Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2022

HÃY TƯỞNG TƯỢNG... CÙNG HOÀNG NGỌC TUẤN - Trần Trung Sáng

 Hoàng Ngọc Tuấn sinh năm 1947 tại TP Huế. Từ năm 1967, ông phiêu bạt vào Nam sinh sống, theo học Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, và bắt đầu bước vào nghề cầm bút từ thời gian này. Ông được giới trẻ miền Nam đặc biệt yêu thích, đón nhận như một “hiện tượng văn học” từ trước 1975 với các tác phẩm: "Hình như là tình yêu”, “Cô bé treo mùng”, “Ở một nơi ai cũng quen nhau”, “Tôi và em”,... 

Từ năm 1989 - 2005, các tác phẩm Hoàng Ngọc Tuấn được NXB Trẻ tái bản nhiều lần qua các tựa sách: Tuyển tập Hoàng Ngọc Tuấn (3 tập), Lời cầu hôn, Hình như là tình yêu... Thế nhưng, Hoàng Ngọc Tuấn vẫn ít được công chúng biết, bởi ông có đời sống riêng khá lập dị, kín đáo và lặng lẽ và hầu như không có sáng tác nào mới cho đến khi qua đời, do lâm bạo bệnh vào tháng 7-2005.

Từ những cơn mưa rả rích của mùa đông xứ Huế, chàng trai ấy đã lớn lên “đi trên con đường vắng, một bên là hàng cây nặng trĩu me chua, một bên là con sông nhỏ”, và trong lòng không ngừng âm ỉ cháy bỏng giấc mộng giang hồ... Để rồi một ngày kia, sau những năm tháng phiêu bạt trên những con phố nhộn nhàng của Sài Gòn là sự xuất hiện cái tên tác giả Hoàng Ngọc Tuấn với hàng loạt truyện ngắn tuyệt vời, như những khúc hát ngân nga một thời bật từ trái tim tuổi trẻ: Nhà có hoa Mimosa vàng, Thư gởi Đường sơn cúc, Cô bé treo mùng, Buổi chiều Hạ Lan...

Chân dung nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn  
qua nét vẽ Hoàng Đặng.

Khác với những nhà văn đi trước, có nhiều ảnh hưởng với thế hệ trẻ tại miền Nam thời trước 1975 như: Duyên Anh, Nhật Tiến, Nguyễn Đình Toàn..., Hoàng Ngọc Tuấn đến với bạn đọc bằng một thế giới hiền hòa, chẳng mảy may thù hận, chừng như nơi đó, ông nỗ lực xây dựng một không gian trú ngụ cho những khát vọng thương yêu, bình an và thơ mộng bên cạnh thực tại cuộc chiến tranh tàn khốc.

Với giọng văn trong sáng, giàu tình cảm và đầy tinh tế, những trang văn của Hoàng Ngọc Tuấn thường say sưa dẫn dắt độc giả về mảnh  đất thần kinh mơ mộng – nơi những nữ sinh yêu kiều chập chờn tà áo trắng bên dòng sông Hương – nơi có những khu vườn thanh vắng xào xạc tiếng những tàu lá chuối xanh mềm tựa lời ca dao – nơi luôn gợi nhớ đến những gương mặt yêu thương: bà ngoại, bà mợ, bà dì, người chị họ... cùng biết bao kỷ niệm thần tiên suốt quãng đời thơ ấu. Bởi theo Hoàng Ngọc Tuấn: “Huế không chỉ đơn thuần là quê hương mà Huế là kết tinh của những gì đã từng gắn bó thân thương máu thịt. Huế là tất cả tuổi thơ và một phần tuổi trẻ”.

Dù khi chính thức bước vào con đường văn chương, Hoàng Ngọc Tuấn đã rời xa Huế, song những ký ức về miền quê hương này vẫn không ngừng âm ỉ hiện diện trên từng trang viết của ông: “Người ta không yêu Huế vì mùa hạ. Mùa hạ nắng cháy trên da người như đè nặng cả một khung trời lửa. Tôi yêu Huế vì mùa đông mặc dầu mùa thu là mùa dễ thương nhất, mùa thu lá vàng rụng nhiều làm buồn lòng người phu quét đường còm cõi. Tôi sẽ nhớ mãi hình ảnh mơ màng của mùa đông ở Huế” (Mưa Huế). Ở một đoạn khác: “Anh đã ăn năm cái Tết xa nhà, điều ấy thật buồn. Ở những thành phố xa lạ, những thành phố không phải Huế của anh, cái tết thật vô duyên và trống rỗng” (Thuở ấy có nhà).

Bên cạnh đó, ngoài Huế và trong Huế, dĩ nhiên đậm nét trong những trang văn Hoàng Ngọc Tuấn là chân dung những thiếu nữ. Đó là Hạ Lan, Sao Mây, Bích Câu, Tiểu Muội, Út, Ngâu, Lục... mà tác giả thường gọi nôm na là “nàng”. Những “nàng” ấy, có lúc làm cho nhà văn vùi dập trong đớn đau và nước mắt, có lúc lại đem đến cho ông đỉnh cao hạnh phúc, như ánh hào quang rạng rỡ, dù chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi của cuộc đời. Nhưng chung quy, bao giờ ông cũng viết về họ bằng những lời lẽ dịu dàng, êm đềm nhất, bởi với ông “họ là những người đã tô điểm, đã làm thanh khiết lại cõi trần gian vốn có nhiều tục lụy này”.

Lần đầu tiên, tôi biết đến Hoàng Ngọc Tuấn qua một truyện dài mang tên “Tuổi trẻ hư không” in nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa (không rõ vì sao truyện này sau đó không in thành sách). Nội dung truyện chỉ quanh quẩn nói về tâm trạng một chàng trai trẻ vừa rời bỏ lục tỉnh đến Sài Gòn mưu tính chuyện tương lai.

Mỗi ngày chàng trai đứng bên cột đèn, miệng nhai những hạt bắp rang và trố mắt nhìn cuộc sống nhộn nhịp diễn ra trên đường phố, lòng ngập tràn háo hức... nhưng cũng đầy lo sợ, chẳng biết bước về đâu trước muôn nẻo đường định mệnh. Tôi nhận ra, đó là một câu chuyện chẳng hề có cốt chuyện, đề tài cũng chẳng có gì mới lạ, nhưng lời văn thật hồn nhiên, phóng túng, thu hút đến ma mị từng câu, từng chữ.

Về sau, đọc kỹ các tập truyện của Hoàng Ngọc Tuấn được ấn hành, ấn tượng lần đầu của tôi về ông lại càng rõ ràng hơn: có lẽ nếu không viết văn, chắc hẳn Hoàng Ngọc Tuấn phải là người làm thơ. Bởi vì những truyện ngắn của ông chỉ là những câu chuyện êm ái, mong manh, cứ bềnh bồng như những tản văn hoặc những dòng thơ xuôi trau chuốt.

Trước 1975, Hoàng Ngọc Tuấn từng được bình chọn là 1 trong 5 nhà văn được yêu thích nhất của tuổi trẻ miền Nam, do tuần báo Khởi Hành (nhà thơ Viên Linh làm chủ biên) trưng cầu ý kiến bạn đọc. Có lẽ, ông là nhà văn hiếm hoi đã bắt trúng ngôn ngữ và tâm trạng của lớp trẻ vào thời điểm ấy. 

Những tác phẩm của Hoàng Ngọc Tuấn luôn  khẳng định một phong cách rất riêng: dí dỏm, yêu đời, bay bổng trí tưởng tượng... Nơi đó, người đọc thường xuyên gặp những câu văn: “Hình như là...”, “chỉ có trong tưởng tượng của anh”, “Thí dụ 1: Hôn... Thí dụ 2: Viết thư tình... Thí dụ 3: đám cưới..”, “Hãy tưởng tượng, và chỉ là tưởng tượng...”... Trong một lần như thế, ông kể lại câu chuyện: sau một cuộc hẹn hò với người bạn gái thân yêu tại một quán cà phê để vẽ vời một tương lai tươi sáng, chàng trai cầm theo một tờ báo đọc qua loa cho đỡ buồn, và “anh sẽ thích thú ghê lắm nếu bất ngờ đọc thấy tên anh trang trọng trong một khung cáo phó viền đen:

Đau đớn báo tin: Ông Nguyễn - Văn – X
Nghề nghiệp: thỉnh thoảng là sinh viên
Đã từ trần tại Sài Gòn ngày...
Vì bệnh tê liệt ở quán cà- phê. Hưởng thọ 23 tuổi (tính theo trong căn cước thì trẻ hơn một chút).
Nhưng dĩ nhiên là không thấy tên anh. Anh vẫn còn yêu đời chán vì còn có nàng...”.

 
Cái khung cáo phó viền đen đã xuất hiện trong truyện ngắn Vĩnh biệt phố của Ngọc Tuấn cách đây đã 40 năm (1970), ai ngờ vào 5 năm trước đây nó đã tái hiện trên nhiều trang báo với nội dung tương tự (chỉ điều chỉnh lại danh tánh: Hoàng Ngọc Tuấn và độ tuổi: gần 60).

Nhưng liệu bạn đọc có nên tin vào điều ấy không? Đến giờ này, tôi vẫn mong muốn, điều ấy chỉ “hãy tưởng tượng, và chỉ là tưởng tượng”. Bởi tận đáy tim tôi, Hoàng Ngọc Tuấn vẫn mãi là nhà văn số một của tuổi trẻ và tình yêu.

Trần Trung Sáng   
    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét