Thứ Ba, 1 tháng 11, 2022

SÀI GÒN THUỞ ẤY - Trần thị Phương Lan


 

Khi đề cập tới Sài Gòn, tôi luôn chia ra làm hai giai đoạn: Trước và sau 1975. Điều luôn làm tôi bất mãn với bản thân, mặc dù bất khả kháng, trong giai đoạn trước 75 (Sài Gòn thuở ấy), là tôi luôn ước ao phải chi lúc đó hoặc mình lớn hẳn hay nhỏ hẳn, chớ không nửa con nít nửa người lớn như tôi lúc bấy giờ.

Trước 75, Sài Gòn rất thịnh hành phong trào hippie, hầu như song hành với phong trào nhạc trẻ. Ngoài đường, các anh chị  thanh niên bận quần patte (quần ống voi), áo bông to sặc sỡ, đầm mini ngắn trên đầu gối hoặc maxi dài tới gót chân, kính mắt op art, và đeo thêm những dây băng quấn quanh đầu... Tất cả nhìn rất lòe loẹt và vui mắt. Lúc đó còn con nít, tôi chỉ được phép nhìn ngắm, mà không được tham gia, bằng không sẽ bị gọi là con nít quỉ!

Vào những đại hội nhạc trẻ, người ta thường thấy những thanh niên theo phong trào hippie này tụ họp để lắng nghe hoặc hòa nhịp theo những ca khúc Âu Mỹ đôi khi đã được chuyển lời Việt.Trong số những ca khúc "nhạc trẻ " ấy, riêng cá nhân tôi ưa thích Knock Three Times (Hãy gõ ba tiếng ), No Milk Today (Hôm nay không sữa), Bay, Bay 26/38 (C. Jerome), To Sir, With Love (Vòng tay nữ sinh), Rồi Mai Đây (Lo Mucho Que Te Quiero), Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu (Tell Laura I Love Her), và Nắng Chiều (do Cathy Huệ trình bày, với phần nhạc đệm nghe như có tiếng gõ mõ rất là dễ thương và độc đáo). Có lẽ đây cũng là phiên bản Nắng Chiều hay nhất, và dễ thương nhất, theo ý kiến cá nhân.

Tôi còn nhớ khi hai anh kế tôi tới tuổi mới lớn thường hay bỏ xấp nhỏ tụi tôi lại nhà, rồi ra đi tìm những cuộc phiêu lưu mới mẻ hấp dẫn hơn là những rạp xi nê nhàm chán, chật chội trong con phố cũ. Lúc đó tôi thường buồn và trách thầm anh Hải đi đâu không chịu dắt tôi theo cùng. 

Có lần, anh Hải đi dự một trong những đại hội nhạc trẻ đó, và khi về nhà đã bị ba xích chân lại đánh đòn. Tôi nhớ lúc đó nhà tôi trước khi đi ngủ sẽ khóa cửa bằng hai sợi dây xích một to một nhỏ. Khi ba sai tôi mang xích lên, sợ anh Hải bị đòn đau, tôi đã chọn sợi nhỏ. Không biết anh Hải có nhận ra được "ẩn ý, thâm tình" của tôi không, chớ ba tôi thì rành lắm. Ổng quát, mang sợi xích bự lên đây. Tôi líu ríu tuân theo, bụng nghĩ thầm thôi thì đành phó mặc cho số mạng đưa đẩy. Té ra sợi xích đó chỉ để xích chân anh Hải lại thôi. Nếu lần đó tôi đã đủ lớn để được anh Hải dắt đi tham dự đại hội nhạc trẻ kỳ đó, thì chắc sợi dây xích nhỏ còn lại sẽ được dành cho tôi!

Tới lúc tôi nuôi mèo đực và chú mèo này tới tuổi lớn đòi bỏ nhà để đi theo tiếng gọi của tình yêu, tôi phải xích chú lại chờ tới lúc đem chàng ta đi triệt sản, tôi mới vỡ lẽ, và hiểu được nỗi lòng của ba tôi: Té ra ba tôi xích chân anh Hải lại chỉ là vì ông sợ anh tôi bỏ nhà đi mất, để ông cô đơn, chớ không phải vì ghét bỏ gì anh!

Không được ăn mặc hippie như mấy anh chị lớn hơn, học sinh trung học đệ nhất cấp (cấp 2 bây giờ) nữ sinh thì bận áo dài trắng, còn nam sinh thì bận sơ mi trắng và quần tây xanh. Nhưng nam hay nữ gì thì  đồng phục áo trắng cũng phải được giữ cho trắng trẻo, và chúng tôi đã làm điều đó bằng cách sử dụng những tấm hồ lơ hay còn gọi là giấy dương, ngâm vào nước giặt sau cùng. Tấm giấy đơn sơ ấy nghĩ lại khiến tôi mắc cười vì nét ngờ nghệch của nó, và con nít thời nay chắc cũng phải phì cười nếu biết được, mặc dù ngày nay bắt chước Tây, chúng ưa chuộng màu trái ngược lại, là màu đen, nên chẳng cần biết cách tẩy trắng y phục thời xưa làm gì.

Tôi nhớ tôi thường phải mang đồ dơ của ba tôi tới bỏ ở tiệm giặt ủi đầu đường, và mang bộ đã giặt ủi về. Công nhận mấy ông già xưa điệu hết biết, vì tuy nhà có máy giặt (máy giặt trước 75 vẫn không hoàn toàn tự động như thời này, mà công đoạn vắt phải dùng tay, và quần áo máy giặt xong sẽ được quay tay để ép nước ra cho khô, y như xe quay nước mía) nhưng mấy ổng đều đưa quần áo đi tiệm giặt ủi, vì chúng được ủi điệu nghệ hơn ở nhà, và cũng đỡ phiền vợ con, hoặc mất công người giúp việc.

Sài Gòn thuở ấy của tôi luôn luôn được gắn liền với bóng hình anh Hải. Khi anh ra đi, cả Sài Gòn trước 1975 cũng đã mất theo, chỉ để lại trong tôi một nỗi buồn thương vô hạn không bao giờ nguôi!
 

Trần Thị Phương Lan       
(Bút nhóm Hoa Nắng)    
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét