Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2023

NỖI BUỒN - Lê Tất Điều

 

Tôi cúi mình, tay trái chống xuống mặt ghế để đỡ bớt sức nặng gieo xuống của toàn thân. Vào lúc mặt trời chiều còn chưa lặn như lúc này, công viên vắng người chẳng khác gì những buổi trưa. Cây cối không còn vẻ ủ rũ nhưng hình như trở nên xơ xác tiêu điều trong màu sắc vàng vọt mệt mỏi của nắng chiều. Sức nóng trên mặt ghế lan dần lên người gây cho tôi một cảm giác khó chịu, nhưng đồng thời tất cả sự mệt mỏi lại được trút xuống ghế rồi như tan biến dần trong những lá xanh xanh dưới chân tôi.

Dựa lưng vào thành ghế, duỗi thẳng hai chân, tôi bắt đầu hưởng một cảm giác vừa khó chịu vừa dễ chịu do những bắp thịt mệt nhọc gây ra. Tôi cảm thấy đôi chân mình to lên khác thường và có một vẻ lúng túng trĩu nặng. Tôi nhìn lại một cách chán chường con đường lồi lõm, trơ vơ với những làn cát mỏng, nóng, ở suốt dọc hai bên lề. Trên con đường ấy lúc nầy tôi đã mong vượt qua từng đoạn, từng đoạn và hốt hoảng vì sự chậm trễ của đôi chân người. Buổi chiều vào giờ tan sở, sự bực bội của tôi cũng dịu dần theo sức nóng của mặt trời, tóc tôi không bị nóng bỏng lên như buổi trưa lúc tôi thất thểu đi trên con đường ấy đến sở làm, đầu không đội mũ. Luôn luôn để đầu trần là cái tật tôi không bỏ được, cũng như ít khi tôi đội mũ đi làm mà lại nhớ đem về.

Nhưng cái tật ấy bây giờ cũng dự phần trong những nguyên do khiến tôi bực bội, cáu kỉnh. Một cái đầu bị phơi dưới ánh nắng ghê gớm của buổi trưa, đôi chân chậm chạp tiến bước hình như lúc nào cũng sẵn sàng gây nên những cảm giác khổ sở để tăng cường cho nỗi buồn mất xe của tôi. Tôi không ngờ một vật vô tri như chiếc xe lại có ảnh hưởng nhiều đến cuộc đời tôi như thế.

Ngay khi biết chắc rằng không còn hy vọng tìm lại chiếc xe, kẻ gian đã làm xong công việc một cách trôi chảy hoàn toàn, tôi mới chỉ ngẩn ngơ vì sự lơ đễnh của mình, tôi không hề cảm thấy một sự xáo trộn nhỏ nhoi nào trong cuộc sống vẫn đều đặn của tôi.

Trước kia, khi chưa mất chiếc xe, tôi cũng biết rằng cuộc sống của tôi tiếp diễn trong một nhịp điệu đều đều êm dịu. Nếu không có những phút để cho trí óc ngông nghênh với cái mộng "đội đá vá trời" có lẽ tôi tin rằng tôi đã tìm thấy hạnh phúc. Những buổi tối, khi tôi ngồi xem sách trong phòng, em trai bé tý và láu lỉnh của tôi thường mon men lại gần tôi rình đánh trộm để rồi ù té chạy. Thường thường vì tay ngắn ngủn nên muốn đánh trúng lưng tôi, nó phải đến thật gần, lần nào tôi cũng túm được nó. Muốn kéo dài sự đùa nghịch với thằng em tôi chỉ cần đập nhẹ lên đầu nó hai cái, để cho nó cảm thấy bị lỗ và như thế, trong suốt buổi tối nó chỉ quanh quẩn bên tôi để thanh toán cái chỗ lỗ vốn ấy. Cũng có khi tức quá nó ôm đầu xông đến đánh liên tiếp vào đùi tôi và tôi vừa xem sách vừa thản nhiên đập lia lịa lên đầu nó. Vào những dịp ấy tôi thường chấm dứt sự dai dẳng của thằng em bằng cách thò tay tắt đèn. Trong một thứ ánh sáng tràn đầy màu đen tối lan nhẹ trong phòng anh em tôi ôm chặt lấy nhau, tôi trợn mắt và gầm gừ nhe răng, kêu lên những tiếng quái gở để dọa nó. Trông bộ mắt gớm ghiếc ấy, thoạt đầu thằng em tôi phát hoảng và kêu là rầm rĩ, sau quen dần đi và vì là một đứa trẻ bướng bỉnh, nó lại trừng mắt rồi lấy tay vành mồm dọa lại tôi. Chúng tôi hầm hừ cụng trán vào nhau và hết sức làm cho địch thủ của mình phải sợ.

Nhưng lúc ấy, nghe rõ tiếng la hét kỳ quặc của anh em tôi nổi lên đều đều, tôi tưởng như đang nhìn thấy bộ mặt nhăn nhó của chính mình trong bóng tôi và tôi đã trở thành một kẻ nghịch ngợm, bướng bỉnh lẩn thẩn không khác gì thằng em. Tôi quên hẳn tuổi tác cũng như những sự bực bội chồng chất đều đều lên từng ngày, và tôi hoàn toàn bị thu hút vào một cảm giác ngớ ngẩn, ngây thơ hình như tỏa ra từ đôi mắt mở tròn, cái miệng nhỏ nhếch ra để lộ dăm ba cái răng sún của thằng em. Tâm hồn tôi tràn đầy những cảm giác lâng lâng nhẹ nhàng của một kẻ gần thực hiện được tất cả những ước muốn của đời mình.

Phút giây ngắn ngủi và những niềm vui nho nhỏ ấy của tôi, của anh em tôi, hình như đã được móc chặt vào cái xe, chiếc xe bí mật đem theo cả những niềm vui nho nhỏ ấy. Tôi không còn đủ thản nhiên để đùa với nó. Sau cái lần đột nhiên tôi nổi giận và tát nó thì nó thường chỉ ngồi nghịch quả bóng ở một góc phòng và mỗi khi gây ra tiếng động hơi mạnh nó lại nhìn tôi tỏ vẻ sợ sệt?

Thế rồi ngay cả những lúc đã lên giường nằm ngủ, cả nhà tôi vẫn bị hình ảnh chiếc xe hiện ra trong trí quấy rầy. Tiếng máy xe vọng từ ngoài đường vào khiến mọi người cùng nhớ đến những lần tôi đi chơi về khuya. Tôi nằm lặng người và sợ nhất cảm giác nuối tiếc, nỗi buồn thấm thía của những lúc ấy.

Căn nhà tôi ở quay lưng ra một cánh đồng đầy cỏ khô mầu nâu thẫm như bị đốt cháy. Buổi trưa tôi thường nằm trên một cái ghế dài đặt ngay ở cổng sau, không phải vì ở chỗ này mát mẻ mà vì chỗ này ít nóng nực hơn mọi chỗ khác trong nhà. Mỗi lần vô tình chợt nhìn ra cánh đồng, tôi có cảm tưởng là trước mặt tôi được dựng lên một khoảng ánh sáng chói chang, bốc hơi nóng ngùn ngụt làm rung rinh những cây cối, làng mạc ở phía xa. Thỉnh thoảng một vài cơn gió tràn qua cửa đem theo cả sức nóng hâm hấp chùm lên người tôi. Mồ hôi vã ra trong giấc ngủ, tôi cựa mình uể oải theo giấc mộng ngắn ngủi, lộn xộn.

Mất xe, giấc ngủ trưa của tôi bị hạn chế để tôi có đủ thì giờ đi bộ đến sở làm cho kịp. Tôi thường thức dậy trong sự hoảng hốt, sự ngái ngủ giữ tôi nằm đơ người, chân tay không muốn cất nhắc vì mỏi mệt và hoàn toàn chán chường. Thế rồi sau đó, tôi đi bộ đến sở làm với một sự bực mình, không biết sẽ chấm dứt vào lúc nào trong buổi chiều. Tôi bước những bước thật ngượng nghịu, đôi chân hình như chỉ chờ dịp tôi sơ ý là sẽ đụng chạm vướng vít nhau, hoặc sẽ phản tội bằng cách tạo cho tôi một dáng đi cứng ngắc, quái gở, một dáng đi có thể khiến mọi người bật cười. Bề mặt gồ ghề và đầy bụi cát của con đường hình như dâng cao lên chậm chạp trôi dưới tầm mắt tôi. Cùng với sự chậm chạp của bước đi, tôi còn cảm thấy mình bị lùn xuống, bị hạ thấp một cách bất chợt.

Ngồi nghỉ trên ghế trong công viên một lúc, tôi không còn có cảm tưởng là đôi chân mình to ra, nặng nề, nhưng sự nhức nhối ê ẩm trong các thớ thịt vẫn còn. Lá cây bắt đầu rung động từng loạt, trẻ con kéo đến công viên theo với những làn gió mát. Chúng vui vẻ hò reo và chơi đùa với nhau bằng những thanh gươm gỗ. Sức nóng trên mặt gỗ đã biến đi từ lúc nào, làn gió mát, ánh sáng êm dịu về chiều giống như một bàn tay mềm mại nhưng cả  quyết giữ tôi ngồi lỳ trên ghế. Tôi lơ đãng ngồi nhìn những căn nhà thấp ở dẫy phố bên vệ đường. Đối diện với công viên... Vài cô gái gốc người Trung Hoa uể oải săn sóc những món hàng bày trong những cửa hiệu hẹp và thấp. Chen vào giữa những căn nhà, nằm dọc theo con đường là một cái ngõ hẻm có vẻ rất sâu và lủng củng với chiều ngang rộng hẹp bất thường.

Một người đàn bà hơi mập dắt một chiếc "sô lếch" từ trong ngõ hẻm đi ra. Bà ta có vẻ xốc xếch như một cái xe hơi tốt máy nhưng đã về già. Hai tay nắm chặt tay lái chiếc xe, bà bước vội vã khiến sự chuyển động thân hình trở nên vụng về, khôi hài làm tôi chú ý.

Theo sau thiếu phụ ấy là một cô gái dong dỏng cao và hơi gầy. Tôi đoán chừng: "Không phải hai mẹ con, chắc là hai cô cháu..." Họ hấp tấp bước rồi lại hấp tấp dừng lại. Thiếu phụ dựa chiếc xe vào một cột đèn ở đầu ngõ hẻm rồi vội vàng quay lại đi sâu vào trong ngõ như người chợt nhớ ra mình bỏ quên một vật gì cần phải đem theo.

Cô gái đứng tần ngần bên chiếc xe, một tay đặt lên yên xe một tay giữ tay lái. Nàng có dáng điệu một cô chủ hiền lành đang vuốt ve một con chó, một con mèo con. Nàng nhìn quanh rồi cúi xuống mở nắp chiếc hộp da treo dưới yên xe và lấy ra cái kìm cùng chùm chìa khóa mở ốc rồi loay hoay tháo chiếc "bu-gi".

Chiếc xe còn giữ nguyên màu sơn đen nhánh, có lẽ vì được giữ gìn cẩn thận, nhưng chắc đã cũ và hay hỏng. Vì còn mãi gói lại trong trí những kỷ niệm cũ nên tôi không hề nhận ra rằng cái cảnh một cô gái lui hui với kìm búa để sửa xe là một cảnh hơi ngược đời. Mãi cho đến lúc thấy nàng cố gắng vặn một chiếc đinh ốc mà không được tôi mới chợt nhận ra điều này. Cánh tay mềm mại của nàng bị giữ dừng lại, cô gái lúng túng với những cử chỉ đầy vẻ tuyệt vọng trước sự chặt chẽ của con ốc.

Tôi rời khỏi chiếc ghế một cách hấp tấp như vừa nhìn thấy một đứa bé ngã xuống sông. Băng qua con đường nhựa tôi đến cạnh cô gái:

- Cô đưa kìm đây tôi vặn dùm cho...

Cô gái vội đứng thẳng người, giơ cánh tay lau nhẹ mồ hôi trán, nàng cười nụ cười gượng gạo và ngượng nghịu. Rồi nàng lại cúi xuống như có vẻ không dám nhận sự giúp đỡ của tôi, nàng ngập ngừng:

- Dạ, xin cám ơn ông... nhưng...

Nàng chưa nói dứt câu thì thiếu phụ lúc nãy đã từ trong hẻm hấp tấp bước ra, bây giờ trên đầu bà ta có thêm cái nón. Thiếu phụ nhìn tôi vẻ ngạc nhiên rồi lại nhìn cô gái (mà tôi đã đoán là cháu bà ta) như muốn hỏi:

- Cái gì vậy?

Để xác định vị trí của mình trong trường hợp này tôi quan sát sơ qua chiếc xe rồi nói:

- Phải sửa lại cả cô ạ. Cái bánh sau bị lệch đi thế này thì sẽ bị sát vào khung xe mất. Bu-gi lắp thế này thì máy nổ làm sao được. Lại cả ống dẫn xăng nữa! Sao cô lại tháo tung nó ra thế này? 
 
Tôi ngạc nhiên thật tình. Tôi ngồi xổm cạnh chiếc xe và bắt đầu sửa những chỗ ốc bị lỏng, dây bị tuột. Thiếu phụ nhìn sửng cô gái rồi đến đứng cạnh tôi:

- Có hỏng nhiều không ông?

- Dạ thưa không, vặn lại vài con ốc là có thể chạy ngay được.

Thiếu phụ tỏ vẻ hân hoan:

- Ồ! Thế thì may quá!... À ông thử xem giùm tôi coi ổ máy chiếc xe này còn tốt không?

Tôi ngừng tay, những bộ phận trong máy đã mòn cả rồi, nhưng tôi nói để vừa lòng thiếu phụ và cô gái:

- Xe này còn tốt lắm! Biết giữ gìn thì có thể còn dùng được lâu. Muốn chắc ăn bà cụ thay ngay một vài bộ phận đã mòn thì xe lại tốt như mới!

Tôi ca ngợi ổ máy và bắt đầu chỉ rõ cho hai người biết từng chi tiết tốt xấu của mỗi bộ phận. Thiếu phụ chăm chú theo rõi từng lời nói của tôi. Cô gái vẫn đứng nguyên một thế đứng. Nàng không hề nhích đến gần tôi một chút nào. Chợt nhận ra những câu ca tụng quá đáng của mình về chiếc xe tôi cảm thấy hơi ngượng nghịu. Tôi có vẻ một anh chàng đang trổ tài khoác lác quảng cáo để cố bán trôi một món hàng bị ế!...

Làm xong công việc giúp đỡ đẹp đẽ ấy, tôi khoan khoái đứng dậy vuốt tóc mỉm cười nhìn cô gái. Nàng vẫn đứng yên, đầu hơi cúi, đôi mắt to đen của nàng ngước nhìn tôi. Biết bao giờ tôi mới quên được cái nhìn ấy! Dường như từ một chiều sâu thẳm trong đôi mắt u buồn của nàng toát ra tất cả những gì thê thảm nhất khiến tôi rùng mình luống cuống, sự hân hoan trong lòng tôi đột nhiên bị tiêu tan hết như ánh nắng mặt trời trong một ngày mưa bão. Khuôn mặt nàng không lộ ra một màu sắc rõ ràng nào vì lúc ấy ánh sáng và bóng đêm đã bắt đầu pha trộn với nhau.

Sau đó thiếu phụ cám ơn tôi thật nồng nhiệt. Khi thiếu phụ dắt chiếc xe xuống đường thì cô giơ tay trái ra lúng túng giữ lấy yên xe. Nàng ấp úng nói:

- Thưa bà!... Xin bà...

Nét mặt thiếu phụ đang vui vẻ chợt đanh lại. Bà ta gạt tay cô gái và quắc mắt:

- Hừ... Còn muốn gì nữa? Cô gian ngoan lắm! Cô tưởng tôi không biết hả. Cô đã lợi dụng lúc tôi trở lại nhà cô lấy chiếc nón bỏ quên để phá chiếc xe chứ gì. Nhưng trời có mắt mà! Có lẽ nếu không gặp người tốt như ông đây thì chắc tôi bị cô lừa thật...

Cô gái vẫn van xin bằng một giọng nghẹn ngào, chịu đựng:

- Bà thương cho... tội nghiệp tôi. Mếu bà lấy chiếc xe này thì tôi phải đi bộ đến sở làm... Thưa bà, mấy tháng nay mẹ tôi bị ốm, thành ra... Bà vui lòng cho đến cuối tháng, tôi xin thề là tôi sẽ trả đủ. Bà cứ giữ lấy giấy xe, tôi chỉ xin...

Thiếu phụ cương quyết:

- Thôi, tôi không dại! Tôi đã khổ sở với cô nhiều rồi! Cho cô vay bốn ngàn bạc cả năm trời để bây giờ phải lấy tạm chiếc xe cũ này, cô tưởng tôi sung sướng lắm sao? Cuối tháng cô có tiền thì cô mua chiếc khác mà dùng. Tôi không muốn bị thiệt mãi...

Trước khi hấp tấp đạp xe đi, thiếu phụ còn cẩn thận cám ơn tôi một lần nữa. Cô gái thẫn thờ nhìn theo chiếc xe. Khi thiếu phụ đã khuất ở một con đường rẽ, nàng quay lại nhìn tôi rồi cúi đầu lặng lẽ đi vào trong ngõ.

Đèn đường đã được bật lên từ lúc nào. Một mình tôi, chỉ còn một mình tôi đứng ngẩn ngơ ở đầu ngõ hẻm, trong ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn đường...


LÊ TẤT ĐIỀU        

(Trích từ tuyển tập Ba Miền Mười Khuôn Mặt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét