Thứ Năm, 10 tháng 11, 2022

MAI KHÔI - Hoàng Ngọc Tuấn

 

Mai Khôi, không phải là tên của một người con gái nào đâu. Trường cũ của tôi đó. Hơn mười năm qua rồi, ngôi trường nhỏ nằm bên bờ sông Hương đã đón nhận và giã từ biết bao mái đầu xanh, ngày nay vẫn còn âm thầm trong chiếc cổng đóng kín thật cao, loại kín cổng cao tường chính hiệu.

Khi tôi trở về Huế, thành một người lớn vừa đủ cao để nhón chân nhìn vào sân trường, một bầy trẻ nhỏ đuổi bắt nhau ồn ào tung đầy bụi, bên cạnh vài chiếc áo đen thấp thoáng của mấy bà xơ. Cảnh tượng êm đềm ấy chỉ đẹp khi mình đã mất nó và biết rằng chẳng bao giờ tìm lại được nữa.

Ngày xưa, cái tiếng ấy làm nao lòng mình quá !

Một cuộc bàn cãi gay go giữa những người có thẩm quyền nhất trong gia đình : bà ngoại, mẹ tôi và mấy ông cậu bà dì, đủ mặt tất cả... ngoại trừ tôi bởi vì tôi là người đang được làm đề tài cho họ thảo luận. Và quyết định ghê gớm nhất đã được chấp thuận : Tôi bị tống vào trường đạo do các bà "xơ"coi sóc.
 
Thôi thế là từ giã ngôi nhà thân yêu với những tổ chim sẻ ẩn nấp trên trần, những tàng cây đầy trái chín mình vẫn thường leo lên cao ngồi vắt vẻo, những con đường ngày hai buổi đến trường (mà thỉnh thoảng rẽ sang ngõ khác có những ao bèo đầy cá). Phải giã từ nhiều thứ đã gắn chặt vào người như đầu mình chân tay. Có thể an ủi là chỉ tạm biệt mái nhà thôi, vì tôi được cho biết luật lệ nội trú cho phép học sinh về thăm nhà mỗi tuần vào ngày chủ nhật.

Nhưng đó chỉ là lời an ủi của mẹ tôi, trước khi bà đi xa và muốn thấy tôi trở thành một cậu bé gương mẫu trong khuôn phép của trường nhà dòng, từ lâu vẫn nổi tiếng về kỷ luật. Còn đối với riêng tôi, chẳng một lời khuyên nào ngăn nổi trái tim nóng hổi đập mạnh bồi hồi, và vài giọt nước mắt rơi rất đáng xấu hổ.

Một chiếc xe xích lô đạp che kín bít bùng vì trời đang mưa, chậm chạp rời xa dần ngôi nhà. Khi đến một khúc quanh, hàng dậu cao của nhà hàng xóm đã chắn hết không còn cho nhìn thấy được ngôi nhà thân thuộc, lòng tôi lạnh buốt những mối kim châm vào sâu trong da thịt, dầu đang ngồi trong lòng mẹ ấm áp.

Một vài thủ tục thông thường diễn ra. Mẹ tôi giao tôi cho Xơ hiệu trưởng. Bà Xơ đeo kính dày cộm này lại bàn giao tôi cho một Xơ lo về việc coi sóc chuyện ăn nghỉ cho học trò nội trú. Xơ tên "An" (Anne), dịu dàng nói cho tôi biết trong suốt một năm này, Xơ sẽ là người gần gũi nhất bên cạnh tôi, như đã từng gần gũi với hàng trăm cô cậu nội trú "đàn anh " của tôi.

Thế là xong, tôi chết lặng người mặc cho người ta lôi kéo đến đâu cũng được, mẹ tôi đã vội vàng về trước khi bà mủi lòng đổi ý định gởi tôi vào nội trú. Xơ An dẫn qua biết bao hành lang của trường học thật rộng lớn và lặng thinh, vì bây giờ là giờ tụi nhỏ đang ngủ trưa. Cuối cùng trên tầng lầu ba, tôi lại được hướng dẫn đi quanh co qua những hàng giường nằm san sát với nhau, một vài đứa tỉnh ngủ giương mắt thao láo tò mò nhìn tôi rồi chụm đầu thì thào bàn tán. Xơ An khẽ suỵt một tiếng, cả phòng im lặng ngay, mặc dù dã có khá nhiều cặp mắt rủ nhau mở ra để "xem giò xem cẳng" tôi, một tên lính mới mà chắc mặt mày đang thảm não lắm.

Tôi được chỉ cho một chiếc giường với đầy đủ gối, nệm, "ra" sạch sẽ phẳng phiu như giường trong bệnh viện. Xơ An còn bỏ thêm vài phút chỉ dẫn cho tôi cách xếp chăn sao cho thật gọn gàng và nhanh chóng, một việc mà tôi sẽ thi hành đúng mỗi sáng sớm thức dậy, liên tục từ ngày này sang ngày khác không hề được xao lãng.

Sắp xếp áo quần tôi vào một ngăn tủ xong , xơ An liếc nhìn đồng hồ rồi mỉm cười xoa đầu tôi:
 
- Thôi, con ngủ trưa một lát đi. Đến ba giờ chiều Xơ dẫn xuống lớp học.

Tôi lặng lẽ nằm xuống, không nói gì được, mắt tôi đăm đăm nhìn vào khuôn mặt thật đẹp của Xơ An, dầu lớp tóc của bà dấu kín hết trong những lớp khăn quanh đầu. Về sau, tôi mới biết cả bọn nội trú, con trai lẫn con gái ,đều đã bí mật bầu Xơ An là "hoa khôi" trong trường, một bà Xơ đẹp nhất trong số hàng chục bà Xơ khác.
 
Còn trong lúc này," sắc đẹp" của Xơ An cũng chẳng làm tôi xúc động thán phục gì cả, tôi dang bồn chồn lo lắng không biết sẽ làm sao sống nổi giữa bốn bức tường lạnh ngắt và cả trăm khuôn mặt xa lạ của bọn nội trú trường này.

Mệt mỏi lẫn buồn bã làm tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay, mơ màng nghe thấy hình như có bàn tay mát rượi của Xơ An đặt lên rán mình, và tiếng thì thầm đọc của bà khi bà nắn nót viết tên tôi trên tấm bảng đặt trước đầu giường.

Hồi đó tuy mới mười một tuổi nhưng tôi tin mình thuộc vào hạng "đàn ông"nổi bật nhất trường. Vì trường Mai Khôi chuyên môn về nữ sinh, chỉ nhận nội trú học trò nam lớn nhất là học lớp nhất. Thế mà tôi lại học lớp nhất, lớp cao nhất của bậc tiểu học thì làm sao mà không hách cho được.

Vì vào học sau, tôi được xếp vào một chỗ ngồi góc cuối lớp nhưng tôi mường tượng thấy cả trăm con mắt đang nhìn về mình, quên cả một bà Xơ ốm tong mặt mày khắc khổ đang dạy bài Giáo lý. Trường Đạo kỳ cục thế đấy, chẳng cần biết học sinh theo đạo gì cả, cứ mỗi sáng vào học là mất mười lăm phút cả lớp cùng đứng dậy lâm râm đọc kinh Kính mừng, rồi thêm nửa giờ Giáo lý và dầu có theo đạo Bà la môn hay chẳng theo đạo nào cả, tôi cũng phải ráng nuốt mười điều răn của Chúa nếu muốn có nhiều điểm trong bản Thông Tín bạ mỗi tháng.

Buổi chiều đến bốn giờ, khi chuông reo ra chơi là một nửa lớp reo ồ lên ra vẻ khoái chí lắm. Tôi còn đang ngạc nhiên thì một thằng nhóc kéo tôi chạy như bay xuống phòng ăn. Nó vừa thở vừa nói chuyện làm quen:

- Đến giờ ăn "gút tê" rồi, mau lên.

- Cái gì ?

- Mày ngốc vậy có ngày bị mất phần. "Gút tê" là mỗi chiều khoảng 4 giờ tụi mình được đớp vài cái bánh "bít quy" hay kẹo. Chỉ có nội trú như bọn mình mới ăn "gút tê" thôi, bọn ngoài không được.

Bây giờ tôi mới hiểu tại sao chỉ có nửa lớp hoan hô giờ ra chơi. Thì ra dân nội trú cũng được ưu tiên chăm sóc bộ bao tử hơn một chút. Miệng nhai ngồm ngoàm những miếng bánh, tôi tự nghĩ rằng mình phải thưởng thức cho tận cùng chút kem ngọt này để bù lại những đêm không còn nằm ủ trong hơi ấm ngọt ngào của mẹ.

Dân học "ngoài"nuốt nước miếng thèm, bắt đầu trêu chọc :

- Đồ lớn rồi mà đang học phải chạy về đòi bú sữa 

Câu đó chắc chắn nhằm vào thằng bạn mới quen của tôi vì nó đang tít mắt nốc một ly sôcôla sữa to tướng của bà Xơ mới pha cho. Nó vẫn bình tĩnh uống đến giọt cuối cùng, rồi quay sang tôi:

- Mày cãi nhau có giỏi không ? Trả đũa lại dùm tao đi.

Tôi ấp úng nói:

- Không... tao mới vô học... biết gì mà cãi nhau được?

Thằng bạn tôi bĩu môi khiêu khích một thằng ngoại trú rất to con rồi lại quay sang tôi:

- Vậy mày biết làm gì?

- Biết... làm trọng tài.

- Được rồi.

Thằng bạn tôi gật đầu rồi từ từ xông tới 'hỏi chuyện" gã ngoại trú chê nó là đồ bú sữa mẹ hồi nãy. Cả hai thủ thế đấu võ miệng thêm vài tiếng nữa rồi húc vào nhau. Đầu thằng nào cũng cố cúi xuống chui rúc để húc cho trúng bụng thằng kia, cả hai cùng khom người thấp xuống mãi cho đến lúc hai cái đầu "cộp"vào nhau một cái thật kêu, rồi cứ sàng qua sàng lại gay cấn như đấu bò rừng.

Bỗng có tiếng kêu rít lên lanh lảnh:

- Chúa ơi ! Các con làm gì thế ? Có buông nhau ra không ?

Xơ kỷ luật, mặt mày nhăn lại thê thảm như không thể tin rằng có một vụ đấu như vậy xảy ra trong ngôi trường nghiêm trang hiền lành này, mặc dầu về sau tôi biết những vụ tương tự như thế này lén lút diễn ra luôn. Xơ đưa hai tay lên trời có vẻ trông ngóng cầu khẩn một đấng thượng đế cao xa nào đó rồi hai bàn tay to tướng của Xơ hạ thấp xuống, vụt mạnh vào mông hai võ sĩ những cú đôm đốp nghe dòn tan. Nhưng chưa yên đối với người trong cuộc đâu. Xơ kỷ luật gằn giọng:

- Sếu!

Bạn tôi, bây giờ tôi mới biết tên của nó, cúi gằm mặt xuống buồn xo, hai tay vòng lại ngoan ngoãn như một người cả đời chưa bao giờ được xem cuốn phim cao bồi:

- Dạ.

- Chiều nay tan học, con vào phòng Xơ. Sẽ có nhiều chuyện để con làm suốt một tuần lễ, để cho con hiểu rằng Chúa tạo ra tạo ra thân thể và hai cánh tay cứng cáp của con không phải là dành để đánh nhau với bạn hữu.

Xơ kỷ luật ăn nói thật là văn hoa dài dòng nhưng xem Sếu có vẻ không khoái thưởng thức lời lẽ của Xơ chút nào hết. Khi giờ ra chơi đã hết, cả hai đứa vào trong lớp học trở lại, Sếu thở dài với tôi:

- Vậy là cả tuần này bị chép phạt đến ra tay rồi. Mỗi đêm lại thêm một giờ đọc kinh đặc biệt dành cho tao nữa.

Tôi an ủi:

- Để tao chép phạt cho mày một nửa.

Ngày học đầu tiên ở trường Mai Khôi của tôi chấm dứt khi hồi chuông reo tan học ré lên, tôi vừa có thêm một thằng bạn nhưng đáng tiếc là hai đứa phải chia tay nhau liền sau đó. Sếu lủi thủi đi tìm Xơ kỷ luật để nhận lãnh một tuần chuộc tội.

Tôi đang ngủ say sưa, co rút mình trong tấm chăn ấm áp bỗng đột ngột bị đánh thức:

- Sáng rồi, dậy đi con.

Tôi nhận ra liền giọng nói của Xơ An, nhưng trong cơn thèm ngủ muộn này tôi không nhận thấy tiếng nói ấy có gì êm ái cả. Trái lại là đằng khác, trời còn tối mờ ngoài khung cửa kính, giờ này ở nhà đời nào tôi mở mắt ra được. Gần mùa đông rồi, bên ngoài lạnh run và nệm giường lại ấm áp như thế này... Tôi nhắm mắt lại.

- Dậy đánh răng rửa mặt sạch sẽ, rồi còn đi nhà thờ cho kịp, con.

Chúa ơi! (Mới học trường đạo có một ngày mà tôi đã thay đổi câu than thở rồi, trước kia tôi vẫn thường kêu là trời ơi!) Còn cái vụ đi nhà thờ vào mỗi sáng tinh sương lúc mình đang ngủ ngon như chết nữa sao ?

Tôi càu nhàu:

- Nhưng mà... con đâu có đạo.

Giọng Xơ An như nghiêm lại:

- Ở đây, mọi học trò nội trú đều phải đi nhà thờ mỗi sáng, không phân biệt gì cả.

- Nhưng con biết phải làm sao... trong nhà thờ, con cũng chỉ mới thuộc có kinh Kính mừng.

Xơ An cương quyết tốc mền của tôi ra. Xơ mỉm cười âu yếm như muốn vớt vát lại hành động cứng rắn tàn nhẫn ấy.

- Rồi con sẽ biết hết, nếu con chịu khó nghe lời Xơ. Chiều thứ bảy cũng sắp đến rồi. Xơ muốn mẹ con khi đến đón con về nhà sẽ hài lòng mọi chuyện về con.

Xơ vừa nhắc đến mẹ tôi làm lòng tôi như mềm lại, tôi muốn áp má vào cánh tay êm ái của Xơ mãi mãi nếu Xơ không thêm một lời nói chót:

- Nhưng nếu con không vâng lời Xơ, thì con cũng biết là trường chúng ta có lệ giữ lại trong ngày chủ nhật những học sinh thiếu ngoan ngoãn.

Tôi phải vùng ngay dậy, tỉnh táo hẳn người trước lời nói bóng gió nhẹ nhàng nhưng đáng ngại nhất đó.

Thế là từ khi sinh ra đời, cho đến nay tôi mới bước chân vào một ngôi giáo đường lần đầu tiên. Chuông ngân rộn ràng trong bầu trời lặng thinh vừa hừng sáng. Tiếng đọc kinh rì rào đồng loạt vang vọng nghe như từ một cõi huyền bí nào. Riêng tôi thì đã để rơi cả chiếc đầu ngủ gục của mình trên thành ghế...

Và còn những gì nữa, Mai Khôi ? Những trận đá bóng trong sân tường hẹp, những mùa lễ tưng bừng Giáng Sinh, Tất niên... Một cô bạn đồng tuổi có nụ cười má lúm đồng tiền như chứa đầy trong má hai tâm hồn mới biết chớm yêu thương...

Còn gì nữa, Mai Khôi?

Có ai cho tôi mùa đông trong sự yên bình như nắm tuyết để tôi ấp ủ trong chăn với thiên trường ca thời áo trắng ngày nào ?

 
Hoàng Ngọc Tuấn    
 
(Trích tuần báo Tuổi Ngọc Xuân Hồng 1972)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét