Thứ Năm, 9 tháng 5, 2024

THOÁNG NHỚ - Phùng Mỹ

 

Cảnh vật đã một thời thân quen bỗng lạ đi dưới mắt nhìn. Bến xe không còn ở chỗ cũ ngày xưa. Bến xe bây giờ là bến xe mới. Rộng rãi hơn, ồn ào hơn. Những xe mì. Những gánh cháo. Những dãy hàng quán lao xao tiếng người. Những chuyến xe lam đến phố và từ phố trở về với một ít bụi đường vương trong gió.

Triều ngỡ ngàng một chút. Anh xuống xe với chiếc xách nhỏ ở tay. Chiều vừa hết nắng. Trời ngả vàng ở phương tây. Màu vàng của một ít nắng cuối ngày còn sót lại.

Một thời gian xa cách ngắn cũng đủ để thành phố nhỏ có một vài đổi thay. Khu ngoại ô yên tĩnh ngày xưa không còn yên tĩnh nữa. Nó đã bị xáo trộn, đã trở nên ồn ào bởi sự đổi dời của bến xe lên từ phố.

Triều nhớ những buổi chiều về học ngày xưa, trời cũng vừa hết nắng như chiều nay, với một vài đứa bạn lang thang dọc con đường dẫn ra ngoại ô tuyệt vời, khung cảnh y như một làng quê thanh bình. Có hôm Triều về nhà tối mịt trễ mất bữa cơm chiều. Nhưng không bao giờ Triều bị bỏ đói. Chị Ly vẫn để phần cơm hoặc dúi tiền cho Triều ăn phở những hôm về muộn. Nhớ đến chị Ly với đàn con nheo nhóc, đến mẹ với tuổi già tóc điểm sương lòng Triều chùng xuống trong một dao động buồn bã.

Triều lên một chiếc xe lam. Mới có hai người, thêm Triều là ba, mười người xe mới chạy. Anh ngồi xuống ghế lơ đãng nhìn ra bên ngoài. Mọi người đều vội vã như muốn níu kéo thời gian cuối của ngày. Triều nhớ đến tờ giấy phép nằm ngoan trong túi. Những ngày nghỉ còn nguyên, còn mới anh sẽ tiêu dùng cách chi cho trọn vẹn và đầy đủ đây?

Mới hôm qua, sau những ngày lênh đênh trên mặt biển, chỉ thấy nước và trời xanh ngắt một màu. Anh bỗng có ý muốn trở về, về lại thành phố cũ với một vài ngày phép, để làm chi anh không rõ nhưng ý muốn trở về nung nấu trong anh mãnh liệt. Hai năm rồi, hai cái Tết xa xôi. Anh không còn nhớ nhà như ngày nhỏ mỗi chuyến đi xa vẫn mang cái ao ước trở về thúc đẩy bởi nỗi nhớ, nhớ căn nhà, nhớ khuôn mặt những người thân yêu, nhớ từng bụi cây, ngọn cỏ, nhớ cái khung cảnh đã nhiều quen thuộc, lắm thân yêu. Hai năm. Hai mươi bốn tháng. Không một tờ thư thăm hỏi. Lâu lâu túng tiền một vài chữ trên tờ điện tín, rồi thôi. Mẹ thà coi như chiếc lá bay. Em thà coi như là hạt bụi. Chị thà coi như hơi rượu cay. Có phải Triều đã nghĩ như thế? Một tờ giấy phép, hai chuyến xe. Và bây giờ Triều ngồi đây. ý muốn trở về chìm khuất đâu mất, cái nôn nóng mới hôm qua giờ cũng chẳng còn. Thành phố cũ có còn chi liên hệ? Mẹ già, chị và lũ cháu. Vài kỷ niệm ấu thơ, một cuộc tình đã xa khuất mù khơi. Quỳnh Phương tóc dài áo trắng của những hẹn hò ngày xưa. Rồi một sáng áo hồng khăn cưới, một con thuyền và một bến đò xa lạ. Quỳnh Phương chỉ còn là tên gọi nỗi buồn. Con gái chỉ được một thời. Hoa chỉ nở đẹp một độ. Triều biết điều đó qua mắt nhìn, qua những lời xa xôi của Phương. Nhưng Triều còn trẻ, anh chưa muốn dừng chân. Chim bằng chưa mỏi cánh mà trời rộng thì luôn mời mọc đón chờ. Và rồi sự việc diễn ra như thế. Quy tội một cuộc tình đã lỡ cho người này hay người kia làm gì nhỉ? Triều tìm về với biển, người tình đằm thắm dịu dàng nhất của anh. Vả lại với Triều, tình yêu chỉ là một phần không phải là tất cả. Quỳnh Phương giờ là bóng mờ, là nỗi buồn nhè nhẹ man mác khi nhớ về quãng đời xưa. Với Triều không có tình đầu hay tình cuối. Cuộc tình nào cũng cho anh nhiều đam mê. Sau Quỳnh Phương chắc sẽ còn nhiều tên gọi nữa khi anh một mình với biển khuya. Nhưng bây giờ thì chưa.

Xe lam đưa Triều về phố. Đèn đường vừa đỏ. Sinh hoạt ban đêm của một thành phố nhỏ chẳng có chi. Một rạp chiếu bóng độc nhất. Con phố chính ngắn chưa đầy cây số. Vài quán cà phê, vài tiệm ăn. Vài xe mì đêm lốc cốc như điệu buồn gõ nhịp. Triều đi bộ về nhà, gió sông lạnh. Trời không trăng nhưng thật nhiều sao. Cả một trời sao in hình dưới nước. Hàng dương liễu dọc bờ sông sẫm lại u buồn. Triều yêu dòng sông đêm. Ngày còn ở nhà anh vẫn thường ra đây với một vài đứa bạn, đôi khi một mình, đứng thật lâu cho đến khi trời về khuya và gió đêm trở lạnh. Sông về đêm đen nhánh, thăm thẳm sâu. Sông nói với Triều bằng thứ ngôn ngữ đằm thắm không cùng.

Căn nhà nhỏ giam giữ ấu thơ của Triều nằm khuất trong một con hẻm ngắn. Cây sầu đông vẫn còn nguyên trước ngõ. Chiếc sân rộng đầy sỏi. Triều dẫm chân lên những hòn sỏi trắng, tiếng lạo xạo thật đáng yêu. Mọi vật vẫn thân quen như mới hôm qua, hôm kia. Triều cười với mẹ trên những bậc thềm. Anh nghe tiếng reo mừng của lũ con chị Ly: "Mẹ ơi! Mẹ ơi! Cậu Triều về!".

Tiếng hét vang nhà của lũ nhỏ đánh thức Triều. Anh mở mắt nhìn lên nóc mùng trắng xóa, cảm giác ngái ngủ vẫn còn. Cơn lười giữ Triều lại trong chăn, nhưng Triều chỉ nằm được một lát. Anh tung chăn ngồi dậy. Nắng mới làm chói mắt.. Nắng nhảy múa trên cao. Nắng nhuộm vàng sân sỏi trước nhà. Triều ngồi nói chuyện với mẹ trên bộ phản kê sát cửa sổ. Tiếng chị Ly từ nhà dưới "Điểm ơi mua cháo lươn o Bưởi cậu ăn". Điểm bưng lên tô cháo nghi ngút khói, mùi tiêu cay nồng mới trông đã muốn ăn. Những sợi bún tàu nhỏ xíu mềm mềm quyện lẫn với những miếng lươn thật ngon. Triều ăn một loáng hết sạch. Trong một thoáng Triều thấy mình nhỏ lại như ngày xưa. Mẹ và chị, vùng biển tình thương đó làm ngợp hồn Triều. Những thăng trầm, cay đắng của cuộc đời xóa nhòa đi trong mắt nhìn của mẹ. Anh nghe lòng rưng rưng.

Triều thay áo ra phố. Mẹ anh nói với theo "Nhớ về ăn cơm nghe con". Nắng lên cao. Cái nắng gay gay của những ngày đầu hạ. Con phố ngày xưa giờ vẫn vậy. Một vài hàng quán, một vài tiệm ăn mới, rồi thôi. Triều lang thang không chủ đích. Anh ngang qua trường nữ trung học. Ngôi trường xưa. Mọi sự giờ là ngày xưa cả rồi. Một thoáng nhớ. Một chút ngậm ngùi. Ôi thời cắp sách! Ôi thuở hẹn hò luống cuống những bước chân. Triều đứng đó, dưới gốc phượng già cạnh trạm xăng, chờ đợi. Thuở chờ đợi ôi thời gian rét lắm! Hồn Triều đã rét biết mấy cho những lần chờ đợi ngày xưa. Đôi tay thừa thãi và mắt ngượng ngùng tìm kiếm, nhìn bâng quơ trên ngọn những cây dương, ở đó vắt ngang chằng chịt những dây điện đường.

Giờ đã là kỷ niệm. Ngủ yên đi quá khứ. Triều nhớ về. Bâng khuâng nhưng không ray rứt. Cuộc tình đẹp là cuộc tình không trọn. Thi sĩ Hồ Dzếnh nói thế, Triều cũng cảm thấy thế. Sáng nay không dưng Triều đặt chân lên con đường ngày cũ. Đường tình sử. Nghe nao nao một chút trong lòng. Anh dừng thật lâu trước ngôi trường cũ, không với tâm trạng tình si ngày trước. Đứng nhìn và bâng khuâng thế thôi.

Chuông tan học nghe rộn rã. Áo trắng rợp trời. Cổng trường con gái thật đẹp, thật thơ. Tiếng guốc khua vang. Tia nhìn dừng lại ở người con gái vừa cất tiếng. Đôi mắt và nụ cười rạng rỡ dưới vành nón lá. Một khuôn mặt quen quen ngờ ngợ... nhưng tìm mãi chẳng ra. Cô gái băng ngang đường. Một khoảng ngắn thời gian vừa đủ để Triều bắt gặp trong ký ức mình hình ảnh cũ, một chớp sáng lóe lên. Như. Quỳnh Như, em người tình cũ. Nụ cười làm hồng đôi má, cô bé đến gần Triều:

- Anh về răng chừ rứa?

- Mới về hôm qua. Như lớn quá làm anh không dám nhìn.

Như liếng thoắng:

- Không dám nhìn hay nhìn không ra?

Triều cười:

- Cả hai.

Hai người cùng cười với trả lời của Triều.

- Như về học có một mình?

- Dạ.

- Không có bạn à?

- Dạ có nhưng Thủy bữa ni bị đau.

- ...

- Lâu rồi không gặp, anh chẳng khác chi ngày xưa.

- Rứa à? Như thì khác nhiều lắm!

- Răng anh?

- Lớn và xinh.

Nụ cười chợt tắt.. Đôi má chợt hồng. Đôi mắt nhìn xuống luống cuống. Đôi môi cắn khẽ quai nón màu vàng. Cô bé cảm động đây. Triều nói lảng:

- Bác ở nhà vẫn mạnh?

- Dạ. Mạ em nhắc anh hoài. Răng anh không tới nhà chơi. Chị Phương...

- Anh biết rồi!

Như tròn mắt. Đôi mắt sâu thăm thẳm, lớn và sáng như hai vì sao lạ. Mắt nai trong thơ Lưu Trọng Lư. Thoáng nhìn Triều đã thấy bâng khuâng.

- Chuyện nớ có làm anh buồn?

- Có chứ!

- Chừ thì răng?

- Nỗi buồn phai rồi như ạ!

- Anh mau quên quá!

Như lắc đầu sau câu nói. Hai bím tóc thắt nơ vàng lay lay thật ngộ nghĩnh. Quỳnh Như hao hao Quỳnh Phương nhưng đôi mắt đẹp hơn, vẻ mặt tươi vui hơn. Ở Quỳnh Phương thì y như lúc nào cũng phảng phất vẻ buồn. A! Cô bé trách thay chị đây.

Triều cười:

- Không quên thì nhớ làm gì? Nên quên, quên là phải. Con gái ích kỷ sang ngang rồi còn bắt thiên hạ nhớ hoài, khổ hoài vì mình.

- Điều đó tại anh. Chị Phương nói con gái chỉ có một thời. Mạ Như lại thúc hối, chị không chờ anh được. Hơn nữa, khi không anh mất biệt...

- Ừ, thôi thì trăm sự tại anh. Như trách anh đủ chưa?

Như cười, chớp mắt nhẹ:

- Như chỉ nói những gì chị Phương tâm sự. Như không hề trách anh. Trước ngày cưới, Như giúp chị đốt những kỷ vật. Những bức thư, vài món quà, vài ba tấm hình của anh. Hai chị em chụm đầu nhau ở gốc khế sau vườn nhà. Lúc đó Như ghét anh tệ. Như xé bỏ bức hình anh đốt trước tiên. Nói thật anh đừng giận. Chị Phương nét mặt thật buồn, chị không khóc nhưng vẻ lạnh lùng làm Như sợ.

Triều hít một hơi thuốc:

- Như đừng kể nữa.

- Anh buồn?

Triều gật đầu. Anh nhả khói. Bóng hình Như mông lung. Mọi sự rồi mong manh. Một Phương xưa, một Như nay. Đôi mắt nai ngơ ngác. Rồi ngày mai, ngày mốt đôi mắt đó sẽ làm bận lòng mình. Triều biết. Một gặp gỡ thật tình cờ, đôi mắt Như. Một đôi mắt Quỳnh Như vừa thoáng thấy đã ngợp hồn Triều, đẩy Quỳnh Phương xa thêm một đoạn đường xa trong quá khứ. Màu áo trắng, chiếc nón nghiêng, hai bím tóc thắt nơ vàng ; một ảnh hình vừa bắt gặp mà tưởng chừng đã thân quen.

Triều lại nhả khói, những vòng tròn khói loãng dần trên không. Giữa hai người một khoảng dài im lặng. Triều nhìn về cuối con đường, một ngôi chùa nhỏ với mái ngói cong. Như nhìn xuống đất, chân di di mũi guốc. Cô nhỏ ngày xưa vẫn đòi ô mai, đòi kẹo mỗi lần Triều đến nhà, bây giờ đứng đó đối diện Triều, đôi mắt to mở lớn đã làm anh lúng túng. Triều cất tiếng:

- Nói chuyện khác đi.

- Chuyện chi chứ?

- Về Như.

- Về Như có chi mà nói.

- Học lớp mấy rồi?

- Lớp mười.

- Sắp hè rồi, vui hay buồn?

- Cả hai. Vui một nửa, buồn một nửa.

- Hè Như định đi mô?

- Ở nhà. Một mình với nỗi buồn. Căn phòng của hai đứa. Từ ngày chị Phương đi trở nên hoang vắng. Có khi nhớ chị Phương, Như bật khóc một mình...

Triều đứng yên nhìn Như huyên thuyên như một con sáo nhỏ. Ở Như là một bức tranh linh hoạt thật dễ thương. Con sáo kể chuyện, con sáo hót. Triều đứng nhìn ngẩn ngơ. Anh không có chiếc lồng son nào để nhốt con sáo nhỏ. Nếu có, chắc gì con sáo chịu ở yên. Mà chính anh cũng không muốn giam giữ làm gì, chỉ muốn nhìn, muốn ngắm thế thôi.

Những tà áo trắng cuối cùng vừa ra khỏi cổng. Ngôi trường vắng lặng lạ lùng. Buổi trưa im gió. Triều và Như còn đứng dưới bóng mát của gốc phượng già, gốc cây chờ đợi ngày xưa. Con đường trở nên yên tĩnh. Không gian yên tĩnh. Lòng người yên tĩnh. Triều muốn nói một câu, bất cứ câu gì. Nhưng ý tưởng ngập ngừng đầu môi. Anh lặng thinh nhìn Như đăm đăm. Như luống cuống quay đi:

- Anh Triều bữa ni chi lạ ghê!

- Anh già?

- Như không định nói rứa.

- Rứa thì răng?

- Anh không như ngày xưa.

- "Không như ngày xưa" là răng hỉ? Như làm anh thắc mắc rồi nghe.

Như lắc đầu theo câu nói:

- Thôi, Như không nói mô.

Con gái khôn. Con gái ranh. Một mắt nhìn là lạ. Một lời nói bất ngờ... Là từ đó suy ra mọi chuyện.

Như nhìn xuống chiếc đồng hồ dây bạc ở tay, hốt hoảng:

- Chết! Trưa rồi, Như phải về. Tại anh Triều đó.

Tại anh? Triều ngẩn ngơ. Ừ, tại anh. Như vừa dợm quay bước Triều bỗng gọi:

- Như!

Như nhìn lại mắt tròn lên ngạc nhiên.

- Anh đưa Như về. Nhân tiện anh có tí việc đi đằng ni.

Biết không thể từ chối, Như gật đầu.

Buổi trưa vắng trên đường về nhà với một người lạ. Chao ôi! Có can chi không nhỉ? Như hốt hoảng trong tâm trí mình. Người tình của chị Phương, Như coi như anh. Ừ, như anh. Có chi mà phải sợ. Trấn an mình như thế nhưng Như vẫn cố giữ một khoảng cách giữa hai người. Triều cũng không hề thâu ngắn khoảng cách đó. Anh bước bên Như với nỗi vui nhè nhẹ.

Nhà Như đó rồi. Con đường không dài ra như niềm mong ước của Triều. Mọi vật vẫn giống ngày xưa, hồi yêu Quỳnh Phương, chiều nào anh cũng đếm bước ngang đây ít nhất là một lần. Chỉ có giàn hoa giấy khác đi, mọc rậm và hoa nhiều hơn độ trước. Như đưa tay mở cổng:

- Anh Triều vào chơi.

Triều lắc đầu, nói như một lời hẹn:

- Bữa khác anh tới, chừ có tí việc phải đi.

Thật ra Triều không có việc gì bận, rất rỗi là đằng khác. Những ngày phép mới bắt đầu. Nhưng anh đã nói hồi nãy là anh bận việc, vả lại anh chỉ muốn đi một đoạn đường với Quỳnh Như. Nhớ đến mẹ với bữa cơm đang chờ, Triều bước vội dưới nắng trưa. Cũng con đường cũ nhưng lại như dài ra, thênh thang ra khi không có Quỳnh Như ở cạnh

Mấy hôm rồi từ ngày về phép, sáng nào Triều cũng ngồi chỗ đó, một chiếc bàn gần quán cà phê. Nhìn Như với một cô bạn, chắc là Thủy như lời Như hôm nọ, chân chim đến trường. Chỉ nhìn thôi không nói được điều chi. Nhìn vẻ hồn nhiên của Như, soi nỗi buồn của mình sóng sánh trong từng giọt cà phê rơi xuống cốc. Nhiều lần Triều muốn đến gần, muốn vẫy gọi nhưng chỉ là thuần ý muốn. Mười sáu tuổi. Môi cười tươi. Mắt trong xanh. Cặp sách ngoan hiền trong tay buổi sáng. Như còn bé. Niềm ngây thơ nguyên vẹn. Triều muốn đến gần đồng thời cũng muốn lùi xa.. Hoa chỉ đẹp khi ở trong vườn nào, sẽ không xinh nữa khi nằm trong tay hái. Không, Triều suy nghĩ vậy. Nhưng vẻ thánh thiện trên gương mặt, trong mắt nai ngơ ngác làm anh e dè. Một cuộc tình mới, còn mới quá với lòng ngoan như giấy mới, rồi sẽ ra sao? Những ngày phép rồi qua. Ngày mai, con tàu, biển cả, bạn bè, Triều nghe nôn nóng. Cái nôn nóng ra đi cũng y như cái nôn nóng lúc trở về. Ngày phép cuối Triều muốn gặp Như một lần. Một lần cho ấm lại chuỗi ngày xa. Với ý nghĩ ấy anh bước ra đường.

Triều đứng trước ngôi trường Như học, cảnh vật im vắng đến thẫn thờ. Anh chợt nhớ hôm nay là chủ nhật. Triều vòng qua ngã chợ đi về phía nhà Như. Đường chiều vắng người. Triều nghe bước chân mình gõ nhịp rời rạc như nỗi buồn trong lòng. Nhà Quỳnh Như đóng kín cửa. Triều tần ngần nhìn cánh cổng màu xanh. Niềm mơ ước bên kia ngõ Quỳnh Như đừng vội rời tuổi thơ. Hãy là con sáo nhỏ, hãy vui tươi cùng bạn bè, lớp học, thầy cô. Mai xa thành phố. Ta sẽ giữ lại những điều muốn nói với em, mãi mãi. Triều nhìn những chòm hoa giấy màu vàng trước cổng, màu vàng của chiếc nơ trên tóc Như. Triều biết, rồi hôm nào một mình với biển khuya, sẽ có những thoáng nhớ cho một tên gọi: Quỳnh Như.

Triều trở lại quán cà phê, gọi một chai bia. Mơ hồ anh thấy một đôi mắt to ngơ ngác lung linh trong cốc bia vừa rót.


PHÙNG MỸ      

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 98, tuần lễ từ 19-4 đến 26-4-1973)
 

 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét