Thứ Tư, 30 tháng 6, 2021

HẠ XƯA - Yên Nhiên

 

 
 
 
 
 
 
Đã úa nhàu trang cổ tích nào
Từ mùa hạ đó gió lao xao
Bầy ve thảng thốt kêu từ biệt
Chùm phượng lung linh gọi vẫy chào
 
Chấp chới nắng vàng chao lũng thấp
Lững lờ mây trắng lượn trời cao
Mặt hồ câm lặng như tiền kiếp
Duyên thắm về đâu phận má đào?

                                          Yên Nhiên
 

Chủ Nhật, 27 tháng 6, 2021

HÔN LỄ - Hoàng Ngọc Tuấn

 


Trước khi chia tay vào một buổi chiều không mưa không nắng thật dửng dưng, chàng nói một câu rất tầm thường: Anh sẽ cưới em. Nàng bĩu môi giọng mỉa mai:

- Với bất cứ giá nào...

Chàng lắc đầu:

- Không. Với giá nào anh có thể chịu nổi. Em nhớ đi, anh không bao giờ nói câu "bất cứ giá nào".

Nàng có vẻ giận vì chuyện giá cả này. Nàng gỡ bàn tay chàng đang bao lấy những ngón tay nàng. Nàng cũng nhô mình ra trước để tránh khỏi cánh tay chàng đang quàng lên vai, với bàn tay thường thích xoắn những lọn tóc và búng nhè nhẹ trên vành tai nàng. Hai người đang ngồi trong một quán tối. Nàng uống một hớp nước cam vì muốn làm một cử động gì đó để khỏi bất động một cách khó chịu.

Chàng uống bia và hút thuốc lá.

Nàng nhăn mặt vì khói thuốc.

Chàng thì thầm với hơi đầy rượu bia. Nàng lại nhăn mặt. Những nếp nhăn làm ra vẻ bực mình và khó khăn của nàng trông thật đáng yêu. Chàng nói với nàng như thế. Nàng nghiêng má cho những vết nhăn nằm trong môi chàng. Sau đó là môi nàng không còn nói những lời trách móc cay đắng nữa, môi ấy hiền khô, im lặng và dịu ngọt.

Rồi sáng hôm sau, nàng về quê nhà của nàng. Chàng ở lại đây với một nghề nghiệp kỳ lạ nhất đã đeo dính trên người chàng từ mấy năm nay. Đó là thất nghiệp.

Như thế mọi chuyện đều tạm kết thúc như thường lệ. Hai người yêu nhau, thỉnh thoảng gặp gỡ trong vài ngày rồi tạm biệt, đôi khi nhớ nhau rất nhiều, nhiều khi quên nhau rất dễ. Rồi lại gặp mặt, hôn, thấy mình yêu dữ thêm, và buông tay rồi quay lưng xa cách, hôn lễ của hai người vẫn chưa có được.

Nàng dạy lớp nhỏ ở tỉnh lẻ.

- Tại sao anh cứ muốn em làm nghề dạy học buồn chán và hao hơi tốn sức này, chắc em đau phổi quá.

- Tại vì anh thích hình ảnh về mấy cô giáo. Bề ngoài họ phải mang một bộ mặt nghiêm khắc, đạo đức, lạnh nhạt. Còn trong lòng thì rạo rực đam mê, sẵn sàng bốc cháy.

- Ai nói thế?

- Anh. Trời ơi anh yêu những cô giáo biết bao. Kể từ khi cô Dạ Thảo đánh thước trên tay anh sưng vù mà miệng cô cười êm ái. Còn có bao nhiêu cô giáo khác đã âu yếm lưu bút trên mấy chữ bài làm và học bạ của anh: " Zero; làm biếng học; không hiểu bài, tối dạ, cẩu thả, không thể tiến xa trên đường học vấn được..."

- Ai nói thế ?

- Lần này thì không phải anh nói. Đó là lời phê bình của người ta nói với anh. 

Nàng cười tỏ vẻ vui thích. Nàng gật gù với dáng của nhà mô phạm chính cống.

- Thế thì bây giờ em cũng thích làm cô giáo của anh. Em sẽ phê điểm anh xấu hơn nhiều.

Chàng nhún vai như một hiền triết.

- Anh bất cần. Thời kỳ thức thâu đêm gạo bài, chép tài liệu giấu trong tay áo để kiếm đủ điểm lên lớp của anh đã qua. Bây giờ anh không cần học cũng dư điểm để được em yêu. Toán, hệ số 4. Lý hóa, hệ số 3. Tình yêu, hệ số 10.

Nàng cắn vào vai chàng:

- Hừ... tình yêu, anh chưa đủ trung bình đâu.

Chàng trả đũa:

- Tại vì em ngăn cản, giới hạn. Chứ nếu không anh sẽ được hai mươi điểm trên hai mươi. Em thấy không, vì em mà anh đành làm một tên học trò dốt và chậm chạp như rùa.

Nàng đỏ mặt, chỉ dám lí nhí nói:

- Có những điều không nên khôn lanh quá, và tiến mau quá, em sợ.

Chàng dạy dỗ:

- Sợ hãi, nhút nhát thì làm sao học hành tiến bộ được.

- Ai mà thèm học mấy thứ quỷ đó ?

- Thật không ?

Trong tình yêu có nhiều điều không nằm trong chương trình giáo khoa của Bộ giáo dục, mặc dù chương trình này mỗi năm đều đổi mới và cập nhật luôn luôn. Điều ấy không ai dậy ai được, cả hai vừa là thầy vừa là trò.

Thí dụ 1:

Hôn: Lúc đầu chàng dạy cho nàng. Về sau nàng thông minh và tiến bộ nhanh đến nỗi trở thành một bà giáo tận tâm.

Thí dụ 2:

Viết thư tình: Nàng không cần học ai cả. Nàng là bậc thầy trong lãnh vực này, chàng không theo nàng kịp.

Thí dụ 3:

Đám cưới: Chàng hoàn toàn mù tịt về chuyện này. Nàng chỉ dẫn chi tiết cho chàng biết. Nào là vấn danh, dạm hỏi gì gì đó... Bao nhiêu cau trầu gì gì đó... Rất là rắc rối, hơn một bài toán hình học không gian hóc búa nhất. Chàng không tài nào hiểu nổi và do đó chàng không tìm ra một kết quả nào đúng và tốt đẹp. Thế là mãi mãi chàng và nàng nắm tay nhau quanh quẩn rối như tơ vò trên trang giấy nháp mà vẫn chưa có đáp số.

Thật ra, nàng là một cô giáo còn rất non nớt. Có lần nàng kể chuyện nàng dạy một bọn nhóc tì lớp ba, khi tụi nó cười như bị chọc lét nàng cũng không nhịn cười được, khi tụi nó bị bắt nạt đến khóc òa nàng cũng rươm rướm nước mắt khóc theo.

Tóm lại, nàng có dạy học cả đời cũng không thể nào xuất sắc được. Nàng chỉ là cô giáo đáng yêu của riêng chàng. Dạy cho chàng mà không đòi một đồng lương. Thưởng cho chàng điểm cao bằng những nụ hôn như mưa bấc. Vào giờ học kéo dài bất tận chẳng ai còn nhớ còn nghe tiếng chuông tan trường về. Như thế là đúng như dự đoán của mấy cô giáo cũ, làm sao chàng có thể tiến xa trên đường học vấn được. Chàng chỉ tiến nhanh để trở thành chàng, vì nếu không có nàng, chàng không xứng đáng được gọi là chàng, mà chỉ là một kẻ bơ vơ, ngơ ngáo giữa đường đời. Mất tình yêu, là mất cội con người.

Chàng cám ơn nàng.

Có lẽ chàng đã lầm khi tưởng nàng thích một đám cưới để kết hợp hai người một cách chính thức, tốt đẹp và bền vững. Chàng yêu nàng đã gần ba năm nay. Mỗi cuối năm, mùa xuân gần đến, chàng đều nói:

- Anh sẽ cưới em.

Nàng nhún vai:

- Bộ anh tưởng em thích điều đó sao ? Bộ anh tưởng em muốn lấy chồng lắm à ?

- Dĩ nhiên rồi. Con gái lớn lên đều muốn lấy chồng cả chứ.

- Còn lâu!

- Và thời buổi này lấy chồng đâu phải là một chuyện dễ.

- Chà... anh khinh thường con gái dữ.

Chàng hùng hồn nói, tưởng chừng mình đang đại diện cho tất cả thanh niên Việt nam:

- Em nghĩ xem, thời này trai thiếu gái thừa. Trong ba người có đến hai người không dại gì lấy vợ để bị ràng buộc, chỉ muốn ăn chơi thả cửa. Chỉ còn một người duy nhất đứng đắn, muốn lấy vợ một cách đàng hoàng để nối dõi tông đường. Người duy nhất, độc nhất, số một đó chính là anh. Em gặp may đó mà không biết, còn chê gì nữa. 

Nàng có vẻ giận vì bị chạm tự ái. Nhưng tự ái đâu có lớn bằng ân ái giữa hai người. Bởi vì tự ái chỉ là yêu chính mình, còn tình yêu là yêu vô bờ cho mình và cho kẻ khác. Cũng giống như một mình soi gương gượng cười duyên nhạt nhẽo làm sao bằng soi mắt âu yếm trong mắt nhau, môi cười tươi rạng rỡ kề cận môi người yêu dấu. Vì thế, chẳng mấy chốc là nàng hết giận ngay. Chàng và nàng chẳng bao giờ có thể giận nhau dai được. Khóc đó, cười đó. Thề rằng sẽ không còn quen nhau nữa, rồi nuốt lời thề nhanh như gió, sà vào lòng nhau thủ thỉ. Yêu nhau như thế mà sao không cưới nhau cho rồi. Tại sao?

Tại chàng không tiền?

Không. Dù mẹ nàng có máu kinh doanh trong người nhưng đâu nỡ tính lời lỗ trên trái tim nàng. Dù bố nàng là viên chức, nhưng chưa đến nỗi ăn hối lộ để vào tù, khiến nàng phải bán mình chuộc cha như nàng Kiều.

Tại nàng không tiền?

Không. Chàng đâu phải là một tên sở khanh đào mỏ. Chàng cũng không bao giờ nghĩ đến của hồi môn một cách bần tiện, và con heo đất bùng binh của nàng để dành từ thuở lên năm, bây giờ đập ra chắc chỉ đếm đủ tiền may một chiếc áo ngủ (chi tiết: hàng "voan" trắng, thật nhẹ, thật mềm, thật mỏng, thật rộng và ngắn, chỉ được cột bằng một sợi dây thắt nút sơ sài, để khi chàng làm biếng, chàng có thể thổi nhẹ một cái là chiếc áo rớt xuống bay mất).

Thế thì tại sao?

Nhạc rẻ tiền đôi lúc nghe cũng có lý: "Không phải tại anh cũng không phải tại em... tại trời đất xui khiến, tại duyên kiếp lỡ làng, tại định mệnh éo le tréo cẳng ngỗng... vân vân".

Thôi, trong khi chờ đợi một đám cưới có thể có, có thể không, vào ngày mai có thể đến, có thể chẳng bao giờ đến được, thử tưởng tượng một hôn lễ giữa hai người. Một hôn lễ bình thường như của bao nhiêu người khác. Bình thường về thời gian. Bình thường về không gian. Dầu có theo đạo Thiên chúa hay không, nàng thường tỏ ý thích làm đám cưới tại một nhà thờ nho nhỏ xinh xắn. nàng bị ảnh hưởng bởi phim ảnh, thường có những cặp thật đẹp đôi đứng sát cạnh nhau dưới chân Thánh giá, vị linh mục nghiêm trang và cuốn Kinh Thánh dẫn đường vào cõi phúc, đàn organ ngân vang dìu dặt, vọng sâu trong vòm nhà thờ kính cẩn.

Những thứ đó mang một mùi vị linh thiêng bàng bạc khắp tâm hồn, tưởng chừng như trên cõi trời cao xa kia Chúa cũng đang chăm chú chứng kiến phút giây kết hợp, tác thành cho đôi trẻ yêu nhau trọn đời. Chỉ có lúc trao nhẫn là Chúa có mặt để dùng đôi mắt quyền lực vạn năng hay tra xét xem là nhẫn vàng ròng chính cống hay nhẫn giả. Còn sau đó, trong đêm tân hôn động phòng hoa chúc, theo truyền thuyết thì Chúa tế nhị và lịch sự tránh đi chỗ khác.

Chàng yêu màu áo cưới trắng tinh của nàng. Màu ấy không cần tượng trưng cho sự trinh bạch. Màu trắng ấy như một cuốn vở có hàng ngàn trang giấy trắng, hôm nay mới bắt đầu trang thứ nhất. Chàng và nàng sẽ cầm tay nhau nắn nót nguệch ngoạc chữ đầu tiên, và đến cuối đời vở vẫn còn thơm mùi giấy mực mới. Đó, đó là ý nghĩa của màu trắng. Là còn rất nhiều ngày tháng, còn rất nhiều điều tươi đẹp, còn rất nhiều khai mở khám phá, còn rất nhiều tìm kiếm mới lạ tuyệt vời nơi nhau. Không bao giờ hết chuyện, không bao giờ nhàm chán, không bao giờ già nua cũ kỹ.

- Em biết không, đó là lý do tại sao anh thích màu trắng.

Áo cưới trắng, áo dài trắng, áo quần pyjama trắng, áo ngủ trắng...

Nàng nhắm mắt bịt tai lại.

Chàng tiếp tục:

- Màu trắng đứng hạng nhất. Được đứng hạng nhì là màu vàng nhạt của hai thân thể. Thứ ba là màu đen của sự tắt điện. Thứ tư là màu xanh của mắt em...

Nàng bèn mở mắt.

- Thứ năm là màu hồng của môi em.

Môi nàng hé mở, phơn phớt hồng.

- Thứ sáu là màu đỏ thắm khi môi ấy được hôn.

Nàng liền đòi chàng hôn nàng. Chàng được nàng hôn một cách đắm đuối. Chàng không ngờ bài diễn thuyết vớ vẩn về màu sắc của chàng đã đem lại nhiều may mắn như thế.

Chàng cố gắng nặn óc để tiếp tục, nhưng lần này có vẻ hơi bịa đặt vì hết ý.

- Thứ bảy là màu trong.

Nàng nhìn chàng ngạc nhiên hỏi:

- Màu trong?

- Ờ. Đó là màu trong vắt, màu không màu, màu của sự... không mang mảnh vải nào trên người.

Trái với điều chờ đợi của chàng, nàng cẩn thận quan sát quần áo của mình.

Thế là chấm dứt dang dở một cách đáng tiếc. Chàng không thể nào kiên nhẫn đi lại từ đầu. Diễn giả bị ném cà chua thay vì được vỗ tay. Diễn giả xoay qua đề tài khác:

- Thay mặt cho Thượng Đế, tôi hỏi em một câu: em có chịu lấy tôi làm chồng không ?

Nàng đáp:

- Không.

Nàng thật không sợ Thượng Đế chút nào.

Chàng tìm kiếm những đấng vĩ đại hơn để dựa hơi dọa nàng:

- Thay mặt cho tim tôi, thân xác tôi, đầu óc tôi, ước vọng của tôi, lương bổng hàng tháng của tôi... Tôi hỏi em một câu: em có chịu lấy tôi làm chồng không?

Nàng nheo mắt nghi ngờ:

- Em biết trong tất cả những thứ anh vừa kể đó, anh thiếu một thứ.

Chàng buồn buồn gật đầu thú nhận. Nhưng vì lý do an ninh cá nhân, và bảo vệ tình yêu của hai người, chàng xin phép sẽ không tiết lộ cho ai biết cái thứ mà chàng thiếu là thứ nào.

Chỉ có nàng là đoán biết, và biết đúng điều thiếu sót của chàng. Nhưng nàng bất cần.

Không ai là hoàn hảo cả, ai cũng có điều khiếm khuyết, chân lý ấy nhắc đi nhắc lại đến cũ mèm nhưng vẫn đúng.

Thấy chàng buồn bã, nàng ôm lấy chàng âu yếm và dịu dàng trả lời:

- Thay mặt cho những đứa con sẽ có trong tương lai của em, em xin trả lời ông: em yêu ông và nhắm mắt lấy ông làm chồng xong cho rồi.

Trước khi nhắm mắt, đôi mắt nàng thu nhỏ, mờ nhạt đi rồi khẽ rung động trong đôi môi hôn nhẹ của chàng. Đã rất nhiều lần chàng hôn nàng, không còn nhớ là bao nhiêu lần vì lúc đầu chàng còn đếm trên mười đầu ngón tay, rồi mười ngón chân, nhưng dần dần những nụ hôn gia tăng số lượng nhiều hơn những sợi tóc mây của nàng. Chàng cũng thích hôn tóc nàng lắm. Tóc nàng có mùi cỏ, rơm rạ và nắng gió.

Tuy nàng đã nhắm mắt và đã dâng trọn mình trong vòng tay và nụ hôn của chàng, nhưng nàng vẫn cương quyết đứng vững ở vị trí của một người yêu. Chứ nàng vẫn chưa chịu làm vợ, chưa chịu lấy chàng làm chồng như lời chàng đã hứa. Đó là điều khiếm khuyết duy nhất ở nàng.

Chàng yêu nàng ở tất cả mọi sự. Ngoại trừ sự tôn trọng hình thức của nàng. Như nhiều người con gái đang sắp sửa và suýt chút nữa thì trở thành đàn bà, nàng chỉ muốn trở thành một người vợ đúng nghĩa, một người đàn bà thật sự sau khi ở nhà thờ ra. Còn đối với chàng thì trước hay sau khi ở nhà thờ ra cũng vậy thôi.

- Đó, em thấy không. Với sự nhắm mắt làm lơ của Thượng Đế, anh và em có thể làm tất cả mọi sự. Sao em cứ bướng bỉnh, nông cạn, dại dột, mù quáng ngăn cản anh mãi.

- Vì bố em sẽ không làm lơ đâu. Và thiên hạ không phải ai cũng đều nhắm mắt hết.

- Kệ mẹ thiên hạ. Người nào mở mắt soi mói tò mò, người ấy mỏi mắt ráng chịu. "Tất cả những đuôi mắt của thiên hạ đều không bằng một đuôi mắt của mỹ nhân".

- Trời ơi, anh dùng thành ngữ điển tích sai rồi.

- Tất cả những ánh mắt cú vọ của thiên hạ không bằng một cái đá lông nheo của em.

- Lại sai hơn nữa.

Chàng vẫn chưa chịu dừng:

- Khi anh mở mắt, anh nhìn thấy khuôn mặt em kề cận. Khi anh nhắm mắt, anh nhìn thấy trái tim em gần gũi. Khi anh lim dim mắt, anh nhìn thấy thân người em chao động bồng bềnh như một vũ khúc mộng tưởng muôn màu.

- Eo ơi, anh đi hát cải lương là vừa.

Có lẽ nàng nói đúng. Vì yêu nàng, chàng đâm ra thích ba hoa tán tỉnh một cách hoa hòe hoa sói. Nhưng biết làm sao.

Có lẽ vì chưa có bằng tiến sĩ hay thạc sĩ về tình yêu trí thức, nên thông thường khi yêu nhau, ta nghĩ, ta nói, một cách thô sơ như chim líu lo mới biết hót, bồng bột phóng đại như một tên hề khóc cười không chừng không đổi. Đứng ở ngoài nhìn vào, mọi cuộc tình đều có vẻ khôi hài. Trong tình yêu nhìn ra, mọi người lạ đều có vẻ nhạt nhẽo, vô vị và thừa thãi. Không nhìn vào và cũng không nhìn ra, trong tình yêu say đắm nhìn nhau, thì thôi chỉ có thể tóm tắt trong một lời: yêu là đủ.

Chàng nói với nàng những ý nghĩ đó, nàng đồng ý. Thế là chàng có thể yên chí trò chuyện với nàng một cách lẩm cẩm mà không sợ ai cười. Hỏi lần thứ một ngàn lẻ một:

- Em có yêu anh không?

- Không.

Nhắc lại câu hỏi, trên một cái hôn nửa chừng trên môi nàng như đe dọa nếu nàng còn bướng bỉnh nói "không" chàng sẽ dứt ra ngay.

Sự đe dọa xem chừng đã hiệu nghiệm. Nàng ấp úng trả lời:

- Có.

- Có làm sao?

- Yêu.

- Yêu ai?

- Anh.

Cứ thế. Cứ luẩn quẩn mấy câu có vẻ tầm thường tẻ nhạt đó, chàng và nàng nói với nhau suốt ngày không biết chán. Và cũng không biết mệt.

Hãy tưởng tượng thêm về hôn lễ.

Đầu óc chàng rất nghèo nàn về chuyện này. Chàng không hình dung được rõ ràng muốn thực hiện một đám cưới thì phải có những điều kiện nào. Phải sửa soạn làm sao, phải tổ chức như thế nào... Chàng hoàn toàn mù tịt. Phải nhờ đến nàng. Theo nàng, có lẽ bậc bề trên của hai bên phải nói chuyện với nhau trước đã. Nói trắng ra là má chàng phải lặn lội tìm đến nhà nàng, gặp má nàng, rồi hai bà già có duyên số với nhau này sẽ thăm dò, bàn luận tính toán dùm cho chàng và nàng.

Thật kỳ cục, hai bà già sẽ giữ miếng nhau từng tí, bà nào cũng nói bóng nói gió về tài năng và đức hạnh của con mình.

Đầu tiên là má chàng. Tội nghiệp và khó khăn biết bao, bà sẽ lúng túng ghê lắm khi cố tìm ra một điểm tốt để quảng cáo cho chàng, làm sao đưa đẩy chàng đến chỗ trở thành một người đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi theo đúng như truyền thống. Thật khó khăn vì dầu tự kiêu đến đâu, chàng cũng biết mình hoàn toàn không giống một chút gì với hình ảnh đẹp đẽ cổ truyền đó.

Thôi để cho má chàng tha hồ ngụy biện:

- Thằng con tôi trông vậy mà hiền lắm bác à. Nếu nó cạo râu ria sạch sẽ thì coi cũng trắng trẻo ra phết. Nếu nó mà không thi rớt hoài, bây giờ cũng đỗ cử nhân tiến sĩ như ai. Và nếu tôi không buôn bán thua lỗ thì nó đúng là con nhà giàu rồi.

Má chàng dừng lại một chút để hớp một miếng nước trà, có lẽ bà đang cảm thấy khô cổ và mệt nhọc tưởng tượng hơi nhiều về vị con trai cưng của bà.

Đến phiên má nàng, bà đằng hắng giọng, ôn tồn nói một cách khiêm nhường:

- Con gái tôi thì còn nhỏ lắm. Tôi muốn để cho nó tiếp tục học hành đến nơi đến chốn. Chà..., năm ngoái có ông bác sĩ nhờ mai mối, tháng trước có ông kỹ sư, tuần rồi có ông giáo sư... tôi đều xin phép từ chối cả. Chẳng dám khoe khoang gì với bác... Nhưng cháu nó ngoan lắm, ngoài những lúc đi chơi thì không bao giờ dám ló ra nhà một bước. Việc nấu nướng bếp núc nó khéo lắm. May vá, thêu thùa thì tiệm nào cắt đẹp, có kiểu gì mới nó đều sành cả. Chẳng dám khoe gì với bác... nhưng cháu nó xem thế mà học hành chăm chỉ lắm. Mới chừng ấy tuổi đầu mà năm tới nó đỗ tú tài đôi rồi đấy.

Má nàng cũng phải ngừng lại không phải để uống một miếng nước trà nguội ngắt do chính tay cô gái yêu của bà mới pha. Bà lịch sự đưa tay ra mời khách, để khoe năm ngón tay đầy nhẫn vàng y hay cẩm thạch gì đó, như muốn nói rằng năm xửa năm xưa bà làm cô dâu, đồ sính lễ đã nặng ký như thế huống gì là bây giờ.

Tất cả những bà mẹ đáng yêu trên thế giới đều chú ý đến đồ nữ trang. Họ biết rành rẽ giá cả lên xuống từng ngày của vàng tây, vàng ta, kim cương, ngọc thạch, ngọc trai... mà không biết rằng dẫu là một chiếc vòng làm bằng bạch kim nguyên chất cũng không giữ được tình vợ chồng. Và đôi kẻ yêu nhau chỉ cần se tóc mai làm nhẫn cưới, vòng tay ôm chặt thấm ướt mồ hôi đọng thành chuỗi hạt ngọc trai lóng lánh.

Rồi dĩ nhiên là buổi nói chuyện đầu tiên sẽ chẳng đi đến đâu. Sẽ có buổi thứ nhì, thứ ba, thứ tư... cho đến một lúc chính chàng cũng sững sờ khi thấy tên mình in đậm bằng chữ nhũ vàng bên cạnh tên nàng trên tấm thiệp mời đám cưới. Chàng lội bộ đem phân phát từng tấm cho bạn bè với một tâm trạng băn khoăn khó tả ( Chúa ơi, thế là con sắp có vợ rồi sao ? Hè phố ơi, như thế là một đời độc thân rong chơi đã đến ngày tàn rụi).

Chàng đọc tên mình trên tấm thiệp cưới, cảm thấy một điều gì thật kỳ cục, buồn cười và không tài hiểu nổi.

Thật giống như tấm thiệp mời xem một cuộc đấu bò rừng bất phân thắng bại, kéo dài dai dẳng cho đến ngày tận thế.

Nhưng nếu ba má của hai bên đều không bằng lòng cho hai người lấy nhau. Viện cớ: khắc tuổi ( thằng đó tuổi heo mà con nhỏ tuổi rắn, sợ heo hiền quá bị rắn ăn hiếp cắn chết). Nếu như thế thì không cần người nào tác thành đồng ý nữa. Chàng và nàng sẽ tự động lấy nhau khỏi cần thủ tục rườm rà của loài người.

Đây là đám cưới của heo và rắn.

Thiệp cưới sẽ in thiếu tại một nhà in quen, chỉ có vài câu sơ sài mà đủ ý:

Chúng tôi sung sướng báo tin cho các bạn biết, ngày thành hôn và đêm kết hợp của chúng tôi là: X và Y

Sẽ bắt đầu vào lúc... tại...

Thân mời các bạn đến dự tiệc chia vui. Self Service: Xin quý bạn tự động mang theo rượu, bánh kẹo, thuốc lá... hoặc tùy hỉ mang theo tất cả những thức ăn gì mà bạn thấy cần trong bữa tiệc, vì đó là tất cả những gì mà bữa tiệc sẽ không có nếu bạn không tự túc mang

đến.

( Xin lưu ý: không nhận những quà tặng đám cưới to lớn cồng kềnh quá, chỉ nhận tiền mặt bỏ trong một chiếc phong bì thật nhẹ nhàng)

Sau đó trong căn phòng nhỏ thân mật, chiếc máy cassette dìu dặt vang lên vài bản tình ca. Khách khứa uống cà phê. Nàng sẽ lần lượt bắt tay tất cả những khách phái nam. Chàng sẽ hôn má tất cả những nữ khách (hôn rất nhẹ, vì coi chừng, nàng đang rình theo dõi). Cô dâu ôm một bó hoa hồng. Chú rể ngậm điếu thuốc lá thơm. Cười. Ráng mà cười. Chụp hình kỷ niệm...

Rồi giây phút quan trọng nhất bắt đầu. Chàng lục túi áo tìm chiếc nhẫn cưới đeo vào tay nàng. Nàng sẽ đánh mất chiếc nhẫn cưới đó trong những lúc vò giặt quần áo sau này nhưng không sao, chàng sẽ cột giữ nàng bằng thứ khác vững chắc hơn, đó là tình yêu của chàng. Có thể chàng sẽ đọc thơ giữa tiệc cưới. Câu đầu của Chinh Phụ ngâm:

Thuở trời đất nổi cơn gió bụị...

Vâng, cơn gió bụi đã bắt đầu nổi lên. Bão tố, sóng gió, mưa nắng thất thường trong đời sống vợ chồng đã bắt đầu xuất hiện. Tất cả những cơn thịnh nộ lẫn phút êm đềm của tình yêu sẽ luân phiên xảy đến. Khổ đau và hoan lạc, từ nay chúng ta hai người chia nhau cạn chén.

Rồi tiệc cưới chấm dứt. Chàng giả vờ nhìn đồng hồ tay, đã 9 giờ tối. Bạn bè hiểu ý, lục tục kéo nhau về hết. Chàng tiễn và nói cám ơn với từng người, dáng điệu chàng ngả nghiêng như say rượu, nhưng đó là chàng đóng kịch, chàng đâu dại gì uống rượu say trong đêm nay.

Căn phòng chỉ còn lại hai người. Trái với điều mong muốn, đêm nay, nàng cũng không có được một chiếc áo cưới đắt tiền màu trắng như tuyết. Áo cưới nàng màu vàng nhạt và màu trong. Sau đó là màu đen... Đó, hôn lễ đã cử hành một cách đơn giản như thế. Còn nhiều chi tiết sống động hơn, nhưng nàng bắt chàng giữ kín.

Nhưng hãy tưởng tượng rằng hôn lễ giữa hai người sẽ chẳng bao giờ có. Chàng sợ điều này không phải là tưởng tượng mà chính là sự thật.

Cuộc tình không thể kéo dài một cách lửng lơ khơi khơi mãi, cũng không đi đến một đoạn kết tròn đầy. Chàng và nàng chẳng vỡ tan mà cũng chẳng gắn bó mãi mãi.

Rồi một ngày kia hai người nói lời vĩnh biệt. Dĩ nhiên chàng sẽ buồn nhưng không hối hận một điều gì. Nàng cũng không hối tiếc.

Nàng sẽ quên chàng , như quên tất cả những dấu vết nồng nhiệt trong tâm hồn, chỉ còn sót lại trong nàng đôi chút hình ảnh của kỷ niệm. Điều ấy giúp ích cho nàng rất nhiều. Nàng sẽ có một ít căn bản, vốn liếng vững chắc về ái tình để có thể kết luận rằng tình yêu là một cái gì thật vĩ đại trong hiện tại, và thật nhỏ nhoi như dấu chấm của một giọt mưa lắng khô mau trên cát nóng, khi đã là quá khứ.

Nàng sẽ có dịp biết đến một hôn lễ huy hoàng lý tưởng theo ý nàng với một người khác. Chàng xin làm kẻ đứng ngoài mọi cuộc rước dâu, đám cưới, tiệc tùng, quỳ lạy ông bà hai họ. Và nàng thì không dám có mặt trong một kiểu đám cưới loại "bỏ túi" rất tân kỳ như chàng đã đề nghị (nhạc, cà phê, thuốc lá, bạn bè...). Thế là thỉnh thoảng chàng tiếp tục khâm phục khi nhận được những tấm thiệp mời đám cưới của người quen, tổ chức theo lối cổ truyền dân tộc. Chàng tiếp tục kiên nhẫn kiếm ít tiền đăng lên báo chia lời mừng hai họ. Tên chàng mãi mãi ở dưới cùng trong cột tờ báo chúc mừng, chẳng bao giờ nhảy lên được vài phân mét.

Còn nàng ? Nàng ở đâu ? Đang làm gì ? Lấy chồng chưa ? Mấy con rồi ? Chàng không hề biết và cũng chẳng quan tâm đến làm gì nữa. Nàng muốn chàng quên nàng, chàng đã quên. Nàng muốn chàng vắng mặt hoàn toàn trong tương lai của nàng, chàng đã vắng mặt và biệt tích mãi mãi. Dòng phấn trắng sẽ không bao giờ còn viết tên chàng lên bảng đen của lớp học yêu thương ngày cũ. Chàng và nàng, cả hai đều trở thành bậc thầy tài ba về bội bạc và quên lãng. Nàng nhớ chăng ?

- Anh sẽ cưới em.

- Với bất cứ giá nào ?

- Không. Với giá nào mà anh có thể chịu nổi.

Nếu nàng còn thắc mắc hỏi tiếp, chàng sẽ trả lời:

- Đó là cái giá của tình yêu không so đo tính toán, không chuộng hình thức, không bôi son vẽ phấn màu mè, không đòi hỏi khách sáo... đó là giá trị chứ không phải là giá cả của tình yêu.

Rất ít người đồng ý với chàng về điều trên, trong đó có cha mẹ nàng.

Nên rốt cuộc, hãy tưởng tượng về một hôn lễ.

Hãy tưởng tượng, và chỉ là tưởng tượng...

 
 Hoàng Ngọc Tuấn    
 

Thứ Năm, 24 tháng 6, 2021

CẢM HỨNG TRONG CHIỀU - Nguyễn Trãi (Yên Nhiên chuyển ngữ)

 

Khuất ngõ mình ta nỗi quạnh hiu
Khăn đen gậy trúc dạo trong chiều
Nắng tà thôn dã cây hoe ráng
Đường vắng người thưa nước ngập cầu
 
Vô tận thời gian trôi chảy mãi
Anh hùng ôm hận gió lao xao
Trở về ngồi tựa hàng hiên ngắm
Vòm biếc gương trăng lạnh buốt treo


Yên Nhiên
 
*

 
Vãn Hứng

Cùng hạng u cư khổ tịch liêu
Ô cân trúc trượng vãn tiêu diêu
Hoang thôn nhật lạc hà thê thụ
Dã kính nhân hy thủy một kiều
 
Kim cổ vô cùng giang mạc mạc
Anh hùng hữu hận diệp tiêu tiêu
Quy lai độc bẵng lan can tọa
Nhất phiến băng thiềm quải bích tiêu


Nguyễn Trãi  (1380 - 1442)
 

Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2021

HÒA ĐIỆU - Tagore (Yên Nhiên chuyển ngữ)

  

 
 
 
 
 
 
 
 
Ví thử nàng im lìm không nói
Sự lặng thinh tràn ngập tim anh
Như đêm sao gục đầu thao thức
Đợi chờ em thôi thế cũng đành

Bóng tối tan rồi bình minh đến
Thanh âm em tỏa ánh hào quang
Tiếng chim hót hồn nhiên chắp cánh
Chốn tuyền lâm hoa cỏ rộn ràng

Yên Nhiên

*

Patience

If thou speakest not I will fill my heart
with thy silence and endure it.
I will keep still and wait like the night
with starry vigiland its head bent low with patience.

The morning will surely come,
the darkness will vanish,
and thy voice pour down in golden streams
breaking through the sky.

Then thy words will take wing
in songs from every one of my birds' nests,
and thy melodies will break forth in flowers
in all my forest groves.

Rabindranath Tagore (1861-1941)

Thứ Tư, 9 tháng 6, 2021

HÌNH NHƯ LÀ TÌNH YÊU - Hoàng Ngọc Tuấn



Buổi chiều thật lặng lẽ. Ðường phố nhảy múa với màu áo và hình người qua lại. Khi ngọn đèn ở ngã tư đường bật sang màu xanh, đoàn xe cộ hối hả hướng nhanh về phía trước chen chúc nhau trong tiếng còi ồn ào. Con đường của thành phố bao giờ cũng quay cuồng trong tiếng động náo nhiệt.

Nhưng chiều nay, buổi chiều thật lặng lẽ.

Bên trong cánh cửa kính thủy tinh, bàn ghế sắp đặt cạnh nhau. Mỗi ghế một người ngồi. Trên bàn là một ly rượu gì đó, một ly bia, nước ngọt hay cà phê. Một điếu thuốc lên khói từ giữa hai ngón tay, điếu thuốc không còn biết hiệu gì vì mùi vị đã dửng dưng trong miệng. Từ một chỗ ngồi như thế nhìn ra ngoài đường. Trời đã chiều nhưng vẫn còn chói chang ánh nắng. Thành phố nóng bức này đã đến mùa nóng nhất, cơn mưa không hề thấy từ hơn tháng nay.

Sự khao khát bóng mát của những cây cổ thụ trong rừng, cơn mưa mát lạnh của miền núi, đám mây đẹp của không khí vùng cao nguyên luôn luôn có một vẻ sầu muộn. Tất cả đã xa tôi trong một khoảng thời gian dài. Cũng như Châu. Tôi đã xa Châu thật lâu, năm hay sáu năm gì đó không một lần gặp lại, hình bóng tưởng bám chặt trong người như loài hoa bí leo kín mái hiên, nhưng thật ra dần dần buông thả, rơi lìa. Một trái cây trứng cá đã chín mùi cũng lìa cành như thế, rơi trên đất không vang một tiếng động nhỏ.

Khuôn mặt của người thiếu nữ giờ đây mơ hồ lạ lùng như một người bộ hành nào đó đi dưới cơn mưa. Giọt nước mưa chảy đầy bao phủ trên khuôn mặt một màu trắng lóng lánh, thật huyền ảo nhưng dấu kín hết những dấu hiệu nào quen thuộc. Bây giờ nếu Châu có đứng ở góc phố kia, thật gần với chỗ tôi ngồi, cho dù trời không mưa, trời soi sáng cho mọi người nhìn thấy từng lớp bụi bặm trên vỉa hè, tôi vẫn không nhận ra Châu, tưởng chừng như một cô gái nào lạ mặt như trăm nghìn cô gái chiều nay đã đi qua trước mắt.

Bây giờ có lẽ tôi không còn phân biệt được Châu với người khác. Sự xa lạ ấy đáng kinh ngạc và làm tôi buồn bã.

*

Con đường từ thành phố Ban Mê Thuột đi lên Suối Nhà Ðèn, đến ngã rẽ có một trũng đất thấp hơn mặt đường, ngôi trường Châu học ở đó. Hai hàng nhà lợp tôn thấp, sân đất đỏ bốc mùi bụi dưới gót chân của học trò trong ngày nắng, hay lầy lội thứ bùn đỏ ngầu đặc biệt của miền núi này. Châu ngồi trong lớp học có cánh cửa quay ra đường và thế là trên con đường ấy mỗi ngày tôi đi qua lại cả chục lần để nhìn soi mói vào lớp học. Nhưng khoảng cách khá xa từ mặt đường đến chỗ ngồi của Châu ở góc lớp không bao giờ cho phép tôi nhìn thấy Châu. Tôi chỉ nhìn thấy cặp mắt bực dọc của lão thầy giáo nhìn tôi và những nụ cười đùa cợt của bọn con gái. Nếu Châu đừng chăm chú với bài giảng của thầy (Châu lúc nào cũng có vẻ chăm học cả), Châu cũng đừng thì thầm nói chuyện với lũ bạn bên cạnh, Châu nhìn ra ngoài khung cửa sổ một đôi lần thì sẽ nhìn thấy tôi rất rõ ràng. Một thằng con trai ít khi hớt tóc, đôi mắt lúc nào cũng ngơ ngác tìm kiếm ai, và mặc dầu trời chỉ hơi lạnh cũng mặc cho bằng được một chiếc áo len màu đỏ chói để cho người khác dễ nhận thấy (thật ra là cho Châu). Tôi đó.

Trước giờ vào học và sau khi tan học, tôi bắt gặp đôi mắt Châu nhìn tôi đúng hai lần. Tôi không biết làm gì hơn là nhe răng ra cười và chờ đợi một nụ cười trả lại. Tính tôi đơn giản đến nỗi có thể hạnh phúc trọn ngày khi được ai đó cười với mình. Và Châu đã cười, nụ cười tươi tắn không có vẻ gì là điệu bộ cả. Tôi yêu chết được những nụ cười tự nhiên như thế, nó dễ nhận thấy hơn là một cái nhếch mép. Mẹ tôi thường bảo con gái cười như thế là cười toe toét trông vô duyên lắm, nhưng tôi không đồng ý với mẹ tôi về điều này chút nào. Châu có duyên chết đi được chứ, đôi mắt không phải là thứ mắt bồ câu hay nai vàng thường tả trong tiểu thuyết, đôi mắt ấy nhỏ và sáng rực rỡ cùng với đôi môi. Thời tiết của Ban Mê Thuột gần như lạnh thường trực, Châu cũng chưa đến tuổi được ba má cho phép dùng son môi, nên đôi môi của Châu thường xanh xao. Nhưng điều ấy có hề gì đâu, tôi vẫn yêu màu xanh từ khi mỗi lần đi học Châu đều mặc một chiếc áo dài xanh (cái trường Trung học Công lập Ban Mê Thuột bê bối này có một quy luật thật thơ mộng là bắt buộc tất cả học trò đều phải mặc đồng phục xanh, áo trắng ở đây rất mau bẩn vì đường xá nhiều bụi bặm).

Về sau tôi yêu thương những màu xanh đó suốt đời. Có lần tôi dã ngạc nhiên vì điều ấy và sự hồi tưởng về Châu đã trả lời cho tôi. Bắt đầu từ màu áo xanh của Châu trong những buổi chiều màu xám tro, rừng cây xa xanh màu rêu và con đường đất đỏ nâu. Rồi đến tất cả những màu xanh, màu xanh của da trời, của biển, ngọc thạch, của rêu rong, của sông, của mắt đàn bà Tây phương, của lá cây, bao thuốc Bastos xanh, và cả màu xanh nhạt của khói thuốc.

Ngoài hai lần gặp nhau ở trường, tôi và Châu gần như gặp nhau và trò chuyện suốt ngày. Nhà của hai đứa cách nhau một bãi cỏ và vườn cây đu đủ cao lêu nghêu. Những cây đu đủ không biết ai đã trồng từ bao giờ, chỉ biết khi nhà tôi đến ở đó, trái đu đủ đã chín ửng vàng thật nhiều. Thằng em trai tôi thường leo lên hái, tôi cũng thường leo lên nhưng không phải để hái trái cây, chỉ cốt cho tầm mắt nhìn thấy xa hơn, nhìn thấy Châu đang lui hui đổ thóc vào chuồng gà sau nhà bếp.

Người ta, dầu đã già hay chưa già, thường có thói quen tìm lại những giây phút ban đầu của một thời, hay của một tình yêu. Tôi cũng có thói quen ấy. Ban đầu của tôi như thế nào nhỉ?

Gia đình tôi mới dọn lên Ban mê Thuột, ở trong một khu cư xá quân đội, tôi chưa quen biết ai ở chung quanh cả. Tôi ở mãi trong nhà, đứng bên cạnh cửa sổ để nhìn ra khung cảnh cao nguyên thật mới mẻ đối với tôi. Ðường đất gập ghềnh, những chiếc xe ngựa lóc cóc đi chậm rãi, ngôi chợ nhỏ lúp xúp ở cổng số một, và thỉnh thoảng một hai người đàn bà Thượng đóng khố để ngực trần đi qua. Cảnh tượng trầm tĩnh của miền núi có một vẻ đẹp làm tôi ngây ngất như không khí lạnh của trời. Tôi đứng lặng người như thế hoài nên khi Châu vào nhà đứng gần bên tôi, tôi cũng không hề biết. Ðến khi giọng nói lạ lùng ấy vang lên:

- Ðứng làm gì mà thừ người ra thế?

Tôi giật mình và không biết trả lời ra sao, Châu tiếp tục:

- Sao không có ai ở nhà cả? Tôi sang mượn cái bàn là, nhà tôi ở sát bên cạnh, chỗ kia kìa...

Tôi nhìn theo ngón tay chỉ của Châu và cũng chưa nói được gì. Châu quan sát tôi chăm chú như một bà soeur trìu mến nhìn cậu học trò nhỏ mới ghi tên học nội trú. Giọng nói con gái Bắc nghe đáng yêu biết bao, giọng ấy khi nói những câu tầm thường nhất như là “mượn cái bàn là” nghe vẫn êm đềm ghê gớm. Châu ngạc nhiên:

- Sao không nói gì cả thế? Nhà có bàn là cho tôi mượn một lát đi, không tôi về liền bây giờ à.

Cái chữ “về” của Châu làm tôi kinh hãi. Tôi gật đầu và lí nhí nói đại ý sẽ lấy bàn là cho Châu mượn ngay. Tôi chạy đi tìm trong khi Châu ngồi xuống tự nhiên trên ghế, trong trí óc non dại của tôi thầm mong rằng Châu sẽ ngồi đó suốt đời. Nhưng Châu bỗng đứng dậy khi thấy tôi loay hoay khắp các xó xỉnh mà vẫn không tìm thấy gì cả.

- Thôi để lát nữa tôi qua mượn cũng được, tôi về nhé.

Lại chữ “về” đáng sợ ấy. Tôi cố gắng tìm một câu để nói với Châu.

- Chị ngồi xuống đó một tí, tôi kiếm được liền mà.

Châu ngồi xuống, mắt vẩn vơ nhìn bức hình con cá voi trắng dán trên bàn tôi, và nói:

- Ðừng tìm nữa, tôi ngồi chơi đây một lát được không?

- Ðược quá. Chị ngồi đây suốt ngày cũng được.

Châu mỉm cười có vẻ thân mật, đôi mắt Châu dịu dàng hơn nhưng giọng nói vẫn hất hàm như một người chị.

- Này, nhà mới dọn lên đây phải không? Trước kia ở đâu thế?

- Ở Qui Nhơn.

- Qui Nhơn là ở đâu?

- Ở biển... ở đó có biển, biển cũng đẹp như núi ở đây. Chị chưa bao giờ thấy biển à?

Ðôi mắt Châu hình như lùi xa để nghĩ ngợi, tôi rất buồn khi thấy ai có một đôi mắt xa xăm như thế.

- Có chứ... có một lần thôi. Trước kia nhà tôi ở ngoài Bắc, di cư vào đây bằng tàu biển, chỉ thấy biển có lần đó mà bây giờ không nhớ gì cả. Rồi cả nhà lên Ban Mê Thuột, ba me ở đây hoài buồn ghê... nhưng này tên gì thế?

- Tên ai?

Châu đưa ngón tay chỉ vào tôi. Tôi thầm nghĩ sao Châu làm phách quá trời, nhưng tôi cũng trả lời:

- Tôi tên Tuấn, nhưng tôi ghét cái tên đó lắm. Chị có thể gọi tôi bằng tên khác, gọi là Ngự được không?

- Ðược chứ. Nhưng sao lại gọi là Ngự?

- Vì hình như tôi sinh ra ở Bến Ngự.

- Bến Ngự là ở đâu thế?

Tôi đứng dậy đưa tay chỉ vào một chấm nhỏ trên bức bản đồ Việt Nam dán trên vách tường. Tôi bỗng nói như học thuộc lòng một bài học địa lý:

- Ðây là Huế, cái thành phố này buồn nhất Việt Nam. Từ Huế lên Ban Mê Thuột xa lắm, đi máy bay mất vài giờ còn đi xe hơi lâu hơn nhiều, đến ga Ninh Hòa phải đón xe lên Ban Mê Thuột, đường này đi rộng rãi lắm và có hai ngọn đèo, nhưng đèo ở xứ này không thấm vào đâu so với đèo Hải Vân ở giữa Huế và Ðà Nẵng...

Tôi khoái chí vì lần đầu tiên nói với con gái một câu như thế. Châu vẫn tiếp tục hỏi:

- Ngự học lớp mấy rồi đấy?

Tôi trả lời và Châu ngạc nhiên:

- Thế là học bằng tôi rồi, còn nhỏ mà học giỏi nhỉ.

Tôi nổi sùng chết được. Châu làm ra vẻ người lớn thế nhưng có lẽ chỉ bằng hay hơn tôi một tuổi là cùng. Tôi không thèm nhìn Châu nữa và cầm bâng quơ mấy tập báo trên bàn. Tôi lật từng trang nhưng không nhìn thấy gì hết ngoài những hình vẽ và những chữ đầy trang giấy. Châu cũng quay mặt nhìn ra ngoài đường và một thằng quỷ quái nào đó đạp xe ngang qua cười tình với Châu làm tôi buồn chết được. Tôi định nói Châu về đi cho rồi, nhưng Châu lại gợi chuyện, bao giờ Châu cũng nói trước cả:

- Ngự bao nhiêu tuổi rồi đấy?

Tôi trả lời và Châu ngạc nhiên, Châu bớt cái vẻ đàn chị đối với tôi:

- Thế là bằng tuổi tôi rồi. Thôi đừng gọi tôi là chị nữa, gọi là Châu đi nhé. Lúc nào rỗi qua nhà tôi chơi, nhà tôi kìa kìa... có chuồng gà vui lắm và mấy đứa em trai lớn cũng gần bằng Ngự.

Châu bỗng nhíu mày, hay có lẽ cố làm ra thế.

- Lạ thật! sao tụi mình cái gì cũng giống nhau, học cùng lớp lại cùng một tuổi.

- Có cái khác chứ. Tôi là con trai và Châu là con gái.

- Dĩ nhiên rồi. Ngự ăn nói gì vô duyên thế!

Môi Châu trề ra như một múi cam tươi gợi cảm ngon lành. Con gái khi có đôi môi đẹp thì nó làm cái trò gì cũng đẹp, dầu cho có trề môi dưới ra dài thòng.

- Thôi Châu về đây. Chiều Châu qua lại nhé.

Tôi buồn buồn gật đầu và nhắc đi nhắc lại cả trăm lần là chiều Châu nhớ qua chơi. Tôi ở nhà đã quá buồn với mấy cuốn sách báo cũ, cái máy hát nhỏ, hai đứa em trai và một đứa em gái của tôi cứ chụm đầu với nhau ngoài vườn chơi cái trò “buôn bán”, đứa em gái xắt vỏ trái thanh trà thành từng miếng nhỏ giả làm thịt cá, hai đứa em trai xé giấy làm một xấp tiền dầy cộm trong túi, rồi ngồi mua từng miếng thịt nhỏ làm bộ nhai ngấu nghiến, ăn hết lại mua nữa. Chúng say mê làm cái trò đó cả trăm lần và dĩ nhiên tôi chẳng thấy thú vị gì để tham dự vào cả. Tiếng kẻng đằng xa vang lên báo hiệu giờ tan sở. Châu hoảng hốt:

- Chết, đồ ăn chưa làm xong gì cả mà ba sắp về nhà rồi. Tại Ngự đấy, thôi Châu về đây.

Những bước chân tinh nghịch nhanh nhẹn như con sóc của Châu dẫm nát cả một lớp cỏ cao đến tận đầu gối. Trước khi mất hút vào trong nhà, khuôn mặt của Châu quay lại, dựa cánh cửa và nhìn tôi. Và nụ cười. Nụ cười mê hoặc ấy.

*

Một tháng đã trôi qua ở xứ này. Tôi dần dần có đông bạn bè ở trường học, những vụ rủ nhau đi tắm suối Buji, suối Ðê, suối Nhà Ðèn hay đạp xe đi khắp hết những con đường khúc khuỷu trong thành phố, thỉnh thoảng vào sâu trong những đồn điền cà phê ở ngoại ô.

Châu cũng đã trở nên thân mật với tôi hơn. Buổi trưa sau giờ cơm ngồi dưới bóng mát sau nhà, bên cạnh vườn bắp đầy trái. Buổi tối cùng với lũ con trai con gái trong những trò chơi trẻ nít, nhưng bao giờ hai đứa cũng tìm cách gặp nhau một mình. Châu ham đi chơi nhiều, hay quanh quẩn đến nhà những đứa bạn gái để trò chuyện. Nhưng Châu cũng dành ít thì giờ qua nhà tôi nói chuyện vẩn vơ. Con gái người Bắc thật lắm chuyện, hình như có trong đầu óc Châu cả một triệu câu chuyện, từ chuyện học hành, bạn bè, áo quần, gia đình. Châu kể không sót kể cả những chuyện như trên trường mới có một ông giáo sư chuyên tán tỉnh nữ sinh hay là rạp Lido đang chiếu phim Vérité do Bardot đóng. Còn tôi thì chẳng có chuyện gì để nói cả. Tôi chỉ thích hỏi thật nhiều cho Châu trả lời và cứ như thế làm cho câu chuyện giữa hai người kéo dài thêm mãi. Tôi thường hỏi Châu về chuyện “tình yêu”, hỏi Châu có “bồ” chưa, dĩ nhiên Châu trả lời: chưa; tôi không tin điều này cho lắm vì thấy Châu có rất nhiều bạn trai lại nhà chơi, người nào trông cũng bảnh bao chững chạc hơn tôi nhiều. Châu cũng hỏi tôi về điều ấy, tôi bịa ra là đã có một hai cô bồ, tôi nghĩ ra được một cái tên con gái thật đẹp. Châu chú ý nghe và tôi sung sướng chết được khi nhìn thấy đôi mắt Châu hình như giận hờn hay buồn buồn gì đó. Tôi rất thích cho con gái giận, giận đến nỗi phải khóc là tôi khoái, chết được.

Ban đêm cả nhà tôi quây quần trong phòng, mẹ tôi đan áo len và lũ em tôi thi nhau học bài ầm ĩ. Bây giờ tôi đã ít thích không khí ấm cúng ấy. Tôi ra đứng một mình trước nhà, một góc tối tăm nhờ rặng mía dày bao quanh. Có lẽ ở nhà bên kia, Châu cũng đang chờ mẹ sai đi sang nhà hàng xóm về một chuyện vặt vãnh nào đó. Và thế nào Châu cũng có cớ để đi, khi đi ngang qua chỗ tôi đứng, cả hai đứa nhìn nhau mỉm cười và nụ cười đằm thắm trong bóng tối của Châu cho biết Châu sẽ trở lại. Châu trở lại nhưng làm bộ bỏ đi nhanh, tôi gọi Châu để nói một chuyện thật quan trọng, nhưng dĩ nhiên cóc có gì quan trọng cả, chẳng hạn như hỏi hồi sáng đi học vui không, sáng mai mấy giờ đi học, Châu mới may thêm chiếc áo xanh phải không. Châu khoe:

- Mẹ mới may cho Châu một cái áo dài đẹp lắm, tuần sau là có áo mới mặc rồi.

- Màu gì?

- Màu đỏ thẫm, mặc “nổi” lắm.

- Màu gì kỳ cục, sao không may áo màu xanh?

- Có nhiều áo xanh rồi, mặc chán chết.

- Tôi ghét màu đỏ lắm, vứt cái áo ấy đi, may áo khác màu xanh, xanh gì cũng được.

- Trời ơi, vứt rồi lấy tiền đâu may nữa.

Tôi quả quyết nói:

- Tôi cho. Hai ba trăm bạc là cùng chớ gì.

- Trời ơi, lớn rồi mà không biết gì cả, áo của người ta cả ngàn bạc chớ bộ...

Một ngàn đồng lúc này đối với tôi quả như là giấc mơ, phải đợi trúng số mới có được nên tôi im lặng. Cả hai đứng nói chuyện với nhau thật gần và câu chuyện vẩn vơ kéo dài không muốn chấm dứt chút nào. Trời dần dần khuya, Châu có vẻ sắp về nhà, tôi cố tìm một câu gì để nói, một câu gì để làm Châu giận càng tốt. Tôi thích Châu giận dỗi thề rằng sẽ không bao giờ thèm nói chuyện với tôi nữa, rồi hai đứa sẽ làm mặt lạ với nhau chừng hai ba ngày, qua ngày thứ ba là tôi sẽ xin lỗi và Châu hết giận. Tôi nói:

- Tụi bạn của tôi nói hồi trước Châu là bồ của thằng Mặt Mụn phải không?

Cái thằng vừa nói dĩ nhiên không có cái tên xấu như thế, nó khá trắng trẻo đẹp trai, nhưng tôi ghét nó vì hay đến nhà Châu hoài. Giọng của Châu giận dữ:

- Bồ gì? Thằng ấy học cùng trường, quen sơ sơ thôi. Châu đã nói cả trăm lần là Châu không có bồ gì hết, sao Ngự không tin!

- Tin gì nổi, con gái hay nói dối lắm. Mấy bữa nay Châu đi đâu lên phố hoài, ít khi qua đây quá trời.

- Thì mẹ bảo đi mua đồ. Qua đây với Ngự hoài, Ngự hay làm mặt phách thấy ghét lắm.

Ðôi mắt Châu giận hờn óng ánh trong bóng tối làm tôi cảm thấy sung sướng vô cùng. Ðôi mắt ấy mà ứa ra vài giọt nước mắt là tuyệt. Hai ngón tay của Châu béo vào vai tôi đau điếng người nhưng thú vị biết mấy. Châu nói:

- Châu qua nhà Ngự bị mẹ la hoài, mẹ Ngự cũng khó chịu nữa. Còn Ngự có bao giờ qua nhà Châu đâu?

- Tại mấy con chó, chó nhà Châu chuyên môn nhảy chồm vào cắn người lạ. Cũng tại ông nội của Châu nữa, ông ấy già rồi mà mắt nhìn dữ thấy khiếp.

- Ngự nhát gan quá. Ông nội hiền lắm, cả ngày không nói một tiếng.

- Cần gì nói, thấy ông nhìn là đủ ớn rồi. Mà ông nội Châu năm nay bao nhiêu tuổi?

- Gần tám mươi.

- Già rồi sao còn sống dai thế?

Châu béo mạnh vào cánh tay tôi.

- Này, Ngự không được hỗn nghe không.

Rồi thôi, tôi bắt đầu không tìm được chuyện gì để nói. Châu có vẻ chờ đợi tôi tiếp tục nhưng tôi chỉ đứng yên nhìn Châu. Một con chim bồ câu nào đó bỗng đập cánh bay ra khỏi chuồng làm cả hai đứa cùng giật mình. Nhà tôi có một chuồng bồ câu khá nhiều, ban đêm chúng đều ngủ say rất sớm, không hiểu giờ này con chim bồ câu ấy sao lại bỏ đi chơi khuya như thế. Tôi nhìn theo cánh chim bồ câu trắng xóa thoáng qua nhanh và tôi bỗng sực nhớ đến bộ mặt trắng và vài hạt mụn trên lỗ mũi của thằng Mặt Mụn. Tôi lại bực dọc nói:

- Thằng Mặt Mụn có chiếc xe gắn máy đẹp ác, hôm qua nó chở Châu đi chơi phải không?

Châu kêu lên:

- Trời ơi, đặt điều vừa thôi chứ. Ði chơi hồi nào đâu?

- Thôi đừng xạo nữa.

- Ngự dám nói Châu xạo phải không?

- Dám. Châu hay nói xạo, nói láo, nói dóc, Châu làm điệu bộ đủ thứ. Châu quen biết với cả trăm thằng thằng nào Châu cũng làm bộ dễ thương cả.

Ðôi mắt ấy đã hơi ướt như tôi chờ đợi. Khoái trá giờ lẫn hối hận tràn ngập trong người làm tôi bất động như có vẻ thản nhiên. Châu bỗng nói:

- Châu về đây. Từ bây giờ trở đi Châu chẳng bao giờ nói chuyện với Ngự nữa đâu, Châu không quen với Ngự nữa.

Rồi Châu vùng chạy. Sợ hãi đã làm tôi can đảm, tôi nắm chặt lấy bàn tay Châu và nghe da thịt lạnh của người con gái nóng và êm vô cùng trong bàn tay của mình. Khi Châu đứng yên, tôi làm cái cử chỉ học được trong tiểu thuyết là đưa tay vuốt ve mái tóc Châu nhưng bàn tay tôi run rẩy. Hơi thở và tiếng khóc của Châu thật gần gũi như đang trộn lẫn với nhịp tim đập bồi hồi của tôi. Mùi hương của da thịt con gái, mùi thơm của những cây gia vị nhỏ trồng trong vườn, cây ớt, cây rau quế và đám hoa cỏ dại. Tất cả ngây ngất như một thứ rượu mạnh chưa hề uống và tôi không còn biết gì cả. Hai đứa ôm lấy nhau từ bao giờ, không biết ai có cử động ấy trước, gần như bàn tay ma quái của ai xô đẩy hai thân thể vào nhau. Tôi mê mẩn ôm chặt thân thể Châu trong người, da thịt mềm mại mà tôi chưa biết bây giờ đè nặng ngực tôi. Tôi hôn khắp mặt mũi, tóc tai, chiếc gáy trắng của Châu như một đứa trẻ con, cuối cùng tôi cảm thấy một đôi môi con gái mềm và ướt. Tôi không bắt gặp mùi vị gì ngọt ngào như người ta thường nói, cả hai đôi môi nối liền với nhau bất động và tê dại. Sợ hãi và hoan lạc lan khắp thân thể như vừa nếm mùi mật ong tinh tuyền. Tôi không còn nhận thấy điều gì cả. Thân thể Châu vừa nặng trĩu vừa nhẹ bổng, trống không như khói. Tất cả như một giấc mơ ngắn nhiều đêm tôi nằm mơ thấy mình hôn Châu.

Dĩ nhiên giây phút say sưa nhưng có vẻ không thực ấy đã có một chỗ ngồi trong trí nhớ của tôi suốt đời. Không biết Châu có quên đi mau chóng không?

Những ngày kế tiếp theo thật đẹp. Buổi sáng nụ cười của Châu không còn được tự nhiên, trên đôi má đã thoáng nét ngại ngùng và đôi mắt nhìn càng thêm âu yếm. Nhìn cô gái mặc chiếc áo dài xanh e ấp, dáng điệu đoan trang như người lớn, tôi không thể nào tưởng tượng ban đêm tôi đã ôm người ấy. Da thịt kín đáo trong làn vải áo, ban đêm đã gần gũi trong vòng tay.

Hai đứa ít gặp nhau hơn. Châu có vẻ ngượng ngùng trước đôi mắt dò xét của mẹ tôi và những đứa em của tôi bây giờ hay chọc ghẹo Châu. Một ngày vắng Châu tôi không thể nào chịu nổi, có đêm mẹ không sai Châu đi đâu, Châu phải ở mãi trong nhà để học bài hay may vá gì đó. Tôi liều mạng sang nhà Châu, lấy cớ mượn một cuốn sách. Hai đứa ngồi cùng một bàn học, ba má Châu đã đi đâu vắng, lũ em của Châu đã ngủ, chỉ còn ông nội Châu vẫn còn thức. Ông già ấy thường đi ngủ rất khuya và bây giờ lại không tỏ vẻ gì buồn ngủ cả. Ông già ngồi trong chiếc ghế bành và tay cầm một tờ nhật báo nhưng tôi biết ông nhìn hai đứa nhiều hơn là đọc tin tức thời sự.

Châu bịa ra một bài toán khó và tôi giải tỉ mỉ cho Châu, nghĩa là với một phương pháp thật dài dòng không bảo đảm trúng gì hết. Xen lẫn với những định lý hình học, những con số chán ngắt là những lời của hai đứa thật nhỏ, nhỏ vừa đủ để lỗ tai yếu của ông già không thể nghe được: Nhớ Châu quá trời. Thật không? Châu cũng nhớ Ngự lắm, ngồi trong lớp cứ kể cho con bạn nghe về Ngự mãi.

- Trời ơi! nói với người khác làm chi kỳ vậy?

- Không nói nó cũng biết, con bạn Châu tinh mắt lắm, nó thấy Châu cứ loay hoay trên giấy hoài, rồi vô tình Châu viết tên Ngự.

- Sao cái gì mình cũng giống nhau vậy? Tôi cũng thế, giờ frère Léon giảng giáo lý không nghe gì cả, viết đầy tên Châu trong vở, viết cả chục lần cho đến khi hết chỗ để chép bài.

- Ngự có đạo đâu mà học giáo lý?

- Cái trường của mấy ông thầy dòng kỳ như vậy, sáng nào cũng bắt học một giờ giáo lý, lại còn đọc kinh nữa.

- Học môn đó vui không?

- Chán chết, không hiểu gì cả, chỉ nhớ Jésus có nói một câu thật hay: “Khi những bông hoa mật ong đã nở trên cây, các con hãy thương yêu nhau và cũng đừng buồn khi một ngày nào đó các con hết yêu nhau, vì tình yêu cũng giống như mật ong, có thứ thật có thứ giả khó lòng phân biệt được” (dĩ nhiên câu này tôi bịa ra chứ Jésus đời nào nói một câu lẩm cẩm như vậy).

- Trời ơi, câu đó hay quá nhỉ!

- Không, nghĩ đến Jésus không thấy gì cả, còn nghĩ đến Châu khoái chết được. Ở trong vở, viết tên Jésus và Maria nhỏ lắm, còn viết tên Châu thật lớn: Minh Châu, Minh Châu... viết hoài hoài.

- Thôi cám ơn, chiều mai Châu đi học lúc 3 giờ.

- Tôi sẽ đi sớm hơn để đón Châu trước cổng trường.
 
- Ðón làm gì thế?

- Ðể nhìn Châu một cái, Châu gặp đừng làm lơ, nhớ cười nghe, tôi sẽ rủ một thằng bạn đi theo, tôi đã nói về Châu cho nó nghe rồi. Châu mà không cười với tôi thằng ấy sẽ tưởng tôi nói láo.

- Trời ơi! Nói chuyện đó với người lạ làm gì, bọn con trai ác lắm, tụi nó đồn ầm lên là Châu chết mất.

- Yên chí, chỉ nói cho một thằng bạn thân thôi mà không nói không chịu nổi, Châu cũng thế phải không?

Những chữ viết, những hình thể toán học trở nên những vai phụ mờ nhạt. Ông già ngồi soi mói cũng mờ nhạt. Tôi không còn nghe thấy gì ngoài âm thanh của chính mình và của Châu trộn lẫn với nhau như một điệu nhạc tuyệt vời. Bàn tay của hai đứa lật một trang sách, chỉ một trang và không lật thêm trang nào nữa vì hai hai bàn tay đã nắm lấy nhau, che khuất sau những trang giấy (lần đầu tiên tôi thấy sự ích lợi của sách vở).

Không biết như thế trong bao nhiêu lâu rồi giọng nói lụ khụ khó chịu của ông già:

- Châu à, cháu chưa đi ngủ sao? Mai còn đi học sớm.

- Thưa ông chưa ạ, cháu làm bài toán này mãi mà chưa xong, ông cứ đi ngủ trước đi, cháu treo mùng cho ông rồi.

Ông già quay sang phía tôi và đôi mắt rất ít cảm tình:

- Cậu cũng học cùng lớp với con Châu à?

Tôi cố gắng nói với giọng lễ phép nhất của tôi:

- Dạ, cùng lớp nhưng khác trường. Bài toán này khó lắm, cháu phải giảng cho thật kỹ.

- Cậu học giỏi thế à.

Tôi nói nhỏ chỉ cho Châu nghe: không giỏi gì lắm đâu, càng ngày càng dốt và làm biếng vì cô cháu gái của ông đấy. Châu lườm: giận Ngự cho mà xem, con trai mà học dốt xấu lắm.

- Nói gì thế?

- Dạ không có gì ạ. Cháu sắp làm xong rồi.

Ông già lừ mắt nhìn tôi làm tôi phải giả bộ lơ đi chỗ khác, tôi bỗng chốc trở nên lì lợm, ông già quay lại với tờ báo. Tôi viết trên trang giấy trắng tên tôi và tên Châu nối liền với nhau. Châu cười với tôi âu yếm làm tôi sung sướng chết được, tôi muốn ôm chặt khuôn mặt ấy vào lồng ngực, dùng môi mình mở đôi mắt đang nhắm nghiền của Châu và hôn lên sự âu yếm ấy.

Ðồng hồ treo trên tường kêu long cong mấy tiếng cho biết giờ đã khuya rồi. Tôi vẫn chưa muốn về, ông già lần nầy quả quyết đứng lên, buông thõng tờ báo mà có lẽ nãy giờ ông không đọc một chữ. Rồi ông giận dữ nói:

- Thôi khuya rồi, còn cái gì cũng để sáng mai rồi hay. Cậu nên về đi cho con Châu nó ngủ. Con trai con gái có chuyện gì để ban ngày nói, nói chuyện ban đêm như thế này không tiện đâu.

Tôi hổ thẹn chết người, mặt mũi và hai tai bừng nóng như uống rượu. Không ngờ cái ông lão này lại ăn nói thẳng thừng như thế. Tôi nghiến răng trong miệng và đứng dậy. Ðôi mắt Châu van lơn khổ sở: Ngự đừng giận nghe, mai gặp lại. Rồi Châu bỏ đi nhanh vào phòng ngủ, tôi bỏ ra về mà không thèm gật đầu chào ông già. Khi ra ngoài trời đêm, cỏ ướt dưới chân làm tôi lạnh và buồn.

Có lẽ trong tình yêu, người nào đam mê nhiều nhất là người bị thua thiệt hơn cả. Tôi dần dà nhận thấy sự thua thiệt của mình (cái chữ “thua thiệt” có vẻ mua bán này thật kỳ cục). Bởi vì tất cả đời sống lúc này hoàn toàn dành cho Châu, điều này thật khó nói cho Châu biết. Tôi xao lãng những giờ học, bỏ hết những cuộc đi chơi với bạn bè, không còn chiều chiều đi tắm suối hay lên rừng lên rẫy, bỏ hết những sách báo mà tôi mê đọc, cả đến những giờ phút êm ấm nhất trong gia đình. Tôi nghĩ đến Châu luôn luôn trong ngày. Ban đêm tôi cố tưởng tượng đến một sự đổ vỡ, chia lìa để rồi trằn trọc mãi trong trái tim đau nhói.

Châu thì không thế bao giờ, Châu vẫn sống bình thường, vẫn đi học chăm chỉ, đi chợ nấu ăn hàng ngày, vẫn vui đùa với bạn bè trong những cuộc dạo phố, vẫn cứ giao thiệp với các bạn trai và với ai Châu cũng tỏ ra dễ thương được cả. Ðiều này làm tôi rất buồn. Tôi không còn phân biệt được nụ cười của Châu cho tôi và cho người khác. Châu mới 17 tuổi, nhưng đã lớn lắm rồi, khuôn mặt và thân hình rạng rỡ như một bông hoa lẳng lơ, một bông hoa có nhiều đứa con trai chạy quanh. Tự nhiên tôi cảm thấy sự lạnh nhạt càng ngày càng lộ trên đôi mắt hay lời nói của Châu đối với tôi.

Một hôm tôi nhờ thằng Y-Brư đưa cho Châu một lá thư ngắn. Thằng Y-Brư người Rhadé, bạn của mấy đứa em tôi trong những vụ đá dế, thằng nhóc này bắt chước người Việt từ chiếc áo ny-lông mỏng dính cho đến mái tóc chải dầu láng bóng nhưng chẳng bao giờ đi học tiếng Việt cả, nên nó chỉ nói được lõm bõm và không biết đọc biết viết gì cả. Như thế khỏi lo thằng Y-Brư đọc trộm thư khi nó thản nhiên bóc miếng giấy trắng ra xem chăm chú nhưng dĩ nhiên không hiểu gì.

“Châu,

Lâu nay không thấy Châu qua chơi, chắc Châu chán tôi rồi. Tụi bạn trên trường kể nhiều chuyện về Châu, tôi nghe rất buồn và không muốn nói lại chút nào cả. Châu bây giờ có vẻ thay đổi, hay không còn muốn gặp mặt tôi nữa.

Ngự”

Lời lẽ ghen tương thật trẻ con. Tôi chờ đợi một lá thư giải thích và vuốt ve sự hờn giận của tôi. Nhưng trái lại thằng Y-Brư chạy về, nó nói:

- Chị Châu xé tờ giấy của anh rồi, chị không nói gì cả.

Tôi đau điếng người, bỗng dưng bộ mặt đen thui của thằng Y-Brư trở nên đần độn, tôi muốn đá nó một cú nhưng cố dằn lại và nói:

- Mày qua đưa cho chị Châu thêm một lá thư nữa của tao, chờ tao viết một chút, chốc nữa về tao cho mười đồng mua bánh mì thịt.

Tôi lại cặm cụi viết, lần này tôi bỏ trong phong bì bức hình của Châu cho tôi hôm trước. Tôi nhìn khuôn mặt Châu trên tấm hình, khuôn mặt buồn và hình như trách móc làm tôi cảm thấy thương Châu hơn. Nhưng lòng tự ái trẻ con đã bùng lên không gì ngăn cản được.

“Châu

Không ngờ Châu khinh tôi như thế. Tôi gởi trả lại Châu tấm hình, tôi không muốn nhìn thấy nó nữa. Thôi bây giờ tụi mình coi như không quen biết nhau.

Ngự”

Tôi định đề thêm một chữ “vĩnh biệt” thật kêu nhưng lại thôi. Tôi ngán chữ này kinh khủng và biết rõ mình chẳng bao giờ thích vĩnh biệt Châu cả. Thằng Y-Brư lại trở về, lần này có cầm theo một miếng giấy nhỏ, mới nhìn qua nét chữ tôi biết ngay là của Châu.

“Ngự,

Ngự làm Châu bực mình quá, khi không bày đặt giận chi vậy? Ngự nghe tụi bạn nói gì về Châu, sao Ngự không nghe chính Châu nói? Mà thôi. Châu có làm gì mặc Châu, Ngự thắc mắc làm gì? Ngự không hiểu Châu gì cả, Ngự trả lại hình và muốn không gặp Châu nữa cũng được.

Châu”

Tôi buồn bã chết đi. Tôi cho thằng Y-Brư mười đồng bảo nó cút khỏi chỗ này để trả lại sự vắng vẻ hoàn toàn, nằm dài trên chiếc ghế dựa, tôi cảm thấy như thân thể chết lạnh ngắt, nhịp tim không còn đập nữa. Tôi muốn chết kỳ lạ. Hình ảnh của Châu chờn vờn khi thì méo mó như một ác quỷ khi đẹp lộng lẫy như một thiên thần.

Thế là hai đứa không nhìn mặt nhau đến ba ngày. Qua ngày thứ tư, tôi không chịu nổi tôi tìm đến xin lỗi và “làm quen” Châu trở lại. Ðã lâu rồi hai đứa mới có dịp đứng gần nhau và tôi ngần ngại ôm Châu vào lòng, hôn lên mùi thơm của mái tóc tôi đã quen hơi. Châu không nói gì cả, tôi không hiểu Châu có hài lòng hay sung sướng gì không. Tôi hỏi nhưng Châu không trả lời, Châu chỉ nói:

- Sao Ngự hay kiếm cớ để giận Châu thế? Ngự thích làm Châu khổ lắm phải không?

Tôi thấy thương Châu như một đứa em nhỏ.

- Không, từ giờ trở đi tôi không giận Châu nữa đâu. Châu làm gì cũng không giận hết, dù có gặp Châu đi chơi với thằng Mặt Mụn.

- Nữa, lại nhắc đến chuyện ấy hoài.

- Thôi không nhắc nữa.

Cùng một lúc, trong bóng đêm vắng lặng chỉ có tiếng gáy rù rù của bầy chim bồ câu trong chuồng, trong vòng tay ôm và những cái hôn vụng về, tôi cảm thấy hạnh phúc lẫn đau đớn ngập tràn trong người. Bởi vì tôi thấy không thể nào dửng dưng được với bất cứ hành động nào của Châu. Dầu cho là một nụ cười nhỏ của Châu đối với bạn bè, đối với những thằng anh bà con, đối với ông bố. Tôi ghét tất cả những người nào nhận được nơi Châu một nụ cười.

Nhưng một người đòi hỏi tuyệt đối, đòi hỏi quá nhiều không bao giờ hài lòng cả. Tôi càng thấy khổ sở vò xé mình vì những điều rất vô lý. Lại giận hờn, lại trả hình, lại xin lỗi, lại làm quen trở lại... Tất cả những vụ lôi thôi đó lập đi lập lại không biết bao nhiêu lần. Tôi cảm thấy ghét Châu vì Châu hình như ngày càng thờ ơ với tôi và đôi khi tỏ ra bực mình vì tôi nữa. Tôi biết mình ích kỷ như một đứa trẻ con, nhưng làm sao sửa đổi được. Có lẽ đến năm 90 tuổi, tôi vẫn thích được vuốt ve và nuông chiều như một trẻ thơ đòi sữa mẹ.

Cái gì rồi cũng đến lúc chấm dứt. Tình yêu của tôi và Châu cũng thế (không biết có phải là tình yêu không). Vì lý do gì tôi cũng không biết rõ. Như ánh nắng của mặt trời cứ đến chiều là tắt hẳn, tình yêu đến một lúc nào đó cũng hết, không ai hiểu rõ tại sao ngay cả những người trong cuộc.

Gia đình tôi đổi đi xa lần nữa. Tôi xa Châu, không có trong người một nét chữ nhỏ, một bức hình nào của Châu. Trời sớm mai ở Ban Mê Thuột giá lạnh làm tôi run rẩy dầu đã ngồi kín đáo trong chiếc xe đò, bến xe bên ngoài lầy lội bùn đỏ. Không có cuộc chia tay hay gặp gỡ lần cuối nào thật đẹp giữa hai đứa. Nếu không có chuyến đi này, Châu cũng đã xa tôi. Tôi còn nhớ Châu có giữ kín một cuốn nhật ký, không biết trong muôn ngàn chữ ấy có chữ nào dính dấp đến tôi không. Tôi cũng muốn bắt đầu một cuốn nhật ký bằng hình ảnh của Châu. Nhưng không bao giờ bắt đầu được vì khuôn mặt Châu vừa sống động vừa tan loãng mờ nhạt. Tất cả những chữ viết, ngôn ngữ tài tình nào cũng đành chịu. Hình ảnh Châu tốt hơn nên nằm êm ái trong tâm hồn mãi mãi.

*

Bây giờ buổi chiều đã hết. Ánh sáng của mặt trời đã tắt. Ánh sáng không biết của ai đang thắp nhỏ nhoi trong những ngọn đèn đường. Ký ức làm buổi chiều nặng trĩu, người cũng lặng lẽ như một bóng vô hình với hiện tại. Ðường phố, những người, những tiếng động như hư không, không thấy, không nghe gì cả. Người bỏ đi cho ghế trống trơn, khói thuốc đã hết bay lên từ chiếc gạt tàn...

Có những quá khứ thật êm đềm khiến người ta phải bỏ hết một đời để hồi tưởng. Tôi không phí phạm cuộc đời tôi như thế. Tôi không phải là kẻ ngưỡng mộ dĩ vãng, cuộc đời tôi còn dành cho nhiều điều khác, và cho tôi.

Bởi thế tôi đã quên. Chúng ta đều đã quên.
 
 
HOÀNG NGỌC TUẤN