Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2023

BIẾN ĐỔI - Khái Hưng

 

Lực và Đoàn rời làng Yên Phụ đi theo liền cô gánh hoa thuê cho mình. Tới hàng bực gạch lên đê, và nghe có tiếng cười khúc khích sau lưng, hai chàng quay lại. Một thiếu nữ nhanh nhẹn vượt lên trước và nói một câu bâng quơ:

- Mọi lần ra chợ mình mời mọc khẩn khoản chẳng thèm mua cho, thế mà nay đi khiêng một gánh nặng về nhà.

Hai chàng còn đương nhìn nhau mỉm cười thì thiếu nữ đã lên xe về phố. Lực hỏi Đoàn:

- Cô hàng hoa đấy à?

Đoàn cười:

- Hàng hoa ban đêm!

- Dẫu sao đó cũng là bông hoa đẹp ở một làng đầy hoa.

- Trí nhớ anh kém lắm nhỉ! Anh không nhận ra ai?

Lực soát ký ức lại một lượt vẫn không thấy dấu vết hình ảnh cô thiếu nữ y phục tân thời rẻ tiền với cái khăn lụa trắng thắt hoa bên vai với đôi giày cao gót buộc vụng về vào hai bàn chân hơi thô, với hàm răng trắng bệch hé ra một cách ngượng ngùng giữa cặp môi vẽ son hình trái tim với hai con mắt sáng đẹp và hiền lành đóng trong hai cái quầng đen than chì.

- Ai thế anh?

- Cô gái Keo, mà anh đã quên rồi?

- Thế à?

Lực vụt thấy cô tân thời biến ra một cô gái ngây thơ trong bộ sống áo quê mùa cũ kỹ.

*

Mùa xuân năm ấy, Lực và Đoàn cùng Miễn, một người bạn đi xem hội Keo, vì nghe nói quanh vùng ấy có nhiều con gái đánh đu rất ngộ.

Xuống xe hỏa ở ga Phú Thụy, ba chàng chỉ gặp mỗi một cái xe tay nát, đành phải đi bộ vào Keo. Nhưng không ai lấy thế làm buồn, vì trời xuân mát mẻ, phong cảnh xanh tươi, dưới làn mưa bay thoáng điểm. Rặng xoan mềm mại lá non lấm chấm lưa thưa. Trên những ruộng cải, hoa vàng phấp phới như đàn bướm bay dài hai bên con đường đất đỏ ngòng ngoèo.

Ba chàng quên đường xa, vừa đi vừa đùa bỡn truyện trò. Và hai giờ sau, khi tới chợ Keo trước một quang cảnh buồn tẻ, vắng ngắt, ba chàng không hề tưởng đến thất vọng, chỉ nhìn nhau mỉm ra cười rồi đưa mắt ngắm những cây đu không người im lặng đứng giơ bộ xương tre, đọng hàng giọt nước mưa lấp lánh.

Ai nấy bụng đói như cào, Lực ngồi xuống ghế dài trong một cái quán, cặp mắt thèm muốn nhìn tròng trọc rổ bún trắng hung:

- Giá chúng ta ăn bát bún riêu rồi hãy ra ga.

Đoàn thở dài:

- Không biết các anh nghĩ sao, chớ tôi thì khó lòng còn cuốc bộ nổi gần mười cây số từ đây ra Phú Thụy.

Lực chau mày:

- Anh định ngủ lại đây chăng?

- Anh Miễn đã khoe khoang mãi hội Keo thì bây giờ làm thế nào có xe cho chúng tôi về thì làm. Nếu không, tôi nhất định ở lại.

Lực cười:

- Thì anh ở lại. Anh Miễn với tôi về vậy.

Đoàn hỏi đùa bà hàng nước:

- Tôi ngủ trọ hàng bà có được không?

Bà lão chậm rãi đáp:

- Các thầy cứ nói thế chứ hàng tôi chật chội, khi nào các thầy thèm trọ. Ở trong làng thiếu gì nhà các cô đầu.

- Thế à? Ở đây có cô đầu.

Bà lão, giọng tự phụ:

- Chán, làng tôi có chán cô đầu. Các thầy có muốn hát một chầu, tôi đưa vào giúp tôi sắp dọn hàng về đây.

