Xui người đất khách ngẩn ngơ tình làng
(Thu dạ lữ hoài ngâm)
Không biết đi đâu nữa, Bích dừng chân lại nơi bến xe buýt để
"xem chiếu bóng". Vâng, chàng thấy rằng cảnh bến xe dễ mê như một cuốn
phim nhiều động tác.
Ở Sài gòn mà không có đi xe buýt vào giờ tan sở chiều thì quả
thật không đáng mặt là dân Sài gòn. Giờ tan sở trưa, nhiều công nhân nhà
xa nên ở lại trung tâm thành phố, còn chiều thì chim phải bay về tổ ấm
vậy. Thế nên ở đó xảy ra những trận xung kích những chiếc xe cuối ngày
đi về các ngoại ô xa, ngay từ lúc các xe nầy chưa đỗ bến lận. Lúc xe rà
thắng, chạy rề rề thì thiên hạ đã nhào lên hãm thành, xáp lá cà với các
hành khách sắp sửa xuống xe. Cửa xe hẹp quá, người lên không trôi mà
người xuống cũng không lọt, thành thử chiếc xe giống như một con rắn nhỏ
mà trợn trạo nuốt một con mồi quá to, bị nghẹn cứng nơi cổ họng. Các
con mồi la hét inh tai, thật là vui đối với những kẻ không dùng lối xê
dịch nầy, chỉ đứng đó mà ngắm với đôi mắt bàng quan như Bích.
Không gì vui mắt bằng cảnh một cô đã bước tới đất rồi mà đi
không được, y như bị đá nam châm hút lại: vạt áo sau của cô ta trải lên
bàn đạp và bị đến vài mươi bàn chơn đè lên đó, cô ta vùng vẫy như một
con ruồi mắc lưới nhện và như con ruồi, vẫn không thoát được. Những
chiếc nón lá vô phước cũng làm vui trò, hễ nó mà rủi ro rơi khỏi đầu
người đội là bị ép kêu rôm rốp như bánh tráng nướng và dẹp lại, mỏng như
cây quạt xòe. Cảnh trên xe còn vui hơn. Áo rằn ri lập thể đứng gần áo
bà ba đứt nút, săn-đan há miệng đạp lên giày da tây bóng lộn; thanh niên
ngồi, những cụ già thì phải đứng, trai cao bồi luôn luôn tìm cách chen
vào giữa các thiếu nữ hiền lành, và những chiếc nón lá bề bộn và choán
chỗ cứ bị người ta rủa mãi.
Bích muốn nhảy lên đi một đoạn đường để được vui thêm, vì chàng
biết trên xe còn "lắm điều hay". Chàng lại rắn mắt nên hễ đi xe vào giờ
đó là chàng thích lắm. Những lúc xe ngừng lại các trạm, nhả hành khách
xuống không kịp, các hành khách ấy hay la lên: "Khoan, khoan, khoan
chạy!" Chàng cũng la lên rằng: "Đừng có khoan, lủng xe của người ta bây
giờ". Cứ đùa giỡn như vậy mãi cho tới ngoại ô, trạm chót, thì trở về,
bằng phương tiện nào cũng được, là qua được một buổi chiều buồn.
Bỗng chàng thấy Tấn ở đâu chạy đến, hớt hơ, hớt hãi, tay ôm kè kè một bọc bằng giấy nhựt trình.
- Đi đâu mà vội mà vàng - Chàng hỏi giỡn.
- Trễ rồi, trễ rồi, họ sắp đóng cửa.
Vừa nói, Tấn vừa nhảy vội lên chiếc xe Bình tây đang giựt chạy.
Gói giấy nhựt trình rơi xuống đường nhựa, bánh ngọt trong ấy văng ra tứ
tung. Bích ngạc nhiên hết sức, vội chụp lấy cái gói rách, và lượm mớ
bánh rơi bỏ vào đó, đoạn cũng nhảy lên xe theo bạn chàng.
Cửa xe tự động đóng lại trên người chàng, Tấn phải đưa lưng ra
mà đỡ như Hùng Hượt Hải đỡ tấm bửng đá mà Tùy Văn Đế cho hạ xuống để
giết anh hùng sau cuộc thí võ, Bích mới khỏi bi kẹt.
Bích thở hổn hển và có vẻ tư lự lắm. "Lạ - chàng nghĩ - thằng Tấn
nầy xưa nay ăn uống sang lắm, nay nó mắc chứng gì mà lại mua toàn bánh
cắc chú thứ hạng bét như vầy cà?" Giây lát bớt mệt, chàng hỏi bạn:
- Đi đâu vậy?
- Còn mầy đi đâu?
- Đi theo mầy.
Tấn tỏ vẻ không bằng lòng, khiến Bích sanh nghi. Chàng đoán rằng
nó có nhơn tình mà cô nhơn tình ấy là một ma-ri-sến nên nó biếu toàn
bánh cắc chú và mới giấu giếm bạn bè. Tấn nói, sau mấy phút im lặng:
- Theo làm chi, mầy nên xuống tại trạm ngả sáu Quẹt-Đon.
- Không.
- Ai cho phép mầy đi theo tao?
- Ngộ chưa, tôi có tiền, tôi lấy vé, tôi đi đâu tùy thích tôi chớ.
- Mà đừng có theo tao.
- Bằng cớ nào chỉ rằng tao theo mầy?
Biết bạn là đứa nói liều và làm bướng, Tấn đành làm thinh, nhưng
hắn tức lắm! Bích càng sanh nghi hơn, nên càng muốn theo sát hơn.
Ngã Bảy, Máy Đá, Nhà thương Chợ Rẫy. Tấn xuống nơi đây.
"À, Bích nghĩ, thì ra nó đi thăm người bịnh. Có lẽ đó là một người bà con nghèo, nên nó xấu hổ, không muốn cho ai biết cả".
Bích bỗng nghe bạn chàng đáng khinh quá. Chàng không dè mà Tấn có mặc cảm như vậy.
Tấn đi riết xuống trại 7 là trại bố thí. Trước khi bước vào trại, hắn day lại nhìn bạn rồi thở dài.
Bích đoán rằng Tấn mới vào đây lần đầu, vì hắn đi dài theo giữa hai dãy giường để tìm kiếm.
- Đây rồi - hắn nói to lên, sau một hồi lục lạo.
Cả hai đều dừng bước lại trước một cái giường kia. Con bịnh là
một người đàn ông trạc năm mươi, để búi tóc, có vẻ là nông dân. Y đang
nằm thiêm thiếp mà rên nho nhỏ. Nước da y vàng khè nhưng mũi y thì đỏ
như trái hồng tươi chín. Tấn rờ trán người bịnh. Y mở mắt ra rồi nói:
- À, cậu ba ! Sao cậu hay tôi bịnh mà tới thăm?
- Nghe xóm nói. Tôi tìm ông để nhờ ông vét mương. Xóm họ cho biết rằng ông bịnh và vào đây. Ông đau làm sao?
- Quan Thầy nói tôi lớn tim, lớn gan, lớn đủ thứ hết.
- Có lớn lá mía không ?
- À, có. Không hiểu sao mà cái gì cũng lớn hết.
Hai người thanh niên thì hiểu. Những dấu hiệu đó là dấu hiệu bịnh... rượu và bịnh sốt rét rừng.
- Nầy có bánh, có táo, có xí mụi, ăn đi - Tấn trao gói cho con bịnh và nói như vậy.
- Cám ơn cậu. Quan Thầy cấm ăn cơm, đói lắm !
- Có đỡ không ?
- Có. Nhưng tôi nghe trong người tôi, tôi biết rằng thế nào tôi cũng chết.
Y nói điều đó bằng giọng bình thản, không hoảng hốt, cũng chẳng tủi thân.
- Thôi, rán nằm đây rồi sẽ khỏi chớ gì - Tấn an ủi.
- Không, tôi chắc tôi chết cậu à!
Tấn thở dài mà làm thinh. Hắn đứng nán một lát rồi ra về, hứa sẽ trở lại. Ra tới sân, Bích hỏi Tấn:
- Bà con làm sao?
Tấn làm thinh giây lâu rồi đáp, đáp không ăn thua gì với câu hỏi cả:
- Hắn tên là bảy Rựa.
Chỉ có thế thôi. Luôn nửa tháng, không ai thấy bóng Tấn nơi nào cả. Bích có tìm Tấn mấy lần, nhưng tìm không gặp.
Nhưng một hôm, Tấn lại đích thân đến rủ Bích cùng đi. Một nhiếp
ảnh viên theo sau anh con trai kỳ khôi nầy. Bích ngỡ họ đi chụp ảnh lạ
nào. Nhưng lên tắc-xi, chàng mới hay là Tấn vào nhà thương.
Người bịnh hôm ấy hư lắm rồi. Hai chơn y thũng, sưng to lên gần
bằng hai chiếc gối. Y nằm đó, hả mang ra mà thở. Thấy khách, y chỉ nhìn
mà không nói được, mắt rơm rớm lệ. Người thợ nhiếp ảnh bấm nút, đèn cháy
lên trong nửa giây đồng hồ, soi sáng gương mặt hấp hối kia một cách bi
thảm, ghê rợn như lửa địa ngục rọi vào một hồn ma mới tới xuống Diêm
đài.
Hôm sau, Tấn lại rủ Bích đi đưa đám ma người chết. Hòm chưn
ngang, bôi đất sét vàng. Từ nhà xác vô tới đất chùa Phước Hiền, vỏn vẹn
chỉ có hai thanh niên nầy theo sau tám anh phu đòn, họ khiêng hòm mà
chạy như bay. Thế là hết chuyện. Người bà con nghèo của Tấn đã được vùi
nông một nấm, rồi Tấn sẽ quên y đi, sau hai mươi bốn tiếng đồng hồ.
Nhưng sau đó, một tháng qua rồi mà Tấn vẫn biệt dạng, khiến Bích
lấy làm kỳ lắm. Coi bộ thì hắn không thương người bà con nghèo ấy bao
nhiêu, chỉ trông cái đám ma lạnh lẽo ấy thì biết, thì sao hắn lại không
nguôi, và như là trốn bởi đang buồn vì tang khó?
Bích tìm thăm bạn. Tấn tiếp khách, lặng lẽ như một ông cụ, lại mở đầu bằng câu chuyện triết lý:
- Bận bịu lắm với tình cảm, với dĩ vãng cũng khổ. Nhưng nếu dĩ vãng tan biến, thì cũng buồn.
Tấn vừa nói vừa kéo hộc tủ lấy ra một bức ảnh, ảnh ông bảy Rựa hấp hối trên giường bịnh.
- Hắn tên là bảy Rựa...
- Biết rồi.
- Tao lớn lên là thấy hắn có mặt trong làng rồi. Không vợ con,
không họ hàng thân thích, hắn ăn ở chợ, ngủ ở đình. Ai thuê gì cũng làm,
chôn ăn mày, đào giếng, đốn củi, tối ngày chiếc rựa trên vai nên mới
mang cái tục danh ấy!
- Té ra không có bà con với mầy?
- Không. Tóm lại, con người ấy không có gì hay ho đối với tao cả.
- Vậy, sao mầy lại...
- Hắn thuộc vào chân trời quen thuộc của tao thuở tao còn bé.
Tao thuộc gương mặt hắn như thuộc lòng các gốc cây trong làng. Tao phải
nói rõ cho mầy nghe là làng tao tiêu thổ trong thời kháng chiến, cháy
không còn một gốc cây. Khi thái bình được vãn hồi, năm 1954, tao về làng
thì thấy nó minh mông, trống trải như một sa mạc. Làng tao đã bị xóa,
cả trong ký ức của con người nữa. Kể từ ngày ấy tao bỗng thấy những
người đồng hương sống sót và trôi giạt xuống đây, quí báu không biết bao
nhiêu. Họ gợi được hình ảnh của quê tao, một vùng đất mà tao rất thương
yêu. Rồi họ kế tiếp nhau mà chết hết, chỉ còn lão bảy Rựa nầy thôi; lão
ta giống một lọ sứ cổ Giang tây, quí chỉ vì bao nhiêu lọ khác đều bể
hết, chớ cái đẹp của chiếc lọ ấy không hơn hồi nó mới được chế tạo ra
đâu. Nhưng hồi đó, còn hằng vạn chiếc, nó có giá trị gì?
- Té ra...
- Ừ, hắn là chiếc khăn mu-xoa của một giai nữ mà tao cất để làm kỷ niệm một mối tình. Nay khăn rách...
Bích thấy mũi Tấn và mắt Tấn đỏ cả lên.
Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023
CHIẾC KHĂN KỶ NIỆM - Bình Nguyên Lộc
Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2023
NGƯỜI ANH NUÔI - Quang Nguyễn
"- Ba má đã nuôi anh từ nhỏ cho tới lớn, nhưng anh không phải là ruột rà, dù biết anh luôn nhường nhịn và không tranh giành với các em, nhưng cái nào ra cái đó, tài sản là của nhà này do cha mẹ và các con làm ra mới có, vì thế nó phải thuộc về thành viên ruột trong nhà này. Tôi cho anh ở trong căn nhà này là may phước lắm rồi, chia với chác gì nữa. Anh lớn rồi mà, tự lập, tự làm, tự riêng đi chứ."
Đêm đã khuya, đường im vắng không còn dáng người nào, chỉ còn lại tiếng bước vội vã rơi xuống lòng đường vang vọng. Ánh trăng soi đường dẫn lối người trai trở về nhà, với bước chân mỏi mệt mồ hôi ướt đẫm áo. Đêm nào cũng vậy, gần 0 giờ Sinh mới trở về nhà. Công việc bốc vác ở bến lúa khá cực nhọc đối với Sinh, tuy còn trẻ nhưng sức khỏe anh đã suy yếu, người ta làm xong trở về nhà từ rất sớm, riêng anh cứ nghỉ mệt nên về muộn hơn bất cứ ai.
Sinh trở về nhà ăn vội chén cơm, tắm rửa rồi vào mùng ngủ.
Cha mẹ mất khi anh mới chín tuổi ông Năm hàng xóm thấy tội nghiệp mang về nuôi cho tới ngày hôm nay. Mang tiếng con nuôi nhưng chẳng khác nào như con ruột, vợ chồng ông Năm thương yêu như ba đứa con của mình. Nhà ông Năm có ba người con, một trai, hai gái, thêm Sinh là bốn người. Hai người con gái đi lấy chồng và sống gần đó, người con trai út cũng có vợ sống cùng ông Năm, riêng Sinh đã hơn bốn mươi tuổi mà chưa vợ con gì. Họ yêu thương nhau, sống hòa thuận như anh em ruột, chưa bao giờ họ phân biệt giữa con ruột và con ghẻ. Bà Năm còn sống đã dạy như thế, đến khi bà Năm mất đi họ vẫn giữ mối hòa thuận anh em với nhau.
Đó là điều ông Năm rất vui và hạnh phúc bên bốn người con của mình, có thể nói ông là người có phước, tuy hai người con gái đã có gia đình sống riêng nhưng họ vẫn hay cho tiền hoặc mua những thứ ngon nhất cho ông, họ đều học thành tài và có nghề nghiệp ổn định với đồng lương kha khá. Cả ba người họ đều là bác sĩ làm việc trong một bệnh viện gần nhà, riêng Sinh một chữ bẻ đôi cũng không có, đành phải đi bốc vác kiếm từng đồng rồi trở về rất khuya. Không vì điều đó mà ông Năm thương ba người con hơn, ngược lại ông thương Sinh nhiều hơn ba người con ruột. Những lần con của ông cho tiền xài, ông đều giấu lại một ít để cho Sinh nhưng chưa lần nào anh nhận, vì anh thừa hiểu cha đã già không còn sức lao động, không làm gì ra tiền, chính vì điều đó mà anh không nhận tiền từ cha nuôi. Đôi khi anh cho tiền cha mình, ông cứ chần chừ như không muốn lấy, nhưng cũng phải lấy để anh được vui.
Một buổi sáng tiếng gà gáy vang sau nhà, ông Năm thức dậy uống trà như mọi ngày, ông có thói quen khi thức dậy đi rửa mặt ngang qua chỗ ngủ của Sinh, ông hay dừng lại để kiểm tra xem tối qua Sinh ngủ có tống mùng kỹ không, và chiếc đèn pin luôn pha vào mùng xem thử có con muỗi nào trong ấy không, rồi mới đi rửa mặt và trở lên nhà trên hút thuốc uống trà. Thói quen này hình như không dành cho ba người con ruột của ông.
Sinh thức dậy với cơ thể uể oải sau một đêm mệt nhọc ở bến lúa, anh bước xuống giường ra sau rửa mặt rồi đi lên nhà trên. Thấy cha anh ngồi đó với gương mặt trầm ngâm như đang nghĩ ngợi điều gì đó bên làn khói trắng. Tay ông ôm một chiếc hộp, đôi mắt cứ nhìn lên bàn thờ nơi có di ảnh vợ ông, anh chưa từng thấy chiếc hộp này bao giờ. Anh bước lại gần cha rồi nói.
- Tía đang nghĩ gì mà điếu thuốc sắp tàn luôn rồi.
- Sao mày không ngủ thêm lát nữa đi hai, còn sớm mà.
- Con dậy giờ này quen rồi, cứ tới giờ này là tự nhiên thức dậy.
- Tía dặn đừng đi bốc vác nữa, sao mày không nghe vậy hai.
- Ủa sao Tía biết con đi bốc vác.
- Mày đừng nói dối Tía nữa, mày cứ nói đi làm việc nhẹ một lát rồi về. Chứ thật ra là mày đang bốc vác ở bến lúa. Hồi sáng Tía đi rửa mặt thấy cái áo của mày treo trên móc, trên cái vai áo có dính màu của bao lúa.
- Nhưng Tía yên tâm, con vác một bao rồi nghỉ mệt, xong tới bao khác lại nghỉ mệt, chứ không vác liên tục đâu.
- Mày có biết sức khỏe đang yếu, hạn chế làm việc nặng không hai, mày không có tiền thì Tía cho.
- Dạ con biết, nhưng ở nhà không có gì làm cũng buồn. Tía đang ôm cái hộp gì vậy.
- Đây là cái hộp có đựng tờ di chúc của má bây trước khi bả mất, sau này có chia tài sản thì cứ theo nguyện vọng của bả mà chia. Tía định kêu vợ chồng con Thu, vợ chồng con Kiều, chiều về đây chơi sẵn đó Tía tuyên bố tài sản trong di chúc luôn. Cũng gần tới ngày giỗ của má bây rồi.
- Dạ, ngày mai là giỗ má rồi đó Tía.
- Đúng vậy, vì thế Tía muốn các con nhận tài sản rồi vui vẻ trong ngày giỗ của má bây.
- Vợ chồng thằng út Tâm nó dậy chưa, nếu nó dậy rồi thì kêu nó ra đây Tía biểu, hoặc kêu nó báo cho con Thu với con Kiều biết chiều nay về chơi.
- Dạ, chắc vợ chồng nó dậy rồi đó Tía, cũng sắp tới giờ nó đi làm rồi, để con vào nói rồi đi mua đồ ăn sáng cho Tía.
- Ừa đi đi con.
Anh vào nói với út Tâm, một lát chiếc xe của út Tâm rồ máy rồi đi khuất, Họ là dân làm việc nên đi làm rồi ghé ăn sáng, chỉ có Sinh và ông là hay ăn sáng tại nhà. Sinh cũng là người gần ông và nói chuyện nhiều nhất so với ba người con ruột của mình. Đến chiều tất cả các con của ông đều có mặt, ông lặng lẽ đốt nén hương cho người vợ quá cố, rồi mở hộc tủ lấy chiếc hộp mà hồi sáng ông đã ôm. Ông nhìn từng đứa con của mình rồi nói.
- Hôm nay có mặt đông đủ các con, Tía muốn đọc tờ di chúc của má bây để lại, đó là nguyện vọng của bả trước khi nhắm mắt.
Họ im lặng chú tâm nghe kỹ ông đọc những gì trong tờ di chúc.
"Thằng hai nó vốn dĩ là con nuôi của nhà mình, nhưng chưa bao giờ ba má xem nó là con nuôi. Má chia cho nó 30% tài sản. Con Thu và con Kiều là phận đàn bà, rồi cũng đi lấy chồng làm dâu nhà người ta, không có gánh vác gì về cái gia đình này, nên má chia cho mỗi đứa 20%. Còn thằng Tâm là con út, sau này thờ phượng gánh vác hết tất cả, nên má chia cho 30% kèm với cái nhà này"
Họ nhìn nhau mà không nói được lời gì, cuối cùng ông Năm phải lên tiếng.
- Các con có ý kiến gì không, đó là nguyện vọng của má bây.
Tâm nói trong sự ngỡ ngàng.
- Nguyện vọng gì kì vậy, sao con chỉ có 30% bằng anh hai, con gánh vác cái nhà này, anh hai có gánh vác gì đâu mà bằng với con.
Ông nhìn sang người con gái thứ ba rồi nói.
- Còn con Thu mày có ý kiến gì không, nói Tía nghe.
Thu nói ngay không cần suy nghĩ.
- Con không đồng ý với cách chia này của má.
- Tại sao.
- Con là con ruột mà chia có 20% thua cả con ghẻ.
Ông nhìn sang người con thứ tư.
- Còn con Kiều. Ý mày sao, nói Tía biết.
- Con cũng như ý chị ba vậy, không đồng ý với cách chia này của má.
Ông nhìn sang Sinh rồi nói.
- Rồi thằng Hai, ý mày thế nào.
- Dạ con chỉ lấy 10% còn 20% còn lại con cho các em.
Thu nghe vậy lên tiếng.
- Tôi nói thật anh 1% cũng không có chứ đừng nói 10%.
Kiều cũng xen vào.
- Anh phải biết điều. Anh không phải máu mủ gì với cái nhà này, nên anh không có phần là đúng.
Tâm cũng ý kiến vào.
- Ba má đã nuôi anh từ nhỏ cho tới lớn, nhưng anh không phải là ruột rà, dù biết anh luôn nhường nhịn và không tranh giành với các em, nhưng cái nào ra cái đó, tài sản là của nhà này do cha mẹ và các con làm ra mới có, vì thế nó phải thuộc về thành viên ruột trong nhà này. Tôi cho anh ở trong căn nhà này là may phước lắm rồi, chia với chác gì nữa. Anh lớn rồi mà, tự lập, tự làm, tự riêng đi chứ.
Sinh gục mặt buồn bã, chưa bao giờ anh nhận những lời này từ các em mình như hôm nay. Anh em lúc nào cũng hòa thuận, vui vẻ, thương yêu, vậy mà hôm nay chỉ vì tờ di chúc mà tặng cho anh những lời thật khó nghe, anh im lặng. Ông Năm lấy tay đập xuống bàn thật lớn như trút cơn giận.
- Mày vừa nói cái gì, mày muốn đuổi thằng Sinh đi hả, cái nhà nào là nhà của mày. Thằng Sinh nó có quyền ở đây đến khi nào nó có vợ thì nó ra riêng, nó cũng là thành viên trong cái nhà này. Đây là tao nói.
Ông lắc đầu rồi thở dài, Sinh đến an ủi ông. Ông thừa biết chuyện này không bao lâu sẽ xảy ra thôi, hàng đêm ông ôm cái hộp với mong muốn các con khi chia tài sản đừng bất hòa. Thu lên tiếng để trấn an ông.
- Thôi thì cái chuyện chia tài sản để tính sau. Tía đừng giận nữa, hồi đó chắc má chia nhầm, thôi thì sau này Tía chia lại cho tụi con cũng được.
- Ý của Tía cũng như ý của má bây thôi.
Kiều nói nhanh vội vàng.
- Vậy sao được, tính tới tính lui gì thì anh hai cũng được 30%. Chắc có lẽ anh hai luôn gần Tía còn tụi con thì không, nên chia cho anh hai nhiều hơn phải không Tía.
Út Tâm cũng nói vào.
- Tía chia như vậy là không công bằng. Người ngoài mà chia tài sản hơn người nhà coi sao được. Chúng con luôn hiếu thảo với ba má, đâu phải chỉ có anh nuôi mới hiếu thảo với ba má đâu.
Ông đứng nhìn út Tâm rồi nghiêm giọng.
- Mày cứ người ngoài với người trong một lát, tao lấy cái bát hương chọi bể đầu mày bây giờ. Nguyện vọng của má bây, mà bây còn không tôn kính, tao chết rồi chắc mồ mả tụi bây bỏ luôn. Tụi bây học cao hiểu rộng mà sao cái đạo lý làm người, tụi bây không hiểu vậy. Tao cứ chia như trong tờ di chúc của má bây, đứa nào lấy thì lấy, không lấy thì bỏ.
Họ giận bỏ nhau ra về, ông và Sinh đứng đó trong căn nhà vốn dĩ từ trước tới giờ chưa xảy ra chuyện giận hờn to tiếng. Anh nhìn cha rồi thì thầm.
- Thưa Tía, con thấy các em nói đúng đó. Tía nên chia lại, con không cần tài sản này nhiều đâu, con sống với Tía má từ nhỏ đến lớn là quá hạnh phúc rồi. Tài sản Tía cứ chia cho các em, con một thân một mình, không có cũng không sao, còn các em nó có gia đình nên nó còn lo cho gia đình của nó.
- Mày nói gì kỳ vậy hai, riết rồi mày cũng giống mấy đứa em mày luôn. Mày nhìn cái bàn thờ má bây đi rồi nói, má bây chia và đó cũng là nguyện vọng của bả, chứ Tía có chia đâu. Một thân là sau này không có vợ con hả bây, một thân là sau này không có ăn hả hai.
Anh biết khó có thể thuyết phục được cha mình. Sáng đó là ngày giỗ của má nuôi anh, con Thu với con Kiều không về vì còn giận chuyện chia tài sản, út Tâm cũng chở vợ đi chơi chứ nhất quyết không chịu ở nhà ăn giỗ. Từ đó họ không nói chuyện với Sinh như đã từ mặt. Đám giỗ lần này chỉ có hai cha con ông. Ông Năm mặt buồn hiu nhìn xung quanh căn nhà rồi thở dài, năm nào cũng đầy đủ con cháu chỉ vì chuyện chia tài sản mà không đứa nào chịu về thắp nén nhang cho má nó. Ông tới đốt nhang cho vợ mà hai hàng nước mắt chảy dài.
Tối đó anh trăn trở nằm suy nghĩ về chuyện chia tài sản, anh nghĩ cũng do mình nên anh em bất hòa nhau. Tài sản đó nó vốn dĩ không thuộc về anh, vì anh chỉ là con nuôi nên không được quyền hưởng nó, anh sẽ khăn gói bỏ nhà ra đi trong khuya nay, chỉ có thế các em mới được vui. Anh lục đục xếp quần áo bỏ vào ba lô đợi cha anh ngủ, anh sẽ rời khỏi căn nhà này ngay. Cái buồn nhất là anh phải xa căn nhà này mà anh đã sống từ lúc chín tuổi cho tới nay, lại phải xa người cha già, tuy là cha mẹ nuôi nhưng họ hết mực thương anh như chính con ruột của mình.
Anh lên nhà trên thấy cha đã ngủ từ bao giờ, anh móc trong túi mình ra một xấp tiền bỏ lên cái gối nơi cha anh nằm, rồi lặng lẽ mở cửa bước chân ra đi, anh ra đầu ngõ đứng nhìn căn nhà một lát như nói lời từ biệt. Anh không biết mình phải đi về đâu, làm gì, tóm lại cứ đi, đi càng xa càng tốt. Sáng sớm ông Năm thức dậy, vẫn như thói quen cũ đi ngang qua nơi Sinh ngủ không thấy anh đâu, nhìn cái sào đồ trống trơn ông biết Sinh đã bỏ nhà đi để trốn tránh chuyện hưởng tài sản. Ông buồn bã ngồi đó tần ngần, rồi trở lại nhà trên hút thuốc uống trà, mắt nhìn xa xăm ra đường như đợi ai đó trở về.
Tâm thức dậy cái miệng ngáp ngắn ngáp dài chưa tỉnh ngủ hẳn, ông gọi Tâm lại.
- Thằng Út lại đây Tía biểu coi.
Tâm lấy tay che miệng trong cơn ngáp rồi trả lời.
- Dạ có gì không Tía.
- Anh hai bây đã bỏ nhà ra đi vì không muốn anh em trong nhà mất hòa thuận.
- Hả. Thật hả Tía.
Tâm như tỉnh ngủ hẳn ra, tâm trạng phơi phới, gương mặt tươi rói. Ông Năm nói tiếp.
- Mày nói với hai người chị của mày, kêu nó chiều về đây Tía có chuyện muốn nói, nếu hai đứa nó không về thì từ nay về sau đừng nhìn mặt ông già này nữa.
Nói xong ông bỏ đi trong tâm trạng nặng nề như cục đá. Chiều đó hai người con gái của ông cũng trở về để nghe ông nói, ông lấy ra một tờ giấy đã xếp lại, ông ngồi xuống ghế nhìn thẳng ba người con rồi nói.
- Thằng hai nó đã bỏ nhà ra đi các con có biết vì sao không, vì nó không muốn anh em trong nhà mất hòa khí với nhau. Giờ thì các con đã vui chưa. Thằng Út mày đọc lá thư này của má mày viết khi còn sống cho hai người chị mày nghe.
Tâm cầm tờ giấy ông đưa lòng hồi hộp, không biết má đã viết gì trong đó, mở ra coi đúng là nét chữ của má anh, những dòng đã lem màu mực theo thời gian nhưng vẫn đọc ra được.
"Các con thân yêu của má, khi các con đọc được lá thư này thì má không còn bên các con nữa. Má đang nằm trong bệnh viện với những cơn đau cứ hành hạ. Má vui vì cả ba đứa con đều học ngành y rồi này các con sẽ trở thành bác sỹ, má không còn lo nữa, riêng anh hai bây thì không được như ba đứa, nó mồ côi từ nhỏ. Từ nhỏ nó đi chăn trâu, gánh nước mướn cho người ta, để kiếm tiền nuôi các con ăn học, nó không biết một chữ nghĩa nào, vì nếu nó đi học rồi thì sẽ không còn ai kiếm tiền mà nuôi các con. Hồi đó nhà mình rất nghèo, nó phải nhịn đói, nhịn khát, để nhường đồ ăn cho các con. Ba của các con bệnh tật không làm được gì một tay nó lo hết. Thằng út Tâm hay chê anh hai nó yếu không làm được việc nặng nhọc, nhưng nó không biết rằng nó đang mang quả thận trong người của anh hai nó, chính anh hai đã hiến tặng để cứu nó sống cho tới ngày hôm nay. Con thu hay chê anh hai nó cái chân đi cà nhắc trông xấu xí vô cùng, nhưng con nhớ lại xem, lúc nhỏ ham búp bê cứ khóc lóc đòi. Nó không có tiền mua, vì quá thương em nó đành phải đi ăn cắp của người ta, người ta bắt được đánh nó đến gãy chân. Còn con Kiều lúc đi thả diều làm đứt dây, con diều bay đi mất, cứ về khóc lóc không chịu ăn cơm. Anh hai nó đành phải đi kiếm con diều về cho bằng được, lúc nó về trên người đầy thương tích vì phải chui vào bụi gai, máu còn dính đầy trên con diều. Rồi ba mẹ ra miền Trung làm tám năm trời, tám năm đó nó một mình ở nhà nuôi ba đứa em. Khi lớn lên thì nó chưa bao giờ có bộ đồ nào lành lặn như người ta, cái nào cũng đầy mảnh chắp vá. Cho tiền nó mua đồ thì nó cho ngược lại các em nó. Có thể nói các con được ăn học như hôm nay cũng nhờ vào anh hai của các con, sau này các con cái thành tài đừng bao giờ quên công ơn đó. Nó đã hy sinh cho các con quá nhiều, chính vì thế ba má muốn bù đắp lại cho nó, chia nó 30% là quá ít so với những gì mà nó hy sinh. Má mong muốn các con hiểu và chấp nhận nguyện vọng này của má. Má không sống được bao lâu nữa mong các con sống hòa thuận, đùm bọc lẫn nhau"
Tâm làm rơi tờ giấy rưng rưng nước mắt, hai người chị cũng khóc xối xả khi nghe nội dung trong lá thư, ông năm nhìn từng người rồi nói.
- Tụi bây còn đứa nào nói thằng hai là người ngoài, không là phải con ruột của nhà này nữa không, còn đứa nào tranh giành tài sản với nó không. Từ xưa tới giờ có cái gì mà nó không nhường cho tụi bây đâu. Tụi bây ai cũng sung sướng, nhìn lại nó xem cho tới bây giờ nó chưa có vợ, nó cứ lo kiếm tiền. Người nó thì yếu vì hiến thận cho thằng út, nhưng phải đi bốc vác đến khuya mới về để kiếm tiền lo cho tao.
- Ông ném xuống bàn một xấp tiền rồi nói trong nước mắt.
- Tụi bây nhìn đi, đây là tiền của nó đi bốc vác. Nó để lại cho tao trước khi bỏ nhà ra đi, đó là tiền mồ hôi nước mắt của con tao, nhìn lại tụi bây có đứa nào thiếu thốn cái gì chưa. Tụi bây giàu có mà lại đi tranh giành phân bì với nó.
Ông khóc thành tiếng, đó cũng là lần đầu tiên ba người con ruột thấy ông khóc. Thu và Kiều ôm nhau mà khóc. Tâm nhìn lá thư trên bàn và một xấp tiền mà nước mắt rơi không ngừng. Cả ba người họ ôm ông và nói lời xin lỗi. Ông nói trong những giọt nước mắt.
- Nếu tụi bây còn là con người thì hãy mau đi kiếm thằng hai về đây, phải kiếm cho bằng được. Tụi bây có muốn mất đi một người anh như vậy không.
Cả ba người họ tay lau nước mắt, lập tức ra xe chia nhau đi tìm. Họ hỏi hết người này đến người khác. Cuối cùng cũng có người nhìn thấy Sinh đang ở bến xe, chuẩn bị mua vé đi Sài Gòn. Họ vội vàng đến thấy Sinh đang ở đó trong tà áo phai màu. Cả ba người họ chạy đến ôm anh khóc nức nở giữa bến xe đông người. Thu vừa nói vừa khóc.
- Anh hai về nhà đi. Tía đang rất buồn về chuyện anh hai bỏ nhà đi.
Tuy là con nuôi nhưng anh rất thương cha, khi nghe cha buồn anh chẳng muốn đi nữa. Chỉ muốn quay về gặp cha để nói xin lỗi vì đã làm cho ông buồn.
- Thôi mình về đi các em, anh không đi nữa, từ nay anh sẽ luôn ở gần Tía.
Thấy anh trở về ông vui như chưa từng vui. Chiều đó họ cùng ăn cơm niềm vui ngập tràn trong không gian căn nhà. Đó là giây phút hạnh phúc nhất trong từng đôi mắt và nụ cười nở tươi trên môi mỗi người. Ba người em gắp đầy thức ăn vào cái chén của anh. Kiều nói với anh.
- Anh hai ăn đi.
- Thôi các em ăn đi, anh ăn rau được rồi.
Thu nói với nụ cười.
- Anh hai không cần phải nhường cho tụi em đâu, cứ ăn đi.
Tâm nói trong niềm vui rộn ràng.
- Phải rồi đó anh hai. Anh đã hy sinh cho chúng em quá nhiều rồi. Giờ đã đến lúc chúng em hy sinh lại cho anh hai.
Ông Năm bỏ đôi đũa xuống rồi nhắc lại.
- Còn chuyện chia tài sản theo nguyện vọng của má bây. Bây tính sao.
Tất cả đều đồng thanh nói
- Dạ, tụi con Đồng ý.
Ông Năm cười vui xúc động trong niềm hạnh phúc dâng trào. Chưa bao giờ họ thấy vui như hôm nay, nhìn các con gắp thức ăn cho nhau mà lòng ông vui sướng biết bao. Tiền, vật chất là thứ hay chia rẽ con người, nhưng đôi khi nhờ nó làm đáp án mà ta biết và nhận ra, kết quả của lòng dạ con người. Người quay lưng đi, người quay đầu lại. Cuộc đời nó luôn luôn hai mặt đi song hành cùng nhau. Từ nay nhà ông Năm sẽ ngập tràn yêu thương trong tình cảm gia đình. Cái từ " anh nuôi" hoặc " người ngoài" cũng biến mất từ ấy, thay vào đó là từ " anh ruột" như một cha mẹ sinh ra.
Thứ Ba, 22 tháng 8, 2023
Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2023
NGƯỜI ĐẦM - Thạch Lam
Hôm ấy ngày thứ hai, nên ít người đi xem, trước cửa rạp chớp bóng Pathé chỉ lơ thơ có dăm bẩy cậu học sinh đứng nghếch đầu nhìn mấy cái quảng cáo lộn xộn dán trên tường. Một hai người lính Tây đi vơ vẩn, miệng ngậm thuốc lá, tay đút túi quần, điệu bộ lơ đễnh và buồn tẻ, hình như họ không có cuộc đi chơi gì nữa, nên bất đắc dĩ phải đến xem chớp bóng vậy.
Khi tôi bước vào trong rạp, giờ hãy còn sớm. Tuy vậy hàng ghế "lô" và hạng nhất cũng đã đông người ngồi, toàn là người Pháp. Tôi đi vào dãy hạng nhì, chọn một chiếc ghế ở giữa. Tất cả độ hơn một chục người ngồi rải rác cùng một hàng với tôi.
Lập tức, tôi sửng sốt chú ý đến một người đầm ngồi cách tôi mấy ghế, đang quay sang phía bên nói chuyện với một cô gái nhỏ. Cái cảm tưởng tôi có trước nhất là sự ngạc nhiên. Một người Pháp, mà lại là một người đàn bà, ngồi ở hạng nhì lẫn với mọi người! Tôi tự hỏi tại sao người đầm ấy lại không lấy vé lô, hay ít ra vé hạng nhất, để ngồi chung với những người Pháp sang trọng mà tôi thấy bệ vệ và mãn nguyện trên các dãy ghế kia? Từ xưa đến nay, chúng ta quen nhìn thấy người Pháp ngồi ở hạng trên, đến nỗi tôi không thể tưởng tượng được rằng họ có thể ngồi ở các hạng dưới. Cũng không một lúc nào tôi có cái ý nghĩ rằng người đầm kia không có đủ tiền để trả cái vé hạng nhất.
Tôi nhận thấy, cũng như tôi, những người khác ngồi chung quanh tò mò nhìn vào người đầm. Nhưng họ nhìn một cách sống sượng và chăm chú quá; trong những con mắt đó, đôi khi lại thoáng qua một tia lãnh đạm và ác cảm nữa.
Người đàn bà Pháp hình như cũng nhận thấy thế, nên bà ta cố thu hình cho nhỏ bé lại, và luôn luôn cúi mặt xuống tờ chương trình để trên lòng. Cô bé quỳ ở trên ghế bên cạnh, quay lưng lại màn ảnh, chơi đùa với cái mũ da của mẹ. Cô thỉnh thoảng cất tiếng cười và huýt sáo miệng; lúc ấy bà mẹ vội vàng đưa mắt nhìn quanh, rồi ra hiệu bảo con im. Và cái nhìn của bà ta rụt rè e lệ quá, khiến tự nhiên tôi ái ngại và cảm động.
Đột nhiên tôi tin chắc người đàn bà đó, và đứa con, mới ở Pháp sang bên này. Nhiều cử chỉ của bà ta đã để tôi đoán như thế. Bà ta có cái vẻ lạ lùng bỡ ngỡ của người mới bước chân đến một nơi xa lạ, ngồi vào chung quanh những người khác giống không hiểu mình, và bà có cái vẻ rụt rè, nhũn nhặn mà ta không thấy ở nhiều người đầm đã sống lâu bên này.
Tôi ngắm nhìn bà ta với một cảm tình chân thật mà tôi không ngăn cấm được. Bà ăn mặc rất giản dị, toàn một màu đen. Có lẽ bà để tang. Tang cha mẹ, người thân thích hay chồng? Không biết tại sao, tôi chắc chồng bà đã mất, để lại cho bà cô gái bé kia. Mỗi khi cô bé quay lại phía bên này, tôi lại nhận thấy hai người - hai mẹ con - giống nhau quá; cũng cái khuôn mặt trái soan, cũng mớ tóc vàng, và nhất là đôi con mắt to, đưa chậm chạp, lúc nào cũng như nhìn ra ngoài xa.
Một vẻ buồn lặng lẽ và trầm mặc phảng phất trên nét mặt người đàn bà đó. Thỉnh thoảng bà ôm lấy con ghì chặt vào lòng như se lại trước cái ác cảm bà đoán thấy ở chung quanh. Hai mẹ con thủ thỉ với nhau những câu tôi không nghe rõ, nhưng tôi chắc là những câu đầy vẻ yêu đương đằm thắm.
Khi trong rạp tối đi, tôi cũng không nghĩ đến xem phim nữa. Bao nhiêu chú ý của tôi đều đặt vào người đàn bà đó. Trí tôi tưởng tượng cái đời của bà ta, một người đàn bà hạng trung lưu bên Pháp, một người làm công có lẽ, vì chồng chết nên chán nản sang thuộc địa để xa mà quên đi. Tôi cảm thấy bà ta trơ trọi quá, bỡ ngỡ quá ở nơi xứ sở này. Tôi hiểu cái buồn và cái lạnh lẽo của bà, lúc này có lẽ bà đang mơ màng nghĩ đến quê hương ở tận bên kia phương tây, cái làng nhỏ ở sườn đồi, cái chuông nhà thờ cao lên trên rặng cây, cánh đồng cỏ, mấy con bò đủng đỉnh trên cái suối trong mà bọn chị em bạn cùng làng đang quay đập quần áo trên bàn giặt. Tôi đã đọc nhiều tiểu thuyết của người Pháp quá, nên có thể tưởng tượng được rõ rệt cái đời của người ấy. Cho nên tôi hiểu cái nỗi nhớ thương quê hương của bà.
Có lẽ bà quen như ở bên Pháp, nên mới lấy vé hạng nhì. Có lẽ bên ấy giá vé hạng nhì đối với bà là to rồi. Bởi thế, bà không biết ở xứ này, một người đàn bà Pháp không bao giờ lấy vé hạng ấy.
*
Khi đèn bật sáng trong giờ nghỉ, bà dắt con đứng dậy, lách khe ghế đi ra. Đến trước mặt tôi, bà nhìn tôi một cách dịu dàng, và rất lễ phép:
- Xin lỗi ông.
Giọng nói của bà ngọt ngào, không có chút gì kiêu ngạo. Tôi ít khi được nghe một người đầm nói với mình lễ phép như thế. Tôi chợt nghĩ đến cái lễ độ nhã nhặn của người Pháp, của những người Pháp thật, những người chưa bị cái hoàn cảnh bên này làm xấu đi. Tôi nghĩ đến cái lòng nhân từ rộng rãi, cái tình cảm dồi dào của người đàn bà Pháp, lúc nào cũng sẵn sàng tha thứ và cúi mình trên những đau khổ của người ngoài. Và tôi thấy cái ý muốn được thân thiện hiểu biết những người đàn bà ấy.
Tôi theo ra ngoài rạp, thấy hai mẹ con bà đứng ở đầu hè, nhìn mặt nước hồ Hoàn Kiếm phẳng lặng như tấm gương. Trong đám người đi xem không ai để ý đến bà ta cả.
Một đứa bé bán kẹo, lấm lét nhìn quanh để trông cảnh sát, chạy đến gần bà, giơ hộp kẹo trước mặt cô bé. Tôi nghe thấy tiếng cô bé đòi mua, rồi bà ta chọn mấy cái kẹo trong hộp đưa cho con. Vừa mở ví lấy tiền bà vừa hỏi thằng bé bán kẹo:
- Bao nhiêu?
Đứa bé giơ ba ngón tay ra hiệu, miệng cười sung sướng:
- Ba xu, bà đầm!
Nghe câu trả lời của đứa bé, tôi thấy bà ta mỉm cười, lấy tay xoa đầu nó và hỏi bằng tiếng Pháp:
- Mày không lạnh ư, con?
Đứa bé nhe răng cười, lắc đầu vì không hiểu gì, rồi vội chạy vào chỗ tối bởi nó đã thấy bóng thầy cảnh sát ở đằng xa. Bà ta hơi ngạc nhiên nhìn theo, và nét mặt trở nên buồn như cũ.
Tôi tự nhiên đem lòng thương mến người đàn bà Pháp ấy. Cái vẻ buồn âm thầm của bà làm cho tôi cũng buồn lây. Tôi mơ màng ao ước người Pháp nào cũng tốt như bà; chúng ta sẽ yêu mến nước Pháp đẹp đẽ và rộng lượng kia bao nhiêu, và hai giống người khác nhau trên mảnh đất này sẽ hiểu biết nhau, coi nhau thân như anh em một nhà.
Lúc chớp bóng tan, trời bắt đầu mưa bụi và gió lạnh. Thấy hai mẹ con bà lủi thủi đi trên con đường vắng tôi chỉ muốn chạy theo nói cho bà biết cái cảm tình đằm thắm của tôi, lòng kính trọng của tôi trước sự đau đớn, lòng mến yêu của tôi đối với một kẻ nhân từ. Nhưng mà tôi chỉ đứng lặng yên, đứng nhìn theo đến khi hai người khuất vào bóng tối, rồi tôi thong thả trở về, trong lòng thấy băn khoăn, bực tức không duyên cớ.
Từ đó, tôi không bao giờ được gặp bà ta nữa. Về sau, nhiều lần đi xem chớp bóng, tôi để ý tìm nhưng không thấy bóng hai mẹ con bà ấy đâu cả. Có lẽ bà ta đã đi tỉnh khác rồi chăng?
Và mỗi khi đêm khuya ở rạp chớp bóng ra về, tôi hay đi vòng bờ hồ để nhớ lại hình ảnh dịu dàng của người đàn bà đó. Bây giờ chắc bà ta đã có công việc làm rồi.
Thứ Tư, 16 tháng 8, 2023
THƯA CHỊ - Khái Hưng
Ngồi nhìn các món ăn nguội lạnh, Nga buồn rầu, bực tức đợi chồng. Đã bao lần nàng ngước mắt nhìn đồng hồ treo và lẩm bẩm tự hỏi:
- Không biết sao hôm nay về muộn thế?
Sau khoảng hai giờ, một cái ô tô rít lên, đỗ ngay trước nhà, Nga chưa kịp hỏi xem ai thì Địch, chồng nàng, đã như một luồng gió mạnh, đẩy cửa và bước vào trong phòng:
- Mợ bảo nó sắp va li cho tôi, mau!
Nga lạnh lùng:
- Cậu đi đâu?
Địch cau có:
- Mợ đừng hỏi tôi nữa. Vội lắm, vội lắm.
Nga vốn yêu và chiều chồng. Thấy chồng gắt thì tươi cười đứng dậy gọi đầy tớ, rồi cùng nó xếp quần áo vào va li.
- Cậu đi bao lâu?
Địch hai tay ôm đầu ngồi lơ đãng trông qua cửa sổ. Nga ôn tồn nhắc lại câu hỏi. Địch giật mình quay lại:
- Cái gì thế mợ?
- Cậu đi lâu hay chóng?
- Tôi đã xin mợ đừng hỏi tới tôi nữa, tôi cũng chưa biết đi lâu hay chóng.
Nga chau mày đăm đăm nhìn Địch:
- Cậu chỉ biết có một việc là gắt. Thì cũng phải xem cậu đi lâu hay chóng để mà xếp nhiều hay ít quần áo thay chớ.
Địch giọng hối hận:
- Tôi xin lỗi mợ, anh xin lỗi em, anh chẳng còn biết cái gì nữa... Anh mất hết cả trí nghĩ.
Nga thoáng thấy mắt chàng đỏ ngầu và ướt lệ; nàng vừa thương hại vừa ngờ vực:
- Cậu đi việc quan?
- Phải, phải... vâng, việc rất cần.
- Thì can chi cậu cuống cuồng lên thế? Hãy ăn cơm đã.
Địch yên lặng, không đáp, tâm trí để ở tận đâu đâu. Nga nghĩ thầm: "Chẳng lẽ việc quan gì mà vội vàng, lo sợ, buồn phiền đến thế!... Và làm tham tá ở buồng giấy, sao lại có việc quan phải đi xa? Chắc chồng ta giấu ta điều gì đây".
Xếp xong hành lý, Nga bảo Địch:
- Bây giờ thì anh ăn cơm đã.
- Thôi em ăn đi, anh no lắm.
- Đã ăn gì mà no... Hay anh có điều gì phiền muộn?
Vừa nói Nga vừa vuốt ve chồng. Bỗng vô tình nàng thò tay vào túi áo Địch lôi ra một bức điện tín. Địch toan giựt lại, Nga đã nhẩy một bước ra và tò mò đọc:
"Lan mệt nặng, mong đợi. Lên ngay"
Một phút im lặng, hai vợ chồng nhìn nhau.
- Lan? Lan... Ai thế cậu?
Địch ngập ngừng:
- Một người...
- Một người con gái, một người tình nhân của cậu, phải không? Phải không?
Địch cố ôn tồn lãnh đạm:
- Làm gì mà mợ hét lên thế?
Nga gào càng to:
- À, cậu đi thăm đĩ! Thế mà cậu nói dối tôi đi việc quan...!
Địch tức đỏ bừng mặt, đến gần vợ thì thầm:
- Mợ sẽ mồm chứ. Đầy tớ nó cười cho.
Nga bơ phờ, suy nghĩ. Rồi nàng bưng mặt khóc. Nàng vẫn tưởng Địch chỉ yêu một mình nàng cũng như nàng coi Địch là người yêu độc nhất ở đời, không phút nào để tình ái, để tư tưởng mơn trớn qua tới kẻ khác.
Địch dỗ dành, thề thốt. Nga lau nước mắt nức nở:
- Không, anh đã nói dối em một lần rồi, vì anh bảo anh đi việc quan. Vậy chỉ có một cách khiến em tha thứ anh được là anh đem chuyện thực, đem hết chuyện thực ra kể cho em nghe. Em cam đoan với anh rằng em sẽ không giận và sẽ để anh đi, dù câu chuyện làm đau khổ lòng em đến đâu, em cũng xin chịu.
Địch cảm động vì những lời kính cẩn ôn tồn, nhưng chàng còn ngần ngừ, băn khoăn nhìn vợ: trên gương mặt, lộ một vẻ buồn, hoàn toàn thành thực. Chàng liền thở dài thuật lại đoạn tình sử:
Cách đây hơn một năm. Địch xin phép nghỉ dài hạn lên chơi Lạng Sơn. Chàng trọ ở khách sạn. Một người bạn học cũ làm giáo sư thường rủ chàng đi xem xét các vùng quê dân thổ.
Về sau ông giáo mời Địch đến ở nhà mình cho vui và đỡ tốn tiền vô ích.
Gần đấy có một hiệu buôn lớn. Cô Lan, con gái chủ hiệu, có chút nhan sắc, thứ nhan sắc mảnh khảnh, yếu đuối, sầu mộng, mơ màng. Cố nhiên, chiều chiều qua cửa, hai anh em bạn thường liếc mắt mỉm cười. Thấy gái đẹp, ai nỡ không ngắm nghía và khen thầm...
Ngờ đâu sự ngắm nghía khen thầm và những cái liếc mắt mỉm cười chẳng bao lâu đã trở nên tình ái. Lan yêu Địch, yêu say mê, đắm đuối. Trước còn thư đi thư lại, sau hẹn hò ở những nơi vắng vẻ, trên núi Tam Thanh, trên đường Kỳ Lừa, Địch dối rằng mình là Nguyễn Văn Siêu, sinh viên năm thứ ba trường thuốc. Nguyễn Văn Siêu không phải là một tên bịa đặt, chính là tên bạn Địch mà lúc vội đáp lại câu hỏi của tình nhân chàng đã thốt đọc ra. Anh chị chỉ non thề biển trong mấy tuần lễ, đinh ninh rồi sẽ lấy nhau.
Địch vẫn tưởng đùa giỡn cho đỡ buồn, trong thời kỳ đi nghỉ mát, nhưng khi về Hà Nội chàng mới hiểu rằng "Không nên đùa với ái tình". Câu ngạn ngữ Tây phương ấy, chàng phải mỉm cười nghĩ đến, một lần tiếp được thư Lan gởi cho chàng qua tay người bạn học trường thuốc. Trong vòng một năm, chàng nhận được hơn năm chục cái bức thư, nghĩa là đổ đồng tuần lễ một bức. Chàng thì một tháng mới phúc đáp một lần, và chàng cố gọt dũa câu văn cho cảm động cho âu yếm, xứng với những lời thành thực, nồng nàn tha thiết của Lan.
Bẩy tám tháng sau, Địch cảm động thật vì chàng thấy Lan khổ sở, đau đớn, nhớ thương quá đỗi, nhất là chàng đã được tin Lan ốm, chẳng hạn ốm tương tư. Từ đó, thư của Lan một ngắn một thưa, tuy lời thư càng nồng nàn, âu yếm hơn trước.
Địch cũng toan lên Lạng thăm Lan, nhưng nấn ná mãi cho đến hôm nay nhận được tin Lan mệt nặng, có lẽ sắp từ trần.
Địch cố lấy giọng thản nhiên, lạnh lùng kể cho vợ nghe, thêm bớt sự thực đi đôi chút cho câu chuyện đỡ sống sượng mà khỏi làm phiền lòng Nga, người vợ mà chàng vừa yêu, vừa kính...
Nga yên lặng, ngồi đăm đăm nhìn qua cửa sổ ra đường, tưởng như câu chuyện tình kia không lọt vào tai nàng.
Đồng hồ đánh ba tiếng, Nga không quay lại.
- Vậy mợ ở nhà nhé, vậy em ở nhà, anh đi thăm người ta một tí chẳng không kịp, tội nghiệp, nghĩa tử là nghĩa tận, em tha thứ cho anh vì đã trót dại dột.
Nga vẫn ngồi im không nói, không động đậy.
Địch ghé mặt định hôn Nga, Nga se sẽ ẩy ra.
Địch đứng ngắm vợ vài giây, trong lòng do dự... Bỗng chàng thở dài, xách va li chạy tuột ra xe, bảo tài xế mở máy.
Nghe tiếng còi ô tô, Nga giật mình nhớn nhác nhìn quanh như người mất trí nghĩ. Vú già đến nói:
- Mời bà xơi cơm.
Nga nghiễm nhiên đứng dậy, cầm khăn bàn giật mạnh, bát canh đổ hoen màu trắng, và mấy đĩa món ăn rơi xuống đất vỡ loảng xoảng.
Rồi nàng vào buồng, trong khi vú già, người đầy tớ trai thu dọn, lau chùi. Một lát sau nàng đi ra xách ví, mặt hầm hầm tức giận.
*
Gần bẩy giờ chiều, ô tô thuê của Địch đỗ ở trước cửa nhà Lan. Giữa lúc ấy, một cái ô tô cũng từ từ hãm máy ngay phía sau.
Nhưng Địch không lưu ý gì hết, vội vàng mở cửa xe, nhẩy bổ ra ngoài. Cửa xe sau cũng mở, một người thong thả bước xuống. Trời mùa đông đã tối hẳn, hai người theo nhau như hai cái bóng đen, dưới ánh đèn điện lờ mờ, lần bực thang gạch bước lên gác.
Đến hiên gác, gặp y sĩ, Địch giữ lại hỏi:
- Thế nào, thưa ông?
Ông kia lắc đầu.
- Hết hy vọng. Khéo lắm được đến nửa đêm.
Rồi ngắm nghía nét mặt lo lắng của người mới tới, nói tiếp;
- Ông là ông Nguyễn Văn Siêu sinh viên năm thứ tư trường thuốc.
- Vâng.
- Vậy ông vào ngay. Cô Lan mong ông từng giây từng phút.
Địch bắt tay thầy thuốc, rồi rón rén mở cửa phòng, nhưng vừa đóng, cửa phòng lại mở ra liền. Địch quay nhìn. Nga, vợ chàng đứng ngay sau lưng. Chàng hoảng hốt kêu:
- Trời!
Rồi đánh rơi cái va li xuống sàn gác.
Lan nằm trên giường bệnh, sẽ hỏi người mẹ ngồi bên:
- Ai đấy, mẹ?... Có phải anh Siêu đã lên không?
Nga vẫn đứng yên đó không dám tiến, không dám lùi, nhưng ngây đờ ngắm người sắp chết, gầy xẹp như bộ xương dưới cái chăn chiên trắng, và bao nhiêu sự ghen tuông, tức tối, thù ghét đã biến đi để nhường chỗ cho một lòng trắc ẩn, cho một lòng nhân đạo. Thong thả Nga tiến đến bên giường. Địch sợ hãi suýt ngã ngất. Vội vàng Nga đã lên tiếng giọng cảm động, thành thực.
- Vâng, thưa chị, anh em đã lên, anh em đã lên với chị. Em là Nga, là em gái anh Siêu. Em sợ anh em đau đớn quá ngất đi ở giữa đường chăng, nên em theo kèm để giữ gìn, để khuyên can.
Nga vừa nói vừa cầm lấy tay người ốm. Thấy chồng vẫn đứng sững giữa nhà, nàng quay lại gọi:
- Kìa anh, sao không lại với chị?
Ngoan ngoãn, thong thả, Địch đến gần chào người mẹ khốn nạn, rồi ngồi xuống một cái ghế đặt bên cạnh giường.
Lan ứa nước mắt nhìn tình nhân. Bà lão mếu máo, kể lể:
- Khổ quá, nó yêu thầy mà nó giấu tôi, mãi hôm qua nó mới thú thực cả với tôi. Nó bảo thầy chờ thi xong rồi cưới nó làm vợ. Có thế không?
Địch lo lắng nhìn vợ. Nhưng Nga đã đổi lời, thẳng thắn đáp lại:
- Thưa cụ vâng, có thế, anh cháu đã xin được phép thầy mẹ cháu rồi. Thầy mẹ cháu vẫn định ra giêng sẽ cùng cháu lên hỏi xin chị... Xin chị Lan cho anh cháu...
Rồi quay nói với Lan:
- Này chị Lan, chị cố uống thuốc cho chóng khỏi để em chóng được làm em dâu chị nhé, em nghe anh khen ngợi chị, mà em yêu chị quá, cả thầy lẫn mẹ em cũng thế, chị ạ.
Một nụ cười yên lặng hơi hé cặp môi nhợt nhạt của người sắp từ trần, và bàn tay Lan nắm chặt lấy tay Nga.
Nhưng Nga đã đứng dậy và thì thầm với người mẹ: "Cụ làm ơn đưa cháu sang buồng bên nằm nghỉ một lát". Bà kia hiểu ngay rằng cô em muốn để anh được tự tình mấy câu với con gái mình, liền cùng Nga xuống nhà dưới.
Ba ngày sau, Lan tắt nghỉ, đem theo trong giấc ngủ ngàn năm một nụ cười sung sướng.
Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2023
NỖI BUỒN - Lê Tất Điều
Thứ Năm, 10 tháng 8, 2023
XÁC TƯỢNG - Mường Mán
Thứ Hai, 7 tháng 8, 2023
BÓNG TỐI BUỔI TRƯA - Nguyễn Mộng Giác
Từ phòng hồi sức, tôi được đưa qua trại 10. Giường của tôi nằm ngay
trong góc phía trái, nơi trú ẩn của bóng tối, của ẩm mốc và của đàn muỗi
đói khát. Cho nên mỗi lần thấy có người lạ mặt bước vào phòng dớn dác
nhìn quanh, chính tôi phải lên tiếng trước họ mới tìm ra. Vả lại, cả hai
chân tôi băng bột, cánh tay trái treo trên đỉnh mùng, mặt mũi băng bông
trùm kín, thì có thánh mới nhận ra thằng Liêu ba hôm về trước.
Sáng
nay, anh y tá vừa đến lấy nước tiểu đem lên phòng thí nghiệm, thì một
người đàn ông lạ mặt, đeo kính lão tóc hớt ngắn có cái mũi đỏ sần sùi
đến tìm tôi. Chắc có người chỉ dẫn trước nên ông ta xăm xăm tiến tới chỗ
tôi nằm, cúi chào rồi tự giới thiệu:
"Tôi là phó chủ tịch nghiệp đoàn công nhân xây cất".
"Cụ chủ tịch cử tôi lo vụ này. Sáng nay tôi có ra đảo. Tôi có bắc thang leo lên xem xét cánh tay của pho tượng. Thật không ngờ..." Ông phó chủ tịch dừng lại, ý chừng để chờ tôi lên tiếng hỏi, hoặc biểu lộ sự tò mò hiếu kỳ lên nét mặt. Nhưng ông ta quên rằng cái mặt tôi đã bị băng kính và loang lổ thuốc đỏ, còn cách nào đâu mà biểu lộ. Chờ một lúc, ông ta đành nói:
"Anh biết không, cánh tay cầm gươm của pho tượng gãy ngay chỗ cùi chỏ. Cốt sắt bên trong nhỏ tí teo, gãy là phải. May nhờ có mấy vòng dây thép gai lão thầu quấn quanh thanh sắt cho ăn vữa, nên cả cánh tay lớn không rơi xuống. Nếu không, anh đã tan xương ngay tại đảo rồi. Lão thầu tham lam muốn lời cho nhiều, mới xảy ra cớ sự. Tuy cánh tay tượng chưa rơi trúng anh, nhưng vì phải tránh né mà anh lăn xuống sườn đồi. Đây là một tai nạn lao động. Nghiệp đoàn sẽ kiện lão thầu ra tòa, đòi bồi thường xứng đáng cho anh..."
Tôi chán nản không trả lời. Ông phó chủ tịch cầu chúc qua quít một vài câu nhạt nhẽo rồi ra về.
Ông ta vừa đi được mười phút, thì Thương đến. Không ai chỉ dẫn cho nàng cả nên tôi vừa hồi hộp vừa lo âu nhìn nàng lăng xăng hỏi hết người này sang người nọ trong trại 10. Tôi không muốn gặp nàng lúc này, khi thân tàn ma dại đến độ chỉ còn là cái xác ướp kỳ dị trong các ngôi mộ cổ Ai Cập. Tuy thế, Thương vẫn tìm đến chỗ tôi nằm. Nàng để rơi thân hình nhỏ nhắn lên chiếc ghế sắt, hai bàn tay mềm ấm nắm lấy cánh tay phải của tôi. Nàng nói, giọng lạc đi, run run vì xúc động:
"Anh, anh tha tội cho Thương. Đã nhiều lần em nói với anh là xin anh hiểu giùm hoàn cảnh của Thương. Em không thương anh, thì còn thương ai nữa. Anh là đời sống của em, là hơi thở, là thịt xương, là... là tất cả đời em. Có anh thì em vui, không có anh, đời em còn gì nữa đâu. Tối hôm đó em không ra biển được, vì nhà có kỵ. Em quên, không cho anh biết".
Tôi gắng xoay người lại nhìn Thương. Tội nghiệp cô bé. Đôi mắt cô bé, nhờ ánh sáng yếu ớt chiếu từ cửa sổ bên kia, đầy ắp sự hối hận, thương xót, đau đớn, lo sợ. Nàng tưởng chính nàng là người chịu hoàn toàn trách nhiệm của tai nạn. Tôi muốn cải chính. Nhưng vết thương bên má làm cho tôi đau đớn. Có lẽ miệng tôi hơi méo lại khi muốn nói, trông như tôi đang mếu. Thương khóc oà lên:
"Thà như vậy. Em chỉ sợ anh lạnh nhạt với em, nằm im không nói năng. Anh hiểu cho em không anh Liêu. Hiểu giùm cho em đi. Thú thực nhiều lúc thấy anh thương em quá, em phát sợ. Mắt anh chỉ toàn lửa và lửa. E mình có đáng gì đâu. Em đã nhắc lại câu ấy nhiều lần mà anh không chịu nhớ. Bây giờ em nhắc lại lần nữa: Em xấu xí, nghèo nàn, còn nhiều cái tầm thường nữa. Em có đáng gì đâu mà vừa sai hẹn tối hôm trước, sáng hôm sau anh đã liều thân thế này".
Tôi không biết nói gì, sợ xua mất chút nắng đẹp trong tâm hồn cô bé. Tôi bóp nhẹ lên bàn tay mềm của Thương, ra dấu hiểu nàng và cảm ơn. Thương xúc động lắm, đưa khăn tay lên lau nước mắt. Rồi nàng lột cam cho tôi ăn. Tuy nước chua làm rát vết thương trong lưỡi, tôi vẫn cảm thấy tất cả sự khoái lạc bệnh hoạn. Lúc ăn đến múi cam chót, tôi cố rướn người lên hôn nhẹ lên hai ngón tay Thương.
Nàng vui sướng, ngồi kể chuyện huyên thiên, hết chuyện nhà cửa đến chuyện mấy đứa em trai tinh nghịch. Nếu anh y tá không trở lại, chắc nàng còn sa đà nói mãi nói mãi. Chờ Thương ra khỏi phòng, anh y tá mới bảo:
"Anh đưa tay phải tôi lấy thêm vài xê xê máu. Thật phiền. Họ bắt chúng tôi thử đủ thứ: nào nước tiểu, nào máu, nào phân, nào nước miếng... Anh chỉ bị gãy xương và xây xát khắp mình mẩy, bệnh đã rõ, việc gì phải lôi thôi".
Tôi cố dằn đau đớn, phều phào hỏi:
"Thử làm gì mà thử hoài vậy?"
Y tá thấy tôi nói được, có lẽ vui mừng vì tìm ra người tri âm, liếng thoắng giải thích:
"Anh biết làm sao không? Đây là tôi nghe lỏm được trên phòng quản đốc. Anh đừng kể lại cho ai nghe nhé. Hãng bảo hiểm của nhà thầu muốn khỏi mất tiền, đến năn nỉ xin bác sĩ xác nhận xem có phải anh mắc một chứng nan y nào đó, hoặc anh có máu điên trong người hay không. Ông ta bảo: từ chỗ pho tượng đến mé vực khá xa, không thể bảo như bên nghiệp đoàn là vì né tránh mà anh rơi xuống sườn đá dốc. Chỉ còn có một cách giải thích: anh mắc chứng nan y mà tự vận, hay có máu điên trong người, chúng tôi phải thử đi thử lại hoài, chỉ vì vậy".
Anh y tá đã lấy máu xong, cầm ống nghiệm và xê ranh đứng dậy. Thấy tôi nhìn theo, anh bông đùa:
"Anh có điên không, nói quách cho họ biết, để họ khỏi hành hạ tụi tôi". Người y tá đi rồi, tôi nằm hoang mang cả buổi sáng. Ừ, vì sao mình làm thế? Mình có điên có khùng đây? Khi nào bình phục và lãnh tiền bồi thường xong tôi cũng phải kể lại sự thực, để tự tôi bồi thường cho tôi một chút danh dự. Tôi sẽ kể sự thực. Sự thực đại khái như thế này, vì tôi chưa dám chắc những điều tôi biết, những hình tôi thấu, những tiếng tôi nghe.
Buổi trưa hôm đó, trời nắng gắt lắm. Pho tượng coi như đã hoàn thành, vì toán thợ mười hai người chúng tôi đã gắng quét một lớp xi măng mỏng bên ngoài suốt cả buổi sáng. Ông chủ thầu cười nói hỉ hả, hẹn đem xôi và thịt quay ra cúng mừng rồi đãi chúng tôi một bữa nhậu no nê vào bốn giờ chiều. Ăn xong, dọn dụng cụ đồ đạc về phố luôn thể. Ông chủ vào đất liền rồi, các bạn tôi không biết làm gì, gọi một chiếc thuyền đánh cá đến xin quá giang vào bến. Tôi cảm thấy bực bội điều gì không rõ. Có thể vì Thương không đến chỗ chiếc ghế đá dưới bãi cát tối hôm trước, bắt tôi phải bồn chồn đợi nàng suốt ba giờ liền. Cũng có thể vì tôi nhức đầu vì hơi bị cúm, không được khỏe lắm. Anh em mừng rỡ khi nghe tôi nhận lời chịu ở lại đảo giữ đồ đạc.
Cả bọn đi rồi, tôi ngồi bó gối dưới chân tượng. Từ mỏm núi nhìn ra, biển xanh tiếp nối đến tận chân trời. Trên cao mây đã bay đi, còn lại bầu trời trong xanh và một mặt trời hực lửa. Chung quanh tôi, những tảng đá nhọn loang lổ rêu xám, những bụi ốc mèo cằn cỗi gai đâm tua tủa, những viên sỏi tròn nhẵn vì lăn lóc biết bao lần trong khoảng thời gian vô tận. Tôi chói mắt vì mặt trời. Tôi ngộp trong bao la. Cảm thấy nghẹn thở vì sự đìu hiu cũng mênh mông chẳng kém gì trời và nước. Tôi núp mát dưới bóng pho tượng, nhìn bâng quơ ra phía trước mặt nhưng chỉ thấy những hình ảnh mờ nhạt, hỗn độn sắc vàng chói và màu xanh dương. Chán nản. Tôi hối hận đã tình nguyện ở lại đảo. Ray rứt, tôi muốn làm một cái gì cho qua thì giờ. Không có lấy một tờ báo, một quyển sách. Tôi đến gần chỗ bờ vực, kề sát bên một vách đá dựng đứng xuôi tuột xuống bể sâu. Tưởng tượng mình rơi tõm xuống đây, chìm vào hư vô, tôi cảm thấy sợ hãi vội lùi lại. Phía tay phải sườn núi khá dốc. Tôi đá hất một viên sỏi dưới chân. Viên sỏi rơi vào thung lũng dưới kia, lặng lẽ vô nghĩa như một làn gió thổi qua đỉnh núi trọc, không tạo nổi một tiếng vi vu hay một tiếng lá xì xào.
Trời trở về chỗ pho tượng, vô tình nhìn xuống bóng mình di động trên mặt đất phẳng. Tôi tìm ra được một thú tiêu khiển.
Tôi đứng thu mình lại cho bóng tôi chập vào chân phải của pho tượng. Rồi tôi lại sang đứng bên phía chân kia. Tay trái pho tượng thả xuôi bên hông. Tôi ngồi xuống, cho bóng tôi giống như một món đồ Đức Trần Hưng Đạo mang theo khi ra trận. Bóng của tôi tròn vo, giống y một cái đầu lâu. Một cái đầu của giặc Nguyên mà vị anh hùng dân tộc vừa dùng gươm chém lìa khỏi cổ. Ý tưởng đó khiến tôi lạnh xương sống, vội choàng đứng dậy. Tôi đi dần ra mé núi, đứng ngay nơi bóng mũi gươm. Tôi trở thành một tên phù thủy, có phép khinh công lão luyện nên đứng được chênh vênh trên mũi gươm một vị anh hùng. Bóng tôi vươn cao hơn cả bóng tượng.
Tôi cười lên thích thú. Tiếng cười vang ra, vọng lại từ vách núi đá, nghe lạ hoắc. Tôi thử cười a ha lần nữa, lần này to hơn lần trước. Tiếng vọng dõng dạc. Vách núi dựng phía sau lưng, thung lũng màu xanh pha nâu phía tay phải, bờ đá cheo leo sụp đột ngột xuống mặt biển xanh trước mặt và phía trái. Chung quanh đây chỉ có cao, sâu, rộng, lớn. Chỉ có vĩnh cửu, bao la mênh mông, thăm thẳm. Tôi đứng ở giữa. Bóng tượng đổ thấp bên dưới. Chợt nhớ đến phim Tarzan coi thời thơ ấu, tôi bắt hai bàn tay làm loa, ráng hú thật lớn thật dài như vị chúa tể rừng xanh Phi châu. Tiếng hú vang vọng qua bao nhiêu vách đá, làm lung lay mấy bụi ốc mèo cằn cỗi trên đồi, và xao động cả mặt sóng xanh. Quá thích thú, tôi hú tiếng thứ hai, rồi tiếng thứ ba. Cổ tôi bắt đầu rát. Đến khi hú xong tiếng thứ năm, nhìn xuống mặt đất trước mặt, tôi giật mình sững sờ. Hình như bóng pho tượng đang cử động, Không tin ở mắt mình, tôi cố lấy hết sức bình tĩnh nhìn kỹ một lần nữa. Phải rồi, hình như cánh tay cầm gươm của Ngài cử động, bóng lưỡi gươm càng ngày đưa sát vào cái bóng bé nhỏ của tôi. Kinh hãi đến cùng cực tôi ngước lên nhìn pho tượng. Quả nhiên, tôi đã không lầm. Ngài đang từ từ hạ gươm xuống, gân cốt Ngài kêu răng rắc và từng mảng xi măng trên áo giáp của Ngài rơi tơi tả trên mặt đất. Mắt tôi nhìn chăm chăm vào lưỡi gươm. Hai tay tôi đưa lên cao che lấy đầu, trong khi chân tôi tự động lùi lại, lùi lại dần, cho xa cho thoát khỏi lưỡi gươm thiêng của Ngài. Đến lúc chân bước hụt vào khoảng không, và bị lăn xuống thung lũng, tôi không còn biết rõ điều gì nữa.
Có lẽ giờ đây chỉ còn lại một điều, một điều hồ nghi: Phải chăng tiếng hú chất chứa bao nhiêu phẫn uất dồn nén trong cuộc sống đìu hiu của tôi, tiếng hú giữa nơi chỉ có mây và đất đá cỏ cây vô tri, đã vô tình phạm đến danh dự Ngài. Và Ngài đã giận dữ hạ dần lưỡi gươm bén.