Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2022

SÀI GÒN, XƯA VÀ NAY - Trần thị Phương Lan

 

Lâu lâu đi đường bắt gặp những trụ đèn xoay sọc xanh đỏ treo hai bên hông tiệm uốn tóc, lòng tôi lại bồi hồi nhớ về Sài Gòn ngày tháng cũ... Người ta đã xài những đèn trụ xoay (barber’s pole) này từ hồi tôi còn học tiểu học, mà giờ đây họ vẫn sử dụng lại.Té ra cũng còn nhiều dân Sài Gòn hoài cổ như tôi.

Ngoài ra, cũng còn vô số những món đồ cổ từ đời ông Bành Tổ mà bây giờ lại được tái chế, phục hồi, để trở thành thời thượng, như các loại xe Velo Solex, Mobylette, Suzuki 67, Honda dame, và nhất là Vespa, Lambretta... Trước đây ba tôi có một chiếc xe Vespa cũ rích, để tuốt trong nhà chưa có dịp bán ve chai, thì một hôm đã có người nằng nặc đòi mua để về tân trang lại! Có cả những câu lạc bộ tập hợp những người chung sở thích, chí hướng để vào những ngày cuối tuần cùng đi dã ngoại, hoặc chụp hình hóa trang thành dân Sài Gòn xưa với những chiếc xe cổ lỗ sĩ ấy, nhưng giờ đây giá đã được hét tới trời!

Có lần nhà tôi dọn dẹp nhà cửa nên đã thải bớt một số những cánh cửa lá sách cũ, đã tháo rời ra từng thanh, để giúp phu hốt rác dễ xoay sở, nhưng buồn cười làm sao, tôi chỉ vừa gom chúng thành một đống trên vỉa hè, gần như chúng chưa kịp chạm đất, thì đã có người đi đường dừng xe và a lê hấp, chúng đã bị nuốt trọn "trong vòng ba nốt nhạc". Những cánh cửa ấy sẽ được sơn phết lại đủ màu sắc để làm vật trang trí cho quán cà phê, làm phông nền cho các cảnh quay trên TV... để mô tả Sài Gòn xưa.

Nói tới quán cà phê, tôi mới nhớ đến phong cách quán xá ở Sài Gòn xưa và nay khác nhau một trời một vực. Thời buổi này, bắt chước Tây, màu sắc được ưa chuộng nhứt là màu đen ! Chắc họ bị khùng tập thể rồi, vì quán cà phê, phòng karaoke... lại sơn đen thui, nhìn vào tối thui, đen ngòm như hang động thời tiền sử. Cả trong đám cưới, cô dâu tân thời cũng mặc màu đen. Và dàn tiếp tân đứng hai bên lối vào sảnh đón chào khách tới tham dự cũng vận cùng một màu đen tuyền. Có một dạo người ta còn tô son môi màu đen, dù chưa tới Lễ Ma Halloween (Có lẽ bây giờ mà không "chơi" màu đen đời không nể?). 

Khi xưa màu đen bị coi là màu tang, và chỉ có các góa phụ hoặc khi dự đám tang, người ta mới bị bắt buộc sử dụng mà thôi. ( Scarlet O'Hara trong Cuốn Theo Chiều Gió mặc trang phục đen để tang chồng đã được Rhett Butler xúi xả tang bằng cách mua cho váy áo và cả những phụ kiện như giày, bóp cùng màu xanh biếc để phù hợp với màu mắt  của cô, thay cho bộ đồ tang đen mà Rhett dèm pha là trông như con quạ) Giờ đây, hầu như mọi người, nhất là giới trẻ, đều mặc màu đen từ đầu tới đuôi. Cả những đứa con nít vẫn còn được bồng ẵm trên tay cũng bị cha mẹ diện cho màu đen! Thế giới đã đảo lộn rồi chăng?

Nay vậy, còn phong cách xưa thì sao nhỉ? Hồi tôi còn nhỏ xíu, thanh niên có phong trào mặc áo par-dessus, đàn vác vai, và cả áo khoác nữa, cũng vắt trên vai trông thật phong trần, lãng tử. Hình như trông họ cũng giống thám tử người  Anh Sherlock Holmes? Vì số lượng hình minh họa cho phép bị giới hạn, nên bạn nào muốn biết phong cách này thì hãy google hình chân dung nhạc sĩ Thăng Long (sáng tác nhạc phẩm Mưa Về Sáng), hoặc hình bìa ca khúc Anh Về Một Chiều Mưa của Duy Khánh và Anh Thy nhé. 

Nói về phong cách của các thiếu nữ, sinh viên, học sinh Sài Gòn xưa, chắc bây giờ bạn sẽ bị người ta gọi là "hư cấu", hay khéo tưởng tượng. Các chị ấy thật nhỏ nhẹ, lịch sự, một điều Dạ hai điều Thưa, cứ như tiểu thơ con nhà khuê các,  kín cổng cao tường, y hệt như những câu thơ của Phạm Thiên Thư, đã được Phạm Duy phổ nhạc: Em đi dịu dàng, bờ vai em nhỏ. Ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay...

Các thiếu nữ của tp. HCM ngày nay, trái ngược tới 180 độ,  tomboy hơn đàn chị khi xưa nhiều, và vì là sinh ngữ, hay ngôn ngữ sống động, không phải là tử ngữ, nên họ dùng thứ ngôn ngữ thời đại mới bảo đảm dân Sài Gòn xưa cứ tưởng mình đang nghe một thứ ngôn ngữ KHÔNG PHẢI là tiếng Việt, như vãi chưởng (có ai hiểu nổi không ạ?), quả đầu (kiểu tóc), quả xe, con xe (chiếc xe),  quả ảnh (tấm hình), đi phượt (đi du lịch ) quẩy lên nào (quậy lên)...

Xin thay lời kết cho bài viết này So sánh Sài Gòn xưa và nay bằng câu kết của Đệ Nhất Sài Gòn Ca, một sáng tác của nhạc sĩ Y Vân Sài Gòn , một nhạc phẩm có 1-0-2: Một tình yêu mến ghi lời hát câu ca Để lòng thương nhớ bao ngày vắng nơi xa. Sống mãi trong tôi bóng hôm nay sẽ không phai Saigon đẹp lắm, Saigon ơi ! Saigon ơi !

Trần Thị Phương Lan     
(Bút nhóm Hoa Nắng)