- Còn nói gì nữa!

*

Nửa giờ sau, Lực, Đoàn, Miễn cùng bà hàng nước vào làng, qua một cái cổng gạch đổ nát, theo một con đường quanh co hai bên có giậu khúc tần, và xương rồng, phủ đầy tơ hồng vàng tươi như tơ kén mới kéo.

Đến một cái cổng chống, bà hàng đứng lại, gọi:

- Chị Nguyệt! Chị Nguyệt!

Tiếng trong nhà hỏi:

- Ai?

- Có khách đấy!

Một thiếu phụ vào trạc ba mươi chạy vội ra đon đả mời chào:

- Lạy các quan ạ, xin rước các quan vào chơi.

Một nếp nhà gỗ lợp ngói, ba gian hai chái, một cái nhà ngang bằng tre một cái sân ngăn đôi bằng chiếc phên đan mắt cáo, nửa ngoài trồng cải và các thứ rau thơm, đó là tòa lầu hồng nơi thôn dã.

Thấy ba chàng ăn chơi Hà Nội đến, mấy người đương ngồi uống nước ở gian bên cúi chào, rồi chụp khăn lên đầu đứng dậy ra sân. Lực hỏi Nguyệt:

- Nhà có khách?

Nguyệt tươi cười thì thầm:

- Không ạ. Các ông ấy ở quê ngoại sang cúng giỗ.

Nàng quay ra bảo những người kia:

-Vậy các anh lại nhà nhé.

Rồi tiễn bọn họ ra tận cổng.

*

Tối hôm ấy, mãi gần chín giờ mới có cơm. Ba người cùng đói cực điểm, tuy đã lót dạ bằng mấy quả chuối tiêu bày trên bàn thờ ở gian giữa. Vì thế họ ăn rất ngon miệng, dầu tiệc chỉ có thịt gà luộc, thịt gà rán, thịt gà nướng chả, lòng gà sào miến với một chai rượu con hổ hả men. Được một điều, tiệc có vẻ "cô đầu" lắm. Cũng mời, cũng hãm, cũng lả lơi, đùa bỡn, cũng lóng cũng liếc, cũng phạt rượu phạt riếc. Rồi ăn xong cũng kẻ ngã bàn đèn, kẻ lên roi chầu nghe những bài hát nói "Duy giang thượng chi thanh phong" hay "Thấy lão đá lạ lùng muốn hỏi" của hai chị em Nguyệt - vì Nguyệt có một em bé tuổi chừng mười ba, mười bốn, giọng ca dờn dợt và ngọng lịu.

Lực tưởng như mình đi hát Khâm thiên, hạch sách hết thứ nọ thứ kia, nào thuốc phiện nhạt, nào trống kêu.

Lúc đã nghe hết những tiếng bồng mạc, sa mạc, chèo, tuồng mọi người đều uể oải, chán nản. Đoàn luôn luôn cau có, thì thầm trách Miễn: "Chỉ lại anh nên chúng tôi mới phải chui vào cái xó nhà cô đầu khổ này. Muỗi như trấu mà không có màn thì ngủ sao được?"

Chừng Nguyệt cũng hiểu rằng cái nhan sắc hết duyên của mình, và cái miệng còn hơi sữa của cô em gái không làm vừa lòng mấy ông khách quý. Vì thế, đáp lại một cái ngáp dài của Lực, nàng cười rúc rích và cố lấy giọng nũng nịu bảo ba chàng:

- Nếu các anh ngoan ngoãn, em sẽ gọi Hiên sang tiêm thuốc cho mà hút.

Đoàn đương lim dim ngủ gà, ngủ vịt, bên khay đèn, mở choàng mắt ngồi dậy hỏi:

- Hiên nào thế?

- Hiên con ông Nhì ở bên cạnh.

- Nhì là nhị trường, phải không?

- Chính!

- Còn phải nói!

- Gọi được à?

- Được chứ?

- Ồ! Thích nhỉ! Vậy em gọi ngay cho, em ngoan lắm!

Nguyệt xuống nhà ngang bảo mẹ đi giúp. Nhưng chỉ mười lăm phút sau, bà lão đã trở về nói ông Nhì còn thức. Lực cau có hỏi:

- Ông ấy thức thì sao lại không đi được?

Nguyện cười:

- Chuyện! Ngươi ta nền nếp nhà nho!

*

Mãi gần một giờ sáng và sau ba lần triệu, Hiên mới sang. Cử tọa chào nàng bằng một tiếng: "À" khoan khoái.

Ánh sáng lờ mờ chiếc đèn ba dây treo trên xà cũng đủ chiếu rõ vẻ đậm đà, óng ả của một cô gái quê mặc áo nâu non và chít khăn vuông the mỏ quạ.

- Lại đây, em Hiên!

Hiên thong thả, bẽn lẽn đến gần.

- Ngồi xuống đây, em Hiên.

Hiên rón rén ghé cạnh giường, Lực và Đoàn sán lại bên, rồi nhìn nhau gật gù. Biết rằng hai ông khách đã ưng thưởng thức món quà đầy hương vị thôn dã, Nguyệt liếc mắt đưa tình:

- Đấy đã bảo! Khâm thiên của các anh dễ ăn đứt chưa?

- Ăn đứt sao được Hiên, phải không Hiên?

Hiên đỏ bừng mặt, thì thào:

- Em không biết ạ!

- Hiên không biết mà Hiên lại làm cao thế? Mời mọc hai ba lần mới thèm sang.

- Thưa các quan, không phải em dám làm cao, nhưng thầy em ốm.

Đoàn cười:

- Đừng tôn các anh là quan, các anh giận. Em cứ gọi các anh, nghe chưa?

- Xin vâng.

Ba ông khách bắt đầu lục vấn đủ mọi câu từ câu rất bâng quơ cho đến câu rất thân mật. Và một giờ sau chắp nối các mẩu chuyện lại, họ đã biết rõ "lý lịch" của cô bé ngây thơ.

*

Hiên mười tám tuổi. Cha nàng đã hai khoa vào đệ tam. Mẹ nàng mất từ năm nàng mới chập chững biết đi. Nhà nàng một ngày một nghèo thêm, cha nàng trước kia có nhiều môn sinh thì một năm nhờ mấy cái tết còn đủ ăn tiêu. Nhưng nay theo nghị định mới, số học trò không được quá năm người, nên sinh kế rất eo hẹp.

Ông đồ đã xoay sở làm và viết câu đối thuê, nhưng chẳng kiếm được mấy đồng. Giá ông cho con trai tập các công việc chân tay ngay từ thuở nhỏ, thì có lẽ ngày nay cũng giúp ông được đôi chút, nhưng ông chỉ một mực đem đạo thánh hiền ra dạy con, thành thử khi anh lớn lên, vai không vác nổi cái cầy, mà chữ nghĩa dở dang cũng chẳng dùng được việc gì. Túng đói quá, Giáp - tên người con trai - liền theo đám phu mộ lần sang Tân Thế Giới, rồi vì sức yếu đuối, bỏ mạng ở đó.

May cho ông đồ, Hiên học lành nghề dệt vải, hằng ngày ít ra cũng kiếm nổi một hào bạc. Nhưng đã sáu tháng nay, ông bị bệnh tê liệt. Hiên không những không sao chạy được tiền thuốc cho cha mà đến tiền ăn cũng chật vật khó xoay đủ.

Một hôm sang bên chị Nguyệt giựt tạm lưng gạo, Hiên gặp mấy ông khách nhìn nàng mỉm cười. Một người cầm lấy tay nàng hỏi truyện. Chị Nguyệt giữ nàng lại, rồi ông khách cho nàng một đồng bạc và dặn nàng, tối sang chơi. Nàng mừng quá...

Từ đó, chị Nguyệt thường cho tìm nàng. Một khách chơi chỉ bảo nàng cách tiêm thuốc phiện. Chị Nguyệt lại dạy nàng, hát một vài câu hãm rượu, kể một vài câu Kiều lẩy.

Cha nàng nghiêm khắc lắm, nếu biết nàng lảng vảng bên chị Nguyệt thì chắc sẽ mắng chửi nàng. Vì thế, nhiều lần mãi khuya và chờ cho cha yên giấc, nàng mới dám trốn đi. Mà chính nàng cũng biết rằng con gái đêm hôm mò mẫm đến một nơi như nhà chị Nguyệt là rất không phải, nhưng cha ốm nằm kia, lấy tiền đâu cân thuốc?

*

Biết chuyện Hiên, ba ông khách Hà Nội buồn rầu ngao ngán, chẳng ai còn tưởng tới hương phấn quyền lợi của mình. Nhưng Nguyệt vẫn cười khanh khách, hết ngâm Cung oán lại nói bông đùa:

- Hiên tiêm cho mỗi anh một điếu thuốc nào!

Miễn nói gạt:

- Thôi, ngồi chuyện gẫu thú hơn, thuốc của chị nhạt nước ốc, hút chẳng mùi mằn gì.

- Thuốc ngang nhạt, nhưng mát, anh ạ. Hút thuốc cống chỉ tổ chóng nghiện. Nhưng các anh cứ để Hiên tiêm cho mà xem. Hiên khéo lắm kia, các anh phải biết.

- Đã bảo không hút nữa mà lại.

Hiên đưa mắt nhìn ba người rồi rụt rè thỏ thẻ.

- Ba ông không dùng nữa?

- Không.

- Vậy cho em xin chỗ thuốc thừa nhé?

- Em lấy làm gì?

- Để em dán thái dương cho thầy em, thầy em rức đầu luôn.

Lực cảm động, ngầm mở ví lấy tờ giấy bạc một đồng dúi vào tay Hiên, và ghé tận tai nàng thì thầm:

- Em mua mà dùng, chẳng chị Nguyệt, chị ấy không bằng lòng.

Câu truyện càng có vẻ thân mật, khi Nguyệt đã kín đáo tắt phụt cây đèn treo. Đặt trên cái khay cũ, nhem nhuốc, dây dầu, ngọn đèn tù mù trong chụp pha lê nứt rạn, chiếu chút ánh vàng vào năm khuôn mặt mệt mỏi.

Giữa phút yên lặng hoàn toàn, bỗng Nguyệt cất giọng khàn khàn, ngái ngủ, ngâm dài:

Ở đây đường xá xa xôi,

Mà ta bất động nữa người sinh nghi.

Rồi nàng phá lên cười, và vỗ mạnh vào vai Đoàn. Lực buồn rầu ngẫm nghĩ:

"Trong sáu tháng nay, đã mấy người giữ được bất động!"

*

Mùa xuân sau, Lực và Đoàn lại đi xem hội Keo. Hai chàng nhìn nhau mỉm cười, vì cùng hiểu ngầm rằng đến Keo chỉ có một mục đích: thăm Hiên.

Nhưng khi tới nhà Nguyệt, hai chàng được tin ông đồ đã mất, và đã Hiên bỏ làng đi đâu không ai hay.

Câu truyện ông Nhì qua đời, Nguyệt thuật lại bằng một giọng lạnh lùng:

- Hôm ấy, một người tìm đến nhà Hiên, nghiễm nhiên âu yếm Hiên và cho Hiên tiền ở ngay trước mặt ông Nhì. Ông ta tức uất lên, luôn mồm chửi mắng con, rồi vài giờ sau, tắt nghỉ.

*

Hai năm qua, Lực và Đoàn không về xem hội Keo. Mà hình ảnh cô gái quê con ông đồ nho đạo đức cũng không còn phảng phất trong trí nhớ hai chàng.

Bỗng hôm nay, trên đường Yên Phụ, hai chàng gặp Hiên nhởn nhơ trong bộ y phục tân thời: Cả một quãng đời phóng đãng như in sâu dấu vết lên bộ mặt dạn dầy mưa gió...

Lực thở dài bảo Đoàn:

- Nếu quả thực người chết vẫn quanh quất chốn dương gian, thì biết bao linh hồn sẽ đau đớn vì những sự biến đổi của người sống!
 
 
KHÁI HƯNG      
 
(Trích trong tập truyện ngắn Đợi Chờ)
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét