Gió thổi tiếng nói Hà táp vào mặt tôi ấm dịu, gần gũi:
- Ngày đêm em loanh quanh trong nhà như một con kiến, có chết chóc chi đâu? Các anh sao người nào cũng ham đi thế?
- Bởi các anh đứa nào cũng bị sao Thiên Mã chiếu mệnh.
- Còn em?
- Sao Trụ Trì.
- Em bị sao Quẩn Quanh chiếu mệnh thì đúng hơn.
- Ừ! Biết đâu.
Sao Quẩn Quanh, sao Trụ Trì. Có không? Tôi cười. Đêm khoanh tròn trong mắt Hà hai chấm đen căng xoáy.
- Năm anh bỏ đi Hà mấy tuổi nhỉ?
- Mười chín.
- Bây giờ?
- Hăm ba.
- Mau ghê.
Hà thản nhiên:
- Không mau lắm đâu. Râu anh chư dài tới ngực, tóc em chưa bạc mà. Ngày nào chống gậy tới thăm nhau, họa may em mới chắc anh không ham đi nữa.
- Còn đi chứ.
- Hơi sức đâu nữa đòi đi?
- Đi tàu suốt. Chuyến cuối cùng. Địa chỉ đến : Nghĩa trang.
- Chắc gì đã nghĩa trang, anh?
- Ừ nhỉ.
Không nghĩa trang thì một góc xó nào đó, dọc đường, từng xa truông lạ, thôn bản đìu hiu, hoặc đồng không mông quạnh (?) Dẫu nơi chốn nào cũng chỉ trên mặt đất này, đố trốn chạy cho thoát.
Câu chuyện không dưng quặt qua ngõ ngách lạ kỳ. Tôi dắt Hà trở lại: còn trẻ quá, nghĩ tới nghĩa trang chi sớm cho lạnh mình.
- Anh về, Hà mừng không?
- Lâu lâu về, các anh ai cũng hỏi em câu đó. Mừng không!
- Thế Hà trả lời các anh San, Thuận, Thuyên thế nào?
- Chẳng muốn ai buồn cả, em đều bảo là mừng.
- Anh về, Hà không mừng cũng chẳng sao.
- Mừng chứ. Mừng anh còn nguyên vẹn tay chân. Mừng anh có vài cái khang khác.
- Khác lạ gì đâu?
- Ví dụ năm xưa miệng anh cười ngó hiền hiền, nay trông đểu đểu. Hai gò xương lưỡng quyền ngày càng có khuynh hướng nhô cao và, hình như những sợi râu có vẻ cứng hơn.
- Gì nữa?
- Mai ra chợ em mua cho anh tấm gương soi.
Tỉnh táo. Ráo hoảnh. Đoan quyết. Hà khác xa Hà trong trí tưởng tôi lúc chưa gặp. Giữa mười chín và hăm ba: Khoảng thời gian Hà tăng tuổi lớn, tôi vắng mặt. Thời gian ngấm ngầm tăng bề dài, khơi chiều rộng trong cốt tủy Hà mười chín lặng lẽ, và, một hôm Hà hăm ba hiển hiện trước mắt tôi với ít nhiều ngạc nhiên thú vị.
- Anh thấy em có chi lạ không?
- Nửa quen nửa lạ.
- Là thế nào?
Làm sao tôi nói cho Hà hăm ba hiểu rằng tôi đang muốn xăm xoi, xét nét nàng in nhà khảo cổ chú mục vào các đường nét mơ hồ của một bức cổ tượng. Để làm gì? Thật giản dị: Để được thấy lại vóc dáng của Hà mười chín mà không vướng bận, ám ảnh bởi một tơ hào nào của Hà hăm ba cả.
Từ Hà mười chín môi đỏ tóc dài, cùng lúc tôi sẽ được nhìn lại khung cảnh rộng lớn dựng xanh ngất của một thời, một số đêm và ngày, ngày và tháng. Đã cũ.
Nói cho rõ hơn, chỉ có Hà mười chín mới đủ phép phù thức dậy những cái mê ngủ trong tô. Còn Hà hăm ba? - Xa lạ quá.
- Hà còn nhớ năm Hà mười chín tuổi không?
- Quên bặt. Trừ vài hình chụp còn lồng trong khung kính. Từ ngày anh Phan bỏ đi, mẹ và em chẳng ai ngó ngàng gì tới.
- Hà còn giữ tấm hình chụp cả bọn hôm đi chơi núi Ngựa Trắng?
- Hình như còn.
- Hôm đó một nhánh cây móc vào vai, xé rách áo Hà. Nhớ không?
- Lẩm cẩm vừa thôi, ông anh. Nhớ gì kỹ thế?
Gió dường thổi mạnh hơn. Dưới bóng những tàng cây rợp, lỗ đỗ ánh trăng, nom Hà xanh mướt. Khuôn mặt, hai bàn tay trần bật nổi trên màu áo thẫm. Tôi quay nhìn nhanh bờ vai bên trái người con gái: Chẳng có vết xước rách nào ở đó. Hà mười chín với vai áo rách, môi ngước mắt cười, kiễng chân trên gộp đá cao, tóc và áo phất phới lẫn vào màu mây - chẳng còn nữa. Bây giờ, Hà trầm lặng, thủng thỉnh, như chiếc bóng, hơn thế, tựa một vệt khói, bên tôi.
- Nhận được điện tín, anh ngạc nhiên?
- Anh thu xếp mọi việc và đi ngay. Suốt chuyến bay anh mong lúc bước xuống phi trường thấy có Phan ra đón.
- Anh Phan chắc không bao giờ về nữa. Mẹ em cũng chưa chết.
Tôi lạ lùng nhìn Hà:
- Sao em đánh điện tín...?
- Đó là cách gọi anh về nhanh nhất. Quẩn quanh mãi buồn quá, thỉnh thoảng em lại đánh điện tín bảo bà cụ mất để gọi một người về. Tháng trước anh Thuyên cũng đã về với cái điện tín tương tự.
Giọng Hà thư thái, sao tôi nghe chừng như muốn khóc. Điều nàng vừa nói quả là bất ngờ. Buồn. Thỉnh thoảng gọi một người quen thân về. Trò chơi đánh điện tín báo tử kỳ dị ấy ai dạy Hà thế? Càng lúc tôi thấy Hà càng lạ lùng. Hà mười chín không còn nữa. Đừng tìm kiếm, hoài công.
- Biết rõ bà cụ chưa chết. Anh ghét em lắm không?
- Không. Sao Hà không bảo thẳng, buồn, mong anh về chơi ít hôm.
Hà xúc động:
- Dường như các anh chỉ thương bà cụ, không ai thương em hết.
- Không có đâu.
- Em thường nghĩ đến lúc bà cụ chết thật rồi, chẳng biết đánh điện tín thế nào các anh mới chịu về.
Hà nói như thể cho riêng mình nghe. Mặt đường, vầng trăng, đêm tối, tôi và những hàng cây phút chốc biến lẫn vào mênh mông thế giới khác, Hà tách biệt thành chiếc bóng lẻ loi, lừng lững. Chiếc bóng quen thuộc bao năm của khu vườn, ngôi nhà hiu quạnh.
Bằng cách nào Hà đã sống trong những năm qua, bên cạnh một người nằm đợi chết? Nỗi lạnh lẽo hẳn đã ngấm vào mỗi đầu xương chân tóc, thành dưỡng chất nuôi nàng khôn lớn.
- Bà cụ dạo này khỏe hơn không?
- Bà không nằm liệt giường nữa.
Tôi mừng:
- Hy vọng ngày Phan về bà vẫn còn.
- Từ hơn hai năm nay bà không bao giờ ngủ. Bà thức chờ anh ấy một cách kiên tâm và ngoan cố.
Thức chờ. Hai tiếng gọn hẫng, bật sáng trong trí tôi một đôi mắt đăm đăm, thinh lặng. Bà cụ. Tôi chưa bao giờ được gặp mặt.
Chiếc giường kê đâu đó sau tấm màn rủ chùng từ xuân thu này tới đông hè kia. Dấu hiệu của kẻ nằm trên giường còn sống là những tiếng ho ngắn khẽ len thoát rung rinh cùng mưa nắng bên ngoài. Tôi chỉ biết sau bức màn có một hơi thở và, kẻ được quyền chung lẫn với hơi thở ấy chỉ là Hà hoặc Phan, không ai khác được quyền đến khuấy rộn cái không gian bằn bặt của bà cụ.
Ngôi nhà cơ hồ thường trực đắm trong biển im lặng lớn. Mỗi lần ghé lại, tôi hoặc San, Thuận, Thuyên lui tới với Hà, Phan quanh quất trong vườn, bên chiếc hồ nuôi cá hình bán nguyệt (sau ngày cha chết, Phan không nuôi cá nữa, dùng hồ trồng sen). Chúng tôi cười nói rất giới hạn, ngại làm kinh động sự yên tĩnh của bà cụ.
Phan vui vẻ một cách trầm tĩnh, chí thú theo đuổi việc làm hắn ưa thích: Nắn tượng. Phần lớn tượng làm ra Phan dàn bày ngay trong vườn. Những pho tượng đứng ngồi ngổn ngang dưới những cội cây càng tăng thêm vẻ tịch lặng của ngôi nhà cổ; càng phả vào không gian vốn đã xanh mướt màu cây trái cái không khí mê hoặc của cổ tích, thần thoại. Và, có lẽ không khí ấy đã quyến rũ tôi một thời thích lui tới với Hà, Phan, thay vì đến các nơi chốn nhiệt náo khác.
Lắm lúc tôi tới, chỉ khẽ chào Hà, Phan, rồi lẳng lặng trong một góc vườn với cuốn sách mở trên tay, tới trưa, chiều, khách ra về lúc nào chủ nhà không hay. Nhiều buổi tụ tập đông đảo, cả bọn quây quần trên cỏ ăn uống, nhậu nhẹt, tán láo. Hà khép nép tham dự, Thuận phá phách, Thuyên lém lỉnh, San lừ đừ, Phan trầm lặng. Đó là một thời đẹp, không ai muốn chấm dứt, nhưng rồi cũng đến lúc phải chia tay, đứa dông đứa đoài, đứa bỏ quê đứa quên xứ.
Sự ra đi của Phan chẳng có đứa nào hiểu nổi. Hắn bỏ lại bà cụ, cô em gái, bầy tượng ngổn ngang trong vườn không một lời thưa gửi. Chỉ tội nghiệp Hà sớm tối quẩn quanh. Phép lạ nào còn níu giữ Hà ràng buộc với khu vườn, ngôi nhà như chốn lãnh cung ấy? Nếu có vòng hoa dành xưng tụng kẻ chịu đựng cô đơn bền bỉ, tôi nghĩ, vòng hoa đó phải quàng tặng Hà.
Gió thổi không ngớt. Sương mù giăng xanh những cổng ngõ đóng kín. Con đường dần đưa lên những vùng đất cao hơn. Dưới trăng, màu hồng sỏi trải heo hút trên lối rẽ về ngoại ô. Chúng tôi bỏ đường lớn - trước khi lên tới chân dốc - đi men theo lối sỏi lập lờ giữa hai hàng cây muối già. Lối sỏi nhiều lần tôi đi qua, nhớ từng cổng nhà, từng khúc khuất ngoặt.
Hà ngửa mặt nhìn vầng trăng trên trời:
- Mỗi lần đi đâu về tới con đường này em đều thấy sờ sợ. Sợ phải về tới nhà, trong khi chân vẫn bước. Em nghĩ lúc nào đó em sẽ không còn quay lại con đường này nữa, như anh Phan.
Tôi nắm lấy bàn tay yếu đuối của Hà bóp nhè nhẹ:
- Thương bà cụ, đừng bỏ bà một mình.
- Nhiều khi em mong cho mẹ em chết. Đỡ khổ cho cả hai. Em đã nghĩ đến việc bỏ thuốc độc vào thức ăn, một lối giải thoát...
Đôi vai nhỏ chợt rung. Hà bật khóc.
Tôi nghe rất rõ tiếng bước chân mình vang trên lối sỏi vụn, cùng tiếng sấm động mơ hồ trên mây.
Vầng trăng tựa cái lòng đỏ hột gà lớn nổi giữa mặt hồ phẳng lặng. Ánh đèn dịu bên trong khung cửa giống ngọn lửa mê hoặc nhìn thấy từ thế giới nào khác. Gió bí mật truyền rao qua lá những lời thì thầm của lũ tượng đứng lẫn với cây cối trong vườn.
- Từ ngày anh Phan đi, tất cả đều khoác lớp áo chết. Anh thấy không? Bờ hồ đóng đầy rêu, bởi không còn ai ghé ngồi. Những lối đi trong vườn mọc cao cỏ rậm. Nhiều đêm em mơ thấy lũ tượng rủ nhau lang thang quanh nhà. Chúng ca múa, khóc lóc, gọi tên anh Phan không ngớt. Có khi em còn mơ thấy anh Phan biến thành tượng đứng sững nhìn xuống mặt hồ, em kêu, anh ấy chẳng thèm ngó lại. Sau những giấc mơ, em chỉ biết khóc.
Tôi dìu Hà ngồi xuống bờ hồ ẩm rêu sương:
- Anh muốn vào nhà thăm bà cụ. Gặp anh, có lẽ bà nguôi nhớ Phan phần nào.
- Không. Đừng. Mẹ em không cho ai bước vào nhà, nếu người đó không phải là anh Phan. Suốt ngày đêm bà đứng tựa cửa...
- Nhưng anh là bạn thân của Phan, của gia đình Hà.
Hà cuống quít lắc đầu:
- Không thể được.
Giọng nói yếu như thể làn nước lướt trên mặt hồ, xót buốt, tê dại. Tôi nhìn hút vào khung cửa lay lắt ánh đèn ảo dị, cố mường tượng một dáng người đang đang đứng đâu đó bên trong, dõi đôi mắt tìm kiếm vào mênh mông đêm tối. Lúc này tôi chợt hiểu tại sao Hà đã rón rén mở cổng, dẫn tôi vào vườn chùng lén như kẻ trộm. Bà cụ không muốn ai khác, ngoài Phan, bước vào thế giới trầm mặc ma mị này?
Đêm nồng hương cỏ cây. Mùi hương ải mục cất giữ lâu năm dưới trùng trùng lớp bụi, giờ theo gió tán lạc dật dờ. Trong chập chùng bóng lá, những môi cười, tay buông, ngực trần, vai nghiêng của lũ tượng lấp ló, phơi lộ dưới ánh trăng, nom ngô nghê quyến rũ. Chỉ cần thổi mớm cho chúng một hơi thở thánh thần hay ma quỉ gì đó, tôi nghĩ, chúng sẽ ca múa, bước đi, khóc cười kể lể. Biết đâu Phan lên đường để kiếm tìm hơi thở kỳ diệu ấy về mớm cho lũ tượng vô hồn của hắn, dựng dậy một cảnh trí hoang đường mới lạ, trong đó con người không giống bất cứ ai, nhưng rất giống con người hắn mơ tưởng. Hoặc giả, Phan đã chán mứa mọi vẻ đẹp dưới bàn tay phôi dựng của mình, hắn đi tìm những vẻ đẹp óng ả, lộng lẫy hay tục tằn thô bạo khác. Dù thế nào, tôi tin, Phan sẽ bất lực, hắn không tài nào lột tả hết nỗi phiền muộn u linh trong đôi mắt ngóng chờ của bà cụ, trên bất cứ một hình tượng nào.
Rồi có ngày Phan trở về, tay cầm lăm lăm lưỡi búa đập nát tất cả, hay hắn sẽ về trầm lặng, ngoan ngoãn như một con chiên quỳ hôn, vái van trước mọi vật vô tri trong khu vườn này?
Chiều xanh trưa vàng đêm trắng, Hà dìu những cơn mộng bước quẩn quanh, mắt ngơ ngác và hồn ngơ ngác. Cho tới bao giờ? Chẳng còn ngờ gì nữa. Hà mười chín đã vĩnh biệt. Bây giờ, Hà hăm ba đang sống trong xác tượng. Rồi hôm nào nàng cũng sẽ khoác áo rêu phong, đứng câm lặng ngây ngô trong góc vườn, với nụ cười bất tuyệt hoặc giọt nước mắt rơi hoài không tới đất. Chỉ có chim chóc, nắng mưa đọc thấy những buồn vui của nàng.
Vài sợi tóc Hà xuôi theo chiều gió bay vướng ngang miệng tôi, tôi ngậm lấy, tưởng chừng ngậm nỗi buồn tê nhạt.
- Hà vẫn một mình từ năm mười chín?
- Hà và mẹ.
- Không. Anh muốn nói tới một kẻ khác. Một người nào đó. Một tình yêu chẳng hạn.
Hà gật đầu như máy:
- Có. Anh ấy an nghỉ ở đây đời đời.
- An nghỉ? Anh không hiểu.
- Anh còn nhớ Di không?
Trí nhớ tôi chói lòa khuôn mặt trẻ thơ của một thiếu niên, trong lứa tuổi Hà: Di. Chú bé Hà thường kể hay lò dò theo Hả những hôm tan trường, đi học. Chú bé có đôi mắt thật đẹp, nụ cười thật duyên. Nhân vật lý tưởng cho một cuộc tình học trò mà thuở ấy tôi thường nhắc nhở để chọc Hà háy nguýt. Mối tình đã có. Nhưng sao lại an nghỉ.
- Di rất xứng đôi với em, Hà ạ! Dạo đó anh vẫn mong hai đứa thương nhau.
- Tụi em thương nhau lắm.
Rồi Hà im bặt. Nỗi im lặng tựa tảng băng từ vầng trăng trên đầu bất thần đổ ập xuống. Tôi cảm tưởng ánh trăng quanh mình vừa đặc quánh lại, và gió đứng phắc trên những ngọn cây chờ đợi.
- Thế nào, Hà. Ít ra em cũng sung sướng chứ! Di bây giờ ở đâu?
- Di ở đây, dưới hồ này.
Theo ngón tay chỉ. Ánh trăng quanh tôi bùng vỡ tơi tả. Gió thổi rít trên những ngọn cây. Tôi ngẩn người, muốn ngưng thở vì ngạc nhiên, kinh dị.
- Di ở đây?
Đôi mắt mở lớn, mặt ngước, môi mấp máy, Hà siết chặt tay tôi trong hai bàn tay giá buốt:
- Một đầu tượng đá giáng xuống đầu Di lúc anh vừa đặt chân lên bậc thèm cất tiếng chào bà cụ. Sau đó anh đã an nghỉ đời đời dưới hồ với một đầu tượng đá khác buộc ngang lưng.
Tôi đứng bật dậy, nghe gió thổi buốt hai bên màng tang. Hà ngã nhoài dưới chân tôi, đôi tay đưa lên chới với:
- Di có còn thương em không hở anh?
Cảm giác ghê lạnh chạy dọc sống lưng. Tôi thấy mình như đang đứng trong giấc mộng của kẻ khác.
Thảm kịch đã diễn ra êm ái, mát ngót, được kể lại ngắn gọn. Khía cạnh khốc liệt hoàn toàn bị khỏa lấp bởi vẻ lạnh lùng dửng dưng. Phải chăng thảm kịch đã lập đi lập lại trong trí người con gái lắm bận, và nỗi hãi sợ dần cô đọng thành sự dửng dưng? Tảng đá đập xuống đầu, nẩy bật một tiếng thét. Đó là tiếng chày nện mở màn sân khấu. Vở kịch tiếp diễn qua hồi im lặng dài và kết thúc bằng lời của nhân vật phụ:
- Nằm dưới hồ chắc Di lạnh lắm, nhớ em lắm. Chính mẹ buộc em phải đẩy anh ấy xuống đó, vì Di không phải là anh Phan. Không phải là anh Phan. Không phải...
Vầng trăng vụt biến, cùng lúc lũ tượng, cây cối trong vườn nổi từng tràng cười rộ. Tiếng cười nối chuỗi vút lên ngàn mây rồi tan bặt. Một giọng đàn ông từ trong lòng ngôi nhà thâm u thoát ra:
- Phan. Con về đó hả? Hà ơi! Anh con về sao không nói cho mẹ hay?
Quỳ dưới chân tôi, Hà run rẩy:
- Mẹ em đó.
Tôi nghe giọng mình như là giọng của ai khác:
- Mẹ em? Không. Rõ ràng giọng đàn ông mà!
- Anh không tin sao? Mẹ em đó. Anh chạy thoát đi. Có thể một đầu tượng đá nữa sẽ bổ xuống đầu anh, nếu bà biết anh không phải là anh Phan.
Tôi trân trối nhìn xoáy bóng trăng vụt hiện trên mặt hồ. Trần gian chừng im vắng hơn bao giờ cả. Nỗi lạnh lẽo khẽ len ngấm vào cốt tủy, mơ hồ tôi thấy tôi biến thành tượng. Và, từ cõi xa xăm ngái ngút nào, tiếng Hà lướt bay trong gió, êm ái tựa kinh cầu:
- Nhiều đêm em mơ thấy anh Phan...
Mường Mán
7-73
(Trích từ giai phẩm VĂN số tháng 10-1973)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét