Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2022

NIỀM VUI CHÂN THÀNH - Phan Cung Nghiệp

 

Hôm nay có giờ gia chánh nội trợ, hai giờ đầu lớp Hương được phép đi chợ mua thịt heo để làm thịt chà bông. Đối với những bạn học khác thì giờ thịt chà bông có lẽ là giờ chán nhất - Vì quanh quẩn thì cũng chừng ấy công việc, đứa nào cũng biết làm... món này cả, nhưng chả biết cô K. "mắc cái giống gì" mà mãi bắt lớp Hương làm hoài. Riêng đối với Hương, cách đây không hơn một tháng cũng thế (sự chán ngấy món đó), nhưng nay thì khác. Dĩ nhiên là phải có lý do, một mình Hương biết, và con nhỏ Hồng ngoại lệ phải biết tuốt luôn, bạn đầu ấp tay gối mà lị! Và có lẽ giờ này là giờ chót của món thịt chà-bông-chà-hoa đó. Vì vậy hôm nay Hương có ý chú tâm đặc biệt vào giờ này (món này), nhất định Hương phải được cô K. cho điểm nhất và khen nức nở, ngoài ra còn một người... Ai đó nhỉ? Ngoài Hồng ra, có đứa nào hỏi thế chắc chắn Hương chỉ cười trừ thay cho câu trả lời là gọn nhất, khỏi lôi thôi.

Đàn áo trắng của lớp Hương đến lúc thực tình rã rời, nhưng nắng sớm tươi mới làm họ rực rỡ, tươi mát lạ lùng. Đó là niềm vui con gái sẽ được rong rẫy trong chợ, mặc nhiên có thêm giờ ăn hàng vặt... Hương và Hồng bước chậm sau hết xuống mấy bậc tam cấp qua sân, ra cổng. Mấy đứa con trai giờ nghỉ đang dượt banh ngoài sân bỗng ngừng lại ngẩn ngơ nhìn họ; trong đám áo xanh chợt nhiên ngây ngô một cách tội nghiệp. Đám áo xanh kỹ thuật máy móc kia đang mềm lòng dõi mắt trông theo mấy cô nấu nướng, kẻ xách giỏ, kẻ mang bị... cô nào cũng xinh như mộng.

- Trưa nay nói cô K. cho "qua" ghé bên ấy ăn cơm với!

- Chà hôm nay có món đặc biệt chúng mầy ạ!

- Chắc gà rô ti...

- Rô ti không ngon. Gỏi đi...

Quá quen thuộc với từng ấy lời của bọn con trai cùng trường, đàn con gái áo trắng chỉ biết giấu môi cười trong nón. Bọn con trai cả cười khi nghe một cô dạn miệng "trả miếng":

- Dạ, hôm nay mấy chị nấu bù loong ốc sắt cho mấy em nhậu nhẹt với nhớt máy...

Quả là ngôn ngữ của dân kỹ thuật!

Hương kéo nhanh Hồng lướt qua khỏi sân banh để tránh cuộc đối thoại kỳ cục kia, nhưng vẫn không khỏi một người: San! San ngồi dưới một gốc cây dương hút thuốc ở gần cổng chẳng chờ ai, giáo sư Quốc văn, nhưng dường như tầm mắt của chàng có ý hướng về Hương.

Vài ba đứa học trò con gái chào San hoặc có đứa cố ý lơ đi nhưng chắc San chẳng bận tâm đón. San hỏi Hương khi nàng đi ngang qua chỗ chàng ngồi:

- Hôm nay còn ngứa cổ không Hương?

Hương cười trong miệng không trả lời. Hồng nghịch ngợm:

- Tự hổm nay Hương nó hết thuốc xì gà rồi thầy...

San mỉm cười trước lời nói đùa tinh quái hơn San tưởng, chàng ra dấu hai người ngừng lại rồi đưa một tay vào trong túi của chiếc áo phong trần chàng đang mặc:

- Tôi còn đây, biếu cô...

Dĩ nhiên là chẳng có gì ngoài lời nói đùa vô tội vạ của chàng giáo sư quốc văn vui tính đó. Hương bật cười thành tiếng kéo Hồng bỏ chạy nhanh theo lũ bạn ra cổng đợi xe lam về phố, đi chợ.

(Chắc bạn ngạc nhiên về mẩu đối thoại trên lắm đấy nhỉ? Nhưng khoan thắc mắc vội, vì đó là "diển cố" của Hương và Hương chắc chẳng nỡ hẹp hòi gì mà phải giấu bạn đâu bạn ạ!)

Đám áo trắng lần lượt leo lên những chiếc xe lam về phố hết. Và, sau hết vẫn còn Hương và Hồng là hai người cuối của lớp. Không phải họ lập dị và xa cách bạn bè, vì riêng Hương muốn Hồng hòa chung với nàng một chút vui của nàng khi nghĩ đến một người. Suốt chuyến xe lam, gần như chỉ có mình Hương nói, Hồng chỉ nghe và cười. Có lẽ đám hành khách cùng xe ngạc nhiên lắm với mấy mẩu đối thoại:

"Ra chợ mình làm một bụng bánh dầy cho no trưa khỏi ăn cơm."

"Hay là mình mua hai khúc bánh mì ăn thế cơm nhé!"

"Tao không biết. Mầy nhịn đói rán chịu... tao thì ăn cơm... làm thịt chà bông xong thì ăn chứ để ruồi đậu..."

"Bộ mầy không thương thân ốm yếu ho hen của Minh sao?..."

"Ơ! Mắc mớ gì đến tao..."

"Dóc tổ! Nhớ nhé... thôi thì để tao nhịn..."

"Ừ! Đói rán chịu."

"Nè! Giỡn mà giận thiệt hở? Cười lên cái coi!"

"Tao mà thèm giận chi."

Đại khái như thế. Chắc chắn đám hành khách cùng chuyến xe chẳng hiểu hai cô nhỏ lơn lớn đó nói gì. Và cả bạn nữa! Bạn chưa hiểu gì phải không? Nếu bạn chịu khó đọc vài hàng thêm nữa...

Đám con gái lớp Hương ùa xuống phố, phá gần vỡ chợ. Mấy dãy bán bún, bánh bèo, bánh dầy trong chợ vỡ vui tiếng cười của họ. Bóng trắng ngập lối đi. Thiên hạ chẳng lạ lùng gì cho lắm vì ai lạ gì... con gái ấy mà!

Hương và Hồng rảo quanh khắp chợ. Sau khi lựa mua thịt để chà bông hai người làm một bụng bánh dầy ở một hàng quán quen thuộc, và không quên mua hai khúc bánh mì to tổ bố.

- Hôm nay gói thịt nầy hơi nặng cân đó mầy ạ! Hồng nói. Hương cười cười, ánh mắt nàng chợt nức lên một hình ảnh vẽ vời, về một người: hôm nay có quà nặng cân cho anh đấy anh ạ! Hương nói thầm và nàng không khỏi nôn nóng đợi hai giờ đi chợ qua nhanh.

Sau đó hết hai giờ, bọn con gái về lại trường. Và giờ học trôi qua. Hương cố gắng làm món thịt chà bông thật khéo và nêm thêm tí mắm cho mặn hơn một chút (chàng vẫn thường bảo chàng đem nó nấu canh với rau hơi lạt phải không? Hôm nay thì chắc vừa ý chàng rồi!) nhưng Hương hơi thất vọng vì không chiếm được số điểm nàng mong muốn. Có lẽ cô K. cho "mắc" quá đấy! Thôi mặc, đâu phải mình làm cho cô ăn! Hương tự nhủ.

Giờ ăn cơm hơi trễ, hơn một giờ trưa lận. Vì thế mà đỡ có bọn con trai áo xanh quấy rối lẩn quẩn ngoài hành lang. Đến lúc thì mạnh cơm ai nấy nấu, nồi khê, nồi cháy, nồi sống gì cũng được vì món nầy ngoại lệ không chấm điểm; cô K. cũng chỉ biết cười trừ rán nhai rã răng bởi những hạt cơm sượng sùng, và rán ngửi mùi cơm khê cơm khét. Thế mà bọn con gái vẫn ăn ngon lành. Hương chỉ nấu một ít cho có lệ xong cho thết tụi bạn. Nàng và Hồng lấy bánh mì ra ăn. Tụi bạn mở to đôi mắt kỳ lạ nhìn Hương đem món thịt chà bông đóng kỹ vào hộp sữa ghi gô. Mặc chúng, Hương làm tỉnh theo ý nàng.

Bọn con gái cố tình kéo dài bữa cơm, để nghịch phá và để... lâu đến giờ học lý thuyết. Hôm nay chắc học lý thuyết cách làm bánh ngọt, bánh chua gì đây!
 
*

Buổi sáng chủ nhật trời lất phất mưa. Hương dậy sớm hơn ai hết trong nhà, ngay từ lúc mặt trời còn ngủ quên dưới biển. Hương nôn nóng chờ cơn mưa qua để đi... nhà thờ. Nhà thờ! Khá hài hước đối với nàng, có phải đây là cái lý do duy nhất của nàng để đến nhà chàng? Hương có đủ lý do để rời khỏi nhà, trong bao lâu và bất cứ lúc nào, nhưng luôn luôn cái lý đi lễ nhà thờ vào ngày chủ nhật vẫn làm hài lòng ba mẹ nàng hơn hết. Có khi Hương xin phép đi lễ... hai bận trong cùng ngày. Thật buồn cho Chúa khi có một con chiên hư bởi tình yêu. Đáng trách thật anh chàng nào đó đã ám ảnh mãi trí óc Hương.

Cơn mưa thật nhỏ, lớt phớt nhưng kéo dài. Những luồng gió bốc lên từ biển trôi vào lục địa không làm cho Hương chú ý thơ thẩn như một ngày xưa nào nữa mà giờ chỉ còn nỗi mong ngóng, bồn chồn trong lòng người con gái học trò mới lớn. Chắc Hương phải dầm mưa đi mất.

Thiệp. Thiệp. Đến lúc nầy Hương mới bật thành tiếng kêu cho một cái tên yêu dấu. Hương lo lắng không hiểu Thiệp có giữ đúng hẹn chờ nàng ở nhà trọ của chàng không hay lại bị San kéo đi mất. San. Cái tên San dễ ghét ngày nào giờ lộn trở về trí óc Hương. Giáo sư gì mà kỳ cục, cười hoài. Nếu Hương biết San không phải là bạn Thiệp chắc chắn cái tên San và khuôn mặt chàng là nhân vật dễ ghét nhất trên trần đời nầy. Lúc chưa biết Thiệp, Hương chưa hề chịu cười một phát với San. Ngay những ngày đầu tiên San mới đổi tới dạy, chàng đã làm một chuyện buồn cười nhất, trong đám giáo sư chưa có ai như chàng. Nếu Hương nhớ không lầm thì cách đây chẳng lâu (cách đây độ chừng gần một niên học và một ngày sau khi San hiện diện trong trường), Hương lúc đó bị bịnh ngứa cổ và nàng thường phải la hét bực bội với chính nàng không ít về cái bệnh quái ác ấy! Hôm đó, Hương và Hồng đi học, xui khiến sao mà bệnh ngứa lại nổi lên ngay lúc bước vào cổng (chính là lúc San đứng dưới một tàn cây dương gần đấy hút thuốc), Hương xoa mãi chiếc cổ không hết, nàng hét lên với Hồng:

- Trời ơi ngứa cổ quá!

Vừa dứt tiếng Hương đã nghe được tiếng của vị giáo sư quốc văn đáng kính:

- Ồ, tại cô hút xì gà nhiều quá đó!

Trời ơi! Thật tình Hương muốn chết giấc cho qua cái cơn ngượng chín người. Hương có cảm tưởng như đôi má nàng rực hồng như quả gấc chín mùi. Mới đầu tưởng cậu áo xanh kỹ thuật nào, ai dè là vị giáo sư chẳng nhỏ nhít gì! Và về sau, cứ mỗi lần gặp nàng là San hỏi: "Cô đã bỏ hút xì gà chưa? Xì gà độ nầy có chất gì đấy làm người ta ngứa cổ lắm cô ạ!"

Riêng với bạn gái trong lớp của Hương, Hương mang thêm một tên mới: "Hương Xì Gà!". Thật là chịu hết nổi! Sau nầy quen Thiệp, Hương mới thấy tính San và Thiệp thật tương phản dù hai người là bạn thân nhau. Thiệp vô gia cư nghề nghiệp lúc nào cũng mang trên người một vóc dáng trầm tĩnh đặc biệt (có phải là duyên nợ vì thế đó không?), ít nói, nụ cười gần như chỉ nở nửa bờ môi. Đôi ba lần Hương có hỏi Thiệp về tính nết quá ư là vui vẻ của San, Thiệp chỉ cười bảo bạn thân nhất của anh đó! Có ý gì với anh thì rán mà chiều hắn! Sau ngày Hương cảm thấy rằng nàng "cảm không cúm" Thiệp thì đã đến lúc nàng phải làm lành và gượng vui với lối cười đùa của San. Quái mặc thay! Không hiểu có phải Thiệp chỉ đường chỉ lối không mà hình như San cố tình không chịu khó cười với nàng một phát. Vụ nầy làm nàng sốt ruột mất mấy ngày, song đâu rồi cũng vào đấy!

Nắng ngoài trời bắt đầu rạng lên sau đám mây giông mù ẩm hơi nước, cơn mưa gần như chỉ còn là hơi may phớt lạnh lẫn gió biển. Hương đứng tựa vào balcon nhìn xuống dưới phố đang dần đông người qua, nàng chẳng thể chờ lâu hơn nữa ; nàng trở vào thay một chiếc áo dài màu nâu nhạt - nàng nghĩ rằng chắc vừa ý Thiệp nhất! Chiếc lon sữa ghi gô đựng thịt chà bông đã được bọc sẵn trong một lớp giấy báo từ mấy ngày trước được lôi ra dưới gầm bàn học chờ đó sẵn sàng. Nàng bước xuống nhà, trông nàng vẫn rực rỡ trong chiếc áo dài mầu nâu dịu kia thua gì mầu lá thắm. Ngoài kia nắng đang lên, sẽ tô điểm thêm cho nàng lộng lẫy.

Hôm nay Hương tự ký cho mình cái giấy phép đi lễ nhà thờ mà không cần chữ ký thị nhận của Hồng như vài lần trước. Quốc Hội độc đầu độc nhân đã ủy quyền cho nữ hoàng vào chủ nhật này rồi! Nhưng nếu không được ủy quyền thì Quốc-hội-Hồng kia vẫn chỉ là cơ quan lập pháp bù nhìn chỉ làm bình phong che mắt đến xin phép cho Hương "đi lễ nhà thờ" để đến chỗ hẹn hò.

Chủ nhật, phố vừa ngớt mưa, thiên hạ đổ ra đầy đường. Thật là hạnh phúc tuyệt vời nếu được lang thang qua mấy ngõ. Nhưng Hương chẳng đủ kiên nhẫn để lết bộ xuống mãi tận cuối phố để đến nhà trọ của Thiệp. Hương leo lên một chiếc xe lam ngược chiều vừa trờ tới để đánh cướp thời gian. Không khéo San đến trước nàng mất. San đến trước chẳng bao giờ chàng với Thiệp lại chịu bó cẳng ở nhà. Họ đi. Thiệp đi và dường như chàng vô tình quên cái hẹn của người con gái học trò nhỏ dễ thương. Hương vẫn gặp hoài trường hợp này nhưng nàng không dám giận. Thiệp là người không hề biết năn nỉ và chiều lòng con gái. Suốt cuộc tình mới lớn trong đời con gái của Hương chỉ có nàng chiều Thiệp một cách đơn phương và vô điều kiện. Ở Thiệp, trong Thiệp ẩn chứa một cái gì vừa khinh bạc và hững hờ lạ lùng ; Thiệp chưa lần nào có thể làm Hương thích thú vừa phải với một thứ hạnh phúc đơn giản là cầm lấy bàn tay nàng. Hương đã đợi từ lâu, nhưng Thiệp lại là kẻ như mù hai mắt. Có lẽ cặp kính trên sóng mũi bọc mắt Thiệp quá dầy chăng? Điều đó chỉ có trời biết! Và Hương vẫn còn trong niềm chờ đợi rưng rưng. Không phải là Thiệp nhút nhát, mà do một điều gì đó ở chàng còn quá bí ẩn và lạ lùng đối với nàng mà nàng không dám thử một lần tìm biết. Có phải hạnh phúc mong manh dễ vỡ về một ảo tưởng làm nàng chùng lòng? Không, Hương yêu Thiệp ở niềm kỳ quặc của chàng.

Chiếc xe lam chở Hương chạy ra ngoại ô thành phố, Hương xuống xe nửa đoạn đường đưa ra bến xe chính. Hương rộn ràng bước chân, xôn xao ý nghĩ, phất phới tóc bay bằng những xốn xang trong tâm hồn chim sẻ. Nhìn lên tầng lầu có phòng Thiệp mướn, Hương gặp nhiều dấu hiệu quen thuộc mà nàng có quyền tin rằng Thiệp còn nằm nhà và có lẽ chàng đang kéo dài giấc ngủ muộn màng.

Hương tự nhiên vào nhà và bước lên chiếc cầu thang quen thuộc đã đưa nàng đến bao lần với Thiệp. Một tiếng gõ dịu dàng vang lên. Hai tiếng thúc hối. Ba tiếng dập dồn. Cánh cửa phòng vẫn đóng im lìm. Hương do dự không muốn mở cửa vào bất ngờ vì ngại phải bắt gặp khung cảnh bê bối của Thiệp bày đầy ngập phòng và chắc sẽ làm nàng ngượng ngùng không ít dù là khung cảnh đó nào có xa lạ gì đối với nàng đâu. Chắc Thiệp còn ngủ. Lười biếng thế anh Thiệp? Nắng đổ đầy ngôi vườn sứ trắng dưới kia mà anh còn ngủ. Ồ! Không. Có tiếng động sột soạt bên trong. Hương chôn chân một chỗ bất động không tránh khỏi đám mây vờn mưa lạc vào trong ý nghĩ làm nàng hanh hanh đôi má. Hương chờ đợi. Một phút. Hai phút. Cánh cửa vẫn còn im lìm. Hương đưa bàn tay son búp lên, nắm co lại, nàng chuyển lẫn một chút giận hờn vào mấy ngón tay thon. Tiếng gõ hờn dỗi. Tiếng nén giận. Tiếng bùng vỡ và cuối cùng là tiếng... phá cửa! Có tiếng cười khúc khích nho nhỏ bên trong.

Hương cười nhăn nhó khi thấy gương mặt Thiệp nhô sau cánh cửa. Mái tóc chàng như tổ nhện:

- Xin lỗi, cô hỏi ai?

- Dạ... thưa ông... có ông Thiệp ở nhà không ạ?

- Cô chờ tôi hỏi lại ông ấy thử xem?

- Ấy, thôi! Phiền ông quá hà! Thôi nhờ ông nhắn lại có cô Hương nhờ tôi đến đem cho ổng... hộp thịt-chà-hoa-chà-bông gì đây ông ạ!

- Phiền cô quá! Chắc cô đi bộ mỏi... thôi cô trao lại cho tôi và cô về đi nhé! Allez! S'il vous plait! Très bien merci!

- Anh đuổi tôi đấy hẳn? - Hương cố nín cười nhưng nàng là người đầu tiên thua cuộc trong trò chơi đã cũ.

Thiệp mở tung cửa, một mùi ẩm mốc bay ra nồng nặc khứu giác tinh anh của người con gái.

- Mới sáng sớm mà đã nghe mùi bê bối của anh rồi.

Thiệp cười lùng bùng trong cuống họng, chàng hơi ngượng nghịu trước bản tính tự nhiên và hơi vờ vật của Hương. Trong khi chàng mở tung đôi cánh cửa sổ nhìn xuống sân vườn, Hương ngồi bên mép giường lật lật quyển sách Thiệp xem dở dang trên tay.

- Anh mới ngủ dậy à?

Thiệp lắc đầu trở về ngồi ở một chiếc ghế kê cạnh bàn viết mồi một điếu thuốc lá. Hương nhìn Thiệp lâu:

- Anh đọc sách?

- Không, sách đọc anh!

Hương bật cười khúc khích. Thiệp cầm chiếc hộp ghi gô được bọc giấy báo bên ngoài lắc lắc như thử ước lượng sức nặng của nó. Chàng bật thốt:

- Anh và San cũng no được cả tháng! Mấy điểm đây cô bé?

Hương thấy sao đôi môi Thiệp dễ thương quá!


PHAN CUNG NGHIỆP      

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 107, tuần lễ từ 21-6 đến 28-6-1973)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét