ quấy gì hết. Đành là ông đang nhìn hai cánh tay khoanh lại trên ngực của Thu, và đành là ông đang nhìn cái ngực ấy. Nhưng quả không phải hình ảnh tuyệt mỹ kia làm ông say sưa.

Chính hai bàn tay trắng như bông của nàng nằm trên nền áo đen đã gây xúc cảm dữ dội ấy vì nó nhắc ông đột ngột nhớ đến một điều mà ông xao lãng mấy hôm nay, vì bận chuẩn bị đi với người vợ chưa cưới.

Một năm nay, ở Sài gòn có phong trào chơi lan rừng. Từ Đà lạt, Gia linh, Blao, Ban Mê Thuật người ta gỡ trăm ngàn loại lan đem về bán tràn ngập đô thành. Ông Xương Ký không thua ai hết về mặt ăn chơi, hưởng thụ. Quanh nhà ông, toàn những lan là lan. Một hôm ông thấy một người đàn bà Âu cầm một khóm lan kỳ lạ: lan cành trắng như tuyết, không có lấy một chiếc lá, dáng khô khan như nhánh chết, mà hoa lại đen huyền. Màu đen của bông lan ấy láng mướt như nhung, lại lóng lánh sáng như bạc, nếu nhìn cánh hoa ngang mắt, ngỡ lan nầy cũng nhiều như các thứ khác, ông không hỏi thăm người cầm, chỉ đi tìm mua, nhưng tìm mãi không ra.

Suốt mấy tháng, ông Xương Ký mơ thứ lan đen kia. Ông chiêm bao thấy mình lên rừng và gặp cả một khu toàn lan đó. Ông săm soi huyền lan, vuốt ve nó và lạ sao, trong hoa hiện ra một sơn nữ da trắng, y phục đen, chạy trốn trong khói lá xanh rậm của rừng già. Người sơn nữ ấy mặt hao hao giồng Thu và như Thu, cũng mơ buồn không dứt.

Đêm nào ông cũng thấy sơn nữ, khi nhập vào hoa, khi từ trong hoa mà ra. Vốn thuở nhỏ thích xem truyện Tàu và truyện đường rừng của ta, ông Xương Ký tin có hồn hoa, có yêu tinh lan rừng và sự tích huyền lan của ông, như thế, càng tăng thêm.

Đã bảo, tuổi quá thì rất khó khăn. Ông Xương Ký mơ mộng như một thiếu niên. Trong trí ông, các thứ đó bị xáo trộn lại: ông chạy tìm lan đen; hồn lan đen từ trên rừng sâu, cảm động trước tâm thành của ông, nên hiện ra để kêu gọi ông lên đó rước nàng về. Hay hồn ấy lại nhập vào xác của Thu cũng nên?

Ông Xương Ký định bụng thế nào cũng đi tìm hoa, tìm hồn hoa. Nhưng từ hôm mời Thu đi Ban Mê Thuật với ông được rồi, ông mừng quá, quên mất người sơn nữ trong mộng.

Hai bàn tay no và nõn và trắng mịn ló ra khỏi hai tay áo đen mướt, nằm trên gò ngực huyền bỗng xua mơ cũ tới. Người yêu ngồi bên cạnh đây rồi, gần gũi quá, nên không còn sức quyến rũ mạnh của người trong mơ nó hão huyền như bọt xà bông mà trẻ nhỏ thổi lên không trung, lóng lánh nhiều màu. Phải chăng là như vậy? Nếu không, sao ông vẫn mơ sơn nữ, mặc dầu ngồi gần Thu? Không, thật ra, gần Thu mà vẫn xa Thu như từ thuở giờ. Sự gần gũi về thể chất không thỏa mãn được tâm hồn ông Xương Ký, nó lãng mạn, nó mộng hão như một chàng trai trẻ. Thành ra gần Thu, ông không say sưa được mà vẫn ước mong chưa toại, và cứ mộng đến Thu qua hình ảnh hão huyền của hồn lan trong giấc chiêm bao.

Xe lướt gió vùn vụt. Sợ Thu lạnh, Xương Ký vói tay mặt quay kính lên, rồi càng phóng mau thêm nữa. Qua những cầu gỗ hẹp, ông không thèm bớt tốc lực, chiếc xe nhảy lồng lên trên những đầu cầu bên kia. Ông Xương Ký mỉm cười, biết rằng Thu đương thót ruột. Chắc Thu sợ hãi và giận ông lắm. Nhưng qua những cơn giận ấy, thấy không việc gì, chắc chắn Thu sẽ nghĩ đến hai cánh tay của ông mà nàng sẽ đoán là còn rắn chắc, bắp thịt còn đủ sức dẻo dai, tinh thần còn đủ lanh lẹn, mắt còn đủ sáng tỏ. Rồi sau nhiều trận như thế, nàng sẽ quen đi, say tốc lực như say rượu bia nhẹ, trí nàng sẽ triền miên với cái động, lòng nàng sẽ mê man bối rối vì hai thứ tình trái ngược: kinh sợ và ham nhanh. Một khi tâm trạng ấy xâm chiếm lòng nàng thì nàng sẽ có cảm giác nhỏ bé, cảm thấy cần được bảo vệ và cố nhiên nghĩ đến người bên cạnh và sức khỏe của y.

Đành rằng tình yêu không đến sớm được liền sau cuộc say sưa đó. Nhưng quả những giây phút nầy là những hột cát phù sa bồi đắp xây dựng lần lần mối tình mong ước.

"Còn nhiều dịp nữa mà! Ông Xương Ký tự bảo thầm. Rồi nàng sẽ thấy mình trèo cây, mình tắm suối lạnh".

*

Ông Xương Ký gởi Thu nơi nhà một người chị, chủ hiệu uốn tóc độc nhứt tại thành phố Ban Mê Thuật, còn ông thì tạm nghỉ nơi trại của một người bạn, chủ đồn điền.

Cả hai người, không ai có ý xem hội chợ, nhưng ông Xương Ký cũng đưa Thu đến đó. Ông nghĩ trong một hội chợ nhà quê người đi xem chắc là cục mịch và sẽ không có những cặp vợ chồng xứng đẹp nó làm cho ông và Thu bị tự ti mặc cảm. Nhờ thế ông sẽ dạn ra, bảnh thêm được với vị hôn thê quá trẻ, và riêng Thu nàng cũng sẽ bớt ngờ ngợ vì ông chồng quá già. Ông Xương Ký nhớ rõ là hôm qua, khi ra khỏi thành phố Sàigòn là ông nghe dễ chịu ngay và lén dòm Thu thì nhận thấy mặt nàng cũng giãn ra như trút được một gánh nặng. Vì ra khỏi đô thành là thôi gặp những chàng và nàng tốt đôi, là khỏi bị ám ảnh vì sự so sánh thường xuyên giữa họ và mình.

Nhưng ông ta đã lầm. Người Sàigòn ở đâu cũng có mặt cả, giữa cao nguyên họ vẫn lên để mà trẻ đẹp.

Người đàn ông đứng tuổi nào khác có thể hãnh diện được khi đi với một cô gái trẻ. Nhưng vị hôn phu nầy khác hơn họ. Ông không cần dư luận bên ngoài trầm trồ ông tốt phước, mà chỉ cần sự cảm thông giữa người yêu và ông thôi. Sự cảm thông nầy không có là ông tủi thân, là ông xấu hổ như nghe rõ chính Thu đang nói lớn lên để chê ông là già.

Ông Xương Ký đành phải trốn bằng cách chúi mũi vào các gian hàng. May quá, Thu bỗng vui lên và nói:

- Đẹp quá, đẹp quá!

Đẹp thật, ông Ký cũng nhận thế. Những tấm vải do người cao nguyên dệt, mới xem ngỡ hàng ngoại quốc. Chỉ có ba màu thôi: đen, trắng, và đỏ mà họ kết hợp lại thành những kiểu mẫu trang hoàng rất là mỹ thuật, màu sắc dùng rất tiết độ. Chỉ tiếc là sợi quá thô và mặt vải quá thưa.

Vải dệt thành những tấm dài từ hai thước đến trên ba thước. Ông Ký cầm lên một tấm rồi nhìn Thu hỏi trống:

- Cỡ này mặc được không?

- Thưa quá! - Thu cũng đáp trổng lại nhưng ông Ký nghe êm ái như ai vuốt lên tim mình. Đây là lần thứ nhì mà giai nhân thốt lời, và lần thứ nhứt mà người đẹp trao lời với ông.

Đâm bạo, ông xổ tấm vải, hai tay cầm vải dang ra rồi phủ vải ấy lên mình Thu và nói:

- Đẹp lắm. Nhưng có vẻ cổ sơ. Nếu... em mặc đầm thì may cũng được.

Nói được tiếng em, ông Ký thấy là dễ dàng quá. Chỉ khó lúc tiếng đó còn nơi cổ họng, chực vọt ra mấy mươi lần mà vẫn lấp ló như con dế hang. Bây giờ nó ra xong mà nghe sao mà không có gì khó khăn hết. Vậy mà từ lâu ông không dám nói, nghĩ cũng lạ.

Thu cúi xuống dòm tấm vải nằm trên mình nàng, chống đầu gối ra để xem nó có dịu, có nặng mình hay không và hai ngón tay mân mó sớ vải.

Vụt có sáng kiến mới, ông Ký nói, giọng reo vui:

- Hay là em may một bộ y phục trá hình mặc chơi. Phải, em choàng vải nầy lên mình, xem giống như một cô sơn nữ.

Nói tới đây, bỗng ông nhớ lại cô gái trong chiêm bao. Nhưng lần nầy sao người con gái ấy bớt quyến rũ nữa. Có lẽ nhờ gần được với người đẹp trước mặt. Dầu sao, ông cũng nghĩ đến lan đen mà ông tha thiết muốn có một kiểu mẫu trong vườn.

Thu ngước lên mỉm cười:

- May áo ghế bành thì được.

Ông Xương Ký mua năm tấm vải nền đen, và năm tấm nền mỡ gà, cả thảy đều để tặng Thu: Ông lại mua nào gạc nai, gùi, mác để biếu bạn hữu, ôm vác kè kè như hai vợ chồng mới, đi mua sắm để dọn nhà lần đầu.

*

Cuộc đua voi, và đua ngựa không yên cương là một trận hửi bụi không tiền khoáng hậu. Nhưng đó là trò mà Thu thích nhứt.

Ông Xương Ký nghe mình hứng dữ lắm trước nỗi vui của ngươi yêu. Ông còn chưa biết làm cái gì hơi động, hơi ồn cho nó có vẻ trẻ ra để xứng với vẻ hân hoan của bạn thì may quá, đoàn ngựa đua giải tán, lướt chậm tới chỗ hai người đứng.

- Anh ơi, cho tôi cỡi thử một chút chơi.

Ông xin liều như vậy mà một người kỵ mã trai trẻ kia nghe hiểu, xuống ngựa liền và mời ông.

Ngựa tuy nhỏ thó nhưng không có yên cương gì cả. Nó lại có vẻ hăng lắm khiến ông Xương Ký đâm sợ. Biểu diễn trước người yêu mà thành công được thì tuyệt nhưng nếu rủi bị ngựa quăng xuống đất thì đi đời kết quả ít ỏi của cuộc chinh phục trong mấy ngày nay.

Nhưng không thể lùi được nữa, ông Xương Ký bậm môi, vói tay níu gáy ngược rồi thót lên lưng nó. Không việc gì đáng tiếc xảy ra cả.

Con ngựa vưng theo cái thúc chơn của ông, bắt đầu nhảy. Nhưng mới chạy được một quãng, nó lồng lên, nhảy dựng lên như con chó đi hai chơn trong rạp xiếc. Muốn còn ngồi ngay được, nghĩa là thân mình khỏi nằm ngã nằm, vì lưng ngựa đã đứng sững lên như tấm vách, ông Ký níu chặt gáy ngựa và áp sát mình vào lưng con thú. Ngựa khó chịu, thôi lồng nữa, nhưng lại vục vặc đầu lia lịa để thoát gáy ra khỏi người cỡi. Tuy nó đã đứng lại bốn chơn như thường, nhưng người kỵ mã không dám rời lông cổ nó ra. Thoát không được, ngựa sải tán loạn, làm đủ trò chứng để quăng gánh nặng trên lưng.

May quá, nhờ ngựa nhỏ thó, nhờ ông Ký cố bám níu như đó là vấn đề sống chết, nên sau một hồi nổi loạn, con vật chịu thua. Nhưng ông Ký không dám trổ tài lâu nữa. Bấy nhiêu đó hơi vừa đủ rồi, tiếp thêm, rủi không xong, sẽ khổ thân lại mang nhục trước giai nữ.

Bấy giờ áo ông Xương Ký ướt mồ hôi như vừa mắc mưa: Ông thở không kịp và ở hai bên màng tang, ông nghe mạch máu nhảy như muốn bứt ra.

Ông trở về chỗ Thu đứng đợi ông, cố đi thật chậm để khi đến nơi, bớt thở cho dễ coi một chút. Khi đang đi, trong một giây, ông nghe choáng váng muốn té xỉu. Qua cơn đó, ông cảm thấy thân già mà cố làm trẻ thì thật là khổ. Tủi thân quá, ông bỗng nảy ra cái ý bỏ vãi tất cả. Hạnh phúc đâu chưa thấy mà đã khổ thân như tội đồ bị bắt buộc làm những công việc quá sức mình.

Nhưng dòm lại người ngọc đàng xa, ông nghe được kích thích như người leo cột mỡ vào những ngày hội, mệt nhoài ra, trèo lên tuột xuống hoài, mà vẫn cố gắng vì bị giải thưởng treo ở đầu cột lôi hút mãi.

Đêm ấy ông Xương Ký trằn trọc đến khuya không chợp mắt được, Ông bận trí về sự dùng thì giờ ngày sau đó. Đưa Thu đi đâu cho nàng vui, mà ông lại trổ tài được?

Người chủ nhà có mời đi săn. Đi săn bằng khí giới cổ sơ do người Thượng tổ chức. Nhưng ông sẽ làm gì được trong cuộc săn ấy.

Có lúc ông Ký nghe chán lạ. Ông cảm thấy mệt mỏi vì sự chinh phục thường xuyên nầy. Không phải chỉ mệt mỏi về thân thể mà về cả tâm thần. Cái gì mà không giờ phút nào khỏi nghĩ đến việc làm vui lòng người vợ chưa cưới?

Chẳng những thế, cuộc chinh phục sẽ bị tiếp tục một khi cưới xong người đẹp. Chồng già, vợ trẻ, không thể buông trôi như những cặp mà anh chồng không so le với vợ. Mệt ôi là mệt!

Ông Ký nhớ lại thuở trai trẻ, ông đã o mèo như bất kỳ ai. Ông đã chịu khó, đã bền chí một cách gian khổ, nhưng sao không thấy chán nản như bây giờ. Phải chăng vì thuở ấy, tình yêu, đối với ông thiêng liêng lắm. Ngày nay thì ái tình đã mất vẻ huyền ảo của nó, bao nhiêu ý đẹp đã tan, đã lắng xuống, chỉ còn nổi lều bều lên như bọt dơ, những cái gì chỉ dính líu đến vật chất mà thôi. Mà về vật chất, cố công như xưa là uổng công.

Tuy suy luận như thế, ông Ký vẫn không bỏ cuộc được vì ông đang ở vào tuổi quá thì như đã thấy trên kia. Không say đậm với tình yêu như hồi trẻ nữa, nhưng vẫn hơi điên dại như trai tơ. Rốt cuộc ông nhắm mắt với quyết định ngày mai đưa Thu theo đoàn săn bắn của chủ đồn điền.

*

Mặt đất dợn sóng như mặt đại dương. Mà đây toàn là sóng thần cả. Không phải thần về sự cao, mà chỉ về sự rộng lớn thôi. Mỗi trái đồi to độ bảy tám mẫu, liên tiếp nhau trùng trùng điệp điệp như một bầy thú lưng gù đang ăn cỏ giữa trời.

Ở những khu đất không có rừng, bầy thú nầy hiện ra đông đúc như kiến.

Đoàn săn gần hai mươi người Thượng, toàn là phu ở đồn điền của bạn ông Xương Ký, người chủ đồn điền ấy, Thu và ông Ký.

Để cho gọn, dễ day trở, người Thượng hôm đó không thèm mặc y phục, chỉ đóng khố. Mười tám người không võ trang mà chỉ mang tù và. Còn hai người kia thì cầm mỗi người hai cây ná và mang mỗi người hai gùi tên thuốc.

Khi qua khỏi một cánh rừng, cả đoàn đổ ra một khoảng trống rộng bảy quả đồi.

Sau một lịnh của hai người Thượng đứng tuổi có võ trang ná, mười tám người kia túa ra, chạy lùi vào rừng trước mặt và hai bên.

Bọn người ở lại ngồi trên chóp trái đồi cao hơn hết ở giữa khu đất.

Đồi trọc lóc, cỏ đế cũng không cao. Họ như đang tắm lội giữa một hồ tắm mà bờ hồ là rừng xanh bao quanh đó.

Độ nửa tiếng đồng hồ sau, tù và khắp bốn phương tám hướng túa tên một lượt.

Hai người Thượng đứng lên giương ná, đặt tên vào, rồi trao cho chủ đồn điền và ông Xương Ký mỗi người một cây.

Giây lâu, nhím, trút, chồn, thỏ từ trong rừng rậm chạy tán loạn ra ngoài. Đây là một cuộc săn nhỏ, tổ chức mua vui, người đuổi thú đã ít oi lại không đi xa, nên không có thú lớn chạy ra.

Hai người Thượng bắn trước. Dây ná kêu lên một cái xạch, tên bay véo một cái là hai con vật ngã quay ra.

Ông chủ đồn điền bắn một phát, trật lất, rồi cười ha hả mà hỏi Thu:

- Chị xem tôi bắn có tài không. Nhứt phát là nhứt trúng...đất.

Thu thở không khí lành từ sớm đến giờ nên cũng trở nên vui tánh cười theo rồi vừa chỉ vừa khen:

- Mấy ông Thượng kia bắn sao mà y như là con vật bị cột gần sát họ.

Ông Xương Ký cũng bắn một phát. Trúng ngay đích, thật là may kỳ lạ. Nhưng con mồi lại là một con trút vảy dày và cứng nên mũi tên trợt lớt rơi xuống đất. Con vật tiếp tục chạy như không có gì xảy ra, khiến Thu nheo mắt cười giòn rụm mà chế nhạo:

- Coi con trút kìa, nó lêu lêu mắc cỡ kia!

Ông Xương Ký sung sướng đến muốn rơi cây ná. Ông sung sướng vì bắn trúng mồi thì ít mà vì được Thu chế giễu thì nhiều. Sự chế giễu ấy không ác ý, trái lại chứng tỏ cảm tình, muốn thân mật và hàm kín đáo sự khâm phục tài bắn của ông.

Lần cỡi ngựa tuy không suôn sẻ, và lần bắn nầy tuy cũng trục trặc nhưng quả đã khiến Thu có cảm tình đôi chút với vị hôn phu già. Chắc cô ta đã bảo thầm trong bụng: "Tuy không xong xại gì chớ cũng đỡ hơn các thanh niên ôm măng-đô-lin, ôm ghi-ta nhiều lắm!"

Bắn được một phát, ông Xương Ký rất toại chí vì đã gần đạt mục đích. Chỉ gần đạt thôi mà toại nguyện được là ông biết không thể nào đạt hẳn. Tệ hơn hết, bắn lần sau, sẽ trật lất như ông chủ đồn điền kia.

Nhưng cái tánh muốn làm tàng, tới già con người bỏ cũng chẳng được. Nên ông ta lại toan bắn nữa.

Nãy giờ ông ta đã quan sát cách lên ná của người Thượng. Họ làm công việc ấy như chơi chơi: đuôi ná chống vào bụng, tay trái giữ ná, tay mặt vói lên vai để rút tên ở chiếc gùi mang sau lưng. Tay rút tên ấy lại hạ xuống và cùi chỏ của tay đó kéo dây ná. Cùi chỏ kéo dây vào bụng và cùng một lượt bàn tay đặt tên lên mình ná.

Cứ nhìn họ làm, ông Ký nghe dây ná rất mềm, cung ná rất dẻo và trò lên ná là trò trẻ con. Nên chi ông cũng lập y lại những cử chỉ đã quan sát được. Nhưng khi ông hạ tay rút tên xuống thì cùi chỏ của ông chỉ kéo dây ná vào bụng ông được vài phân thôi. Cung ná xem ra cứng rắn nhường sắt, không chịu cong thêm một chút xíu nào cho dây dễ kéo. Cùi chỏ đè lên dây bây giờ lại đau như bị thanh sắt quất vào và càng cố sức kéo, đuôi ná càng chống mạnh vào bụng đau như bị ai thọc gậy mạnh.

Rõ cuộc săn bắn nầy là một buổi chơi thể thao của những ông bụng bự, chỉ ngồi trên dàn mà xem người ta đá banh. Ông Ký và bạn ông cũng thế, đợi người ta lên ná sẵn mà bắn thì được, còn chính mình thì không cử động bao nhiêu. Cho đến con mồi cũng phải có người đuổi ra trước mặt chớ họ không chịu cực được mà lội rừng để tìm mồi.

Ông Ký nói gượng:

- Trời, đau nơi bụng chết đi thôi, làm sao mà tiếp tục chống để lên dây!

- Đâu anh chống dưới đất rồi lên thử coi.

Bạn ông Ký biết ông cố che lấp sức yếu của ông, nên đùa như thế.

- Không, như vậy lại càng không được. Khi mà nắm trái tay ai có sức trời kéo cũng chẳng nổi.

Tuy lỡ một dịp biểu diễn thể thao, ông Xương Ký cũng rất bằng lòng mà chưa mang nhục. "Ná mọi" kia mà ! Nó nổi danh là cứng như thép, thì giương không nổi cũng chẳng xấu hổ bao nhiêu. Vả lại, ông chỉ vì chịu đuôi ná vào bụng không quen thôi, chớ ná thì ông bảo kéo được kia mà. Thích một cái là Thu đi bộ thì thở hổn hển, còn ông thì không. Ông đã già đâu, bằng cớ là lội rừng, ông tỏ ra khỏe hơn cô gái hai mươi nhiều.

Người Sàigòn lần lượt về và ngày hội chợ bế mạc, cảnh có vẻ như một đám hát đình nhà quê ngày đưa sắc thần.

Tỉnh ly nhỏ ấy thâu hồi lại sự sống bình thường của nó với toàn là những gia đình tận lực làm ăn để gây sự nghiệp. Đi rong phố, rất ít người, mà họ cũng đi đâu đó có việc gì chớ cũng chẳng phải đi khoe áo như ở Sàigòn. Những cặp vợ chồng công chức đi dạo mát cũng rất là khiêm tốn, đến những người vợ tây sở cũng tỏ ra con nhà.

Cặp Thu - Ký nghe dễ thở bội phần. Lần nầy đôi bạn so le được người ta nhìn để trầm trồ vì ông Ký dầu sao cũng "đẹp già", và nhờ biết ăn diện nên xem cũng khá trẻ ra, nhứt là khi xen lẫn với toàn những người bận làm ăn, ai cũng không tươi lắm. Họ hết bị nhìn bằng những vẻ mặt kinh ngạc như khi ở Sàigòn hoặc khi đang giữa hội chợ.

Ông Ký nghĩ nếu ở đây luôn, sống với đồn điền, có lẽ hạnh phúc được nhưng ông biết chắc không thể chôn vùi tuổi hai mươi của người vợ trẻ nơi chốn thâm sơn nầy mà không bị phản đối. Tuổi hai mươi ham sống biết bao nhiêu! Nhưng họ ham sống với xã hội loài người, cái xã hội phù hoa, chớ dễ gì ham sống gần thiên nhiên hoặc gần xã hội cần cù ở đây.

Cô Thu cũng thấy là không khổ lắm nếu theo chồng sống trên các đồn điền nầy. Nhưng rồi nỗi nhớ ánh sáng và tuổi trẻ ở đô thành luôn luôn ngùi ngùi như là nỗi sầu xứ của một kẻ lìa quê.

Tạm trong vài ngày nầy, cô thấy cũng dễ chịu và gần vị hôn phu già, cô lần lần tìm được thêm nhiều đức tánh của người nầy và cả nhiều chi tiết về sự trẻ đẹp muộn màng của hắn.

Thu có đọc một quyển sách ngoại quốc, trong đó có tác giả đề cao người chồng già. Người nầy giàu kinh nghiệm về mọi mặt, biết đoán ý muốn của vợ, biết xử thế với những bạn bè của vợ, sành đời hơn người tình nhân trẻ tuổi nhiều. Thu nhận là sách nói đúng khi gần gũi ông Ký, nên cảm tình đối với vị hôn phu cũng bắt đầu nứt mộng đâm chồi.

Người con gái đang thì nào cũng đói yêu đương. Nếu gặp người lý tưởng được thì tuyệt. Bằng không, lắm khi tình yêu đi lạc nên cũng đến lắm cô lầm lỡ với người già. Trong trường hợp Thu - Ký, lòng cô gái đang muốn phiêu lưu. Nề nếp nhà chắc chắn sẽ giúp cô khỏi ngả với ai hết. Nhưng người bạn già nầy, cô đang đói lại cối và cố sức yêu, nên cố nhiên tình yêu của cô bắt đầu lấp ló.

Ông Xương Ký đoán hiểu tâm trạng của Thu. Ông rất sành về lòng người nên mới có cuộc đưa Thu đi chơi nầy, thì sao bây giờ lại không hiểu được.

Nhưng quả là chán phèo, cái trái cấm ấy một khi đã gần hái được. Chán vì mệt mỏi quá rồi. Trên sân khấu, người Ký trẻ chỉ dán râu vào mép, bôi mặt sơ sịa và thêm vào đó một chút tài nghệ là làm lão già được, mà chỉ trong vài giờ thôi. Anh kép già nầy, trái lại, không thể hóa trang được mà phải trổ tài nghệ tuyệt luân ròng rã ngày nầy qua ngày khác để làm kép nhứt trẻ trung thì còn khổ nào bằng. Cái khổ nghĩ chắc sẽ không bù lại được với cái hạnh phúc mong muốn, nên chán là phải.

Hồn lan rừng thế mà ít đòi hỏi hơn. Nó lại quyến rũ như một mội nước xa đối với người bộ hành trên sa mạc. Sức nóng của nắng trưa đủ làm sai lạc thị giác của người nầy, nên mội nước càng được trang trí bằng muôn ngàn màu sắc rực rỡ ma quái khác.

Ừ, lan rừng! Từ hôm lên rừng đến nay, ông Ký quên mất nó. Phải tìm nó mới được. Ông đã đưa Thu vào những thôn xa, đã thấy hằng vạn nhánh cây có lan bám vào, nhưng chưa hề gặp lan đen lần nào cả.

Có một buổi vào thăm một cái nhà dài của người Thượng, ông nhìn dưới bộ ván dài thấy một cành lan đỏ, mà đã héo khô. Người Thượng ở trong những ngôi nhà dài hai mươi thước. Ván cũng dài gần bằng nhà. Hôm đó, trên ván có mấy mươi người đang lên cơn sốt rét ngã nước nằm la liệt nên ông không hỏi gì được. Từ đó, không hề thấy dáng lan đen nữa.

Hôm nay ông Ký đưa Thu đến một con suối ít người biết đến. Ông thích những nơi hẻo lánh, ông lại cố ý đi xa để tìm hoa lạ.

Riêng Cao Nguyên không dày mịt như rừng dưới ta. Giữa những thân cổ thụ mọc rất hiếm những dây leo, những kè gai, những mật cật lá rè, nên ông Ký dắt bạn xâm nhập đại vào khối cây xanh, không theo những lối mòn mà ai cũng biết. Ông biết hướng con suối đâu, và đi liều lĩnh như thế mới đổ ra được những bến lạ chưa hề thấy dấu chơn người.

Suối báo hiệu bằng một vùng đất hơi ẩm, phủ rêu nõn. Nó lại lên tiếng trước bằng lời chim như tụ về đó để uống nước. Đến gần sát bờ mới nghe thủ thỉ dưới lá.

Nếu một chiếc xuồng thả trôi theo dòng xuôi thì người ngồi xuồng có cảm giác là đi xe lửa và đang chun vào hang núi. Cây giao nhánh giấu mất dòng nước dưới mắt kẻ tò mò; suối sống âm thầm trong rừng sâu nên được một người ham sống âm thầm như thế tìm đến. Đây đó vài giọt ánh sáng nhểu xuống từ trên vòm lá. Có giọt to như giọt nước máng xối lúc trời mưa lớn, soi sáng nếp sống thân mật bên trong. Hai người dòm xuống thì thấy dưới đáy một màu lục sậm, có nơi đen ngòm khiến Thu rùng mình tưởng tượng đến những con thủy quái hung dữ ẩn nấp đâu dưới đó trong một hang hiểm hóc nào. Nàng thò tay xuống nước rồi toàn thân mọc ốc. Nước lạnh như nước trong một ly nước đá bào. Cái lạnh lại theo đi mà chạy mau như điện đến lưng người. Đây là một thứ lạnh, khó chịu như cái lạnh dún mình lúc sắp đến cơn sốt rét rưng.

- Tắm em nhé - ông Ký nói.

Thu lắc đầu. Nàng có đem y phục tắm theo, nhưng vì ớn màu lục đen dưới đáy nước, ngại sức lạnh của suối và nhứt là e dè trước ông Ký nên nàng bỏ dự định tắm đó.

- Công trình đi đến đây mà không tắm cũng uổng.

 Ông Ký vừa nói vừa cởi ra y phục một cách tự nhiên. Cũng không nài nỉ thêm gì người yêu cả. Khi chỉ còn đồ tắm trên thân mình, ông ngó quanh quất và mừng rỡ mà thấy một cây quỳ. Cây như mọc lên được một thước thì bị ai uốn ngã nằm. Nó tiếp tục lớn lên bằng cách bò dài ra, và vô tình bây giờ dùng làm ghế được.

Ông Ký cầm tay Thu mà dắt đi, nàng không chống cự. Ông đưa nàng đến gốc cây quỳ ấy rồi bước lên trước mà nói.

- Thôi, em ngồi đây, đợi anh tắm mát vài phút rồi ta đi tìm lan.

Cây quỳ bò ra mặt nước nên ông Ký khỏi phải xuống, đợi Thu ngồi xong ông theo cây mà ra giữa suối như đi cầu khỉ.

Sách khoa học quả quyết rằng con người không già nơi tuổi tác mà già nơi sự suy mòn của thớ thịt. Có người sáu mươi mà thớ thịt còn tươi, trái lại có người ba mươi mà thịt đã bắt đầu lão.

Nếu sách nói đúng thì ông Ký còn trẻ. Thân mình ông quả còn đều đặn, các bắp thịt quả còn sơn sở.

Không biết suối sâu hay cạn, ông cũng chắp tay phóng xuống vì thân cây mà ông đứng, không cao cho lắm.

Nước suối văng tóe lên rồi mặt suối khép lại sau gót chân người nhảy. Vài giây sau, ông Ký trồi đầu lên cách đó gần mười thước. Vì ông phóng xuôi dòng nên bây giờ phải lội ngược về chỗ cũ. Nước chảy thấy thì rất mạnh, thế nên ông Ký lội cũng vượt tới mau lẹ như lội rạch đất bưng. Khi về ngay cây quỳ ông nhắm nhía rồi lướt qua khỏi đó vài thước. Đoạn thả trôi xuôi trở lại. Trôi tới thân cây, ông từ dưới nước phóng lên, níu lấy cây quỳ, đánh đu lộn ngược nơi đó.

Ông đang say với sự khoe bắp thịt như một nhà điền kinh mê tập luyện vào buổi sáng, bỗng một tiếng kêu thất thanh của Thu trên bờ làm ông rụng rời. Ông Ký rơi xuống nước rồi không kịp nhìn, bơi sải vào bờ sau vài ba cử động mạnh của tay chơn.

Khi ông trườn lên bờ thì thấy Thu đang té ngửa xuống và cũng lẹ như chớp, ông nhảy lại đống quần áo, chụp lấy cây mác cán dài rồi day lại chặt chụp xuống một cái, sát đầu Thu.

Máu phun có vòi...

Đó là một con trăn con, vụng về tập sự quất mồi, hay giỡn chơi cũng nên, hệt như con chó con lạ gì cũng cắn rồi tha đi cho đỡ ngứa răng. Thấy cô Thu ngon quá, nó quấn chơi, chớ con mồi to như vậy, làm gì nó ăn được. Đuôi trăn đang quấn cổ vội tháo lẹ ra trong lúc đầu lăn lóc muốn bò thoát đi. Nó sẽ không bò được xa nhưng ông Ký cũng chẳng thèm biết tương lai đích xác của nó. Ông bận đỡ Thu lên, Thu mà giờ đây đang nằm trên tay ông, Thu ấy mặt cắt không còn một hột máu và nhăn lại như nhờm gớm cái gì.

- Em có làm sao không?

Thu mở mắt ra, rồi rùng mình:

- Chỉ nghẹt thở trong một giây. Nhưng nhờn quá, nó lang láng, nhơn nhớt ghê muốn chết.

- Chết là nó, chớ không phải em. Em xem kìa...

- Thôi, ai dám ngó nó... Anh...

Giọng Thu nhõng nhẽo như trẻ con sợ ma, và tiếng "Anh" thốt ra để toan nói một câu còn ngập ngừng nơi cổ họng, tiếng ấy hàm trách móc rất đáng yêu, có lẽ trách ông bỏ nàng một mình nên mới gặp nạn.

Người đẹp ở trong tay đây rồi! Người yêu lại không phải ở đó vì bị bắt buộc mà vì muốn ở để được bảo vệ. Người ấy đang nũng nịu, đang trách móc... Ôi, thần tiên là sự đụng chạm lần đầu trong đời niên thiếu với một người bạn lòng. Ông Ký quả nghe ngây ngất gần được y như thế, nên như một chàng niên thiếu, ông bỗng đâm bối rối, vụng về, không biết phải làm sao nữa.

Ông hồi hộp nhìn Thu, tiếc sao nàng không bất tỉnh như người cung nữ trong phim Địa ngục môn, và xấu hổ thấy mình như chàng tướng trẻ trong phim đó, hớp nước suối để làm bộ cho nước, mà lại sợ sệt nhìn quanh dáo dác rất buồn cười.

Không, ông không hèn như chàng tướng trẻ ấy. Ông phải yêu đường hoàng chớ không được lợi dụng sự bất tỉnh của người đẹp để cho nước. Nhưng ông phải yêu lễ độ chớ không hỗn hào như một chàng trai hai mươi được.

Quyết định được thái độ, ông Ký tay nưng vị hôn thê lên, mặt cúi lần xuống rồi chỉ đặt môi lên tóc nàng, hun thật nhẹ một cái ngắn rồi thôi. Trong khi Thu rùng mình rồi ngây ngất dưới hơi thở ấm của người chồng chưa cưới thì ông Ký bỗng nghe một cảm giác thật kỳ lạ. Đó là một sự nhờm gớm, không phải nhờm gớm hương trời trong tay, mà giựt mình đánh thót lên và vẳng nghe đâu đây lời trách móc, hơn nữa, lời hăm dọa tội tù.

Tám tháng trời đeo đuổi, nửa tháng chinh phục không ngừng, hai phút lồi hộp đến tim như muốn nhảy thoát ra khỏi lồng ngực, bao nhiêu ngày tháng công lao ấy dầm trong một giấc mơ hạnh phúc vô biên. Nhưng giờ đây, ê chề hối hận như lỡ tay đánh phải một đứa bé dại, săn phải một con khỉ non và lòng quặn thắt, đau trước tuyệt vọng, căm hờn, khi ẩn trách của khỉ mẹ.

Ông Ký đặt Thu nằm xuống cỏ, nhưng nàng không chịu nữa.

Người con gái họ giữ gìn nết hạnh rất chín chắn. Nhưng khi đến lúc thấy không cần giữ gìn nữa, với một người nào, là họ suôn sẻ một cách rất lương thiện. Đường họ đi, không đi thì thôi nhưng hễ đi thì suông như đi trên một đại lộ, không quanh co, không ngập ngừng một cách ích kỷ như ta. Hơn thế, nàng vừa mới yêu trong một phút, lần đầu tiên trong đời nàng. Tình yêu chỉ có thế thôi a? Không, nàng không chịu bị thất vọng. Ông Ký đành phải tiếp tục nâng đỡ người vợ chưa cưới, mà lòng khổ như phải nâng một người vợ già, ốm đau liên miên mấy tháng trời.

Thu nằm đó, lòng băn khoăn chờ đợi cái gì nàng không rõ, nhưng tin chắc không phải như thế rồi thôi.

Bỗng một tiếng soạt trong lá khiến cả hai giựt mình ngó lại.

Lá xanh như một tấm màn giấy bỗng bị xé rách một lỗ và nơi lỗ rách ấy một mặt người ló ra. Đó là một Sơn nữ không giống người trong mộng chút xíu nào cả. Nàng không trắng, không đẹp, mắt nàng không mơ huyền mảy may nào; nàng cũng chẳng ngây thơ nhìn người đàn ông đất Kinh như ông Ký đã mộng thấy. Ông đang vừa ra khỏi một thất vọng lại đâm đầu vào thất vọng khác nữa! Người sơn nữ vạch lá bước tới, không ngại ngùng như ta, trước cảnh thân mật của người khác.

Hồn hoa ơi, không lẫn trốn nữa à? Ảo mộng ơi! Bây hùa nhau mà ra mặt một lượt, bổ tới như những đợt sóng mạnh xô ngã người đang đứng nơi bãi cát nhìn xa ra khơi mà mơ hão những chân trời lạ, những nước non huyền diệu ở đâu đâu!

Để đỡ khó chịu, ông Ký hỏi bậy một câu, không mong người kia hiểu:

- Ở đây có lan đen không chị ? 

Sơn nữ nhìn ông giây lát rồi đáp:

- Có, thầy hỏi làm chi?

Tiếng Việt đúng giọng của người nầy khiến đôi bạn ngạc nhiên. Ông Ký nói:

- Tôi muốn tìm lan đen, chị làm ơn chỉ giùm.

- Đi theo tôi.

Đôi bạn uể oải đứng lên sau lời mời xẵng lè nầy. Lá rừng khép lại sau lưng họ như muốn lấp nẻo vào quê hương của lan lạ.

Đến một khu rừng kia, thiếu nữ dừng lại và làm thinh, lấy tay chỉ lên cây:

- Ôi! Lan đen sao mà nhiều như dế sau trận mưa đầu mùa. Ông Ký chóa mắt không biết chọn chùm nào. Ông lại nghe hết thích hoa đó nữa. Không có thì ham, có rồi thấy cũng chẳng thích mấy. Có nhiều quá lại phát ngấy lên.

Ông Ký hỏi:

- Làm sao mà mang về cho chắc sống chị? Về rồi trồng đâu?

- Không, không trồng ở đâu được cả. Không đem về mà sống được.

- Tôi thấy họ chặt luôn nhánh cây mà nơi đó nó bám, nhưng rồi nhánh cây khô, hết nhựa, nó chết đi.

Cô sơn nữ cười ngất:

- Nó có ăn nhựa cây như chùm gởi bao giờ đâu. Nó chết không phải vì nhánh hết nhựa, trái lại nữa.

- Chớ nó ăn gì?

- Nó ăn vỏ cây chết nên... Ông Ký bỗng nhớ lại một câu của nhà văn Michelet: "Giống lan uống sự chết, sự chết ấy tạo sự sống cho nó". Ông chận sơn nữ mà nói:

- Nếu nó ăn cây chết thì chặt nhành cây về là đúng lắm rồi.

Sơn nữ mỉm cười:

- Chùm gởi ăn nhựa cây sống nên sống bám vào cây đó là phải. Nhưng lan ăn vỏ cây chết rồi còn phải tạo lấy sự sống cho mình, nên không phải chỉ sống gởi là đủ. Còn phải có khí hậu nào, hơi gió nào và một vạn thứ bí mật khác nữa mà ta không biết. 

Ông Ký bỗng giựt nảy mình, nhìn lại Thu đang trố mắt soi mói người thiếu nữ Thượng.

Một cô gái ăn chơi son trẻ, sẽ vui lòng thỏa chí bám vào ông như chùm gởi bám vào cây sống. Ông sẽ chết trước chùm gởi và khỏi đau khổ mà thấy người đẹp héo sầu. Nhưng Thu, một khi bám vào vỏ cây già cỗi của ông, chưa chắc đã đủ điều kiện để tạo sự sống cho Thu. Ông lặp lại trong trí lời sơn nữ: "Còn phải có khí hậu nào, hơi gió nào và một vạn thứ bí mật khác nữa mà ta không biết". Không, vô ích, cuộc hôn nhơn kỳ lạ của ông và Thu! Ông vừa thất vọng sau cái hun trên tóc, ông không nên mò đến một thất vọng lớn lao nữa.

- Thôi, cám ơn chị nhé, tôi thôi không mang lan về nữa. 

Nói rồi ông ra hiệu cho Thu theo, không nắm lấy tay nàng mà dắt đi như ông đã sung sướng làm mấy bữa rày.

Khí hậu Khí hậu! Ông lặp lại mãi hai tiếng ấy trên đường về. Khí hậu nhà ta là những cuộc chạy áp phe quay cuồng. Rồi vài năm nữa đây, nó sẽ là khí hậu tu viện của một ông già lùi về quê. Cả hai lối sống đều không hợp với Thu, nàng cần không khí vui tươi hơn là những con số, những kiện hàng, và cần không khí trẻ trung hơn là một khu vườn ở nhà quê trong đó chủ nhà dưỡng lão. Ra đến lối mòn, ông nhìn Thu rồi ngập ngừng giây lát, ông đánh bạo nói:

- Thu, cháu ơi, chú thấy chú đi sai đường lạc nẻo sâu lắm rồi. Nhưng trở lại còn hơn liều tiến đến miệng hố. Cháu nghĩ sao?

Thu kinh ngạc đến tột độ. Sau một phút nhìn ông Ký nàng bỗng chợt hiểu. Nàng ngồi phệt xuống cỏ ôm đầu khóc mùi mẫn. Người con gái đi đường suông. Và nếu phải trở bước thì khó khăn thay. 

 
(Trích từ tập truyện ngắn Đèn Cần Giờ) 


Thứ Năm, 26 tháng 9, 2024

GÁNH XIẾC - William Saroyan (Định Nguyên dịch)

 

Lần nào gánh xiếc về tỉnh, tôi và Joey, người bạn thân nhất, cũng chạy vắt giò lên cổ (như cách người ta thường nói) chỉ để xem những tấm bích chương quảng cáo được gắn lên các hàng rào và dán trên cửa sổ của những kho hàng bỏ trống. Lại thêm một lần chúng tôi bắt đầu bê bối xao nhãng việc học hành. Tất cả những gì trong đầu nhỏ bé của chúng tôi chỉ là gánh xiếc đang trên đường đến tỉnh rồi băn khoăn tự hỏi học hành vớ vẩn thì giúp ích được gì cho mọi người.

Sau khi gánh xiếc đến nơi, chúng tôi chẳng làm được điều gì hay ho ngoài cái việc suốt ngày la cà ở nhà ga xem họ chuyển thú vật xuống, lang thang trên đường Ventura theo những toa xe chở sư tử, cọp và lăng xăng quanh khu đất dành cho gánh xiếc để giúp một tay cho những người nuôi thú, công nhân, tài tử nhào lộn và những anh hề khi họ cần đến.

Với chúng tôi gánh xiếc là tất cả, những thứ khác chẳng là cái thống chế gì hết. Đó là: phiêu lưu, mạo hiểm, du lịch, tài năng, tăm tiếng, lãng mạn, khôi hài, lạc rang, bắp nướng, kẹo cao su và nước ngọt. Chúng tôi thường mang nước cho voi uống, sau đó quanh quẩn khắp nơi y như chính mình đang tham dự vào cái công việc tuyệt vời ấy, chẳng hạn như giúp một tay dựng cái lều vải lớn, xếp đặt đồ đạc cho thứ tự lại, và chờ đợi người ta đến tiêu tiền như rác.

Một hôm Joey nhào vô lớp trễ mười phút (chúng tôi học lớp năm trường Emerson) không lột mũ trên đầu ra cũng không giải thích với cô giáo tại sao trễ, thấy tôi hắn la tướng lên:

- Ê! Aram! Mày làm gì ở Đây? Gánh xiếc về tỉnh rồi.

Dĩ nhiên là tôi quên béng đi mất Tôi nhẩy lên và dông ra khỏi lớp trong khi cô Flibety la thét rên rỉ sau lưng:

- Aram! Ở lại lớp ngay. Có nghe cô không Aram!

Tôi nghe rõ lắm chứ và tôi cũng biết nếu tôi không ở lại lớp học thì việc gì sẽ xảy đến cho tôi. Sự bỏ học có nghĩa là thêm một trận đòn bằng roi da của ông già Dawson, biết vậy nhưng tôi không thể nào ngồi lại được vì mê xem xiếc như điên như dại.

Khi ra đến ngoài phố, Joey hỏi tôi:

- Tao đi tìm mày lung tung, mày kẹt chuyện gì vậy?

Tôi nói:

- Tao quên mất tiêu. Tao biết họ đến nhưng không nhớ là hôm nay họ đến. Họ tới lúc nào thế?

Joey bảo:

- Năm giờ sáng tao ở ga rồi. Tới bảy giờ thì đến bãi. Này nhỏ! Tao ăn điểm tâm với họ. Ngon ác!

- Thiệt hả? Họ ra sao Joey?

Nó nói:

- Họ đều ngon lành cả. Họ bảo tao vài năm nữa tao mới theo đoàn được.

- Mà mày làm cái gì mới được chớ? Dạy sư tử hả? Hay việc gì giống như thế?

Joey nói:

- Chắc người ta không cho tao dạy sư tử đâu. Tao đoán là mình phải làm chân chạy cờ, kéo màn rồi học làm hề, hay việc gì đó, mấy lại tao biết tao không thể dạy sư tử ngay được.

Chúng tôi ra đến đường Ventura, hướng về phía đoàn xiếc dựng lều ở gần phường Fairground, ngay phía bắc của phường Hospital.

Joey lại nói:

- Này nhỏ, bữa điểm tâm hết sẩy. Bánh ngọt nóng hổi nè, thịt bằm nè, xúc xích nè, lại cà phê nữa nhỏ ơi!

Tôi tiếc rẻ:

- Sao mày không nhắc tao?

Joey nói:

- Tao tưởng mày nhớ và cũng xuống ga đón họ như năm ngoái. Nếu tao biết mày quên tao nhắc mày rồi. Tại sao mày quên?

- Không có gì cả! Tao cũng không biết tại sao tao quên béng đi mất.

Tôi đã dối lòng nhưng thật ra lúc ấy tôi không biết. Tôi không quên như tôi nói với Joey nhưng có điều khác bắt tôi phải nhớ đến nhiều hơn cho nên tôi đã không dám trốn học. Đó là trận đòn roi da của ông già Dawson năm ngoái cũng vì cái tội trốn học hôm gánh xiếc đến tỉnh, vì thế tôi đã ngủ luôn cho đến gần giờ đi học thay vì bốn giờ rưỡi sáng thức dậy, mặc quần áo chạy đến ga xe lửa đón đoàn xiếc.

Lúc ấy tôi không biết là tôi dối lòng nhưng chính thật tôi không bỏ học vì nhớ đến trận đòn ông già Dawson đã phết vào đít tôi. Trường hợp bọn học trò bị đánh bằng roi da là do hội đồng kỷ luật của trường ấn định dành cho những học sinh bỏ học không lý do, vì thế chúng tôi phải chịu đòn. Mặc cho hội đồng kỷ luật thi hành cái biện pháp mà họ cho là tuyệt nhất của họ. Chúng tôi vẫn cứ trốn như thường. Họ cũng thường đe dọa sẽ gửi tụi tôi đến trường giáo hóa thiếu nhi nhưng chỉ dọa thôi, chẳng thấy đứa nào bị gửi đi cả.

Ông già Dawson thường lẩm bẩm:

- Xiếc hả? Tôi hiểu rồi! Cho các cậu xiếc! Nào bây giờ cúi đầu xuống nhỏ!

Cứ như thế Joey trước, tôi sau, cong lưng xuống và ông già Dawson khện tụi tôi y như ông đang tập cho bắp thịt vai nẩy nở, trong khi chúng tôi cố cắn răng để khỏi gào tướng lên vì đau. Năm sáu roi thì chúng tôi còn cố chịu không rên la nhưng sau đó chúng tôi gào lên như mọi da đỏ xuất trận. Tiếng gào la của chúng tôi lớn đến nỗi cả trường có thể nghe thấy. Ông già Dawson, sau sự viếng thăm thường lệ của chúng tôi, bảo chúng tôi rằng: nên lễ độ, đừng có rên la lớn quá, trường học cần sự yên tĩnh vì mọi người đang cố gắng học hành.

Ông nói thêm:

- Đối với những người khác như thế là bậy. Họ đang cố học hành cho nên người.

Joey nói:

- Nhưng chúng con chịu không thấu. Đau quá!

Ông già bảo:

- Tôi biết chứ nhưng theo tôi thì bị đòn như thế cũng chỉ là cái việc thường thường thôi đâu đến nỗi nào. Tôi nghĩ rằng một đứa con nít la hét lớn quá vì chẳng bao giờ nó biết nghĩ đến người chung quanh. Các cậu vặn nhỏ cái giọng gào khủng khiếp của các cậu lại một tí. Tôi tin là các cậu có thể làm được điều ấy.

Rồi ông nện Joey hai mươi roi trước. Nó trân mình cố gắng hết sức để đừng phải rên la lớn tiếng. Sau khi bị đòn mặt Joey đỏ gay như quả gấc chín và ông già Dawson thì mệt phờ người.

Joey nói:

- Thưa cụ như thế được không ạ?

Ông già bảo:

- Lần này khá hơn rồi. Từ trước đến giờ lịch sự nhất lần này. Cậu đã tự chủ được.

Joey nói:

- Con cố gắng hết mình mà.

- Tôi hài lòng vì cậu.

Ông cụ mệt đứt hơi. Đến phiên tôi tiến lên chỗ cái ghế đặt trước mặt ông, ông cho rằng chiếc ghế giúp chúng tôi trút được cơn đau lên đó trong khi bị phạt. Tôi vào đúng vị trí thường lệ và ông nói:

- Chờ một tí đã Aram! Cậu để cho người ta thở đã chứ! Tôi đâu còn hai mươi ba tuổi. Tôi sáu mươi ba rồi. Cho tôi nghỉ một tí đã.

Tôi nói:

- Thưa cụ vâng, nhưng con muốn mau xong cái vụ này đi cho rồi.

- Đừng có la to đấy nhá! Kẻo người đi lại ngoài đường lại tưởng đây là phòng tra tấn. Có thật đau đến thế không?

Tôi nói:

- Cụ hỏi thằng Joey xem!

Ông già Dawson hỏi Joey:

- Sao Joey? Có phải như thế không? Hay là nhóc tì các cậu phóng đại ra một tí, có lẽ để gây sự chú ý của người nào đó trong lớp? Đứa con gái nào chẳng hạn.

Joey nói:

- Thưa cụ Dawson, chúng con không rên la để ai chú ý cả. Chúng con không la đâu, nếu chúng con chịu nổi. Rên la như thế xấu hổ lắm chứ cụ. Phải không Aram?

Tôi nói:

- Sau khi phải rên rỉ kiểu ấy, về lớp xấu hổ muốn độn thổ, tốt hơn mình đừng rên la nếu chịu được.

Ông già nói:

- Tốt lắm! Không phải tôi nói thế là vô lý đâu, nhưng tôi chỉ yêu cầu các cậu hạ bớt giọng xuống một tí thôi.

Tôi nói:

- Thưa cụ con sẽ cố gắng hết mình. Cụ khỏe lại chưa?

- Chờ tôi thêm một chút nữa Aram!

Khi ông già hết mệt rồi ông nện tôi hai chục roi. Tôi rên la lớn hơn Joey một tí, sau đó chúng tôi trở lại lớp học. Mọi người trong lớp đều ngước nhìn bọn tôi làm tôi xấu hổ muốn độn thổ cho rồi.

Joey tức nói:

- Ê! Tụi mày ngó cái gì. Tụi mày mà bị hai chục roi như bọn tao là tụi mày ngã xuống chết luôn. Chết luôn nghe chưa! Chứ không được đủ sức rên la một tí ti đâu.

Cô Flibety bảo:

- Nói như thế đủ rồi đó, nghe chưa?

Joey nói:

- Em nói thật đó. Tất cả chúng nó đều sợ run. Gánh xiếc đến tỉnh và bọn nó đi học, không dám đi coi xiếc.

Cô Flibety:

- Cô nói như thế đủ rồi có nghe không Joey?

Joey vẫn tiếp tục:

- Tụi nó tưởng tụi nó là cái thống chế gì mà nhìn tụi em bằng con mắt bẩn thỉu như vậy?

Cô Flibety giơ tay phác một cử chỉ buộc Joey im tiếng.

Giờ đây gánh xiếc lại về tỉnh. Một năm đã trôi qua. Tháng Tư lại đến và chúng tôi đang trên đường đến đoàn xiếc. Tuy nhiên lần này tệ hại hơn tất cả mọi lần bởi vì chúng tôi đã có mặt ở trường và mọi người đều biết tụi tôi trốn học đi coi xiếc.

Tôi hỏi Joey:

- Này! Liệu họ có sai lão Stafford đi bắt bọn mình không?

Lão Stafford là nhân viên trách nhiệm canh chừng bọn học trò trốn học.

Joey bảo tôi:

- Nếu lão đến tụi mình dọt. Tao chạy một đường, mày chạy một ngả, như thế lão không thể săn được cả hai đứa, ít nhất một trong hai thằng cũng có một thằng thoát.

Tôi hỏi Joey:

- Như thế thì được rồi, nhưng lỡ có một đứa bị bắt thì sao?

Joey tính toán:

- Xem nào! Bây giờ theo mày nghĩ đứa chạy thoát nên đầu hàng hay phá hỏng cái xe Ford của lão?

Tôi nói:

- Tao đề nghị phá xe.

- Tao cũng chịu như vậy.

Đến khu đất trống dành cho đoàn xiếc trình diễn, chúng tôi thấy vài ba cái lều nhỏ đã được dựng lên và người ta cũng đang chuẩn bị dựng chiếc lều lớn. Chúng tôi đi quanh quẩn xem họ làm việc. Cách thức họ dựng lều thật tuyệt diệu. Chỉ với một dúm người trông y như dân du mục mà làm nổi cái việc người ta tưởng phải cần đến cả trăm người. Họ cũng làm theo một kiểu cách, thứ tự nhất định nữa.

Bỗng nhiên một người trong bọn, mọi người thường quen miệng gọi là ông Tóc Đỏ, réo gọi chúng tôi:

- Ê! Lại đây mấy chú bé Ả Rập, giúp chúng tôi một tay coi!

Tôi và Joey chạy về phía ông ta:

- Thưa ông vâng!

Ông ta thấp người nhưng với đôi vai rộng, hai bàn tay to lớn kềnh càng nên trông ông đã không có gì thấp mà lại thấy lực lưỡng, cộng thêm mái tóc dầy đỏ hoe trên đầu làm cho ông Tóc Đỏ giống như một loại người khổng lồ từ đời xưa còn sót lại.

Ông đưa cho chúng tôi một đầu dây thừng, đầu kia buộc vào tấm vải bạt đang cuộn trên mặt đất. Ông Tóc Đỏ nói:

- Cái này dễ lắm! Các cậu nhớ tiếp tục kéo sợi dây này đừng có buông bất tử trong khi mấy chú kia dựng cây sào đó lên và đặt vào đúng chỗ, như thế tấm vải lều sẽ được kéo lên cùng với cây sào.

Joey nói:

- Thưa ông vâng! Tụi cháu nhớ rồi.

Trong khi tất cả mọi người đang bận rộn với công việc thì lão Stafford lù lù xuất hiện:

Tôi hốt hoảng:

- Chết cha! Tụi mình hết chạy được rồi!

Joey bình tĩnh nói:

- Thây kệ, mặc lão! Mình đã hứa với ông Tóc Đỏ mình giúp ông ta một tay thì mình phải làm cho xong.

Tôi bày kế với Joey:

- Tao tính thế này mày xem có được không nhé. Mình nói dối với lão là mình sẽ theo lão về trường sau khi dựng xong lều, nhưng khi xong rồi thì mình chạy luôn.

Joey đồng ý. Lão Stafford vóc người cao lớn. Mặt lão đỏ như miếng thịt bò sống. Lão lại diện đồ lớn trông như thể lão phải là luật sư hay là gì gì đó ghê lắm. Lão tiến đến chúng tôi nói:

- Này hai thằng du đãng! Đi theo tao chứ?

Joey nói:

- Tụi tôi hứa giúp họ một tay. Ông để tụi tôi dựng xong cái lều này rồi theo ông về ngay.

Chúng tôi kéo hết sức mình, trượt lên, trượt xuống, té tới, té lui, và những người khác cũng vất vả không kém. Còn ông Tóc Đỏ thì gân cổ hét to ra lệnh cho mọi người. Cuối cùng chiếc lều cũng được dựng xong. Riêng chúng tôi dù mệt nhọc nhưng đã cố làm tròn phần việc của mình.

Chẳng kịp để ông Tóc Đỏ nói lời nào cũng như chờ họ mời ăn cơm trưa, Joey tản hàng trước dông một đường còn tôi vụt chạy đi một ngả khác. Lão Stafford rượt theo tôi. Tôi nghe những người trong đoàn xiếc cười rần rần và tiếng ông Tóc Đỏ reo hò:

- Chạy mau nhỏ! Chạy mau nhỏ! Hắn không bắt được cậu đâu. Cho cái lão béo bệu chạy chết luôn. Hắn cần tập thể thao lắm!

Tôi cũng nghe tiếng lão Stafford nữa. Lão tức giận cành hông. Cuối cùng tôi chạy thoát được và ẩn kỹ một nơi cho đến khi nhìn thấy lão lái chiếc Ford đi mất dạng mới trở lại chiếc lều lớn tìm Joey. Gặp tôi Joey nói:

- Lần này thì tụi mình "dính" rồi!

Tôi lo lắng bảo Joey:

- Tao đoán tụi mình dám bị gửi đi trường giáo hóa lắm nghe mày.

Joey lắc đầu:

- Không đâu! Tao đoán ba mươi roi là cùng, nhưng nếu bị ba mươi roi chắc bọn mình phải rên la vang trời lên mất, chịu gì thấu. Ba mươi roi đủ làm mình chết giấc dù cụ Dawson sáu mươi ba tuổi. Mày biết không, cụ ấy không yếu thật đâu đấy nhé!

Tôi nhăn mặt:

- Ba mươi roi? Trời đất chắc là tao khóc quá mày.

Joey cũng bảo:

- Tao cũng vậy, nhưng mày này, hình như mọi lần mười roi đủ làm mình khóc rồi. Mình cố chịu đến roi thứ mười một, rồi mười hai, rồi mình tưởng mình sẽ khóc vào roi kế tiếp, rồi mình cũng chịu được. Trước giờ tụi mình chưa khóc lần nào nhưng bây giờ ba mươi roi có thể mình chịu hết nổi.

Tôi an ủi bạn:

- Thôi kệ nó, mai biết chứ gì.

Ông Tóc Đỏ nhờ chúng tôi làm vài công việc lặt vặt khác sau đó để chúng tôi ngồi cạnh ông trong bữa ăn trưa. Điều đó làm bọn tôi khoái chí lắm. Chúng tôi cũng chuyện trò với mấy tài tử nhào lộn người Tây Ban Nha và với cả một gia đình người Ý Đại Lợi chuyên nghề biểu diễn cưỡi ngựa. Chúng tôi xem đủ cả hai buổi trình diễn : Một vào buổi chiều và một vào buổi tối, sau đó chúng tôi lại giúp họ tháo gỡ lều trại, sắp xếp vật dụng rồi theo họ đến tận ga xe lửa rồi đứa nào về nhà đứa nấy. Tôi về đến nhà đã quá khuya nên sáng hôm sau đến giờ phải dậy đi học tôi vẫn còn buồn ngủ rũ người.

Ở trường người ta đang đợi chúng tôi. Cô Flibety không chờ chúng tôi đặt đít xuống ghế cũng như điểm danh đã bảo chúng tôi phải xuống trình diện văn phòng ngay. Ở đó ông già Dawson đang chờ sẵn. Lão Stafford cũng có mặt và vẫn còn tỏ ra rất tức giận. Tôi nghĩ thầm thôi lần này thì chắc chắn đi trường giáo hóa rồi.

Cụ Dawson nói với lão Stafford:

- Đây chúng nó đây! Nếu ông muốn thì ông cứ đem chúng đi.

Rõ ràng là họ đã bàn cãi với nhau trước khi chúng tôi đến và coi bộ có nhiều trục trặc bất đồng trong câu chuyện. Ông Dawson có vẻ do dự còn lão Stafford hình như bực tức với ông Dawson.

Ông già nói:

- Trong trường này tôi là người duy nhất được phép thi hành mọi biện pháp trừng phạt, tuy nhiên tôi không thể cản ông đem hai đứa này đi trường giáo hóa.

Lão Stafford lặng lẽ bỏ ra khỏi văn phòng.

Ông già Dawson quay sang chúng tôi hỏi:

- Nào bây giờ đến mấy cậu! Sao vui thích chứ?

Joey nói:

- Tụi con ăn cơm trưa với họ, cụ ạ!

Ông cụ nói:

- Xem nào. Lần này thì mười sáu hay mười bảy roi nhỉ?

Joey liến thoắng:

- Dạ đâu có nhiều thế cụ! Hình như mười một, mười hai gì đó?

Ông già Dawson nghiêm giọng:

- Tôi chắc chắn một điều: lần này các cậu bị ba chục roi.

Joey cố cãi:

- Con tưởng lần tới mới ba mươi roi chứ ạ.

Cụ Dawson bảo:

- Không có lôi thôi! Đôi khi chúng ta nhầm lẫn nhưng lần này tôi chắc chắn trừng phạt đã lên tới ba chục roi. Bây giờ cậu nào chịu đòn trước đây?

Tôi nói nho nhỏ:

- Thưa cụ con ạ!

- Được rồi Aram, giữ chặt cái ghế, chuẩn bị tinh thần và cố đừng rên la to tiếng.

Tôi năn nỉ:

- Thưa cụ con sẽ cố nhưng ba mươi roi thì nhiều quá.

Nhưng thật là buồn cười ; cụ nện tôi đủ ba chục roi, tôi cũng rên la nhưng nhỏ thôi và đó là lần đầu tiên tôi la nhỏ nhất từ xưa đến nay, bởi vì lần bị đòn này dễ chịu nhất.

Tôi đếm từng roi cho đến khi đủ ba mươi và hình như những roi đòn ấy chẳng làm tôi đau đớn nhiều vì thế tôi không khóc như tôi vẫn e sợ.

Joey bị đòn cũng in như vậy, sau đó chúng tôi đứng lên chờ đợi cụ cho phép về lớp.

Cụ nói:

- Tôi rất hài lòng vì các cậu đã chịu khó không la hét um trời. Tôi không muốn mọi người tưởng tôi đang chọc tiết các cậu.

Chúng tôi muốn cám ơn cụ vì đã đánh chúng tôi nhẹ tay nhưng không nói được nên lời. Chắc là cụ hiểu được ý nghĩ của chúng tôi vì tôi thấy cụ mỉm cười, nụ cười ấy cho chúng tôi biết là cụ hiểu rồi.

Chúng tôi trở lại lớp học.

Thế là xong, mọi sự sẽ trở lại bình thường ít ra là đến mùa Hội Chợ Tháng Chín.


ĐỊNH NGUYÊN dịch        

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 69, tuần lễ từ 21-9 đến 28-9-1972)
 

 
 

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2024

BA SAO GIỮA GIỜI - Bình Nguyên Lộc

 

Bữa trưa nào xuống trạm ô-tô-buýt ở xóm Máy Đá, tôi 1 cũng thấy anh Hùng đứng sẵn bên bờ cỏ mà đợi tôi. Trời nắng chang chang, vậy mà hễ thấy dạng tôi, là mặt anh sung sướng và tươi như nhìn thấy trăng lên.


Nếu tôi không kể rõ những điều sau đây, thì khó hiểu sự si mê tôi của anh Hùng lắm.

Chúng tôi cùng học trường thuốc, và thường ngày vào xóm Máy Đá là nơi có viện cơ thể học, để mổ thây ma, những xác người vô chủ.

Tôi học năm thứ nhì, còn Hùng thì mới qua khỏi năm chuẩn bị và kể như là đi vào học năm đầu.

Trong kỳ đệ nhất tam cá nguyệt của năm đầu ấy, sinh viên, tuy chưa được mổ xẻ gì cả, nhưng được đưa vào buồng xác để xem mấy anh lớn làm nghề "đồ tể", xin lỗi, danh từ nầy tôi dịch ngay ở một tiểu thuyết Pháp ra.

Đây là giai đoạn thử thách sinh viên. Đoàn cá mới, sẽ vượt Vũ Môn được hay không là do ở đây.

Nhiều anh mới qua khỏi cửa buồng, nhìn thấy xác một bà cụ móm xọm, bỗng đâm hoảng, nhảy nai, chạy mất và không bao giờ dám trở lại nữa.

Có anh lấy giấy bọc tay lại, trước khi rờ thây ma, anh khác lại nôn ọe ầm lên khi bụng một xác người mở bung ra dưới một nhát dao mổ, và một thứ nước xanh xanh, vàng vàng từ trong đó chảy linh láng ra, trên bàn đá trắng.

Hùng thuộc vào hạng chỉ dám đứng lấp ló nơi cửa cho đến giờ về. Tôi là bạn cũ của anh, nên hôm đó trông thấy mặt anh tái lét đứng dòm vô, tôi chạy ra kéo xển anh ta vào.

Mấy anh lớn ác lắm. Muốn tập cho em út dạn thây ma, họ có những lối đùa nghịch đáng giận. Năm ngoái, chúng tôi cũng sợ sệt như vậy, lúc mới vào. Họ lấy kẹo cho chúng tôi ăn, lấy thuốc cho chúng tôi hút, cho khỏi buồn nôn. Chúng tôi vô tình, mắt nhìn họ làm việc, tay mở kẹo đút vào miệng, thì trời ơi đứa nào cũng mút phải một lóng tay người lạnh ngắt, mà mấy ảnh đã gói lại bằng giấy bóng nhiều màu.

Được cái là bị một vố như thế, là hết sợ ngay, hết nhờm ngay. Năm nay, chúng tôi tới phiên làm anh hai (tức là người anh học năm thứ hai), nên cũng tái bản những trò đùa nghịch ấy. Hùng giận họ lắm, chỉ mến một mình tôi thôi, vì tôi không nỡ làm anh hoảng.

Trong tiểu thuyết "Những Người áo Trắng" của Pháp, thấy nói sinh viên trường thuốc ở Ba Lê đánh giặc với nhau bằng quả tim, buồng phổi, bàn tay, trái tai của thây ma. Sinh viên Việt Nam tôi đứng đắn hơn, trọng xác chết hơn, nhưng không khỏi đùa chút ít, bỏ vào túi quần mấy anh mới vào một bàn tay cùi ngón, để cho họ nhảy lăng ba xem chơi.

Hùng chỉ quanh quẩn theo tôi để được che chở, và chỉ yên lòng, khi vào viện một lượt với tôi, mặc dầu không phải vào đó là mổ liền. Còn phải nghe giảng nữa chớ. Nhưng biết đâu, những anh rắn mắt lại không đón anh ta ngay ngoài sân để dí vào mũi anh một cái đầu lâu?

Cái anh chàng tên Hùng ấy, xem tướng thì cũng hùng dũng lắm đó, nhưng lại sợ ma số dách, và sợ vi trùng còn hơn nữa. Anh thú thật với tôi, đêm nào anh cũng chiêm bao thấy toàn đầu lâu và những xác người thiếu tay chân nhảy múa quanh anh. Anh không thể tin được rằng, chất fót-môn dùng ướp xác có đủ khả năng sát hết vi trùng trên các xác trong viện cơ thể học. Anh phải dùng mu-soa riêng để cầm lấy những khúc xương đã mòn lẳn trong tay sinh viên từ năm này qua năm khác. Khăn ấy, sau buổi học, được bỏ vào một chiếc túi có quai xách, và về nhà là anh nấu tất cả các thứ ấy.

Để cắt nghĩa có một việc đón bạn, mà tôi kể lể dài dòng thế là vì..., thôi, rồi các bạn sẽ hiểu.

Tôi lại phải nói vòng vo tam quốc về vụ này nữa.

Hùng và tôi là bạn đồng lớp hồi Trung Học. Bây giờ anh thua tôi một năm, vì anh đã rớt Tú Tài toàn phần một niên khóa. Anh rớt vì anh bận yêu. Anh đã yêu một cô gái con nhà giàu, con của một nhà doanh nghiệp ở Sài gòn.

Anh thi rớt xong, là cô gái bị gả cho con một ông nhà giàu khác. Ấy, cha mẹ cô không hay cuộc tình duyên thầm lén của cô, chớ không phải phụ chú rể hỏng thi đâu.

Mà cô nọ cũng tệ, ngoan ngoãn đi lấy chồng như không có chuyện gì xảy ra cả.

Hùng tức lắm, nhưng không làm gì được cô ta, anh trả thù bằng cách cho tôi biết, cô ấy, trên lưng có ba nốt ruồi, mà anh hay nói đùa với cô rằng đó là "ba sao giữa giời". Tiếng "giời", Hùng nói theo giọng Bắc, cho có vẻ Kiều. Hình như cuộc phát giác bí mật thầm kín của cô gái ấy, hơn một người được nghe. Tôi phải mắng Hùng, anh ta mới chịu nín.

Nhưng sau đó, không rõ vì một lẽ bí mật gì, mà Hùng đau tương tư thật sự.

Anh không thích nghề Y, nhưng vào đó học, cốt để quên. Sinh viên trường thuốc khổ nhọc hơn ai cả, có ngày vừa học, vừa hành đến mười tiếng đồng hồ, đó là nói sinh viên thường thôi. Nói gì đến bọn nội trú, ngoại trú thì họ làm việc đến cháy nhà bên cạnh cũng không hay. Làm việc như thế, còn trí óc đâu nữa để sầu tình. Hùng quả đã khôn ngoan lắm.

Hôm ấy, hai đứa tôi cầm tay nhau vào viện cơ thể học.

Tôi nói:

- Lão giảng viên cao giò bên anh hôm nay có việc nên nghỉ giảng. Chắc các anh qua bên buồng xác ngay.

Nghe nói thế, Hùng muốn trở ra về, nhưng không được nữa: tôi đã nắm chặt tay anh.

Hôm ấy, mười mấy chiếc bàn đá trắng đều có người choán. Đó là những kẻ chết đường, không người thừa nhận, nên được đưa vào để..."giúp sự hiểu biết cho nhơn loại", tôi nói lớn lối theo kiểu anh Toàn, nhà đạo đức năm thứ nhì.

Mười mấy cái xác bị chất fót-môn làm tím đen ra và khô đét lại. Họ nằm đó như hình gỗ, người thì mặt mày bình thản như ngủ, kẻ nhăn ra một cách xấu xí quá chừng.

Anh Toàn bước vào một lượt với chúng tôi, rồi hét to:

- Nhơn danh thuần phong mỹ tục, xin bà con lật úp mấy xác phụ nữ lại.

Anh Tố cũng hét:

- Nhơn danh thuần phong mỹ tục và thay mặt nữ sinh viên, xin bà con lật úp mấy xác đờn ông lại.

Đó là họ đùa chơi cho đỡ buồn.

- nhìn thây ma mãi lại không buồn à?

- chớ vào đó là không ai còn nghĩ gì quấy quá nữa cả.

Trong khi các bạn khác xúm nhau mổ sọ, để học bộ óc, thì Toàn chạy lại bàn chúng tôi, lật sấp cái xác dành cho chúng tôi lại. Lật xong, anh nhìn Hùng mà rằng:

- Anh phải làm được như vậy mới đủ bản lãnh của một sinh viên trường thuốc, bằng không, về nhà chích dạo cho xong.

Hùng còn hôi mùi trường trung học, nên rất bất bình trước cử chỉ đó. Thấy vậy, Toàn làm tới, để trêu tức anh. Hắn đấm lên lưng cái xác và nói:

- Cụ ạ, để cháu tẩm quất cho cụ nhé!

Xác người phụ nữ ấy, cũng như các xác khác, không mang tuổi tác nào cả, không rõ được đó là xác người già hay người trẻ. Chất fót-môn biến gương mặt họ giống nhau về năm, tháng. Nhưng người nầy tóc quăn, thì chắc cũng ở vào thế hệ sau nầy, mà đờn bà bắt đầu phi-dê.

Bỗng Hùng kêu rú lên một tiếng. Toàn day lại hỏi:

- Đã hoảng rồi à?

Lạ kỳ thay, anh chàng sợ ma và sợ vi trùng nầy, không lùi mà tiến lại gần thây ma, cúi nhìn xuống lưng người chết.

Tôi bỗng chợt hiểu, nên cũng bước sấn tới, nhìn xuống với anh. Tôi không thấy gì cả. Lớp da người chết đen sạm, khó phân biệt được những dấu vết ngày xưa kia có lẽ là rõ rệt.

Hùng lấy ngón tay trỏ đè lên miếng da dưới xương bả vai, không phải chỉ để cho tôi thấy gì, mà như để chắc ý. Quả thế, bây giờ tôi thấy dạng ba nốt ruồi, đậm hơn màu da một chút xíu.

Hùng lật ngửa xác chết, nhìn sát vào mặt nó. Không, đó là một cái mặt khô, móm và hóp, không thể nhận ra là ai được cả, dầu người đó là kẻ thân yêu.

Anh Toàn không hiểu, ngước lên hét, vừa hét, vừa bỏ đi:

- Bồ của tao đã giác ngộ rồi, tụi bây ơi! Sắp đắc đạo rồi đó!

Hùng đứng đó rờ rẫm mặt người chết rất lâu, xỏ tay vào tóc rối của thây ma, như không bao giờ biết nhờm cả.

Tôi nghĩ bụng: "Thôi, thế nầy, thì anh sinh viên trường Thuốc hóa thành thi sĩ mất. Làm sao khỏi ngậm ngùi khi bắt gặp xác người yêu trong một trường hợp như vậy".

Nhưng lạ lắm. Mặt Hùng không buồn, mà chỉ suy nghĩ triền miên, rồi anh bỏ đó, bước mau qua bàn khác, vác lên vai một cái đùi người, tìm Toàn mà hỏi:

- Cái lị mô giò chó quảy hôn?

Toàn cười ha hả và hét, ấy, anh ta không nói, chỉ hét thôi:

- Hoan hô tinh thần tranh đấu bản thân sợ ma.

Riêng tôi, tôi lại đâm lo: "À, nó không hóa thi sĩ, mà hành động như vậy, thì đích là hóa điên rồi. Nhảy đột ngột từ cái hoảng sợ qua cái lì, phải chăng là phát điên thình lình?"

Bán giò chó quảy không ai mua, Hùng ra về. Tôi không ngăn nữa.

Hùng "cúp cua" đến bốn hôm, mặc dầu có lịnh rất nghiêm là anh nào bỏ thực hành, sẽ bị phạt nặng. Chúa nhựt, tôi tìm anh ta. Thấy va bình tĩnh như thường, tôi an lòng, hỏi:

- Quên rồi chớ ?

- Không, anh lầm. Tôi có buồn đâu mà cho là tôi quên. Hay nói đúng ra, tôi chỉ buồn có một phút thôi. Tôi đã rờ rẫm cái xác cho thật nhờm ra, để mà ghê tởm, đặng quên. Nhưng rờ được nó, tôi hết ghê tởm nó nữa. Không ghê tởm được thì vẫn đau khổ, vẫn nhớ. Nhưng qua giây phút kia, tôi không còn đau khổ vì cái chết vất vả của người tôi yêu nữa, mà đau một niềm đau khác, anh à. Tôi đau cho cái nghĩa của đời con người, liền sau khi chết. Cái xác ấy, rồi sẽ biến thành trăm, ngàn mảnh dưới các lưỡi dao, không còn dấu vết gì trên đời nầy. Mà cả những xác được chôn cất rất rình rang cũng thế.

Sao lại có sự rỗng không như vậy được? Phút trước đây, mạng anh quí biết bao nhiêu, mà phút sau nầy, xác anh lại là đồ bỏ. Ra cái quí chính là sự sống, chớ không phải thân thể nữa. Có đau hay không cho thân thể của con người!

Đang tha thiết yêu đương, giận ghét, mừng vui rồi suỵt một cái, là u u, minh minh, là không có gì nữa. Tôi sẽ làm cho sự sống còn hoài, không những đánh bại bịnh tật, mà cả sự già mòn nữa.

Lúc bấy giờ, nhìn Hùng, tôi thấy anh ngây thơ lạ. Hùng là hiện thân của tất cả phấn khởi của tuổi trẻ, cả quyết sẽ làm những việc tày trời và tin chắc sẽ làm được. Nhưng tôi không cười, cố lập nghiêm mà nói:

- Đó là mộng của y sĩ muôn đời.

- Mộng suông không được. Phải biến nó thành sự thật kìa.

- Hay lắm. Chúc anh thành công trong việc phản lão hoàn đồng, việc trường sanh bất tử. Có một điều tôi không hiểu, là tại sao cô ấy lại chết đường ?

- Ấy, hai họ đều là tay chợ đen. Giàu lẹ mà sụp cũng lẹ. Có lẽ cả hai họ đều mạt lụn hết rồi, nên không còn ai tìm xác cô ta nữa.

- Tại sao không xin xác về chôn?

- Vô ích, tôi đã nói cái quí chính là sự sống kia mà. Hôm mới vào đây học, tôi công phẫn hết sức, về việc dùng xác người như các Y Khoa Đại Học trên thế giới đã làm. Nhưng...

Hùng nhìn thẳng vào mắt tôi, hỏi:

- Học Thuốc, anh có lý tưởng gì không?

- Làm giảm bớt những đau đớn của loài người, chỉ có thế thôi. Còn những mộng to, tôi chưa có, vì ít lắm phải ba sao giữa giời mới gây nổi những mộng như vậy.

Tôi nói giọng giễu cợt, nhưng Hùng không thèm đếm xỉa. Anh trề môi rất dài:

- Xoàng, anh xoàng lắm !

Hùng không nói nhiều nữa, để thuyết giáo như hồi nãy. Anh tỏ ra khinh bỉ tôi, một ông lang vườn tương lai.

Tôi không giận, mà lại trái lại thương cái mộng tuổi trẻ kia, và ngậm ngùi nhớ lại bao nhiêu mộng khác của mình thuở nhỏ không bao giờ thực hành được. Tôi siết tay bạn:

- Chúc anh thành công và yêu cầu anh giao mộng ấy lại cho các thế hệ sau, nếu chính anh không toại nguyện.

(Trích từ tập truyện ngắn Ký Thác)

--------------------------------
1Người kể chuyện cho tác giả nghe.   

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2024

GOM TRONG ÁNH MẮT - Thái Vũ

 

Nhìn nhau là nói đủ cho nhau nghe tất cả chưa hở anh? Khó hiểu ghê, nụ cười sau cái mím môi của người. Nói chi trong ánh mắt. Nghĩ chi trong nụ cười.

Lại phải loanh quanh suy nghĩ, loanh quanh âu lo. Đôi mắt, nụ cười hắn làm con bé mất nhiều thì giờ ghê gớm. Cũng bắt đầu bằng hôm đó nhỏ H. thỏ thẻ lại. Hình như ông anh tao "mết" mày rồi đó nhỏ. Con bé bịt tai, nhắm mắt. Để tao yên nhỏ, đầu độc tâm hồn, ghê quá... ghê quá...

Ông anh "mết" mặc kệ ông anh. Ông anh đòi tới nhà con bé. Rứa là đời ông anh "tận cùng bằng số". Ông anh ngán bố con bé không? Ông anh lắc đầu le lưỡi. Nhà con bé có tấm bảng con chó bẹc giê lè cái lưỡi dài cả thước, thêm hàng chữ "attention, chien méchant..." Ông anh hiên ngang trả lời: anh dẫn theo ông bắt chó và anh thì bắt con bé của bố đi dễ dàng. Những hoa mận rụng trắng sân nhà sẽ có chân anh, chân con bé dẫm lên cho nát đi một thời sợ hãi. Anh sẽ vói hái trái mận nào hồng ngon, cho con bé gậm nhấm tình anh. Tình anh ngọt như mận nhà con bé rứa. Tình anh nồng còn hơn mùi thơm của cây hoa ngọc quế nhà con bé kia.

- Ông anh tao nói rứa đó, mi nghe được không Th,?

Dưng không mà mệt con tim ghê ông anh ạ. Tâm hồn lại nghe lao xao hoài. Ông anh ác quá. Cả nhỏ H. Mỗi lần đến nhà rủ H. đi học. Chạm mặt ông anh. Vờ làm tỉnh như ngày nào. Rứa mà có biết lồng ngực đang đập loạn xạ lên đó. Mỗi lần chạm mặt ông anh. Chào bất đắc dĩ. Ông anh cười. Con bé quay mặt. Sợ quái gì? Nhưng trái tim hắn thắt chặt lại. Cứ ngỡ đứng chôn chân chết mất. Ngày trước thì còn hỏi chuyện, vớ vẩn vài câu. Chừ thì muốn chết ngạt đi được. Chao ôi! Rồi cũng đến một tuổi nào đó thôi Th. ạ!

Bỗng rồi ngồi buồn thênh, mặt trông ngốc nghếch. Cũng từ đó bỏ quên những trò chơi ấu trĩ. Đã cũng từng chia phe đánh lộn với mấy nhóc em. Giường nệm là bãi chiến, gối mền được tung lên tơi tả. Mạ lắc đầu chán sợ. Ê con nhỏ, cả ngày cứ xúi em đánh nhau. Mô có mạ, tụi hắn cú con đó. Miền tuổi nhỏ chừ đã bỏ quên, bởi cơn gió nào đơm hoa kết trái cù rũ con bé đây.

Con bé của mạ chừ biết làm dáng rồi. Mỗi lần đứng trước gương chải tóc, ngó thật lâu mình. Ta hôm qua là thế nào? Ta hôm nay là đây à? Mấy hạt mụn bây giờ thì quái ác thay, lâu lâu lại ẩn ẩn hiện hiện bắt dễ ghét.

Và rồi một mình nghĩ lại, thấy mình cũng hơi tàn nhẫn. Một nụ cười có mất mát chi mô con bé. Lần sau trả lễ đàng hoàng. Ông anh thốt lời: Thế mà H. nó bảo anh nối đuôi đứng xa quá. Con bé cúi đầu lặng thinh, mắt không dám ngước nhìn (sợ chạm phải thì khổ) nhỏ nhẹ đáp như ru ông anh vào cơn mơ nào. Anh bị mắc mưu khá kỹ. Trả lời anh là thế! Cũng bắt đầu anh làm con bé bỏ quên sách vở. Trên giấy nháp là những chữ ký - chữ ký có đuôi ấy - Học sinh ngữ viết nhiều để nhớ mặt chữ. Nhưng tên anh vẫn choáng hết trang giấy này đến trang giấy khác. Tội nghiệp chữ nghĩa. Dạo này con bé để ngủ quên mất. Nơi bàn học, ngồi cau mày cắn bút (kiểm điểm giờ giấc của ông anh). Ông bố chép miệng thương hại. Cứ ngỡ nó đang nhớ lại những định lý, những đảo đề. Thế đó, hắn đã thay đổi con bé ghê chưa.

Nên ông anh cũng lắm phen giận hờn, năn nỉ.

- H. hắn nói tối qua anh đi chơi về khuya.

- Chín giờ mà khuya.

- Anh biết giờ đó Th. làm chi không?

- Nằm với mạ và ngủ ngon.

- Xí, làm như người ta ham nằm với mạ lắm.

- Rứa làm chi?

- Ngồi nơi bàn học và nghĩ tới anh.

Ông anh cười. Cám ơn cô nhỏ.

Con bé chợt quắc mắt:

- Tối qua anh đi những đâu?

Ông anh "dội", lấy tay sờ mũi cười cười:

- Thì xách xe nhong nhong ngoài đường.

- Chớ không phải đến nhà chị T.?

- Ẩu. Ai nói?

- Chấp nhận hả? H. nói chứ ai.

- Con nhỏ chuyên môn xuất cảng chuyện ẩu.

- Ẩu mà trúng.

Con bé ngồi yên, mắt chợt buồn. Ông anh kéo tờ báo đưa lên đọc. Chợt hỏi:

- Và rồi giận?

- Không giận, mắc chi giận cho mệt

Con bé đứng dậy, buồn hiu. Thôi về. Ngóng xuống nhà sau nói với H. Tao về nghe H. H. đi lên. Ông anh nóng nảy háy dài con em láu cá. Ra cửa ông anh nói:

- Để anh đưa về.

Con bé lững thững đi:

- Thôi phiền anh.

Tiếng nhỏ H. nghe rõ mồn một:

- Cho đáng đời, ưa đi chơi khuya.

Ông anh giang tay định ký đầu con em xí xọn.

Miệng mày ăn mắm ăn muối H. à! Con em chu môi. Nhờ chở đi may cái quần, không chở. Ông anh đứng nhìn theo dáng con bé lủi thủi đi về một mình. Lòng bỗng nghe thương con bé thật nhiều. Và đâm tức nhỏ em.

Hôm sau đi học, con bé đứng buồn dưới sân trường một mình. Con bé biếng cười quên vui đùa với tụi bạn nghịch ngợm. Hình ảnh ông anh choáng mất. Muốn làm một cái gì cho bõ ghét. Không thèm nhìn ông anh nữa! Khó quá. Một ngày đã nhớ quay quắt rồi. H. cũng vừa đến, hắn nói:

- Tao nói rỡn mà giận thiệt hở mi?

- Giận ai? - Giọng con bé rời rạc.

- Anh T.

Con bé không nói. H. nắm chặt cườm tay con bé lắc mạnh.

- Hòa đi.

- Bộ mày mới ăn kẹo của ông ấy hả? - Con bé cáu.

- Không bánh, không kẹo mà lương tâm.

- Lương tâm phá hoại.

- Ừ, tao phá ông ấy cho tan nát con tim hai người một tí.

Con bé đưa tay thoa nhẹ ngực mình:

- Tim tao còn nguyên.

- Nhưng hơi tê tái

Nhỏ H. thêm. Hai đứa cùng cười. Hòa nghe. Ngoéo tay đi. Rồi H. ôm eo con bé kéo xềnh xệch vào lớp. Những con mắt tinh nghịch trố nhìn. Hai con khỉ làm chi lạ. Kệ tụi mày, hai chúng tao đang vui.

Một dạo giận nhau khá lâu.

Ngày nghỉ lễ nhờ ông anh vẽ hộ hai cái hình ông anh bận đi trực không vẽ được. Thế là một ngày thứ ba quay lên. Buổi sáng trời mưa làm con bé càng bực mình. Đến trường nghe tin con nhỏ thuyết trình viên "lên sởi" nghỉ học. Giờ Vạn vật lạnh ngắt trong tháng giêng. Hú hồn giáo sư không phạt, nhưng xin chê một câu: Cái tội bê bối.

Tại ông anh lỡ dở hình vẽ. Buổi tối con bé thức đến hai giờ khuya nguệch ngoạc những hình không ra hồn. Tức giận... Con bé bỗng đâm lầm lì không nói. Ngày nào cũng nghe nhỏ H. nhắc đi nhắc lại: Ông T. xin lỗi mi. Hôm đó tao còn tức gấp bội mi nữa kìa. Ăn hại là ông ấy. Nhưng mà ông bận trực thiệt, Th. ạ! Ông ấy hối hận là không chịu trả lời dứt khoát. Con bé vẫn lầm lì. Một tháng không đến nhà H. Một tháng những kẻ yêu nhau không gặp nhau. Một thế kỷ tặng ông anh. Trăm năm dài cho con bé. Nhưng con bé mặc kệ. Ai khiến ông anh hứa cuội cho con bé lỡ khóc lỡ cười với buổi sáng trời không dưng giăng những sợi mưa buồn. Tội ông anh đáng đem ra pháp trường cát cho tụi bạn con bé xử. Ông anh dám khinh thường, con bé ít nói ông anh tưởng bở. Thế thì cứ trao cho nhau những ngày dài nhung nhớ. Cho con tim ông anh đổi màu. Cho những mạch máu trong người con bé đông lại (ai khiến con bé lạnh lùng). Ông anh hát đi:

Em nỡ lạnh lùng đến thế sao,
Tim anh tan nát tự hôm nào.
Đời anh đã chết càng thêm chán,
Ai đem băng giá phủ hoa đào.

Ông anh gây tội, ông anh phải hứng chịu. Chúa đã phán. Phật đã dạy. Tội ác tự gây thì phải gánh lấy, không than oán, không kêu ca.

Con bé ơi! Tha thứ cho ông anh một lần đi.

Chưa lạnh bằng hôm đi học về đâu ông anh ạ. Hôm đi ngang nhà H. Con bé gặp hai nhỏ bạn quen bèn nhoẻn miệng cười. Bỗng tiếng xe rít trước mặt. Giật mình con bé ngẩng lên, bắt gặp nụ cười trên môi ông anh. Nhưng mối thù, ghê quá, nổi lên ùn ùn, con bé quay mặt, nắm vội tay nhỏ Kh. băng qua đường. Ông anh ngẩn tò te. Nhỏ Kh. quay lại nheo mắt trêu, rồi nói với con bé:

- Ông T. cười một mình tội nghiệp.

- Kệ ông ấy. Ông ấy "tốc". Ông ấy cười một mình.

Chiến tranh lạnh vẫn kéo dài cho đến hôm nhỏ H. nói: Ông T. đi Huế rồi. Con bé thản nhiên... Kệ.

- Chiều nay đến nhà tao làm bánh.

- Ừ.

Giao hẹn buổi chiều năm đứa đến nhà H. ăn chơi thỏa thích. Vắng ông anh, kể cũng tốt. Nhưng con bé nghe thiếu cái gì. Phòng ông anh vắng ngắt. Thế là ông anh đi rồi. Chiếc ghế ông anh ngồi, hơi hướm con bé nghe như nhỏ H. nói to, làm con bé giật mình:

- Mặt mi dính lọ Th. ơi!

- Đâu?

H. vói lấy khăn đưa cho con bé xuống nhà rửa mặt. Con bé giật khăn. Nãy chừ không nói, ngồi cười làm ta ê mặt.

Lúc rửa xong đi lên chạm phải mặt ông anh. Muốn làm ngơ, nhưng khó quá lại ngạc nhiên nữa.

- Sao H. nói anh đi Huế?

- Nếu Th. còn giận.

- Ai mà thèm giận.

- Rứa sao không cười?

- Không cười thì đã sao.

- Nhiều dấu hỏi đánh trong đầu lắm Th. ạ.

- Kệ anh.

- Tàn nhẫn.

- Không biết ai tàn nhẫn.

- Đính chánh hết lời rồi.

- Kệ...

- Kệ hoài.

- Th, vậy đó.

- Nhưng anh muốn biết còn giận hết?

- Hỏi hoài.

- Hỏi cho biết.

Con bé im lặng. Chợt nói:

- Th. bị mắc mưu anh em nhà anh.

Ông anh mỉm cười. Con bé nghiêm ra.

- Anh khôn quá thôi. Tháo đôi kính cho Th. nhìn đôi mắt anh thành thật hay giả dối đi. Anh mang kính, anh nhìn được Th. quá kỹ... Th. không chịu vậy.

- Thế cười đi.

- Cười chi rứa...

- Cười để biết rằng Th. hết giận anh.

Con bé cười. Ông anh đưa tay tháo đôi kính.

- Rồi đó...

Bốn đồng tử gặp nhau rồi ; chăm chú nhìn đi. Nhìn đi mà đoán ông anh thật hay giả. Buổi nọ ông anh có thật không? Hay ông anh viện cớ đi chơi. Ông anh nói thật trong ánh mắt đi. Chao ôi! Chẳng biết xếp vào ngôi thứ nào. Đôi mắt ông anh nói chi trong cái nhìn đó. Con bé chết lịm mất, con bé tê buốt mất. Tuổi mười bảy hiểu gì nơi đôi mắt ông anh. Có phải rồi tâm hồn con bé cũng xao xuyến dữ lắm.

Và ông anh nhớ hiểu dùm, thương dùm tuổi mười bảy của con bé bây giờ ông anh nhé! Đừng bỏ bên bàn học với hàng vạn giận hờn, với ngút ngàn thương nhớ. Lời mật ngọt tình tự còn ươm chất ngất những ước mơ. Ông anh có nghe không? Ông anh có hiểu không hở?

- Rồi chưa cô nhỏ?

Con bé đưa tay giật lấy đôi kính:

- Anh mang vào giống điệp viên thấy mồ. Đừng thèm làm điệp viên. Cứ bỏ không đôi mắt nhìn Th. Th. không có ánh sáng mô mà sợ hư mắt. Tháo đôi kính ra. Tháo đôi kính ra cho Th. hiểu gì trong ánh mắt của anh.


THÁI VŨ        

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 68, tuần lễ từ 14-9 đến 21-9-1972)