Thứ Tư, 22 tháng 6, 2022

THUỞ ẤY CÓ NHÀ - Hoàng Ngọc Tuấn

 

Đã năm năm nay anh không về Huế phải không ?

Điều đó thật là tệ và không thể nào giải thích dễ dàng được. Huế là miền đất sinh trưởng, có biết bao sợi dây quấn chặt những đứa con của nó, dầu là đứa bạc tình nhất. Ít ra mỗi năm một lần, anh cũng phải tìm lại ngôi nhà đã sống suốt một quãng đời dài, chịu đựng hay thưởng thức tận cùng hơi thở của gia đình. Dầu nồng nàn làm anh say, hay đắng cay làm anh khó chịu.

Thế mà năm năm nay anh đã không nhìn mặt nó. Anh đã gần quên nó đi rồi phải không ? Năm mùa đông, năm mùa thu, năm mùa xuân, năm mùa hạ. Khoảng thời gian thật lâu đủ cho anh quên đi con đường vắng, một bên là hàng cây trĩu nặng me chua, một bên là con sông nhỏ. Con sông cứ thỉnh thoảng lại có một cây cầu ngắn nối hai bên bờ. Chỉ một con đò chở đầy gạch ngói hay rong xanh cũng làm dợn sóng. Buổi chiều có thật nhiều trẻ con lặn ngụp vui đùa.

Ngôi nhà của bà ngoại anh ở gần bờ sông, quay mặt ra đường Trần Thúc Nhẫn. Suốt cả con đường toàn là nhà người bà con, quen biết thân mật. Anh say mê ngôi nhà đó lắm. Khu vườn rộng với nhiều cây nhãn lồng, hai hàng dừa xiêm thấp bên bờ ao, một vườn bắp nhỏ, biết bao thứ hoa leo kín mái hiên và rực rỡ trước ngõ, biết bao thứ trái cây anh đã ăn no nê suốt bốn mùa.

Anh không có tình yêu ở thành phố này ? Không, anh không có người yêu thì đúng hơn. Anh có nhiều tình yêu ở đây lắm nhưng hầu hết là những mối tình chưa bắt đầu phải không ? Anh biết tên tuổi nàng. Anh siêng năng đứng đón ở cổng trường đi ra, áo dài thấp thoáng như một cánh chim trắng. Có thể nói anh đã mỉm cười chào nàng, nhưng anh chưa bao giờ nói với nàng một lời, nàng thì hình như không hề biết mặt anh. Và chấm hết. Ở xứ Huế có chừng một triệu mối tình như thế.

Thế còn người con gái vẫn ngồi với anh bên bờ ao trong vườn ? Anh và nàng nói chuyện với nhau rất nhiều và hai người có vẻ quyến luyến nhau lắm. Nàng thường hay săn sóc đến anh và nàng có một cái gáy mềm như sẵn sàng vỡ tan trong một bàn tay nắm nhẹ. Anh chưa bao giờ nắm mây trời trong tay bao giờ, nhưng anh quả quyết rằng tóc nàng là một thứ tóc mây thực sự. Đôi mắt nàng đen to và có cảm giác. Anh phải nhớ rõ chi tiết đó để phân biệt với vô số đàn bà bây giờ, có những đôi mắt vô cảm giác, đần độn và lạnh ngắt.

Nàng gần như toàn hảo. Ngoại trừ một điều thật đáng tiếc : Nàng là người chị bà con của anh. Nàng có một cái tên tuyệt hay nhưng thật khó nhớ, và chắc chắn là anh đã quên nó rồi vì anh là tên đãng trí số một. Bây giờ chỉ việc đặt cho nàng một cái tên. Sao Mây chẳng hạn.
 
Mỗi sáng Sao Mây đi chợ mua thức ăn, rồi về phụ giúp bà ngoại anh nấu nướng. Vào mùa những cây ổi trong vườn chưa có trái chín, bao giờ nàng cũng bớt tiền chợ để mua về cho anh một hai quả ổi xá lị thật lớn. Và anh bao giờ cũng ăn hết, không để dành cho nàng một miếng nào. Cái thói ăn của anh hồi đó rất nổi tiếng. Anh vẫn thường lén xuống bếp, đứng cạnh và nhìn khuôn mặt đỏ hồng lấm tấm mồ hôi vì lửa bếp của Sao Mây, anh dặn dò nhớ bỏ thêm vài trái ớt xanh nghe. Nhưng anh cẩn thận cũng bằng thừa, nàng lúc nào cũng cho thật nhiều ớt tươi vào soong cá nục kho. Khi chín, những trái ớt xanh đỏ này sẽ mềm nuột, mặn mùi cá thơm phức, cay dìu dịu, ngon không thể nào tả nổi.

Buổi trưa trong khu vườn sau nhà, dưới bóng mát của cây nhãn tuổi già hơn mười năm, anh và Sao Mây nói với nhau thật nhiều chuyện. Lời lẽ của nàng rất dễ thương. Nàng và anh trao đổi biết bao câu đối thoại ý nhị và duyên dáng, tưởng có thể nhờ một ông nhà văn nào đó cho vào tiểu thuyết được. Nhưng đáng tiếc là anh quên hết tất cả rồi, anh chỉ nhớ một vài câu rất vặt vãnh và tẻ nhạt. Như :
 
- Ăn cơm chưa ?
 
- Ăn rồi.

- Ngon không ?

- Ngon lắm. Bữa nay ăn đến hơn mười chén mới hơi no.

- Trưa mai thích ăn canh gì ? Canh măng chua nấu cá ngạnh hay cá hồng nấu với thơm ?

- Thích canh cá ngạnh hơn. Sao Mây nhớ mua mấy con cá có bọc trứng ở cổ nghe, trứng cá ăn ngon kinh khủng.

Và dĩ nhiên những câu nói như thế không có gì hay ho cả. Chúng tầm thường và dở ẹt. Nhưng không hiểu sao anh lại nhớ chúng rất dai, cũng bởi cái trí nhớ của anh nó làm việc chẳng có quy tắc gì hết.

Trong nhà anh cũng có một người bạn thân khác. Đó là một thằng nhỏ có mười một ngón tay và nhỏ hơn anh vài tuổi. Mặt mũi tay chân của nó đầy ghẻ ruồi nên anh chẳng ngần ngại ghép tên thật của nó với bệnh tật thành một tên gọi thông thường. Hình như là Hùng-ghẻ-ruồi thì phải. Đáng lẽ phải gọi nó là Hùng-mười-một-ngón thì hợp lý hơn, nhưng anh sợ nó tủi thân. Dầu sao thì nó cũng bị cái tật trời cho từ lúc lọt lòng mẹ rồi, chứ ai lại muốn bàn tay mình có thêm một ngón kỳ cục như thế. Còn ghẻ ruồi là vì nó ở bẩn, làm biếng tắm rửa nên mới bị, không có lý do gì để tủi thân được nữa.

Ban đêm anh và thằng Hùng nằm ngủ trong một nhà chứa xe hơi bỏ trống ở góc vườn. Anh nằm một mình hút thuốc lá bên cạnh ngọn nến, còn thằng Hùng đi một vòng suốt con đường trong xóm. Nó là một tên trộm chúa, nhà nào có chó dữ, có thứ trái cây gì mới chín là nó thuộc cả. Chỉ một lát là nó về êm ái như bóng ma, khệ nệ trên vai một bao bố đầy nhóc những ổi, mãng cầu, bưởi, cam quít, vú sữa. Anh và nó thi nhau ăn thả cửa mặc dầu buổi cơm tối vừa làm đầy bụng.

Đêm nào cũng như thế nên hồi đó anh béo mập và khỏe mạnh lắm, ăn toàn là trái cây có nhiều sinh tố. Đó là chưa kể đôi lúc nghe lời khuyên nhủ của anh thằng Hùng còn xách ná cao su bắn trộm bồ câu nhà hàng xóm, chim bồ câu mà nấu cháo đậu xanh thì phải biết, ngon lành và bổ khỏe biết bao nhiêu.

Đôi khi có vụ ăn trộm bị lộ, bà ngoại đánh thằng Hùng một trận mê tơi, còn anh thì bị nhốt trong phòng, bắt ngủ sớm.

Bên cạnh giường anh nằm là một cái cửa sổ đóng kín nhưng then gài ở trong, như thế là đêm khuya anh nhẹ nhàng bò ra khỏi cửa sổ, khép lại cẩn thận và không quên dùng mền cuốn chiếc gối dài để giả làm hình người.

Anh một mình kéo kín cổ áo cho bớt lạnh, đi ra phía chợ còn sáng đèn, anh đứng trên cầu Bến Ngự, hút một điếu thuốc nồng ấm và nhìn đốm sáng của ngọn đèn đường lóng lánh dưới dòng sông. Anh nhìn những con thuyền nhỏ trôi sát bên bờ lau, người săn cá mình trần, mặc dù gió đêm rất lạnh, tay trái cầm ngọn đèn dầu soi sáng mặt nước, tay phải lăm lăm một ngọn dài sắc nhọn, sẵn sàng phóng xuyên qua mình những chú cá ngái ngủ và ngơ ngác trước ánh đèn. Anh nhoài đầu ra khỏi thành cầu nhổ bãi nước bọt xuống sông để nhìn mặt nước chao động nhẹ thật vui mắt. Anh làm như thế cho đến khi nào miệng khô ran vì đã mất bết bao nhiêu nước bọt, anh lủi thủi trở về. Những đêm lang thang ngoài đường không có thằng Hùng thật buồn bã.

Đến mùa vườn trong nhà không có trái chín, và nhà hàng xóm cũng thế thì anh phải cẩn thận một chút. Thằng Hùng nó buồn vì không có việc gì làm mỗi đêm, nó chẳng ngần ngại xoay qua ăn trộm đồ lặt vặt của anh... Tiền bạc, bút máy, sách vở và tất cả những thứ gì đáng giá một đồng bạc trở lên là bị nó chiếu cố ngay nếu anh không cẩn thận gìn giữ, và anh là cái thằng chẳng bao giờ cẩn thận được cả.

Bây giờ thằng Hùng đã đi giang hồ biệt tích ở một phương trời nào rồi. Cũng như anh, nó đã bỏ ngôi nhà và xứ Huế thật đột ngột vào một ngày nào đó. Từ lâu, anh không có liên lạc gì về nó cả, chỉ nghe nói hình như thằng Hùng bây giờ đang ở một tỉnh nhỏ miền biển. Mỗi đêm nó súng sính trong bộ lễ phục màu đỏ, cà vạt và mũ sặc sỡ, đứng gác cửa cho một quán rượu có nhiều khách ngoại quốc. Nó bây giờ chắc đã có nhiều tiền để có thể mua trái cây một cách đàng hoàng ở chợ. Nhưng không biết thỉnh thoảng nó còn nhớ đến kỷ niệm, những ngày xưa chun qua hàng rào dây thép gai người ta không ? Anh mong ước nó nhớ lại kỷ niệm, và như thế anh cũng phải cầu trời phù hộ cho những cái túi quần đầy giấy bạc của khách trong quán.

Mùa đông xứ này trời lạnh ghê gớm, những cơn mưa khi ào ạt, khi tí tách kéo dài suốt tháng. Thật đau khổ cho anh biết bao, mỗi sáng sớm anh phải giấu kín sách vở trong ngực áo, run lẩy bẩy trong chiếc áo đi mưa, những giọt nước và hơi gió lạnh ngắt như thấm vào mạch máu của anh, thế mà phải nghiến chặt hàm răng đánh vào nhau để đi một mình trên con đường dài đến trường. Khi đi ngang thửa ruộng bao la, anh muốn chết ngay vì buồn và lạnh. Anh dại gì siêng học như vậy, chẳng qua là vì bà ngoại bắt anh phải chăm chỉ học hành. Nhưng anh tìm cách được ở trong ngôi nhà ấm áp, bên cạnh lò than rực nóng lửa hồng quyến rũ. Anh khám phá được sân nhà anh rất trơn khi trời mưa, người nào không đi cẩn thận là trượt chân té nhào ngay. Anh rất thích làm người không cẩn thận trong trường hợp này, anh cố tình té nhào xuống đất, áo quần ướt đầy bùn dơ bẩn. Như vậy là anh chỉ việc trở vào nhà trình diện cho bà ngoại thấy tai nạn, rồi anh thay bộ đồ ngủ, leo lên giường trùm chăn kín mít, chỉ chừa có đôi mắt nhìn ra ngoài trời mưa trắng xóa và xanh mướt trên đám lá cây. Anh biết chỉ còn một bộ quần áo bận đi học, giặt và phơi trong khi trời không có một ánh nắng như thế này phải mất một tuần mới khô. Một tuần ở nhà xách cần câu ra ao câu cá rô, cá bống hay co rút mình trong chăn đọc tiểu thuyết thật sung sướng biết bao nhiêu.

Anh say mê biết bao tủ sách trong nhà, chứa đầy những sách báo thật xưa của ông ngoại anh để lại. Những bộ truyện Tàu. Nào là Tam Quốc Chí, Nhạc Phi diễn nghĩa, Bao Công kỳ án... mỗi truyện anh đọc trên năm sáu lần nên thuộc lòng từng chi tiết, từng khuôn mặt của nhân vật... Ông Bao Công mặt đen như nhựa đường mà rất thanh liêm... Ông Quan Công mặt đỏ, râu ba chòm, tung hoành giữa trận tiền thật oai hùng với cây Thanh Long Đao nặng đến 72 cân xanh ngắt màu thép quý.

Khi bà ngoại đã ngủ anh phóng ra khỏi nhà bằng lối cửa sổ, leo lên một nhánh cây nhãn cao kín đáo để ngồi vắt vẻo trong tầng lá rậm rạp và mơ mộng. Anh mơ mình sẽ trở thành một ông Hoàng đế ngồi trên bệ rồng thật cao như nhánh cây anh đang ngồi, và đám lá vàng úa rụng dưới đất như thần dân đang cúi đầu kính phục. Về sau để thích hợp với thời cuộc hơn, anh mơ mình làm Tổng Thống. Ở Huế mỗi thằng nhóc tì hay người lớn đều có trong mình một ông lãnh tụ con cả.

Ngoài Sao Mây ra, hình như anh còn có quen với một người con gái nữa. Nàng là một hình ảnh quyến rũ dai dẳng trong trí não của anh. Môi mọng ướt như giọt nước mưa đọng trên một bông hoa hồng, thân hình đầy đặn da thịt và tóc xõa rối tung như những cô gái liêu trai.
 
 Một hôm... một buổi trưa mùa thu, vườn nhà nàng đầy những chiếc lá chết và vườn nhà anh cũng thế. Anh dẫm hai bàn chân lên lớp lá gãy vụn dòn tan và nhìn thấy nàng bên kia, cách một hàng tre thưa, tay đang cầm chổi quét. Anh gợi chuyện :

- Thúy quét bỏ những chiếc lá đó uổng lắm, để cho chúng nằm trên sân đẹp hơn.

Nàng nhìn anh mỉm cười, anh bắt đầu không còn nghe được tiếng chim hót trên cây cao vì tất cả những âm thanh nào, dù ngọt ngào đến đâu cũng tắt đi trước giọng nói của nàng : 

- Em cũng thấy thế, nhưng mẹ bảo quét sân cho sạch sẽ.

Suýt chút nữa thì anh buộc miệng nói một nhận xét rất thành thực của anh là : mẹ Thúy ngu quá trời. Nhưng anh ngậm miệng kịp ngay, anh tiếp tục :

- Chiều nay Thúy không đi học à ?

- Đi chứ. Ba giờ mới vô lớp, bây giờ sớm mà.

Anh hăng hái :

- Lát nữa để anh đưa Thúy đi học nghe .

Nàng cười với anh. Anh cam đoan là đôi mắt nâu lóng lánh của nàng tỏ vẻ gật đầu, nhưng nàng lại lắc đầu. Đối với anh, đưa nàng đi có nghĩa là lẽo đẽo đi bên cạnh hay theo sau một quãng, anh không có được một chiếc xe đạp, dầu là một chiếc xe cà tàng nhất.

Anh hơi ấp úng một chút :

- Hôm trước Thúy có đọc cái thư của anh gửi cho Thúy chưa ?

Nàng ngước mắt nhìn anh, mặt đỏ bừng thẹn thùng rồi gật đầu nhẹ, anh thèm đôi má ửng hồng như buổi sớm hừng đông của nàng biết bao. Anh hồi hộp :

- Thúy nghĩ thế nào về những điều anh viết cho Thúy ?

Giọng nàng lí nhí, và chim họa mi lí nhí được những âm thanh rộn ràng như thế là cùng :
 
- Thì anh muốn em nghĩ thế nào... Em nghĩ như thế.

Anh bây giờ mới thấy cảm phục tài viết thư tình của mình, thế mà trước đây anh vẫn đần độn nghi ngờ khả năng văn chương của anh. Bỗng trở nên một người được yêu và có quyền hành ghê gớm với người yêu. Anh ghen tuông :

- Hồi sáng có " thằng " nào đi xe Vespa đến gặp Thúy đó ? Anh rình ở bên này, anh thấy hết mà.

Đôi mắt nàng buồn bã thật tội nghiệp trước lý sự nghi ngờ của anh, nàng ấp úng biện hộ :

- Anh ấy là bà con của em đó, em có quen với ai ngoài anh đâu.

Anh khoan khoái vô cùng như được ngâm mình trong giòng sông Hương mát rượi vào một buổi trưa hè. Anh nếm thứ trái cây hạnh phúc dần dần thấm ngọt trên lưỡi và ngập tràn trong cơ thể. Nhưng anh vẫn làm bộ giận hờn :

- Anh bà con gì mà đến gặp em mỗi ngày vậy ? "Hắn" không biết em đang bận học thi sao ?

Nàng nói :

- Anh ấy kèm em học Toán đó.

Thế thì quá rồi. Tại sao nàng không nhờ anh kèm học ? Bộ khinh anh dốt Toán lắm sao ? Thứ đồ mấy con tính cộng trừ nhân chia từ xưa đến nay anh có làm trật bao giờ đâu ? Anh quát lên :

- Không kèm học gì cả ! "Thằng" ấy nó kiếm cớ để tán tỉnh em đó. Anh cấm em không được gặp nó nữa.

Nàng nhìn anh bằng đôi mắt rướm lệ đỏ mọng xót xa, rồi nàng òa khóc và chạy vào nhà, dáng chạy của nàng cũng nhẹ nhàng như một cánh bướm. Anh hả dạ khi thấy những giọt nước mắt đã rơi, con gái thật dễ yêu, nhất là khi khóc vì mình. Nhưng anh hối tiếc vì nàng đã mất hút sau cánh cửa ,trả lại cho anh sự vắng vẻ hoàn toàn của khu vườn rộng.

Nàng thật tuyệt vời. Anh yêu nàng với mối tình duy nhất, mãnh liệt và không điều kiện. Nhưng lại vẫn có một điều thật đáng tiếc : anh chưa bao giờ dám nói với nàng một câu. Những lời đối thoại âu yếm trên đây chỉ có trong trí tưởng tượng của anh, và trong nỗi ước ao thực hiện mà anh ôm ấp mỗi đêm. Thường ngày, khi nhìn trộm nàng và bị nàng bắt gặp, anh vẫn luống cuống cụp mắt xuống để tránh cái nhìn nghiêm nghị của nàng. Anh hơi sợ nàng, vì dầu sao thì nàng cũng lớn hơn anh chừng sáu bảy tuổi và là bạn của dì anh. Lần duy nhất nàng tỏ ra có cảm tình với anh là một lần nàng qua nhà anh chơi, nàng đứng nói chuyện với những bà dì của anh và mỉm cười xoa nhẹ mái tóc lòa xòa của anh.


*
 
Anh nhớ làm chi câu thơ : "Đưa người ta chỉ đưa người ấy", chàng lãng tử của Thâm Tâm thật được sưởi ấm lòng trước khi qua sông. Còn anh, sáng sớm anh đi không một ai tiễn đưa. Trời chưa sáng tỏ, ngôi nhà và khu vườn mê ngủ im lìm, hình như có một bông hoa công chúa màu tím nào đó vừa thức giấc trên mái hiên. Anh nhìn thân hình co quắp ngủ mê mệt của thằng Hùng. Anh rất tôn trọng giấc ngủ của người khác, nhưng đặc biệt sáng hôm nay, anh giã từ mái nhà này vĩnh viễn, giây phút quan trọng ấy cũng đáng để phá giấc ngủ của thằng Hùng bằng một cú đá vào bụng. Và anh đá nó hơi mạnh, chỉ có cách ấy mới làm cho nó tỉnh giấc.

- Làm gì chướng vậy ? Để cho người ta ngủ...

- Dậy đi mày, bắt tay chào tao một cái. Hôm nay tao bỏ nhà ra đi, chắc không khi nào còn gặp lại mày nữa.

- Thôi đừng nói dóc.

- Mày nhìn cái va ly tao đang cầm đây. nhìn mấy ngàn đồng trên túi áo này, tiền má tao mới gửi cho tao. Tao đi thật mà, mày tin chưa ?

Cặp mắt ngái ngủ của thằng Hùng mở ra ngơ ngác, nó lồm cồm ngồi dậy.

- Tin rồi. Anh điên hả ? Đi đâu ?

- Không biết. Tao đi... giang hồ, đi lung tung khắp cả. Đi vô Saigon coi xe chạy đầy đường, coi đèn xanh đèn đỏ, mày thấy cột đèn ở ngã tư đường thay đổi ba màu xanh đỏ vàng chưa ? Chắc tao sẽ xuống đến Cà Mau, lại còn sông Tiền Giang, Hậu Giang nữa, cá ở đó to và nhiều phải biết, trôi từ Biển Hồ về cả đàn tha hồ câu. Chán mấy con cá rô nhỏ xíu trong ao nhà mình rồi.

- Anh điên quá rồi, ở nhà sướng quá trời. Mấy cái thằng bỏ đi hoang vì ở nhà chúng khổ quá, anh đang sướng như vậy mà lại... Thôi, tui đi với anh nữa nghe ?

- Không được. Đi như thế này dễ chết đói giữa đường lắm, thân tao tao còn nuôi không nổi, lại còn thêm mày.

Mặt thằng Hùng bơ phờ như người đưa đám ma.

- Thôi mày nằm xuống ngủ lại. Bà ngoại về quê chắc sáng mai mới về nhà, mày nói với bà là tao sẽ nhớ bà ghê lắm, tao thương bà cũng như thương má tao, nhưng tao...

Anh vùng chạy ra khỏi nhà, anh phải cố gắng chạy thật nhanh vì anh đã nghe nước mắt mình ràn rụa trên má, và cố làm như không nghe tiếng kêu lạc giọng của thằng Hùng sau lưng.

Tiếng còi xe hỏa giục giã xa xa bên kia sông. Qua một cây cầu ngắn là đến ga tàu, con tàu sắt khói phun cuồn cuộn từng luồng dài trên cao, tiếng máy kêu như nhịp trái tim đập mạnh bồi hồi

Sao anh không đợi mẹ anh về thăm. Mỗi năm, anh gặp mẹ hai lần, vào kỳ nghỉ hè và dịp Tết. Bà từ một tỉnh nào đó thật xa trên cao nguyên, hiện ra trước mắt anh với khuôn mặt không bao giờ thay đổi, hay là anh không thấy sự đổi thay, vì đêm nào anh cũng nhìn thấy bà trong giấc mơ, cùng hình ảnh bầy em nhỏ.

Tại sao anh đi đột ngột và điên rồ như vậy ? Anh tìm kiếm những gì trên con đường mà anh chỉ tưởng tượng mơ hồ trong trí não ? Lạc thú hay nỗi khốn cùng của một đứa con đi hoang ? Sung sướng gần gũi bên cạnh những người thân hay cô đơn của kẻ đứng bên ngoài tất cả ? Anh không biết.

Hồi đó anh chưa đọc Gide, anh chưa nghe đứa con hoang của Gide nói thật ngang tàng : "Tôi cảm thấy mái nhà không phải là tất cả vũ trụ... Tôi không đi tìm hạnh phúc..." Không ! Anh không có tham vọng lê chân khắp cả vũ trụ. Anh cũng không phải là thần thánh hay siêu nhân để chối từ hay khinh bỉ hạnh phúc. Anh suốt đời thèm thuồng hạnh phúc, ao ước được ôm hạnh phúc trong lòng, như Moise ao ước được về Đất Hứa.

Vậy tại sao anh ra đi ? Anh tìm kiếm gì trên những con đường lang thang đầy bất ngờ lạ lùng ? Anh cũng không biết nữa. Chỉ biết từ lâu trong tâm hồn vẫn âm ỉ cháy một cái gì không thể gọi tên, như đốm than hồng trong lò lửa sưởi ấm mùa đông, thật nhỏ nhoi nhưng hình như không thể tắt.


*
 
Anh đã ăn năm cái Tết xa nhà, điều ấy thật buồn. Ở những thành phố xa lạ, những thành phố không phải Huế của anh, cái Tết thật vô duyên và trống rỗng.

Ở Huế những nhày gần mùng một Tết, anh chờ đợi và hồi hộp đếm từng ngày như một chuyên viên chờ bấm nút cho hỏa tiễn phóng lên cung trăng. Còn tám ngày... Còn bảy ngày... Còn sáu ngày...

Trên tấm "phản" rộng, bà ngoại anh và những bà dì bà mợ bận rộn gói những đòn bánh chưng bánh tét. Những bàn tay thoăn thoắt và đôi mắt chăm chú xen lẫn trong xấp lá chuối xanh ngắt xếp từng đống cao và những đậu xanh, thịt mỡ thật gợi cảm. Anh bao giờ cũng ngồi bên cạnh bà ngoại anh, hứa sẽ đọc cho bà nghe trọn bộ truyện Thuyết Đường với điều kiện là bà phải gói riêng cho một đòn bánh tét thật nhỏ nhắn nhét đầy nhân thịt, có đánh dấu cẩn thận để anh dễ dàng tìm ra khi cả nồi bánh đã chín, bốc khói, nằm lăn lóc bên nhau

Đêm đến, cả nhà quây quần trên chiếc chiếu ở dưới bếp để đánh bài "tới", một thứ bài ăn thua thật ít và rất mất thì giờ, cốt cho tỉnh ngủ mà canh nồi bánh, lửa um đầy khói.

... Còn hai ngày... Còn một ngày... Đêm giao thừa, trời lạnh giá nên anh phải tắm bằng nước nóng. Anh không tài nào ngủ được, và có lẽ tất cả mọi người trong nhà cũng thế. Anh chiêm ngưỡng thành kính bàn thờ tổ tiên với những ngọn nến đỏ hồng và biết bao xôi chè, đùi gà luộc, cu, trứng... Đến 12 giờ đêm, giờ cuối cùng của năm cũ và đầu tiên của năm mới, anh run rẩy châm lửa phong pháo treo trên mái hiên trước nhà.

Tiếng nổ dòn vang dội làm anh nao nao và sung sướng vô cùng. Những viên pháo đó được đốt lên khắp nơi, trong ngôi biệt thự lớn, dưới những mái ngói nhỏ, trong những mái nhà tranh nghèo nàn và trên những con đò đêm nay đang bỏ neo trên bến nước.

Rồi sáng mùng một Tết. Anh vội vã mở tung cánh cửa sổ từ phòng anh để xem cây hoa mai trước nhà năm nay có nở đúng kỳ hẹn không. Cây mai vàng thân thuộc, có khi nở sớm một ngày hay muộn một ngày, có khi nở đúng vào ngày đầu xuân, kỳ diệu không thể nào giải thích được.

Đã lâu, anh không có một ngôi nhà. Anh sống vất vưởng bập bềnh lang thang. Nhưng đời sống anh không phải lang thang một cách thú vị như chàng lãng tử, mà lang thang như một con chó đói. Anh sống nhiều tháng ngày dằng dặc ở những miền đất tẻ nhạt, những thành phố xa lạ có một quá khứ ngắn ngủi bằng gang tay. Anh cũng có một chỗ ở, nhưng bốn vách tường một mái ngói chưa phải là mái nhà. Ở đây không có bộ bàn ghế mà ngày xưa ông ngoại anh đã ngồi, không có chiếc tủ đầy sách mà ông bà anh đã miệt mài hồi trẻ tuổi, cho đến bây giờ là anh. Ở đây không có khu vườn mà anh thuộc lòng từng gốc cây, từng trái chín, từng bóng mát. Ở đây anh chỉ có một nơi tạm trú, nơi mà người ta kéo dài đời sống của mình. Và ngôi nhà rõ ràng khác hẳn nơi tạm trú.

Tất cả những đứa con hoang một ngày nào đó đều trở về mái nhà xưa. Có đứa trở về và tìm được điều nó muốn tìm, có đứa trở về nhưng không tìm lại được. Còn anh , anh không ở trong trường hợp nào cả, anh chưa bao giờ trở về.

Bà ngoại, những người thân, Sao Mây, Thúy, thằng mười một ngón tay, ngôi nhà, vườn cây, chim chóc. Tất cả những thứ đó đã bao bọc anh êm đềm trong một thời niên thiếu, rồi mất hút. Dầu anh có trở lại cũng vô ích. Tất cả những hạnh phúc đó đều bị nhét đầy trong một chiếc hộp đóng kín mà người ta thường gọi là quá khứ rồi ném mất nó xuống vực sâu.

Anh có thể nhảy xuống vực sâu để tìm lại chiếc hộp quá khứ vàng ngọc đó. Nhưng anh không dám, anh rất nhát gan, anh không thể nào chịu nổi cái cảm giác khi da thịt va chạm mạnh vào những phiến đá cứng, đau đớn vỡ toang. Cho nên suốt đời anh là đứa con hoang không bao giờ trở về.

Hôm qua trời mưa suốt đêm, như cơn mưa rơi trên mái nhà thuở ấy. Có làm anh nhớ đến ai không ?


Hoàng Ngọc Tuấn       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét