Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

NHÀ CÓ HOA MIMOSA VÀNG - Hoàng Ngọc Tuấn

 

Khách chưa bao giờ biết Đà Lạt, buổi chiều xanh nhờ những rừng cây, nắng một chút hồng trên tàn lá đỏ úa. Thị trấn cao nguyên này nhỏ bé ngộ nghĩnh như một món đồ chơi, êm đẹp và lặng lẽ khi khách đến.

Chiếc xe đò tắt máy ở bến, sau một ngày đường hun hút bơ phờ. Khách ra khỏi xe, tóc tai bám đầy bụi đỏ, chiếc áo trắng đã trở thành một miếng giẻ dơ bẩn. Đứng lặng yên một chút ở thành phố lạ, khách nhìn bâng quơ những cảnh tượng quanh mình. Nhà cửa nhấp nhô như những chiếc hộp giấy, con đường dốc lên cao mất hút sau những khúc rẽ xa lạ, bên hàng cây mướt. 
 
Hình như đây là một phố hồng, lấm tấm điểm những bông hoa khách còn chưa biết tên, tím và đỏ như một giấc mộng sâu thẳm.

Chuyến xe khởi hành từ Sài Gòn, một nơi đầy nắng lửa và bụi chen chúc đổ mồ hôi, tiếng động ầm ĩ suốt ngày. Ở đây là một nơi chốn khác, thong thả những bước chân tản bộ, đường mềm như một dải lụa mời gọi dấu giày dạo chơi. Không khí lạnh rung động trong túi quần, môi phì phà điếu thuốc ấm. Bấy giờ là chiều cuối mùa đông, nắng tắt vội vàng và mây xuống thấp. Có lẽ mọi người đều nao nức về nhà hưởng thú ấm cúng bên lò sưởi. Phố dần dần vắng người, vì phố đã hoàng hôn. Khách thấy lạnh hơn mình tưởng, da thịt se thắt trong làn vải áo mỏng, môi đã khô nhờ khói thuốc nóng nhưng vẫn còn run run vì gió. Khách chợt buồn trước bóng tối quạnh hiu như một màn lưới vây phủ quanh người. Tâm hồn khách mơ tưởng đến một mái nhà ấm, một chiếc giường êm và ngọn nến hồng vui mắt. Khách đã vứt bỏ những thứ ấy từ nhiều năm nay, tưởng chừng mình như một cây xương rồng kiên gan mọc trên sa mạc. Nhưng đôi khi, như chiều hôm nay, bên đường ghé lại một miền đất xa lạ, khách thấy cuối cùng mình cũng chỉ là một cây lau sậy mềm yếu. Một chiếc xe taxi màu đen trờ đến dừng lại mời khách. Mặc dầu khách muốn leo lên một chiếc xe ngựa hơn nhưng rồi khách cũng bước vào. Người tài xế co rút mình trong nhiều lớp áo dạ, quay đầu chờ đợi. Khách tìm một địa chỉ viết tháu vội vàng trên hộp quẹt giấy. 
 
- Cho tôi đến đường Thi Sách. 
 
Xe chạy êm êm theo những đường lạ, bỏ dần con đường tráng nhựa của thành phố, lên những con dốc cao rồi đổ xuống theo triền đất thấp, con đường mòn đất đỏ. Đồi thông chập chờn bên ngoài cửa xe như cùng chạy bộ ngược chiều với khách. Có cây thông xa mất hút ở góc đồi nào, trời đã tối nên không còn nhìn thấy những trái thông khô, chắc là rơi rớt nhiều lắm ở đâu đó.
 
 *
 
 Một cô bé cho khách biết chủ nhân đi vắng. Khi khách bước vào nhà, không khí ấm và cô đọng bỗng chốc tràn đầy trong người, đánh tan bớt gió chiều giá lạnh bên ngoài. Phòng khách trang nhã và dễ thương dưới ngọn đèn hồng. Những nhánh anh đào xanh lá có những bông hoa màu hồng nhạt mỏng, cắm trong chiếc bình sứ. Bức tranh sơn dầu trên vách tường thêm một vẻ đẹp hòa hợp cho căn phòng. Những con búp bê trên kệ tủ, lò sưởi còn đám tro than trên những cây củi cháy. Người vợ của chủ nhân, bà T. ra nói chuyện với khách. Người thiếu phụ có vẻ vừa mới đi đâu về, áo manteau và chân đi giày da kiểu thể thao khá đẹp. Bà T. cầm lá thư giới thiệu từ tay khách, đọc xong và nói vài câu thăm hỏi thường lệ, nhắc đến tên một vài người quen biết. Giọng nói theo cung cách lịch thiệp vừa phải, vì khách là một người hoàn toàn xa lạ. Khách theo chân bà T. lên căn phòng nhỏ trên lầu. Đây là căn phòng mà khách sẽ nghỉ tạm trong một vài ngày, hay có lẽ chỉ trong một ngày. Khách chào và nói cảm ơn với bà T. khi bà trở xuống nhà dưới. Khách thay áo quần, mở cánh cửa sổ để nhìn ra ngoài trời. Vì ngôi nhà nằm trên một triền đồi cao, nên từ đây, khách có thể nhìn thấy hơn một nửa thị trấn. Nhà cửa nhấp nhô, bé nhỏ, một vài tòa nhà màu trắng cổ kính đàng xa xa, có lẽ là trường học hay tu viện. Chuông nhà thờ đâu đó rời rạc đổ, âm thanh nghe reo vui như hát nhưng thỉnh thoảng cũng có vẻ cô tịch lạ thường. Khách đóng kín cửa, trở vào phòng, tủ sách đẹp với một vài tấm thiệp Giáng sinh nằm trên ngăn. Một bức tranh nhỏ chưa treo lên vách, dựng hờ hững trên bàn. Khách hút một điếu thuốc, thấy ngon miệng hơn thường lệ, chắc nhờ một cảm giác thân thuộc của ngôi nhà vừa đến với mình. 
 
 Đến tối, chủ nhân về với tiếng xe Jeep nổ máy ngoài sân. Bà T. giới thiệu khách với chồng. Ông T. trạc tứ tuần, chững chạc và rắn rỏi, bắt tay khách một cách lịch thiệp. Rồi lần lượt khách được biết đến những người trong nhà. Mấy chị em xinh xắn, bắt đầu với cô bé Quỳnh T. khoảng mười bảy tuổi, mặc chiếc jupe xanh, áo len đen và khăn quàng cổ màu tím, và lần lượt đến ba cô bé nữa và một cậu bé út. Mỗi cô cậu đều có thêm một cái tên thân mật trong nhà, vị chi tất cả gồm mười tên làm khách lúng túng không nhớ nổi. Và nếu có quyền đặt tên, khách sẽ gọi mỗi người bằng một cái tên khác nữa. Ví dụ như cô bé Quỳnh T. là hoa anh đào. Quỳnh Th., hoa huệ trắng. Quỳnh Thơ, con sóc rừng. Cô bé Ái, hươu cao cổ và cậu bé út thì quả thật là một chú nai tơ. Như thế tổng cộng năm chị em có tất cả mười lăm cái tên. Cái trí nhớ yếu kém của khách đành chịu không nhớ hết được. Trong bữa ăn, mỗi người uống một chút rượu vang đỏ. Khách để ý thấy mấy cô bé cùng nì nài cha mẹ được nhấp một tí rượu, những má hồng hào như màu ánh nến. Ông T. phải vào trại trực ban đêm, vì ông là một sĩ quan giữ chức vụ quan trọng trong tỉnh. Những cô bé kiễng chân hôn ba tạm biệt. Khách cũng tạm biệt mọi người để trở lên phòng. Ngoài trời tối đen, rất lạnh và đường sá đều là âm u xa lạ nên khách cũng ngại xuống phố dạo một vòng. Dưới ngọn đèn ngủ, khách tìm thấy một tập truyện của A. Daudet, và khi đọc đến đoạn chú dê con bị thú dữ ăn thịt vào lúc trời tảng sáng, khách cảm thấy buồn ngủ. Mặt trời dần dần thắp đỏ trong câu chuyện, nhưng ở Đà Lạt bây giờ, trời chưa đến nửa đêm. Ngoài sân, người lão bộc đi đóng cổng, khua lên những tiếng động nhỏ. 
 
Khách dậy sớm, mặc dầu rất muốn kéo dài giấc ngủ ngon trong lớp chăn ấm. Hừng đông ở cao nguyên đem hơi lạnh vào tận trong da thịt, cho dù có ở trong phòng kín. Khách cẩn thận đi những bước nhẹ trên bực thang để xuống nhà dưới, mọi người có lẽ còn nằm trong cơn ngủ muộn êm dịu tảng sáng.
 
Nhưng đã có một cô bé ở trong phòng khách, đang đổ nước vào chiếc bình sứ con và cắm những bông hồng đỏ tươi tắn, cô bé đừng nghiêng đầu ngắm khóm hoa của mình.

- Đẹp lắm!

Cô bé giật mình quay đầu lại. Có lẽ là cô thứ nhì, Quỳnh Th.. Chiếc răng khểnh trẻ thơ trên khuôn mặt tròn trĩnh, mái tóc cắt ngắn đen nhánh.

- Cháu mới hái ngoài vườn, chú thích hoa này không?

- Thích tất cả. Anh đào, hồng, glaieul, huệ, lan, pensée và tất cả những thứ hoa dịa chú chưa biết tên.

Cô bé mỉm cười nhìn đâu đâu.

- Thế thì chú hợp với Đà Lạt lắm rồi.

Khách mở cánh cửa phòng, vừa nói:

- Tiếc là chú không ở đây lâu được.

- Chú đi đâu thế? Mới sáng sớm mà đã đi chơi phố rồi.

- Không, chú đi mua bao thuốc lá... Này Th., gần đây có sạp bán thuốc lá nào không cháu?

Cô bé theo khách ra đứng dưới mái hiên nhà, ngón tay chỉ ra đường chỉ dẫn cho khách lối đi.

- Hơi xa chú à. Chú đi theo đường này một khoảng, rồi rẽ theo con đường mòn phía tay mặt, xuống hết đường mòn, lại rẽ tay trái đi khoảng một trăm thước... có một cái quán nhỏ bán đồ tạp hóa, nhưng không biết giờ này quán họ mở cửa chưa.

Khách làm bộ e ngại:

- Có vẻ lôi thôi quá nhỉ. Không chừng chú sẽ bị lạc đường khi trở về.

Cô bé kéo kín chiếc áo len xanh che lấp chiếc áo trắng ở trong cho bớt lạnh.

- Nhà cháu dễ thấy lắm. Nếu lạc đường chú cứ tìm nhà nào có hai cây mimosa vàng là đúng rồi.

Khách nói cảm ơn cô bé rồi đi ra khỏi cổng, đầu khách phải cúi thấp xuống như để tránh cái lạnh, nhưng thật vô ích, không khí đã thổi những ngọn rét căm căm vào trong từng chân tóc. Cho dù ở phía chân trời phương đông kia, nhiều tia nắng mỏng đã đổ vàng óng ánh trên mái ngói.

Khi khách về lại nhà, bà T. và mấy cô bé dường như đang sửa soạn đi đâu.

- Anh có đi dạo phố một chút cho biết không?

Khách gật đầu trả lời với bà T., khi bà cùng các con vào ngồi trong xe hơi. Người tài xế có chiếc nón sụp vành, thành thạo qua những con đường có lẽ đã quá quen thuộc với gã. Bà T. nói:

- Tiếc quá, tôi phải lên phi trường đón người bà con. Anh có đi chơi đâu, nói anh tài đưa đi.

- Cũng chẳng biết đi đâu, có lẽ nên đến cái quán bên bờ hồ uống chút cà phê.

Một cô bé nào đó xen vào:

- Giờ này ở đó lạnh và vắng lắm, chú.

- Còn gì bằng nữa. Nóng và đông người thì ở đâu cũng có.

Xe dừng lại. Vì mọi người đều bận việc nên khách bước xuống một mình, thích thú nhìn con đường sỏi nhỏ dẫn xuống quán. Khách hỏi mấy cô bé:

- Có ai đi uống cà phê với chú không?

Mấy cô bé có vẻ chỉ muốn đi với mẹ.

- Quỳnh Th.?

Nụ cười của bé Quỳnh Th. rực rỡ lắm, nhưng cô bé cũng lắc đầu. Khách thở dài.

- Chắc chú còn lạ, phải mất một thời gian làm quen mới được.

Lát sau, khách thấy mình là người duy nhất trong quán. Những người bồi đang ngái ngủ sửa soạn bàn ghế và ly tách, trên một chiếc bàn con đặt ngoài bao lơn, mắt nước hồ lóng lánh thật gần bên người.. Giọt cà phê nhỏ chậm rãi từ chiếc filtre, khói thuốc bay tan loãng mất đi trong trời.

Uống chút cà phê cho tỉnh táo như thói quen, hút thuốc lá liên tiếp và nhìn xuống mặt hồ, khách thấy mình sung sướng quá. Sương trắng mỏng như những đám mây từ giã trời cao để xuống trần, trôi bềnh bồng trên mặt nước hồ. Không phải màu xanh thẳm như biển, hồ dịu dàng và lặng lẽ hơn, trong màu xám của những trời chiều mùa đông sắp đổ mưa. Màu xám của những đôi môi tê lạnh, vì giá buốt hay là vì lẽ bóng.

Chiếc máy hát vang lên rè rè những nhạc phẩm tình cảm, nghe thật tồi và chán ngắt. Cần gì âm nhạc ở đây, cho dù là những nốt sầu muộn nhất của Chopin cũng sẽ trở nên thừa thãi và thua kém. Ở đây, vẻ đẹp của cảnh tượng bên ngoài diễm lệ không gì bằng được, làm lu mờ tất cả những điều đẹp đẽ khác. Có gì hơn ngọn đồi xanh thoai thoải bên kia bờ hồ, lác đác những cây thông như những đốm màu vô tình trên một bức tranh tuyệt tác. Hình như có con đường mòn nào đó dẫn lên đến đỉnh đồi. Xa xa, những chiếc xe trông nhỏ xíu như đồ chơi trẻ em, chậm chạp di chuyển dưới chân đồi, có vẻ không lo ngại gì về một vụ kẹt xe thường thấy ở những đô thị ồn ào.

... Khách trở về nhà khi trời đã tối. Bà T. đang ngồi đan một chiếc áo len trong phòng trước. Mấy chị em quây quần chung quanh. Khách mỉm cười chào mọi người rồi ngồi xuống chiếc ghế nệm dài, cậu bé út đang nằm trên đó với thứ đồ chơi ngộ nghĩnh: nhà cửa, cây cối, súc vật và hình người làm bằng những mảnh giấy cắt nhỏ. Bà T. ngước mắt lên.

- Sao? Anh thấy Đà Lạt thế nào? Chắc là buồn vì đi có một mình?

- Tuyệt đẹp. Như một thành phố nằm trên mây, chẳng dính dấp gì đến những cái phiền toái ở dưới đất cả.

Khách thở một hơi thuốc lá thật nhỏ để tránh cho những cô bé khó chịu vì mùi khói. Quỳnh Th. ôm những thanh củi chất vào lò sưởi và rải thêm vài nắm diêm bào.

- Chú cho cháu mượn hộp quẹt.

Cây quẹt cháy một đốm lửa nhỏ từ bàn tay của cô bé. Lửa bắt vào diêm bào, trong phút chốc những thanh củi đã cháy ngon lành. Lò sưởi rực rỡ ánh lửa nổ bùng nhấp nhánh như một bó hoa màu đỏ thẳm linh động.

Khách thú vị chôn đôi mắt đăm đăm nhìn vào lò sưởi. Ánh lửa sống động quyến rũ như muốn nuốt lấy người khách, khuôn mặt dần dần ấm áp, rồi nóng rực. Đèn nhà đã tắt, lò sưởi như trở nên một mặt trời hiếm có ở những vùng băng tuyết.

Hạnh phúc vô cùng cho một ai giữa chặng đường đời đen tối, đã vô tình khám phá ra những cảm giác nồng nàn say sưa mà mầu lửa đỏ dâng hiến cho mình. Và đêm nay, khách là một người hạnh phúc.

Các cô bé tranh nhau để ngồi thật gần lò sưởi. Ánh lửa phản chiếu làm khuôn mặt bé Quỳnh Th. đỏ hồng hơn bao giờ hết, đôi mắt lung linh như thắp những ngọn nến sinh nhật.

Với tờ giấy và cây bút, bốn cô bé chia làm hai phe chơi đố chữ, trò chơi có lẽ do những ông giáo Pháp văn bày ra. Quỳnh T. đố:

- Một chữ gồm có 5 vần. Khởi đầu bằng vần C và tận cùng bằng vần R, đố là chữ gì?

Hai cô bé thuộc phe bên kia chụm đầu bàn tán, rồi rốt cuộc cũng tìm ra được kết quả: Coeur. Rồi đến một chữ khác, lần này bên kia chịu thua. Quỳnh T. giải đáp: Yseult. Cô bé nhỏ nhất không chịu, cho rằng chữ đó không có trong sách học ở lớp. Yseult, làm sao mà có được trong sách học được, đó là tên người tình duy nhất của Tristan, anh chàng giang hồ lãng mạn của một câu chuyện tình dang dở muôn thuở.

Khách là người lạ nên không được dự vào trò chơi. Khách dần câm lặng và bất động như một gốc thông.

Bé Quỳnh Th. phải gợi chuyện:

- Chú còn định sẽ đi đâu nữa?

- Huế.

- Chú từ đâu lên đây?

- Sài Gòn.

- Chú làm gì ở dưới đó?

Khách dụi tắt mẩu tàn thuốc trong chiếc gạt tàn:

- Đố cháu biết chú làm nghề ngỗng gì?

Quỳnh Th. quan sát khách, suy nghĩ rồi trả lời:

- Cháu chắc chú đang... trốn lính.

Khách giật mình rồi bật cười:

- Cháu đoán tài lắm nhưng chỉ trúng một nửa. Bỏ bớt đi một chữ. Nghề đẹp lắm nhưng chú không đủ sức tiếp tục nữa. Chú kẹt vô lính rồi.

Quỳnh Th. cũng cười rồi định trở lại với trò chơi của mấy chị em. Khách nói tiếp:

- Thế nào chú cũng trở lại đây để học.

Mắt cô bé mở lớn ngạc nhiên:

- Chú định học gì ở đây?

- Chú còn nhiều điều chưa biết.

Khách không muốn giải thích rõ ràng cho cô bé hiểu, nhưng trong thâm tâm khách buồn bã vì thấy mình là một kẻ dốt nát. Từ lâu, khách đã học cách sử dụng súng đạn thế nào để bắn cho trúng . Khách đã biết cách gài lựu đạn và mìn để ngăn chặn những vụ đột kích vào ban đêm. Khách đã biết cách gọi pháo binh hay phi cơ dội bom đạn (...). Khách cũng biết những thế đánh lưỡi lê khi xáp lá cà, những đội hình xung phong tấn công, những cách thức rình rập phục kích.

Nhưng khách đã biết gì về nhịp tim của một thế giới bình yên?

Khách chưa biết gì hết về tên của những loài hoa dại lấm tấm trong rừng cây, trước sân nhà. Khách chưa biết gì về tiếng hát ríu rít của những loài chim, tiếng nhạc của gió lùa trong lá, tiếng rung động của lá khi đổi từ màu xanh sang màu đỏ úa. Khách biết gì về dòng chuyển động xôn xao của mặt hồ? Tiếng chuông đánh dấu của trời khi chuyển mùa, từ bóng anh đào tràn ngập khắp nơi, rồi tán cho nắng đổ, nắng tắt cho lá vàng lìa cành, và những cây trơ trụi đón chờ mưa mùa đông đổ nhòa theo gió. Khách chưa biết gì hết. Khách mù tịt lối vào cửa ngõ của mầm sống, nhưng lại học rành rẽ bực thang dẫn vào huyệt đạo.

Lửa yếu ớt rồi tắt dần. Đêm khuya đem lại cơn buồn ngủ trên mí mắt của những cô bé. Khói mỏng lan đi mất hút từ những cành củi cháy mòn, những khúc cây đã hy sinh phiến gỗ thô sơ của nó cho một đêm quây quần bên lò sưởi.

*

Buổi sáng, kh1ch đi sớm khi mấy cô bé còn say ngủ. Bà T. tiễn chân khách ra đến cổng. Khách thành thật nói lời cảm ơn với bà và gởi những lời chúc đẹp nhất đến cho cả gia đình.

Khách chỉ tạm biệt Đà Lạt và tự nhủ sẽ trở lại nơi này để học thêm những điều êm đẹp. Chợt nhớ đến lời dặn của Quỳnh Th., khách quay đầu lại để thấy rõ hai cây mimosa đang nở hoa vàng trong sân.

Hình ảnh cuối cùng đó, biết đâu sẽ là dòng nước ngọt an ủi cho khách, trên những chuyến lữ hành khổ nhọc dưới ánh nắng mặt trời.


HOÀNG NGỌC TUẤN       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét