Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2023

LAN VÀ HUỆ - Hoàng Đạo

 

Chợ Chu là một đô thị nhỏ ở vùng Thái nguyên. Mấy gian chợ xây gạch ở chính giữa, chung quanh là những ngôi hàng của người Kinh lên đây buôn bán với bọn Thổ, Mán, rồi là rừng núi bao phủ bốn phía.

Trong các ngôi hàng kia, có ngôi hàng của vợ chồng ông Bá là thịnh vượng hơn cả. Cũng như các bạn hàng khác, ông bán cho dân Thổ những thứ họ cần dùng như muối, đường… và mua sản vật của họ để xuôi Thái Nguyên bán lại. Nhưng ông hiền hậu và thực thà, không có tính lừa lọc, lại sẵn lòng cứu giúp kẻ nghèo, nên dân Thổ thích giao dịch với ông và mến yêu ông lắm.

Vì thế, công việc làm ăn của ông rất dễ dãi và hai ông bà có thể tự mãn, nếu không có một nỗi khổ tâm: Hai ông bà muộn con. Hai ông bà uống thuốc suốt năm và luôn luôn đi cầu tự ở các đền chùa, nhưng vẫn không có kết quả gì.

Mãi đến năm ông đã năm mươi, bà mới sinh hạ được một mụn con gái. Hôm bà lâm sàng, ông Bá thấy trong vườn nở một nhánh hoa lan bạch ngọc, ông bèn đặt tên con gái là Lan.

Lan trông rất xinh, nước da trắng mịn, đôi con mắt to và thơ ngây như mắt thỏ. Cha mẹ nâng niu và quý báu như ngọc, ngày ngày bà Bá ra chùa tạ ơn Trời, Phật đã cho bà được toại nguyện.

Năm Lan lên ba, bà Bá không may thụ bệnh rồi từ trần. Từ đấy, tình cảnh hai bố con Lan thực là đáng thương. Ông Bá phần thì nhớ vợ hiền, phần thì thương con nhỏ mồ côi, buồn phiền không thiết làm gì hết, sao nhãng cả công việc buôn bán, ngày ngày chỉ uống rượu hay rong chơi cho khuây khỏa.

Một hôm, ông đương ngồi buồn nhắm rượu thì có một người đàn bà đến thăm. Bà ta ăn vận đại tang và nói là bạn của bà Bá, được tin bà mất nên đến viếng.

Phú ông nghe nói trạnh lòng, đem việc nhà ra kể lể than thở. Bà khách cũng khóc òa lên, sụt sùi nói rằng thấy cảnh nhà ông, chợt nhớ đến nông nỗi góa bụa của chính bà. Nghe bà khách nói, ông Bá cũng động lòng thương. Hai người kể lể với nhau chán chê rồi lại khóc, và đến lúc khóc chán chê rồi thì nhìn nhau và cùng thương hại lẫn nhau.

Lúc bà khách từ biệt ra về, ông Bá tiễn ra tận cửa, rồi cách đó vài hôm, ông sang đáp lễ. Hai người hóa ra năng đi lại với nhau, và không bao lâu, ông Bá cưới bà khách góa về làm vợ kế. Ông mong rằng từ đây ông sẽ có một người nội trợ đảm và Lan sẽ được người mẹ có thể thay người mẹ hiền đã khuất.

Song điều người ta mong ước thường không hay đến. Bà khách ban đầu còn tỏ vẻ âu yếm miễn cưỡng, nhưng về sau, lòng ghẻ lạnh đối với Lan dần dần rõ rệt. Lấy ông Bá được một năm, bà cũng sinh hạ một đứa con gái đặt tên là Huệ. Nhưng Huệ xấu xí, thô kệch, không được như Lan, nên bà mẹ từ đấy ghen tức với Lan, sinh ra thù ghét Lan.

Nhất là Lan càng khôn lớn lên trông càng xinh đẹp ra. Nước da cô trắng mịn, đôi má lúm đồng tiền, cái miệng cười rất có duyên, dáng đi mềm mại như một nhành lan, ai trông thấy cũng phải yêu.

Và, đáng mến hơn sắc đẹp, Lan có một tính tình hòa nhã, dịu dàng. Luôn luôn, cô khâu vá, hay làm một việc khác giúp đỡ mẹ ghẻ, và cố sức làm cho trong nhà có một hòa khí đáng yêu. Ông Bá rất yêu Lan, nhưng Lan không hề dựa vào lòng yêu ấy để đối phó với mẹ ghẻ; Lan thường nhường nhịn để trong nhà được vui vẻ. Như mẹ Lan khi xưa, Lan rất thương người, không khi nào gặp một người đau khổ là Lan không hết sức tìm cách giúp đỡ hay an ủi. Lan thương cả đến loài vật: mèo, chó trong nhà thấy Lan đâu là theo mừng, và cả đến chim sẻ quanh nhà cũng có khi bay đến đậu trên vai, lên tay Lan mổ thóc gạo, cô hay đem cho chúng ăn.

Huệ, trái lại, là một cô gái đỏng đảnh, chua ngoa, hay mắng chửi đầy tớ, chỉ biết vơ phần lợi về mình, mà lại muốn lúc nào người ta cũng khen mình đẹp và khôn ngoan.

Nhưng hàng xóm láng giềng chỉ yêu Lan và khen Lan, khiến Huệ tức ghen với chị và tìm cách làm hại chị. Song Huệ biết cha yêu quý Lan hơn, nên Huệ đành ghen thầm ghen vụng chị mà thôi.

Một hôm kia, ông Bá bàn với vợ về việc buôn bán, và nhất định xuống Thái mở một ngôi hàng nữa, còn ngôi hàng ở chợ Chu thì để lại cho vợ con trông nom.

Từ hôm ấy, Huệ không còn sợ hãi gì nữa, chỉ lăm lăm tìm dịp làm hại Lan cho bỏ ghét.

Huệ biết Lan tính hay thương loài vật, bèn nghĩ ra một cách trêu. Huệ leo trèo tìm tổ chim lấy trứng hay bắt chim con để chơi, và được con nào là đem về khoe chị, rồi vặt lông nó, đánh đập nó trước mặt chị Huệ, làm thế vừa để thỏa tính ác tự nhiên của cô, vừa để làm gai mắt chị. Lan trông thấy lấy làm thương tâm lắm, nhưng khuyên bảo Huệ làm sao cũng không được. Càng khuyên bảo, Huệ lại càng đánh đập tàn nhẫn hơn; đem việc ấy nói với mẹ ghẻ, thì mẹ ghẻ lại mắng át đi, bênh con ra mặt. Cho nên, nghe tiếng chim bị đánh kêu chiêm chiếp, Lan đành quay mặt đi không nhìn nữa, hay đi nơi khác cho khuất mắt

Huệ biết vậy lại trêu tức già. Cô ta bẫy được một con chuột bèn lấy giẻ tẩm dầu tây quấn vào thân con vật rồi lấy diêm châm. Con vật bị đốt sợ hãi quá, vừa chạy vừa kêu; Huệ lấy làm thích lắm, đứng vỗ tay xem đám lửa chạy quanh trong gian nhà.

Lan chợt trông thấy, vội chạy lại, lấy chăn chùm con chuột, dập tắt lửa, nhưng con vật đầy vết thương, nằm yên rên rỉ.

Thấy Huệ đứng cười, Lan giận lắm, uất lên mắng em:

- Sao Huệ chơi ác thế, hở?

- Ác gì mà ác. Nó có biết đau đâu!

Huệ vừa trả lời vừa rũ ra cười.

Lan nhìn con vật nằm rên, nói:

- Em thử bị như thế có đau không?

Ấy thế là Huệ khóc ầm lên, chu chéo kêu la:

- Chị rủa tôi! Chị ác thực!

Thế là Huệ giựt phăng lấy con chuột ném ra ngoài sân rồi vừa khóc vừa chạy ra mách mẹ.

Bà mẹ đương uống nước, gọi Lan ra mắng như tát nước vào mặt:

- Nó chơi thì mặc nó, can chi lại đến rủa nó? Chị bước ngay đi không thì tôi đập cái chén này vào mặt bây giờ.

Lan biết nói cũng bằng thừa, đành cúi đầu lủi vào nhà sau khóc một mình. Lúc đó con chuột đã tỉnh, đứng nhìn Lan khóc, hai con mắt như có vẻ buồn, rồi lủi thủi tìm đường trốn.

Được thể, Huệ lại càng lên mặt, cái gì cũng dành về phần mình cả, lúc nào cũng tìm cách bắt nạt, ăn hiếp chị. Quần áo Huệ tranh lấy cái đẹp, mới, còn đồ thải ra mới đến phần chị; hoa, hột, vòng, xuyến trong nhà chỉ có Huệ được dùng, cả đến những đồ tư trang ông Bá mua cho Lan cũng chỉ có Huệ được đeo. Thậm chí hai lồng chim vàng anh của ông Bá mua về cho Lan, vì ông thấy Lan ưa chim hót, Huệ cũng nhất định chiếm lấy làm của riêng, nhưng đến việc cho chim ăn, thì Huệ lại lười biết không làm được, đành phải giao cho chị.

Tuy vậy, Huệ vẫn ghen với Lan. Khi ra đường, Huệ ăn vận sang trọng và lòe lẹt, còn Lan bao giờ cũng chỉ được mặt cái áo cũ. Nhưng người ta vẫn nhìn Lan và tấm tắc khen cô bé xinh đẹp nõn nà. Những chị em hàng xóm cũng chỉ thích chơi đùa với Lan, vì Lan hòa nhã và vui vẻ, còn hễ thấy mặt Huệ đâu là vội lảng tránh. Huệ không biết là vì Huệ ích kỷ và hay chơi ác, lại tưởng là vì Lan gièm mình với chúng bạn, nên lại càng sinh ra ác cảm với Lan.

Mẹ Huệ đáng lẽ phải bắt con theo gương chị, trái lại, chỉ biết bênh con và nuông con. Hễ Huệ đến mách, là bà ta nghe liền và mắng Lan, phải trái thế nào cũng mặc. Ông Bá thì bận buôn bán, mỗi năm mới về vài ba lần thăm vợ con. Những lúc ấy, Lan có thể khóc lóc kể với cha được, nhưng vì thương cha đã có tuổi, nói ra sợ cha phiền, nên Lan đành im tiếng. Vả lại, những ngày ông Bá ở nhà, bà mẹ ghẻ tự nhiên sinh ra âu yếm Lan hơn, và thường là đánh mắng Huệ. Lan còn nhỏ tuổi không hiểu là bà làm bộ như thế để che mắt ông Bá, vì mỗi lần ông Bá đi khỏi thì bà lại trở nên ác nghiệt hơn.

*

Một lần ông Bá vừa đi khỏi, có một ông cụ già người Thổ râu tóc bạc phơ, ăn vận rách rưới, còng lưng chống gậy tre đến trước cửa nhà Lan xin cơm ăn, nói là vì nhỡ độ đường;

Bà mẹ ghẻ Lan ngồi ở cửa hàng mắng đuổi:

- Không có! Đi chỗ khác mà xin.

Huệ đương đứng đánh phấn, cũng cong môi lên bảo:

- Úi chào! Nhỡ với nhàng gì, chỉ khéo bịa! Bước ngay! Người khỏe mạnh thế kia, có què quặt gì mà phải đi xin.

Ông cụ còn đương đứng tần ngần nửa muốn đi nửa còn ráng lại, thì Lan ở trong nhà trông thấy, động lòng thương, vội lấy bát cơm nguội chạy ra định cho. Huệ thấy vậy, hầm hầm nét mặt chạy đến  giằng phứt bát cơm bảo:

- Ai khiến chị cho! Dễ có của bỏ rơi bỏ phí !

Rồi Huệ quay lại ton hót luôn với mẹ :

- Đấy me coi ! Me đã bảo không cho, mà chị ấy cứ đem cơm ra, chị ấy còn coi me vào đâu nữa.

Bà mẹ Huệ, bị con xui, tức khắc nổi giận, mắng sa sả vào mặt Lan :

- Ồ… Sao tôi đã bảo không cho mà chị lại còn cho nó, hở ? Chị lộng quyền vừa vừa chứ !

- Thưa dì, con không nghe thấy.

Bà dì ghẻ lạnh lùng :

- Cô không nghe thấy ; Cô điêu vừa chứ. Cô có coi tôi ra gì đâu ? Có phải của mồ hôi nước mắt của cô đâu mà cô tiếc.

- Dạ thưa dì…

- À… mày lại còn cãi lại hở ? Làm ăn phí phạm, tao bảo mày còn mắng lại phải không ? Cái con này không dạy làm dạy ăn, rồi đến hư thôi.

Thế rồi, bắt đầu hôm ấy, bà ta nhất quyết dạy Lan làm ăn. Nghĩa là bà bắt Lan làm hết cả việc nặng nhọc ở trong nhà : quét tước, giặt gịa, cơm nước, hầu hạ bà ta y như một đứa ở.

Không biết làm thế nào, Lan đành nhịn nhục chiều ý mẹ ghẻ. Sáng, cô phải dậy thực sớm lau nhà, đem quần áo ra sông giặt, rồi về xách rổ đi chợ làm cơm. Chiều đến, cô còn phải đi gánh nước, và khi cả nhà đi ngủ rồi, cô còn cái bổn phận đóng cửa nữa. Buổi đầu còn ăn chung với mẹ ghẻ và Huệ, nhưng dần dà, mẹ ghẻ đuổi xuống ăn ở trong bếp, lấy cớ rằng trong khi hai mẹ con ăn, phải có người trông nom cửa hàng, mà người ấy chỉ có thể là Lan.

Tuy vậy, Lan cũng không lấy làm oán trách. Lan thích làm việc, và một ngày bận tới tấp là một ngày trôi qua rất chóng, cô không có thì giờ để tủi thân và nghĩ đến sự cô độc buồn nản của đời cô. Làm việc nặng nhọc, Lan thấy không khó chịu bằng những lời cạnh khóe của Huệ, những câu đay nghiến mắng mỏ của mẹ ghẻ. Cô rất sợ những lời chua cay ấy và những hôm nào bị mắng – Thường là bị oan – là Lan ngồi lặng một nơi khóc thầm và nghĩ đến cha, mong cha chóng về để bênh vực lấy đứa con gái còn nhỏ dại mà đã bị đầy đọa.

Nhưng được một điều là bà mẹ ghẻ cũng biết tính Lan, có thể chịu khó làm lụng chứ không thể nhịn nhục chửi bới hay là đánh đập, nên bà còn nghĩ rằng đó cũng là một phương pháp làm cho Lan xấu người đi. Bà – và cả Huệ nữa – mong rằng chân tay Lan sẽ to ra và xù xì, thân hình Lan sẽ tiều tụy. Được ít lâu, hai mẹ con đều thất vọng : Lan, không những không xấu đi mà lại còn xinh đẹp thêm lên, thân hình mảnh dẻ của cô ngày trước đã hóa ra đầy đặn hơn, dưới làn da vẫn trắng bong, bắp thịt lẳn vào và rắn chắc ; đôi má cô ửng hồng như màu đào chín, và tay chân cô có cứng cáp mà vẫn nhỏ nhắn xinh xẻo. Huệ thấy vậy lại càng sinh ghen tức, nhất là cô ả tuy giữ gìn hết mực, không mó đến một việc gì cả, cũng không mấy khi ra ngoài nắng gió mà chân tay vẫn cục mịch, thô lỗ như chân tay thợ nề.

Lan thì vẫn ngây thơ, không để ý đến sự ghen ghét nhỏ nhen của Huệ, cặm cụi làm lụng suốt ngày. Chỉ riêng những buổi sáng tinh sương, lúc cô ra ngoài giếng giặt áo hay gánh nước là Lan thấy thư thả trong lòng một ít. Hoặc buổi tối, cô ngồi nhìn bóng trăng chiếu xuống sân gạch, con chó bông nằm cuộn tròn dưới chân, hay những lúc cô nghe vàng anh hót, thay nước cho chúng và cho chúng ăn. Nhưng điều Lan ưa thích hơn hết, là chiều chiều cô nhớ lại những việc thiện nho nhỏ cô đã làm được trong ngày sắp qua : may áo mũ cho con chị Tạc bán nước, mới sanh được vài hôm, nhưng không có gì mặc vì mẹ nó nghèo quá, lấy nước giúp cái Quyên, còn bé lắm mà đã phải đi gánh nước ; đãi những ông già đi ăn xin một bát cơm hay một đồng trinh và an ủi họ một vài lời. Vì thế nên Lan làm việc cực nhọc nhưng vẫn vui tươi, khiến Huệ lấy làm lạ và càng thêm căm tức, định bụng làm hại cho bằng được mới nghe.

Một hôm kia, có thư của ông Bá gửi về nói độ vài ngày nữa ông sẽ thu xếp về chợ Chu thăm nhà. Hai mẹ con Huệ tiếp được thư, lấy làm lo, nói với nhau rằng ông Bá về nhà mà khám phá ra việc hai mẹ con áp chế Lan, bắt Lan sốc vác như một con sen, thì có lẽ ông giận lắm và cảnh nhà không biết sẽ tan hoang đến bực nào.

Hai mẹ con bàn tính mãi, và một giờ sau, hai người đều tươi tỉnh nét mặt, như đã định sẵn mưu mẹo đối phó với Lan.

Chiều hôm ấy, như mọi bữa, Lan đặt nồi cơm và niêu cá kho rồi chạy ra ngoài cho chim ăn. Đến lúc cô trở vào bếp, thì niêu cá kho đã đổ tung xuống đất, và nồi cơm thì đổ úp xuống gio. Lan còn đang ngơ ngác thì Huệ đã chạy vào, giục giả :

- Chị làm cơm mau lên, mẹ kêu đói lắm rồi.

Vùa nói, Huệ vừa nhìn ngang nhìn ngửa và giả vờ ngạc nhiên thấy cơm, cá rơi vãi đầy bếp. Huệ giả vờ, vì chính Huệ đã đánh đổ để hại Lan :

- Ô hay ! Làm sao thế này? Chị làm như thế thì bao giờ được ăn.

Rồi không đợi Lan trả lời, Huệ tất tả chạy đi mách. Một lát sau, bà mẹ chạy vào quát tháo:

- Làm ăn thế à, con kia?

Lan lau nước mắt, trả lời :

- Con vừa lên cho chim ăn, trở xuống thì đã thấy đổ tung tóe ra rồi. Nào con có đánh đổ đâu mà dì mắng…

-  Lại còn cãi, hử ? Mày không đánh đổ thì còn ai nữa, còn nỏ mồm cãi… Bà lại tát cho một cái vỡ mặt ra bây giờ.

Vừa nói, bà ta vừa sấn sổ lại. Thấy vẻ hung hăng của mẹ ghẻ, Lan đứng thẳng, đôi mắt giáo hoảnh, cương quyết trả lời :

- Dì mắng tôi thì tôi chịu, nhưng tôi xin dì đừng động đến người tôi.

- À, mày lại bảo bà không đánh được mày à ? Bà thử đánh xem mày làm gì nào.

Lan đứng lặng người đi nhìn người mẹ ghẻ xông lại. Mãi đến lúc bà ta đến nơi, Lan mới như sực tỉnh, tái mặt đi và giơ tay gạt bà mẹ ghẻ ra một bên chạy như điên vào phòng riêng, đóng chặt cửa lại, rồi gục đầu vào tường khóc nức nở.

Trong khi ấy, tiếng bà mẹ ghẻ vẫn the thé rít lên :

- Mày liệu hồn, thế nào mai bà cũng dần xác mày ra, bà mới nghe.

Rồi bà phân bua với hàng xóm :

- Nuôi cho nhiều vào, để rồi nó đánh giả.

Lan ngồi khóc mãi ; càng nghĩ đến tình cảnh của mình, Lan lại càng thấy tủi nhục. Lan có thể chịu khó làm việc nặng nhọc, nhưng không thể chịu được những tiếng nói nặng và nhất là không khi nào lại để mẹ ghẻ đánh đập : Lan cho thế là mất cả nhân cách đi. Cô nghĩ đến mẹ đẻ, trong lòng nao nao, rồi nghĩ đến cha, thương cha đã già yếu rồi, biết được chuyện nhà thê thảm thế này thì buồn phiền biết bao.

Lan, đêm hôm ấy thức khuya lắm, băn khoăn, trằn trọc, không sao ngủ được. Lan nghĩ đến ngày mai và những ngày sau, đến cuộc đời cực nhục với những lời chửi rủa, những roi đòn…

Lan tự nhủ thầm là không sao ở với dì ghẻ được nữa, và một quyết định dần dần thành hình trong óc : cô bé nhất quyết trốn đi Thái Nguyên tìm cha.

*

Sáng mờ mờ hôm sau, Lan đã chỗi dậy, gói quần áo vào một bọc, rồi rón rén bước ra ngoài phòng. Lúc đó trong nhà ai nấy đều ngủ yên. Lan đến cũi con chó bông vỗ về ; con chó ngoe nguẩy đuôi ngước mắt lên mừng chủ rồi ngoan ngoãn theo lời Lan nằm xuống. Qua sân, Lan đi cạnh lồng chim đã thấy vàng anh vỗ cánh chiêm chiếp gọi. Lan nghĩ thầm :

- Tội nghiệp ! Mình đi rồi thì ai chăm nom chúng nó.

Lan nghĩ đến sự thiếu thốn của chim và bỗng nẩy ra ý tưởng so sánh số phận chúng bị nhốt, bị lồng với số phận của cô ở với dì ghẻ. Không rụt rè, Lan tháo cửa lồng, bắt từng con ra để trên bàn tay, vuốt ve rồi thả bay đi.

Thả xong vàng anh, Lan thấy trong lòng thư thái như chính cô được thoát khỏi sự giam cầm, nhẹ nhàng mở cửa sau đi trốn.

Lan cứ thẳng đường cái mà đi, nhưng cô vẫn thấp thỏm lo có người đuổi theo. Mà thực, một giờ sau, khi biết đã trốn, Huệ bàn với mẹ đuổi theo để cho Lan lạc vào rừng, vì nếu Lan về Thái Nguyên với ông Bá thì hai mẹ con sẽ không sống được yên.

Lan không ngờ rằng lòng người có thể nham hiểm đến thế, chỉ cho rằng dì ghẻ sẽ cho người đuổi theo để bắt về hành hạ. Cho nên lúc trời đã sáng rõ, Lan không dám ở trên đường cái, len vào rừng đi gần đường. Đến khi Lan trông thấy thấp thoáng bóng người đi vội vàng ra vẻ tìm tòi, cô liền núp sau một thân cây lớn, và khi nhìn thấy dì ghẻ trong đám người đi tìm, Lan không nghĩ ngợi gì nữa, lách vào trong rừng cây cắm đầu chạy.

Lan chạy lâu lắm rồi mới dừng lại thở. Chung quanh cô bé, toàn là lau, sậy, tre và biết bao nhiêu là thứ cây cao vút mà Lan không biết tên. Lan đứng yên một lúc, rồi tìm lối ra đường. Nhưng Lan đi mãi mà cũng chỉ thấy rừng ở trước mặt, ở sau lưng, Lan hoảng sợ, biết mình đã lạc đường. Tuy vậy, Lan cứ cố đi liều, may thì có thể ra khỏi rừng sâu.

Đến trưa, Lan thấy mỏi ngồi nghỉ và cô bé cảm thấy trơ trọi quá. Rừng im lặng, ánh nắng xuyên qua lá cây vó vẻ dịu dàng, cảnh vật êm ả, nhưng Lan thấy chứa chất đầy những sự bí mật kinh khủng. Tiếng chim gõ mõ đều đều ở đằng xa, Lan nghe thấy gợi ra những sự ghê gớm : nhỡ gặp gấu hay hổ, báo thì làm thế nào ! Nghĩ đến đấy, Lan sợ quá ôm mặt khóc.

Nhưng khóc cũng vô ích, Lan biết thế và can đảm gạt nước mắt đứng dậy tìm lối ra. Lan đi rồi nghỉ, nghỉ rồi lại đi, cứ thế cho đến chiều. Lan phần thì đói, phần thì mệt, đành ngồi xuống một gốc cây. Chân Lan đi nhiều đau rần và bị gai góc làm xây xát nhiều chỗ, Lan ngồi bóp chân và khóc nức nở, không biết làm gì, không còn đủ can đảm để đi nữa.

Lan ngồi khóc độ nửa giờ thì bỗng thấy một con chuột ngậm cuống một chùm trái cây kéo đến gần, ngước mắt lên nhìn Lan, không có vẻ sợ hãi, mà trái lại, như muốn tỏ lòng thương hại ; Lan thấy lông con vật nham nhở như bị xém và chợt nhớ đến cho chuột cô đã cứu khỏi chết về tay Huệ.

Con vật nhìn Lan rồi chạy đi. Tò mò, Lan đứng dậy nhìn chùm quả và ngạc nhiên khi nhận ra những trái sim chín đỏ. Con vật ngẫu nhiên mà kéo đến trước mặt Lan chùm sim chín hay là vì nhớ ơn xưa mà đem lại đây? Lan phân vân không biết nghĩ ra sao, nhưng cô vui lòng nhặt lên ăn đỡ đói. Tuy nhiên, Lan vẫn thấp thỏm, vì ánh chiều đã bắt đầu nhạt và tối đến thì chắc là Lan khiếp đảm không biết thế nào.

Chợt có tiếng chim hót rồi hai con vàng anh bay đến đậu lên vai Lan, kêu ríu rít ra vẻ mừng rỡ. Lan cũng mừng rỡ vì cô nhận ra hai con vàng anh cô thả ra ban sớm. Hai con chim kêu một hồi rồi cất cánh từ từ bay về phía Đông. Không thấy Lan đứng dậy, chúng lại bay về đậu lên vai Lan, chiếp chiếp kêu rồi lại bay đi, như có ý bảo Lan đi theo chúng. Thấy lạ, Lan đứng dậy ; đôi chim hót mừng mấy tiếng rồi từ tốn bay trước, Lan đi sau.

Đi được một quãng, hai con chim dừng bay đậu lên cành một cây đa cổ thụ rất to, cành lá rườm rà. Lan để ý nhìn thì thấy một tổ chim lớn, lớn lắm, ngay ở một cành thấp nhất, Lan thò tay có thể với tới.

Thấy vậy, Lan cũng mừng có nơi trú ẩn, bèn cố sức leo lên cây, đặt người vào tổ chim, lưng dựa vào thân cây. Trời đã chiều hẳn, nhưng chưa tối, qua lá cây, Lan thấy nhấp nhánh ngôi sao đầu tiên trên nền trời trong xanh, và trong lòng hoang mang sợ hãi những sự sẽ xảy ra trong đêm.

Bỗng hai con chim vàng anh kêu lên những tiếng nhỏ, có vẻ kinh sợ lạ lùng, bay đến mổ vào áo Lan như muốn bảo đi trốn. Lúc đó Lan thấy tiếng động ở trên đầu, ngẩng lên thì trông rõ một con trăn lớn ở trên ngọn cây đương leo xuống. Cô hoảng hồn nhảy vội xuống đất chạy.

Một lát sau, Lan ngừng lại thở và chưa biết chạy về đâu thì có một tiếng gầm trước mặt, rồi một con báo ở trong bụi rậm nhảy ra, hai con mắt sáng quắc. Lan không chạy được nữa, đánh liều cúi xuống đất nhặt sỏi, đá ném con vật túi bụi. Bỗng có một tiếng gầm nữa, lớn hơn, và một con hổ nhảy xổ ra. Con báo trông thấy lủi mất. Lan sợ quá, đứng ngẩn ra nhìn, nhưng cô bé kinh ngạc xiết bao khi thấy con ác thú nhìn cô, rồi hiền lành đi lại, thong thả và ngoan ngoãn như một con mèo lớn. Hai con vàng anh đậu trên vai Lan cất tiếng hót vui vẻ như mừng gặp được người quen.

Lan còn đương ngơ ngác thì ở trong rừng phía trước mặt có tiếng người nói :

- Cô Lan đấy à ? Cô đừng sợ. Có lão đây.

Một ông cụ già, râu tóc bạc phơ như một ông tiên, lê gậy trúc khoan thai rẽ lau sậy bước ra. Lan ngạc nhiên nhận ra ông cụ già: chính là ông cụ già đã đến ăn xin ở nhà Lan vì lỡ độ đường, và chính vì cho ông cụ bát cơm mà Lan bị mẹ ghẻ hành hạ.

Ông cụ xoa đầu Lan nói:

- Tội nghiệp! chắc con mỏi mệt lắm phải không? Chân con xây xát cả kia kìa, về nhà lão sẽ rịt thuốc ngay cho.

Ông cụ bảo Lan ngồi lên lưng hổ cho khỏi đau chân, rồi ông lê gậy đi vào một con đường nhỏ, lá cây phủ gần kín. Đi một lúc lâu, Lan thấy cây thưa dần rồi đến một cánh đồng nhỏ, ở giữa là một cái nhà sàn xây dựa vào sườn đồi, trông đẹp như trong cảnh thần tiên.

Ông già giơ gậy trúc chỉ cái nhà sàn nói:

- Nhà của lão đấy.

Vào đến nhà, nghe Lan kể lại câu chuyện trốn vào rừng, ông lắc đầu tỏ vẻ thương hại, rồi bảo:

- Lão biết, nhưng con đừng lo. Con cứ ở đây tạm với lão, thế nào thầy con cũng đến đón con về và con sẽ được sung sướng.

Đoạn, ông già lấy lá rịt những vết thương cho Lan và lấy cơm cho Lan ăn, chăm nom săn sóc Lan y như đối với con cháu. Lan cảm phục quá, nói vài lời tạ ơn thì ông cụ bảo rằng:

- Con đừng cám ơn. Con cứ nhớ rằng lúc nào cũng nên thương người và giúp đỡ người, vì giúp người ắt người sẽ giúp mình. Và thế là con cám ơn lão đấy.

Ăn xong thì trời đã tối. Lan ngồi trong gian nhà ấm áp, nhìn ra ngoài, trong lòng vui sướng. Hai con vàng anh ở đâu bay vào đậu lên cánh tay Lan, Lan âu yếm nhìn và lấy tay vuốt lông chim, se sẽ nói:

- Hai em ngoan quá.

Hai con chim ngẩng đầu nhìn Lan một cách trìu mến, rồi cùng bay lên ngưỡng cửa, hót lên những tiếng trong vắt.

*

Trong khi ấy, bà dì ghẻ Lan và Huệ ở nhà khúc khích cười với nhau, vì đã lừa được Lan trốn đi và lừa được Lan lạc vào rừng.

Tối hôm ấy, hai mẹ con đều không sao ngủ được, chong đèn ngồi. Ở ngoài, tiếng gió thổi nghe như tiếng ai than thở và chốc chốc tiếng cú lại nổi lên, gợi trong trí hai mẹ con những cảnh rùng rợn trong rừng tối. Hai mẹ con đều im lặng, không nói với nhau nửa lời và cũng không dám nhìn nhau, tuy cùng theo đuổi một ý nghĩa. Lan bây giờ ở đâu? Huệ hai mắt mờ trừng trừng như nhìn thấy hết cả nỗi kinh khủng của Lan ngồi đợi chết trong đêm tối. Cô bé không ngờ kết quả mưu kế của mình lại ghê gớm đến thế! Cô chỉ muốn chị đi cho khuất mắt, cô có ngờ đâu đêm hôm nay cô nghĩ đến chị, thương đến chị và thấy mình khổ cực, khốn nạn vô cùng.

Bỗng có tiếng hổ gầm ở xa xa? Huệ kêu lên một tiếng, ôm chầm lấy mẹ; Huệ vừa tưởng tượng thấy Lan bị hổ nhảy đến vồ. Bà mẹ ôm con ghì vào lòng, trên mặt cũng lộ ra sự hốt hoảng sợ hãi, và lúc Huệ khóc nức nở trông lên, cô thấy hai giòng nước mắt lặng lẽ chảy trên hai gò má của mẹ. Huệ ngập ngừng nói:

- Chị Lan… làm thế nào bây giờ, hở mẹ?

Bà mẹ thở dài không đáp, vì chính bà ta cũng hoang mang không biết làm gì để cứu Lan được. Đêm đã khuya, hai mẹ con vẫn còn ôm nhau, vừa lo sợ, vừa hối hận, khổ sở không biết đến thế nào.

Gió vẫn thổi rì rào, Huệ lắng tai nghe và bỗng kêu rú lên, chỉ ra cửa sổ nói sẽ:

- Mẹ trông kìa, chị Lan.

Bà mẹ nhớn nhác nhìn lên và trông thấy bóng một cành cây trong cửa sổ. Thì ra Huệ sợ hãi quá, tưởng Lan đã chết rồi, hiện hồn về báo thù.

Giữa lúc ấy, có tiếng gõ cửa. Huệ kêu:

- Đấy… chị ấy về đấy.

Bà mẹ đứng lên, mặt tái không còn một hột máu. Mãi đến lúc nghe rõ ràng tiếng ông Bá gọi, hai mẹ con mới hoàn hồn, và lại vui mừng nữa. Ông Bá vừa vào, và hay tin Lan lạc vào rừng, ông tức tốc sang hàng xóm tìm người cùng đi vào rừng. Hàng xóm đều yêu mến Lan nên nửa giờ sau, kẻ đèn đuốc, người dáo mác, độ mươi người đã cùng bọn nhà ông Bá xông pha vào rừng tối. Nhưng rừng rậm mà sâu, biết Lan ở phương hướng nào! May ông Bá tinh ý, thả con chó bông đi theo. Con chó đánh hơi lon ton chạy trước, ông và người nhà, Huệ và dì ghẻ theo sau, không mấy lúc đã tìm thấy căn nhà sàn ở giữa rừng.

Lan đương ngồi nói chuyện với ông cụ già chợt nghe tiếng chó sủa, rồi cô chưa kịp đứng dậy xem thì con chó bông đã leo lên sàn vẫy đuôi mừng. Tiếp liền theo, Lan trông thấy ông Bá bước vào. Hai cha con ôm chầm lấy nhau, và nước mắt Lan chảy xuống ướt đẫm cả má. Nhưng lần này không phải Lan khóc vì tủi nhục hay kinh sợ như trước; Lan khóc vì Lan mừng quá.

Lúc đó, hai mẹ con Huệ cũng đã vào gian nhà sàn, đứng cúi đầu gầm mặt xuống như kẻ sắp chịu tội. Nếu Lan đem việc mẹ ghẻ xử ác với mình ra nói với cha lúc ấy thì cũng chỉ là một việc hợp với công lý, nhưng Lan đã có định ý nên lúc ông Bá âu yếm hỏi, Lan chỉ đáp:

- Vì con vào rừng chơi, lạc mất đường.

Nghe con nói, ông Bá ghì chặt con vào trong lòng.

Bà mẹ ghẻ Lan cũng chạy lại ôm lấy Lan, thổn thức nói sẽ với Lan:

- Con tha lỗi cho dì. Bây giờ dì mới rõ con…

Và Lan ngạc nhiên khi thấy trên hai gò má của người đàn bà mà cô bé vẫn yên trí là ác nghiệt, hai giòng nước mắt từ từ chảy xuống.

Ông Bá cảm ơn ông cụ già rồi từ tạ ra về. Ai nấy đều vui vẻ, ánh đuốc chiếu tỏa trong rừng sâu, Lan nhìn có vẻ ấm áp như cuộc đời sắp tới. Bỗng Lan thấy có người kéo tay. Cô quay lại nhìn thì là Huệ, Huệ cúi đầu vào vai chị, nức nở:

- Em khổ sở quá, chị ạ. Biết làm thế nào để tạ tội với chị được. Chị tốt bụng thế, còn em thì khốn nạn quá, em lấy làm xấu hổ lắm.

Lan lấy tay khoác vai em, nói sẽ:

- Em biết hối thế là em tốt bụng như chị rồi.

Lan thấy trong lòng vui sướng vì điều Lan mong nhất, Lan đã được như ý: em Lan đã cảm hóa vì lòng tốt của Lan và bắt đầu trở nên một người con gái đáng yêu.

 

HẾT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét