Thứ Hai, 27 tháng 5, 2024

MÙA PHƯỢNG HỒNG - Phạm Cao Hoàng

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Có ai qua đó góp giùm tôi
Những đám mây bay trắng một trời
Những bông phượng đỏ như mầu máu
Gửi làm quà tặng buổi chia phôi

Sẽ xa, thôi cũng đành xa nhé
Người về cuối bãi kẻ đầu sông
Có chút gì đau như xé ruột
Tay chào, tay vẫy, nón che ngang

Sẽ xa, ừ thôi nhé đành xa
Rồi mai trên những lối tôi về
Tôi biết lòng tôi nghe rộn rã
Nhịp guốc ai đùa trong nắng trưa

Bỗng dưng tôi thấy mình tiêng tiếc
Những tà áo trắng nắng nghiêng nghiêng
Những bàn tay giở lần trang sách
E ấp tờ thư trước cổng trường

Có ai qua đó hái dùm tôi
Những cánh hoa thơm ngát một thời
Ép vào tim để nghe thương nhớ
Để nghe sầu giạt đến muôn nơi

Ừ xa, thôi cũng đành xa nhé
Người ở đầu sông ngóng cuối sông
Bóng hoa rơi mấy chiều tan tác
Những cánh hoa bay xác phượng hồng

Rồi mai khi gió mùa thu tới
Khi nắng tàn phai trên lối xưa
Có biết người xa xôi trở lại
Hay là biền biệt đến muôn thu

Trời bỗng mang mang đất ngậm ngùi
Những tà áo trắng năm xưa ơi
Có ai qua đó cho tôi gửi
Một trái tim đau vỡ máu người

                                PHẠM CAO HOÀNG

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 55, tuần lễ từ 15-6 đến 22-6-1972)

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2024

BA CON CÁO - Bình Nguyên Lộc

 

BA CON CÁO *

* Câu chuyện xảy ra năm 1954.

Truyện Ba Con Cáo đã được dịch ra Anh văn do nhà văn Lê Văn Hoàn ở San Francisco dịch để dự thi Truyện Ngắn Quốc Tế ở Manila và đã được giải nhất.



Mặc dầu là tay "bán trời không mời thiên lôi", Sáu Sửu vẫn nghe rờn rợn khi nhìn ra ngoài.

Thánh giá trắng đứng mơ hồ trong ánh sáng lờ mờ của nghĩa địa, sắp thành hàng ngũ đông đúc, nhánh ngang của thánh giá trông mường tượng như những cánh tay người giăng ra để đón bắt ai.

Xa xa, một trụ vôi có dáng một người đàn bà đội khăn tang trắng, đứng nhìn đám mồ trước mặt bà ta.

Gió đêm, cùng với dế, trùn, họp nhau mà than vãn bên hàng nghìn mồ hoang mả lạnh, và thỉnh thoảng, anh Sáu vẳng nghe như có tiếng người rên rỉ đâu đây.

Từ một ngôi mả cũ đằng xa, một ánh lửa lóe lên, nhỏ bằng ngón tay, từ từ bay lên cao rồi đi bơ vơ qua các hàng thánh giá. Lửa ma trơi hay là đèn của một người đi soi ếch nào đó?

Mưa dầm tháng tám rơi trên nước ao tù khiến anh Sáu có cảm giác rằng mình đang ngủ trên một chiếc thuyền, giữa dòng nước.

Lạnh quá, lạnh ngoài da, mà lạnh cả đến trong lòng.

Người sống, một khi xâm nhập vào địa hạt của người chết, mới nhận được rằng cuộc đời bên ngoài dầu đau khổ bao nhiêu cũng còn ấm chán.

*

Tại phố Phát Diệm, khúc phía trên này, họ Cầu Kho có một đất thánh mà từ vài năm nay nhà thờ không cho chôn trong đó nữa.

Dân số nghĩa địa cứ mỗi ngày một tăng lên, mà không có một ai chết lần thứ nhì cả để cho số sanh và số tử bù trừ nhau hầu đất đai trống bớt chỗ.

Ngoài thành phố, người ta đẻ con, nhưng người ta lại chôn ông, nhà cửa thành thử không chật thêm được. Ở đây mồ mả sanh ra rồi già cỗi dưới rêu xanh của sương gió, nhưng vẫn nằm lì đó đến muôn thu.

Vì vậy nghĩa địa phải chịu nạn nhơn mãn. Nhà thờ không cho chôn xác thêm vào đó, rồi cũng chểnh mảng việc trông nom đất thánh nên người sống đang thiếu đất, bèn ùa đến mà lấn người chết.

Nghĩa địa không có vách thành. Ban đầu vài người mạo hiểm cất nhà ngay trên ranh đất thánh. Thấy không ai nói gì, một số người khác lách qua khỏi mấy cái nhà vừa cất lên, để vô trong mà xây cất.

Họ cất vây tứ phía ngôi đất thánh và vòng vây cứ càng ngày càng siết chặt lại, người chết không còn lối nào để thoát ra được nữa cả.

Khi vòng vây siết đến lằn mức chót, nghĩa là những ngôi mộ ở bìa, thì cuộc xô lấn bắt đầu diễn ra một cách đau thương.

Người sống cũng biết đau lòng khi phải dẫm lên những gò mả còn mới rành rành (nhiều mộ bia, thánh giá, đề năm chôn là 1951) nhưng họ, ác thay, lại cũng biết lạnh. Cho nên họ cứ cất nhà trên những nấm đất ấy, xin người chết thứ lỗi, miễn là có chỗ núp mưa thì thôi.

Không bao giờ kẻ sống và người chết lại sát cánh nhau đến thế. Ông đã chết rồi, ông choán đất làm chi cho nhiều, trong khi tôi không có lấy một vuông nhỏ để mà cắm cây cột gỗ; vậy ông thứ lỗi nhé! Rồi ngày sau tôi cũng hoàn lại đất như ông vậy mà; trần gian nầy chỉ là cõi tạm thôi, tranh nhau làm gì!

Cuộc xâm lăng lặng lẽ để tranh sống với người chết, gây ra một tai hại lạ kỳ.

Vùng đất ấy ngày xưa tuy cũng thấp mà vẫn khô ráo, nhờ con rạch Bần tháo nước ra sông Ông Lãnh. Nhưng từ khi đô thành cho đắp đại lộ Trần Hưng Đạo, cách đây mấy mươi năm, thì ngọn rạch Bần bị lấp, và nước mưa trên nầy bị bỏ tù lại đến chung thân khổ sai, vì khu ấy đất trũng mà!

Đất thánh không phải ở giữa rún đất nên không đọng nước. Nhưng vòng vây tai hại kia lại biến thành con đê ngăn nước đất thánh đổ xuống chỗ trũng hơn.

Thành thử phần nhiều ngôi mộ đã biến thành cù lao, có cù lao rời rạc, có mớ họp thành quần đảo, không còn làm sao ra đó được nữa. Nước tù mang một màu khó tả và một mùi cũng khôn tả. Đáy ao biến thành bùn non, đi thì lún đến ống quyển.

Lau, sậy, đế tha hồ mà mọc như ở bưng miền xa.

Giữa đất thánh còn sót lại một ngôi mộ cổ kiến trúc theo bên lương mà có lẽ nhà thờ không nỡ phá đi lúc lập ra đất thánh cho giáo dân nầy.

Ngôi mộ ấy đồ sộ nhứt nghĩa địa, xây bằng vôi và ô đước, xanh đặc những rêu phủ. Lối kiến trúc rất rắc rối như một lâu đài, đầy rẫy ngăn nắp với nào là đường vào lối ra quanh co và hóc hiểm.

Hôm ấy những người của vòng vây đều ngạc nhiên mà thấy một mái nhà lá dựng ngay trên ngôi mộ cổ ấy.

Nhà dựng đâu từ sớm mai đến trưa là xong cả. Họ cứ tự hỏi, và hỏi nhau làm thế nào mà chủ nếp nhà ấy lội sình để ra ngoài đó được. Đi tay không đã không được rồi, mà làm sao hắn ta lại mang cả gỗ, tre và lá ra đó để cất nhà?

Hỏi nhau không ai đáp được, mà cũng chẳng mong phỏng vấn thằng cha dị hợm kia, họ đành thôi. Thét rồi mắt họ quen đi, nếp nhà ăn vào chân trời quen thuộc của họ, họ nhận cho nó ở đó mà không bàn tới bàn lui gì nữa cả.

*

Sáu Sửu ngày trước có ở xóm Phát Diệm. Năm ấy có người treo cổ trong nhà mồ ở bìa đất thánh. Anh đã vào đó với nhiều kẻ hiếu kỳ khác để xem kẻ chết treo, nên được dịp biết rõ nghĩa địa.

Hôm tháng rồi anh bị truy nã ráo riết nên cố tìm một chỗ ẩn nấp thật kín. Nhớ lại xóm cũ với cái nghĩa địa kia, anh về qua đó và rất hài lòng mà gặp hòn đảo nầy.

Không một viên cảnh sát nào đủ can đảm lội sình nhứt là dầm chơn trong một thứ nước nhơn nhớt để ra ngoài đảo Lỗ Bình Sơn của anh.

Nếu có cuộc bố ráp đại qui mô như hồi còn Tây thì bất quá họ cũng đứng ngoài mà nhìn vào, hú bậy vài tiếng như hú đò bên kia sông, rồi đò không qua thì thôi. Họ nghĩ sót một con cá cũng chưa chết ai, mà biết đâu cá đó lại không phải cá hiền, một tên ăn mày nào đó chớ gì.

*

Từ vòng vây ở ngoài, leo lét vài ngọn đèn dầu của những kẻ lấn đất người chết. Xa thật xa ngoài kia, ánh sáng đô thành làm nổi bật lên, đen thui, những ngôi nhà lầu, những ngọn cây cao. Các thứ nầy giống hệt những hình bằng giấy đen, người ta cắt rồi dán lên nền trời.

Bỗng anh Sáu nghe rục rịch dưới sàn ván. Hôm cất nhà xong, anh lót ván lên mộ, vừa để làm nền nhà, vừa để làm giường ngủ. Dưới ván rầm ấy, lau sậy bị đè đầu xuống, và sẽ chết lần mòn vì thiếu ánh sáng.

Anh Sáu quên, một thứ khác, cũng giống như lau sậy, mà biết cục cựa nữa kia. Vì thế đêm nay trời có trăng, anh ngồi ngó một ra đám rừng thánh giá trắng thì anh phải một phen hết hồn trước sự hiện ra của một chú chồn to bằng con chó ta.

Chồn khua lau sậy sột soạt, rồi chui ra khỏi mộ, ngoái cổ lại dòm cái nhà mà đêm hôm qua đây chưa có. Suốt ngày hôm ấy nó nằm trong hang, không dám ló ra nên không biết ngoài này loài người làm gì mà lục đục mãi.

Đôi mắt nó lóng lánh dưới ánh trăng, ngạc nhiên giây lát rồi bỏ đi. Nó đã quen với con người rồi nên không có vẻ gì sợ sệt cả.

Nhưng anh Sáu lại sợ. Anh có đọc truyện Phong Thần nói chuyện mả Huỳnh Đế có một bầy hồ ly mà một con đã nổi danh trong lịch sử, là cái con đã biến thành nàng Tô Đắc Kỷ; đến nay thấy chồn trong mộ chui ra, anh liên tưởng ngay đến tích cũ rồi rợn người lên.

Nhưng anh trấn tĩnh lại được. Trong dân chúng người ta tin chắc như đinh đóng cột rằng tóc người chết hóa thành con lươn, rồi con lươn hóa thành con chồn. Con chồn mà anh thấy, có lẽ chỉ là thối thân của tóc người nằm dưới nhà mồ, chớ không phải yêu quái gì đâu.

Độ nửa tiếng đồng hồ sau, anh Sáu thấy chồn về, mõm ngậm một con vịt.

- A ha, đồng đạo đây mà! - Anh Sáu cười mà nói thầm như vậy rồi cảm tình ngay với con thú nầy.

Cái đạo mà anh nói đó là đạo ... chích; trước kia, trước khi lường gạt và cướp giựt, anh cũng đã đi ăn cắp gà như chú chồn nầy vậy.

Ngày nay anh thôi ăn cắp, nhưng lại biến thành con cáo già chuyên môn gạt gẫm thiên hạ.

- Mầy cáo thì tao đây cũng cáo, vậy thì là bồ rồi.

Từ đó, hai con cáo chung đụng với nhau mà không xích mích bao giờ cả.

*

Nghe động dưới sàn, anh Sáu mỉm cười lẩm bẩm:

- Đồng nghiệp xuất quân đó đa!

Anh Sáu nhờ cậy con chồn nầy lắm. Có nó ở dưới ấy thì không còn lo rắn rít nữa. Anh mong có dịp trả ơn nó, nhưng nó có đói bao giờ đâu để anh ra tay hào phóng mua cho nó một con gà. Xóm lao động vây quanh nghĩa địa, người ta nuôi gà vịt cả bầy, nó ăn đến già cũng chưa hết.

Bỗng anh Sáu nghe có tiếng chó sủa vang dậy lên. Tiếng sủa to lắm và oai vệ lắm, có lẽ đó là tiếng chó bẹc-giê.

Rồi lại nghe nước khua lũm chũm, với tiếng chó càng lúc càng đến gần anh. Anh Sáu bước ra dòm thì thấy bạn của anh đang chạy bán sống bán chết trước một con chó to thấy mà bắt ớn.

Anh Sáu thò tay vào trong rút cây chĩa ba ra, cây chĩa anh sắm để chĩa ếch dưới nước, rồi lẹ như chớp, anh chìa mũi chĩa đón đầu chó cho chồn đủ ngày giờ chui vào mả.

Chó bẹc-giê chạy quá đà, bị mũi chĩa đâm vào mõm đau điếng, rống lên vài tiếng rồi trở bước, vừa đi vừa day lại, sủa om như chửi thề.

Anh Sáu cười ha hả rồi cúi xuống sàn mà nói:

- Đêm nay tổ trác rồi đó phải không em! Anh đây cũng bị rượt thường lắm, nhưng đều thoát khỏi cả. Bây giờ thì đố ai mà dám theo anh vào chốn nầy. Chỗ ở tụi mình kín số dách.

*

Sáng hôm ấy, anh Sáu đi uống cà-phê, về tới nhà thì ngạc nhiên hết sức. Trên một ngôi mô. cận mộ anh, một chòi lá đã dựng lên rồi.

Ngộ quá, nhà cửa sao mà mọc mau lẹ như nấm mối. Uống xong tách cà-phê, đọc xong trang nhứt một tờ nhựt báo là một túp lều cũng vừa dựng xong. Phải mà, chỉ có bốn cây cột thôi thì chậm sao được!

Anh Sáu ngạc nhiên mà thấy có một người thứ nhì lại biết con đường bí mật đưa vào đó! Anh lại tức vì túp lều ấy chặn ngay đầu đường bí mật của anh.

Số là anh Sáu biết lợi dụng mấy ngôi mộ chung quanh nên mới vào đây được. Anh phải đi quanh co nhiều nơi, nhảy từ ngôi mộ nầy qua ngôi mộ khác, ra cửa nhà thì đi hướng đông, nhưng ra khỏi nghĩa địa lại ra hướng tây, nghĩa là anh phải đánh một cái vòng rất lớn và rất cong quẹo.

Túp lều tranh ấy cất ngay trên ngôi mộ anh dùng làm đầu cầu cuối cùng để nhảy vào nhà anh, thì anh còn làm sao mà về nhà được, nếu hắn không cho anh nhảy ngang qua nhà hắn?

Anh tức giận lắm toan vào lều mần thằng cha nầy một mách cho nó phải giải tỏa hiểm đạo của anh, anh mới nghe cho.

Anh Sáu vỗ đùi nhảy một cái như bay đi và rơi xuống phiến mộ bia đặt nằm theo lối Châu Âu, trên có khắc mấy giòng chữ như sau:

Ci-git:
Alphonse Thomas Nguyễn-Văn-Nở
décédé en sa 78è année
Priez pour lui
1

Phiến đá lớn bằng bộ ván hai, và thằng cha chủ nhà nầy dùng phiến đá ấy để làm bộ ván luôn, nên không thấy nó lót gì trên ấy cả mà lại để lên đó nào là va-ly, dép... à... mà sao lại dép đàn bà?

Túp lều che có phân nửa tấm bia thôi; cửa lều là một bức màn bằng vải bông cũ. Anh Sáu bước tới vén màn lên thì ô nầy lạ, chủ nhơn bà (chớ không phải chủ nhơn ông) là một thiếu phụ tóc quăn.

Chủ nhơn bà bình tĩnh chào anh Sáu bằng một mỉm cười yên lặng.

Có lẽ chồng chị ta đi làm rồi chăng? Nhưng vẫn lạ là chị không có vẻ lao động chút xíu nào hết. Móng tay chị đỏ choét và nhọn hoắt, nước da mặt của chị bị phấn ăn, chỗ thì mét chằng, chỗ thì thâm đen sì, mắt chị mệt đừ và sâu hóm như mắt cô đào hát bội.

Y phục của chị cũng không phải y phục của những kẻ đầu tắt mặt tối: lai quần gắn ren, áo cổ bà lai thêu rằn rịt xanh đỏ, tóc thì kẹp thành đuôi ngựa, cột bằng ruy-băng màu.

Chị ngồi trên chiếc rương thiếc nhỏ, món đồ từ khí độc nhứt trong chòi, mỉm cười rồi giây lát hất hàm hỏi anh:

- Có tiền mãi lộ không? Nếu không, mỗ không cho đi ngang qua đây. Mỗ đóng đồn ở đây rồi, ai bước qua phải đóng thuế.

Anh Sáu thọc tay vào túi quần tây cũ của anh đứng thẳng lên coi oai vệ như một tướng cướp trong xi-nê-ma, cười gằn rồi ngạo nghễ đáp:

- Hỡi cô nữ tướng mã thượng giang hồ, nữ tướng không có lâu la thì đòi tiền mã lộ ai được. Nữ tướng có giỏi thì bước ra ngoài đánh với ta vài mươi hiệp cho rõ tài cao thấp.

Nữ tướng cười xòa vì nghe giọng điệu thì biết đã gặp tay đồng điệu. Tuy bắt nạt hắn không được nhưng bắt bồ với hắn có thể có lợi.

Anh Sáu xem qua thì biết nữ tướng thuộc vào hạng người nào trong xã hội rồi. Đây cũng là một kẻ trốn chui như anh, như con cáo dưới giường anh. Cả ba đều là chồn, nhưng con chồn cái này đã tu luyện nhiều năm nên mang được hình người. Đây là một thứ hồ ly không hớp hồn nho sĩ mà chỉ hốt bạc cắc của mấy anh lao động thôi.

Đầu anh Sáu đụng nóc chòi, anh khó chịu quá nên ngồi xuống:

- Ở đây không sợ mang tội à? - Anh hỏi đùa.

- Chớ còn anh?

- Tôi thì khác. Ngôi mả của tôi cũ lắm rồi.

Đó là một cái nhà của một người chết đã đi đầu thai kiếp khác rồi.

Con chồn cái bỗng bỏ cái cười, buồn nét mặt lại rồi chỉ ra ngôi giáo đường trước nghĩa địa.

Tiểu giáo đường tuy chỉ để làm lễ mỗi khi đám xác nào tới đây thôi, nhưng cũng đồ sộ bằng một nhà thờ ở thôn quê. Tuy ngói đã bị tốc nhiều nơi, gạch, đá trên tường nhiều viên đã rã và rớt xuống, cửa sổ gỗ đã bung hết, cửa kính màu đã bể nát, nhưng toàn thể công trình kiến trúc gô-tích ấy vẫn còn mang cái phong độ vĩ đại của thời Trung Cổ Châu Âu.

- Anh thấy không? - Chị ta nói - Nếu mình dám vào trong đó mà ở thì đâu có phạm tội như vầy.

Anh Sáu thở dài rồi không thèm chào hỏi gì cả vỗ đùi nhảy bay qua nhà anh.

Từ đó bộ ba chịu đựng nhau để sống chung nhau.

Họ khác nhau ý tứ, phong tục, thói quen, lối sống, nhưng cả ba con cáo đều có một nỗi băn khoăn chung là cả ba đều sợ: Con cáo chánh hiệu con ... cáo thì sợ chó bẹc-giê, con cáo già sợ Công An, còn con hồ ly cáo cái thì sợ lính kiểm tục.

Trong cảnh khổ giống nhau, tuy họ không tương đắc với nhau được và vẫn phải tương thân để bảo vệ nhau, khi cần. Mà nhứt là để an ủi lẫn nhau.

Anh Sáu không thích đờn bà lắm. Hay nói cho đúng ra, anh đã chán chê đờn bà, nhứt là chán những hạng đờn bà như con hồ ly không bao giờ chịu xưng tên nầy.

Nhưng mà những đêm mưa dầm buồn quá, nằm giữa cánh đồng ma mà được có người để trò chuyện với nó thì ấm biết bao!

Những đêm mưa như vậy, con hồ ly không đi kiếm ăn được, mà cũng không đủ sức mạnh để nhảy qua nhà anh Sáu vì hòn đảo của anh ở xa mãi ngoài giữa dòng nước, nên hồ ly ta thắp lên một ngọn nến rồi ngồi bó gối mà ca trật lất bản nhạc "Đêm đông".

"Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng".


Gió đâm sầm vào tiểu giáo đường đằng trước kia, tung hoành giữa gian phòng trống mênh mông rồi vừa hú vừa chui ra khỏi các cửa sổ nghe bắt lạnh mình.

Mấy cây thùy liễu hiếm hoi đã kháng cự được với lau sậy để sống sót, đứng cúi đầu khóc sướt mướt dưới trận mưa dầm, trong ánh trăng mờ.

Mộ hàng hàng như bầy cừu nằm nghỉ, gặm cỏ héo hon và vô vị, hút đắng cay trên miếng đất mồ côi 2.

Đây là chốn mà mộng đời bị cắt đứt nửa chừng, kẻ chết yên nghỉ thiên thu, mà người sống cũng khó mong trở về với xã hội loài người.

Anh Sáu nhảy bay qua nhà hồ ly, như một tay kiếm khách phi dạ hành, rồi hai kẻ ở ngoài vòng pháp luật ấy mới cùng nhau tâm sự.

Không phải kể chuyện cho khách nghe, hồ ly khỏi phải thi vị hóa buổi thiếu thời của mình, không cần lòe ai, con cáo già cũng khỏi anh hùng hóa bước giang hồ của hắn. Họ đánh bài, mà hạ bài cho nhau thấy. Bao nhiêu thúi tha nhơ nhớp trong đời họ, họ phơi cả ra như sau đêm mưa, họ phơi gối trên mồ cho nó bớt âm ẩm khó chịu.

Trời mưa cuối mùa cứ dai dẳng từ ngày nầy qua ngày khác. Con hồ ly ban đầu ăn xôi, ăn bánh mì chả lụa trừ cơm. Mãi rồi nó cũng không còn tiền để mua xôi nữa. Đất Sài Gòn, những ngày cuối tháng mà mưa dầm, thì tiền bạc nó cũng sợ lạnh, không hề dám ló ra ngoài. Nó có ló ra, con hồ ly mới ăn nem nướng được, còn nó mà trùm chăn thì chồn cái cũng đành trùm mền mà nhịn đói.

Anh Sáu cũng chẳng thấy đi uống cà-phê sáng cho ấm bụng. Cũng chẳng thấy khói thuốc bay ra khỏi mái lều của anh như mọi ngày, và lâu lâu cũng không còn nghe mẩu thuốc vứt xuống ao, tắt kêu xèo một cái.

Cả hai, vì tự ái hão, đều giả đau để nằm nhà. Anh Sáu yên thân hơn, còn dám ngồi dậy lết ra lết vô. Còn con hồ ly thì sợ anh Sáu đi ngang qua đó biết mình giả đò chăng, nên cứ trùm chiếu mãi từ sáng đến chiều.

Khó chịu quá, ngộp quá, mà anh Sáu không đi ngang qua lần nào để thấy là nàng ta đang đau ốm thì có tức hay không chớ?

Hết mưa rồi nắng. Anh Sáu ra đi. Ngang qua nhà hồ ly, anh lấy chơn lật chiếu ra thì thấy hồ ly nằm xụi lơ. Nàng đau ốm thật đó, đau một chứng bịnh cổ điển của loài người, là bịnh ... đói.

Anh Sáu mau bước nhảy như con khỉ từ ngôi mộ nầy đến ngôi mộ khác và rốt cuộc ra tới đầu ngõ hẻm trổ ra phố.

Thiên hạ cứ mỗi ngày một khôn ra, cho nên, mặc dầu là cáo già, anh Sáu không còn gạt gẫm ai được nữa.

Anh buồn hiu trở lại đào viên mà ba người bạn đã mặc lặng kết nghĩa với nhau hôm mấy tháng trước.

- Chị đỡ bớt hay chưa? - Anh hỏi bậy cho có chuyện.

- Có uống mẹ gì đâu mà đỡ bớt.

- Chị nghe trong mình làm sao?

- Không biết. Nhưng nếu ăn được một chén cháo thì khỏe.

Anh Sáu hiểu ngay. Anh lại thở ra, ngồi bó gối bên cạnh một người mà anh sẽ chịu đồng cảnh vài ngày nữa đây. Sở dĩ anh còn đi đứng được là nhờ anh mạnh sức, lây lất nổi thêm vài ngày.

Chiều xuống sớm và mây kéo đen nghịt trời. Ngoài kia vịt vào chuồng kêu cạp cạp. Nghe tiếng vịt kêu, anh Sáu nhớ lại người bạn thứ ba.

- Hừ, nó coi vậy mà no đó.

Bỗng một ý nghĩ nảy ra. Anh vừa mừng thì lại nghe như ai xát ớt trong ruột anh.

Nhưng biết làm sao: Đi ăn trộm vịt, không đáng gì cả, mà rủi ro thì khổ. Trong lúc mình đang trốn mà dại gì làm những chuyện xằng nho nhỏ.

Anh Sáu đứng lên nhảy bay qua nhà anh, rồi ngồi nhìn mưa bắt đầu rơi lũm chũm trên mặt ao tù.

Một con nhái hay con gì không rõ, nhảy xuống nước lội róc rách đi về đâu không biết. Gió hú trong tiểu giáo đường, gió than vãn ở các nhà mồ. Xa xa tiếng động cơ xe nổ lên, nhắc nhở rằng cuộc sống ở bãi tha ma nầy thầm lặng quá!

Anh Sáu rút cây chĩa ba, lết ra tới trước mả mà ngồi. Anh cúi mặt xuống miếng đất đọng nước, mắt lom lom rình.

Bỗng có tiếng sột soạt do con chồn khua lau sậy, nay đã chết khô rồi. Anh Sáu hồi hộp nghe tim anh đập thình thình trong lồng ngực anh. Lạ! Anh đã giết người, mà nhớ ra là anh đã không nghe mảy may sợ hãi. Cớ sao đêm nay...

Kìa một cục đen đen thò ra khỏi sàn ván. Anh Sáu cầm chĩa ba mà nhắm rồi sực một cái, mũi chĩa đâm chúi xuống trúng ngay cổ con chồn. Chồn thét lên một tiếng kêu đau, kinh sợ, rồi thôi. Trong bãi tha ma hoang vắng, không một tiếng vang lặp lại tiếng kêu thương của con vật vừa bị bạn phản bội nầy.

*

Dân lưu manh vẫn thế. Họ cũng biết xúc cảm, nhưng chỉ xúc cảm vậy vậy thôi. Họ nhỏ trên máu con chồn vài giọt nước mắt rồi thịt nó liền mà không nghe nhờm răng.

Thế là đêm đó hai con chồn đói xơi một con chồn no.

Họ chỉ ân hận một vài giây thôi, vì dầu sao, người bạn xấu số ấy cũng chỉ là một con chồn. Ai dư nước mắt mà khóc thú vật cho lâu!

Trời cứ mưa, mưa như cầm chĩnh mà đổ, mưa như một oanh tạc cơ định về căn cứ, đổ rốc hết bao nhiêu bom còn sót lại trên tàu, mưa cho hết ráo nước để rồi khô hạn được trong sáu tháng dài, mưa đêm chưa phỉ lại mưa ngày, mưa cho đến xương kẻ dưới mồ chắc cũng lạnh thấu tủy khô.

Ăn được bữa cháo chồn, hồ ly nghe khỏe như chị đã đoán. Sáng hôm ấy chị ra đi, căn dặn anh Sáu ở nhà, chị sẽ có tiền, một món tiền khá to, đâu như năm trăm, do một anh tình nhơn hứa biếu và hẹn hôm ấy trao cho vì hôm trước là ngày lương.

Anh Sáu thích quá, muốn ôm lấy hồ ly mà hôn một cái. Nhưng hồ ly dơ thấy mà bắt nôn, nên anh thôi.

Độ lối chín giờ sáng, anh Sáu đang nằm ca sáu câu mùi mẫn:

Cảnh vị nhân sầu, xơ xác ngọn vi lau, nước triều mênh mông chảy...


thì bỗng nghe tiếng tu hít thổi hoen hoét ở cùng tứ phía, quanh nghĩa địa rồi giây lát sau hồ ly nhảy như khỉ qua các nấm mồ, theo sau chị là hai người đàn ông còn trẻ.

- Trời ơi - anh Sáu kêu - mình đã dại, kể cho nó nghe duyên cớ trốn tránh của mình; nó bán mình mà ăn đây! Chồn ơi, hồn mi có thiêng chăng, về mà xem kẻ phản bội mi sắp bị trừng phạt đây.

Anh Sáu bó tay không chống cự. Anh nhìn hồ ly, không oán giận mà chỉ tội nghiệp thôi. Hồ ly trốn cái nhìn của anh, ngồi day mặt vô vách lá mà đếm tiền.

*

Đêm nay, gió sao mà hú ghê rợn hơn đêm nào cả. Hồ ly giật nẩy mình, dáo dác nghe ngóng. Gì mà như anh Sáu ho bên ấy! Chị đánh diêm lên để thắp nến. Trời ơi, mới hôm qua đây, anh Sáu còn nằm bên đèn kể lại những bước phiêu lưu của anh! Hơi thở của anh, chị còn nghe như văng vẳng. Cái mặt xương của anh đậm nét lên dưới ánh đèn, như là còn ẩn hiện mơ hồ trên tấm mộ bia!

Trời ơi! Kéo cuộc đời nhơ nhớp nầy biết đến bao giờ mới thôi? Đã nhơ nhớp lại đê hèn, bước từ phản bội này qua phản bội khác cho đến một khi kia thì mình chỉ còn phản bội được chính mình.

Hồ ly rùn mình một cái, không phải vì lạnh, cũng không phải vì sợ ma, mà vì chị bỗng sợ hãi chính mình, sợ hãi con người đã vơi cạn hết chất người.

Chị ôm mặt khóc òa, rồi lẩm bẩm van vái lầm thầm:

- Trời Phật ơi, Chúa ơi, tha tội cho tôi, ngày mai tôi sẽ ra khỏi chốn nầy và ra khỏi vực đen của đời tôi nữa!

--------------------------------

1Nơi đây yên nghỉ: Ông An-Phông Tô Ma Nguyễn Văn Nở, thất lộc năm 78 tuổi. Hãy cầu nguyện cho ông.
2Ý nầy của P.S. và X.V.                                                              

Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2024

CÓ MỘT THỜI MƯA BAY - Nguyễn Hồng Giang

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
ta thấy em về xanh bóng mây
đêm sâu trở gió tiễn chân ngày
và trong câu hát sầu nhung nhớ
ta ngẩn ngơ hồn như đã say

em về, ta biết chuyện mai sau
cũng như tơ nắng rớt bên cầu
một nơi hạnh ngộ ngày tròn mộng
mộng vỡ trong hồn một tiếng đau

mộng chia lòng mấy cõi mây xa
em cười, ta nhớ chỉ hôm qua
mà nay như đã chìm đâu mất
lạnh buốt trong hồn giấc mộng khuya

có phải ta còn trên bước chân
tình chia mấy cõi, mấy duyên phần
dầu ta đâu muốn trên tà áo
đọng chút tơ sầu rất dửng dưng

mưa đã thay màu cho lá xanh
còn ta, ta sợ phải chia tình
trăm năm đâu dễ lần gặp gỡ
sao em nước mắt đã long lanh

ta còn kỷ niệm rất thân quen
đàn lên cung bậc những êm đềm
em đi mây trắng vườn thơ cũ
ngây ngất một lần trong mắt chim

chiều tiễn em ta như đã mê
tóc bay rối sợi những câu thề
đường im tiếng guốc câu xa vắng
cứ ngỡ đời như một chuyến xe

luân lưu một kiếp cánh mây sầu
chia theo bóng nắng đến ngàn sau
ngàn sau, chờ đợi chi thêm nữa
tình như con nước cuốn trôi mau

ta biết trong hồn mưa tháng năm
bóng em đổ xuống thật âm thầm
ta an nhiên giữa đời lạnh lạc
Thuyền xưa, bến cũ đã xa xăm.

                          NGUYỄN HỒNG GIANG

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 98, tuần lễ từ 19-4 đến 26-4-1973)

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2024

CÔ BẮC KỲ NHO NHỎ - Nguyễn Tất Nhiên

 


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Đôi mắt tròn, đen, như búp bế
Cô đã nhìn anh rất... Bắc Kỳ
Anh vái trời cho cô dễ dạy
Để anh đừng uổng mớ tình si

Anh vái trời cho cô thích mộng
Để anh ngồi kể chuyện nằm mơ:
"Đêm qua có một chàng bươm bướm
Nguyện chết khô trên giấy học trò..."

Anh chắc rằng cô sinh trong Nam
Cảnh tượng di cư chắc lạ lùng?
Khi nghe ai luyến thương Hà Nội
Chắc cô nghe bằng tim dửng dưng

Anh vái trời cho cô dửng dưng
Coi như Hà Nội : xứ hoang đường
Để anh còn dắt cô đi dạo
Còn rủ cô vào rạp cải lương!

Anh vái trời cô thích cải lương
Thích "kẻ hùng anh diệt bạo tàn"
Mai mốt,chạy vùi quanh đời sống
Cô sẽ còn đôi chút lạc quan

Đôi mắt tròn, đen, như búp bế
Cô chớ nhìn thiên hạ lận lường
Mà, hãy nhìn anh cay lắm chuyện
Nhưng còn con trẻ chuyện yêu đương!
 
                                     NGUYỄN TẤT NHIÊN

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 99, tuần lễ từ 26-4 đến 3-5-1973)

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2024

NẮNG CHIỀU - Bình Nguyên Lộc

Nếu chị Nguyệt không đến nơi, thì chắc hai người đã đánh nhau hay ít ra, họ cũng trao đổi nhau những tiếng nặng, khó lòng lấy lại được, rồi thì anh em sẽ tuyệt giao với nhau.

Cái anh Vinh ấy có một tật đánh chết không chừa, là hay đùa những cái lố bịch của người khác. Anh ta có tài nhận xét những tật nho nhỏ của mọi người, có tài phóng to những điểm kỳ cục ấy lên, nắn cho nó biến thành những hình thù kỳ dị hơn, rồi lại có duyên thầm, trình bày những điều buồn cười ấy một cách ngây thơ như là vô tình mà nói đến, chớ không cố ý trêu người nào, không cố ý chọc cười ai. Chính cái ngây thơ ác hiểm ấy, cù người ta bất ngờ quá, nên không ai nín cười được.

Nhưng hôm đó, chị Nguyệt đến đúng vào lúc mà anh Cần bị làm nạn nhơn của anh Vinh, và không muốn để chị nầy thấy bộ mặt nhăn nhăn của mình, anh Cần vui tươi lên như là không giận bạn vậy.

Chị Nguyệt xem lại đồng hồ rồi hỏi:

- Sao, giờ nầy mấy anh chưa về?

- Thì đợi chị nãy giờ, đi sao được. Thôi ta đi nè!

Bình đáp, rồi giục tất cả mọi người.

Cả năm đồng đứng lên.

Ra đến cửa ngõ, muốn làm lành lại với Cần, Vinh hỏi:

- Thầy Mười Sáng là người thế nào, anh Cần?

Như chợt nghĩ ra điều gì, Cần không đáp, mà chụp lấy vai Vinh, rồi nói:

- Ừ, cậu có giỏi thì làm cái nầy. Tôi thách cậu đó. Cậu làm thế nào mà đùa thầy Mười Sáng cho anh em cười ngả nghiêng, ngả ngửa một bữa chơi. Cậu làm được thì tôi phục lăn tài pha trò của cậu. Thầy Mười Sáng là người thế nào à? Cậu hỏi anh Bình thì rõ.

Nói xong, Cần hóm hỉnh cười, bụng nghĩ: "Phen nầy, thì cậu chết nhé! Làm thế nào mà đùa được con người đứng đắn ấy! Thế mới biết tài cậu chưa vững đâu nhé, cậu bé ơi, đừng có làm phách".

Bình, vốn là một thanh niên rất thạo về tôn giáo, về các phong trào thần học. Chính anh ta đã rủ anh em đến nhà thầy Mười Sáng hôm nay.

Thầy Mười Sáng! Cả bọn không ai biết rõ thầy ta, trừ Bình. Để trả lời câu hỏi chưa thốt ra, mà thế nào cũng phải có của Vinh, Bình kể:

- Thầy Mười Sáng, trước kia, có theo học ở một trường trung học công lập tại Sài gòn. Không rõ, vì lẽ gì, thầy ta bị đuổi vào năm thứ ba. Trở về tỉnh nầy nghỉ vài năm, thầy ta đi làm khán hộ. Chính trong thời kỳ thầy làm khán hộ ấy, mà tôi được quen biết thầy. Thầy đọc sách nhiều lắm, biết rất nhiều việc và rất băn khoăn về nhiều vấn đề. Thầy thường gởi gắm với tôi: "Tôi không hoàn toàn tin nơi khoa học được, vì khoa học chưa giải quyết được những vấn đề lớn, cho đến những bí mật vừa vừa của thiên nhiên, mà nó còn chưa khám phá ra nổi. Lấy ngay một thí dụ, trong nghề của tôi mà nói, cũng đủ thấy khoa học còn bối rối lắm. Bịnh truyền nhiễm, khoa học cho là do vi trùng gây ra. Vâng. Nhưng còn "dịch" của các bệnh truyền nhiễm? Ừ, con vi trùng nó truyền bịnh và lắm khi gây ra dịch. Nhưng trước khi có dịch, nó trốn ở đâu mà không tác hại? Mà vì sao, tác hại trong một thời gian, nó lại thôi? Ngày xưa, khi loài người chưa biết trừ dịch, dịch vẫn tự nhiên lui như thường, sau vài tháng hoành hành.

Thầy Mười làm khán hộ được ít năm rồi thôi, thí phát đi tu. Nghe nói là thầy ẩn tu ở núi nào đó đâu được ba năm, rồi hạ san, xuống Sài gòn, xin giấy thông hành đi ấn Độ. "Đi nghiên cứu đạo Phật tận gốc", thầy nói thế với những người quen biết.

Cái năm ấy, thầy được hăm bảy buổi, và năm nay về là năm lăm đúng.

- Thầy nghiên cứu được gì?

- Số là thầy ta dốt về đạo Phật, không biết nguồn gốc đạo ở đâu, nên qua đến nơi rồi nghe người xúi biểu, thầy ta lên Tây Tạng.

- Tây Tạng không phải là nhao rún của đạo Phật à?

- Đâu có phải. Tây Tạng chỉ là một tôn phái của đạo Phật thôi.

- Nhưng biết đâu, tôn phái ấy không quan niệm đúng hơn bọn chánh thống.

- Đúng thế! Thành ra, đi lạc đường, mà thầy ta vẫn học được nhiêu điều hay. Tôi rủ các anh lại thăm thầy ta hôm nay là để xem thầy biểu diễn phép lạ.

*

Thầy Mười Sáng sống biệt tịch trong một cái am nhỏ ở khu Bà Lụa, một ngoại ô tỉnh lỵ của tỉnh Bình Dương.

Am cất trên đồi, giữa một vườn cây cổ thụ sầm uất, trông xuống sông, nước xanh lơ, khiến khách viếng am không khỏi nghĩ đến những vân am của đạo sĩ trong truyện Tàu nào.

Thầy Mười Sáng gầy khô đét như một ông lão bảy mươi. Tuy nhiên thầy ta vẫn nhanh nhẹn và có đôi mắt sáng quắc.

Chủ am tiếp khách rất niềm nở, chú ý đến từng người, cả đến cái cậu Vinh liếng thoắng làm huyên náo am tiên kia, và làm bận rộn con người trầm lặng đã học đạo từ Tây Tạng huyền bí về.

Sau những câu khách sáo xã giao, bọn trẻ bàn về khoa học và tôn giáo. Thầy Mười nói:

- Khoa học sai be bét hết và còn dốt lắm. Tôi đã thấy tận mắt những thầy Fa-Kia bên Ấn Độ, tự chôn sống hàng tháng mà không chết, tôi thấy họ đâm dao vào thịt mà không làm chảy máu; riêng ở Tây Tạng là nơi tu hành, những thầy tu tay mơ cũng có thể ngồi trần truồng trên tuyết hàng tuần, mà không bị cảm lạnh bao giờ. Thật là trái với những luật mà khoa học đã nêu ra.

- Thưa thầy, họ có phép tiên chắc?

- Đúng, họ luyện phép và chính tôi, cũng đã học được vài môn.

Đức nói:

- Hay đó cũng là khoa học; nhưng khác với khoa học của ta. Ta thử đặt tên khoa học của ta là khoa học A..., còn của họ là khoa học B. Cả hai đều đi tìm sự thật, mà đi hai nẻo khác nhau, ngày sau A và B sẽ gặp nhau chăng?

- Tôi không đáp được. Điều tôi biết chắc là họ và tôi đã làm được những điều mà cái khoa học A của cậu cho là không được. Nể lời chú Bình, tôi biểu diễn phép tị hỏa cho các cậu xem.

Bây giờ, bọn khách trẻ mới hiểu được sự có mặt của cả một cái lò rèn giữa am thầy Mười.

Thầy Mười Sáng nhúm lửa ở đống than, còn Bình thì bước lên ghế cao, cầm hai cây thụt ở ống bễ mà thụt.

Hơi trong hai ống bễ xình xịch bay ra, thổi văng lên những mảnh than nát. Mấy đóm lửa mới nhúm, nở to lần lần, ăn lấn vào màu đen huyền của than. Màu lửa, ban đầu, xanh xanh, càng lớn khối, càng ngã sang màu hỏa hoàng và khi những lưỡi lửa chen than mà mọc lên, thì than đã nhuốm màu bạch chảng.

Bình thụt không ngớt tay, lửa cháy đỏ rực khuôn bếp.

Thầy Mười Sáng mặc áo đạo sĩ màu lam có viền trắng ở các rìa. Thầy ta săn tay áo lên một cách trịnh trọng, đoạn khom lưng, cúi mình trên bếp lửa, thọc tay vào đống than cháy đỏ, chọn lấy một hòn than to nhứt và đang cháy tốt nhứt. Thầy ta làm công việc ấy dễ ợt như một cậu bé chọn kẹo. Thầy cầm hòn than đỏ giữa hai ngón tay, rồi đứng thẳng dậy, đặt nó vào giữa lòng bàn tay bên kia.

Bốn thanh niên và một thiếu nữ trố mất nhìn. Họ hồi hộp đợi thầy Mười bị phỏng tay, phải vứt hòn than đỏ, đợi chờ cái ấy, mà cứ lo sợ nó xảy ra, rồi phải thất vọng. Có thế nào như thế được chăng? Họ tự hỏi như vậy, rồi tự bảo rằng, thì ra phép tiên, phép mầu là điều có thật chớ không ngoa.

Hòn than trên tay của thầy Mười đã sậm màu đen, và một lớp tro trắng mỏng đã bắt đầu bao bọc lấy nó. Thầy đạo sĩ nói: "Nguội quá rồi!"

Rồi vứt hòn than lên đống lửa.

Bình mê xem biểu diễn, nên quên thụt lửa, khiến thầy đạo sĩ phải nhắc:

- Chú thụt tiếp đi chớ!

Hai ống bễ lại bắt đầu thở khì khì và đống than bắt dầu đỏ rực trở lại.

Thầy Mười Sang bước vào đống than đang cháy, đi tới vài bước, đoạn đứng yên một nơi.

Những lưỡi lửa cứ chờn vờn muốn táp lai quần của thầy Mười, vốn đã vén lên rồi, khiến thầy lại phải vén ống lên thật cao.

Chị Nguyệt há miệng nhìn, mắt mở tròn xoe. Trong không khí, phảng phất một mùi huyền bí kỳ lạ, thật thật, hư hư, và thầy đạo sĩ kia, có vẻ một ông Tiên từ thời Xuân Thu hiện về. Năm khán giả trẻ tuổi nghe như mình đang lạc vào cõi tiên hay vào động quỉ. Thật là không thể tưởng tượng được.

Đứng trên than hồng được ước chừng năm phút, thầy Mười bước xuống, mỉm cười đắc thắng.

Bình ngừng thụt, thở ra một hơi dài và nói:

- Mỏi rụng hai tay!

Chị Nguyệt kính cẩn nhìn thầy Mười Sáng giây lâu, rồi hỏi:

- Thưa thầy thầy ăn ở dễ thương cách nào mà mấy ông thầy tu trên ấy truyền cho thầy phép lạ nầy?

- Những phép nầy không thể truyền mà được như bùa ngải. Phải bền công luyện tập mới đắc.

- Luyện tập à, thưa thầy? Không truyền được, mà phải luyện tập, là không phải phép huyền bí nữa rồi, mà là khoa học đó, khoa học B như tôi đã nói.

Đó là lời của Đức.

Thầy Mười Sáng suy nghĩ giây lát, rồi đáp:

- Có thể. Nhưng dầu sao khoa học của cậu cũng còn non lắm đối với khoa học huyền bí nầy.

- Đúng như vậy !

 Chị Nguyệt phê.

Bỗng cậu Vinh lắm lời kia, nãy giờ cứ làm thinh, hỏi lên đột ngột:

- Dạ, thưa thầy...

Anh ta mới mở lời, mà bao nhiêu con mắt đều quay nhìn anh ta. Thấy gương mặt ngây thơ một cách hóm hỉnh của Vinh, thản nhiên sắp hỏi một câu gì đó, họ đoán sẽ được cười.

Cần lo lắng kẻ nghịch của anh, lần nầy lại thắng nữa. Còn Bình thì hoảng hốt lên, sợ những câu pha trò của Vinh sẽ chọc giận người đáng kính là thầy Mười. Nhưng đã trễ quá rồi, không còn ngăn thằng mắc dịch Vinh kịp nữa.

Vinh ngây thơ tiếp hỏi:

- Dạ thưa thầy, không hay cái phép mầu nầy dùng để làm gì vậy a thầy?

Thầy Mười có vẻ bực mình lắm! Thầy suy nghĩ giây lâu, rồi đáp:

- Thí dụ như có đám cháy, tôi đã không hề gì, lại xông vào lửa để cứu những người còn kẹt trong nhà.

- Thưa thầy, thầy mất đến hăm tám năm trời để làm được một công việc mà bất kỳ anh lính cứu hỏa nào cũng làm được, mà chỉ tốn có hai phút đồng hồ thôi. Trong hăm tám năm trời ấy, cái khoa học non nớt của chúng tôi đã tìm được bao nhiêu là thứ, mà những thứ ấy, truyền lại cho ai cũng được cả, miễn họ chịu bỏ ra chỉ vài năm thôi, để học tập.

Lần đầu tiên trong đời anh ta, con người nổi danh có tài hỏi vặn pha trò để chọc cười ấy, đã thất bại, vì không ai cười cả.

Thầy Mười Sáng trố mất nhìn người khách có vẻ mặt ngây ngô, đần độn kia, nổi giận trong vài giây, rồi kinh sợ trong mấy phút.

Đoạn thầy ta ngồi phệch xuống đất, ôm đầu mà thở dài. Cả sáu người trong nhà đều im lặng, mỗi người có một ý nghĩ riêng về quan niệm của Vinh.

Lâu lắm, người ta mới nghe thầy Mười Sáng lẩm bẩm:

- Hăm tám năm! Hăm tám năm! Trời ơi, sự thật đến bạc đầu tôi tìm cũng chưa ra, mà cái phép mầu kia, luyện được sau một phần tư thế kỷ cố gắng, bỗng thấy là hoài công, phí sức lắm.

Bình bước tới, quỳ xuống trước mặt người đạo sĩ thất vọng để an ủi:

- Thưa thầy, không là hoàn toàn hoài công đâu, vì ít ra, điều ấy cũng giúp người khác thấy rõ là nẻo của khoa học B không phải là nẻo không nên theo.

- Không ! Sụp đổ cả rồi, các cậu ơi! Cả một đời tôi, cả một đời bao nhiêu người khác, chúng tôi đã dùng nó làm gì? Chẳng qua là phung phí thì giờ và tâm trí như những kẻ trác táng kia!

 
(Trích từ tập truyện ngắn Ký Thác)
 

Thứ Năm, 9 tháng 5, 2024

THOÁNG NHỚ - Phùng Mỹ

 

Cảnh vật đã một thời thân quen bỗng lạ đi dưới mắt nhìn. Bến xe không còn ở chỗ cũ ngày xưa. Bến xe bây giờ là bến xe mới. Rộng rãi hơn, ồn ào hơn. Những xe mì. Những gánh cháo. Những dãy hàng quán lao xao tiếng người. Những chuyến xe lam đến phố và từ phố trở về với một ít bụi đường vương trong gió.

Triều ngỡ ngàng một chút. Anh xuống xe với chiếc xách nhỏ ở tay. Chiều vừa hết nắng. Trời ngả vàng ở phương tây. Màu vàng của một ít nắng cuối ngày còn sót lại.

Một thời gian xa cách ngắn cũng đủ để thành phố nhỏ có một vài đổi thay. Khu ngoại ô yên tĩnh ngày xưa không còn yên tĩnh nữa. Nó đã bị xáo trộn, đã trở nên ồn ào bởi sự đổi dời của bến xe lên từ phố.

Triều nhớ những buổi chiều về học ngày xưa, trời cũng vừa hết nắng như chiều nay, với một vài đứa bạn lang thang dọc con đường dẫn ra ngoại ô tuyệt vời, khung cảnh y như một làng quê thanh bình. Có hôm Triều về nhà tối mịt trễ mất bữa cơm chiều. Nhưng không bao giờ Triều bị bỏ đói. Chị Ly vẫn để phần cơm hoặc dúi tiền cho Triều ăn phở những hôm về muộn. Nhớ đến chị Ly với đàn con nheo nhóc, đến mẹ với tuổi già tóc điểm sương lòng Triều chùng xuống trong một dao động buồn bã.

Triều lên một chiếc xe lam. Mới có hai người, thêm Triều là ba, mười người xe mới chạy. Anh ngồi xuống ghế lơ đãng nhìn ra bên ngoài. Mọi người đều vội vã như muốn níu kéo thời gian cuối của ngày. Triều nhớ đến tờ giấy phép nằm ngoan trong túi. Những ngày nghỉ còn nguyên, còn mới anh sẽ tiêu dùng cách chi cho trọn vẹn và đầy đủ đây?

Mới hôm qua, sau những ngày lênh đênh trên mặt biển, chỉ thấy nước và trời xanh ngắt một màu. Anh bỗng có ý muốn trở về, về lại thành phố cũ với một vài ngày phép, để làm chi anh không rõ nhưng ý muốn trở về nung nấu trong anh mãnh liệt. Hai năm rồi, hai cái Tết xa xôi. Anh không còn nhớ nhà như ngày nhỏ mỗi chuyến đi xa vẫn mang cái ao ước trở về thúc đẩy bởi nỗi nhớ, nhớ căn nhà, nhớ khuôn mặt những người thân yêu, nhớ từng bụi cây, ngọn cỏ, nhớ cái khung cảnh đã nhiều quen thuộc, lắm thân yêu. Hai năm. Hai mươi bốn tháng. Không một tờ thư thăm hỏi. Lâu lâu túng tiền một vài chữ trên tờ điện tín, rồi thôi. Mẹ thà coi như chiếc lá bay. Em thà coi như là hạt bụi. Chị thà coi như hơi rượu cay. Có phải Triều đã nghĩ như thế? Một tờ giấy phép, hai chuyến xe. Và bây giờ Triều ngồi đây. ý muốn trở về chìm khuất đâu mất, cái nôn nóng mới hôm qua giờ cũng chẳng còn. Thành phố cũ có còn chi liên hệ? Mẹ già, chị và lũ cháu. Vài kỷ niệm ấu thơ, một cuộc tình đã xa khuất mù khơi. Quỳnh Phương tóc dài áo trắng của những hẹn hò ngày xưa. Rồi một sáng áo hồng khăn cưới, một con thuyền và một bến đò xa lạ. Quỳnh Phương chỉ còn là tên gọi nỗi buồn. Con gái chỉ được một thời. Hoa chỉ nở đẹp một độ. Triều biết điều đó qua mắt nhìn, qua những lời xa xôi của Phương. Nhưng Triều còn trẻ, anh chưa muốn dừng chân. Chim bằng chưa mỏi cánh mà trời rộng thì luôn mời mọc đón chờ. Và rồi sự việc diễn ra như thế. Quy tội một cuộc tình đã lỡ cho người này hay người kia làm gì nhỉ? Triều tìm về với biển, người tình đằm thắm dịu dàng nhất của anh. Vả lại với Triều, tình yêu chỉ là một phần không phải là tất cả. Quỳnh Phương giờ là bóng mờ, là nỗi buồn nhè nhẹ man mác khi nhớ về quãng đời xưa. Với Triều không có tình đầu hay tình cuối. Cuộc tình nào cũng cho anh nhiều đam mê. Sau Quỳnh Phương chắc sẽ còn nhiều tên gọi nữa khi anh một mình với biển khuya. Nhưng bây giờ thì chưa.

Xe lam đưa Triều về phố. Đèn đường vừa đỏ. Sinh hoạt ban đêm của một thành phố nhỏ chẳng có chi. Một rạp chiếu bóng độc nhất. Con phố chính ngắn chưa đầy cây số. Vài quán cà phê, vài tiệm ăn. Vài xe mì đêm lốc cốc như điệu buồn gõ nhịp. Triều đi bộ về nhà, gió sông lạnh. Trời không trăng nhưng thật nhiều sao. Cả một trời sao in hình dưới nước. Hàng dương liễu dọc bờ sông sẫm lại u buồn. Triều yêu dòng sông đêm. Ngày còn ở nhà anh vẫn thường ra đây với một vài đứa bạn, đôi khi một mình, đứng thật lâu cho đến khi trời về khuya và gió đêm trở lạnh. Sông về đêm đen nhánh, thăm thẳm sâu. Sông nói với Triều bằng thứ ngôn ngữ đằm thắm không cùng.

Căn nhà nhỏ giam giữ ấu thơ của Triều nằm khuất trong một con hẻm ngắn. Cây sầu đông vẫn còn nguyên trước ngõ. Chiếc sân rộng đầy sỏi. Triều dẫm chân lên những hòn sỏi trắng, tiếng lạo xạo thật đáng yêu. Mọi vật vẫn thân quen như mới hôm qua, hôm kia. Triều cười với mẹ trên những bậc thềm. Anh nghe tiếng reo mừng của lũ con chị Ly: "Mẹ ơi! Mẹ ơi! Cậu Triều về!".

Tiếng hét vang nhà của lũ nhỏ đánh thức Triều. Anh mở mắt nhìn lên nóc mùng trắng xóa, cảm giác ngái ngủ vẫn còn. Cơn lười giữ Triều lại trong chăn, nhưng Triều chỉ nằm được một lát. Anh tung chăn ngồi dậy. Nắng mới làm chói mắt.. Nắng nhảy múa trên cao. Nắng nhuộm vàng sân sỏi trước nhà. Triều ngồi nói chuyện với mẹ trên bộ phản kê sát cửa sổ. Tiếng chị Ly từ nhà dưới "Điểm ơi mua cháo lươn o Bưởi cậu ăn". Điểm bưng lên tô cháo nghi ngút khói, mùi tiêu cay nồng mới trông đã muốn ăn. Những sợi bún tàu nhỏ xíu mềm mềm quyện lẫn với những miếng lươn thật ngon. Triều ăn một loáng hết sạch. Trong một thoáng Triều thấy mình nhỏ lại như ngày xưa. Mẹ và chị, vùng biển tình thương đó làm ngợp hồn Triều. Những thăng trầm, cay đắng của cuộc đời xóa nhòa đi trong mắt nhìn của mẹ. Anh nghe lòng rưng rưng.

Triều thay áo ra phố. Mẹ anh nói với theo "Nhớ về ăn cơm nghe con". Nắng lên cao. Cái nắng gay gay của những ngày đầu hạ. Con phố ngày xưa giờ vẫn vậy. Một vài hàng quán, một vài tiệm ăn mới, rồi thôi. Triều lang thang không chủ đích. Anh ngang qua trường nữ trung học. Ngôi trường xưa. Mọi sự giờ là ngày xưa cả rồi. Một thoáng nhớ. Một chút ngậm ngùi. Ôi thời cắp sách! Ôi thuở hẹn hò luống cuống những bước chân. Triều đứng đó, dưới gốc phượng già cạnh trạm xăng, chờ đợi. Thuở chờ đợi ôi thời gian rét lắm! Hồn Triều đã rét biết mấy cho những lần chờ đợi ngày xưa. Đôi tay thừa thãi và mắt ngượng ngùng tìm kiếm, nhìn bâng quơ trên ngọn những cây dương, ở đó vắt ngang chằng chịt những dây điện đường.

Giờ đã là kỷ niệm. Ngủ yên đi quá khứ. Triều nhớ về. Bâng khuâng nhưng không ray rứt. Cuộc tình đẹp là cuộc tình không trọn. Thi sĩ Hồ Dzếnh nói thế, Triều cũng cảm thấy thế. Sáng nay không dưng Triều đặt chân lên con đường ngày cũ. Đường tình sử. Nghe nao nao một chút trong lòng. Anh dừng thật lâu trước ngôi trường cũ, không với tâm trạng tình si ngày trước. Đứng nhìn và bâng khuâng thế thôi.

Chuông tan học nghe rộn rã. Áo trắng rợp trời. Cổng trường con gái thật đẹp, thật thơ. Tiếng guốc khua vang. Tia nhìn dừng lại ở người con gái vừa cất tiếng. Đôi mắt và nụ cười rạng rỡ dưới vành nón lá. Một khuôn mặt quen quen ngờ ngợ... nhưng tìm mãi chẳng ra. Cô gái băng ngang đường. Một khoảng ngắn thời gian vừa đủ để Triều bắt gặp trong ký ức mình hình ảnh cũ, một chớp sáng lóe lên. Như. Quỳnh Như, em người tình cũ. Nụ cười làm hồng đôi má, cô bé đến gần Triều:

- Anh về răng chừ rứa?

- Mới về hôm qua. Như lớn quá làm anh không dám nhìn.

Như liếng thoắng:

- Không dám nhìn hay nhìn không ra?

Triều cười:

- Cả hai.

Hai người cùng cười với trả lời của Triều.

- Như về học có một mình?

- Dạ.

- Không có bạn à?

- Dạ có nhưng Thủy bữa ni bị đau.

- ...

- Lâu rồi không gặp, anh chẳng khác chi ngày xưa.

- Rứa à? Như thì khác nhiều lắm!

- Răng anh?

- Lớn và xinh.

Nụ cười chợt tắt.. Đôi má chợt hồng. Đôi mắt nhìn xuống luống cuống. Đôi môi cắn khẽ quai nón màu vàng. Cô bé cảm động đây. Triều nói lảng:

- Bác ở nhà vẫn mạnh?

- Dạ. Mạ em nhắc anh hoài. Răng anh không tới nhà chơi. Chị Phương...

- Anh biết rồi!

Như tròn mắt. Đôi mắt sâu thăm thẳm, lớn và sáng như hai vì sao lạ. Mắt nai trong thơ Lưu Trọng Lư. Thoáng nhìn Triều đã thấy bâng khuâng.

- Chuyện nớ có làm anh buồn?

- Có chứ!

- Chừ thì răng?

- Nỗi buồn phai rồi như ạ!

- Anh mau quên quá!

Như lắc đầu sau câu nói. Hai bím tóc thắt nơ vàng lay lay thật ngộ nghĩnh. Quỳnh Như hao hao Quỳnh Phương nhưng đôi mắt đẹp hơn, vẻ mặt tươi vui hơn. Ở Quỳnh Phương thì y như lúc nào cũng phảng phất vẻ buồn. A! Cô bé trách thay chị đây.

Triều cười:

- Không quên thì nhớ làm gì? Nên quên, quên là phải. Con gái ích kỷ sang ngang rồi còn bắt thiên hạ nhớ hoài, khổ hoài vì mình.

- Điều đó tại anh. Chị Phương nói con gái chỉ có một thời. Mạ Như lại thúc hối, chị không chờ anh được. Hơn nữa, khi không anh mất biệt...

- Ừ, thôi thì trăm sự tại anh. Như trách anh đủ chưa?

Như cười, chớp mắt nhẹ:

- Như chỉ nói những gì chị Phương tâm sự. Như không hề trách anh. Trước ngày cưới, Như giúp chị đốt những kỷ vật. Những bức thư, vài món quà, vài ba tấm hình của anh. Hai chị em chụm đầu nhau ở gốc khế sau vườn nhà. Lúc đó Như ghét anh tệ. Như xé bỏ bức hình anh đốt trước tiên. Nói thật anh đừng giận. Chị Phương nét mặt thật buồn, chị không khóc nhưng vẻ lạnh lùng làm Như sợ.

Triều hít một hơi thuốc:

- Như đừng kể nữa.

- Anh buồn?

Triều gật đầu. Anh nhả khói. Bóng hình Như mông lung. Mọi sự rồi mong manh. Một Phương xưa, một Như nay. Đôi mắt nai ngơ ngác. Rồi ngày mai, ngày mốt đôi mắt đó sẽ làm bận lòng mình. Triều biết. Một gặp gỡ thật tình cờ, đôi mắt Như. Một đôi mắt Quỳnh Như vừa thoáng thấy đã ngợp hồn Triều, đẩy Quỳnh Phương xa thêm một đoạn đường xa trong quá khứ. Màu áo trắng, chiếc nón nghiêng, hai bím tóc thắt nơ vàng ; một ảnh hình vừa bắt gặp mà tưởng chừng đã thân quen.

Triều lại nhả khói, những vòng tròn khói loãng dần trên không. Giữa hai người một khoảng dài im lặng. Triều nhìn về cuối con đường, một ngôi chùa nhỏ với mái ngói cong. Như nhìn xuống đất, chân di di mũi guốc. Cô nhỏ ngày xưa vẫn đòi ô mai, đòi kẹo mỗi lần Triều đến nhà, bây giờ đứng đó đối diện Triều, đôi mắt to mở lớn đã làm anh lúng túng. Triều cất tiếng:

- Nói chuyện khác đi.

- Chuyện chi chứ?

- Về Như.

- Về Như có chi mà nói.

- Học lớp mấy rồi?

- Lớp mười.

- Sắp hè rồi, vui hay buồn?

- Cả hai. Vui một nửa, buồn một nửa.

- Hè Như định đi mô?

- Ở nhà. Một mình với nỗi buồn. Căn phòng của hai đứa. Từ ngày chị Phương đi trở nên hoang vắng. Có khi nhớ chị Phương, Như bật khóc một mình...

Triều đứng yên nhìn Như huyên thuyên như một con sáo nhỏ. Ở Như là một bức tranh linh hoạt thật dễ thương. Con sáo kể chuyện, con sáo hót. Triều đứng nhìn ngẩn ngơ. Anh không có chiếc lồng son nào để nhốt con sáo nhỏ. Nếu có, chắc gì con sáo chịu ở yên. Mà chính anh cũng không muốn giam giữ làm gì, chỉ muốn nhìn, muốn ngắm thế thôi.

Những tà áo trắng cuối cùng vừa ra khỏi cổng. Ngôi trường vắng lặng lạ lùng. Buổi trưa im gió. Triều và Như còn đứng dưới bóng mát của gốc phượng già, gốc cây chờ đợi ngày xưa. Con đường trở nên yên tĩnh. Không gian yên tĩnh. Lòng người yên tĩnh. Triều muốn nói một câu, bất cứ câu gì. Nhưng ý tưởng ngập ngừng đầu môi. Anh lặng thinh nhìn Như đăm đăm. Như luống cuống quay đi:

- Anh Triều bữa ni chi lạ ghê!

- Anh già?

- Như không định nói rứa.

- Rứa thì răng?

- Anh không như ngày xưa.

- "Không như ngày xưa" là răng hỉ? Như làm anh thắc mắc rồi nghe.

Như lắc đầu theo câu nói:

- Thôi, Như không nói mô.

Con gái khôn. Con gái ranh. Một mắt nhìn là lạ. Một lời nói bất ngờ... Là từ đó suy ra mọi chuyện.

Như nhìn xuống chiếc đồng hồ dây bạc ở tay, hốt hoảng:

- Chết! Trưa rồi, Như phải về. Tại anh Triều đó.

Tại anh? Triều ngẩn ngơ. Ừ, tại anh. Như vừa dợm quay bước Triều bỗng gọi:

- Như!

Như nhìn lại mắt tròn lên ngạc nhiên.

- Anh đưa Như về. Nhân tiện anh có tí việc đi đằng ni.

Biết không thể từ chối, Như gật đầu.

Buổi trưa vắng trên đường về nhà với một người lạ. Chao ôi! Có can chi không nhỉ? Như hốt hoảng trong tâm trí mình. Người tình của chị Phương, Như coi như anh. Ừ, như anh. Có chi mà phải sợ. Trấn an mình như thế nhưng Như vẫn cố giữ một khoảng cách giữa hai người. Triều cũng không hề thâu ngắn khoảng cách đó. Anh bước bên Như với nỗi vui nhè nhẹ.

Nhà Như đó rồi. Con đường không dài ra như niềm mong ước của Triều. Mọi vật vẫn giống ngày xưa, hồi yêu Quỳnh Phương, chiều nào anh cũng đếm bước ngang đây ít nhất là một lần. Chỉ có giàn hoa giấy khác đi, mọc rậm và hoa nhiều hơn độ trước. Như đưa tay mở cổng:

- Anh Triều vào chơi.

Triều lắc đầu, nói như một lời hẹn:

- Bữa khác anh tới, chừ có tí việc phải đi.

Thật ra Triều không có việc gì bận, rất rỗi là đằng khác. Những ngày phép mới bắt đầu. Nhưng anh đã nói hồi nãy là anh bận việc, vả lại anh chỉ muốn đi một đoạn đường với Quỳnh Như. Nhớ đến mẹ với bữa cơm đang chờ, Triều bước vội dưới nắng trưa. Cũng con đường cũ nhưng lại như dài ra, thênh thang ra khi không có Quỳnh Như ở cạnh

Mấy hôm rồi từ ngày về phép, sáng nào Triều cũng ngồi chỗ đó, một chiếc bàn gần quán cà phê. Nhìn Như với một cô bạn, chắc là Thủy như lời Như hôm nọ, chân chim đến trường. Chỉ nhìn thôi không nói được điều chi. Nhìn vẻ hồn nhiên của Như, soi nỗi buồn của mình sóng sánh trong từng giọt cà phê rơi xuống cốc. Nhiều lần Triều muốn đến gần, muốn vẫy gọi nhưng chỉ là thuần ý muốn. Mười sáu tuổi. Môi cười tươi. Mắt trong xanh. Cặp sách ngoan hiền trong tay buổi sáng. Như còn bé. Niềm ngây thơ nguyên vẹn. Triều muốn đến gần đồng thời cũng muốn lùi xa.. Hoa chỉ đẹp khi ở trong vườn nào, sẽ không xinh nữa khi nằm trong tay hái. Không, Triều suy nghĩ vậy. Nhưng vẻ thánh thiện trên gương mặt, trong mắt nai ngơ ngác làm anh e dè. Một cuộc tình mới, còn mới quá với lòng ngoan như giấy mới, rồi sẽ ra sao? Những ngày phép rồi qua. Ngày mai, con tàu, biển cả, bạn bè, Triều nghe nôn nóng. Cái nôn nóng ra đi cũng y như cái nôn nóng lúc trở về. Ngày phép cuối Triều muốn gặp Như một lần. Một lần cho ấm lại chuỗi ngày xa. Với ý nghĩ ấy anh bước ra đường.

Triều đứng trước ngôi trường Như học, cảnh vật im vắng đến thẫn thờ. Anh chợt nhớ hôm nay là chủ nhật. Triều vòng qua ngã chợ đi về phía nhà Như. Đường chiều vắng người. Triều nghe bước chân mình gõ nhịp rời rạc như nỗi buồn trong lòng. Nhà Quỳnh Như đóng kín cửa. Triều tần ngần nhìn cánh cổng màu xanh. Niềm mơ ước bên kia ngõ Quỳnh Như đừng vội rời tuổi thơ. Hãy là con sáo nhỏ, hãy vui tươi cùng bạn bè, lớp học, thầy cô. Mai xa thành phố. Ta sẽ giữ lại những điều muốn nói với em, mãi mãi. Triều nhìn những chòm hoa giấy màu vàng trước cổng, màu vàng của chiếc nơ trên tóc Như. Triều biết, rồi hôm nào một mình với biển khuya, sẽ có những thoáng nhớ cho một tên gọi: Quỳnh Như.

Triều trở lại quán cà phê, gọi một chai bia. Mơ hồ anh thấy một đôi mắt to ngơ ngác lung linh trong cốc bia vừa rót.


PHÙNG MỸ      

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 98, tuần lễ từ 19-4 đến 26-4-1973)
 

 
 
 

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2024

HÈ YÊU - Duy Nguyên

 

Ban đêm em hay ra ngồi ở khoảng sân trước nhà. Lúc mà mọi người đã ngồi yên ở một góc nào đó và lũ em thì ngủ say như chết! Đêm lúc đó thật tĩnh, em có cảm tưởng như nghe cả tiếng lá lay động, tiếng nhựa chảy rào rạt trong thân. Đêm thẳm như một bát mực tàu. Những vì sao dát trên nền cao nom như cái mặt bàn gỗ mun bám đầy sơn trắng sơn cửa của anh Huy đánh vãi. Sao ạ, đêm nay sao về nhiều quá. Nhìn chăm chú một hồi em hoa cả mắt tưởng chừng bầu trời sáng rỡ như ban ngày. Em nghe cả hương ngọc lan dìu dịu, nụ hoa mà Ng. bảo giống như ngón áp út của em.

Sáng em mới nhận được thư Ng. Dễ ghét, khi nào cũng Hè làm ông phát thư trêu em hoài à. Tên gì kỳ dzậy? Giống như tiếng cười. Cô Hè ới ời, có thư đây này. Tên người ta rõ ràng là mùa thứ hai trong thời tiết mà dám "diễn nôm" tầm bậy.

"Gọi em là Hè nghe!"

"Không chịu, tên gì kỳ cục..."

"Không chịu cũng chịu, nhỏ."

"Độc tài!"

Thì cũng như em vẫn gọi là Ng. vậy thôi. Anh tức quá bảo em con gái gì mà lười quá, có mấy chữ mà cũng không dám viết ra. Cho đáng kiếp, ai bảo cứ gán cho em cái tên quái gở đó. Viết thư cho Ng. em vẫn viết thế. Lúc đầu em chỉ viết có chữ N, anh chàng bèn vẫn diễn nôm là "anh". Em vội thêm vào sau một chữ g, thành ra cái tên cụt ngủn như mắc nghẹn. Hai đứa hành hạ nhau hoài, cũng như em đọc thư cứ "Hè ơi, Hè à" cứ tưởng như đọc thư ai đâu không phải gửi cho em. Ng, vẫn thế. Và hai đứa cứ chơi trò ngụy trang hoài hoài. Có lần em ức muốn phát khóc vì cái tiếng cười của anh Huy cứ như là hai tiếng tên em đọc liền nhau, chẳng biết anh Huy có biết cái tên Ng. gọi không mà cứ nhe răng cười trêu em mỗi khi thấy em lơ đãng trên bàn học. Em dỗi định ngưng viết luôn cho đáng đời. Đêm về em lại mơ thấy hai đứa đứng hai bên bờ vực sâu như hẻm Colorado mà hai bên vách mọc đầy những bông hoa đỏ. Ng. đứng hát bi bô và tìm lối sang bên bờ em đứng. Em đưa bàn tay cho Ng. nắm nhưng không tới. Hai đứa đi hoài dọc bờ vực nhưng hai bàn tay vẫn chưa nắm nhau. Đi qua hết những bờ vách hoa đỏ đến vách mọc đầy xương rồng. Cáng lúc càng cách xa trong lúc vực lớn như một miệng giếng khổng lồ sâu hun hút. Và Ng. ơi, em khóc em gọi nhưng chẳng có tiếng vọng lại.

Giấc mơ làm em cuống quýt. Em muốn nhờ chị Liên "đoán điềm giải mộng" nhưng không dám kể lại giấc mơ. Chao ơi, em nhớ chắc không có điềm gở nào đâu Ng. nhỉ? Nhớ viết thư cho em với nghe. Nhé Ng.

Buổi tối hay có nhạc êm dịu ở cái đài gì đó em cũng chẳng rõ. Có đêm ngồi nghe mãi đến khuya. Nhạc êm như là tiếng sóng vỗ về hay tiếng suối rạt rào thời thơ ấu mà Ng. kể cho em nghe đó. Ng. này, đôi lần em có cảm tưởng ngồi thuyền với anh trên sông Bé vào mùa nước mát trong xanh biêng biếc. Có khúc làm em nổi gai ốc lạnh run muốn khóc đấy ạ. Nhất là tiếng violon nghe rền rĩ buồn ghê quá đi. Tiếng đó khiến cho em buồn rũ người và cô đơn quá chừng chừng như những móc đơn, móc kép nhảy ra bấu lấy tim em. Ng. ơi, em nhớ khúc "Sound of Silence" mà hôm nào hai đứa cùng nghe. Chị Liên kéo violon khá rồi, khi nào rảnh em nhờ chị dạy cho em. Anh Huy phản đối kịch liệt. Anh bảo con gái đứng kéo cái cò cử đó trông phản nghệ thuật quá. Còn Ng. anh có đồng ý với quan niệm anh Huy không? Khi nào em đàn đó, anh đừng có nhìn chằm chằm em, nghe.

*

Mấy ngày Tết qua mau ghê mà cũng buồn ghê. Mẹ không cho đi chơi đâu xa. Nằm nhà xem Tivi với lại đọc sách. Súng đã ngưng nổ rồi đó, anh có mừng không. Em nhớ đoạn thơ Phạm Cao Hoàng mà Ng. chép cho em mấy ngày trước hôm đó.

Em yêu dấu, mộng có khi là thực
Đợi lâu rồi, cũng có lúc, phải không em?
Bóng hòa bình dẫu gần hay xa lắc
Cũng tin rằng sắp có, nhé em.

Và hôm nay thì đã sắp có rồi đó anh. Nhớ hôm thứ tư nghe loan tin em mừng vô kể. Phải chi có Ng. chắc em đã bắt đưa em đi một vòng thành phố ghé ăn bát thạch mát lạnh. Gia đình ai cũng mừng nhưng sau đó mẹ lo lo nên bắt tụi em cấm cung ở nhà. Em nhớ lời hứa hôm Ng. đưa em xem quyển vở Luận văn năm lớp Nhất của anh. Anh bảo sẽ đưa em về quê nhìn con suối nhỏ xíu, đi dưới hàng cao su lá non chi chít như một cái  tàn mông mênh mát mắt. Ăn mía ở dọc bờ sông Bé, xuống đá hàn giữa sông mà ngày xưa anh đi tắm và ngỡ mình là một chúa tể rừng xanh. Ng. ơi, chỉ tưởng tượng thôi mà em đã ứa nước mắt. Nhớ đừng cuội với em nghe. Hòa bình là một điều có thực mà.

"Xòe tay ra anh."

"Cái gì?"

"Hay lắm. Bí mật."

"Một viên xí muội?"

"Không phải."

"Thế cái gì?"

"Anh xòe tay ra. Nhắm mắt lại."

"À. Ngọc lan".

"Nó mới ra hoa đó anh. Nụ đầu tiên đó. Cái cây nhỏ xíu mới trồng bên cửa sổ phòng em."

Ng. nhìn em mỉm cười có gì đó thích thú.

"Bé như ngón tay em."

"Ngón út hở anh?"

"Không. Ngón áp út. Ngón út bé quá. Chắc em hay nhấm ngón tay hở?"

"Đâu có, anh".

"Ngón út bé xíu để nhấm như chuột ấy mà".

"Thế ngón áp út để làm gì anh?"

"Để đeo nhẫn."

Và Ng. bứt một sợi tóc anh se thành chiếc vòng nhỏ đeo vào nụ ngọc lan.

Lúc này thì cây ngọc lan ra hoa nhiều lắm. Anh Huy vẫn giọng khôi hài hoa gì thơm điếc cả mũi. Mấy đứa em hay hái xuống bán hàng xào xào nấu nấu gì đó, em cáu cứ cốc đầu tụi nó hoài. Con Hạc mở mắt to như hai ngọn đèn xe hơi nhìn em. Chả là lúc trước mấy chị em cùng xúm xít nhau chơi bán hàng. Tại Ng. đó, rủ rê em chơi trò nắm tay và trò viết thư làm em quăng mất nồi chảo bằng nhựa be bé.

*

Hôm đám hỏi chị Liên mẹ đã đề cao cảnh giác em. Hình như mẹ không chú ý đến khi đám hỏi chị Liên mẹ mới biết lũ con không nhỏ nhít gì đâu. Mẹ nói bằng giọng nửa đùa nửa thật làm em khiếp quá. Còn cô này, lật bật đến ngày cô trèo lên xe hoa không hay! Em cười rú lên. Mẹ ơi, xe hoa mà mẹ bảo trèo lên nghe khủng khiếp quá. Con chắc chỉ trèo lên xe đưa rước của nhà trường thôi. Mẹ nghiêm mặt. Lớn rồi đấy. Khéo mà ăn nói.

Câu chuyện làm em nhớ bộ mặt buồn buồn của Ng. bảo: Hè này, có ngày tôi hát bài "Tôi đưa em sang sông" với em quá đi mất. Nhìn mặt anh buồn - giả vờ - em cười quá. Hứ, chỉ nói nhảm. Có hát là em hát đấy chứ. Anh hát. Em hát. Anh hát...

Ng. ơi, cây na anh lễ mễ mang đến hôm tháng sáu có trái rồi đó. Em chăm bón nó ra được mấy trái bé xíu. Thế mà đến nay chỉ còn mỗi một trái, mấy trái kia thối đen sì nằm còng queo trên cành thấy phát ghét. Sao Ng. không về tết này hở? Làm em buồn quá đỗi lôi mấy cái thư ra đọc hoài à. Thôi để khi nào yên thật sự Ng. về lâu nghe. Nhắc đến cây lá làm em nhớ chuyện nhỏ Trinh. Con Trúc mượn tập Trinh khám phá mấy dòng con nhỏ viết ở cuối vở. "Anh ơi, đêm qua em mơ thấy em sa lầy giữa một rừng lá. Lá đầy xung quanh em, lá non lá già lá xanh lá vàng đủ cả. Em không thể ngoi lên gọi trong khi anh lầm lũi xa dần..." Bọn chúng đọc và cười vỡ chợ. Eo ôi, giấc mơ gì mà khiếp quá! Con Cúc còn phụ đề: "Trích một đoạn trong nhật ký của Trinh, sắp xuất bản". Em lo quá Ng. à. Em vẫn hay cất thư trong bìa bao vở. Tụi nó mà khám phá chắc em có nước nghỉ học luôn. Chỉ việc tụi nó gọi em là Hè cũng đủ chết em rồi. Em chỉ cho độc quyền mỗi mình Ng. gọi thôi.

Đêm khuya quá rồi, em sửa soạn vào ngủ đây. Cái radio cũ dở chứng kêu rè rè như bị hen làm bực cả mình.

Không biết ở nơi Ng. sống có thấy bầu trời như em thấy không? Ngồi trước nhà ngay tầm mắt em có ba vì sao xếp hàng. Bên phải một vì sao sáng nhất trên nền trời. Bên trái một chòm sao chi chít thật nhiều. Chòm sao ba cái thẳng hàng như có sự xếp đặt làm em lo sợ gì đâu. Nơi Ng. ở anh có thấy những vì sao như em không, cũng như em thấy những đám mây hình dáng dị thường, những chân trời hoàng hôn tím rịm. Ng. có thấy? Em với Ng. không thở cùng một thời tiết một khí hậu thế còn bầu trời, trăng và sao có cùng như nhau?

Nhớ viết cho em biết điều trên với nghe.

Ng. à, đừng có bảo khi về đây nhìn mái ngói nhà em và hát ngậm ngùi "đôi khi nắng qua mái hiên làm tôi nhớ, đôi khi bỗng nghe bước chân về đâu đó" của em nữa à nghe. Không thì em giận à. Mà Ng. ơi, nhìn hoài những vì sao và bầu trời đen kịt bao la em sờ sợ làm sao. Em nhỏ bé quá. Nhỏ như ngọc lan bé bằng ngón áp út đeo nhẫn của em vậy.

Em long trọng nhắc lại, đừng có gọi em là Hè nữa à. Nếu không nghe lời em cứ gọi là Ng. hoài cho xem. Gọi em là H. đi. Mai mốt đọc thư còn cái giọng "Hè yêu" là em cúp thư cho rán chịu. Nhớ à.


DUY NGUYÊN      

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 97, tuần lễ từ 12-4 đến 19-4-1973)
 

 
 

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2024

TỪ CHỐI - Nguyễn Mây Thu

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
rộng xòe đôi con mắt phụng
em nào hiểu được chi đâu
anh đừng làm thơ ca tụng
em chưa biết chuyện ưu sầu

khép nép đôi tà áo bay
anh đừng nhìn em tha thiết
nước mắt chưa luồn kẽ tay
áo vẫn trắng màu tinh khiết

tóc em tóc dài tóc xanh
anh đừng ví như dòng suối 
lỡ mai tóc giấu tình anh
em làm sao hết đắm đuối

rảo tìm bốn phía cửa gương
bạn bè, thầy cô tri kỷ
anh đừng nói chữ mến thương
lỡ mai ân tình chưa phỉ

anh về đi thôi đừng tiếc
em còn ngại nỗi biển dâu
lỡ mai cha tường mẹ biết
em e ấp duyên ban đầu

                   NGUYỄN MÂY THU

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 97, tuần lễ từ 12-4 đến 19-4-1973)